Không chỉ vậy, cô còn có phần ngây ngô từ nhỏ, lúc nào cũng chậm hơn người khác nửa nhịp, ba tuổi rồi mà vẫn chưa nói sõi.
Trương Thục Phân sốt ruột, bàn với chồng rằng hay là gửi con gái út cho một gia đình giàu có nào đó, bọn họ không nuôi nổi đứa trẻ này.
Bố cô là Hàng Tầm cười hiền hậu, nói: "Trẻ con có số mệnh lớn nên mới khó nuôi, lúc hoàng đế ra đời, trong phòng sinh còn có yêu quái đến quấy phá ấy chứ!"
Lúc bấy giờ ông đang là đội trưởng đội cảnh sát, đáng lẽ phải là một người thô kệch, vậy mà trên người ông lại toát ra khí chất nho nhã của những trí thức thời xưa, tính tình ôn hòa nhưng đã quyết định việc gì là không thay đổi.
Trương Thục Phân vốn ghét nhất là trông trẻ con, có lần Hàng Du Ninh bị sốt cao không thể rời người, bố đành phải đưa cô đến đồn cảnh sát, khi ấy là thời kỳ đặc biệt, đồn cảnh sát lúc nào cũng nhộn nhạo, Hàng Du Ninh như một chú mèo con cuộn tròn trong áo khoác của bố, nếu không nhìn kỹ thì chẳng ai nhận ra.
Ấn tượng đầu tiên của cô về thế giới này chính là đám đông.
Dòng người qua lại, phần lớn đều giống như bố cô, rất ấm áp, mang theo thứ ánh sáng dịu dàng.
Nhưng xen lẫn trong số họ vẫn có một số người lạnh lùng, ánh mắt như sói đói trong truyện cổ tích, những người này trên tay thường đeo còng sắt.
Khi ấy, cô còn quá nhỏ để hiểu được ý nghĩa của điều đó.
Còn Hứa Dã lúc đó đã là đứa trẻ đầu sỏ trong xóm.
Trong tay anh cầm cây súng đồ chơi màu đỏ, dẫn theo một đám trẻ con chạy rầm rầm khắp xóm, thi nhau chạy xe đạp từ trên con dốc cao, trèo cây chọc phá tổ ong đất, ai cũng ngán ngẩm anh.
Có ông cụ tên Kiến Quốc trước kia hay xem tướng, lắc đầu bảo thằng bé nhà họ Hứa này số trời sinh ra là để vào tù.
Hứa Dã và Hàng Nhã Phỉ học cùng lớp, Hàng Nhã Phỉ là lớp trưởng, Hứa Dã dù không sợ trời không sợ đất cũng bị cô nàng trị cho cụp đuôi.
"Hứa Dã! Đi gọi đám con trai kia đi dọn vệ sinh ngay!"
"Hứa Dã! Thu bài tập cho tôi!"
"Hứa Dã! Tôi ra ngoài báo cáo, cậu trông em gái tôi một lát!"
Lúc bấy giờ các trường mẫu giáo gần đó đều đóng cửa, những lúc Hàng Du Ninh không bị ốm, cô chỉ ngồi ngẩn ngơ trong nhà, Trương Thục Phân sợ con gái thành đứa ngốc nên dặn dò Hàng Nhã Phỉ đưa em gái ra ngoài chơi.
Nhưng Hàng Nhã Phỉ là lớp trưởng, lúc nào cũng bận rộn với hàng tá hoạt động của trường lớp, muốn làm người tiếp bước cách mạng.
Thế là cô ấy giao phó em gái cho Hứa Dã.
Anh khoái chí lắm, bởi lẽ trông em thì khỏi phải dự họp lớp, cái việc mà Hứa Dã ghét cay ghét đắng.
Cậu thiếu niên leo lên chiếc Thống Nhất 28 của bố, đặt Hàng Du Ninh ngồi vắt vẻo trên gióng xe rồi cùng lũ bạn nghịch ngợm, hò hét vang trời, lúc thì tung cô bé lên cao như diễn xiếc, lúc lại giả vờ là quân Nhật, vẽ lên mặt cô đủ thứ hình thù kỳ quái.
Hàng Du Ninh rất quý Hứa Dã, vì cậu bé này rất ra dáng anh trai, mỗi lần mua kẹo mạch nha, Hứa Dã đều bẻ cho cô bé một miếng, chứ đâu như anh chị ruột của cô, lúc nào cũng chỉ biết gắt gỏng: "Xê ra chỗ khác! Đừng có làm phiền tao học bài!"
Hôm ấy, Hứa Dã lại rủ Hàng Du Ninh theo, anh muốn sang khu phố khác để thi tài "búng phách".
Phách là những miếng bìa cứng hình tròn được in nhiều hình thù ngộ nghĩnh, luật chơi rất đơn giản, chỉ cần búng cho phách của đối phương văng ra khỏi vòng tròn là được phép lấy phách đó.
Trong đám trẻ con vùng Đông Bắc, đứa nào sở hữu nhiều phách nhất thì nghiễm nhiên trở thành "bá chủ".
Bình luận
Bình luận
Bình luận Facebook