Anh nghĩ rồi, nhà chúng mình không có tiền đâu em.

Đầu tháng sáu, nắng chói chang.

Cải ra hoa vàng rực như màu nắng, trải khắp ruộng đồng. Từ đằng xa trông lại cứ ngỡ biển vàng mênh mông dập dờn trong gió. Ở cổng tây thôn Triệu gia, sát bên ruộng cải dầu là một học đường rộng hai tiến.

Hồi xưa, thôn Triệu gia vốn có một cái tên khác. Nhưng nhiều năm về trước, trong thôn bỗng nảy đâu ra một ông quan cử nhân, và thế là để được hưởng sái tài văn chương Văn Khúc tinh quân ban phát, trưởng thôn bấy giờ bèn hô hào sửa tên thôn theo họ của vị cử nhân nọ. Kể từ ấy, thôn này mới đổi thành thôn Triệu gia.

Hiện tại, không khí bên ngoài học đường hết sức hân hoan náo nhiệt.

Hai người đàn ông trung niên lực lưỡng mặc áo ngắn khệ nệ khiêng một rương gỗ đi vào học đường. Bầu không khí bên trong học đường trang nghiêm hơn hẳn, ngồi ở vị trí cao nhất là phu tử họ Tằng, đứng bên trái ông là một thiếu niên tuấn tú.

Hai người vừa khiêng rương gỗ vào trong học đường thì một người phụ nữ dắt đứa bé trai chừng tám tuổi cũng bước vào theo.

Người phụ nữ ấy rón rén ngẩng đầu, liếc nhìn Tằng phu tử một cái rồi lia mắt đi chỗ khác. Lúc ánh mắt lướt qua cậu thiếu niên khôi ngô bên cạnh ông, người phụ nữ không nén nổi ngạc nhiên, suýt thì buột miệng “Ô” lên một tiếng. Đúng lúc ấy, Tằng phu tử cũng cất tiếng hô: “Quỳ lạy Thánh nhân.”

Người phụ nữ cuống quýt: “Nào con, quỳ xuống lạy Thánh nhân mau lên.”

Chú bé con nào đã biết Thánh nhân Tiên nhân là gì, thấy mẹ bảo quỳ thì cũng ngơ ngơ ngác ngác quỳ xuống. Chú cứ y theo lời Tằng phu tử và mẹ mình, ngoan ngoãn dập đầu lạy ba lạy trước bài vị Khổng Tử, sau đó quay về phía Tằng phu tử lạy thêm ba lần.

Tằng phu tử gật gù, giơ tay lên. Đường Thận lập tức bước lên phía trước, đỡ lấy chiếc bút son từ tay người nhà chú bé, đưa cho Tằng phu tử. Phu tử họ Tằng tay phải cầm bút son, tay trái nhấc quyển Luận ngữ. Đoạn ông dùng bút son khoanh một dấu ở câu đầu tiên trong sách, hắng giọng: “Khổng Tử dạy: học đi đôi với hành, chẳng vui lắm sao?”

Người mẹ vốn chẳng hiểu câu nói này, nhưng trước khi đến học đường cô ta đã nhắc đi nhắc lại không biết bao nhiêu lần cho cậu con trai. Chú bé vừa nghe thế, liền đọc theo được ngay. 

Tằng phu tử vuốt chòm râu mép dài nghêu: “Trẻ nhỏ dễ dạy.”

Mọi người cùng thở phào nhẹ nhõm. Đường Thận nhận lấy bút son và cuốn sách từ tay Tằng phu tử.

Vậy là coi như xong lễ “Khai bút trừ u mê” hôm nay. 

Thôn Triệu gia có hơn bảy mươi hộ, trong mười dặm tám thôn vùng này cũng coi là một thôn lớn. Tháng này trong thôn có hai đứa trẻ bắt đầu đi học. Trước khi nhập học, những đứa trẻ này đều phải được Tằng phu tử tự tay làm lễ xóa bỏ u mê, ngu dốt. Cứ mỗi dịp như vậy, Tằng phu tử sẽ mời một học trò theo mình thực hiện nghi lễ trừ u mê. Đối với bọn học trò, được chọn chính là một vinh hạnh.

Trước đây người được chọn thường là đứa cháu trai có họ hàng xa với ông ta, nhưng hai lần gần đây nhất không hiểu tại sao Đường Thận lại luôn được trao vinh dự ấy.

Người phụ nữ kia dắt con mình đứng dậy, nhìn Đường Thận đầy khó hiểu. Cô ta toan nói gì đó, nhưng anh trai cô ta đã chen vào.

Người anh trai chính là một trong hai người khiêng rương gỗ, anh ta chất vấn ngay: “Tằng tiên sinh, sao ngài cứ mời thằng ranh họ Đường này làm lễ trừ u mê vậy? Thằng nhóc này không đi học ở học đường, về sau cũng không thành người đọc sách được. Chúng tôi đều kính trọng ngài nên mới mời ngài làm lễ trừ u mê, ngài sao có thể…” Sao có thể mời thằng nhãi ranh chưa đọc nổi cuốn sách nào cùng làm lễ được!

Ở thôn Triệu gia, phu tử họ Tằng là tú tài duy nhất. Là người có công danh, ông ta gặp quan huyện cũng không phải quỳ. Người đàn ông kia không dám nói cả câu, nhưng sự khinh rẻ lộ rõ trong giọng điệu hằn học.

Tằng phu tử nói: “Hiện giờ ở thôn Triệu gia có phải chỉ có mình lão phu là tú tài không?”

Người đàn ông đáp: “Dĩ nhiên.”

Tằng phu tử hừ một tiếng: “Cách đây một năm thì đâu phải thế. Vậy ta hỏi anh, tuy hiện nay Đường Thận không theo học ở chỗ ta, nhưng cha của thằng bé có phải tú tài không?”

Người đàn ông lúng túng: “Cái này…”

“Lúc Đường tú tài còn tại thế, các người ai ai cũng nịnh bợ anh ta, van nài anh ta giúp con các người trừ ngu diệt dốt. Giờ đây, nhân tài mới mất được một năm, các người đã phủi sạch chuyện ngày xưa. Ta mời con trai của Đường tú tài giúp con các người trừ u mê, các người còn làm mình làm mẩy sao?”

Người đàn ông kia câm như hến, liếc nhìn Đường Thận đầy xấu hổ.

Ấy thế mà Đường Thận vẫn ung dung, ánh mắt không chút vẩn đục, nét cười nhẹ nhè vương trên môi, tựa hồ như không hề bị ảnh hưởng.

Lễ trừ u mê kết thúc, gia đình đứa trẻ liền gửi Tằng phu tử và Đường Thận hai bao lì xì. Tặng lì xì xong lại biếu một hộp lương cao, một gói điềm tống với ý nghĩa “Cao tống”, tức đỗ đạt cao1.

[1] Lương là mát, cao là bánh. Lương cao là một món làm từ gạo nếp, ăn lạnh. Điềm tống thì chính là món bánh gio (bánh tro/bánh ú) nhân ngọt. “Cao tống” đọc gần giống với “cao trung” là đỗ đạt cao.

Chờ gia đình người ta đi rồi, Đường Thận bèn nói: “Tiên sinh giúp đỡ con được lúc này, chứ đâu thể lo cho con cả đời.”

Tằng phu tử bốc một miếng lương cao, vừa ăn vừa nói: “Mi cũng biết thế cơ à? Giá mà mi biết thương lão già sắp xuống lỗ như ta đây thì đã khẩn trương về nhà dùi mài kinh sử, sớm ngày vinh quy bái tổ rồi!”

Đường Thận nhún vai: “Tiểu tử nhà tranh vách đất, không lo nổi thúc tu.”

Thúc tu2 chính là tiền học phí.

Tằng phu tử cả giận: “Lão phu đòi mi nộp thúc tu bao giờ?” Dứt lời, ông bốc bánh ném vào người Đường Thận.

Cậu trai trẻ cười phá lên, né miếng bánh, vớ bao lì xì rồi dông thẳng. Chạy nửa đường chợt nhớ ra là quên cái gì, cậu vội quay ngược lại xách theo hai gói bánh gio và lương cao người ta biếu.

Tằng phu tử tức lồi cả mắt.

Đường Thận tỉnh bơ: “A Hoàng nó thích ăn.”

“Mi xéo ngay cho ta!”

“Ha ha ha ha.”

Rời khỏi học đường, đi giữa ruộng hoa cải, Đường Thận mở hộp lấy một miếng lương cao ra nếm thử.

“Ừm… có táo đỏ, gạo nếp, táo thơm quá, như kem táo ý nhỉ?” Nói xong, cậu lắc đầu cười: “Còn lâu mới bằng kem được!” Miệng thì nói vậy, đi được mấy bước, cậu đã lại bốc thêm một miếng bỏ tọt vào mồm.

Đi hết ruộng cải dầu, Đường Thận quay đầu lại nhìn về phía học đường.

Trời xanh mây trắng, cúc vàng xóm thôn.

“Đã hai tháng rồi…”

Đúng vậy, từ khi Đường Thận xuyên thời gian đến thôn Triệu gia, nhập vào thân xác “Đường Thận” này, đã tròn hai tháng.

Tên thật của cậu cũng là Đường Thận.

Hai tháng trước, cậu vẫn là nghiên cứu sinh của trường đại học top 2 toàn quốc, tham gia nghiên cứu thống kê sản lượng tiêu thụ năng lượng tái tạo với giáo sư hướng dẫn hàng đầu.

Nghiên cứu lần này gần như vắt kiệt sức các nghiên cứu sinh trong viện. Đường Thận thức trắng ba ngày ba đêm, trầy trật mãi mới tính toán xong số liệu quan trọng nhất. Nào ngờ vừa chợp mắt, tỉnh lại đã đến nơi này.

Lúc ấy chân ướt chân ráo về thời cổ đại, Đường Thận còn chưa tỉnh giấc chiêm bao, vẫn lang thang trong đống số liệu nghiên cứu, thế mà đón chào cậu chính là vấn đề sống còn vô cùng cấp bách: Không có cơm ăn. 

Nhớ lại chuyện đau lòng từ hai tháng trước, Đường Thận khóc không thành tiếng. Cậu xách lương cao và bánh gio đi tới quán trà thảo dược3 đầu thôn. Vừa tới nơi đã nghe tiếng con gái lanh lảnh vang lên: “Đường Thận! Anh lượn đi chơi đâu thế hả?”

[3] 凉茶 (lương trà) có tác dụng giải nhiệt

Bóng áo vải bố xám xịt vụt qua, nghênh ngang chặn trước mặt Đường Thận.

Đứng trước mặt Đường Thận là một cô bé gầy nhom, đen nhẻm, thoạt trông tầm tám, chín tuổi, nhưng chỉ cao đến eo Đường Thận mười ba tuổi. Cô nhóc kiễng chân lên, trừng trộ Đường Thận. Trên trán trên người cô bé mướt mồ hôi. “Cả sáng không thấy anh đâu! Bao nhiêu nước hoa quả em phải bán hết một mình đó!”

Đường Thận huơ huơ hai gói bánh lên: “Thấy gì đây không? Anh đi đến chỗ Tằng phu tử mà.”

Mắt cô nhóc sáng ngời: “Em đói!”

“Cho em ăn tất.”

Đường Hoàng bốc một miếng lương cao, ăn ngấu nghiến. “Bánh gio để đó, về nhà em hấp lên cho anh ăn.” – Đường Thận nói. “Em cứ ăn hết đi. Sáng hôm nay bán nước quả được bao nhiêu tiền?”

Cô nhóc đang hồ hởi ăn bánh, nghe thấy câu này liền đanh mặt, lườm Đường Thận: “Anh hỏi làm gì? Em nói cho anh biết, tiền hàng em cấm anh đụng một xu, để đó đóng học phí. Anh phải đi học lại đấy!”

Đường Thận không đáp, cậu nhìn con bé mồ hôi mồ kê nhễ nhại, chau mày: “Sao em không uống nước hoa quả cho đỡ nóng?”

“Không uống, nước để bán lấy tiền!”

Đường Thận rót một cốc nước trái cây cho A Hoàng. Thoạt tiên con bé còn vùng vằng, mãi sau mới chịu nhận. Nó cẩn thận húp một ngụm, khoan khoái híp cả mắt.

Cô chủ quán trà thảo dược mỉm cười nói: “Đường Thận đến đó hả? Cháu yên tâm, A Hoàng nhà cháu đã bán được rất nhiều nước hoa quả từ sáng sớm rồi. Có mấy thằng côn đồ thấy cháu không ở đây bèn đến gây sự với A Hoàng, cô còn chưa ra oai, A Hoàng nhà cháu đã dọa chúng nó chạy mất dép. Con bé gầy một mẩu mà trông hàng ghê gớm phải biết!”

Đường Thận nghe hai chữ “côn đồ” thì giận tái mặt. Cậu nhếch mép, nụ cười lạnh đến mức giữa ngày hè cũng khiến người ta nổi da gà.

“Chúng nó còn dám vác mặt đến hả?”

Vừa dứt lời, lũ côn đồ đã lục tục kéo tới đầu thôn. Chúng nó đang kéo bè đi bắt nạt Đường Hoàng, nhưng vừa nhác thấy Đường Thận, cả lũ đứng đực ra như trời trồng. Tên cầm đầu chửi tục một câu, ngồi phệt xuống tảng đá, ngó Đường Thận lom lom. 

Đường Thận chỉ cười.

Tên côn đồ nghiến răng, không dám nhúc nhích.

Tình cảnh lúc này trông hết sức tức cười. Một toán mười bảy, mười tám tên đầu bò đầu bướu đứng trước một thiếu niên mười hai, mười ba tuổi, nhưng không thằng nào dám ho he lấy một câu. Đúng là chuyện không tưởng! Tuy nhiên, nếu được chứng kiến cảnh đám côn đồ này bị chàng thiếu niên xách dao phay rượt từ cổng Đông thôn sang cổng Tây thôn cách đây hai tháng, chắc bạn sẽ không thấy có gì lạ lùng.

Toán côn đồ có chết cũng không quên hôm ấy Đường Thận hung hãn đến nhường nào. Thằng ranh gầy giơ xương sườn xương ống, nhưng hai con mắt nó đỏ lừ hệt mắt quỷ. Tay lăm lăm con dao phay, nó lùa sau đít đám vô lại như một hung thần. Cả bọn chạy trối chết đến tận bờ sông, nhảy xuống trốn đi miết, lúc bấy giờ Đường Thận mới không đuổi theo nữa. 

Đường tú tài mất đã tròn một năm, nhà họ Đường chỉ còn lại hai anh em cù bơ cù bất. Lũ côn đồ trong thôn từ trước vẫn bắt nạt hai đứa như cơm bữa, vốn chẳng phải chuyện gì to tát. Chẳng hiểu sao, sau một trận ốm thập tử nhất sinh cách đây hai tháng, Đường Thận khỏi bệnh xong thì như hóa thành người khác.

Cậu chẳng còn khúm núm, nhát gan sợ sệt giống trước đây. Hết hăm dọa lũ côn đồ chạy mất guốc, cậu lại chiếm được lòng mến yêu của Tằng phu tử. Tài nhất là cậu chế biến được thứ trái cây chua loét không ai thèm trước cổng nhà thành một loại “nước táo” kì lạ. Loại nước quả mới đó chua chua ngọt ngọt, uống giải khát mùa hè không gì bằng, người trong thôn ai cũng thích mua về uống. 

Vợ chồng chủ quán trà thảo dược thương hai đứa trẻ mồ côi, bèn cho chúng bày sạp bán nước quả ở trước quán nhà mình. Hai đứa trẻ con cũng không pha được nhiều nước quả lắm, không ảnh hưởng chuyện bán buôn nhà họ. Trái lại, hai vợ chồng thường nhân tiện giúp đỡ hai anh em.

Cô bé em ăn xong lương cao rồi liền hỏi: “Đường Thận, sáng nay anh mang nước hoa quả cho trưởng thôn đúng không?”

“Ừ, sao thế?”

“Cái cốc nước đó anh lấy có hai đồng!” Lỗ ơi là lỗ!

Có người tới mua nước táo, Đường Thận rót cho người ta một cốc xong liền quay lại bảo: “Em chả hiểu gì cả. Đường Hoàng ơi, cái đó người ta gọi là quảng cáo.”

A Hoàng nhảy dựng lên: “Quảng cáo cái gì mà quảng cáo? Em thấy anh là Tán tài đồng tử4 theo hầu Quan Thế Âm Bồ Tát thì có. Mà này, sao em thấy dạo này anh lạ lắm, hồi trước anh toàn gọi em là A Hoàng chứ có gọi em là Đường Hoàng bao giờ đâu?”

[4] Tên gọi khác của Thiện tài đồng tử. Tán tài = rải tiền.

Đường Thận vênh mặt ra vẻ biết tuốt: “Đúng là đồ con nít con nôi, cái này là cả một nghệ thuật đấy!”

Trời về chiều càng oi bức, quán trà thảo dược càng tấp nập hơn.

Trà thảo dược rẻ, nước quả đắt, nhưng uống nước quả vừa giải nhiệt tốt vừa ngon hơn. Chỉ cần thỉnh thoảng có người mua nước trái cây là đủ tiền cơm cho hai anh em. Tầm chạng vạng tối, nước trái cây cũng sắp bán hết, Đường Thận bắt đầu đứng lên dọn quầy.

Xa xa, từ cổng thôn, một cỗ xe ngựa lắc lư lăn bánh trên con đường nhỏ, tiếng càng xe cọt cà cọt kẹt.

Thôn Triệu gia nằm gần chỗ giao giữa các thôn, bình thường cũng hay có người lạ đi ngang qua, nhưng xe ngựa hiếm khi đi qua đây, giỏi lắm cả tháng mới thấy một chuyến. A Hoàng tò mò tiến lại gần nhìn, Đường Thận cũng dõi mắt quan sát theo.

Có lẽ trời nóng quá, cỗ xe kia đi tới quán trà thảo dược liền đỗ lại.

Mành xe xốc lên, một người thanh niên mặc áo vải xanh vạt dài bước xuống xe trước tiên. Vừa xuống xe, anh ta liền quay lại đón người phía sau. Người chậm rãi xuống khỏi xe sau thanh niên là một ông cụ già. Ông cụ này tuy tuổi cao, tóc hoa râm, nhưng đôi mắt sáng quắc, lưng thẳng tắp, dáng dấp vô cùng uy nghiêm. 

Vốn quanh quẩn chốn ao làng, người dân trong thôn chỉ cảm thấy ông cụ này ắt hẳn là người bề trên, không ai dám nhìn thẳng. Kiếp trước, Đường Thận đã từng được tiếp xúc quan chức nhà nước cấp cao, cậu nhanh chóng nhận ra khí chất của người có địa vị ở ông lão. Đường Thận nghiêm mặt, thận trọng quan sát ông ta. 

Cậu bảo em gái: “Mình dọn hàng sớm thôi.”

A Hoàng quýnh lên: “Hả? Đã bán hết nước trái cây đâu?”

“Mang về nhà uống.”

“…”

“Đường Thận! Anh cứ xa xỉ như vậy, của cải nhà chúng ta sớm muộn cũng bị anh đốt sạch!”

Đường Thận nhủ thầm trong bụng: Tiền nong trong cái nhà này đâu đến lượt cậu đốt, gom góp lại còn chẳng đủ mua ba lạng dầu thắp đèn!

Bình luận

  • Bình luận

  • Bình luận Facebook

Sắp xếp

Danh sách chương