Quái Khách Muôn Mặt
Chương 35: Tân xuân gặp gỡ

Hãy nói về Long Uyên, gia đình của chàng đã dán yết thị khắp nơi công bố ngày cưới của chàng. Trong ba ngày cưới tại nhà họ Long, người người ra vào chật ních. Ít khi có một đám cưới nào lại linh đình như thế này, bất cứ người giới nào của thành Chức Mạc cũng đều có thiện cảm với nhà họ Long, nên trong ba ngày Tết cũng là ngày cưới của Long Uyên, mọi người đều đến chúc Tết và chúc mừng đám cưới.

Lầu hai của nhà chàng không đủ chỗ ở nên bây giờ đang phải sửa chữa. Long Uyên và cha mẹ chàng phải xuống ở tạm phòng của bác bảy.

Long Uyên tránh mặt không chịu tiếp khách, chỉ cùng Lỗ Trí ẩn núp trong một phòng nhỏ để bàn tán kế hoạch, công việc tiếp khách dành cho mấy người bác đã lành mạnh phụ trách.

Trong chín vị phu nhân, ngoài Chí Tri phu nhân và mẹ của Long Uyên ra thì bảy vị kia có vẻ không vui. Họ nhận thấy hai đứa con dâu mới cưới này không thuộc của họ, cho nên họ ngoài mặt vui vẻ tiếp khách, nhưng trong lòng thì không vui chút nào.

Lỗ Trí ở nhà Long Uyên cũng chẳng được nhàn rỗi chút nào. Ngoài việc bàn kế hoạch với Long Uyên, lại còn phải canh gác hộ chàng. Việc canh gác này trước kia do Diệp Hoàng Hà Thanh phụ trách, nhưng bây giờ y là sui gia bên đàng gái, nên trong mấy ngày cưới này, y phải trông nom và sắm sửa cho con gái.

Cũng may tám đại tiêu cục ở Kim Lăng, hiệp cùng với mấy vị cục chủ đi vận lương thực cũng tới kịp dự đám cưới này. Lục Quý với Hoa Hoa cũng tự động tham gia vào việc ấy.

Võ Di bà bà, Phong Lan với một cô nương nữa là Tú Mai đã dọn ra ngoài Long phủ, và ở tạm Xương Lăng khách sạn ở trong thành. Vì nhà họ Long đã bao hết Xương Lăng khách sạn, đồng thời cũng phái mười tỳ nữ và nô bộc hầu hạ, nên cha con Tú Mai và bà cháu Võ Di bà bà sinh hoạt rất là dễ chịu.

Từ khi dọn ra khách sạn này, Phong Lan và Tú Mai suốt ngày gần gũi bên nhau, nên không đầy nửa tháng hai người đã thương nhau hết sức.

Chỉ có Long Uyên mấy ngày hôm nay tuy nhàn nhã nhưng cũng rất khổ tâm, là vì lúc này chàng đã trở thành người nổi tiếng nên đi tới đâu cũng gặp người chào hỏi và ngưỡng mộ, tuy trong lòng cũng có thích thú nhưng chàng cũng cảm thấy phiền phức. Ngoài ra hình bóng Vân Tuệ lúc nào cũng làm cho chàng bứt rứt và ăn năn khôn tả.

Chàng còn nhớ một đêm nọ uống rượu say về tới phòng, thấy Phong Lan chàng lại tưởng là Tú Mai, chàng càng ăn năn thêm. Nhưng cũng đêm ấy, chưa đến ngày hành lễ mà chàng đã chiếm mất trinh tiết của Phong Lan rồi.

Thời gian đi qua rất nhanh, chỉ trong nháy mắt đã đến ngày mùng ba. Từ trước cửa khách sạn trong thành tới cửa nhà Long Uyên ở ngoại thành người đứng như kiến cỏ, phải chen vai mới có thể qua lọt.

Cuộc rước dâu cũng linh đình hết sức, và cũng vì quá đông nên bọn Lỗ Trí khổ sở vô cùng, vì phải cố gắng lắm lắm mới dẹp được một lối đi để cho kiệu hoa đi qua.

Đi trước kiệu hoa là một con rồng dài hơn năm trượng do hơn hai chục người múa. Sau đó đến đến những mâm hồi môn, cuối cùng mới là kiệu cô dâu. Hai chiếc kiệu hồng đều do tám người khiêng, sau đó lại còn có những chiếc kiệu cho những người đưa dâu, hai bên kiệu đều có đèn lồng kết hoa. Thật là linh đình không kém gì một đám rước.

Khi kiệu cô dâu tới cửa, chú rể liền ra đá cửa kiệu để bà mai cõng cô dâu vào nhà. Lúc này người xem chen nhau để xem cô dâu, nếu không được các võ sư trong Long phủ giúp sức gạt những người hiếu kỳ ra thì kiệu cô dâu cũng không sao chen vào tới tận cửa Long trạch được.

Khi cô dâu chú rể vào tới đại sảnh, Long Uyên đứng giữa hai cô dâu đi tới trước bàn thờ tổ. Hai cô dâu đều đội phượng mão, mặc áo phượng y, dùng khăn nhiễu điều phủ mặt.

Lúc này có người xướng lớn :

- Nhất bái thiên địa...

- Nhị bái cao đường...

- Phu thê giao bái...

- Lễ thành! Đưa cô dâu chú rể vào động phòng! Tấu nhạc...

Long Uyên cầm hai trái cầu kết bằng điều đi theo bốn tiểu đồng cầm đèn lồng dẫn đường, còn hai cô dâu thì nắm hai chiếc đuôi của trái cầu đi theo sau.

Bên ngoài tiếng nhạc tấu vang lừng, hòa với tiếng pháo nổ đì đùng, và tiếng ồn ào của khách khứa thập phần náo nhiệt.

Các tân khách thấy cô dâu chú rể đã bái tơ hồng xong liền ra ngoài sân để xem tuồng và nhậu nhẹt.

Sau khi vào trong phòng, Long Uyên mới thở phào một cái. Chàng vén tấm khăn che mặt của một trong hai cô dâu lên, thì ra là Phong Lan.

Phong Lan từ lúc lên kiệu tới giờ bị khăn điều che mặt nên cũng đỡ hổ thẹn. Lúc này Long Uyên bỏ chiếc khăn điều của nàng ra, nàng mới trông thấy bộ mặt anh tuấn của chàng, nhưng vì chung quanh còn có bốn nữ tỳ nên nàng hổ thẹn cúi đầu xuống không dám nhìn thẳng chàng nữa.

Long Uyên thấy nàng hổ thẹn như vậy trông lại càng đẹp hơn trước làm chàng cứ ngẩn người ra nhìn. Chợt nghe thấy bốn nữ tỳ kia cười khanh khách, chàng mới sực nhớ mình chưa mở khăn điều cho cô dâu thứ hai. Chàng vội tiến lên mấy bước kéo nốt chiếc khăn điều phủ mặt Tú Mai ra.

Kế đó bà mai chỉ huy bọn nữ tỳ khiêng một cái bàn tròn đến trước giường, và bày tiệc hợp cẩn cho ba người. Sau khi Long Uyên cùng hai cô dâu đã uống xong ly rượu hợp cẩn, bà mai thấy công việc của mình đã xong liền vái chào tân lang và tân giai nhân rồi lui ra ngoài phòng luôn. Bọn nữ tỳ cũng đưa mắt nhìn nhau ra hiệu, rồi rút lui ngoài.

Trong phòng chỉ còn lại ba người. Long Uyên ho khan một tiếng và nói :

- Hai vị...

Phong Lan nghe thấy Long Uyên ho khan đã thấy tức cười, bây giờ thấy chàng lên tiếng thì không sao nhịn được liền cười khì một tiếng. Còn Tú Mai thì cứ cúi mặt xuống, nhưng sự thực, cử chỉ của hai người kia nàng đều trông thấy hết. Lúc này nàng mới đứng dậy rót một chén nước đưa cho Long Uyên.

Long Uyên đỡ lấy chén nước, quay sang hỏi Phong Lan rằng :

- Lan muội cười gì thế?

Phong Lan đưa mắt nhìn Tú Mai một cái, rồi vừa cười vừa trả lời :

- Muội thấy chúng ta cứ giống như là người gỗ vậy, bị người ta kéo tới kéo lui thật là tức cười.

Tú Mai đối với cuộc hôn lễ này rất là nghiêm trang, bây giờ thấy Phong Lan nói như thế cũng phì cười.

Long Uyên thấy hai nàng cười đẹp khôn tả. Bao nhiêu bất mãn trong lòng tiêu tan hết, nên chàng vừa cười vừa xen lời nói :

- Biết làm sao được! Ai bảo chúng ta sinh trưởng trong đại gia đình này nên phải đủ lễ, nhưng sau này nếu...

Chàng bỗng ngắt lời. Chàng định nói, sau này nếu còn lấy vợ nữa thì sẽ không chịu làm những lễ nghi phiền phức này, nhưng trước mặt hai người vợ mới cưới đâu thể nói những lời này, nên chàng không nói tiếp nữa.

Phong Lan thắc mắc vội hỏi :

- Nhưng nếu cái gì, sao chàng không nói nữa?

Long Uyên lắc đầu đáp :

- Không có gì! Chắc hai người đã đói rồi, sẵn thức ăn còn nóng chúng ta hãy cùng ăn đi. Nếu không lát nữa khách khứa vào xem mặt cô dâu, muốn ăn cũng không được.

Tú Mai nghe lời chàng vội cầm đũa lên. Còn Phong Lan thì cau mày lại nói :

- Hừ! Đại ca không nói thì muội cũng biết. Có phải đại ca muốn nói sau này nếu kết hôn với chị Tuệ, lễ nghi sẽ giản tiện hơn có phải không? Nói thực cho đại ca biết, không thể được đâu. Khi nào các bá phụ, bá mẫu, với cha mẹ lại chịu để cho đại ca làm như thế.

Tú Mai đã nghe Phong Lan nói qua về chuyện của Vân Tuệ, nên không lấy gì làm ngạc nhiên. Phong Lan thấy Long Uyên có vẻ kinh ngạc lại nói tiếp :

- Thiếp với Mai muội đã chịu khổ sở như vậy, mai này chị Tuệ cũng phải bị một lần như chúng tôi, như thế mới công bằng.

Long Uyên đáp :

- Thì ngu huynh cũng phải chịu cực khổ một lần rồi mà.

Phong Lan đáp :

- Một lần thì có nghĩa gì! Đại ca muốn lấy nhiều vợ thì phải chịu khổ sở nhiều lần, như vậy mới hợp lý chứ, phải không Mai muội?

Tú Mai đối với Long Uyên có vẻ tôn kính nên nàng không dám đồng ý với Phong Lan, chỉ khẽ mỉm cười thôi.

Phong Lan thấy vậy bực mình, nên vội nói tiếp :

- Mai muội không được cười như thế, phải lên tiếng nói chứ.

Long Uyên vội đỡ lời :

- Lan muội đừng có ép Mai muội nữa. Mai muội im lặng nghĩa là đồng ý với Lan muội rồi.

Phong Lan chẩu môi lên nói tiếp :

- Ối chà! Chưa chi đại ca đã thiên vị như thế rồi.

Long Uyên và Tú Mai đều ngượng đỏ bừng mặt, Tú Mai vội đáp :

- Lan tỷ! Em đồng ý với chị. Tướng công muốn được nhiều diễm phúc thì tất nhiên phải chịu khổ mới được.

Lúc ấy Phong Lan mới nguôi giận và cười khì. Tiếp theo đó ba người chuyện trò rất vui vẻ.

Một lát sau, Long Uyên nghe thấy tiếng chân người lên cầu thang, chàng biết đó là những người khách bắt mình xuống tiếp rượu, nên chàng dặn hai nàng chịu khó ngồi chờ mình trong phòng, rồi lẻn đi vòng cầu thang khác xuống dưới trước.

Ở dưới khách sảnh, thấy chàng xuất hiện, Chí Tri liền đứng dậy, nắm tay chàng giới thiệu cho tất cả các tân khách. Giới thiệu xong Chí Tri liền bảo Chí Lễ các người dẫn chàng đi tiếp rượu từng bàn một. Chàng biết hôm nay không thể nào tránh khỏi say một mẻ, nên đã có vẻ hãi sợ. Chí Tri biết ý, nên rỉ tai truyền thụ cho chàng một mưu kế.

Long Uyên mừng rỡ lắm, rồi theo Chí Lễ đi các mâm mời rượu. Khi mời tới mâm của Hoa Hóa, chàng đã lảo đảo như sắp té ngã. Hoa Hóa thấy vậy vội nói với mọi người rằng :

- Công tử đã say rồi, thôi còn mấy bàn nữa xin quý vị cho miễn.

Thế rồi, y vực chàng đưa lên phòng cô dâu.

Vào tới phòng, Long Uyên giả vờ nằm lăn ra giường. Các nữ khách thấy chú rể vào vội vàng rút lui đi hết.

Khi mọi người đã đi khỏi, Phong Lan liền quay lại thọc léc chàng một cái và nói :

- Thôi đừng có giả bộ nữa! Khách đã đi hết rồi kìa. Đại ca giả bộ khéo thực, nhưng không qua khỏi mắt của tiểu muội đâu.

Tú Mai đang giật mình kinh hãi khi thấy cử chỉ của Phong Lan, nhưng khi nàng thấy Long Uyên ngồi dậy rồi mới hiểu rõ chuyện và không sao nhịn được cười.

* * * * *

Lưu Gia điếm ở cách chùa Thiếu Lâm chừng hơn trăm dặm.

Vân Tuệ, Vương Mai, và Phả Cái đi tới đây đã bắt đầu gặp một vài hòa thượng trẻ, quần áo rách rưới vẻ mặt từ bi đầy nét phong trần, hai tay bưng bát đồng đi khất thực, thật khác với những hòa thượng Thiếu Lâm mà Vân Tuệ từng gặp. Xưa nay nàng vẫn tưởng tượng hòa thượng Thiếu Lâm chỉ hay giận dữ, ỷ thế hiếp người, hơi tí là đánh nhau ngay, nàng ngạc nhiên vô cùng, nghĩ thầm :

- Chẳng lẽ phái Thiếu Lâm đã đổi tính rồi chăng?

Tuy nghi ngờ như vậy, nhưng mọi người vẫn tiếp tục đi tới chùa Thiếu Lâm. Khi tới Khoáng Thành, muốn thận trọng hơn nên ba người mới đổi kế hoạch thành ngày nghỉ đêm đi. Hơn nữa, ban đêm ba người có thể thi triển khinh công lên đường, nên không bao lâu ba người đã tới chân núi Thiếu Thất.

Phả Cái đã tới đây nhiều lần nên rất quen thuộc với địa hình, vì vậy khi đến chân núi, ông ta không lên núi vội mà chỉ đi ven theo chân núi, tiến thẳng về phía bắc.

Lúc ấy mặt trời mới bắt đầu nhô lên. Ba người đã đi cả đêm, Vân Tuệ và Phả Cái không mệt nhọc gì mấy, nhưng Vương Mai giả trai thì đã mệt nhoài, nhưng tính nàng rất hiếu thắng, mấy ngày hôm nay tuy rất mỏi mệt, nhưng nàng không hề lên tiếng than vãn.

Phả Cái ngấm ngầm quan sát, thấy nữ đồ đệ này cương nghị như vậy cũng mừng thầm.

Vân Tuệ đang đi bỗng quay đầu lại nói với Phả Cái rằng :

- Bá bá! Đằng trước có một thị trấn, chúng ta hãy đến đó nghỉ ngơi rồi mới lên núi nhé?

Phả Cái không ngừng chân, tung mình nhảy một cái xa mấy trượng, rồi vừa đi vừa đáp :

- Cũng được! Chúng ta hãy đến đó ăn no một bữa đã, rồi tính sau.

Ba người vừa quanh qua một mỏm đá đã thấy một thị trấn nho nhỏ. Phả Cái sợ bại lộ hành tung nên giơ tay ra hiệu cho hai nàng đi sau đi chậm lại, rồi cả ba thủng thẳng tiến tới thị trấn.

Tiểu trấn này bé nhỏ, chỉ độ hơn trăm nóc nhà, nhưng phố xá lại rất chỉnh tề, và đa số là tiệm buôn. Lúc này hãy còn sớm, vả lại vì sắp đến tết nên các hương khách lên núi lễ Phật cũng vắng bóng nốt, cho nên phần lớn các cửa tiệm đều đóng cửa chờ qua tết có đông khách hành hương thì mới mở tiệm bán lại. Chỉ có một số ít tiệm chạp phô là còn mở cửa thôi.

Vương Mai thấy vậy không nói năng gì, miệng nàng đã chẩu lên. Vân Tuệ trông thấy một quán rượu ở cách đó không xa, liền lên tiếng nói :

- Bá bá! Đằng kia có một tiệm mở cửa rồi kìa! Chúng ta hãy tới đó đi!

Vương Mai đang chẩu môi bực tức vì không thấy tiệm nào mở cửa, vì lúc này nàng đang đói bụng, bây giờ nghe Vân Tuệ nói vậy thì mừng rỡ lắm. Nàng nhảy mấy cái đã tới trước cửa tiệm rượu, liền quay đầu lại lớn tiếng gọi :

- Sư phụ! Tỷ tỷ! Mau lại đây! Trong quán này đang làm dầu cháo quẩy với bánh tiêu đấy!

Phả Cái cau mày lại không trả lời, nhưng vẫn rảo bước tới trước mặt Vương Mai, trầm giọng mắng rằng :

- Làm gì mà kêu la om sòm lên thế? Sư phụ đã chẳng dặn con rồi sao? Nơi đây không phải như chỗ khác... Hà, cũng không thể trách con được, vì đã cả đêm con chưa được ăn uống gì...

Vương Mai nghe sư phụ mắng thì thè lưỡi làm xấu một cái, rồi chạy ngay vào trong tiệm.

Tửu bảo đang kinh ngạc khi thấy một cậu bé chạy vào tiệm, sau lại thấy một người ăn mày già và một thiếu phụ xinh đẹp, đều không phải là người bổn xứ thì đã hiểu được mấy thành.

Quí vị nên biết, thị trấn này tuy nhỏ bé, nhưng vì có nhiều khách thập phương qua lại, trong đó cũng có nhiều hào khách giang hồ võ lâm, cho nên tửu bảo không dám chậm trễ, vội múc ba bát chao và mấy cái dầu cháo quẩy cho ba người ăn trước.

Ăn xong bát cháo với mấy cái bánh, Vân Tuệ mới nghĩ tới những hòa thượng khổ hạnh mà mình đã gặp bên đường, liền lên tiếng hỏi chủ điếm rằng :

- Ông chủ! Ở đây đi lên chùa Thiếu Lâm còn bao xa?

Người chủ quán vội đáp :

- Chừng... chừng tám chín dặm gì đó.

Vân Tuệ thấy ông chủ tiệm có vẻ hồi hộp liền mỉm cười tỏ vẻ an ủi và hỏi tiếp :

- Chúng tôi nghe nói chùa Thiếu Lâm là chùa lớn nhất thiên hạ, chắc trên chùa cũng đông hòa thượng lắm phải không?

Chủ quán thấy nàng quá đẹp, giọng nói lại rất êm tai, nên cứ ngẩn người ra quên cả trả lời.

Vương Mai và Phả Cái thấy vậy đều phì cười. Vương Mai liền vỗ bàn một cái quát :

- Ông chủ này thật là thiếu lễ độ!

Vân Tuệ thấy người quê mùa ấy giật mình kinh hãi và hổ thẹn, nên không nhẫn tâm vội xen lời nói :

- Ông chủ đừng sợ! Sao không trả lời câu hỏi của tôi?

Chủ tiệm liền cúi đầu đáp :

- Thưa cô nương! Chùa Thiếu Lâm thật lớn vô cùng. Hòa thượng trên chùa có hơn nghìn người, ai nấy Phật pháp cao thâm, võ công lợi hại. Những người có thể đả thông tam quan thì đều được phép hạ sơn đi hóa duyên khắp nơi, hoặc đi làm chủ trì các phân chi khác để tu tích thiện công, cho nên trên chùa chỉ còn lại vài trăm vị thôi. Nhưng mười mấy năm nay, không hiểu tại sao những hòa thượng được phép ra ngoài đều được gọi về hết.

Bọn Vân Tuệ ba người nghe nói như thế thì thắc mắc vô cùng, và đồng thời cảm thấy việc này khó khăn lắm. Vì chùa Thiếu Lâm người đông thế mạnh, trong đó có rất nhiều võ lâm cao thủ, như vậy bọn mình làm sao mà địch nổi?

Bây giờ lại nghe thấy các cao thủ trở lại chùa hết, như vậy muốn tự do ra vào để tìm kiếm hung thủ chính đã giết chết Cô Độc Khách cũng không phải là chuyện dễ.

Vân Tuệ cau mày ngẫm nghĩ giây lát và hỏi tiếp :

- Phải đấy! Có lẽ những hòa thượng mà chúng ta gặp trên đường đều là người của Thiếu Lâm tự.

Ông chủ tiệm thấy nàng có vẻ hồ nghi liền lên tiếng đáp :

- Những vị hòa thượng đó đều là đệ tử đời chót của chùa Thiếu Lâm. Xưa kia những đệ tử đời chót này không được phép xuống núi, nhưng mấy năm gần đây luật này đã được thay đổi. Những đệ tử đời chót, trước khi được truyền thụ võ công thượng thừa, đều phải phải xuống núi tu tích ba năm thiện công trước đã.

Phả Cái nghe nói ngạc nhiên vô cùng. Vì theo ông ta biết, môn hạ Thiếu Lâm đều tu từ thuở nhỏ, mới nhập môn đã học tập võ công liền, cho tới khi nào một mình có thể xông qua tam quan thì mới có tư cách hạ sơn, bằng không cho dù là bảy tám chục tuổi cũng đừng hòng xuống núi. Nhưng không ngờ luật ấy tương truyền đã lâu mà bây giờ lại bị thay đổi như vậy, không hiểu tại sao thế?

Tuy Vân Tuệ chưa biết lề luật Thiếu Lâm trước kia như thế nào, nhưng nàng nhận thấy Thiếu Lâm tự thay đổi lề luật ắt phải có chuyện gì, nhưng nhất thời không đoán ra được đấy thôi. Nàng móc túi lấy ra một lạng bạc đặt lên bàn nói :

- Cám ơn ông chủ nhé! Đây là tiền cơm, còn dư bao nhiêu ông cứ việc giữ lấy.

Ông chủ tiệm mừng rỡ, vội vàng cám ơn và lui xuống liền.

Vân Tuệ cau mày nhìn xung quanh không có ai, liền nói với Phả Cái rằng :

- Bá bá! Xem ra chùa Thiếu Lâm thế nào cũng đã xảy ra chuyện gì. Bây giờ nếu chúng ta ngấm ngầm lên đó, cháu e không tiện...

Phả Cái cũng cau mày lại, cất giọng khàn khàn đáp :

- Ta tuy đã ẩn dật mười năm mà bây giờ lộ mặt ra cũng thấy phiền phức lắm.

Vân Tuệ ngẫm nghĩ một lát mới nói tiếp :

- Nếu vậy theo cháu nghĩ thì cháu sẽ lên trên đó dụ Huyền Pháp hòa thượng ra và nói rõ với y. Nếu y thành thực kể lại chuyện xưa, và chỉ rõ người chủ mưu cho chúng ta hay thì chúng ta...

Phả Cái ngắt lời nàng :

- Như vậy sao được! Huyền Pháp hòa thượng là đệ tử đời thứ hai của Thiếu Lâm, điệt nữ lại không biết y là ai thì làm sao mà kiếm thấy y được. Hơn nữa, xưa nay chùa Thiếu Lâm vẫn hay bênh vực đồ đệ của mình, và còn ngông cuồng kiêu ngạo không thể tưởng tượng. Nếu điệt nữ lên đó, nhỡ bị chúng phát hiện, thế nào cũng phải ra tay đấu với chúng. Dù sao song quyền cũng khó địch tứ thủ, cho nên theo ý ta thì...

Phả Cái vừa nói tới đó bỗng thấy có hai hòa thượng tuổi ngoài sáu mươi bước vào, liền ngắt lời ngay.

Hòa thượng đi đầu thân hình to béo, vừa lùn vừa thô, mình vận cà sa đỏ thêu kim tuyến, trên cổ đeo chuỗi bồ đề hột nào cũng to và đen nhánh như hạt nhãn.

Phả Cái đã đến chùa Thiếu Lâm nhiều lần nên biết ngay người này là Thánh Hỏa đại sư, một trong ngũ đại hộ pháp của Thiếu Lâm. Đồng thời lão cũng biết hòa thượng này tính tình nhỏ nhen mà lại nóng như lửa. Năm xưa, tuy ông ta chưa đấu với hòa thượng này, nhưng cũng vì ông ta mà khiến hòa thượng này bị Cô Độc Khách đánh bại. Cho nên bây giờ gặp lại hòa thượng này, biết rằng hôm nay thế nào cũng không tránh khỏi một trận đấu. Tuy vậy, Phả Cái cũng không phát động thế công vội, cứ ngôi yên đó chờ xem phản ứng của đối phương như thế nào.

Vân Tuệ và Vương Mai đang lẳng lặng ngồi nghe, bỗng thấy Phả Cái ngắt lời, vẻ mặt hơi khác lạ. Cả hai đều quay lại nhìn thì thấy ngoài hòa thượng béo lùn kia nghênh ngang bước vào, phía sau y còn có một hòa thượng gầy gò mặc áo màu vàng nữa.

Hòa thượng này gầy ốm, nhưng mặt lại bẹ và to, da trắng bạch, môi mỏng, vừa nhìn cũng biết là người vô ân bạc nghĩa. Điều đáng ghét là mắt người nào cũng trợn tròn thao láo, ngoài sự biểu hiện võ công thâm hậu ra thì còn chứng tỏ là hai kẻ đa mưu giảo hoạt nữa.

Hình như Thánh Hỏa đại sư không ngờ trong điếm lại có người tới ăn sớm như thế, nên khi lớn bước tiến vào, vừa trông thấy Phả Cái y đã ngẩn người giật mình, nhưng lại trấn tĩnh được ngay, và ngẩng mặt lên trời cười ha hả nói :

- Quả đất tròn có khác! Mới xa cách mười năm, lão thí chủ lại tái xuất giang hồ, và còn đến chân núi Thiếu Thất này. Ha ha... thực hân hạnh vô cùng...

Vân Tuệ cau mày nghĩ thầm: “Hòa thượng này chẳng có vẻ gì tu hành hết, trái lại còn ăn nói bậy bạ và kiêu ngạo hết sức!”

Những hình ảnh và cảm tình tốt đẹp do những hòa thượng trẻ khổ hạnh Vân Tuệ đã gặp trên đường giờ đây đã bị hai hòa thượng này làm tiêu tan hết. Hòa thượng gầy đi sau liếc mắt nhìn ba người một lượt thần sắc bỗng nhiên thay đổi hẳn, nhưng khi y nghe Thánh Hỏa nói như vậy, y không chờ Phả Cái trả lời đã cười hí hí nói :

- Sư thúc! Vị lão thí chủ này có phải là cái gì Tiếu Diện què cẳng tiếng tăm lừng lẫy đấy không?

Phả Cái nghe nói như vậy, mặt đang lầm lì bỗng tươi cười, nhưng hai mắt đã dần dần nổi sát khí.

Thánh Hỏa đại sư là một trong ngũ đại hộ pháp của Thiếu Lâm, địa vị rất cao quý, thấy thái độ Phả Cái như vậy liền quay lại quát mắng hòa thượng gầy rằng :

- Huyền Pháp! Ngươi không được nói bậy! Cái gì là Tiếu Diện què cẳng? Ngươi không sợ người ta cười cho thúi óc hay sao?

Tuy y khiển trách Huyền Pháp, nhưng thực sự y đang chửi xéo Phả Cái.

Phả Cái và Vân Tuệ nghe thấy Huyền Pháp hai chữ liền mừng rỡ vô cùng, cho nên dù nghe thấy Thánh Hỏa mỉa mai nhưng cũng không nổi giận.

Vân Mai thấy sư phụ bị người ta chế riễu mà không nổi giận chút nào, thì không sao nhịn được, bèn nói :

- Lão hòa thượng nói rất phải! Người gầy gò như con khỉ như ngươi có lẽ vì ăn thiếu cơm gạo nên mới có bộ mặt xấu xí như thế, thực là làm mất hết sĩ diện cho phái Thiếu Lâm. Bổn công tử lấy làm lạ rằng không biết sư phụ ngươi dạy bảo ngươi như thế nào mà cả đến Tiếu Diện Phả Cái đại danh lừng lẫy mà ngươi cũng không biết.

Ngờ đâu Huyền Pháp không tức giận, trái lại còn cười hí hí, đáp :

- Ối chà! Cậu bé này nhắc nhở bần tăng mới nhớ ra. Vị này chính là Tiếu Diện Phả Cái, còn tướng công bé nhỏ này với vị phu nhân kia có phải là cái gì Thiên Diện thư sinh phu phụ đấy không?

Nói tới đây y trợn mắt lên tỏ vẻ khinh thị, làm như coi ba người không vào đâu hết.

Vân Tuệ và Phả Cái nghe hòa thượng đó nói như thế lấy làm hoài nghi, bụng bảo dạ :

- “Hòa thượng này làm sao biết được cái tên Thiên Diện thư sinh phu phụ như thế? Chẳng lẽ chùa Thiếu Lâm tụ tập người lại để đối phó với vợ chồng Thiên Diện thư sinh hay sao?”

Vân Mai không nghĩ như thế, nàng chỉ trợn đôi lông mày, giận dữ mắng chửi tiếp :

- Tặc hòa thượng tin tức cũng linh thông đấy! Nhưng tiếc thay mắt ngươi hơi lòa một chút. Tiểu gia họ Vương tên Mai, chứ không phải Thiên Diện thư sinh. Nhưng chính vị này là Thiên Diện phu nhân đấy.

Thánh Hỏa đại sư và Huyền Pháp hòa thượng nghe thấy Vân Mai ăn nói như thế thì cả hai đều nổi giận. Thánh Hỏa đại sư cười nhạt mấy tiếng nói :

- Thằng nhãi kia! Ngươi không biết trời cao đất rộng gì hết. Dưới chân núi Thiếu Thất này đâu phải là chỗ cho ngươi múa mép đâu. Nếu lão nạp không vì ngươi ít tuổi thì vừa rồi ngươi đã toi mạng rồi.

Vân Mai dùng giọng mũi “hừ” một tiếng đáp :

- Hòa thượng ngươi nói sĩ diện gì thế? Chân núi Thiếu Thất này chẳng lẽ là tư sản của ngươi sao? Ngươi là cái thá gì mà cấm tiểu gia nói chuyện chứ?

Huyền Pháp nghe Vân Mai nói thế tức đến sầm mặt lại. Y trợn mắt nhìn Vân Mai nói :

- Thằng nhãi kia mau ra đây để Phật gia cho ngươi một bài học. Nếu ngươi thắng nổi đôi bàn tay của Phật gia đây thì lúc ấy mi hãy nói khoác cũng chưa muộn.

Nói xong y lui ra ngoài đường, chờ Vân Mai ra đấu.

Vân Mai còn ít tuổi khi nào chịu nổi lời khiêu khích ấy. Nàng định nhảy ra đấu với Huyền Pháp thì Vân Tuệ đã đứng dậy nói :

- Mai hiền đệ cứ ngồi yên đây. Ngu tỷ còn nhiều chuyện muốn hỏi hòa thượng này.

Nói xong nàng cất tiếng oanh thỏ thẻ hỏi Huyền Pháp rằng :

- Tại hạ nghe nói hòa thượng Thiếu Lâm đã ra khỏi chùa thì chuyên tâm tụng kinh niệm Phật, không quan tâm đến chuyện giang hồ nữa. Vậy tại sao các ngươi biết được cái tên Thiên Diện phu nhân của ta?

Phả Cái vẫn ngồi yên nãy giờ, bỗng ngửng đầu lên trời cười ha hả. Tiếng cười của ông như sấm động rung rinh cả mái nhà, khiến ai nghe cũng phải đinh tai nhức óc.

Thánh Hỏa đại sư thấy vậy cũng phải kinh hãi thầm, vội lùi ra khỏi nhà la lên :

- Lão ăn mày ngươi có tài thì ra đây theo lão tăng đến chỗ vắng vẻ so tài một phen! Hà tất phải ở đây giương nanh múa vuốt làm chi?

Phả Cái hớn hở đáp :

- Được, được! Thánh Hỏa ngươi đi trước dẫn đường. Dù tới đầm rồng hang hổ, ăn mày già này cũng phải đấu với ngươi một phen.

Vừa nói Phả Cái vừa đi cà thọt ra khỏi quán. Thánh Hỏa đại sư cũng không nói năng gì, quay người cùng Huyền Pháp hòa thượng đi thẳng ra khỏi thị trấn.

Vân Tuệ và Vân Mai theo sau thấy thân pháp và dáng điệu của Thánh Hỏa và Huyền Pháp nhanh như chớp đủ thấy hỏa hầu của họ đã luyện tới mức thập toàn rồi.

Phả Cái đi cà thọt cách hai hòa thượng chừng mười trượng, thoạt trông rất chậm, nhưng sự thực ông đi nhanh không thể tưởng tượng, và thái độ rất ung dung, đủ thấy công lực ông ta còn cao siêu hơn đối phương nhiều.

Phả Cái thấy hai hòa thượng càng đi càng lên cao vào trong đường núi, trong lòng thắc mắc vô cùng. Mười mấy năm trước, ông đã đột nhập Thiếu Lâm và suýt nữa thì mất mạng trong La Hán trận. Bây giờ ông quay trở lại, tuy hùng tâm cao vạn trượng, nhưng ông biết rằng chùa Thiếu Lâm có rất nhiều cao thủ, không biết có thể rút lui được một cách êm thắm hay không? Nếu chỉ có một mình thì ông ta không sợ gì cả, nhưng bây giờ ông lại đi cùng với đồ đệ duy nhất của mình, lại còn đồ đệ duy nhất của bạn thân mình nữa. Nếu tất ba người đều bị mất mạng ở Thiếu Lâm tự, như vậy chết cũng không nhắm mắt và cũng không còn mặt mũi nào gặp lại người bạn thân Cô Độc Khách dưới suối vàng. Vì thế ông ta vừa đi vừa nghĩ cách đối phó, không dám giở hết tốc lực ra vội.

Còn Vân Tuệ thì không nghĩ đến điểm đó. Nàng nhận thấy bất cứ lên trời hay xuống đất, ngày hôm nay cũng phải hỏi cho ra tại sao sư phụ mình lại kết oán với phái Thiếu Lâm. Huyền Pháp hòa thượng trước mặt có lẽ là người chủ mưu, bằng không Vu Tam Phi không khi nào vô duyên vô cớ nhắc đến tên tuổi của y.

Đáng lẽ những người tham dự trận đấu giết Cô Độc Khách ngày xưa đều là hung thủ, nhưng vì Long Uyên lại bảo nếu chủ trương của nàng muốn báo thù thì phải tìm đúng người chủ mưu, và phải tìm ra nguyên nhân tại sao thất đại môn phái lại liên tay giết hại Cô Độc Khách. Như thế để xem ai phải ai trái, và sau đó mới đem chuyện này ra công bố cho thiên hạ hay là thầy trò Cô Độc Khách không phải là những người hiếu sát.

Vì vậy nàng với Phả Cái mới phải lên chùa Thiếu Lâm để kiếm Huyền Pháp, rồi nghĩ cách dò hỏi để y thố lộ chân tướng. Vì phái Thiếu Lâm tuy hay bênh vực môn đồ, nhưng vẫn được tiếng là luận đoán rất công bằng. Nếu bên trong quả thực có sự hiểu lầm thì phái Thiếu Lâm không bao giờ lại liên hiệp với sáu phái kia giở thủ đoạn đê hèn ra đối phó với Cô Độc Khách như thế.

Cho nên Vân Tuệ không muốn ra tay động võ ngay mà nghĩ thầm rằng: “Ta nên tiên lễ hậu binh, dùng lý lẽ thuyết phục đối phương trước, như vậy đối phương thế nào cũng phải cho ta biết rõ nguyên do”.

Ngờ đâu hai hòa thượng trước mặt đây lại không như nàng tưởng tượng. Chúng định dụ nàng với Phả Cái ba người vào trong chùa, nên hai hòa thượng vừa lên tới trên đèo đã vội quay sang phải lướt xuống một cái thung lũng.

Thung lũng này rất rộng, ba mặt đều có rừng thông, địa thế rất bí ẩn. Giữa sơn cốc chỉ có ngọn suối nhỏ và đã đóng thành băng, ngoài ra đều là những tảng đá với băng tuyết ngổn ngang.

Thánh Hỏa đại sư với Huyền Pháp hòa thượng xuống tới thung lũng thì quay lại đứng đợi. Phả Cái vừa xuống tới nơi thì Thánh Hỏa liền lấy chuỗi hạt bằng sắt ra cười hí hí và nói :

- Lại đây, lão tăng hãy đấu với ngươi vài hiệp trước, thử xem mười mấy năm nay ngươi khổ luyện có tiến bộ chút nào không?

Phả Cái cười ha hả quát lớn: “Hay lắm!”, rồi tung mình tới cách đối phương chừng năm thước, nắm tay búng mạnh một cái. Chỉ phong của ông phát tiếng kêu “veo véo”, nhằm ngực Thánh Hỏa hòa thượng công tới.

Tuy Thánh Hỏa hòa thượng ăn nói ngông cuồng nhưng y vẫn ngấm ngầm đề phòng. Y thấy Phả Cái giở Đàn Chỉ thần công ra tấn công mình, nên kinh hãi thầm, bụng bảo dạ :

“Không ngờ tên ăn mày này lại tiến bộ hơn trước nhiều đến thế”.

Y không chờ chỉ phong bắn tới đã múa tít chuỗi hạt phòng thủ, đồng thời nhảy sang bên tránh né.

Phàm cao thủ ra chiêu cần nhất là phải chiếm lấy thế công trước. Thánh Hỏa hòa thượng không đợi Phả Cái ra tay lần thứ hai đã múa tiết chuỗi hạt như một con rồng đen nhằm ngang lưng Phả Cái quật tới, đồng thời quát lớn :

- Tiếp chiêu!

Phả Cái thấy thân pháp của đối phương linh hoạt như vậy, ra tay lại thần tốc, liền trợn ngược đôi lông mày cười ha hả, chân trái đá một cái, hai ngón tay tay trái búng “véo” một tiếng khiến chuỗi hạt của đối thủ bắn ngược lại chủ nhân.

Dùng hai ngón tay một công một thủ như thế, chính là tuyệt kỹ đặc biệt mà lão ăn mày khổ luyện mãi mới thành.

Thánh Hỏa hòa thượng vội vàng kéo chuỗi hạt lại, rồi dồn nội lực vào chuỗi hạt khiến nó trở nên cứng như một chiếc que sắt, nhằm mặt Phả Cái đâm luôn.

Phả Cái thấy vậy thầm khen đối thủ biến thế nhanh nhẹn, và cũng không ngờ lão hòa thượng tính nóng như lửa này cũng luyện được công lực âm nhu tỉ mỉ như thế. Ông ta không dám trì hoãn, giơ hai ngón tay lên nhằm huyệt Đan điền và Khí Hải ở bụng dưới của Thánh Hỏa mà tấn công tiếp.

Thánh Hỏa hòa thượng vội nhảy sang bên tránh né, đồng thời tay tả vung chuỗi hạt tấn công, tay hữu cùng lúc tấn công liền ba chưởng như bài sơn đảo hải, nhằm ngực Phả Cái tấn công tới.

Phả Cái liền quát lớn :

- Giỏi lắm!

Dứt lời, cả quyền lẫn chỉ cùng giở ra một lúc, tiếng kêu “veo veo” không dứt, chống đỡ lại chưởng lực của Thánh Hỏa hòa thượng.

Chỉ nghe thấy “bùng, bùng, bùng” ba tiếng thật lớn, chỉ phong và chưởng lực đôi bên chạm nhau. Phả Cái chỉ hơi rung động đôi vai, còn Thánh Hỏa hòa thượng thì bị đẩy lui ba bước, mặt tái mét rồi từ từ biến thành sắc tía, miệng thở hồng hộc một lúc rồi thổ ra mấy cục máu tươi.

Huyền Pháp hòa thượng đứng cạnh đó không ngờ sư thúc mình lại bại nhanh đến thế, y giật mình kinh hãi vội móc túi lấy ra một chiếc còi đồng đưa lên miệng thổi “tu tu” hai tiếng. Chỉ trong nháy mắt tiếng còi ấy đã vọng đi rất xa.

Vân Tuệ vẫn chủ trương không ra tay tấn công vội, nhưng vì Phả Cái và Thánh Hỏa hòa thượng cả hai cùng nóng tính, chưa nói hai đã ra tay đấu với nhau rồi, nên nàng bất đắc dĩ phải đứng bên ngoài quan chiến, bụng bảo dạ rằng :

- Để chờ hai người đấu vài trăm hiệp rồi sẽ tính sau!

Ngờ đâu Thánh Hỏa hòa thượng vừa đấu có hai hiệp đã bị thương nặng như vậy. Bực mình nhất là Huyền Pháp hòa thượng thấy tình thế bất lợi liền thổi còi gọi viện binh. Nếu tăng chúng chùa Thiếu Lâm hay tin tới nơi mà thấy Thánh Hỏa hòa thượng bị thương nặng như thế, tất nhiên họ không khi nào để yên cho bọn mình, như vậy làm sao bắt được Huyền Pháp nói rõ sự thật cho mình hay.

Vân Tuệ là người quả cảm cương nghị, thấy tình thế thay đổi như vậy nàng liền thay đổi kế hoạch.

Chỉ thấy nàng hét lên một tiếng rồi nhảy xổ lại tấn công Huyền Pháp. Chỉ thấy thấp thoáng, bóng chưởng của nàng đã úp chụp lên người đối thủ rồi.

Huyền Pháp hòa thượng sợ hãi hóa tức giận, quát lớn :

- Tiện tỳ đừng có hà hiếp người như thế...

Y vừa nói vừa giở La Hán quyền chống trả.

Vân Tuệ không muốn dây dưa cho mất thì giờ, liền cười nhạt một tiếng, giở Cô Độc chưởng pháp ra khẽ phất một cái, lập tức có một luồng bạch khí xen qua kẽ quyền phong của đối thủ mà điểm trúng vai phải của địch tức thì.

Yếu huyệt đó là một trong ba mươi sáu đại huyệt trên cơ thể. Nếu bị đánh mạnh vào nơi đó, nặng thì có thể mất mạng đương trường, nhẹ thì cũng bị chết giấc tại chỗ.

Huyền Pháp hòa thượng dù có tài ba cũng không sao tránh nổi, nên y cảm thấy mình mẩy tê tái, chân tay bủn rủn, chưa kịp rên la đã lăn ra chết giấc.

Vân Tuệ liền túm lấy cổ áo của Huyền Pháp, và quay lại nói với Phả Cái và Vân Mai rằng :

- Chúng ta đi thôi!

Thế rồi ba người phi thân như bay ra khỏi sơn cốc ấy.

Thánh Hỏa hòa thượng tuy bị thương nhưng vì công lực thâm hậu nên vẫn còn rất tỉnh táo, nên khi thấy Vân Tuệ đánh ngất sư điệt của y và lôi đi như bó cỏ vậy làm y vừa kinh hãi vừa tức giận.

Phải biết Huyền Pháp là đệ tử đời thứ hai của phái Thiếu Lâm, tuy không phải là người có võ công cực cao, nhưng cũng không tầm thường đến nỗi chưa đầy một chiêu đã bị đánh ngã. Nhưng sự thật là như thế đủ thấy công lực của Thiên Diện phu nhân rất cao siêu, bảo sao Thánh Hỏa lại không kinh hãi. Dù sao Thánh Hỏa cũng là một hộ pháp của chùa Thiếu Lâm, nên khi thấy sư điệt của mình bị người ta bắt đem đi như vậy thì lấy làm hổ thẹn mà quên cả vết thương của mình, y vươn cổ lên chửi theo :

- Lão ăn mày! Mau đứng yên đó, đừng có hòng đào tẩu!

Vì y dùng sức để hét lớn nên ảnh hưởng đến vết thương nội tạng. Y liền khạc ra hai búng máu rồi ngã ra chết giấc.

Thánh Hỏa hòa thượng vừa ngã ra chết giấc thì trong rừng cũng có mười mấy hòa thượng tay cầm khí giới chạy tới. Bọn người này do một lão hòa thượng mặc áo đỏ thêu viền vàng dẫn đầu.

Vừa tới nơi, lão hòa thượng này thấy Thánh Hỏa đại sư bị thương như vậy thì kinh hãi lắm, nhưng vẫn giữ được bình tĩnh, vội quay đầu lại quát bảo bọn hòa thượng theo sau rằng :

- Mau đi chung quanh khám xét xem!

Nói xong liền gọi một hòa thượng khác đến đỡ Thánh Hỏa hòa thượng dậy mà xoa bóp cho y.

Một lát sau Thánh Hỏa hòa thượng từ từ lai tỉnh, nhận ra người đang cứu chữa cho mình là ai, nên lên tiếng :

- Thánh Thủy sư huynh!

Thánh Thủy đại sư thấy y đã tỉnh lại liền lên tiếng khuyên bảo :

- Sư đệ không nên nói nhiều, mau uống Bát Bảo đơn của bổn môn và vận công điều tức đi, sư huynh sẽ vận công hộ cho, chờ hiền đệ lành mạnh rồi hãy tính.

Y vừa nói vừa nhét thuốc vào miệng Thánh Hỏa, rồi ngồi xuống áp hai tay vào huyệt Mệnh Môn sau lưng Thánh Hỏa, vận công luôn.

Một lát sau, mặt của Thánh Hỏa hòa thượng đã hồng hào dần, đồng thời trên mặt y chảy rất nhiều mồ hôi. Lúc ấy tiết trời rất lạnh, mồ hôi của Thánh Hỏa nhỏ xuống thì đóng thành băng ngay.

Thánh Hỏa hòa thượng biết sư huynh mình đã tốn rất nhiều hơi sức để chữa trị cho mình, nên sau khi vận công quá huyệt xong, y liền lên tiếng :

- Cám ơn sư huynh! Đệ đã đỡ nhiều rồi, sư huynh hãy thâu hồi sức lại đi!

Thánh Thủy đại sư liền thâu hồi sức lại. Hai người ngồi yên điều tức hơn nữa tiếng đồng hồ nữa.

Thánh Hỏa cảm thấy trong người đã khỏe hẳn, liền đứng dậy chạy lên trên núi luôn.

Thánh Thủy thấy vậy liền gọi theo :

- Sư đệ hãy quay trở lại! Ngu huynh còn có lời muốn hỏi...

Thánh Hỏa tuy vẫn còn tức giận, nhưng vẫn quay trở lại. Thánh Thủy thấy sư đệ giận dữ như thế thì thở dài nói :

- Sư đệ! Người vừa tới đó là ai? Với tài ba của sư đệ như thế mà...

Y định nói “với tài ba của sư đệ như thế mà còn bị đối phương đánh bại, đủ thấy đối phương không phải tầm thường”, nhưng y biết tính nết của Thánh Hỏa, sợ y hổ thẹn quá hóa tức giận, cho nên y mới ngập ngừng như thế.

Tuy vậy Thánh Hỏa đại sư mặt vẫn đỏ, tai vẫn tía, uất hận khôn tả, rồi giận dữ la lớn :

- Y là cái thá gì! Một tên ăn mày què và một con nhãi mà tự xưng là... cái gì Thiên Diện phu nhân ấy...

Thánh Thủy nghe nói đến liềm sa sầm nét mặt lại. Thánh Hỏa hòa thượng mới trông thấy hổ thẹn vô vùng, vội lời ngắt ngay, gượng cười nhìn sư huynh một cái, niệm một tiếng Phật hiệu và nói tiếp :

- Xin sư huynh thứ lỗi, tiểu đệ vì nóng giận quá nên lỡ lời mà ăn nói thô tục như thế. Đối thủ là đồ đệ của Thiên Hạ Đệ Nhất Kiếm năm xưa, ngoại hiệu là Thiên Diện phu nhân, cùng với thầy trò Phả Cái. Bây giờ chúng bắt cóc Huyền Pháp sư điệt đi rồi.

Thánh Thủy đại sư nghe nói giật mình kinh hãi hỏi lại :

- Cái gì? Là đồ đệ của Cô Độc Khách ư? Thảo nào mà hiền đệ... nhưng nàng ta cùng Phả Cái tới đây với mục đích gây hấn với phái Thiếu Lâm chúng ta, ta cũng biết rõ. Sao sư đệ lại nóng nẩy như thế, sao không báo cho Chưởng môn nhân biết có phải hơn không?

Thánh Hỏa thấy sư huynh nói thế thì ngẩn người ra giây lát, rồi giận dữ nói :

- Việc đó quả thật tiểu đệ không biết. Nếu sư huynh đã biết mục đích của bọn họ, thì xin thưa với Chưởng môn nhân lập tức điều động môn hạ khám xét chung quanh núi trước, còn tiểu đệ thì đi tìm chúng để cứu Huyền Pháp sư điệt.

Nói tới đó, y không đợi Thánh Thủy trả lời, vội vàng đi luôn.

Thánh Thủy đại sư sa sầm nét mặt lại, thở dài một tiếng, rồi quay trở về chùa báo cáo cho Chưởng môn nhân hay.

Bình luận

  • Bình luận

  • Bình luận Facebook

Sắp xếp

Danh sách chương