Chuyển ngữ: Linh
Biên tập: Trần
Mặt tiền cửa hàng bạch mộc hương trên phố Nha Hương không hề nhỏ, diện tích hơn ba mươi mét vuông.

Bên trong không có quầy, bước vào cửa có thể nhìn thấy một bàn trà, nhìn qua thì là một bàn trà gỗ vải guốc từ thời xa xưa.

Phía sau bàn trà, đối diện cửa chính, có một bàn thờ được treo trên tường, bên trên thờ một tấm bài vị, giống với đa số người dân trong thôn thờ "Ngũ phương ngũ thổ Long thần".

Trước bàn thờ bày nến cháy chậm và lư hương.

Đèn dầu làm bằng sứ men xanh, cuối bấc đèn le lói một đốm lửa nho nhỏ, ánh sáng cũng hiu hắt, hai cụm lửa sáng lên nguy nga bất động.

Ba nén hương cắm trong lư hương màu trắng ngà, khói thẳng tắp.

Ngọn lửa thật lâu chẳng lập lòe cùng với làn khói thật lâu chẳng uốn lượn, tựa như một bức họa – khắc họa bên trong cửa tiệm bạch mộc hương u tối chẳng lọt gió.
Tuy là không có quầy, nhưng trong cửa hàng cũng chẳng sạch sẽ ngăn nắp gì cho cam.

Tủ đứng hai bên bày đầy các loại nhang nén, nhang nụ, còn có một ít phấn nhang và nhang miếng.

Vậy mà đĩa cắm hương, đèn nhang hoặc lư hương thường bán trong các cửa hàng nhang hương, thì ở đây lại không bán.

Trong tiệm, ngoại trừ ba nén hương trước bệ thờ ra, thì không đốt thêm bất cứ loại nhang hương nào khác.

Thường thì người ta không hay dùng trầm hương để thờ cúng thần linh, mà khéo cũng chỉ có mỗi chỗ này làm vậy.
Lần đầu tiên Ngô Đình Phương bước vào, không thích nghi được với độ sáng và mùi hương của nơi này.

Tựa như bị buộc tiến vào thuở dĩ vãng xa xăm, khiến người ta không thể không buông lỏng cảnh giác.

Anh không quen như vậy, ở lâu thậm chí có thể khiến người ta mơ màng buồn ngủ.

Anh không biết bao lâu rồi mình không có cảm giác này.
Trần Tắc đặt tên đứa bé là Phùng Sinh.

Mỗi lần Ngô Đình Phương ngồi ở trước bàn trà, Trần Tắc lại mang vài lát trầm hương ra pha trà.

Loại trà mà hắn pha thực chất không phải là trà, mà chỉ là những lát trầm hương – những lát trầm hương nghe đồn là cực kỳ đắt tiền.


Nếu hắn đang bế Phùng Sinh, thì sẽ truyền tay cho Đình Phương bế đứa bé.
Phùng Sinh chẳng hề kén người chút nào, ai bế cũng được.

Bé gái tuy sinh non, nhưng lúc sinh ra cũng không quá nhỏ, nặng bốn cân tám lạng.

Nếu không phải sản phụ xuất huyết quá nhiều, thì tình trạng đứa bé khi đó cũng không đến nỗi tệ như thế.

Ấy vậy mà sau khi những người thân cùng huyết thống đòi từ bỏ điều trị, thậm chí còn muốn dồn đứa trẻ vào chỗ chết, thì hoàn toàn ngoài dự liệu, đứa bé vẫn sống sót.

Ngô Đình Phương cho rằng dù đứa bé sống được, thì vẫn có khả năng xảy ra vấn đề: Bại não hoặc chậm phát triển trí tuệ.

Anh cũng đã thẳng thắn cảnh báo tay thầy bói thiếu hiểu biết kia về khả năng xảy ra tình huống như vậy.

Thầy bói rót cho anh một tách trà, cười nói: "Tôi đã đặt tên cho con bé là Phùng Sinh."
Lúc này Đình Phương mới chợt nhớ tới nghề chính của hắn, bèn im lặng uống trà, không nói tiếng nào.
Tất nhiên mục đích của Đình Phương tới đây không phải để uống trà.

Sự không tín nhiệm với thầy bói đã thôi thúc anh hầu như mỗi ngày đều phải ghé lại đây thăm sau khi tan sở.

Để cho người nhà bớt hỏi, anh đều tới trước khi về nhà.
Phùng Sinh rất dễ chăm.

Bé không quấy khóc nhiều, không dính người, cả ngày chỉ đi ị một lần – trẻ con như vậy quả thực chẳng được mấy đứa.

Vì vậy Trần Tắc vẫn chưa đến nỗi gà bay chó sủa như Ngô Đình Phương tưởng tượng.

Hắn chỉ sắm thêm một chiếc cũi trẻ em đặt ở bên cạnh bàn trà.

Lúc nào bé đói thì cho ăn, tỉnh dậy thì bế ra ngoài tắm nắng.

Đôi khi Đình Phương đến, đúng lúc nhìn thấy Trần Tắc đang bế bé ngồi trên ghế đá ngoài cửa tiệm.

Khách của hắn cũng ngồi ghế mây bên cạnh.

Hắn chẳng nói gì nhiều, chỉ hỏi ngày sinh bát tự, rồi phán lấy vài chữ.

Lúc Trần Tắc có khách, thì Đình Phương thường không đến.

Anh xuống xe, tựa vào lan can đá bên sông một lúc, đứng quan sát từ xa.

Sau khi khách về, Trần Tắc bế Phùng Sinh bước tới, cùng tựa vào lan can đá.

Mùa xuân trời lúc ấm lúc lạnh.

Cây nhãn bên bờ sông tuy đã rụng lá, nhưng hãy còn xanh.

Nước sông trong vắt, phảng phất có mùi bùn và mùi lá mục rữa, quyện với mùi sữa trẻ con, khiến Ngô Đình Phương có phần bứt rứt.
Sự bứt rứt và không an lòng này đồng thời nảy sinh.

Bởi lẽ mấy hôm trước, hai hộp sữa bột sắp thấy đáy, Trần Tắc đã nhờ Đình Phương mua thêm giúp, đưa anh năm xấp tiền trăm tệ.

Đình Phương nhìn thấy số tiền liền bắt đầu thấy đau đầu, uyển chuyển nói cho hắn biết rằng nếu anh tiêu hết tiền này vào sữa bột thì ba phần năm số sữa bột sẽ hết hạn trước khi mở ra.

Hơn nữa, không thể lường trước được liệu bé có đột nhiên bị dị ứng với một loại sữa bột nào đó hay không, vì thế không nên tích trữ nhiều sữa bột cùng lúc.

Trần Tắc vui vẻ đồng ý, để anh mua theo từng đợt một, đồng thời cũng phiền anh để mắt đến vấn đề ăn mặc và các vật dụng thiết yếu hàng ngày của đứa bé nhiều hơn, vì hắn không có xe hơi.
Đình Phương không nói gì thêm, lẳng lặng cầm một xấp, đưa Trần Tắc giữ phần còn lại.

Trần Tắc cũng chẳng nói gì nữa, lại mỉm cười với anh.

Như một luồng gió xuân lướt qua mặt, ấy thế mà lại khiến đầu người ta ong ong.
Thầy bói Trần họ Trần, tên Tắc.

Nghe đồn là có tên tự, không mấy người biết, nhưng Đình Hoa lại biết tên tự của hắn là Pháp Tiên.

Đình Phương trái lại cảm thấy cái tên này giống pháp danh của hòa thượng, như Pháp Hải chẳng hạn.

Nhưng chắc chắn hắn không phải hòa thượng.

Hắn xem bói cho người khác trước giờ hỏi gì nói nấy, hỏi sự nghiệp nói sự nghiệp, hỏi may rủi nói may rủi, hỏi con cái nói con cái, riêng hỏi tuổi thọ thì quyết không nói, không xem phong thủy, không cải vận, nhưng dẫu gì xem bói vẫn cần có ngày sinh bát tự.


Người đương thời có văn hóa thì mỹ miều gọi hắn là bậc thầy kinh dịch, còn thường thì chỉ gọi là thầy bói.
Bữa tối hôm đó, Đình Hoa kể về việc nhìn thấy anh trai mình bước ra khỏi cửa hàng bạch mộc hương từ xa.

Mọi người trên bàn cơm, đang xem TV, đang gắp thức ăn, bỗng chốc đều đổ dồn ánh mắt về phía Đình Phương.
Biểu hiện của Huệ Mẫn rất lạ: bình tĩnh và cam chịu.

Đình Phương cho rằng cô hiểu lầm, đành phải thốt lên: "Anh không đi xem bói.

Chỗ thầy bói có đứa bé của một người họ hàng gửi nhờ chăm sóc, anh ta nhờ anh mua sữa bột giùm thôi."
"Sao em lại không biết anh quen anh ta?" Đình Hoa càng thêm nghi ngờ, "Không phải anh bảo là không biết anh ta sao?"
"Lúc trước A Liên nhập viện mới quen." Đình Phương nói xong, lại nhìn sang Huệ Mẫn.

Cô chỉ vùi mặt cắm cúi ăn.
An An được chín tháng, Phùng Sinh được một tháng, thai nhi trong bụng Huệ Mẫn cũng vừa được mười bốn tuần tuổi, không có xuất huyết, cũng không đau bụng nữa.

Gần đây Đình Phương có một cảm giác yên tĩnh đến lạ lùng.

Mọi thứ đều ổn, Huệ Mẫn cũng sẽ dưỡng thai đến khi đủ tháng, rồi anh cũng sẽ có một cậu con trai giống An An, hoặc một cô con gái như Phùng Sinh.
Con bé có duyên với anh.

Đình Phương chợt nhớ tới lời Trần Tắc nói.
Mấy ngày nay Huệ Mẫn không chỉ nằm một chỗ.

Hễ trời nắng là cô sẽ lại ra ngoài đi dạo, sưởi nắng.

Sang xuân, nắng dần thêm rực rỡ, ngày bắt đầu dài hơn, sáu giờ sau bữa xế, trời còn chưa tối hẳn.

Huệ Mẫn liền nói cô muốn ra ngoài đi dạo.
Huệ Mẫn và Đình Phương nắm tay nhau, đi dọc theo ven sông về phía nam, ở phía trước là phố Nha Hương.

Gió xuân đã có chút ấm lên, mang theo hơi ẩm phả vào mặt.

Huệ Mẫn đi chậm, Đình Phương cũng đi chậm.

Cô dừng lại trước cửa tiệm bạch mộc hương, thấy Trần Tắc đang bế Phùng Sinh ngồi chơi trên ghế đá ngoài cửa.
"Đi mệt rồi." Huệ Mẫn nói.
"Vậy ngồi nghỉ đã." Đình Phương do dự một chốc, mới nói.

Chỉ trước cửa tiệm bạch mộc hương mới có mấy cái ghế mây.
Trần Tắc mỉm cười chào họ.


Đình Phương đỡ Huệ Mẫn bước tới ngồi lên ghế mây.

Huệ Mẫn nhìn Phùng Sinh, con bé cũng đang mở to mắt nhìn.
"Dễ thương quá." Huệ Mẫn tấm tắc khen.
Một lúc sau, sắc trời tối dần, Huệ Mẫn đột nhiên hỏi Trần Tắc: "Thầy Trần, có thể xem giúp tôi và Đình Phương một quẻ được không?"
Trần Tắc cười nói: "Tôi tính phí cao lắm đấy."
"Tôi có đem tiền theo." Huệ Mẫn nói.
Trần Tắc nhìn Đình Phương, rồi nói với Huệ Mẫn: "Tôi có thể xem cho cô, nhưng không thể xem cho bác sĩ Ngô."
"Vì sao?"
"Tôi không bói chuẩn được cho anh ấy."
"Vì sao?"
"Có vài người không dễ xem số."
Huệ Mẫn cũng nhìn Đình Phương, cô hỏi: "Có nhiều người không xem được lắm sao?"
Trần Tắc trả lời: "Một số người."
Huệ Mẫn không nhắc đến chuyện xem bói của mình nữa, cô hỏi: "Thầy Trần, tôi nghe nói những người xem bói thực sự chuẩn, nhất định phải phạm một trong những điều góa vợ, góa chồng, mồ côi, độc thân, tàn tật, cho nên thầy Trần mới không kết hôn phải không? "
Đình Phương đưa mắt ra hiệu cho Huệ Mẫn, nhưng có vẻ cô không nhìn thấy.
Trần Tắc lại vô cùng rộng lượng, đáp: "Tôi là trẻ mồ côi, không có ý định trở thành tay góa vợ hay cụ già neo đơn.

Nếu có người bằng lòng chung sống với tôi, tôi cầu còn chẳng được, chỉ là duyên chưa tới."
"Vậy thầy Trần nếu không xem chuẩn được sẽ nhất quyết không xem sao?" Huệ Mẫn lấy giấy ghi ngày sinh bát tự từ trong túi áo ra, đưa cho Trần Tắc, "Tôi chỉ muốn hỏi một điều, đời này của tôi có thể có con không? "
Trần Tắc nhận lấy mảnh giấy, xem một hồi, trả lại cho Huệ Mẫn, rồi nói: "Một con trai."
Trời tối sập xuống gần như chỉ trong một cái chớp mắt.

Khuôn mặt của Huệ Mẫn chìm vào trong bóng tối, Đình Phương đột nhiên cảm thấy hoảng hốt.

Anh nhìn vẻ mặt Huệ Mẫn như thể đã hạ quyết tâm gì đó, lại nhìn sang vẻ mặt thản nhiên của Trần Tắc.

Khi nhận thấy mặt mình hơi nóng, anh mới phát giác mình đang tức giận.
Vì không biết mà sinh ra sợ hãi, vì sợ hãi mà sinh ra giận dữ.
Anh vươn tay định kéo Huệ Mẫn.

Tay cô khẽ dịch chuyển sang một bên.

Anh vồ lấy không khí, còn trên mặt cô lại hiện lên một nụ cười bình thản và nhẹ nhõm, khiến cơn giận của Ngô Đình Phương phút chốc bay biến, chỉ dư lại đầu ngón tay run rẩy.
Cuối cùng anh cũng nắm được tay Huệ Mẫn, nắm chặt lấy, nhưng dường như chỉ nắm được một luồng không khí mà thôi.
Lúc rời đi, anh vô tình liếc mắt nhìn Trần Tắc.

Trần Tắc nhìn anh, cũng chẳng hề cười.

Đôi mắt sau tròng kính tựa như một mảng sương mù, một vũng nước sâu..

Bình luận

  • Bình luận

  • Bình luận Facebook

Sắp xếp

Danh sách chương