Viên trung uý kỵ binh Evgeni Litnhitki làm sĩ quan trung đoàn ngự lâm cận vệ Atamansky. Trong một cuộc đua ngựa của sĩ quan, hắn đã ngã ngựa, gãy mất cánh tay trái. Ở bệnh viện ra, hắn xin nghỉ phép về Yagonoie ở với bố một tháng rưỡi.

Viên tướng già sống một thân một mình ở Yagonoie. Lão đã goá vợ từ lâu. Vợ lão đã qua đời tại một nơi ở ngoại ô Varsava trong những năm tám mươi thế kỷ trước. Vốn là kẻ địch nhằm vào viên tướng Cô- dắc, nhưng lại bắn phải vợ lão cùng gã đánh xe và làm chiếc xe bốn bánh thủng lỗ chỗ ở nhiều nơi, còn viên tướng thì thoát chết. Vợ tướng Litnhitki chết đi để lại cho lão thằng Evgeni năm ấy mới lên hai. Sau đó chẳng bao lâu viên tướng về hưu. Lão chuyển đến ở Yagonoie và bắt đầu sống một cuộc đời khắc khổ, cách biệt hẳn với giới thượng lưu. (Đất đai của lão gồm bốn ngàn đê- xi- a- chin nằm trong tỉnh Saratov. Số đất nầy đã được triều đình cắt đất lập ấp cho đời tứ đại của lão sau khi ông nầy tham gia cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc vĩ đại năm 1812).

Khi Evgeni lớn lên, tướng Litnhitki gửi hắn vào học trường võ bị, còn mình thì tự quản lý lấy công việc làm ăn: lão chăn nuôi gia súc giống tốt. Lão mua được ở trại nuôi ngựa của hoàng đế những con ngựa giống chạy nước kiệu hay, cho nhảy những con ngựa cái tốt nhất mua ở nước Anh và ở trại ngựa giống Provansky vùng sông Đông, cuối cùng gây được một giống riêng. Trên phần đất mà lão được chia với tư cách là dân Cô- dắc và trên các khoảnh mua thêm, lão nuôi những đàn ngựa và trồng lúa mì (bằng tay người khác).

Mùa xuân và mùa thu lão thường đem đàn chó đi săn và thỉnh thoảng lại đóng chặt cửa cái phòng khách màu trắng, ở lì trong đó để tuý luý càn khôn hàng tuần. Cái bệnh đau dạ dày ác nghiệt làm tình làm tội lão rất nhiều; vì thế bác sĩ hết sức nghiêm khắc cấm lão nuốt các thức ăn mà lão đã nhai: lão chỉ nhai, mút lấy nước, rồi nhổ bã vào một cái đĩa nhỏ bằng bạc. Venhiamin, gã hầu phòng trẻ tuổi, dân mu- gích 1, luôn luôn đứng bên cạnh lão, đưa hai tay chìa cái đĩa bạc cho lão nhổ.

Venhiamin là một gã dở hơi dở người, da bánh mật. Không phải là tóc mà là một đám nhung đen nhánh mọc lên trên cái đầu tròn xoe của gã. Lão đã hầu cụ chủ Litnhitki sáu năm trời. Đầu tiên, hồi mới phải cầm cái đĩa bạc đứng bên cạnh ông tướng, gã đã không khỏi buồn nôn mỗi khi nhìn thấy lão già nhổ ra những miếng bã thức ăn xám xịt, nhai nát nhừ. Nhưng rồi gã cũng quen dần.

Kẻ ăn người ở trong dinh cơ, ngoài Venhiamin còn có mụ nấu bếp Lukeria, ông cụ chăn ngựa già yếu hom hem Xaska, chàng chăn bò Tikhol, chàng đánh xe Grigori vừa mới đến làm cùng với Acxinhia. Lukeria là một mụ da thịt nhẽo nhợt, rỗ nhằng rỗ nhịt, mông to tầy dành, toàn thân tương tự như một đống bột bánh vàng chưa lên men. Ngay hôm đầu, mụ đã đuổi không cho Acxinhia bén mảng tới bếp lò.

- Bao giờ sang hè, cụ chủ thuê người làm thì cô hãy thổi nấu, còn bây giờ thì một mình tôi xoay sở cũng xong việc.

Công việc của Acxinhia là lau sàn nhà mỗi tuần ba lần, cho gà vịt chim chóc ăn và quét dọn sân gà vịt cho sạch sẽ. Nàng mới bắt tay vào làm việc đã tỏ ra rất siêng năng, cố làm vừa lòng tất cả mọi người, kể cả mụ Lukeria. Grigori làm việc phần lớn thì giờ cùng với ông lão chăn ngựa Xaska trong cái tàu ngựa rộng thênh thang dựng toàn bằng những khúc gỗ tròn. Ông cụ đã sống đến lúc râu tóc bạc phơ, nhưng vẫn cứ là Xaska với cái tên hồi nhỏ. Chẳng ai muốn làm cụ vừa lòng bằng cách gọi cụ với tên chính thức kèm tên theo bố còn họ của cụ là gì thì có lẽ ngay lão già Litnhitki cũng chẳng biết, dù cho cụ đã sống ở nhà lão hơn hai chục năm rồi. Hồi còn trai trẻ, cụ Xaska đánh xe ngựa, nhưng đến khi gần đất xa trời, sức kiệt mắt kém, cụ phải vào làm trong tàu ngựa. Người cụ loắt choắt, râu tóc toàn một màu bạc trắng có chút ánh xanh lá cây (ngay đến hai tay cụ cũng mọc đầy những cái lông bạc). Từ hồi cụ còn nhỏ, mũi cụ đã bị một nhát vồ đập tẹt dí. Lúc nào người ta cũng thấy cụ hấp háy hai con mắt ngây thơ, nhằng nhịt những vết nhăn đỏ, nhìn mọi vật xung quanh với nụ cười hồn nhiên của con nít.

Hồi đi lính, một lần quá chén (cụ Xaska vốn là một dân "moskan" 2 ở Bogutra), cụ đã không uống vodka mà vớ nhầm một chai nước cường toan 3. Dòng hoá chất nóng bỏng như lửa đã gắn chặt môi dưới ông cụ xuống cằm, rồi chảy thêm đến đâu là để lại đến đấy một cái sẹo chéo hồng hồng, râu không mọc được nữa, nom rất nhộn. Cứ như có một con thú quái đản liếm qua chòm râu của cụ Xaska một cái, và cái sẹo chính là dấu vết cái lười ráp như lưỡi giũa của no.

Cụ Xaska rất hay uống vodka, và mỗi lần có tí tửu vào là cụ lại lang thang trong sân trang trại, cứ như chính mình là ông chủ của dinh cơ nầy. Chân nam đá chân siêu, cụ đến đứng trước cửa sổ phòng ngủ của cụ lớn, rồi giơ một ngón tay lên ngoáy ngoáy một cách tinh quái trước cái mũi buồn cười của cụ.

- Micolai Alechxeit! Micolai Alechxeit đâu thế hử? - Cụ gọi rất to, rất oai.

Nếu lúc ấy lão địa chủ già đang ở trong phòng ngủ thì thể nào lão cũng ra đứng ở cửa sổ.

- Lại tọng phễnh bụng rồi phải không, cái thằng ma men vô tích sự nầy? - Giọng lão ở trong cửa sổ đưa ra ồm ồm như sấm.

Cụ Xaska xốc xốc cái quần đang muốn tụt xuống, nheo mắt, mỉm cười láu lỉnh. Nụ cười hiện lên theo một đường chạy chéo qua khắp mặt ông lão: từ hai con mắt bên trái nheo nheo chếch xuống đến vết sẹo hồng hồng hằn lên từ mép bên phải, nom đến là ngang ngược, nhưng lại rất dễ thương.

- Micolai Lechxeit, quan lớn 5 ạ, ta biết rõ quan lớn lă- ă- ắm đấy nhé? - Cụ Xaska nói rồi giơ thẳng ngón tay khô quắt, đen thui thủi lên doạ.

- Thôi đi ngủ đi cho tỉnh rượu, - Lão địa chủ đứng trong cửa sổ mỉm cười làm lành, rồi đưa cả năm ngón tay ám khói thuốc lá lên vê bộ ria chảy xệ.

- Chẳng ma quỷ nào lừa nổi lão Xaska nầy đâu! - Cụ Xaska vừa cười vừa bước tới bên hàng rào. - Micolai Alechxeit ạ, lão… lão thì cũng như ta thôi. Hai chúng mình thật như cá với nước. Cá lặn xuống đáy sông, còn hai ta thì… thì ra sân đập lúa. Mà cả ta lẫn lão đều giàu sang phú quý như thế nầy nầy! - Cụ Xaska dạng chân, dang rộng hai tay. - Khắp quân khu sông Đông nầy, ai mà không biết hai chúng mình? Hai chúng mình… - giọng cụ Xaska bỗng trở nên bi thảm và thấm thía. - Ta với quan lớn, quan lớn ạ, thì mặt nào cũng đều tốt đẹp, chỉ phải hai cái mũi của chúng mình cú thum thủm đấy thôi!

- Tại sao thế? - Lão địa chủ cười đến tái xanh tái tím, râu ria rung loạn xạ; lão ngạc nhiên hỏi cho rõ.

- Vì vodka chứ còn sao nữa? - Cụ Xaska nói rành rọt từng tiếng, nháy mắt lia lịa và thè lưỡi ra liếm dải nước bọt chảy theo vết lõm của cái sẹo hồng hồng. - Nầy, Micolai Alechxeit ạ, đừng rượu chè nữa đấy, nếu không hai chúng mình đều bỏ mẹ cả thôi, bao nhiêu của chìm của nổi đều khánh kiệt hết thôi!

- Thôi nầy, nốc thêm vào cho hết say!

Lão địa chủ ném qua cửa sổ một đồng hai mươi kopek, cụ Xaska đón bắt rất lẹ, rồi giấu đồng tiền vào lần lót của cái mũ cát- két.

- Thôi tạm biệt ông tướng nhé, - Cụ chào xong thở dài bỏ đi.

- Nhưng đã cho ngựa uống nước chưa? - Lão địa chủ vừa hỏi vừa mỉm cười trước. Lão đã biết cụ Xaska sẽ trả lời những gì.

- À cái thằng quỷ ghẻ! Thật là đồ chó đẻ! - Cụ Xaska đỏ mặt tía tai gầm lên, giọng phá ra. Cơn phẫn nộ làm cụ như lên cơn sốt rét. - Thằng Xaska nầy mà quên không cho ngựa uống nước à? Sao lại có chuyện như thế được. Dù chết đến nơi, lão cũng bò lết đem được cho mỗi con một thùng nước giếng, thế mà nó lại dám nghĩ như vậy? Cũng ra cái điều!

Cụ Xaska giơ nắm tay lên doạ, vặc rầm lên một trận rồi bỏ đi. Nhục nhã oan ức đến thế thì chịu sao nổi?

Người ta tha thứ cho cụ Xaska hết thảy: cả cái bệnh rượu chè lẫn cái thói suồng sã bừa bãi với cụ chủ, vì kiếm đâu ra một người coi ngựa làm thay nổi cụ Xaska? Mùa đông cũng như mùa hè, cụ đều ngủ dưới mái tàu ngựa, trong một khoang nhốt ngựa bỏ không. Không ai chăm sóc ngựa được như cụ, cụ vừa coi ngựa vừa là một ông lang chữa thuốc cho ngựa. Mùa xuân, hễ đến tháng Năm, khi các giống cỏ ra hoa cụ lại đi kiếm cỏ dấu, đi đào những rễ cây thuốc ngoài đồng, trong những khe khô và khe nước. Trên tường tàu ngựa treo rất cao những bó đủ mọi thứ cỏ khô: cỏ tảo xuân chữa bỏng, cỏ mắt rắn chống nọc rắn, cỏ hắc diệp dùng khi ngựa gãy chân, một thứ cỏ trắng mọc dưới gốc những cây liễu trong rừng, rất khó nhận ra, dùng khi ngựa bỗng trở nên trái tính. Ngoài ra còn rất nhiều thứ cỏ khác không tên không tuổi để chữa cho ngựa những lúc trái nắng trở trời.

Ở tàu ngựa, nơi cụ Xaska ngủ trong khoang buộc ngựa, mùa đông cũng như hè, lúc nào cũng phảng phất một mùi hương ngai ngái, lờm lợm, lơ lửng trong khôngkhí như cái mạng nhện. Cụ nằm trên chiếc giường ván trải mảnh áo ngựa, lớp rơm đã nén lâu rắn như đá và cái áo choàng bằng dạ thô của cụ. Ngoài cái áo choàng hôi sú nặc mùi mồ hôi ngựa nầy và tấm áo da thuộc ngắn, gia tài của cụ Xaska chẳng còn gì khác.

Tikhol, gã Cô- dắc môi dày, khỏe mạnh nhưng hơi ngớ ngẩn, cùng ở với mụ Lukeria. Tuy chẳng có bằng chứng gì, nhưng gã cứ ghen bóng ghen gió với cụ Xaska. Chừng mỗi tháng một lần, gã lại nắm lấy khuy áo chiếc sơ- mi nhớp nhúa của cụ Xaska, kéo cụ ra sau nhà.

- Nầy bố già, bố đừng nhòm ngó vợ tôi đấy!

- Chuyện ấy thì nói thế nào bây giờ nhỉ? - Cái nháy mắt của cụ Xaska đầy ý nghĩa.

- Nên thôi đi, bố già ạ? - Tikhol van vỉ.

- Nhưng anh bạn thân mến ạ, lão lại thích những ả mặt rỗ đấy. Chẳng cần cho lão một cốc rượu, cứ đem đến cho lão một ả mặt rỗ là được rồi. Cái bọn khốn nạn ấy, chúng nó càng rỗ nhằng rỗ nhịt lại càng yêu anh em mình.

- Bố đã sống đến ngần nầy tuổi rồi thì cũng phải biết xấu hổ chứ? Làm như thế là có tội đấy. Mà bố còn là thầy thuốc, bố biết chữa bệnh cho ngựa, biết lời thiêng…

- Lão là thầy thuốc về tất cả các mặt đấy. - Cụ Xaska vẫn khăng khăng.

- Nên thôi đi, bố già ạ? Không thể làm như thế được đâu.

- Nầy người anh em ạ, mụ Lukeria nầy nhất định sẽ về tay lão cho mà xem. Cậu hãy chia tay với nó, với con mụ thổ tả ấy đi. Lão sẽ chiếm lấy mụ? Mụ cũng như một cái bánh trứng có nho khô ấy mà. Chỉ vì nho khô đã bị nạy đi cả cho nên mụ mới hơi rỗ một chút như thế thôi. Lão vốn yêu những mụ như thế?

- Thôi cầm lấy nầy… nhưng chớ có làm vướng chân tôi đấy, tôi thì giết. - Tikhol vừa nói vừa thở dài móc trong túi thuốc ra vài đồng xu đồng.

Chẳng tháng nào không có một lần như thế.

Cuộc sống ở Yagonoie lên mốc lên meo trong một bầu không khí đờ đẫn ngái ngủ. Cái trang trại hẻo lánh nầy nằm trong một khe núi khô, xa các đường cái, sang thu rồi là chẳng còn dính líu đi lại gì với trên trấn cũng như với các thôn. Mùa đông, trên ngọn gò dựa lưng vào khu rừng, nhô ra như một mũi cát trên mặt biển, đêm đêm thường có những đàn chó sói qua mùa đông trong khu rừng Đen chạy ra gào hú, làm cho những con ngựa hết cả hồn vía. Những lúc như thế, Tikhol lại vác khẩu súng hai nòng của lão địa chủ vào rừng bắn đùng đoàng vài phát. Còn mụ Lukeria thì quấn tấm chăn vải thô quanh cặp mông to bè bè như tám gang đậy lò, nín thở chờ nghe tiếng súng. Mụ đăm đăm nhìn vào bóng tối, hai con mắt sưng húp trên cặp má bánh dầy rỗ nhằng rỗ nhịt. Lúc nầy, đối với mụ, gã Tikhol dở hơi và hói đầu của mụ là một chàng dũng sĩ đẹp trai dũng cảm tuyệt vời. Rồi đến khi cánh cửa của nhà đầy tớ mở bật ra cho Tikhol vào cùng với một đám hơi nước mù mịt, mụ lại nhường cho gã một chỗ trên giường, rồi vừa lẩm bẩm những lời âu yếm nựng nịu, vừa sung sướng ôm lấy gã nhân tình đang rét run như cầy sấy.

Mùa hè, ở Yagonoie đến khuya vẫn còn lao nhao tiếng những người đến làm công. Lão địa chủ gieo khoảng bốn mươi đê- xi- a- chin những thứ lúa khác nhau, vì thế phải thuê thợ gặt. Mùa hè, năm thì mười hoạ, Evgeni lại về trang trại. Hắn lang thang ngoài vườn và trong khu rừng sát ven ấp, sống những ngày chán ngán, sáng sáng mang cần câu ra ngồi lì bên bờ ao. Người hắn thấp, nhưng ngực nở nang, tóc để theo kiểu Cô- dắc với một bờm tóc chải sang bên phải. Bộ quân phục sĩ quan may rất khéo bó sát người hắn.

Hồi mới cùng Acxinhia đến trang trại, mấy ngày đầu Grigori cũng thường hay lên chơi với cậu chủ. Venhiamin bước vào nhà đầy tớ, nghiêng cái đầu có bộ tóc đen như nhung, mỉm cưởi.

- Lên nhà đi, Grigori, chỗ công tử ấy, công tử cho gọi cậu đấy.

Grigori bước vào, đứng lại ở chỗ cái đà ngang cửa. Công tử Evgeni Nicolaevich hơi nhe hàm răng to nhưng thưa, giơ tay chỉ một cái ghế dựa:

- Anh ngồi xuống đi.

Grigori ngồi xuống mép ghế.

- Anh có thích những con ngựa của nhà ta không?

- Những con ngựa tốt lắm. Con xám rất tốt.

- Anh hãy lấy nó đi cưỡi nhiều hơn một chút. Nhưng chú ý đừng phóng nước đại.

- Cụ Xaska đã dặn tôi rồi.

- Còn con Kreput thì thế nào?

- Con hạt dẻ ấy à? Nó thì vô giá. Nhưng móng bắt đầu có vết rồi đấy phải đóng móng lại mới được.

Cậu công tử nheo cặp mắt sắc ngọt hỏi:

- Nhưng đến tháng Năm nầy anh phải đến trại lính cơ mà?

- Đúng thế đấy ạ.

- Tôi sẽ nói với ông ataman, anh sẽ không phải đi.

- Xin cảm ơn quan lớn lắm.

Hai người nín lặng một lát. Viên trung uý cởi cúc cổ áo quân phục, gãi gãi cái ngực trắng hếu như ngực đàn bà.

- Thế nào, anh không sợ thằng chồng của Acxinhia đến lấy lại nó trong tay anh à?

- Nó bỏ rồi, không lấy lại nữa đâu.

- Ai nói với anh thế?

- Hôm lên trấn mua đinh đóng móng ngựa, tôi có gặp một bà con trong thôn. Người ấy nói Stepan dạo nầy rượu chè không còn biết trời đất là gì nữa. Nó bảo: "Tôi không thiết gì đến con Acxinhia nữa, nó không còn đáng một đồng xu nhỏ. Mặc xác nó, tôi sẽ kiếm được một đứa khá hơn nhiều".

- Acxinhia là một cô nàng đẹp đấy. - Viên trung uý vừa nói vừa mơ màng nhìn cao hơn con mắt của Grigori, một nụ cười dâm đãng nở trên môi hắn.

- Kể ra cũng được, - Grigori đồng ý rồi cau mày.

Hạn nghỉ phép của Evgeni đã sắp hết. Hắn đã có thể bỏ băng đeo, dễ dàng giơ tay, nhưng vẫn chưa gập được khuỷu.

Mấy ngày cuối cùng, hắn rất hay xuống la cà dưới gian Grigori ở trong nhà đầy tớ. Acxinhia đã quét vôi lại căn phòng mốc meo bẩn thỉu lau rửa các khung cửa sổ, lấy gạch vụn sát kỹ sàn nhà. Căn phòng nhỏ trống huếch trống hoác nhưng tươi vui tràn ngập không khí ấm cúng của nơi có mặt người đàn bà. Hơi nóng toả ra từ cái bếp lò chôn dưới đất. Viên trung uý khoác lên vai chiếc áo măng- tô ngắn may kiểu Romanov bằng dạ xanh da trời rồi láng cháng xuống nhà đầy tớ. Hắn cứ nhằm những lúc Grigori bận chăm nom cho ngựa mới mò tới. Đầu tiên hắn tạt vào nhà bếp, pha trò vài câu với mụ Lukeria rồi quay ra để rẽ vào nửa nhà bên kia. Hắn ngồi xuống chiếc ghế đẩu kê bên cạnh bếp lò, gù hẳn lưng xuống và nhìn Acxinhia chằm chằm bằng hai con mắt tươi cười rất vô liêm sỉ. Thấy Evgeni có mặt trong phòng, Acxinhia mất hết bình tĩnh, đôi kim đan trên chiếc bít tất đan dở rung lên trong tay nàng.

- Acxuska, chị ở đây thấy thế nào? - Viên trung uý hỏi rồi hà một hơi thuốc, khói xanh um cả căn phòng nhỏ.

- Xin cám ơn quan lớn.

Acxinhia ngước nhìn lên bắt gặp cặp mắt trong suốt của viên trung uý, thấy trong đó nói lên không cần dùng lời tất cả dục vọng của hắn. Nàng đỏ bừng mặt. Acxinhia cảm thấy bực bội khó chịu mỗi khi nhìn thấy hai con mắt nhạt mầu, trần truồng của cậu chủ Evgeni Nicolaevich. Nàng trả lời không đầu không đũa các câu hỏi vô vị của hắn, và chỉ tìm cách mau chóng bỏ di chỗ khác.

- Tôi phải đi đây. Còn đổ thóc cho vịt.

- Chị ngồi thêm một lát nào. Còn kịp chán. - Viên trung uý mỉm cười hai chân hắn run bắn lên trong cái quần cưỡi ngựa may rất sát.

Hắn lân la hỏi mãi Acxinhia về cuộc đời của nàng trước kia. Hắn cố ý dùng những âm trầm của cái giọng hệt như giọng của bố hắn, trong khi đó hai con mắt sáng, trong như nước suối của hắn cứ nói lên những điều thô bỉ, vô liêm sỉ.

Làm xong công việc, Grigori trở về nhà đầy tớ. Tên trung uý dập tắt ngay ngọn lửa vừa nãy còn bừng bừng trong mắt hắn, mời Grigori hút điếu thuốc rồi bỏ ra ngoài.

- Nó ngồi đây làm gì thế? - Grigori không nhìn Acxinhia, hỏi giọng khàn khàn.

- Em làm thế nào mà biết được? - Nhớ lại cặp mắt tên trung uý, Acxinhia bật cười, một tiếng cười chẳng tự nhiên chút nào. - Nó vào trong nầy, ngồi xuống ở chỗ kia kìa, anh Griska ạ, anh hãy xem, cứ như thế nầy nầy, - Nàng bắt chước kiểu tên trung uý ngồi, lưng còng xuống rất giống. - Và nó cứ ngồi mãi ngồi mãi, làm em đến buồn nôn. Mà hai đầu gối nó thì nhọn hoăn hoắt, nhọn ơi là nhọn.

- Và em thì tiếp chuyện nó, phải không? - Grigori cau mày đầy vẻ bực tức.

- Em thiết gì cái thớ nó!

- Nầy liệu liệu đấy, kẻo tôi chỉ búng một cái là cho nó bắn ra ngoài thềm ngay.

Acxinhia mỉm cười nhìn Grigori và không thể nào hiểu được là chàng nói thật hay nói đùa.

--- ------ ------ ------ -------1 Đây là nông dân không phải dân Cô- dắc (ND).

2 Moskan là cái tên mà dân Ukraina và dân Belorussia thường dùng để gọi binh lính, nhân viên chính quyền và dân Nga một cách khinh bỉ (ND).

3 Một dung dịch hoá học gồm một phần acide nitric và ba phần một chất muối làm cho dung dịch hoà tan được vàng (ND).

4 "Micolai" là hình thức xàm xỡ để gọi "Nicolai", còn "Lechxeit" là cách gọi tắt "Alexeevich" (ND).

5 Riêng đối với hai chữ "quan lớn" của dòng nầy, không kể bên dưới), nguyên văn là một hình thức kính trọng để xưng hô với một mục sư (ND).

Bình luận

  • Bình luận

  • Bình luận Facebook

Sắp xếp

Danh sách chương