Chuyển ngữ: Dê
Biên tập: Nao / Trần
Ngô Đình Phương dành ra nửa ngày phép còn lại để dạy cho Trần Tắc cách sử dụng chức năng gọi điện, nhắn tin, WeChat, sạc pin,...!trên điện thoại di động.

Sau đó, anh mang toàn bộ quần áo mới của hắn, kể cả quần lót đi giặt sạch sẽ rồi phơi khô.

Tay thánh sống này đã thế còn mù tịt chuyện phải giặt quần áo mới trước khi mặc.

Thấy bảo quần áo trước giờ của Phùng Sinh, hắn chỉ toàn mua về mở bọc là cho con bé mặc luôn...!Tiếp đó, anh dắt hai người một lớn một nhỏ ra ngoài đi chợ, chuẩn bị nấu bữa tối.
Chỉ có vậy, anh mới có thể giữ trọn lời hứa: Tuyệt đối không khóc.
Đến tối, Phùng Sinh đi ngủ trước, Trần Tắc bế con bé đặt vào trong cùng.

Đình Phương tắm rửa xong xuôi thì leo lên giường, ngồi một bên nhắn tin cho Liễu Hy Ngôn, hỏi cậu ta khi nào thì đi làm.
Liễu Hy Ngôn hồi âm rằng phía bệnh viện báo là ngày mai.
Ngô Đình Phương còn đang định đề xuất với viện trưởng, để Liễu Hy Ngôn trực ở khoa Sản bệnh lý vài tháng, đến khi vị trưởng khoa Nội kia chính thức nhậm chức đã.

Như vậy trường hợp trong khoa có cấp cứu, Liễu Hy Ngôn cũng có thể hỗ trợ, không cần việc gì cũng phải hỏi xin ý kiến Đình Phương.

Có thế anh mới có cơ hội xin nghỉ phép.
Kế đến, Đình Phương phát hiện Trần Tắc nằm giữa giường.
"Anh không ngủ trong cùng nữa à?"
"Phùng Sinh thích ngủ ở đó."
Phùng Sinh tỏ ra thích ngủ trong cùng hồi nào cơ? Con bé làm gì hay biết mình đang ngủ ở đâu.

Đình Phương cảm thấy lý do mà thánh sống đưa ra chẳng thỏa đáng tẹo nào.
"Con bé nằm trong cùng khó đút sữa lắm."
"Anh có thể đưa tôi đút cho con bé."
Nhưng Phùng Sinh một khi đã ngủ thì không ai được xê dịch gì con bé hết.

Hôm qua Đình Phương lỡ nhích con bé có một chút để sửa lại tư thế ngủ cho ngay ngắn, nào ngờ Phùng Sinh đột nhiên thức giấc, quấy khóc suốt cả tiếng đồng hồ.
Đình Phương bó tay, đành phải nằm ngủ cạnh Trần Tắc.

Dẫu gì cũng không phải là lần đầu tiên.

Chẳng qua hai người bọn họ đắp chung một tấm chăn, kiểu gì cũng thấy bối rối.

Vốn là anh đắp chung chăn với Phùng Sinh, Trần Tắc tự lo thân mình, giờ thì lại đổi thành Phùng Sinh một mình độc chiếm nguyên tấm chăn, hai người lớn chia nhau một tấm.
Đình Phương xoay người, hướng mặt ra ngoài ngủ.

Anh cảm thấy Trần Tắc cũng quay ra nhìn về phía anh, tự nhiên như không gác tay lên eo anh.
"Trần Tắc."
"Hửm?" Giọng Trần Tắc kề sát bên cạnh.
"Tôi không quen có người chạm vào mình lúc ngủ."
"Tôi không có chỗ để tay."
Trần Tắc nói thật.

Giường của hắn vốn đã chẳng to mấy, Phùng Sinh nằm ngủ giạng hết hai tay hai chân ra, còn vóc dáng bọn họ cũng đâu nhỏ nhắn gì, chỉ có thể nằm chen chúc nhau.
"Hay ngày mai anh để Phùng Sinh nằm giữa đi."
"Lần trước tôi ôm anh, anh ngủ rất ngon." Khi không Trần Tắc lại nhắc tới chuyện này.
Trí nhớ của thánh sống hơi bị tốt quá rồi đấy.

Ngô Đình Phương tự thấy mình lỡ lời, nhưng lại không biết phải nói với hắn ra sao.

Lần trước là hoàn cảnh đặc biệt, tâm trạng xúc động quá mức mới vậy, còn những lúc bình thường thì đâu cần phải ngủ thế này.
Hơn nữa, tay Trần Tắc lại ấm áp dễ chịu, gác lên eo anh như thế, sắp sửa chạm trúng chỗ nhạy cảm khó nói của anh tới nơi rồi.
Huệ Mẫn chưa bao giờ thích được ôm hoặc ôm người khác khi ngủ.


Ngày trước họ ngủ trên cùng một chiếc giường nhưng phải đắp hai tấm chăn riêng, bởi Huệ Mẫn ngủ không sâu, sợ Đình Phương sẽ làm cô giật mình tỉnh giấc.

Huệ Mẫn nói, nếu buổi tối Đình Phương trở mình quá nhiều, cô sẽ bị mất giấc.
Nhưng Trần Tắc nhoáng cái đã ngủ được ngay.

Đình Phương nghĩ bụng: So đo với thánh sống làm gì nhỉ? Anh ta có hiểu gì đâu cơ chứ?
Nên là Đình Phương cũng nhanh chóng thiếp đi.
Còn việc sáng sớm ra anh giật mình tỉnh dậy sau khi cảm nhận được nguyên cây "trụ chống trời" cọ vào mông mình, thì lại là chuyện khác.
Hôm sau Đình Phương đi làm, công việc chồng chất, bận đến đầu tắt mặt tối.

Ngoài bệnh nhân trong khoa, còn cả những bệnh nhân đã lên lịch khám với anh trước đó.

Đến khi sắp tan ca thì A Ba lại kéo thêm rắc rối đến.

Hắn gọi cho Đình Phương nói A Liên bị đau bụng, âm đ*o còn bị chảy máu nữa.

Đình Phương hỏi hắn A Liên bị trễ kinh bao lâu, gã trả lời khoảng tầm nửa tháng gì đó.

Dùng que thử thai kiểm tra thì đúng là có thai, nhưng hôm qua thì bắt đầu chảy máu, hắn đoán có khi là sảy thai.
Mới vừa qua Tết được bao lâu đâu?
Đình Phương bảo A Ba nhanh chóng đưa A Liên đến bệnh viện, sau đó nghĩ ngợi một chốc rồi gọi cho Trần Tắc, bảo với hắn rằng có thể anh sẽ về trễ.
Trần Tắc đáp lại một câu "Biết rồi" xong, bèn tiếp: "Hôm nay Ngô Tâm Liên có đến tìm tôi hỏi chuyện."
Ngô Tâm Liên là tên đầy đủ của A Liên.

Mặc cho A Ba ngang ngược thô lỗ với Trần Tắc, nhưng A Liên thì vẫn luôn tôn sùng hắn như thần thánh.
"Nhờ anh bói xem là trai hay gái?"
"Ừ."
"Trai hay gái?"
"Không có thai.

Thai sau vẫn là con gái.

Sẽ không mang thai con trai được nữa."
"..."
Ngô Đình Phương giờ đây tin tưởng Trần Tắc một trăm hai mươi phần trăm.

Anh vốn đang nghi ngờ A Liên bị thai ngoài tử cung, xem ra chẩn đoán chính xác rồi.
Đình Phương hỏi Trần Tắc tại sao đã có thể bói ra được một cặp vợ chồng có tổng cộng bao nhiêu đứa con rồi, lại còn giúp họ đoán giới tính thai nhi.

Trần Tắc trả lời, vì tiền công khác nhau.

Xem cho thai đang mang giá chỉ một nghìn tệ, mà bói thêm thai giữ được hay bỏ nữa thì càng đắt.

Bói xem được tổng cộng bao nhiêu trai gái là đắt nhất.

Vả lại, không hẳn bất cứ phụ nữ nào cũng muốn bị bói ra có tất cả bao nhiêu đứa con.

Một số người đã từng sinh trước khi kết hôn, hoặc tương lai có ý định tái hôn, cho nên đoán giới tính thai nhi trái lại được ưa chuộng hơn hẳn.
Đình Phương ngẫm thấy cũng đúng.

Thầy Trần trông thì có vẻ chẳng hiểu biết gì về cuộc sống, nhưng đối với những vấn đề cốt lõi của đời người thì lại nắm bắt rõ ràng.
Sinh tồn, hay sinh sản? Hay là vừa sinh tồn vừa sinh sản?
Đình Phương làm bác sĩ khoa Phụ sản đã mười mấy năm, nhưng anh nghĩ mãi vẫn không hiểu.

Là Trần Tắc nhắc nhở anh, đối với một số người, nếu như không thể sinh con thì bản thân người đó cũng không cách nào sống tiếp được nữa.
Cho nên khi Đình Phương nhìn thấy A Liên, anh lại chợt nhớ đến những lời Trần Tắc đã nói.
A Liên ở trước mặt Đình Phương không ngừng rên rỉ, môi trắng bệch, phản ứng sống khá yếu ớt.


Mạch đập một trăm bốn mươi nhịp một phút, huyết áp 70/40 mmHg.

Đình Phương ấn chặt vùng bụng của cô, triệu chứng ấn đau và phản ứng dội rất rõ ràng.

Khi tiến hành khám phụ khoa và chọc dò túi cùng Douglas thì hút ra máu loãng, không đông.
(Phản ứng dội (Rebound Tenderness): Khi bác sĩ ấn thành bụng từ nông đến sâu bệnh nhân chưa thấy đau, nhưng khi buông tay đột ngột thì bệnh nhân nhăn mặt lại, đau nhói tại vùng khám.
Chọc dò túi cùng Douglas: Là thủ thuật dùng để kiểm tra có bị thai ngoài tử cung không.

Thủ thuật dùng kim hút dịch từ túi cùng Douglas nhằm xác định, kiểm tra xem túi cùng Douglas có dịch, máu hay mủ không.)
Nghi ngờ đây là do vỡ thai ngoài tử cung gây chảy máu và sốc giảm thể tích máu, Đình Phương bảo A Ba lập tức đi làm thủ tục nhập viện, đồng thời thông báo cho phía phòng phẫu thuật chuẩn bị phòng mổ trống.

Anh là bác sĩ khoa sản, theo quy định thì không được thực hiện phẫu thuật phụ khoa.

Anh gọi điện thoại thông báo cho bộ phận điều trị nội trú phụ khoa lập tức chuẩn bị phẫu thuật.

Sau khi mổ xong có thể chuyển sang phòng điều trị tai biến sản khoa tiếp tục cấp cứu.

Anh cũng sẽ tham gia hỗ trợ.
(Sốc giảm thể tích máu: Là tình trạng bệnh nhân bị sốc do giảm đột ngột thể tích tuần hoàn (có thể do mất máu toàn phần hoặc chỉ mất dịch, huyết tương), gây giảm tưới máu tổ chức (thiếu oxy tế bào) và rối loạn chuyển hóa tế bào.)
Trước khi có thể tiến hành truyền dịch nhanh ở hai bên tĩnh mạch thì A Liên đã bắt đầu co giật.

Đình Phương biết đây là dấu hiệu não thiếu oxy thiếu máu cục bộ (HIE).

Anh gọi cho Liễu Hy Ngôn hôm nay đang có mặt ở bệnh viện, kêu cậu ta đến giúp một tay.
(Bệnh não thiếu oxy thiếu máu cục bộ (HIE: Hypoxic-ischemic Encephalopathy) (hay Ngạt chu sinh): Là một tổn thương của thai và trẻ sơ sinh do thiếu oxy và thiếu tưới máu đến các cơ quan đi kèm với nhiễm axit lactic mô.)
A Liên thuộc nhóm máu AB.

Nhóm máu này hiện giờ đang thiếu, chỉ xin được tổng cộng bốn đơn vị máu.

Sau khi được truyền dung dịch thay thế huyết tương và dịch tinh thể, huyết áp tuy đã dần ổn định, nhưng khi phẫu thuật mở ổ bụng, máu chảy ra có màu hồng nhạt.
Đình Phương gọi bảo Đình Hoa mau chóng đến ngân hàng máu hiến máu, bởi cô cũng có nhóm máu AB.

Đình Hoa nghe vậy liền kéo thêm một người bạn nữa có cùng nhóm máu đi với mình.
Nhưng dựa vào những lời Trần Tắc đã nói, Đình Phương thầm nghĩ A Liên chắc chắn sẽ không chết.

Cô ấy còn phải sinh thêm con...!Dẫu cho lần này có gần như mất mạng, cô vẫn phải sinh tiếp, đến chết mới thôi.
Mười hai giờ đêm, sau khi các dấu hiệu sống của A Liên đã dần ổn định trở lại, Đình Phương mới được nghỉ ngơi một chút.

Anh nhìn giờ mới sực nhớ ra Trần Tắc.

Anh quên béng phải gọi điện bảo hắn cứ ăn cơm trước đi, đừng đợi anh.

Anh nghĩ, chắc Trần Tắc không đến mức cứ ngồi chờ anh về ăn cơm vậy đâu.

Người có nhận thức bình thường ai cũng sẽ...
Nhận thức bình thường ấy hả.
Mới trước đó Đình Phương còn đang cân nhắc có nên ra máy bán hàng tự động mua mì gói về nấu ăn tạm, sau đó ngủ lại ký túc xá luôn không.

Giờ thì anh liền lập tức đi về hướng nhà xe.
Đình Phương dừng xe ở đầu phố Nha Hương.

Cả con phố Nha Hương tối đen như mực, nhưng từ trong cửa tiệm bạch mộc hương hãy còn ánh sáng hắt ra.
Đình Phương cảm nhận được cảm giác đau đớn lẫn dịu dàng tận sâu trong tâm khảm ấy lại khơi lên.

Những ngọn đèn đường tròn bên bờ sông bao năm vẫn vậy, những đoá hoa long nhãn sắp úa hết, trước mắt chỉ còn lay lắt duy nhất một ngọn đèn, là ngọn đèn đợi anh trở về nhà.

Cửa trước khép hờ, Đình Phương đẩy cửa bước vào trong.

Trần Tắc đang ngồi bên bàn trà đọc sách.

Đèn trong tiệm bạch mộc hương đều đã vài chục năm tuổi, tỏa ra ánh sáng vàng vọt mờ ảo, hẳn là Trần Tắc thấy không đủ sáng nên đã thắp thêm nến.

Hắn ngồi đó, ngẩng đầu lên, nhìn Đình Phương đi vào.

Ánh nến chập chờn, chẳng rõ buồn vui.
"Ăn cơm chưa?" Là câu đầu tiên Đình Phương hỏi khi vừa nhìn thấy Trần Tắc.
"Chưa.

Tôi đang đợi anh về cùng ăn." Trần Tắc nói rồi định vào trong bếp dọn đồ ăn ra.
"...Anh không đói à?"
Trần Tắc nhìn Đình Phương, đáp: "Đói chứ, nhưng nhịn được."
Đình Phương gần như nghẹn lời: "Bọn tôi làm nghề này không nói chắc được giờ tan làm đâu, thường không thể về nhà ăn cơm như đã hứa được.

Nếu tôi không gọi cho anh thì không cần nấu phần của tôi đâu, sau này thấy quá giờ thì cứ tự ăn trước là được."
"Vậy lỡ như anh về thì sao? Anh sẽ đói mất."
Thuở còn yêu nhau, Huệ Mẫn cũng thường hay lo anh sẽ bị đói.

Sau, anh bảo với cô rằng không sao đâu, anh chịu đói rất giỏi, cô bèn ít khi đợi anh về ăn cơm, lâu dần cũng không còn lo lắng cho chuyện ăn uống của anh nữa.

Người lớn cả rồi, ai cũng phải tự biết lo cho bản thân.
"Sau này tôi sẽ báo anh biết.

Mỗi bữa mấy giờ có về nhà ăn cơm hay không, tôi đều sẽ báo." Đình Phương nói chắc nịch: "Anh không cần phải đợi tôi.

Đói quá bệnh vào, mất tiền không đáng."
Đình Phương và Trần Tắc ngồi dưới nhà, cùng nhau ăn hết mấy món đã được hâm nóng sơ qua.

Ngày trước, tuy bụng đói meo nhưng ăn sơn hào hải vị vẫn thấy nhạt miệng.

Riêng bữa cơm rau dưa đạm bạc ở nhà hôm nay vậy mà lại ngon đến lạ lùng.
Trần Tắc nấu ăn rất ngon.

Hắn còn hầm thêm cả một chén canh gà dừa biển, vị ngọt thanh vừa miệng.
Trong lúc rửa bát, Đình Phương nhắc đến chuyện người được cấp cứu hôm nay chính là A Liên với Trần Tắc đang chà nồi bên cạnh.

Hắn nghe xong, cũng chẳng tỏ thái độ gì nhiều.
Thánh sống hẳn là đã biết trước mệnh số của cô, nên không hứng thú mấy với những gì mà cô đã trải qua.
"Anh xem cho cô ấy có chính xác không?"
"Chính xác.

Cô ấy không trả tiền, thì tôi không xem."
"Tại sao?"
"Xem số tổn hại âm đức."
"Góa vợ, góa chồng, mồ côi, độc thân, tàn tật, tổn thọ?"
"Đại loại vậy."
"Vậy sau này anh có thể ngừng bói luôn không? Đằng nào cũng đâu thiếu tiền." Hôm nay Đình Phương đã nhìn thấy sổ tiết kiệm của Trần Tắc.

Với mức chi tiêu của hắn, số tiền trong đó đủ cho hắn sống tới mấy đời.
Trần Tắc nhìn sang Đình Phương: "Anh kêu tôi đừng bói nữa?"
"Ừm."
"Tại sao?"
Còn phải hỏi? Đình Phương líu lưỡi, trong khi Trần Tắc thì nhất quyết chờ câu trả lời từ anh.

Đình Phương đành đáp: "Tôi hy vọng chủ trọ của mình có thể sống lâu khỏe mạnh, không ốm đau bệnh tật, vui vẻ hạnh phúc.

Có như vậy tôi mới tiếp tục thuê nhà được chứ."
"Anh định thuê bao lâu?"
"Cái này thì đợi dịp bàn tiếp nhé."
"Được.

Tôi hứa với anh."
Nếu tín đồ khắp bốn phương tám hướng biết được lý do khiến thầy Trần từ nay về sau không xem số cho người khác nữa, chắc sẽ kéo đến băm vằm anh ra mất.


Nhưng tối đó Ngô Đình Phương lại không nghĩ vậy.

Anh cho rằng, Trần Tắc nói thì nói thế thôi, có lẽ sẽ chỉ là bói ít lại chứ không ngừng bói hẳn.

Thế nên anh vẫn có chút lo lắng, ngày ngày ra khỏi nhà đều phải nhắc nhở vị thánh sống, để hắn hiểu kỳ vọng của mình về việc hắn sẽ sống lâu trăm tuổi, hạnh phúc suốt đời.
Kể từ khi Trần Tắc hứa với anh, hắn chẳng thèm kiêng dè gì chuyện bỏ cửa tiệm mà đi nữa.

Hắn bế Phùng Sinh đi chơi khắp nơi, mà như thế vừa hay cũng đúng ý Phùng Sinh.

Con bé từ đó được đi chơi thỏa thích, về đến nhà tâm trạng vui vẻ hẳn lên, cũng ngủ nhiều hơn.
Chiều thứ năm hôm ấy, Đình Phương và Huệ Mẫn hẹn gặp nhau ở Cục Dân chính Đông Thành.

Anh thấy Huệ Mẫn có vẻ đầy đặn hơn trước, người rất có sức sống, tóc cũng đã cắt ngắn nhìn trẻ hẳn ra, trông cứ như một người hoàn toàn khác.
"Quen với cuộc sống ở nhà rồi." Huệ Mẫn nói vậy.
Sống ở Đông Hương mười mấy năm, nơi đây rốt cuộc vẫn không phải nhà của cô.

Huệ Mẫn từng nói: Con gái gả xa nhà đến nơi đất khách cũng giống như nhổ một gốc cây trưởng thành đem sang mảnh đất khác vun trồng.

Nếu thích nghi được thì cũng phải cần đến vài năm mới có thể sum suê cành lá.

Trái lại nếu không thích nghi được, thì sẽ lụi tàn đến tận cùng gốc rễ.
"Anh gửi hết tiền trong thẻ sang cho em rồi sao?" Số tiền chuyển cho Huệ Mẫn thực chất không bao nhiêu, chỉ tầm mười vạn hơn.

Vì tiền chi tiêu sinh hoạt hằng ngày đều do Đình Phương chi trả nên số tiền anh còn lại không nhiều.
"Ừm, cũng chẳng có bao nhiêu."
"Em nhận được rồi, nhưng sau này anh không cần phải gửi tiền cho em nữa đâu." Huệ Mẫn nói: "Em có tiền, cũng sẽ đi làm, còn tái hôn nữa.

Anh gửi tiền cho em kể ra không hay cho lắm."
"Tái hôn nhanh vậy sao?" Đình Phương không gọi được tên cảm giác trong lòng mình lúc này.
Huệ Mẫn trả lời: "Chỉ cần em muốn thì có thể nhanh chóng tái hôn được thôi."
"Huệ Mẫn, em thật sự cảm thấy nhất định phải có con mới được sao?" Đình Phương không có ý níu kéo.

Lần đầu tiên anh phát hiện ra quan điểm của mình và Huệ Mẫn lại khác nhau xa đến vậy.

Mặc dù hối hận, nhưng anh không hề cố chấp.

Anh đã nghĩ thông suốt rồi.

Trần Tắc từng nói: Trăm năm sau, ai rồi cũng sẽ về với cát bụi, rải giữa đồng hoang hay dâng lên đền thờ cũng đâu khác gì nhau?
"Nếu anh không vô sinh, chắc chắn anh cũng sẽ nghĩ như em." Huệ Mẫn đáp.
"Vậy nhận con nuôi thì sao?" Đình Phương không nổi giận.

Đây là sự thật, hơn nữa sự thật này đã khiến Huệ Mẫn phải đau khổ suốt ngần ấy năm trời.

Anh không có tư cách để nổi giận.
"Em không đồng tình.

Một giọt máu đào hơn ao nước lã.

Đó chẳng qua chỉ là nuôi con hộ người khác mà thôi."
Cả trước và sau khi đổi chứng nhận kết hôn thành chứng nhận ly hôn, Đình Phương đều không hề hỏi cô: Em còn yêu anh không?
Phải rồi, yêu là gì chứ? Đình Phương bắt đầu cảm thấy hoang mang.

Một người rời xa một người rồi vẫn có thể tiếp tục sống, sinh con đẻ cái với người khác.

Vậy yêu là gì? Nếu đánh đồng tình yêu với dục vọng, anh và Huệ Mẫn đã gần một năm nay không gần gũi nhau.

Nếu yêu là bên nhau sớm tối, cả anh và cô đều không ai nghĩ đến việc muốn được ở cạnh đối phương từng giờ từng phút.

Nếu yêu là nhung nhớ chờ mong, thời gian rồi cũng sẽ xóa mờ tất thảy.
Nếu yêu chỉ mang đến đau khổ, vậy đó hẳn là một tình yêu đã lìa trần.
Tình yêu sao có thể hời hợt đến thế?
Sau cùng, Đình Phương cũng không khóc nữa.

Anh chẳng muốn thánh sống ở nhà dùng giẻ lau bàn lau mặt cho anh chút nào..

Bình luận

  • Bình luận

  • Bình luận Facebook

Sắp xếp

Danh sách chương