Tôi ngồi chồm hỗm ngay trước mặt nó, rõ ràng nó nhìn thấy tôi nhưng vẫn quỳ như bức tượng, bình tĩnh là tố chất cơ bản của một kẻ lừa đảo, dù sao nó cũng đã đạt đến một trình độ tương đối.Có người đi qua, thả một đồng xu vào bát của nó, nó vẫn quỳ bất động, đến lông mày cũng không nhướn lên chút nào.

Hóa ra là thế! Suýt chút nữa là tôi đã thốt ra lời, lúc trước tôi cảm thấy Tứ Mao có gì đó chưa ổn nhưng mãi chẳng nghĩ ra, cuối cùng thì tôi cũng phát hiện ra, tất cả những phần khác cậu ta đều thể hiện rất hoàn hảo, nhưng mỗi khi người ta rút tiền từ túi ra, cậu ta xúc động đến nỗi hai mắt sáng quắc lên, nếu người ta thả tiền vào bát thì cậu ta hân hoan ra mặt, chẳng có vẻ gì là đang đau khổ.

Xem ra việc quan sát và học hỏi rất có lợi cho việc tìm ra được khuyết điểm của mình, thảo nào mà cơ hội du học nước ngoài theo diện nhà nước cử đi mọi người lại tranh cướp nhau kịch liệt đến thế, hóa ra nguyên do là ở cái ưu điểm này.

Tôi đứng dậy, dựa vào gốc cây bên cạnh, hai mắt không dời nó.

Có một bác gái đi qua, đứng đọc rất chăm chú cái biển của nó, nhìn nó với vẻ hết sức thông cảm, bác thở dài rồi rút trong túi ra một tệ, đang chuẩn bị thả vào bát thì tôi bỗng lên tiếng: "Ái chà chà!" Bác gái giật bắn mình, nhìn tôi chằm chằm.

Tôi cứ thủng thẳng nói một mình: "Giờ bọn lừa đảo thêu dệt nên mấy chuyện lừa đảo trình độ ngày càng tinh vi, có thể dựng thành phim được rồi."

Bác gái bắt đầu nghi ngờ, nhìn tôi hỏi: "Không thể nào?".

Tôi nói: "Tại sao lại không thể chứ, biết người biết mặt mấy ai biết lòng."

Cuối cùng bác gái đã bỏ đi mà không để một tệ lại.

Nó vẫn không nhúc nhích, kiên cường quá, tự đáy lòng tôi thấy khâm phục nó, nếu có người chọc gậy bánh xe thế này tôi và Tứ Mao đã vặn cổ hắn rồi, tất nhiên là chúng tôi cũng có cái lợi thế lấy số đông bắt nạt số ít.

Tính hiếu thắng trong tôi trỗi dậy, trong lòng nghĩ: "Xem cô em kiên định được đến mức nào."

Tôi đuổi một chú cho tiền khác, nó vẫn quỳ như tượng.

Tôi lại đuổi một con nhóc đi, nó vẫn bất động.

Tôi đuổi tiếp một thím, nó tiếp tục không nhúc nhích.

Tôi thất bại, đành ngồi bệt xuống đất mà quan sát nó, lúc này tính hiếu kỳ của tôi đã mạnh hơn tính hiếu thắng.

Khuôn mặt nó phảng phất một nỗi buồn, không phải, đúng hơn là sự bi thương, vài sợi tóc của nó phất phơ trên khuôn mặt, có lúc che lấp cả gò má, nó cúi gục đầu, đôi mắt lúc nào cũng cụp xuống, xung quanh xảy ra sự kiện gì nó cũng chẳng hề hay biết, đấy là cái mà tôi thấy khâm phục nhất.

Gió nổi lên, lá vàng nhẹ bay như múa lượn, những chiếc lá rơi bay lên mái tóc nó, nó co rúm người lại trông càng hiu quạnh đáng thương.

Tim tôi rung động, lẽ nào nó chọn cái cây này làm bối cảnh cũng là có nguyên nhân sao? Để tạo nên một khung cảnh hữu tình chăng? Lẽ nào một con bé vắt mũi chưa sạch như nó lại là một cao thủ mai danh ẩn tích?

Tôi không kìm được lòng, tôi thấy lo lắng cho tiền đồ của mình quá, trình độ của các đồng nghiệp được nâng cao nhanh hơn cả giá nhà đất, liệu còn con đường sống cho tôi không?

Khoé miệng nó nhúc nhích, một nỗi đau khổ hiện ra trên khuôn mặt nó, đầu nó hơi lắc lư, cảm giác như nước mắt đang chực tuôn ra.

Một năm nọ, Chủ tịch thị trấn đến nhà tôi phát gạo cứu đói, lúc ấy, mẹ tôi bằng chính cái cảm xúc này đã làm xiêu lòng ông Chủ tịch, hình ảnh mẹ lúc ấy được một phóng viên chụp lại, sau đó đăng trên tờ nhật báo lớn nhất của tỉnh với tiêu đề: "Tấm lòng của Chủ tịch thị trấn sưởi ấm lòng người", ông Chủ tịch vui đến nỗi lấy luôn chỗ gạo lẽ ra phát cho nhà cô Sáu phát hết cho nhà tôi.

Lúc mẹ tôi biết mình được lên báo bà chẳng vui tẹo nào, vì bức ảnh sẽ ảnh hưởng đến công việc làm ăn sau này, nhưng sau thấy mọi người trong thị trấn bàn tán quá nhiều, mẹ tôi lại thấy đắc ý lắm, sau này cứ nói chuyện gì là bà phải lái bằng được câu chuyện sang cái chủ đề bức ảnh rồi mới chịu kết thúc. Tất nhiên không phải là bà muốn kết thúc, mà hễ bà nói đến chủ đề này là mọi người lẩn đi như chạch.

Tôi ngó quanh, chẳng có ma nào, không phải nó định khóc cho tôi xem đấy chứ? Chẳng lẽ nó đã đạt đến trình độ nhập vai ngay cả lúc đời thường?

Tứ Mao thấy tôi đi lâu quá bèn bỏ cả đồ nghề chạy đi tìm tôi, vừa nhìn thấy con bé cậu ta "A!" lên một tiếng. Tôi giật mình, hay là Tứ Mao quen nó?

Tứ Mao gọi đứa con gái: "Tiểu Thuý, Tiểu Thuý!"

Cái đứa tên Tiểu Thuý này vẫn cứ như không nghe thấy gì, vẫn quỳ như tượng ở đó.

Tứ Mao thấy thế chạy lại lay lay nó, nó ngẩng lên, thấy Tứ Mao, con bé hơi bất ngờ

Tứ Mao hỏi: "Tiểu Thuý! Sao em lại ở đây?"

Con bé vuốt mái tóc lòa xòa che kín mặt sang một bên, tôi thấy tai nó bịt kín bằng bông gòn, tôi choáng hẳn, thảo nào tôi chọc phá nó suốt buổi mà nó chẳng phản ứng gì. p>

Bình luận

  • Bình luận

  • Bình luận Facebook

Sắp xếp

Danh sách chương