Sổ Tay Hình Cảnh
Quyển 2 - Chương 80: Đệ tử “đóng cửa”

Tiếng “sư phụ” của Trần Tấn khiến những người có mặt có phần mơ màng. Người đầu tiên tỉnh táo lại là Đông Đông. Nó buông tay Cung Khắc ra, bước lên vài bước, đứng giữa Trần Tấn và Cung Khắc, nghiêng đầu: “Em có thêm một tiểu sư đệ là anh từ khi nào , sao em không biết?”

Vừa nghe Đông Đông nói vậy, Diệp Nam Sênh lại mơ hồ thêm lần nữa. Theo lẽ thường, một đứa bé hơi bình thường một chút chẳng phải đều nói những câu mang hàm ý “Anh là ai” sao? Cô và Cung Khắc trao đổi bằng ánh mắt, thì ra suy nghĩ của hai người cũng giống nhau.

Diệp Nam Sênh ngao ngán thở dài: Đứa bé này đúng là không đi theo con đường bình thường, không nghĩ tới chuyện bố có thêm đồ đệ từ khi nào, mà lại nghĩ tới chuyện mình có thêm sư đệ từ lúc nào.

Cô cúi xuống nhìn Trần Tấn, cậu bé trắng trẻo với đôi mắt rất đẹp, đen láy mà không cứng ngắc. Lúc này đây, Trần Tấn đang giương đôi mắt to tròn ấy nhìn Diệp Nam Sênh.

“Cháu là ai?” Diệp Nam Sênh hỏi, hỏi xong cô hơi muốn cắn lưỡi tự tử, chắc chắn cô chẳng sáng tạo bằng Đông Đông rồi. Cậu bé nhìn cô rồi lại nhìn Đông Đông, sau đó dập đầu ba cái thật vang với Cung Khắc: “Sư phụ, cầu xin thầy nhận con, dạy con phá án đi ạ!”

Hả?

Hồi học tiểu học, Diệp Nam Sênh có một mơ ước. Cô muốn làm một nhà Vật lý học, vậy thì cô có thể tìm cách khiến trường học mất điện để khỏi phải đi học.

Cung Tiêu Đằng mới lên tiểu học, không có ước mơ gì quá xa xôi. Nó chỉ có một tâm nguyện, hy vọng một ngày mẹ mới có thể rời xa nhà bếp. Từ ngày chị Diệp trở thành mẹ nó, nhà bếp cũng trở thành một nơi nguy hiểm trong khái niệm của Đông Đông.

Còn tâm nguyện của Cung Khắc có vẻ như chính là bắt được Trương.

Còn trong tâm khảm cậu bé Trần Tấn mới tròn mười một tuổi thì luôn chất chưa một hoài bão rất lớn, rất lớn. Cậu bé hy vọng một ngày mình có thể có một bộ não cực kỳ thông minh để trở thành một người phá được án.

“Cháu muốn làm cảnh sát phải không?” Diệp Nam Sênh ngồi trong xe, vừa ngáp vừa hỏi. Cô không ngờ là Trần Tấn lại lắc đầu, “Cảnh sát chỉ hàm oan cho người tốt. Cháu không muốn làm cảnh sát, cháu muốn làm một người thông minh có thể phá được án như sư phụ, như vậy cháu có thể rửa tội cho bố cháu rồi!”

Cung Khắc day day mày. Đối với đồ đệ nhí tự dưng xuất hiện này, anh hơi đau đầu. Nhưng anh vẫn rất hứng thú với chuyện rửa tội mà Trần Tấn nói.

Tới giờ cơm, Cung Khắc và Diệp Nam Sênh dẫn theo hai đứa trẻ tìm một nhà hàng. Trước đó, Diệp Nam Sênh đã hỏi Trần Tấn có cần gọi điện báo cho người nhà của cậu không. Ai dè, Trần Tấn lắc đầu, bác của cậu chỉ mong sao cậu biến mất thì có.

Nhà hàng này nổi tiếng với món Tứ Xuyên, hai đứa trẻ và Diệp Nam Sênh thì ăn uống no nê, Cung Khắc thì chỉ động đũa vài cái, thực sự là quá cay. Trần Tấn là một đứa trẻ tương đối thoải mái, vừa nhìn là biết cậu ở ngoài “lăn lộn” đã lâu, ăn cơm không hề khách khí, cứ thế ăn ngấu ăn nghiến. Ăn xong, cậu bắt đầu ngồi yên nhìn Cung Khắc: “Sư phụ, nhận con đi mà.”

Cung Khắc không trả lời mà lấy khăn giấy lau miệng, “Nói về bố của cháu trước đã. Cháu nói muốn giúp ông ấy thoát tội, thế là sao? Ông ấy đã phạm tội gì?”

Nhắc tới bố, ánh mắt Trần Tấn ảm đạm đi phần nào. Nó cúi đầu, mãi sau mới ấp úng nói một câu: “Họ nói bố con không những là ăn trộm mà cò từng giết người.”

Nhắc lại chuyện này, có lẽ phải kể từ năm Trần Tấn chào đời. Về những chuyện xảy ra khi đó, nó cũng đều được nghe những lời lộn xộn từ người thân trong gia đình.

Bố Trần Tấn sống ở vùng nông thôn tỉnh B, là một người có tướng mạo sáng sủa. Ở thời đại mà họ sống, tướng mạo còn chưa được coi là thứ đáng dựa vào để phát triển một cách rộng rãi, mà bố của Trần Tấn là người thông suốt sớm nhất.

Chú trong thôn nới bố là một người bỏ bê việc chính đi làm việc khác, không những làm mấy việc trộm gà trộm chó mà còn trộm người. Lần đầu nghe thấy từ “trộm người”, Trần Tấn còn chưa hiểu, hiểu hoàn toàn cũng là chuyện sau này.

Trần Tấn nghe nói bố cậu từng hạnh phúc một thời gian, chính là khi gặp mẹ. Mẹ sống tại nhà bố ở quê, ông ngoại là bí thư chi bộ của thôn họ. Ở những nơi như vùng nông thôn, mẹ được coi là một tiểu thư khuê các. Nghe nói lúc ấy có rất nhiều người theo đuổi mẹ, bố của Trần Tấn cũng là một trong số đó. Ban đầu mẹ của Trần Tấn chẳng bao giờ để tâm đến bố cậu, lý do quá đơn giản, bố Trần Tấn không có tiền. Nhưng về sau chẳng hiểu sao, mẹ của Trần Tấn bỗng nhiên đồng ý lời cầu hôn của anh ta. Chuyện này khi ấy chịu đựng không ít phong ba bão táp từ phía láng giềng hai bên. Có người nói mẹ cậu bị điên, có người nói bố Trần Tấn đã cưỡng bức cô ấy, cô ấy bắt buộc phải lấy anh ta, tóm lại là đủ mọi lời đồn.

Mẹ của Trần Tấn được máy cày kéo tới nhà bố cậu ngay giữa những tin đồn chất thành núi như vậy, và trở thành con dâu nhà họ Trần.

Sau đó một năm, Trần Tấn chào đời, mà sự việc xảy ra khoảng hai tháng sau ngày cậu bé sinh ra. Mỗi lần nhớ lại luôn phải bắt đầu từ máy chiếc xe cảnh sát đi từ thị trấn lên.

Nghe nói mấy chiếc xe đó đi vào thôn rồi tới thẳng nhà Trần Tấn. Lúc đó bố cậu đang ngủ ở nhà, mẹ cậu bế cậu ra vườn sưởi nắng. Nhiệt độ khi đó khoảng 23 độ C, không lạnh cũng không nóng. Cảnh sát nói bố cậu đã ăn trộm của người ta mười nghìn tệ, còn giết người.

Tiền bị lục ra ở trong gầm giường nhà Trần Tấn ngay tại chỗ, còn bố Trần Tấn thì sống chết không thừa nhận là mình giết người. Cảnh sát không nghe anh ta giải thích mà đưa đi ngay.

Những chuyện sau đó Trần Tấn không kể được rõ ràng, vì ngay cả Lưu Đại Tiên bác học nhất trong thôn cũng không thể nói rõ vì sao những người lúc đó hận bố cậu giết người là thế, về sau bỗng nhiên bỏ mặc làm ngơ.

Bố Trần Tấn vì tội ăn trộm bị tuyên án năm năm tù. Khi bố ra tù, Trần Tấn đã có thể bò lên đầu ngọn của cây hòe cao nhất để lấy trứng chim rồi. Bố đối với Trần Tấn là một từ xa lạ, ban đầu nó cũng rất bài xích ông bố mà theo lời mọi người thì vừa ăn trộm vừa giết người, tới bây giờ nó cũng rất bài xích.

Kể tới đây, Trần Tấn gật đầu thật mạnh hai cái để khẳng định cho nội dung trần thuật của mình.

“Nếu đã bài xích bố thì vì sao còn muốn rửa tội cho bố, lẽ nào cháu tin bố không giết người?” Diệp Nam Sênh nghe nhập tâm từ lâu, miếng cá hấp để bên miệng mà mãi không ăn.

“Vì bố nói ông ấy không phải kẻ giết người, vì ông ấy là bố của con.” Là người bố duy nhất của nó. Trần Tấn cúi đầu, giọng không còn trong sáng rõ ràng như lúc trước nữa. Một Trần Tấn như vậy khiến trong lòng Diệp Nam Sênh có cảm giác chua xót. Trong trái tim mỗi đứa trẻ, lời nói của bố luôn là đáng tin nhất và cũng là điều chúng muốn tin nhất, dù người bố ấy là ăn trộm hay kẻ giết người.

“Em quyết định thay bố em, Trần Tấn, sau này anh chính là đệ tử “đóng cửa” của bố em!” Đông Đông nhỏ tuổi nhưng rất cảm tính. Nó rưng rưng nước mắt đạp bàn nói. Diệp Nam Sênh cũng nước mắt lưng chòng, cười mà như khóc. Cung Khắc chưa từng chính thức nhận đồ đệ, đúng là ứng với câu nói đó, còn chưa khai trường đã thẳng thừng “đóng cửa” đại cát đại lợi. Đông Đông giỏi lắm!

Nhưng ăn cơm tối xong, Diệp Nam Sênh lên xe, nhìn thấy Đông Đông chỉ huy Trần Tấn đóng cửa xe rồi không cho thằng bé lên, cảm thấy có chút khó hiểu.

Đông Đông vò đầu: “Chị, đệ tử ‘đóng cửa’ lẽ nào không phải người chịu trách nhiệm đóng cửa sao?”

Trái tim nhỏ của Diệp Nam Sênh đã sớm vỡ vụn, vỡ vụn vì cười.

Trần Tấn nói nó sống ở nhà bác hai. Nhà bác hai của Trần Tấn cách tiểu khu Tùng Bình không xa, chiếc xe Jeep rẽ vào một con đường tên là Tam Vượng, đi khoảng ba trăm mét thì thấy nhà bác hai mà Trần Tấn nói. Đó là con đường nhỏ được coi là nhộn nhịp. Bảy giờ tối, bên vệ đường bày không ít sạp hàng bán đồ ăn vặt, đa số là món rán, mỡ chẳng biết đã được rán đi rán lại bao nhiêu lần, màu đã tối sậm lại, mùi cũng không dễ ngửi. Diệp Nam Sênh day day mũi, cố gắng nhẫn nhịn cảm giác buồn nôn. Mang thai khiến khứu giác của cô nhạy cảm hơn trước, không chịu được mùi nặng nào nữa.

Trần Tấn tạm biệt họ: “Sư phụ, chuyện thầy hứa với con không được nuốt lời đâu đấy.”

Cung Khắc vỗ vai nó, đang định đáp thì từ xa vọng lại một tiếng gọi: “Trần Tấn!”

Cung Khắc không để sót biểu cảm khinh thường lướt qua gương mặt Trần Tấn. Anh thấy nó từ từ quay người lại, cất giọng buồn buồn: “Bác hai.”

Bác hai của Trần Tấn trông có vẻ là một người rất ôn hòa, khi được biết chiều nay Cung Khắc vừa mới giúp Trần Tấn thoát khỏi việc bị tình nghi, anh ta khộng ngừng bắt tay Cung Khắc, luôn miệng nói: A Tấn nhà tôi cũng may có anh, A Tấn nhà tôi đã làm phiền anh chị rồi…

Anh ta tiễn Cung Khắc lên xe, từ trong gương chiếu hậu, Diệp Nam Sênh vẫn còn thấy anh ta không ngừng vẫy tay về phía họ.

“Chị à, em không thích bác hai của tiểu sư đệ.” Đông Đông ngồi nép bên cạnh Diệp Nam Sênh, ánh mắt có vẻ dè dặt. Diệp Nam Sênh gật đầu, “Chị cũng không thích.”

Cung Khắc lái xe, không quay đầu lại, chỉ hờ hững nhìn hai mẹ con nói chuyện với nhau qua gương. Nói thật lòng, bác hai của Trần Tấn cho anh cảm giác không tốt, có lẽ anh ta từng ngược đãi Trần Tấn.

Ngày hôm sau, thời tiết khá đẹp, Cung Khắc dậy từ rất sớm, chuẩn bị xong bữa sáng, anh gọi Diệp Nam Sênh và Đông Đông dậy. Nhân lúc họ đánh răng rửa mặt, Cung Khắc gọi một cuộc điện thoại cho đội trưởng Doãn của Công an huyện Tân Hương, thành phố Bắc An.

Đội trưởng Doãn này tên đầy đủ là Doãn Nghị, là tiền bối học trên anh ba khóa trong trường cảnh sát. Thời gian trước nghe nói anh ấy được điều chuyển về cơ sở, địa điểm vừa hay là Tân Hương, thành phố Bắc An.

Doãn Nghị mới được điều đi không lâu, đột ngột bị hỏi một vụ án mạng còn treo cách đây mười mấy năm thì ít nhiều có phần chưa nắm được. Nhưng Doãn Nghị cũng là một người thoải mái. Anh ấy hứa sẽ lập tức sắp xếp người điều tra lại tư liệu của năm đó.

Kết thúc cuộc điện thoại, Cung Khắc trở về phòng ăn. Diệp Nam Sênh dẫn Đông Đông ngồi bên cạnh bàn, cô không ngừng ngáp ngủ, sau khi mang thai, hình như cô càng thích ngủ hơn trước.

Cung Khắc múc cháo cho cô, rồi múc một bát cho Đông Đông. Anh cầm trứng, bóc vỏ: “Nam Sênh, lát nữa anh tới nhà bố Trần Tấn xem sao, em và Đông Đông ở nhà nhé.”

Không ngờ một câu nói của anh lúc đó lập tức dấy lên màn kháng nghị của cả hai mẹ con.

Đông Đông bĩu môi: “Bố không yêu Đông Đông, bố có đệ tử ‘đóng cửa’ là không cần con nữa.”

Còn Diệp Nam Sênh thì phản ứng điềm đạm hơn Cung Tiêu Đằng. Cô chậm rãi uống canh, “902, anh tưởng không đưa đi theo là được sao, dễ vậy ư? Anh không đưa mẹ con em đi, bọn em tự bắt xe đi. Định khóa trái cửa không cho bọn em ra ngoài à? Không sao, trong nhà nhiều ga giường, nếu anh không lo chho cái bụng của em, thì chắc chắn cũng không ngại em thắt ga giường rồi trượt từ trên tầng xuống chứ. Tầng chín mà, không cao, phải không? 902, anh trừng mắt với em làm gì!”

Cung Khắc xoa thái dương, có trời đất chứng giám, anh không lườm cô, chỉ là vợ anh có hơi ngang ngạnh, anh làm sao chống đỡ nổi.

Cuối cùng, trong tiếng hát hào sảng của nghĩa dũng quân, chiếc Jeep đưa hai người không muốn làm nô lệ và một người địa chủ vô tình bị võ lực chèn ép kháng nghị cũng không có hiệu lực tới địa chỉ mà hôm qua Trần Tấn để lại: Số 78, tầng 30, một tầng trong tòa nhà CBD của quận Bắc Thành nằm trên đường Tứ Thủy, đang tiến hành sửa chữa nội bộ, bố của Trần Tấn làm công nhân sửa chữa ở đó.

Tối qua trước lúc chia tay, Cung Khắc hỏi Trần Tấn có muốn anh lái xe đến đón cậu không, lúc đó có bác hai nên Trần Tấn chỉ hơi lắc đầu, nói nó tự ngồi xe bus cũng được, Cung Khắc cũng không miễn cưỡng.

Tìm một gara ngầm gần đó để đỗ xe xong xuôi, Cung Khắc đưa vợ con đi thang máy lên trước. Trước cửa tòa nhà, quả nhiên nhìn thấy Trần Tấn đang ngồi sụp ở đó đợi từ lâu.

Nhìn thấy Cung Khắc. cậu bé tươi cười: “Sư phụ, thầy đúng là giữ lời.”

Cung Khắc xoa đầu thằng bé. Đông Đông không vui, chen ngang giữa họ: “Trần Tấn, gọi sư tỷ đi!”

Giải quyết xong ai đứa trẻ, họ vào thang máy. Trong lúc những con số đang biến đổi, Trần Tấn kể những suy nghĩ mà hôm qua cậu chưa có cơ hội nói hết: “Bố cháu nói ông không giết người, nhưng luôn có người nói ông là hung thủ. Sư phụ, cháu muốn chú điều tra chuyện năm xưa rốt cuộc là như thế nào. Cháu không tin cảnh sát, cảnh sát không thông minh như chú!”

Không phải cảnh sát không thông minh, có điều vụ án này nghe nội dung thằng bé kể thì hình như có một số ẩn tình không nhỏ. Anh chưa kịp giải thích, con số trên thang máy đã dừng ở tầng 20. Đó là tầng bố của Trần Tấn làm việc.

Thật không ngờ họ lại gặp hụt. Người đang chỉ huy quét sơn đi qua nói một tin tức khiến Trần Tấn cực kỳ sửng sốt. Ông ta nói: “Ông Trần về quê tìm vợ! Đã đi mấy ngày nay rồi!”

Người mẹ đã rời xa bao nhiêu năm thật sự quay lại ư? Trần Tấn có phần không dám tin vào đôi tai mình.

Đúng lúc này, có người gọi điện thoại cho Cung Khắc, là Doãn Nghị, tin tức không tốt lắm, thậm chí còn tồi tệ với một số người: Trong một thôn ở địa phận huyện Tân Hương vừa xảy ra án mạng, có người bắt được nghi phạm tại chỗ, là bố của Trần Tấn…

Bình luận

  • Bình luận

  • Bình luận Facebook

Sắp xếp

Danh sách chương