Series Truyện Ma Hung Án Trung Quốc Nhật Bản
C15: Chuyện Cũ Ở Bắc Kinh

CHUYỆN CŨ Ở BẮC KINH

1. Tiếng giày ở Cung vương phủ:

Cung vương phủ nằm ở quận Tây Thành thuộc thành phố Bắc Kinh, là tòa vương phủ có quy mô lớn nhất đời Thanh, đây từng là nơi ở của tham quan Hòa Thân và Khánh Thân vương Vĩnh Lân (con trai út của vua Càn Long và Lệnh Ý Hoàng quý phi). Do vào năm 1951, Cung Thân Vương Dịch Hân (em trai vua Hàm Phong) trở thành tân chủ nhân của tòa vương phủ này nên mới có tên là Cung vương phủ. Diện tích của nó tầm 60 nghìn mét vuông, chia thành hai phần là phủ đệ và hoa viên. Câu chuyện sau đây do một netizen kể lại, từng rất nổi tiếng trên mạng và có liên quan đến hoa viên của tòa vương phủ này:


"Chuyện này tôi được nghe kể cách đây mười năm, từ một người từng thuê trọ nhà ông bà tôi. Tôi nhớ anh ấy tên là Nhung Ninh, sinh viên khoa mỹ thuật, hình như giờ đang làm giáo sư giảng dạy ở một trường đại học nào đó tại Hà Bắc. Hồi đó anh ấy vừa mới tốt nghiệp, thuê trọ ở cùng với bạn gái tên là Vương X. Tôi rất hay trò chuyện với anh ấy. Lần nọ anh ấy có kể với tôi là trường của anh ấy (cụ thể trường nào thì tôi không nhớ rõ, chỉ nhớ là học khoa mỹ thuật) ở gần Cung vương phủ, trường có một khu ký túc xá là mượn tạm phòng cũ của Cung vương phủ. Khi đó anh ấy còn đi học nên từng có cơ hội ở lại ký túc, vào ngày nghỉ các bạn đều về quê, rất ít người ở lại Bắc Kinh, có một khoảng thời gian nguyên cả ký túc xá chỉ có một mình anh ấy ở lại. Tối đến, anh ấy thường nghe thấy những âm thanh rất kỳ lạ ngoài hành lang, khá giống với tiếng di chuyển của kiểu giày gót vuông mà các cung nữ thời Thanh hay mang, cứ đi tới đi lui, lặp đi lặp lại, hơn nữa cảm giác không chỉ có một người, đồng thời tốc độ lại rất nhanh. Lúc này nếu ra mở cửa thì sẽ chẳng thấy gì cả, âm thanh cũng sẽ biến mất. Kinh khủng hơn là cứ tối tối là vòi nước trong phòng sẽ tự động mở, âm thanh cũng rất lớn. Lạ là thi thoảng ra ngoài, dù rằng đã đóng cửa nhưng lúc quay về lại thấy cửa mở. Anh ấy rất chắc chắn rằng trong ký túc xá chẳng còn ai ngoài mình. Về sau anh ấy mới biết trong Cung vương phủ từng có không ít cung nữ bị giết hoặc chết bất đắc kỳ tử, thế nên tòa vương phủ này rất không "sạch sẽ". Anh ấy nói anh ấy từng luyện khí công nên không sợ, nếu đổi lại là tôi thì hẳn đã xong đời rồi."

2. Đơn thuốc phối sai:

Bệnh viện Số Ba của đại học Bắc Kinh được xây dựng từ năm 1958, bởi lâu đời như vậy nên tồn tại rất nhiều câu chuyện xoay quanh, nổi tiếng nhất trong số đó phải kể đến một chuyện xảy ra cách đây vài chục năm, đó là cái thời mà đại học Y Bắc Kinh vẫn còn trực thuộc bệnh viện Số Ba mà người ta vẫn quen gọi tắt là "Bắc Y Tam Viện".


Chuyện là vầy, ngày nọ, các bác sỹ y tá của bệnh viện bỗng phát hiện thiếu một cỗ thi thể trong nhà xác, đó là người vừa mới qua đời hôm trước. Mới đầu thì chẳng ai để ý bởi họ cho rằng gia quyến đã lén mang xác về chôn vì không muốn hỏa táng. Đêm đó là ca trực của hai y tá Tiểu Trương và tiểu Lưu, một người ngồi ở bàn y tá điền đơn thuốc cho bệnh nhân, người còn lại thì ở trong phòng thuốc phối thuốc cho bệnh nhân, Tiểu Trương ngồi bên ngoài còn Tiểu Lưu thì ở trong. Đương tập trung ghi chép thì Tiểu Trương bỗng vô tình trông thấy một bệnh nhân đang đi dọc theo lối đi chung, cô cứ tưởng bệnh nhân muốn đi vệ sinh nên không để ý mà tiếp tục làm việc. Không ngờ bệnh nhân đó đi về phía bàn y tá, lúc này đây Tiểu Trương ngửi thấy một mùi tanh hôi nồng nặc, thầm nghĩ bệnh nhân này quả không sạch sẽ gì cả...

Lúc bệnh nhân đó đi tới trước mặt Tiểu Trương, bởi phản cảm với mùi hôi nên cô không ngẩng đầu, vẫn tiếp tục ghi chép, lòng thầm mong bệnh nhân nọ mau chóng rời đi. Nhưng bệnh nhân đó lại đặt lên bàn một đơn thuốc và nói: "Y tá, cô nhìn xem giúp tôi có phải đơn thuốc này phối sai rồi không?". Tiểu Trương cầm lấy tờ giấy, đó là đơn thuốc mà tối qua cô ghi: "Lý XX, nam, 56 tuổi, tim...". Gì cơ? Lý XX! Lúc này đây Tiểu Trương mới nhận ra Lý XX chính là bệnh nhân qua đời hôm kia! Tiểu Lưu nghe thấy tiếng thét chói tai của Tiểu Trương ở bên ngoài bèn vội vã chạy ra ngoài...

Tiểu Trương và Tiểu Lưu được bảo vệ tìm thấy khi đang đi tuần. Sau khi hội chẩn, các bác sĩ đưa ra kết luận: y tá Tiểu Trương chết vì sợ hãi quá độ, còn y tá Tiểu Lưu thì bị dọa sợ dẫn tới việc thần kinh không ổn định. Còn nguyên nhân vì sao thì chẳng ai biết cả. Rất nhiều năm sau đó, dưới sự thôi miên của bác sỹ tâm lý mà Tiểu Lưu mới có thể kể ra được chuyện xảy ra đêm đó...


3. "Có muốn áo vest đỏ không...?":

Câu chuyện dưới đây xảy ra vào năm 1994 tại tầng 4 của khu ký túc xá nữ số 4 thuộc quận Xương Bình thành phố Bắc Kinh. Tối nọ, sau khi ký túc xá tắt đèn vào 11 giờ như thường lệ thì có một sinh viên tới phòng nước lấy nước, lúc đi qua hành lang mờ tối thì bỗng nghe thấy một âm thanh trầm thấp truyền đến từ phía sau: "Có muốn áo vest đỏ không...". Cô gái nghe xong bèn rợn người, chạy một mạch về lại phòng, kể từ đó cô gái không dám đi lấy nước một mình nữa. Câu chuyện tựa hồ cứ thế trôi qua, cô gái cũng quên bẵng sự việc từng xảy ra. Một đêm khác, sau khi tắt đèn, cô gái lại đi tới phòng nước một mình, giọng nói nọ lần nữa vang lên: "Có muốn áo vest đỏ không...", cô gái cho rằng chắc ai đang đùa mình nên đáp một tiếng "muốn". Trả lời xong vẫn chẳng xảy ra chuyện gì cả, cô gái cũng không quan tâm bèn bưng nước về lại phòng. Hôm sau, khi các bạn cùng phòng đều đã rời giường thì cô gái vẫn còn nằm ngủ, ai cũng cảm thấy lạ do bởi cô luôn là người đầu tiên thức giấc. Các bạn bèn tới giường gọi cô dậy nhưng lay thế nào cũng không tỉnh. Song khi vừa mới vén chăn lên, cả phòng bèn tái mặt, bởi cả người cô bạn giờ đây toàn là máu, trông giống như mặc một chiếc áo đỏ vậy, không còn chút hơi thở. Câu chuyện này tới giờ vẫn được truyền miệng, một đồn mười mười đồn trăm, hình thức dần trở nên kỳ quái và xuôi theo hơi hướm kinh dị, hầu như không ai không biết. Sau lại nghe tin, năm 94 quả có nữ sinh chết bất đắc kỳ tử, nguyên nhân cái chết là chảy máu não...

4. Số 2 đường Liễu Âm:

Đường Liễu Âm hay còn gọi là đường Nguyên Soái, nằm ở phía Đông Bắc quận Tây Thành thuộc thành phố Bắc Kinh. Lý do con đường này có tên là Nguyên Soái là vì đây từng là nơi ở của những tướng soái quân đội nổi tiếng như Nhiếp Vinh Trăn, Từ Hướng Tiền, Vương Chấn, Trương Ái Bình, Dương Thượng Côn,... Đây cũng là nơi duy nhất bảo lưu được lối kiến trúc nhà cửa theo hình thức tứ hợp viện của Bắc Kinh. Câu chuyện dưới đây do một netizen kể lại, có liên quan đến con đường mang đậm dấu ấn lịch sử này:


"Thời gian vào tầm đầu thập niên 90. Khi đó nhà ông bà ngoại tôi ở đó, hồi bé tôi cũng ở đó luôn, hiện tại thì sân sau đã bị phá dỡ, nhưng sân trước hẳn vẫn còn giữ nguyên. Bối cảnh của câu chuyện là tại WC của tứ hợp viện nơi chúng tôi ở, hầu như người dân khắp đường Liễu Âm không ai không biết chuyện này. WC ở chỗ chúng tôi rất tối và vắng vẻ, hồi bé tôi luôn cảm thấy nơi đó rất lạnh lẽo, do bởi điều kiện vệ sinh cực kém nên không ai muốn ở đó lâu. Diện tích của WC tầm 7 mét vuông, bồn cầu dành cho cả nam và nữ đều theo kiểu ngồi xổm và chỉ treo một bóng đèn nhỏ để chiếu sáng. Bà ngoại tôi kể lại rằng, tối đó khoảng mười hai giờ khuya, bà cụ nọ có nhà ở sân trước muốn đi WC, vừa mới vào WC thì bà ấy bỗng thét lên rồi hớt hải chạy về nhà, ngay cả quần cũng chưa cột chặt. Về tới nơi thì nằm vật xuống giường trừng mắt nhìn trần nhà. Hôm sau bà ngoại tôi tới thăm thì bà cụ đó kể lại rằng, bà trông thấy một gương mặt nam không ra nam nữ không ra nữ trên mặt tường của WC, tiếp đó một luồng khí âm ập về phía bà ấy, bà ấy sợ tới mức thét lên, ngay cả bản thân cũng không biết đã trở về nhà bằng cách nào. Sau đó bà lão bỗng ngã bệnh, được vài hôm thì qua đời, lúc tạ thế, đôi mắt của bà vẫn nhìn chằm chằm lên trần nhà.

Bà ngoại tôi còn kể rằng hồi những năm 70 cũng từng xảy ra chuyện giống vậy nhưng chủ thể gặp phải là một người đàn ông hơn 40 tuổi làm nghề mộc, thời gian tầm 10 giờ tối. Ông ấy cũng thấy thứ gì đó không sạch sẽ rồi cũng qua đời sau đó ít hôm. Giờ thì bà ngoại tôi đã mất, nhưng nếu bạn đến phường Lão Nhai trên đường Liễu Âm hỏi thăm thì hẳn vẫn sẽ biế được chút ít. Hồi đó tôi vẫn còn nhỏ, chỉ nhớ sau khi xảy ra chuyện này thì tôi không dám đi tới WC đó nữa mà tìm một WC lớn và sáng sủa hơn. Bởi những năm gần đây có nhiều người tới ở hơn, cái WC đó lại không hợp vệ sinh nên đã bị khóa lại, nó vốn đã lạnh lẽo vắng vẻ giờ lại càng âm u hơn, tuy đã bị khóa nhưng các hộ gia đình đều biết chìa khóa để ở đâu (tôi nhớ hai năm trước nó được đặt dưới viên gạch sau bệ cửa sổ). Dù chuyện không xảy ra trên người tôi, nhưng mỗi lần nhớ lại đều cảm thấy rùng mình."

----------------------------------------

Bình luận

  • Bình luận

  • Bình luận Facebook

Sắp xếp

Danh sách chương