Phồn Chi (Tập 2)
-
Chương 29: Chương 29 : Ngoại truyện: Một tang lễ khác
Di chuyển mộ phần một người đã chết so ra dễ dàng hơn người sống dọn nhà. Ít ra tất cả các thủ tục chỉ cần làm một lần tại quản lý nghĩa trang là xong. Từ Văn Diệu nộp tiền, điền các giấy tờ cần thiết. Tốc độ nộp tiền nhanh chóng cùng thái độ hợp tác của Từ Văn Diệu đã khiến các nhân viên quản lý ở đó rất vui vẻ. Thậm chí sự cao hứng ấy đạt đến đỉnh điểm khi anh hỏi ý kiến và ủy thác cho họ mời giúp đạo sĩ về cúng bái siêu độ cho vong linh người đã khuất vào ngày dời mộ. Các nhân viên quản lý ai nấy mặt mũi hồng hào, cười tít cả mắt, bỗng nhiên nhìn sang còn tưởng họ không phải là kẻ quanh năm suốt tháng giữ nghĩa trang mà lại giống những nhân viên bán hàng chuyên nghiệp ở cửa hàng vậy, dùng ánh mắt nhìn hai người Từ Văn Diệu như những kẻ coi tiền như rác, còn khách khí tiễn anh và Vương Tranh ra đến tận ngoài cổng.
Tài xế taxi chở hai người tới đây rất có trách nhiệm, ngồi trong xe hút thuốc chờ cả hai quay lại. Vương Tranh và Từ Văn Diệu lên xe, tài xế vừa khởi động xe vừa nhanh miệng hỏi: “ Hai người đi vào đó cũng nhanh nhỉ, tôi cứ tưởng phải hết cả ngày mới xong” .
“ Chúng tôi cúng bái ột người bạn” . Vương Tranh đáp. “ Cũng thuận tiện di dời linh vị của anh ấy sang một phần mộ tốt hơn” .
“ Nếu mà dời mộ thì hai anh phải tìm người lo việc cúng bái mới được. Ở đây chúng tôi có tập tục phải làm lễ siêu độ khi bốc mộ đi, bằng không người khuất mặt khuất mày sẽ không vui. Còn nói như thời buổi hiện nay, không phải trước khi dọn nhà thì nên gửi lời chào tới hàng xóm chung quanh hay sao? Đúng rồi, hai anh đã tìm được vị sư thầy lo cúng bái hành lễ chưa?” .
“ Tìm rồi, chúng tôi đã ủy thác việc đó cho những người quản lý nghĩa trang” .
“ Ai nha, hai anh bị lừa rồi, mấy người quản lý mộ phần ở đó nổi tiếng là ăn tiền hoa hồng của người đã khuất, chắc hai anh bị gạt một khoản rồi nhỉ. Sao không tới hỏi tôi, tôi giúp hai anh liên lạc với thầy trong chùa, bảo đảm rẻ hơn bên đó quá nửa tiền…” .
Vương Tranh lặng lẽ vươn tay nắm lấy tay Từ Văn Diệu, khẽ cười mà đáp: “ Vậy sao, nhưng bọn tôi đã đánh tiếng với người ta rồi, hơn nữa cũng ngại không dám làm phiền tới anh” .
Tài xế tiếc rẻ thở dài: “ Hai anh không cần khách sáo. Lạ nước lạ cái tới đây dễ bị lừa lắm. Thiệt không giấu gì hai anh, tôi quen thân với trụ trì của chùa sát bên đó, thậm chí còn là đệ tử tục gia của thầy ấy nữa. Không tin tôi lấy chứng nhận quy y ra cho hai anh xem, đệ tử phật môn chúng tôi đều trọng chữ tín, tuyệt đối không lừa ai bao giờ…” .
Từ Văn Diệu đột ngột lên tiếng: “ Mời sư thầy và đạo sĩ lo việc cúng bái thì có gì khác nhau!” .
“ Khác biệt rất xa đó. Các thầy trong chùa tụng kinh mới có thể siêu độ vong linh. Anh biết Địa Tạng Bồ Tát chứ, ngài ấy có quyền hạn cao hơn cả Diêm Vương. Với lại niệm một bài Kinh Địa Tạng có thể giúp người đã khuất tăng thêm công đức, như vậy nơi đến đầu thai sẽ tốt hơn, chẳng phải sao?” .
Vương Tranh nghe tài xế ăn nói ba hoa về hai nhà Phật – Đạo mà chỉ muốn cười thầm trong bụng, lại nghe Từ Văn Diệu nghiêm nghị nói: “ Anh nói rất có lý, vậy phiền anh lái xe đến ngôi chùa nổi tiếng nhất ở đây, tôi muốn mời một vị cao tăng đại đức ở đó siêu độ vong linh cho bạn mình” .
Tài xế có chút hoảng sợ: “ À… thì… anh chỉ cần mời một sư thầy bình thường trong chùa cũng được rồi…” .
“ Không được. Nếu cần hòa thượng tụng kinh vãng sinh, những tăng nhân Phật giáo bình thường có thể đem so với hòa thượng trụ trì sao?” . Từ Văn Diệu lạnh lùng nói. “ Phiền anh chạy nhanh một chút, chúng ta bây giờ đến đó, có thể nói chuyện được với vị cao tăng đó trước giờ làm lễ văn đảo[1] của họ” .
[1] Văn đảo: nghi thức tôn giáo tiến hành vào buổi tối.
Tài xế chẳng dám nhiều lời bèn theo như lời anh nói lái xe đi vào phố sá sầm uất rồi vào một ngôi chùa cổ được dựng đã hơn nghìn năm. Sân chùa rộng rãi, nhang khói thịnh vượng, thiện nam tín nữ ra vào không dứt. Từ Văn Diệu thanh toán tiền rồi xuống xe, cùng Vương Tranh vào chùa, vừa vào đã tìm ra ngay người phụ trách việc cúng bái lễ nghĩa. Từ Văn Diệu thẳng thắn nói ra ý định của mình, đối phương vui vẻ đáp ứng, lấy hoàng lịch ra xem ngày thì chọn được ngày lành là bảy hôm sau, ngày đó vừa hay đại hòa thượng chủ trì cũng rảnh và đồng ý đến nghĩa trang tụng kinh dời mộ. Bàn bạc xong, Từ Văn Diệu gọi điện cho ban quản lý nghĩa trang, hủy bỏ lễ rước vong đã bàn trước đó, và chỉ lấy lại một nửa phí dụng đã bỏ ra. Bên kia khi không lại được tiền, nên chẳng nói lời nào dây dưa. Tuy họ không rõ gia thế Từ Văn Diệu thế nào, nhưng chỉ nhìn vẻ ngoài cùng khí chất hơn người của anh liền biết là người không nên đắc tội, vì vậy đã rất niềm nở phối hợp.
“ Anh nghĩ rồi, những gì mà anh nợ thầy ấy không cách nào trả được, bây giờ cũng chỉ có thể sửa soạn việc tế lễ cúng cáp như thế này, để mọi người biết rằng không phải không có ai tiếc thương cho sự qua đời của thầy” , giọng Từ Văn Diệu mất tinh thần, âm trầm nói. “ Anh hy vọng làm như vậy có thể giảm bớt được chút tội nghiệt của mình” .
Vương Tranh thở dài, xoa hai bên huyệt thái dương: “ Được ạ, anh cứ làm đi” .
Từ Văn Diệu gọi điện cho tài xế đến đón họ, sau đó lại gọi cho trợ lý ở thành phố G, bảo người đó tạm ngưng công việc đang làm mang theo một vài người thuộc phòng quan hệ xã hội đến sắp xếp tổ chức cho lần đạo pháp này. Anh tâm tâm niệm niệm muốn chuộc lại danh dự cho người đã khuất, thậm chí còn yêu cầu nhân viên cấp dưới mời tất cả thân bằng quyến thuộc cũng như các đồng nghiệp trước đây của đối phương đến dự lễ.
Tính toán còn mấy ngày nữa là đến buổi cầu siêu, Từ Văn Diệu cũng không quay lại thành phố G, cả ngày ngồi ngẩn người hút thuốc trong khách sạn. Ánh mắt dõi đến một vùng xa xăm nào đó, đôi khi không biết hồn phiêu lạc phương nào. Người thầy giáo trẻ kia là vết thương không bao giờ lành trong lòng anh, khiến bao nhiêu dũng khí tích cóp được mấy năm nay bỗng chốc tan biến như băng tan trên mặt đất.
Anh không biết mình phải làm sao, chỉ hành động theo cảm xúc, có thể sẽ chẳng cứu chuộc được gì nhiều nhưng ít ra cũng có ý nghĩa nào đấy.
Bản thân anh bây giờ thấy rất mông lung và chán chường, như một kẻ một chân đã ở trong hư không còn chân kia đang lắc lư chới với ngay trên mép vực, nhưng anh không để tâm quá nhiều.
Vương Tranh cũng không nói chuyện gì nhiều với anh, chỉ im lặng ở bên cạnh, tới giờ ép anh ăn cơm uống nước, đêm xuống vỗ về anh vào giấc ngủ. May là luôn có cậu ở bên trông coi, bằng không vì tinh thần anh luôn hoảng hốt mà xảy ra việc gì, hay vì ăn uống thất thường thiếu chất dinh dưỡng rồi đau ốm nơi đất khách quê người.
Hôm làm lễ truy điệu, Vương Tranh lấy hai bộ tây trang màu đen, giúp Từ Văn Diệu mặc vào, sau đó còn thay anh thắt cà vạt, vỗ nhẹ lên ngực anh mà nói: “ Được rồi, đi thôi” .
Từ Văn Diệu gật đầu, lúc ra cửa thì có hơi chần chừ, bàn tay nắm tay đấm cửa cứ siết chặt lại, lâu sau cũng không chịu nhúc nhích.
“ Sao vậy? Lẽ nào đột nhiên lại thấy mọi chuyện đều vô nghĩa?” . Vương Tranh hỏi.
“ Đúng vậy…” . Từ Văn Diệu cúi đầu thừa nhận. “ Chuyện đã qua lâu như vậy, nếu như thật sự có luân hồi thì thầy ấy cũng đã đi đầu thai, làm gì còn chờ anh tới đây truy điệu hay siêu độ?” .
“ Anh chưa từng nghe qua câu này à, làm lễ mai táng hay truy điệu chẳng qua cốt chỉ để làm an lòng người còn sống” . Vương Tranh bước tới ôm lấy bờ vai anh, dùng sức vỗ vỗ, nói: “ Hoặc giả, anh nên tự hỏi chính mình, rốt cuộc anh muốn sắm vai trò gì trong buổi lễ ngày hôm nay?” .
“ Sắm vai?” .
“ Phải. Rốt cuộc anh muốn làm kẻ bị mất người yêu, một gã đàn ông si tình bao nhiêu năm trời vẫn còn tâm tâm niệm niệm không quên được mối tình xưa, một cậu học trò có lòng tri ân thầy cũ, hoặc một ông chủ ngu ngốc lắm tiền nhiều của, hay là tên gian thương đứng ra tổ chức tang lễ nhằm lấy chút tiếng tăm hiền đức?” .
Từ Văn Diệu ngây ra một lúc rồi thều thào: “ Em à, anh nào nghĩ được nhiều như vậy” .
“ Thế bây giờ anh nghĩ đi” . Vương Tranh cười vỗ vai anh. “ Đừng gấp gáp, từ đây tới nghĩa trang mất cả tiếng, trong thời gian đó hãy cố gắng tìm ình một câu trả lời” .
Suốt quãng đường đi, Từ Văn Diệu cứ trầm tư, Vương Tranh cũng không thúc giục anh, cậu có mang theo người quyển sách đóng gáy buộc chỉ nhìn hay hay mà cậu đã mua từ sạp sách cũ.
Xe lần này hai người đi là một chiếc Lincoln Limousine, chẳng biết nhân viên phòng quan hệ xã hội kia đã thuê ở đâu, tổng thể toát lên hình tượng của một ông chủ lớn. Vương Tranh tự nhủ mình chỉ là một người đến dự tang lễ bình thường, nhưng khi vừa bước vào nghĩa trang thấy bầu không khí trang trọng và nghiêm cẩn bị thổi phồng lên đó thì lại khiếp sợ không thôi. Khắp nơi giăng đầy cờ tang màu xanh đen, các hàng liễn phúng điếu, đâu đâu cũng bài trí vòng hoa trắng có cả cúc trắng cúc vàng và cả lay ơn nữa. Vào bên trong, ngay phía trước sớm đã có một hương án dài với tượng Bồ Tát thanh thoát, các vị sư sãi mặc tăng bào chỉnh tề, da đầu cạo sạch nhẵn nổi gân xanh, tay cầm đồ gõ mõ trang nghiêm đứng ở hai bên, vị đại hòa thượng mặc áo cà sa nét mặt nghiêm nghị đứng nép một phương, nhìn thấy hai người thì khẽ gật đầu chào. Còn bên kia có không ít người tới xem, chẳng biết có phải tất cả đều là thân quyến của người đã khuất không, dù nhìn thế nào cũng thấy cảnh tượng hôm nay giống như lễ đưa tang của một nhân vật quan trọng.
Hình như tất cả mọi người đều đã quên, người hôm nay nằm dưới mộ chỉ là một thầy giáo trẻ bình thường tới mức không thể bình thường hơn, năm đó phạm tội sát nhân và nguyên nhân cái chết là tự sát.
Xem ra nhân viên của Từ Văn Diệu đã ra sức làm việc hết sức chuyên tâm nhằm thể hiện bản lĩnh trước ông chủ là anh. Buổi lễ vô cùng xa hoa và long trọng. Trước khi mời đại hòa thượng lên tụng kinh còn có thầy hiệu trưởng ngày xưa của trường làm người đại diện đọc điếu văn. Ngay cả Từ Văn Diệu cũng quên mắt năm đó có nhân vật số một này, bỗng nhiên thấy một ông lão đầu tóc bạc phơ, tay run run lấy ra một tờ sớ, đọc những lời tán dương người thầy kia khi còn sống kỳ thực là một thầy giáo cần cù chăm chỉ có thái độ chừng mực như thế nào… khiến Từ Văn Diệu chỉ muốn bật cười thành tiếng. Bao nhiêu khổ ải cùng nỗi áp lực kìm nén trong lòng mấy ngày nay nhờ vào trò khôi hài này mà vơi đi không ít. Anh liếc mắt nhìn về phía Vương Tranh, cậu cũng đang mang vẻ mặt cố nhịn cười. Hai người nhìn nhau một lúc liền dời mắt nhằm không để bản thân mất kìm chế mà cười phá lên, làm tổn hao danh dự.
Phải khó khăn lắm rồi mới tới lượt vị đại hòa thượng mặt mày lạnh tanh đứng ra dâng hương vẩy nước tụng kinh. Động tác của ông vô cùng thành thạo, hướng các sư tăng vừa gõ pháp khí vừa ngâm tụng theo một cách bài bản, thanh âm vang dội, tràn đầy năng lượng rất dễ nghe. Chỉ tiếc là vì không có quãng trầm quãng bổng, cứ nghe như vậy lại đứng dưới ánh mặt trời nên rất dễ buồn ngủ. Mấy ngày nay Vương Tranh không dám rời mắt khỏi Từ Văn Diệu một phút, sớm mệt mỏi đến không chịu nổi, giờ nghe bài kinh tụng như khúc hát ru thôi miên, nhịn chẳng đặng mà díu mắt, đầu bắt đầu gật gù lên xuống. Giữa lúc cậu đang mơ mơ màng màng ngủ thì bị tiếng khóc kinh thiên động địa làm giật mình, ngỡ ngàng mở mắt ra mới phát hiện một vài người nam nữ đang gào khóc thảm thiết giữa đám người dự lễ.
“ Chuyện gì vậy?” . Từ Văn Diệu nhíu chặt đôi mày, ngoắc tay gọi trợ lý lại. Trợ lý cúi đầu đi từng bước nhỏ tới, chưa kịp hỏi han gì anh ta đã vội vàng xin tội: “ Sếp, cái này không phải do tôi sắp xếp đâu. Tự dưng họ lại gào khóc, tôi trở tay không kịp…” .
“ Ai đang ở bên đó? Không biết đang cúng tế như thế này là phải trang nghiêm à!” . Từ Văn Diệu nghiến răng hỏi.
“ Chắc là người thân của người đã khuất” . Trợ lý len lén nhìn sắc mặt ông chủ, nói nhỏ. “ Anh không biết đó thôi, mấy người nhà quê bây giờ khôn khéo lắm, chắc thấy chúng ta bỏ tiền dời mộ nên mới khóc lóc một hai tiếng để gây thiện cảm, tiếp theo muốn cái gì cũng sẽ cầu xin cho xem…” .
Từ Văn Diệu trán nổi đầy gân xanh: “ Bọn họ tính làm gì hả?” .
“ Ai mà biết được, à, nếu là tôi, thì cũng sẽ khóc lóc than nghèo kể khổ” , trợ lý khe khẽ nói lẩm bẩm, “ anh đừng nóng giận, chuyện này rành rành ra đó. Nếu tôi là họ cũng sẽ nói với anh như vậy, nhà chúng tôi vô cùng thân thiết với người đã khuất, trước đây khi anh ta còn sống chúng tôi đã giúp đỡ cho anh ta rất nhiều. Bây giờ mặc dù người đã khuất, nhưng chúng tôi vẫn rất tưởng nhớ, đáng tiếc nhà quá nghèo, làm đến đâu thiếu đến đó, đến cả trẻ con cũng không có đủ tiền để đi học…” .
“ Được rồi” . Vương Tranh nhịn cười, cắt ngang lời trợ lý, nhỏ giọng nói: “ Anh đúng là chỉ sợ chuyện không đủ loạn mà. Chẳng thấy Văn Diệu đã phát hỏa rồi sao? Bây giờ anh qua đó nói với họ là ông chủ của anh không thích khóc lóc như vậy, có gì đợi buổi lễ kết thúc rồi tính” .
Trợ lý trề môi nói: “ Biết mà, tôi thiệt thòi vậy, tôi đành phải đi một chuyến vậy” .
“ Tên ranh này, mau đi, đứng đấy nói nhảm gì nữa!” . Từ Văn Diệu trừng mắt lườm đối phương một cái.
Trợ lý nhanh như chớp chạy đi mất, sau đó chẳng biết đã nói gì mà tiếng khóc liền im bặt đi. Vương Tranh ngước đầu nhìn anh ta đứng bên kia hết sờ mặt rồi nhún vai với hai người, quay sang hỏi Từ Văn Diệu: “ Anh ấy muốn nói gì vậy?” .
“ Ý nói mấy người đó chỉ khóc khan chứ không có nước mắt” . Từ Văn Diệu ngẩng đầu nhìn trời, rồi bỗng quay sang nói với Vương Tranh: “ Tiểu Tranh, chúng ta rời khỏi đây nhé?” .
“ Hả…” . Vương Tranh ngạc nhiên. “ Có được không?” .
“ Có gì không được?” . Từ Văn Diệu hít sâu một hơi, cau mày nói: “ Anh bỏ tiền làm lễ truy điệu, lẽ nào không được giữa chừng rời khỏi?” .
“ Nhưng… nhưng làm vậy không phải là bất kính với người đã mất sao?” .
Từ Văn Diệu xoay đầu nhìn cậu, đắn đo một lúc mới nói: “ Nếu như thầy ấy biết sẽ không đồng ý cho anh làm chuyện này đâu. Suýt chút nữa thì anh quên mất, ngoài việc là kẻ sát nhân ra, thầy là người rất bình dị, luôn an phận thủ thường, lại còn hiền lành tốt bụng nữa” .
Từ Văn Diệu đưa ra quyết định vô cùng nhanh chóng, ra hiệu cho trợ lý ở lại thu xếp mọi chuyện xong liền dẫn Vương Tranh rời khỏi đó. Anh vốn là người thích gì làm nấy, những chuyện vô sỉ hơn còn làm được huống gì chỉ là việc trốn khỏi một buổi lễ truy điệu vô cùng nhàm chán chứ. Hai người đi cũng không xa, kẻ trước người sau chậm chạp đi sang dãy bia mộ bên kia. Khi cách hiện trường làm lễ một quãng đủ xa Từ Văn Diệu mới dừng lại dưới một gốc cổ thụ, thở phù một hơi dài, nới lỏng cà vạt ra, nói với Vương Tranh: “ Mệt quá, chúng ta ngồi nghỉ một lúc” .
Vương Tranh gật đầu, xoay người ngồi xuống phần rễ trồi lên khỏi mặt đất của cây cổ thụ. Cậu cũng tháo lỏng cà vạt, xoa hai bên huyệt thái dương, nói: “ Đáng lẽ phải rời đó sớm rồi, đứng ở đó em bị khói hun làm cho không thở nổi” .
Nhìn mặt mày cậu xanh xao nhợt nhạt, Từ Văn Diệu chợt nhớ ra mấy hôm nay Vương Tranh vô cùng mệt mỏi. Vốn dĩ sức khỏe cậu không tốt, nhưng mấy ngày nay anh chỉ lo nghĩ đến chuyện không thể vứt bỏ trong lòng, chẳng hề nghĩ gì đến Vương Tranh đang lo lắng tiều tụy bên cạnh mình như thế nào nữa. Cứ nghĩ tới việc Vương Tranh phải vất vả vì mình anh lại hổ thẹn và đau lòng, bước tới đứng trước mặt cậu, dùng tay áo lau mồ hôi cho người yêu, áy náy nói: “ Xin lỗi em” .
“ Không sao đâu” , Vương Tranh cười.
“ Anh thật ích kỷ” . Từ Văn Diệu gục đầu xuống. “ Anh chỉ lo lắng ình mà quên mất em” .
“ Thật lòng em rất muốn đấm anh một cái” . Vương Tranh lạnh nhạt nói. “ Nhìn bộ dạng sống dở chết dở, một chút cũng không giống anh của thường ngày, lại còn chuyện gì cũng giấu em mà tức gần chết. Vì em không biết phải làm gì cho anh nên càng thấy lo lắng hơn. Nhưng bên cạnh đó, em cũng hiểu là anh đã phải tự dằn vặt mình rất nhiều, không dễ gì đối mặt được với những chuyện như vậy huống hồ tính đến việc giải quyết chứ. Vậy nên, em rất bội phục anh” .
“ Em khen anh như vậy không sợ anh đắc ý tự kiêu à” . Từ Văn Diệu ngượng ngùng cười, vuốt lại mái tóc rối, nghe tiếng kinh cầu từ xa vọng lại, chê cười nói: “ Gì thế, buổi hài kịch này! Em đừng chế nhạo anh nhé” .
Vương Tranh mặt mày đăm chiêu nhìn anh một lúc, chốc sau bỗng nhiên không thể đăm chiêu mãi được mới phá ra cười. Thấy cậu cười, Từ Văn Diệu cũng cười theo. Những dồn nén không được cười vừa nãy bây giờ được thể mà bộc phát. Vương Tranh vừa cười vừa nói: “ Ha ha ha, không ngờ còn có chuyện hiệu trưởng ở trường cũ tới đọc điếu văn ở lễ truy điệu của người chết, chẳng biết ông ấy từ đâu tới nữa, ha ha ha, em đang chờ tới phần cuối để xem ông ấy có sướt mướt khen tặng gương người tốt việc tốt không, hóa ra lại đúng y chóc luôn…” .
Từ Văn Diệu bật cười: “ Mẹ kiếp thật! Ông ta chẳng nhớ nổi người chết đó là ai, còn bảo thầy ấy là tận tụy giỏi giang, đào lý[2] khắp thiên hạ. Vớ vẩn! Thầy ấy là giáo viên ở trường chưa đến ba năm, còn là thầy giáo sinh vật. Đào lý ở đâu ra?” .
[2] Trong nguyên tác, chữ [táolǐ] (đào mận) có ý chỉ học sinh.
“ Ở đây chẳng phải có sẵn một trái đào thật lớn sao?” . Vương Tranh xoa đầu anh. “ Văn Diệu này, em thấy đầu anh vừa tròn vừa to, nếu cạo trọc đi, nhìn giống trái đào lắm đấy!” .
“ Này này, sờ cái gì mà sờ, chẳng biết lớn nhỏ gì hết!” . Từ Văn Diệu trở tay kéo Vương Tranh ôm vào lòng, ôm thật chặt, vùi mặt vào hõm cổ người yêu hôn hít một trận rồi nói: “ Lại còn đám thân thích và hàng xóm láng giềng kia nữa, anh vẫn chưa tính sổ với họ vậy mà đã mò tới đây kêu khóc rồi. Khóc tang cũng phải có chút kỹ thuật chứ, tất cả mấy người tay ngang đó đều xem anh là thằng xem tiền như rác chắc!” .
Vương Tranh chợt nhớ tới trận biểu diễn gào khóc kia mà rùng mình bật cười thành tiếng.
Từ Văn Diệu cũng phì cười, nhìn ra phía xa xa, đột nhiên yếu ớt mà thở dài, nói: “ Tiểu Tranh, em nói xem, anh ngang nhiên dời mộ của thầy đi như vậy, liệu thầy có vui không?” .
Vương Tranh tựa vào lòng anh, khẽ nhắm mắt lại: “ Em cũng không biết nữa” .
“ Thật ra anh không phải muốn làm cái gì đó, đơn giản anh chỉ muốn cho thầy một lễ tang trang trọng, đàng hoàng. Hoặc nên nói, anh không thể chấp nhận nổi chuyện mọi người đã quên đi người mà anh luôn ghi nhớ trong lòng” .
Vương Tranh thở dài, vươn tay xoa hai má của anh, thì thầm: “ Anh còn nhớ hôm Tiểu Huyên qua đời không?” .
Từ Văn Diệu gật đầu.
“ Hôm đó, em ngỡ như bầu trời đã sụp đổ dưới chân rồi. Em cứ luôn suy nghĩ, phải tìm cách đặc biệt để nói lời chia tay với cô ấy theo phương thức chỉ hai đứa bọn em biết với nhau thôi. Cách mà cô ấy biết và em cũng có thể biết. Sau đó bọn em sẽ nói tạm biệt nhau thật dịu dàng, sẽ lưu giữ lại những ký ức tốt đẹp nhất có liên quan đến đối phương” . Vương Tranh quay đầu lại nhìn anh, khẽ cười, nói: “ Thầy của anh… chắc chắn là anh luôn nhớ về thầy ấy với những hồi ức xinh đẹp nhất, phải không? Anh kể cho em nghe đi” .
Từ Văn Diệu có chút sửng sốt, im lặng một lúc rồi nuốt nước bọt, nói: “ Nhiều năm như vậy, những khi nghĩ về thầy, anh chỉ nhớ tới đoạn quá khứ cuối cùng, như trong nhà giam, trong nhà hỏa thiêu… chẳng có gì tốt đẹp hết” .
Vương Tranh gật đầu, không nói, chỉ dịu dàng vuốt ve dái tai anh. Động tác này không có ý nghĩa gì đặc biệt, những lúc hai người ở bên nhau cậu vẫn thường làm như thế, dùng ngón trỏ và ngón cái mân mê dái tai anh. Cảm nhận cảm giác khi ngón tay chạm tới lớp lông tơ mịn như nhung, sau đó ôm ấp hết cả dái tai, rất mềm mại, hơi lành lạnh rồi nó sẽ dần trở nên ấm áp hơn trong tay cậu.
Từ Văn Diệu khẽ nheo mắt, trầm ngâm rất lâu, hồi tưởng về những chuyện xưa cũ, tựa như lạc chân quay về băng nguyên hoang vu lạnh giá nọ, vượt qua cả bề mặt thời gian để rồi không biết cuối cùng sẽ đến nơi đâu.
“ Anh còn nhớ” . Giọng nói khản đặc của Từ Văn Diệu chậm rãi vang lên: “ Anh còn nhớ, chỉ là hơi hơi nhớ, chẳng biết liệu có đúng hay không” .
“ Anh cứ nói đi” .
“ Lúc đó, thầy thích xài loại xà phòng chưa đến hai tệ một cục, màu xanh lục, hình bầu dục, mùi thơm tựa như mùi hoa nhài. Thầy đặt xà phòng trong cái bát sứ mẻ ở bên phía song cửa sổ, nhà không có máy giặt, nên cứ cách hai ngày thầy lại lấy cục xà phòng đó để giặt quần áo” .
“ Sau đó thì sao?” .
“ Quần áo giặt xong đều có mùi thơm của xà phòng, khi phơi dưới ánh nắng sẽ dậy lên mùi thơm khô ráo dễ chịu. Anh nghĩ, chính điều đó đã mang đến cho anh khái niệm về sự sạch sẽ. Bắt đầu từ đó, khái niệm sạch sẽ của anh luôn đi liền với khuynh hướng cảm xúc như: ấm áp, đượm mùi nắng và thoang thoảng hương nhài. Nhưng kỳ quái, từ đó về sau anh không tìm được loại xà phòng có mùi thơm đó, tên hiệu là gì anh cũng không nhớ nữa. Có thể bây giờ nó không còn được sản xuất nữa…” .
Vương Tranh càng dựa sát hơn vào lòng anh.
“ Còn nữa, thầy rất lạ lùng, rất là tiết kiệm, không biết tại sao… Thầy luôn nghĩ rằng thằng oắt con học sinh trung học như anh cả ngày chẳng được ăn no. Vì vậy, mỗi khi anh tới nhà, thầy đều bổ sung chất dinh dưỡng cho anh. Có khi là trứng luộc, lúc lại là cá hấp, hôm thì gà ta. Anh biết thường ngày thầy không bao giờ ăn những món đó, thầy quen để dành tiền, ngay cả cái khăn mặt dùng tới mức mấy góc xù lông cả rồi cũng không dám đổi cái mới. Thầy có phẩm hạnh hết sức mộc mạc của một nhà giáo, em cũng biết cái đó phải không? Thầy từng nói, đúng rồi, anh nhớ ra rồi, đúng là thầy có nói về việc này, Một khi đã đứng trên bục giảng thì phải có trách nhiệm của người làm thầy” . Từ Văn Diệu cười khẽ, lắc đầu nói: “ Cái từ ‘ý thức trách nhiệm’ thật đáng cười biết bao! Đến cả đứa trẻ chỉ mới mười bốn tuổi như anh còn thấy buồn cười nữa là, nhưng sau cùng, chẳng ai dám chê bai gì thầy cả, đối với những người như thầy khi em cười nhạo trước mặt họ thì cuối cùng lại đang tự nhạo báng chính mình” .
“ Nếu còn sống, chắc chắn thầy ấy sẽ là một giáo viên tuyệt vời” . Vương Tranh mỉm cười nói. “ Là người thầy có học sinh ở khắp mọi nơi, thầy ấy nhất định sẽ làm được điều đó” .
“ Tiếc là thầy không ôm ấp nhiều hoài bão tới vậy” . Từ Văn Diệu vuốt tóc Vương Tranh. “ Những gì thầy muốn rất đơn giản, ngày ngày chăm chỉ làm việc rồi lấy người con gái mình yêu, sau đó hiếu thuận với cha mẹ, chăm lo cho con cái. Thầy chỉ tâm niệm có được một cuộc sống bình thường… nếu như thầy còn sống…” .
“ Có lẽ vì quan niệm quá cứng nhắc đó, nên thầy ấy mới không chấp nhận được biến cố đó” .
Từ Văn Diệu im lặng.
“ Em có thể hiểu quan niệm cố chấp đó và cách nó trở thành thế giới quan vững như vách sắt thành đồng không ai lay chuyển được. Giống như mẹ em vậy, cuộc đời bà có rất nhiều bi kịch, những bất hạnh của bà là do chính quan niệm sống tạo thành. Hay như em, mượn lời của Tiểu Huyên thì, những quan niệm sống thâm căn cố đế đã ăn sâu bám rễ vào đầu, chúng cứng như đá. Em không thể làm tình với phụ nữ, không thể ngồi ngoài đường ăn kem, không thể to tiếng cãi nhau, hay không thể mặc áo sơ mi bẩn ra đường” . Vương Tranh cười, lại quay đầu nhìn Từ Văn Diệu. “ Đây gọi là ngoan cố, người ta sống ở đời khó lòng tránh khỏi những điều đó. Nhưng em biết, sự ngoan cố của em và mẹ em khác nhau. Cố chấp của em chỉ dừng lại ở việc kiểm soát cuộc sống của chính mình, còn mẹ, ở rất nhiều thời điểm, lại muốn kiểm soát luôn cả cuộc đời của người khác” .
“ Ý em muốn nói thầy anh cũng giống như vậy?” .
“ Em không quen thầy ấy nên không thể đưa ra phán đoán tùy tiện được. Nhưng lần đầu nghe anh kể những bi kịch của thầy ấy, anh biết suy nghĩ đầu tiên của em là gì không?” .
“ Nói anh nghe xem” .
“ Em thấy người vô tội nhất là cô bạn gái” .
“ Sao chứ?” .
Bình luận
Bình luận
Bình luận Facebook