Thời cổ đại hình như không có chế độ về hưu cho quan viên, thường là họ sẽ làm cho đến khi không đủ sức khỏe nữa, hoặc vì lý do nào đó mà từ quan. Ví dụ như Lưu Hồng, tính ra lão cũng đã khá cao tuổi, nhưng triều đình mới đang cần người nên quyết đoán bổ nhiệm lão làm quan quận Sơn Dương. Tiếng là thái thú khống chế cả một vùng rộng lớn, nhưng dù sao tuổi tác cao, đoạn đường từ Lạc Dương tới Duyện Châu chẳng khác nào chịu tội. Huống chi loạn khăn vàng ở Duyện Châu rất nặng nề, lần này Lưu Hồng không chỉ cần trấn an dân tình, mà còn phải tiêu diệt tàn dư khăn vàng còn sót lại, thậm chí phải chỉnh đốn cả quân đội nữa, cho nên cái ghế thái thú chẳng dễ ngồi tí nào.

Lưu Hồng là hậu duệ của Đông Hán Lỗ vương Lưu Hưng, nhưng sau thời kì Thôi Ân Lệnh, thế hệ của lão đã chẳng còn tiếng nói nhiều, chỉ khoác được mỗi cái danh bà con hoàng tộc hào nhoáng mà thôi. Thuở nhỏ Lưu Hồng cực kỳ yêu thích toán học, nhưng lão cũng nhờ Thái Ung tìm mọi cách tiến cử mới có thể thăng quan tiến chức. Đầu tiên lão biên soạn Thất Diệu Thuật, cho in Bát Nguyên Thuật thành sách, rồi lại cùng Thái Ung viết lại Hán Thư Luật Lệ Ký. Có thể nói tình bạn giữa lão và Thái Ung được hình thành từ những quyển sách đầy trí tuệ. Cuộc sống mà, có niềm vui nào lớn hơn việc giữa dòng đời tấp nập có một người hiểu rõ mình, cùng chung tiếng nói như tri kỷ?

Phỉ Tiềm biết cảm tình sâu đậm giữa hai vị sư phụ, liền yên lặng đứng một bên hầu hạ rót rượu, sau đó dâng cho họ. Lưu Hồng hít sâu lấy lại tinh thần rồi bưng ly lên mời Thái Ung:

“Bá Giai à, chúng ta cả đống tuổi rồi, chớ nên làm dáng vẻ sướt mướt của đàn bà, để hậu bối cười chê. Nào, uống với ta một ly!”

Thái Ung cũng giơ ly lên, cả hai cụng rồi uống cạn. Lưu Hồng quay sang nhìn Phỉ Tiềm:

“Tử Uyên, con có thiên phú toán học rất cao, nhưng nhớ lời vi sư dặn, đừng nên lấy đó làm kiêu ngạo mà phải dốc lòng nghiên cứu, chớ nên lười biếng.”

Phỉ Tiềm vội chắp tay hành lễ. Lưu Hồng nói tiếp:

“Thầy con Thái Ung tuổi tác đã cao, con phải nhớ tôn sư trọng đạo, thỉnh thoảng ghé đến thăm hỏi, hầu hạ chu đáo, tận lễ của một người học trò.”

“Dạ!”

Phỉ Tiềm lại chắp tay thụ giáo, Lưu Hồng ngắm nghía hắn, mang theo giọng nói sâu xa:

“Vi sư biết tính con ôn hòa hiếu khách, thích kết giao bạn bè, nhưng phải chọn bạn cẩn thận. Ta nghe nói ngày hôm trước con và Lữ Phụng Tiên cùng nhau uống say mèm đúng không?”

Phỉ Tiềm giật mình, thì ra sư phụ mình nắm tin tức nhanh như vậy….

“Bẩm sư phụ, hắn là do đệ tử tình cờ gặp được. Con thấy Phụng Tiên nhiều năm bỏ công sức phòng thủ biên cương, giúp đỡ dân chúng….”

Hắn lén liếc mắt nhìn hai vị sư phụ, phát hiện họ không tỏ thái độ gì cả nên tiếp tục nói:

“Đệ tử có cảm giác thiên hạ sắp đại loạn, tuy bản thân bước trên con đường học vấn nhưng vẫn cần học chút võ nghệ phòng thân, nên cũng nhân cơ hội nhờ Phụng Tiên chỉ điểm cho vài chiêu tự vệ.”

Dù sao cũng phải tìm cho mình một lý do chính đáng chứ nhỉ? Lưu Hồng và Thái Ung nghe xong, cả hai nhìn nhau rồi gật đầu, xem như chấp nhận lý do này. Thái Ung bảo:

“Người quân tử nên tinh thông lục nghệ, con đã nắm được lễ (lễ nghĩa), nhạc (âm nhạc), thư (thư pháp), số (toán học), nhưng vẫn khiếm khuyết xạ và ngự (bắn cung cưỡi ngựa). Học chút võ nghệ cũng không sao, chỉ có điều những chiêu thức trên chiến trường thường có sát khí, con nên cẩn thận.”

Vào thời Hán, thư sinh rất khác biệt so với đời sau, Nhất là thuyết quân tử lục nghệ, gồm lễ nghĩa, âm nhạc, toán, văn, bắn cung và cưỡi ngựa. Các triều đại sau này muốn khống chế phần tử tri thức tốt hơn nên đổi lục nghệ thành lục kinh, gồm Kinh Thi, Kinh Lễ, Kinh Nhạc, Kinh Dịch, Kinh Thư và Kinh Xuân Thu (chú thích ở chương trước). Dù sao mọt sách vẫn dễ khống chế hơn người văn võ song toàn.

Sách Chu Lễ (bộ sách ghi chép về chế độ quan lại cùng những tập tục lễ nghi của đời Chu) viết: đạo nuôi dưỡng con dân quốc gia chính là dạy cho họ lục nghệ; thứ nhất dạy lễ, thứ hai dạy nhạc, thứ ba dạy bắn cung, thứ tư dạy cưỡi ngựa, thứ năm dạy viết chữ, thứ sáu dạy toán.

Trong đó bắn cung và cưỡi ngựa là môn học liên quan đến giá trị võ lực, cũng không giống như các sách vở đời sau chú thích. Rất nhiều người Hán học theo quân tử lục nghệ, phát triển toàn diện, khi cần có thể đặt bút xuống và cầm đao lên. Bởi vậy, Phỉ Tiềm nói võ nghệ hắn hơi kém, muốn thỉnh giáo Lữ Bố để tăng thêm hiểu biết về võ mới làm Lưu Hồng cùng Thái Ung không cảm thấy kì quái. Hai lão còn nhắc Phỉ Tiềm rằng võ của Lữ Bố thiên về giết chóc trên chiến trận, quá thiên về sức mạnh nên có thể làm hắn tổn thương thân thể.

Chuyện nên dặn dò cũng đã dặn xong, có thắc mắc gì cũng được giải đáp, Lưu Hồng xem xét một chút thấy toàn bộ đều đã an bài tốt, nếu mai sau có duyên sẽ còn gặp lại, còn lỡ như…. Lão thở dài rót thêm một ly cho Thái Ung:

“Lần này ta đi, chẳng biết lúc nào mới có thể được nghe Bá Giai đánh đàn nữa. Liệu huynh có nguyện ý đánh một khúc vì ta không?”

Thái Ung gật đầu, giọng lão khàn đi, quay sang bảo Phỉ Tiềm:

“Được! Tử Uyên, mang đàn của vi sư đến đây.”

Hả? Đừng nói là kêu ta chạy về thành lấy đàn nhé? Có lẽ sư phụ mình sẽ mang đàn theo…. Quả nhiên khi Phỉ Tiềm đến xe ngựa Thái Ung, hắn nhìn thấy có một cây đàn vô cùng cổ xưa. Hắn thận trọng ôm lấy đàn đem vào đình, Lưu Hồng nhìn thấy lập tức cười bảo:

“Haha, ta dùng đàn này tặng huynh, giờ huynh lại lấy nó ra để đàn tiễn ta, quả nhiên tuyệt diệu.”

Đợi Phỉ Tiềm đặt đàn xuống và đốt hương xong, Thái Ung mới bình tâm lại, lão nhẹ nhàng đặt hai tay lên dây đàn. Xung quanh bắt đầu yên lặng, các hộ vệ biết ý nên cũng ngừng hết công việc lại. Chỉ thấy Thái Ung đặt ngón tay lên dây đàn rồi lả lướt gảy, những âm thanh phiên tán như bướm lượn giữa rừng hoa. Phỉ Tiềm chỉ cảm thấy bỗng nhiên mình xuất hiện trong núi sâu, vài luồng gió mát thổi quanh người, có tiếng lá rơi xào xạc kết hợp tiếng nước chảy. Đáng lẽ nghe những âm thanh này sẽ làm người ta thanh thản tâm hồn, những muộn phiền đều tan biến, nhưng chẳng biết tại sao trong lòng hắn cứ cảm thấy chua xót. Cảnh tượng dần thay đổi, có một ai đó đang bước đi trên đường, càng đi càng xa, bóng kéo dài trên mảnh đất thê lương, một ai đó khác đang đứng trên núi nhìn theo đưa tiễn… Phỉ Tiềm rất muốn giữa bóng hình kia lại, nhưng lại không mở miệng ra nổi, chỉ có thể trơ mắt nhìn ai đó đi xa thật xa.

Trên trời dường như có một bầy chim bay đến kêu thảm thiết, hắn đành đem toàn bộ ly biệt thương cảm hóa thành lời chúc phúc. Lưu Hồng nhắm mắt lắng nghe, sau đó cũng chẳng nói gì với Thái Ung nữa, đứng lên hất tay áo rồi khiêu vũ, nương theo tiếng đàn hát vang:

Gối đầu dưới lụa xanh êm ái,

Tình ca cảm xúc nhẹ hát vang.

Đường xa đang đợi chốn phương trời,

Nhung nhớ in đậm mãi trong tim.

Nhìn dòng Kinh Vị đang chảy xiết,

mây trôi vô định chẳng quay về.

Bạn ơi, xa rời đừng lưu luyến,

Cứ bước đi, lòng chẳng bận lòng.

Hai hàng lệ lăn dài trên đôi mắt già nua của Thái Ung, lão cất giọng hát theo:

Mùa thu lạnh lẽo đầu tháng chín,

Giữa rừng sương giá vẫn sáng tinh.

Ngẩn ngơ, tim đau, lòng vương vấn,

Lệ cay rơi xuống nỗi bâng khuân.

Đàn chim tung cánh bay trong gió,

Gửi hồn vào sâu tận núi rừng.

Tình bạn đôi ta xa vạn dặm,

Nhưng vẫn vững bền với tháng năm.

Trong tiếng đàn đau thương và cay đắng, Lưu Hồng leo lên xe ngựa, đội hộ vệ im lặng bước theo, dần dần khuất xa dưới ánh hoàng hôn.

Bình luận

  • Bình luận

  • Bình luận Facebook

Sắp xếp

Danh sách chương