Đường Thận hơi ngại ngùng, cậu ngước mắt nhìn Vương Trăn, tự dưng không biết phải phản ứng sao cho hợp lí.

Vương Trăn cười: “Tiểu sư đệ, đi thôi?”

Đường Thận cảm thấy thật mông lung: “…Vâng.”

Hai người lên kiệu, Vương Trăn nói: “Đến Quốc Tử Giám.” Phu kiệu nâng kiệu lên, khởi hành về phía Quốc Tử Giám.

Chế độ dành cho quan lại của Đại Tống cũng vẫn như trước, rất khắt khe với chi phí ăn mặc của các quan. Quan nào không đủ phẩm cấp thì không được phép treo đèn hoặc sử dụng kiệu, liễn vượt cấp1. Kiệu và liễn của quan Thượng thư nhị phẩm rất rộng rãi, đủ cho ai người ngồi kế nhau mà không chật.

[1] Kiệu thì được khiêng, còn liễn thì được kéo.

Thịnh Kinh ngựa xe tấp nập, người ngợm ồn ào, nhưng cái ồn ã của thành thị đã bị ngăn cách ở bên ngoài cỗ kiệu. Bên trong, Đường Thận ngồi hết sức ngay ngắn.

Trong kiệu im phăng phắc, không ai mở miệng nói câu nào.

Kiệu đi ngang qua một con phố nhiều hàng ăn, liền nghe tiếng rao í ới của người bán hàng rong. Vương Trăn mở mắt, hỏi: “Ăn tối chưa?”

Đường Thận ngạc nhiên, nghiêng đầu nhìn chàng.

Dù kiệu lớn đến mấy thì hai người ngồi cũng sẽ hơi gần nhau. Đường Thận liếc mắt ra chỗ khác, tĩnh tâm lại rồi đáp: “Chưa ạ.”

Vương Trăn ra lệnh cho kiệu phu: “Đi Thái Kỳ trai.”

Kiệu phu tuân lệnh: “Vâng.”

Đường Thận ngơ ngác, cậu đến Thịnh Kinh mới được có mấy hôm, chẳng biết Thái Kỳ trai là chỗ nào cả. Tuy vậy, xem ra đi Thái Kỳ trai cũng tiện đường, kiệu phu không đổi hướng, chỉ khiêng thẳng về phía trước, độ một khắc thì dừng lại. Khoảng một chung trà sau, kiệu phu dâng lên một gói điểm tâm ngọt, cầm trên tay vẫn còn ấm nóng. Đường Thận mở gói ra, thì ra là bánh nếp viên2, vừa dẻo thơm lại vừa trắng trẻo.

Đường Thận nhận ra ý của Vương Trăn, nhưng cậu trông Vương Trăn không có vẻ định ăn bánh cả. Đường Thận lấy làm lạ, bèn đóng túi bánh nếp viên lại, nói: “Sư huynh, đệ không nên ăn trong kiệu của huynh.”

Vương Trăn nhìn cậu: “Ta không ngại.”

Đường Thận nghiêm túc nói: “Người quân tử không nói chuyện lúc ăn, không nói chuyện lúc ngủ. Ăn mà không có bàn ghế, phòng ốc, cũng là bất lễ.”

Vương Trăn có vẻ bất ngờ, chàng nhìn Đường Thận một lát rồi cười: “Tiểu sư đệ thú vị3 thật đấy. Vậy xử lí xong học tịch của đệ rồi mang về ăn nhé. Bánh ngọt của Thái Kỳ trai cũng khá nổi tiếng ở Thịnh Kinh, nếu đệ thích, sau này cứ nếm thử các món khác, có nhiều chi nhánh trong thành lắm.”

“Nếu sư huynh đã nói vậy, nhất định đệ sẽ ăn thử.”

Chẳng bao lâu cỗ kiệu đã tới Quốc Tử Giám. Đường Thận xuống kiệu theo Vương Trăn.

Vương Trăn vẫn mặc nguyên quan phục thuần màu đỏ, chàng vừa đến Quốc Tử Giám đã được lính gác cung kính đón vào, sau đó quan Tế tửu4 được mời đến. Quan Tế tửu là một ông già tóc hoa râm, bụng phệ. Ông ta thấy Vương Trăn thì hết sức bất ngờ, tiến tới hành lễ với chàng: “Vương đại nhân.”

Vương Trăn đáp lễ: “Lâm đại nhân.”

“Lâu rồi mới có dịp Vương đại nhân ghé thăm Quốc Tử Giám, chẳng hay hôm nay ngài có chuyện gì? Thượng thư đại nhân tới vừa khéo, hạ quan mới đang chuẩn bị đi về, nếu trễ chút nữa, e là chỉ còn mấy trăm học trò trong Quốc Tử Giám có thể nghênh tiếp đại nhân thôi.”

Vương Trăn cười nói: “Quả thực là có việc muốn nhờ.” Chàng nghiêng mình, nói: “Vị này chính là sư đệ của ta, tên là Đường Thận, tự là Cảnh Tắc, đến từ phủ Cô Tô. Năm ngoái đệ ấy đã đỗ tiểu tam nguyên đồng sinh ở Cô Tô, giờ đệ ấy có mong muốn học tập ở Thịnh Kinh, dự thi Hương vào tháng tám. Quốc Tử Giám có thể điều chuyển học tịch của đệ ấy lên đây và nhận đệ ấy vào học không?”

Lâm Tế tửu đáp: “Đương nhiên là được, nhưng các cống sinh vào học ở Quốc Tử Giám đều cần thư tiến cử.”

Đường Thận chợt nhớ ra rằng Phó Vị có bảo là sẽ viết thư cho cậu, nhưng khi cậu rời Phó phủ thì ông đã quên mất, không đưa thư cho cậu. Đường Thận đang định nói “Thư tiến cử xin để mai đem tới” thì Vương Trăn đã lên tiếng trước: “Để ta viết thư cho đệ ấy.”

Lâm Tế tửu nói: “Vương đại nhân đích thân tiến cử thì quá ổn rồi.”

Ba người cùng nhau vào một thư phòng, Lâm Tế tửu mang giấy và bút nghiên đến. Vương Trăn xốc nhẹ tay áo lên, cầm thỏi mực, đổ chút nước vào nghiên rồi mài mực. Đoạn, chàng lấy một cây bút lông dê mảnh từ giá bút, chấm mực, đặt bút viết thư.

Lâm Tế tửu khen: “Chữ của Vương đại nhân phong thần tuấn lãng, cốt thanh kỳ chính. Nửa năm trước đã vinh hạnh được chiêm ngưỡng một lần, hôm nay phong độ của ngài chẳng hề suy suyển!”

Vương Trăn: “Lâm đại nhân quá khen.”

“Hạ quan nói thực lòng thực dạ.”

Lâm Tế tửu nịnh mà mặt không đổi sắc, Vương Trăn cũng chẳng buồn phản ứng, như thể lẽ dĩ nhiên!

Đường Thận đứng quan sát liền muốn học theo, bèn lẳng lặng đến bên mài mực.

Vương Trăn viết xong hai hàng chữ thì phải chấm mực tiếp, lúc ấy mới chú ý Đường Thận đang mài mực cho mình. Chàng liếc nhìn Đường Thận, Đường Thận đang chăm chú theo dõi chàng viết chữ. Vương Trăn dời ánh mắt, chấm mực viết tiếp. Chỉ trong chốc lát, chàng đã viết xong một bức thư tiến cử, thổi ráo mực rồi giao cho Lâm Tế tửu.

Lâm Tế tử nói: “Thế này là được rồi. Về phần học tịch, hạ quan đã rõ, nhưng giờ Quốc Tử Giám nghỉ mất rồi, để mai hạ quan sẽ cho chuyển học tịch của Đường công tử.”

Chẳng ngờ Vương Trăn nói: “Chuyển học tịch từ phủ Kim Lăng lên đây, quanh đi quẩn lại cũng phải mất một tháng đấy.”

Lâm Tế tửu ngẩn ra, nghĩ ngợi một lát rồi hỏi: “Ý của Vương đại nhân là…”

Vương Trăn nhẩn nha ngắm nghía cây quạt trắng, vuốt ve khung quạt bằng ngọc: “Cống viện Giang Nam cũng chẳng phải nơi hung hiểm gì cho cam, trông coi không quá nghiêm ngặt, hằng năm thỉnh thoảng cũng làm mất một vài học tịch tú tài, chỉ cần bổ sung đầy đủ là được. Đôi khi tưởng là làm mất, nhưng rốt cuộc cũng tìm lại được, không ảnh hưởng gì mấy đến cống sinh. Quốc Tử Giám là thánh địa đào tạo rường cột Đại Tống, phải chuyên tâm vào việc học hành bài vở của các học trò, nếu lãng phí nhân lực vật lực vào chuyện học tịch thì đúng là thiếu sót lớn của thể chế quan lại triều ta đấy.”

Lâm Tế tửu thông suốt ngay tức thì: “Ngày mai học tịch của Đường công tử sẽ tới ngay Quốc Tử Giám ạ.”

Vương Trăn cười: “Ta và sư đệ về trước, Lâm đại nhân không cần tiễn.”

Lâm Tế tửu: “Vương đại nhân đi thong thả!”

Vương Trăn và Đường Thận cùng nhau ra khỏi Quốc Tử Giám.

Vương Trăn hỏi: “Đến Thịnh Kinh bao lâu rồi, đã có chỗ ăn ở chưa?”

Đường Thận vẫn chưa tỉnh lại từ cuộc trò chuyện ban nãy, phải mất một lúc cậu mới định thần, đáp: “Rồi ạ, đệ ở bên cạnh Quốc Tử Giám.”

Vương Trăn nhíu mày: “Để tiện đi học ở Quốc Tử Giám hàng ngày hả?”

“Vâng.”

Vương Trăn: “Nếu thế, ta tiễn đệ một đoạn.”

Hai người lại lên kiệu, Vương Trăn cho kiệu đưa Đường Thận về tận đầu hẻm. Đường Thận xuống kiệu, Vương Trăn liền lấy quạt trắng hé mành kiệu ra, nói: “Xuân nhật trì trì, hủy mộc thê thê.” (Ngày xuân trễ tràng, um tùm cây cỏ)

Đường Thận chẳng hiểu mô tê gì, nhưng bộ não đọc một lần là nhớ của cậu phản ứng trước cả chủ nhân: “Thương canh giai gia, thái phiền kỳ kỳ?” (Chim thương ríu rít, thong thả thái rau) 5

“Thái phiến kỳ kỳ” là một câu thơ từ Kinh Thi.

Thái Kỳ trai được đặt tên theo câu thơ này.

Vương Trăn mỉm cười nói: “Sư đệ chớ để đói bụng nhé.”

Đường Thận: “…”

Thì ra là nhắc cậu đừng quên túi bánh nếp viên!

Đường Thận cầm túi bánh nếp: “Vâng.”

Mành kiệu buông xuống, giọng nói êm ái của Vương Trăn vang lên từ trong kiệu: “Về phủ Thượng thư.”

Chỉ một lúc sau, cỗ kiệu đã khuất bóng ở đầu hẻm.

Đường Thận ôm gói bánh nếp viên, nhìn theo hai chiếc đèn quan Thượng thư biến mất ở đầu đường, thở dài. Vương Trăn đi rồi, Đường Thận hơi đâu mà quan tâm “ăn phải có bàn ghế, phòng ốc” nữa, cậu vừa về nhà vừa bóc gói bánh ra xơi.

“Uầy, ngon thế.” Nhoắng cái cậu đã xơi hết hai cái bánh.

Ăn no rồi, Đường Thận hồi tưởng lại sự việc trong Quốc Tử Giám hôm nay, cảm khái: “Đường Cảnh Tắc, đây chính là quan trường đấy!” Khi cậu về nhà, Diêu Tam đã đun sẵn nước tắm cho cậu, Đường Thận bèn đi tắm luôn.

Về thời cổ đại rồi, Đường Thận vẫn mê tắm như xưa. Hồi ở thôn Triệu gia nghèo nàn, ăn uống còn thiếu thốn nữa là tắm rửa. Đến Cô Tô, điều kiện sinh hoạt khá lên, Đường Thận quay về với sở thích cũ ngay. Khoát tay lên mép thùng tắm, cậu nhắm mắt thư giãn.

Bỗng, Đường Thận mở bừng mắt, giật mình tự hỏi: “Anh ta biết tên mình là Cảnh Tắc từ lúc nào?” Một lúc sau, “Không đúng, sao anh ta biết cả việc mình đỗ tiểu tam nguyên đồng sinh phủ Cô Tô? Vì Lương tiên sinh viết thư nói cho anh ta và Phó tiên sinh, hay tự anh ta đã điều tra mình từ sớm nên biết nhiều thế?”

Đường Thận: “…”

“Ông sư huynh này của mình, rốt cuộc là kiểu người gì đây!”

Than thở xong, Đường Thận quyết định rằng từ giờ đối mặt với Vương Tử Phong phái chú tâm gấp mười lần, cẩn thận hơn nữa.

Sang ngày hôm sau, Đường Thận đến Quốc Tử Giám thì phát hiện mình đã trở thành học sinh Quốc Tử Giám, học tịch cũng được “điều” đến Quốc Tử Giám rồi. Ba ngày trước là thọ đản tám mươi tuổi của Thái hậu, toàn bộ Quốc Tử Giám nghỉ nửa tháng, học trò không ai phải đi học cả. Đường Thận lĩnh tiền đèn sách tháng này của mình, nhận đồng phục học sinh rồi về nhà6.

Đến Thịnh Kinh được ba ngày thì không ngày nào Đường Thận với Diêu Tam không bận rộn. Hôm nay có thời gian rỗi rãi, hai người bèn dạo chơi trong kinh thành khổng lồ này.

Thịnh Kinh không hổ là kinh đô của Đại Tống.

Phủ Cô Tô có ưu thế địa lí, nằm ngay sát Đại Vận Hà, là đầu mối thông thương của toàn vùng Giang Nam nên mới giàu có và đông đúc đến vậy. Còn Thịnh Kinh thì khác. Ở Cô Tô rất hiếm khi thấy người Hồ, người Liêu, nhưng ở Thịnh Kinh thì những tộc người này có mặt ở khắp nơi. Họ không khác với người dân Thịnh Kinh lắm, tuy có trang phục riêng, nhưng họ cũng học theo thói quen ăn cơm, uống trà của người Thịnh Kinh.

Hồi ở phủ Cô Tô, Diêu Tam từng bảo với kế toán Lâm là: “Thịnh Kinh cũng tốt đấy, song phủ Cô Tô của chúng ta chẳng kém cạnh đâu.” Đến khi được trải nghiệm kinh đô, Diêu Tam nản chí bảo với Đường Thận: “Tiểu đông gia, tôi cứ tưởng việc kinh doanh nhà ta ở phủ Cô Tô đã khá hoành tráng rồi, đến Thịnh Kinh hẳn cũng làm được, nhưng hôm nay đi thăm thú nơi đây mới biết Thịnh Kinh khổng lồ quá, e là chúng ta không làm ăn nổi.”

Đường Thận: “Anh nói cũng không sai đâu.”

Diêu Tam: “Lẽ nào có cách xoay xở ư?”

Xà phòng, xà phòng thơm, tinh dầu, những thứ nhu yếu phẩm và xa xỉ phẩm này ở Thịnh Kinh đều có thị trường, nhưng ở Thịnh Kinh không có nhà họ Đường, cũng không có Lương Tụng chống lưng cho Đường Thận. Lật một bảng hiệu ở Thịnh Kinh cũng có thể lòi ra năm ông quan. Những cái Đường Thận nghĩ ra hoàn toàn có thể bán được, thậm chí là bán chạy, nhưng chỉ cần cậu thành công sẽ có người ngứa mắt, khiến cậu khó lòng buôn bán thuận lợi.

Nhờ Phó Vị và Vương Trăn cũng là một biện pháp hay, nhưng quan hệ của Đường Thận với họ là thầy trò và sư huynh đệ. Tục ngữ có câu yêu nhau rào giậu cho kín7, Đường Thận với hai thầy trò họ không thân cũng chẳng quen, lợi nhuận từ việc kinh doanh xà phòng lại quá khổng lồ, nếu không có sự hợp tác qua lại giữa đôi bên thì không thể làm được.

Dịch vụ hậu cần thì càng bất khải thi.

Phủ Cô Tô có hơn mười vạn nhân khẩu, còn Thịnh Kinh thì sao? Có đến hơn trăm vạn!

Tiền vốn để làm hậu cần ở kinh thành là thứ mà hiện giờ Đường Thận chưa có được.

Nhưng…

“Diêu đại ca, tôi thấy kinh doanh bát hà cung cũng khả thi đấy!”

Diêu Tam hết hồn, nói: “Tiểu đông gia, lầu Tế Hà của chúng ta thành công ở phủ Cô Tô là nhờ có các nhân viên của Hậu cần Đường thị, hằng ngày cung cấp nguyên liệu tươi cho lầu Tế Hà. Thịnh Kinh lấy đâu ra nhân viên hậu cần chứ?”

“Nhưng phía bắc Thịnh Kinh lại giáp với nước Liêu.”

“Hả?”

Đường Thận nhếch mép cười: “Không phải dân Giang Nam, mà chính dân Thịnh Kinh mới thích mê cái món thịt dê nhúng lẩu kia!”

Đến Thịnh Kinh là có thể làm lẩu dê Bắc Kinh xưa chính gốc rồi!

Ở Thịnh Kinh không có phương tiện vận chuyển rau thịt tươi nhanh như ở Cô Tô, nhưng thịt dê, thịt heo ở Thịnh Kinh có nguồn cung rất dồi dào từ thảo nguyên rộng lớn của nước Liêu ở phía Bắc. Gió lay được cỏ chứ chẳng lay nổi dê bò, kể cả thịt bò phủ Cô Tô cấm ăn, Thịnh Kinh cũng ăn được!

Đường Thận nói: “Diêu đại ca, mai chúng ta đến nha hành mua mấy người đầy tớ về. Sau đó, thuê một căn nhà nữa cho họ ở. Ngoài ra, bao giờ anh về Cô Tô thì dặn quản lí Lục của lầu Tế Hà lên Thịnh Kinh gặp tôi.”

“Vâng. Tiểu đông gia, cậu muốn mở lầu Tế Hà ở đây ư?”

Đường Thận: “Phải!”

Mắt Diêu Tam sáng ngời: “Thế tôi sẽ đi cùng quản lí Lục, lên Thịnh Kinh hỗ trợ cậu.”

Đường Thận nói: “Anh không cần lên đây đâu.”

“Dạ?”

“Tôi đâu có nói rằng mình sẽ mở lầu Tế Hà ngay nhỉ? Năm tháng nữa tôi thi Hương rồi. Diêu đại ca, tôi phải đỗ đạt công danh cái đã. Cỡ Giải Nguyên thì chẳng dám mong, nhưng thứ hạng phải cao, không thì mất mặt Phó tiên sinh và Vương sư huynh chết!”

Ba ngày sau, Diêu Tam lên thuyền xuôi Nam, trở về phủ Cô Tô.

Quốc Tử Giám chưa mở lại, Đường Thận ở nhà một mình, buộc tóc lên xà8, hăng say đèn sách.

Chức Thừa chỉ Hàn Lâm viện của Phó Vị chính là để cho thiên hạ biết rằng ông là một trong bốn Nho sĩ đứng đầu cả nước, là một bậc đại Nho. Nhưng mấy năm trở lại đây ông lười quen rồi, kể từ khi Vương Trăn đỗ Trạng nguyên tám năm trước, ông đã không can thiệp vào việc học của Vương Trăn nữa, thế nên càng già càng thiếu kinh nghiệm giảng dạy. Thong dong với cỏ cây chim chóc suốt nửa tháng, Phó Vị chợt thắc mắc: “Ủa, sao chẳng bao giờ thấy học trò mới của mình ghé qua đây nhỉ?”

Ôn Thư đồng tử nhắc nhở: “Tiên sinh, tính ngày tháng thì Đường tiểu công tử hẳn đã đến Quốc Tử Giám học rồi ạ.”

Nghe vậy, Phó Vị hiếm hoi mới cảm thấy áy náy một lần: “Hầy, ta già cả rồi, nhận học trò cũng không có sức dạy dỗ, phải để nó đến Quốc Tử Giám học với đám cống sinh kia.”

Tiểu đồng Ông Thư lẩm bẩm: “Hồi trước dạy Vương tướng công có thấy ngài để ý đâu, tất cả là nhờ Vương tướng công thiên tư thông tuệ, tự học thành tài ấy chứ!”

Phó Vị: “Nhóc tiểu đồng thì thào gì đó?”

“Không có gì không có gì ạ.”

Phó Vị mân mê hàng ria lấm tấm điểm bạc: “Còn bốn tháng nữa là thằng bé thi Hương rồi, cứ để thế cũng không ổn. Thế này đi, con bảo nó mai đến đây gặp ta. Ngày mai cũng là ngày nghỉ của bộ Hộ, con gọi luôn cả Tử Phong tới, ta có việc giao cho nó.”

Bình luận

  • Bình luận

  • Bình luận Facebook

Sắp xếp

Danh sách chương