Quỷ Tam Quốc [bản dịch]
-
Chương 61
Quả thật Phỉ Tiềm đã giật mình khi nhìn thấy Thôi Hậu lấy đồ vật đó ra tặng hắn. Đừng tưởng quyển sổ này mỏng manh mà nhầm, trên đó ghi chép đầy đủ thông tin liên quan đến quan viên từ chủ bạ cho đến thái thú bao gồm họ tên, tuổi tác, sở thích. Mặc dù ở mỗi một danh tự đều chỉ có mấy dòng ghi chép nhưng nó đã phác họa toàn bộ mạng lưới quan viên của đế quốc. Thôi Hậu bảo:
“Quyển sách này đã được ghi chép vài năm trước, hiện giờ nhà họ Thôi đã xuống dốc, bởi vậy thông tin có lẽ có chút sai lệch, hy vọng hiền đệ đừng chê cười.”
“Vĩnh Nguyên huynh, quyển sách này ở đâu mà huynh có được?”
Thôi Hậu mỉm cười cay đắng:
“Chuyện này cũng bất đắc dĩ, từ khi gặp phải chuyện kia, tình hình gia tộc bết bát, khó tránh việc bị người ta lợi dụng chèn ép… Đệ cũng nhìn thấy việc cha ta ngày trước đó, không kiếm đường lui cho mình không được…”
Thôi Hậu còn chưa nói hết, nhưng hàm ý đã quá rõ rang. Từ khi Hán Linh Đế bắt đầu mua quan bán tước, hầu như những quan viên được bổ nhiệm nhờ đút lót đều tìm đủ mọi cách để bóc lột của dân chúng nặng nề hòng thu lại được số tiền đã bỏ ra. Tất nhiên kẻ hăng hái nhất trong việc này chính là thương nhân, họ sống chết vì tiền, nên những thủ đoạn bỏ nhỏ lót tay làm khéo hơn đám cổ hủ đọc sách nhiều lắm. Do đó nhà nào làm ăn cũng cố sưu tầm tình báo về thái thú ở các quận huyện, lỡ như có chuyện xảy ra sẽ biết phải đưa tiền cho ai để chuyện lớn hóa nhỏ, chuyện nhỏ hóa không.
Phỉ Tiềm kinh ngạc không thôi, hắn không ngờ phương thức thương nhân sử dụng lại tương tự như cách các tập đoàn tạo quan hệ với công chức thời hiện đại, đồng thời cũng giống với hình thức các nước lớn thu thập tình báo, chẳng lẽ bàn tay nhỏ của thương nhân nhà Hán đã vươn xa đến trình độ này? Rất nhiều ý tưởng lóe lên trong đầu Phỉ Tiềm, nhưng trong phút chốc hắn chẳng nghĩ ra được cụ thể nó là cái gì, đành buồn bực hỏi:
“Mạn phép cho đệ hỏi, thứ này tất cả thương nhân đều có hay sao?”
Thôi Hậu xấu hổ đáp:
“Cũng không hẳn, ví dụ như bốn nhà buôn lớn sẽ còn có thông tin tỉ mỉ hơn ta nhiều, còn những thương gia bình thường sẽ không chú ý đến thứ này, bởi vì thứ này không phải chỉ một ít tiền là mua nổi.”
“Cái gì cơ? Hóa ra lâu nay đệ nông cạn thật, thứ này cũng có người mua bán cơ à?”
“Ha ha ha, hiền đệ à, mua bán thứ này không phải chỉ một người, đây là một ít chân chạy trong quan phủ tuồn tin ra, ví dụ một quyển nhỏ như vậy ta phải bỏ tiền mua tin tức liên tục ở hơn mười quận khác nhau đó.”
Phỉ Tiềm lại sửng sốt, hèn gì hắn cứ thấy có gì đó kì kì, thì ra mỗi một ghi chép trên sách đều có kiểu chữ khác nhau. Lũ người này chẳng khác gì một số quốc gia tư bản thời hiện đại, đám nhân viên ăn cơm nhà nước sau đó đào góc tường, bán ra ngoài kiếm bạc tỷ, không ngờ tại thời Đông Hán đã có người làm như vậy, xem ra loài người đã biết chơi thủ đoạn này từ thời còn ăn lông ở lỗ.
“Đúng rồi, Vĩnh Nguyên huynh, vừa rồi huynh bảo có bốn nhà buôn lớn thời nay, chẳng lẽ nhà họ Thôi không được tính là nhà buôn lớn sao?”
“Nói ra không sợ đệ cười chê, nhà họ Thôi giỏi lắm chỉ thuộc loại thương gia tầm trung, nhiều nhất chỉ hơn được những thương gia tầm cỡ mình một chút, nhưng so với những nhà buôn lớn nhất đế quốc thì chẳng khác nào kiến so với voi.”
Nói đến việc kinh doanh, Thôi Hậu vô cùng hào hứng nên vui vẻ giải thích cặn kẽ cho Phỉ Tiềm. Sau khi nghe xong, Phỉ Tiềm âm thầm đối chiếu với những tập đoàn từ nổi trong nước đến đa quốc gia rồi đưa ra kết luận: xét về bốn nhà buôn lớn nhất đế quốc hiện nay, đầu tiên phải nói về nhà họ Mi. Nếu như nhà họ Mi đứng thứ hai, không ai dám tranh thứ nhất, trên cơ bản nhà họ Mi ở Từ Châu và nhà họ Chân ở Hà Bắc ngang tầm với nhau, không ai lấn được ai, họ chính là đại gia giàu nhất nước.
Tổ tiên Mi Trúc đã làm thương nhân, truyền thừa từ đời này sang đời khác, đến thời hắn đã là tài sản trăm triệu, khách khanh chục ngàn người. Thật ra ở Từ Châu vẫn còn nhà họ Trần, nhưng nhà này không thể so nổi với đại gia đế quốc như nhà Mi Trúc. Có thể nói phân nửa tài sản Từ Châu thuộc về nhà họ Mi, hoặc có liên quan mật thiết đến gia tộc này, từ vật phẩm dân dụng cho đến những thứ của quân đội, nhà họ Mi đều một tay che trời.
Nói đến nhà họ Mi thì cũng phải nhắc về nhà họ Chân. Dòng họ xứ Hà Bắc cũng cực kì giàu có, nhưng điều làm thiên hạ chú ý không phải mấy lão già nhăn nheo với bao tải tiền, mà là cô con gái Chân Mật đẹp như nữ thần. Tổ Tiên Chân Mật cũng giống hệt Mi Trúc, đáng tiếc đến thế hệ này cha nàng chết sớm, hiện nay mẹ nàng là Trương Thị tiếp quản.
Không thể so sánh xem hai nhà trên ai là hạng nhất, ai đứng hạng nhì. Nhưng hai nhà còn lại trong nhóm bốn nhà buôn lại làm người ta tranh cãi. Đầu tiên là nhà họ Ngô ở đất Thục, bao thầu tất cả mặt hàng ở xứ này, mặt khác sản phẩm tiêu biểu của họ chính là gấm Tứ Xuyên được giới thượng lưu yêu chuộng vô cùng, một thớt gấm giá ngàn lượng không phải nói chơi, nhờ đó tài sản nhà họ Ngô tăng theo cấp số mũ. Có điều nhà họ Ngô có một chuyện làm người ta không phục chính là gia tộc này không thể vươn dài tay ra khỏi đất Thục, do đó nhiều người không đồng tình xếp họ vào nhóm bốn nhà buôn lớn nhất đế quốc.
Gia tộc còn lại chính là nhà họ Vệ ở Trần Lưu. Tổ Tiên họ là tướng quân Vệ Thanh nổi tiếng khắp nơi, tích lũy danh vọng sâu đến mức không ai làm quan nhưng cả quan viên cũng phải nể mặt họ. Đó cũng là lý do Thái Ung chấp nhận gả Thái Diễm cho Vệ Trọng Đạo. Tuy nhiên nhà họ Vệ qua lại quá thân thiết với triều đình, nên người đời cho rằng họ không nằm trong tầng lớp thương nhân. Nhưng nếu xét riêng về tài sản, đây là bốn gia tộc có tiền nhất Đại Hán.
Nhìn xuống dưới bảng xếp hạng, có một vài gia tộc tiềm cận được bốn nhà buôn lớn, ví như nhà họ Mã ở Kinh Châu, với châm ngôn Mã Thị ngũ thường, bạch mi tối lương (Năm anh em họ Mã, người có lông mày trắng giỏi nhất). Còn có nhà họ Lục ở Giang Đông, với thiên tài Lục Tốn dùng một mồi lửa đốt cho Lưu Bị thê thảm, hoặc nhà họ Lỗ của Lỗ Túc, nhà họ Dương ở Hoằng Nông…
Về phần nhà họ Thôi, nếu trước đó Thôi Liệt không gục ngã còn miễn cưỡng chèo chống, nhưng đó chỉ là nếu mà thôi. Nhìn vẻ mặt hâm mộ của Thôi Hậu mỗi khi nhắc tới các gia tộc thương nhân, Phỉ Tiềm chỉ đành lựa lời an ủi vị huynh đệ của mình, cũng chúc cho nhà họ Thôi sẽ trở nên vang danh trong tương lai. Ngoài miệng Thôi Hậu bảo mình thích sống yên phận, nhưng Phỉ Tiềm nhìn ra được kỳ thật Thôi Hậu luôn muốn thực hiện nguyện vọng này. Nói đi nói lại, Thôi Hậu dù sao cũng là người mà Phỉ Tiềm quen biết đầu tiên khi đến thời Tam Quốc, ngoài ra gia tộc họ cũng đối xử với hắn đầy đủ lễ nghi. Sau khi cân nhắc thiệt hơn, Phỉ Tiềm vẫn cảm thấy đồng chí Thôi Hậu cũng không tệ, tuy không thể quá tin tưởng nhưng vẫn kết giao tình nghĩa được.
Thế là Phỉ Tiềm quyết định chỉ điểm thêm một vài chi tiết về ngọc lưu ly cho Thôi Hậu làm hắn cao hứng không thôi, vội vàng lấy giấy bút ghi chép lại tỉ mỉ. Trung Quốc ở thế kỉ 21 có rất nhiều thiết kế trang sức sáng tạo, chỉ cần tùy tiện đưa ra vài gợi ý, nhà họ Thôi sẽ tạo ra được trào lưu ngọc lưu ly ở Tam Quốc.
Qua vài giờ trà bánh ngọt nhạt, Phỉ Tiềm cáo từ Thôi Hậu và rời khỏi Thôi gia trang. Mặc dù Thôi Hậu chân tình mời Phỉ Tiềm ở lại dùng cơm, nhưng Phỉ Tiềm thấy trong nhà hắn có người lớn tuổi đang bệnh, mình ở lại ăn uống say sưa có vẻ không thỏa đáng lắm nên vẫn kiên trì từ biệt. Thôi Hậu cũng bất đắc dĩ đồng ý, tự mình đưa tiễn Phỉ Tiềm đến dưới cổng thành Lạc Dương mới lưu luyến tạm biệt.
Đến khi Thôi Hậu quay về thôn trang, bẩm báo toàn bộ tình hình cho Thôi Nghị, mặc dù lão đã bị trúng gió đến méo cả mồm, nhưng đầu óc vẫn tỉnh táo, cố gắng thều thào vài chữ:
“Con trai…nhớ cho kĩ…kẻ này mai sau…sẽ dương danh thiên hạ… Con…phải hết lòng… đối đãi…”
Bình luận
Bình luận
Bình luận Facebook