Edit: Thịnh Ái Tư Tư

Cô nói:

-Thầy rất tiếc không tới được, nhưng Thầy cương quyết bắt chị phải mang món quà này tặng em, mong em tha lỗi, và Thầy hứa sẽ gặp em sớm nhất.

Tôi nghẹn ngào:

-Dạ. Em cám ơn.

Cô ta nheo mắt nhìn tôi bằng cặp mắt mát dịu sau khi đã hớp nhẹ ngụm bia còn lại:

-Em dễ thương quá! Trong lớp có nhiều bạn nữ được như thế không?

Ly Cún đã lấy được chút bình tĩnh:

-Dạ không. Em là duy nhất ạ.

Tôi biết nhiều kẻ sẽ nổi giận đùng đùng khi nghe câu này. Đối với chúng, cá nhân ta là bé nhỏ, là vô nghĩa, là như con kiến hoặc con ve sầu. Chỉ có tập thể quanh ta mới lớn lao.

Sai bét. Cả hai phải cùng lớn lao mới đúng. Ly Cún là duy nhất, My Cún cũng là duy nhất, Tèo Cún, Tý Cún cũng phải duy nhất. Nhiều cá nhân duy nhất mới làm nên một đám đông duy nhất. Giỏi thì cãi tôi đi.

-Em thấy Thầy thế nào? - Cô gái hỏi tiếp.

Thường câu hỏi đó nhằm vào cách Thầy giảng bài trên bảng. Có hấp dẫn không. Có lôi cuốn không? Nhưng thú thực, điều đó tôi hoàn toàn chưa để ý. Tôi mơ màng trả lời:

-Dạ. Em thấy Thầy như Vĩnh Thụy.

Tất cả các nữ sinh đã từng xem phim “Thần tượng” đều phải công nhận Vĩnh Thụy là tài tử đẹp trai nhất của điện ảnh Việt Nam, ở thời điểm bây giờ, và có khả năng mãi mãi về sau.

Tại sao có một chàng trai cao đến thế, với khuôn mặt vừa đàn ông, vừa lạnh lùng, vừa quyến rũ và sang đến thế? Một vẻ đẹp mê hồn, gây ngạt thở khiến chân tay các cô gái rụng rời.

Điều kỳ diệu của Vĩnh Thụy là anh toát ra một vẻ lành lạnh. Trong khi đa số chàng trai khác toát ra vẻ lòe loẹt hoặc vẻ khệnh khạng, coi kỳ quái vô cùng.

Việc so Thầy dạy Sử với Vĩnh Thụy theo Ly Cún hoàn toàn chính xác. Nó khiến cho cả hai người đều vinh dự. Vĩnh Thụy thừa hưởng của Thầy vẻ trí thức. Thầy tiếp quản ở Vĩnh Thụy vẻ hào hoa.

Cô gái kia gật đầu:

-Chị cũng nghĩ vậy.

Các bạn thấy chưa? Các cô gái đẹp đều nghĩ giống nhau. Tôi rụt rè hỏi tiếp:

-Chị Trà My ơi, chị làm nghề gì thế?

Chị ấy dịu dàng:

-Chưa rõ lắm. Nhưng rất tiếc, chị không còn khả năng làm nghề nữ sinh.

Các bạn nữ sinh gần xa thân mến. Nếu các bạn nghĩ kỹ, câu trả lời ấy kỳ diệu biết bao.

Rất nhiều cô gái làm nghề người mẫu đi lại kiêu kỳ trên sân khấu, làm diễn viên vênh váo trên thảm đỏ, làm tiếp viên hàng không đầy hấp dẫn hoặc làm nhân viên ngân hàng ngồi thơm phức trong phòng máy lạnh. Nhưng chỉ có Ly Cún và các bạn mới có thể làm nữ sinh được thôi.

Nữ sinh là nghề tươi đẹp nhất trong cuộc đời chúng ta các bạn ạ. Nghề đấy không có lương, không có chức vụ, chả bạn gái nào được danh hiệu nữ sinh giám đốc hay nữ sinh trưởng phòng. Nhưng là nghề duy nhất chúng mình có những tháng hè, có những lá me bay và có những tà áo dài buộc túm lên ngang bụng. Viết tới đây, sao Ly Cún muốn khóc òa.

Tôi nói chân thành:

-Chị làm cô giáo đi.

Tôi vô cùng thật lòng khi phát biểu như thế. Đừng tưởng học sinh chỉ mê thầy giáo đẹp trai. Cô giáo đẹp cũng là niềm tự hào của cả lớp, cả trường. Còn gì khát khao hơn khi khinh khỉnh nhìn đứa bạn trường bên rồi hét lên với nó: “Cô giáo tớ như Hồ Ngọc Hà, thầy giáo tớ như Bình Minh”. Chúng sẽ phải run lên vì ghen tỵ.

Trà My trả lời:

-Chị sẽ cố làm. Nhưng khó lắm.

-Tại sao khó? - Đó là điều bí ẩn Ly Cún mãi mãi mang theo.

-Thôi, chị đi đây. Chào em. - Cô gái đứng lên.

Tôi buồn bã:

-Dạ, cảm ơn. Cho em gửi lời thăm Thầy.

Trà My bước đi. Tôi nhìn theo mà không biết rằng thực sự cả bể bơi cũng nhìn theo.

Mai đủng đỉnh tới. Vẻ thông cảm, vẻ khoái trí, vẻ tò mò và vẻ ngạc nhiên trộn lẫn trên mắt nó như bánh tráng trộn:

-Ai thế? Sao Thầy không tới?

Tôi cố làm ra thản nhiên:

-Thầy kẹt việc bất ngờ. Nhờ bạn đến báo tin. Thầy gửi tớ gói quà.

Mai nâng gói kẹo bằng cả hai tay:

-Ơ kẹo. Ơ thơm.

Đúng là kẹo ngon và thơm. Dù đóng kín trong túi ni lông, mùi thơm như cũng muốn bay ra bên ngoài.

Đây không phải thứ kẹo tầm thường, xanh, đỏ, tím, vàng, đen, nâu nháo nhào thường bán ở các cửa tiệm con con, hay nhét trong các túi quà Tết một cách cẩu thả cho to đùng.

Rõ ràng nó là thứ kẹo tuyển lựa, có phẩm giá, có danh dự, được chọn lọc một cách công phu, theo nhiều phương pháp bí truyền.

Một món quà đầy tôn trọng của thầy giáo hào hoa gửi cô nữ sinh tươi như bông hoa.

Ít ra là tôi nghĩ thế. Nhưng Mai thì khác. Nó đưa ra một nhận xét phũ phàng:

-Thầy gửi kẹo cho cậu là có ý khuyên cậu còn trẻ con, đang ở tuổi kẹo ngọt, đừng có mơ mộng chuyện người lớn làm gì.

Tôi gân cổ cãi:

-Không. Ý Thầy muốn bảo đây là tình cảm ngọt ngào, rất lâu tan.

Mai khoan khoái:

-Để có kết luận chính xác, tốt nhất hai đứa mình xơi.

Rồi không đợi cho phép, Mai thò bàn tay thô lỗ, tham lam đầy hưởng thụ tầm thường của nó vào túi, rút ra một cái kẹo, bóc và quăng lên mồm nhanh như tia chớp.

Nó phồng má, đưa viên kẹo sang bên trái rồi bên phải như con rắn hổ mang chúa rồi phán:

-Bên ngoài mềm. Bên trong cứng. Có mùi chanh pha lẫn bạc hà.

Các bạn nam sinh và nữ sinh thân yêu của tôi. Xin các bạn hãy phát biểu chân thành: Khi thầy giáo đẹp trai gửi cho cô nữ sinh đẹp gái gói kẹo ngoài mềm, trong cứng, có mùi chanh pha lẫn bạc hà thì ý Thầy muốn nói là gì? Tra trong Google liệu có biết được không?

Không!

Ly Cún nhăn nhó, đau khổ thanh toán tiền kem, dắt tay Mai ra về. Có tình yêu thành công, có tình yêu tan vỡ, có tình yêu bị phản bội và có tình yêu đơn phương. Nhưng có tình yêu nào giam cầm trong gói kẹo?

Thế còn cô gái Trà My.Việc cô ấy thay mặc Thầy rõ ràng chả phải vô tình. Thầy thừa sức cử một bà già đi, một ông xe ôm đi hoặc nhờ một chú công an đưa gói kẹo tới. Nhưng cô gái đẹp đã mang một thông điệp mạnh mẽ: Em bé khốn khổ, nhà quê như Ly Cún đừng có mơ màng. Bạn Thầy toàn xinh như vậy đó. Chả có cách nào nghĩ khác hơn.

Đau thương. Thất bại.

Chúng ta đã thấy những tình yêu bị ngăn cản vì chiến tranh. Chúng ta đã thấy những tình yêu không thành do hoạn nạn. Mọi người đã thấy những tình yêu bị chia cắt do tài sản, học thức hoặc màu da. Còn hôm nay, bà con đã được nhìn một tình cảm tan tành theo gói kẹo!

Có một câu châm ngôn nổi tiếng thế này “Ở đâu có hai kẻ cãi nhau, ở đó có kẻ thứ ba sung sướng”.

Hôm nay, kẻ thứ ba đó chính là Mai. Nó ăn kem, ăn kẹo đến căng bụng.

Dừng lại

Đã đến lúc cần phải nói đôi chút về Mai.

Trong bất cứ một lớp học cấp 3 nào, cũng có ba loại nữ sinh (Trong khi nam sinh chỉ có hai loại. Hoặc đẹp hoặc xấu. Hoặc ngu hoặc giỏi.)

Một là nữ sinh có cá tính, có nhan sắc, có khát khao nổi loạn, vươn cổ nhìn ra xa như Ly Cún. Loại này yêu táo bạo, sống xả thân, ghét con trai ngu, khinh con gái yếu.

Ra khỏi nhà đôi khi bằng cách trèo cửa sổ. Leo xuống ban công bằng cách thả dây thừng. Hăng hái đi xem phim kinh dị, kiêu hãnh xỏ quần đùi đá banh, vào bếp chỉ để mở tủ lạnh, không khi nào vo gạo, rửa rau. Lớn lên hoặc nổi danh hoặc qua đời sớm, thà yêu nhầm chứ không bỏ sót. Loại như thế chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Hai là những nữ sinh rụt rè, nhút nhát, đến lớp như cái bóng, không yêu, không ghét, không dốt, không giỏi... Chúng lẫn vào nhau, hòa trộn với nhau như một tảng rêu, các nữ sinh ấy ra khỏi nhà xin phép cha mẹ, ông bà, vào trường xin phép thầy cô, bác bảo vệ, ra đường xin phép xe cộ. Chúng ăn quà vặt một cách lén lút, đau bụng một cách âm thầm.

Chúng thần tượng Miu Lê vì dễ thương. Khoái Bảo Thy vì là công chúa bong bóng, mê Ông Cao Thắng vì vẻ đẹp Bêbi. Nhưng nếu thấy Ông Cao Thắng bị đánh ngoài đường, chúng ù té chạy chứ không khi nào dám lao đầu vào cứu, sau đó về nhà đọc tin trên mạng xem chàng nằm bệnh viện chỗ nào. Sức học của chúng trung bình. Ước mơ của chúng là thi đậu đại học, bất kể trường gì, rồi mơ ước cháy bỏng là xin được việc ở một công ty có thang máy, có nhiều máy lạnh, làm hai chục năm sẽ lên được chức phó phòng.

Loại số hai cực đông. Và có vẻ như sẽ phình ra mãi.

Còn Mai thân yêu ở loại thứ ba.

Mai sôi nổi với ai sôi nổi, rụt rè với ai rụt rè. Mới một phút trước, Mai nhảy cẫng lên, mới một phút sau, Mai đổ vật xuống. Mai trung thành đi với Ly cho tới lúc chết, nhưng còn một ngày nữa Ly chết thì Mai co chân bỏ chạy. Mai đưa cho Ly gói xôi cuối cùng nhưng giữ lại một miếng chả, Mai cương quyết không khai khi Ly phạm tội nhưng lại vô tình kể ra trong lúc ăn chè. Mai là cô bạn mà nếu không có trên đời này, ta sẽ vô cùng cô đơn nhưng nếu có nhiều lúc ta mang vạ.

Nhưng vượt lên tất cả, Mai tốt bụng và đáng yêu đến nghẹn ngào. Khi nào ta già, ta run rẩy trong vườn, con cháu chuồn sạch, bỗng có ai chống gậy đến thăm, dứt khoát phải là Mai.

Tiếp tục

Hai đứa rời bể bơi Rùa Tím ra về, không nói gì với nhau. Dù sao, nỗi đau này cũng coi như nỗi đau chung.

Bình luận

  • Bình luận

  • Bình luận Facebook

Sắp xếp

Danh sách chương