Series Truyện Ma Hung Án Trung Quốc Nhật Bản
C31: Vụ Giết Người Liên Hoàn Lý Chi Vĩnh (phần 1)

Hẳn các bạn đã từng nghe từng đọc từng xem rất nhiều tin tức và phim ảnh có liên quan đến các vụ án giết người liên hoàn. Hôm nay An sẽ biên tập lại toàn bộ thông tin về một vụ đại án diễn ra vào những năm 90 của thế kỷ 20 để giới thiệu đến các bạn. Tên sát nhân đã thực thi 26 vụ án, giết hại 25 người khắp Trung Quốc, trong khoảng thời gian đó, hắn còn bỏ trốn sang nước ngoài hai năm, có một điều đặc biệt rằng, toàn bộ các vụ án của hắn đều được thực thi trong phòng khách sạn.

Họ và tên: Lý Chi Vĩnh.

Quốc tịch: Trung Quốc.

Chiều cao: 1m70

Lý Chi Vĩnh xuất thân là nông dân, bố mẹ đều không biết chữ, gia đình gồm sáu anh chị em, cả nhà sống dựa vào việc trồng trọt. Bởi cuộc sống khó khăn nên mãi đến năm 12 tuổi, Lý Chi Vĩnh mới học lớp Một. Học hết cấp hai, Lý Chi Vĩnh nghỉ học để đi làm thuê.


Lý Chi Vĩnh vừa đi làm thuê vừa sửa đồ điện, đồng thời tự học hỏi cách buôn bán. Một ngày nọ, Lý Chi Vĩnh tình cờ gặp được một thương nhân, thương nhân đó nói cho hắn biết rằng, thành công không chỉ dựa vào mỗi bán buôn mà còn phải kết giao với nhiều loại người thuộc đủ tầng lớp trong xã hội, thu thập đủ mọi loại kiến thức, mỗi thứ phải biết một ít. Thông qua sự chỉ điểm của vị thương nhân nọ, Lý Chi Vĩnh bắt đầu đi kết giao với đủ kiểu bạn bèn, dần dà hắn ta hiểu thế nào là tấn công bất ngờ, thế nào là tốc chiến tốc thắng, thế nào là dương đông kích tây, thế nào là lạt mềm buộc chặt, thế nào là lợi dụng mâu thuẫn, thế nào là tiêu diệt từng bộ phận,... đặc biệt hiểu rõ pháp luật và các kiến thức điều tra. Tuy Lý Chi Vĩnh đi qua không ít nơi, cũng khảo sát không ít hạng mục, nhưng không có tài chính, vậy nên chỉ có thể lý luận suông.

Năm 1985, khi Lý Chi Vĩnh lưu lạc đến Thụy Lệ thì đã nghèo đến mức gạo cũng không có mà ăn. Đương lúc Lý Chi Vĩnh đang cùng đường thì một kẻ cắp chuyên nghiệp ở Côn Minh đã khiến cuộc đời của Lý Chi Vĩnh thay đổi hoàn toàn. Tên trộm đó nói cho Lý Chi Vĩnh biết rằng một nam tử hán đại trượng phu không thể chết như thế được, vậy nên hắn ta đã dạy Lý Chi Vinh cách cạy khóa và ăn cắp. Cứ thế, Lý Chi Vĩnh bị kéo xuống bùn, đồng thời từ đó cũng thay đổi cả số phận của Lý Chi Vĩnh.

2 giờ trưa ngày 17 tháng 4 năm 1996, sở cảnh sát Ngân Hà thuộc thành phố Thụy Lệ tỉnh Vân Nam nhận được một cú điện thoại báo án của một nhà khách, khách thuê ở phòng 150 tên Hà Kiến Tân đã chết thảm ngay trên giường ngủ, cả tiền và thẻ căn cước đều biến mất. Nghe xảy ra án giết người, cảnh sát không dám chậm trễ, lập tức báo cáo lên cục công an thành phố. Hơn 20 phút sau, cục trưởng và phó cục trưởng của thành phố Thụy Lệ dẫn theo pháp y và đội cảnh sát hình sự tới hiện trường.

Người chết Hà Kiến Tân bị một máy kích điện kích vào tim cho đến chết. Sau khi chụp ảnh hiện trường làm bằng chứng, các nhân viên điều tra lập tức kiểm tra lịch sử đăng ký lưu trú và thấy được rằng vào ngày 16 tháng 4, người chết Hà Kiến Tây đã ở cùng với một người có thẻ căn cước tên Cao Thịnh Long thuộc thị trấn Liêm Châu, huyện Hợp Phổ, thành phố Quảng Tây.

Theo như miêu tả của phục vụ viên thì Cao Thịnh Long cao tầm 1m70, rất gầy, mặt đen, lưng gù, mặc bộ đồ vest màu đen. Nhưng phục vụ viên lại cảm thấy hình như Cao Thịnh Long nói khẩu âm vùng Vân Nam chứ không giống với người Quảng Tây, Thủ đoạn giết người của tên Cao Thịnh Long này vô cùng thông thạo, người chết không hề thốt ra bất kỳ âm thanh nào. Theo như điều tra hiện trường thì Cao Thịnh Long không để lại dấu vân tay hay bất kỳ một dấu chân nào. Xem ra Cao Thịnh Long đã nhiều lần phạm tội, đây không phải là lần đầu tiên hắn ta ra tay giết người. Cảnh sát thành phố Thụy Lệ vô cùng ngạc nhiên trước những gì tra ra được, ý thức được tính nghiêm trọng của vụ án, toàn bộ cảnh sát đều cảm thấy rất nặng nề.


Đội cảnh sát hình sự lập tức liên tưởng đến hàng loạt vụ án cướp của giết người ở các khách sạn mà bộ công an từng thụ lý ba năm trước, từ hiện trường gây án đến thủ đoạn đều tương tự. Vậy nên bèn tra cứu, phát hiện án kiện cùng kiểu xảy ra lần đầu tiên quả đúng từ ba năm trước, ấy chính là ngày 7 tháng 2 năm 1993.

9 giờ sáng ngày 8 tháng 2 năm 1993, người phục vụ tại một khách sạn thuộc thành phố Bảo Sơn tỉnh Vân Nam vẫn làm việc như thường lệ, cô bước lên lầu 3 và bắt đầu quét tước các gian phòng. Tới phòng 305, cô gõ cửa mấy cái theo thói quen, đồng thời nhẹ giọng hỏi: "Phục vụ tới dọn phòng đây!". Thế nhưng trong phòng lại chẳng ai đáp lời, xem ra khách đã trả phòng rồi, thế là người phục vụ bèn dùng chìa khóa mở cửa phòng. Cửa phòng vừa mở, một mùi thịt nướng xộc vào mũi, bước sâu vào trong cô không khỏi giật mình: trên chiếc giường, một xác chết vặn vẹo đang ngửa mặt lên trời!

Tiếng thét của người phục vụ đã khiến những phục vụ khác và một vài vị khách chạy đến.

Sở cảnh sát Đông Môn thuộc thành phố Bảo Sơn tỉnh Vân Nam nhận được điện thoại báo án, vị khách này tên Mã Thiên Cường, chết trong căn phòng số 305 của một khách sạn ở thành phố Bảo Sơn. Cảnh sát lập tức chạy đến hiện trường, phát hiện Mã Thiên Cường hai mắt trợn tròn, chết ngay trên giường. Hiện trường không có vết máu hay dấu vết ẩu đả, phần tim trên cơ thể có vết giật điện rõ ràng. Xem ra, hung thủ đã tiếp cận Mã Thiên Cường vào lúc đêm khuya, sau đó dùng kích điện giết chết Mã Thiên Cường.


Dựa theo thông tin do người thân của Mã Thiên Cường cung cấp, xác nhận người chết Mã Thiên Cường là người thôn Đại Hảo Bình, xã Thượng Doanh, huyện Đằng Trùng, tỉnh Vân Nam, năm nay 52 tuổi, hiện kinh doanh một cửa hàng bách hóa nhỏ. Vụ án xảy ra vào đêm trước tức ngày 7 tháng 2 năm 1993, Mã Thiên Cường cầm theo tầm hai mươi nghìn tệ đến thành phố Bảo Sơn nhập hàng, nhưng số tiền đó giờ đã không cánh mà bay.

Người ở cùng với Mã Thiên Cường là Hoắc Khánh Quý đã rời khỏi khách sạn từ sớm, hắn đã dùng thẻ căn cước của Mã Thiên Cường từ quầy phục vụ để lấy tiền của người chết. Hoắc Khánh Quý lập tức bị liệt vào diện tình nghi giết người nghiêm trọng. Vụ án này không hẳn không có đầu mối, đầu tiên, hung thủ để lại thông tin đăng ký từ thẻ căn cước có tên là Hoắc Khánh Quý, thứ hai, hung thủ có tiếp xúc với một vài người khác nữa.

Cảnh sát hình sự tra ra được trên sổ đăng ký tạm trú, vào buổi tối trước khi xảy ra vụ án một ngày, Hoắc Khánh Quý không ở phòng số 305 mà ở chung phòng 213 với một người tên là Khưu Minh Hoa, Khưu Minh Hoa là người thôn Đặng Hà thuộc thị trấn Cao Lương, huyện Đông Hưng, thành phố Nội Giang, tỉnh Tứ Xuyên.

Bấy giờ Khưu Minh Hoa vẫn chưa rời khỏi khách sạn, cảnh sát lập tức tìm được anh ta. Khưu Minh Hoa từng đi lính nên vóc dáng cường tráng, cao 1m8. Anh ta tới khách sạn vào buổi trưa một ngày trước, mấy tiếng sau thì Hoắc Khánh Quý cũng vào ở, hai người còn cùng ăn lẩu bò. Theo như lời Hoắc Khánh Quý nói thì hắn ta là một người kinh doanh, đã kiếm lời được mấy trăm ngàn tệ, lần này hắn ta đến đây là để đòi nợ. Có lẽ sau đó thấy Khưu Minh Hoa tráng kiện quá, sợ không phải đối thủ nên Hoắc Khánh Quý đã tìm cớ đổi sang phòng khác.

Tới tận giờ Khưu Minh Hoa mới biết chuyện tối qua Hoắc Khánh Quý đã giết người cướp của bèn sợ hãi đến mức run rẩy. Bởi trước khi xảy ra án mạng, Khưu Minh Hoa có tiếp xúc với hung thủ mấy tiếng đồng hồ nên có ấn tượng khá sâu, vậy nên chẳng mấy chốc đã miêu tả ra được đặc thù tướng mạo của hung thủ.


Theo nhưng lời khai báo của anh ta, Hoắc Khánh Quý có dáng người không cao, tầm 1m7, người khá gầy, nhưng vai rất rộng nên thoạt trông khá mạnh khỏe. Hắn trông giống một kẻ lang bạt nên có lẽ chuyện kinh doanh kia có lẽ là bịa. Hắn mặc bộ đồ vest màu đen, chân mang giày tây màu đen, tay cầm một chiếc túi da cũng màu đen, nói giọng phổ thông sặc khẩu âm Vân Nam. Khưu Minh Hoa bảo rằng nếu lại trông thấy Hoắc Khánh Quý, anh ta chắc chắn có thể nhận ra.

Dựa theo địa chỉ trong thẻ căn cước mà Hoắc Khánh Quý đăng ký tại khách sạn, cảnh sát lập tức dẫn Khưu Minh Hoa đến thôn Đại Loan thuộc xã Tây Ấp, thành phố Bảo Sơn để lùng bắt Hoắc Khánh Quý. Nhưng khi đến thôn Đại Loan, vẫn còn chưa kịp bắt thì Khưu Minh Hòa bèn phát hiện Hoắc Khánh Quý này và Hoắc Khánh Quý anh ta từng gặp là hai người hoàn toàn khác nhau. Người dân trong thôn Đại Loan cũng đứng ra làm chứng, Hoắc Khánh Quý là một nông dân, đã bao năm nay chưa từng rời hỏi thôn, chỉ thi thoảng qua mấy thôn khác họp chợ thôi. Hai tháng nay, Hoắc Khánh Quý không hề bước chân ra khỏi thôn.

Có thể kết luận, Hoắc Khánh Quý không phải là kẻ gây án. Phía cảnh sát có hỏi Hoắc Khánh Quý, Hoắc Khánh Quý kể lại rằng đầu tháng 11 năm 1992, lúc anh ta và vị hôn thê tới tiệm chụp ảnh Hồng Quang ở thành phố Bảo Sơn chụp ảnh kết hôn thì chiếc thẻ căn cước và mười mấy tệ bỏ trong chiếc túi của bộ đồ theo kiểu Tôn Trung Sơn đã bị trộm thó mất. Vị hôn thê của Hoắc Khánh Quý còn báo cả cảnh sát vì cả thẻ căn cước và tiền đều bị mất ngay trong tiệm chụp ảnh, lúc này chủ quán chụp ảnh mới khai rằng anh ta có thấy cảnh tên trộm lấy đồ nhưng vì sợ tên trộm đó quay lại báo thù nên không dám la lên. Sau khi bị mất thẻ căn cước, Hoắc Khánh Quý đã đi làm một chiếc mới. Trải qua mấy lần điều tra, cảnh sát không phát hiện ra Hoắc Khánh Quý nói dối bất cứ điêu gì. Bởi thế nên đầu mối của vụ án bị đứt đoạn, nhưng phía cảnh sát vẫn không từ bỏ, họ đoán định tên trộm lấy cắp thẻ căn cước của Hoắc Khánh Quý là người gây án, vậy nên bèn bắt tay vào tìm kiếm tên trộm này.
--------------------------------♡

Lý Chi Vĩnh khi bị bắt

Bởi đây là một vụ đại án kéo dài trong rất nhiều năm, phải nói là gần như suốt toàn bộ những năm 90, quy mô lại rất lớn, vậy nên thông tin để lại cũng rất nhiều, được liệt vào án trọng điểm kinh điển của Trung Quốc, tới tận bây giờ vẫn là mối kinh hãi của nhiều người. Tóm lại là sẽ chia ra thành rất nhiều phần, mong là mọi người đủ kiên nhẫn để theo đến tận phần cuối cùng nhé!

Bình luận

  • Bình luận

  • Bình luận Facebook

Sắp xếp

Danh sách chương