Papillon - Người Tù Khổ Sai
Chương 33: Đảo Quỷ, chiếc ghe của Deiflus

Đảo Quỷ là hòn đảo nhỏ nhất trong quần đảo Salut. Cũng là hòn đảo nằm cao nhất về hướng Bắc, bị sóng gió vùi dập phũ phàng nhất. Qua một khoảng hẹp bằng phẳng chạy dài dọc bờ biển là phải leo lên một cái dốc đưa tới một bãi bằng, trên đó đặt trạm gác của bọn giám thị và một phòng giam độc nhất cho hơn mười tù nhân. Ở đảo Quỷ, chính thức mà nói, không có tù khổ sai về hình sự mà chỉ có những bị án giam hoặc lưu đày vì những lý do chính trị. Họ sống mỗi người ở riêng một căn nhà nhỏ mái tôn. Cứ đến thứ hai, họ được phát thức ăn sống cho cả tuần, mỗi người một ổ bánh mì. Họ có khoảng ba mươi người. Người đảm đương nhiệm vụ y tá trên đảo là bác sĩ Léger, đã đầu độc cả gia đình, ở Lyon hay vùng phụ cận gì đó.

Các tù chính trị không liên hệ với tù khổ sai, và thỉnh thoảng họ lại viết thư về Cayenne phản đối tù nhân này nọ ở đảo. Thế là tù nhân đó bị đưa về đảo Royale. Một đường dây cáp nối đảo Royale với đảo Quỷ, vì nhiều khi biển động, tàu ở Royale không ra đây cập vào bến xi-măng được. Chánh cai tù ở đây (có tất cả ba người gác) tên là Santori. Đó là một người to lớn, quen thói ở bẩn, râu thường để đến tám ngày không chịu cạo.

- Papillon, tôi hy vọng anh xử sự cho đúng đắn ở đảo Quỷ này. Anh đừng kiếm chuyện với tôi, tôi sẽ để anh yên. Anh về trại đi, tôi sẽ gặp anh tại đấy.

Tôi thấy ở phòng giam có sáu tù nhân khổ sai: hai người Tàu, hai người da đen, một người dân Bordeaux và một người vùng Lille. Một người Tàu biết rõ tôi, vì đã bị giam chung với tôi ở Saint Laurent về tội giết người. Đấy là một người dân Đông dương, còn sống sót sau vụ nổi loạn ở Côn đảo. Anh ta vốn là tay cướp biển chuyên nghiệp, thường tấn công các ghe mành và đôi khi giết cả thủy thủ lẫn gia đình chủ ghe. Anh ta là kẻ cực kỳ nguy hiểm, nhưng lại có một cách sống chung với tập thể được ai nấy tin cậy và mến thích. Anh dùng tiếng Pháp bồi chào tôi:

- Papillon, khỏe chứ?

- Còn anh ra sao, Chang?

- Khỏe. Ở đây dễ chịu lắm. Anh ăn với tôi. Anh ngủ đây, cạnh tôi. Tôi, nấu ăn ngày hai lần. Anh, bắt cá. Đây, cá nhiều lắm.

Santori đi tới:

- À, anh đã thu xếp chỗ ở xong rồi hả? Ngày mai anh và Chang cho heo ăn. Chang mang dừa tới, còn anh, anh lấy rìu bửa dừa ra làm đôi. Phải dành riêng những trái dừa non cho heo con vì chúng không có răng. Bốn giờ chiều, các anh vẫn làm việc ấy. Ngoài hai giờ làm việc, sáng một giờ, chiều một giờ, anh được tự do muốn làm gì trên đảo thì làm. Ai đi câu được phải đưa một ký cá hay tôm hùm góp vào bếp của tôi. Vậy cho mọi người vui vẻ. Thế có được không?

- Thưa ông Santori, được lắm.

- Tôi biết anh là dân chuyên vượt ngục, nhưng ở đây thì vô phương nên tôi không phải lo. Ban đêm các anh bị nhốt nhưng tôi biết có người vẫn cứ ra được. Cẩn thận đối với các tù chính trị đấy. Người nào trong bọn họ cũng có dao phát rừng. Anh mà đến gần chỗ họ ở, họ tưởng anh đến ăn cắp gà hay trứng, anh có thể chết hay bị thương, vì họ trông thấy anh được, còn anh, anh không thấy được họ.

Sau khi cho hai trăm con heo ăn, mỗi ngày tôi đi với Chang khắp đảo. Anh biết tường tận tất cả các xó xỉnh trên đảo. Một ông già, có bộ râu bạc dài, gặp chúng tôi trên con đường đi quanh đảo, ven bờ biển. Đó là một nhà báo ở Tân Đảo đã viết tốt cho bọn Đức, chống lại nước Pháp, trong chiến tranh 1914. Tôi còn gặp thằng đểu đã làm cho Edith Cavell - cô nữ y tá người Anh hay Bỉ đã cứu các phi công Anh năm 1917 - bị xử bắn. Nhân vật kinh tởm này, to béo mập mạp, tay cầm một cái gậy, quật một con cá lịch dài tới một thước rưỡi và to bằng bắp đùi tôi. Cả ông bác sĩ đảm đương nhiệm vụ y tá cũng ở trong một túp nhà nhỏ chỉ dành cho các tù chính trị. Ông bác sĩ Léger này là một con người cao lớn dơ dáy và lực lưỡng. Chỉ có mặt ông là còn sạch, tóc ông đã hoa râm, để rất dài rủ xuống cổ và thái dương. Bàn tay ông đỏ mọng từng mảng vì những vết thương chắc là do víu vào các mỏm đá ở biển, mãi vẫn chưa được lành hẳn.

- Anh cần gì, cứ đến hỏi tôi, tôi sẽ cho. Có bệnh hãy đến. Tôi không ưa ai đến thăm tôi và càng không ưa ai đến nói chuyện với tôi. Tôi bán trứng và cả gà con, gà trống và gà mái. Nếu anh mổ trộm được một con heo nhỏ, mang cho tôi một đùi sau, tôi sẽ trả anh một con gà và sáu quả trứng. Anh đã đến đây rồi thì cầm lấy cái lọ một trăm hai mươi viên thuốc ký ninh này. Chắc anh đến đây để vượt ngục, vậy thì nếu phúc tổ cho anh đi được, anh sẽ cần đến nó để sống ở rừng đấy.

Sáng và chiều, tôi câu được hằng hà sa số cá phèn ở dưới các mỏm đá. Ngày nào tôi cũng gửi cho bếp của cai tù ba đến bốn ký. Santori tươi hẳn lên. Chưa bao giờ lão ta nhận được nhiều loại cá khác nhau lẫn tôm hùm như thế. Có những lúc, nước xuống, tôi lặn mò được đến ba trăm con tôm hùm. Ngày hôm qua, bác sĩ Germain Guibert đến đảo Quỷ. Biển lặng, ông đã đi cùng vợ và thiếu tá chỉ huy trại Royale. Người đàn bà đáng phục này là người phụ nữ đầu tiên đặt chân lên đảo Quỷ. Theo lời thiếu tá, cũng chưa có thường dân nào đặt chân lên đảo này. Tôi đã được nói chuyện với bà một giờ đồng hồ. Bà đi với tôi đến chiếc ghế dài mà Dreyfus* xưa kia vẫn thường ngồi nhìn ra biển cả, nhìn về phía nước Pháp đã hắt hủi ông. (*Dreyfus Alfred, sĩ quan Pháp gốc Do Thái, Năm 1890 bị đưa ra tòa án binh vì tội "gián điệp", rồi bị đày ra quần đảo Salut. Đến năm 1906 mới được thanh minh và phục hồi danh dự. Vụ án này đã làm chấn động dư luận toàn nước Pháp hồi ấy và gây nên những cuộc tranh luận và xung đột dữ dội giữa những người có tư tưởng cấp tiến bênh vực Dreyfus và những người có xu hướng bài Do Thái. Nhà văn Emile Zola đã viết một bài báo nổi tiếng bài "Tôi tố cáo" bênh vực Dreyfus bằng những lý lẽ đanh thép và một văn phong nảy lửa đầy sức thuyết phục - ND).

Bà xoa tảng đá và nói:

- Giá tảng đá này có thể nói cho chúng ta biết những ý nghĩ của Dreyfus nhỉ... Papillon này, chắc chắn đây là lần cuối cùng chúng ta gặp nhau. Vì anh có nói với tôi rằng anh sắp thử vượt ngục một chuyến nữa. Tôi cầu Chúa cho anh được thành công. Tôi yêu cầu, trước khi anh đi, anh ngồi một phút trên tảng đá tôi vừa xoa tay vào, và cũng xin anh xoa tay vào đấy để vĩnh biệt.

- Thiếu tá cho phép tôi được gửi bằng dây cáp, một ít tôm hùm và cá cho bác sĩ, mỗi khi tôi muốn, Santori cũng đồng ý. Vĩnh biệt bác sĩ, vĩnh biệt bà.

Trước khi tàu rời khỏi bến, tôi chào cả hai người một cách rất tự nhiên. Bà Guibert mở to mắt nhìn tôi, vẻ như muốn nói: "Hãy nhớ mãi đến chúng tôi vì chúng tôi cũng không bao giờ quên anh". Chiếc ghế của Dreyfus ở tận mỏm phía Bắc của đảo cao hơn mặt biển đến trên bốn mươi mét..

Hôm nay tôi không đi câu. Trong bể cá thiên thiên, tôi còn hơn một trăm ký cá phèn và trong một cái thùng ton-nô bằng sắt, được neo bằng xích, còn hơn năm trăm con tôm hùm. Tôi có thể nghỉ câu. Tôi đã có dư để gửi cho bác sĩ và để dành cho Santori, cho anh người Tàu và cho tôi. Lúc đó là năm 1941. Tôi ở tù đã mười một năm. Tôi đã ba mươi lăm tuổi. Tôi đã sống những năm tươi đẹp nhất trong đời tôi trong phòng giam, hoặc ở xà-lim. Tôi chỉ sống tự do hoàn toàn được bảy tháng với bộ lạc Anh- điêng của tôi. Những đứa con mà tôi đã có với hai người vợ Anh- điêng bây giờ đã tám tuổi. Thật khủng khiếp! Thời gian trôi qua nhanh đến vậy? Nhưng nhìn về phía sau, tôi vẫn lặng ngắm những giờ những phút chịu đựng kéo dài của khoảng thời gian đó, khoảng thời gian đã được khắc sâu trên con đường đau khổ. Ba mươi lăm năm rồi! Montmartre, quảng trường Trắng, quảng trường Pigalle, khoảng sân khiêu vũ ở Triều Hoa viên, đại lộ Clichy, đâu cả rồi?

Đâu rồi em Nenette với bộ mặt y như Đức mẹ, thật sự là bức tranh chạm nổi, có đôi mắt đen mênh mông tràn đầy tuyệt vọng nhìn tôi đăm đăm, đã kêu tôi giữa phiên tòa: "Anh đừng lo, em sẽ đến tận đấy theo anh"?. Đâu rồi, luật sư Raymond Hubert với lời an ủi: "Chúng ta sẽ được trắng án"? Đâu rồi, mười hai cái bị thịt trong ban bồi thẩm? Đâu rồi bọn cớm ấy? Ngài biện lý? Ba tôi và các em gái tôi, đã lấy chồng trong cảnh chiếm đóng, giờ đây đang làm gì? Bao nhiêu chuyến vượt ngục! Thử tính xem bao nhiêu chuyến rồi. Chuyến đầu tiên, khi tôi đánh gục bọn cai và tù ở bệnh viện trốn đi. Chuyến thứ hai ở Colombia, từ Rio Hacha đi: chuyến đi đẹp nhất. Chuyến đó tôi thành công mỹ mãn. Tại sao tôi lại bỏ bộ lạc của tôi nhỉ. Một cảm xúc yêu đương mãnh liệt làm toàn thân tôi rung động. Tôi rùng mình, mường tượng như trong thân thể tôi còn giữ lại những cảm giác mà tôi đã được thể nghiệm những khi làm tình với hai chị em cô gái Anh- điêng.

Rồi chuyến thứ ba, thứ tư, thứ năm và thứ sáu ở Baranquilla. Những chuyến vượt ngục này chỉ toàn chuyện rủi ro. Rồi mưu toan trốn tập thể trong buổi lễ mi-sa, thất bại một cách thảm hại! Cái chuyến thuốc nổ hư và chuyện cái quần cậu Clousiot bị vướng vào mái tôn. Rồi cái liều thuốc ngủ tác động quá chậm! Chuyến thứ bảy ở đảo Royale, bị thằng xỏ lá Bébert Celier tố cáo. Không có nó, chắc chuyến ấy có thể thành công. Giá nó câm mẹ cái mồm nó đi, chắc tôi và anh bạn Carbonieri khốn khổ của tôi đã được tự do. Chuyến thứ tám, chuyến cuối cùng, ở nhà thương điên. Sai lầm, một sai lầm lớn của tôi, là đã để cho anh người Ý chọn điểm hạ thủy. Nếu xuống phía dưới chừng hai trăm mét nữa, chỗ gần lò sát sinh, chắc thả bè dễ hơn nhiều.

Chiếc ghế dài này, nơi Dreyfus vô tội bị án tù, mà vẫn can đảm sống được, nhất định phải giúp cho tôi được việc gì. Không bao giờ được chịu thua! Phải thử làm một chuyến vượt ngục nữa. Phải, tảng đá nhẵn, trơn, nhô lên trên vực thẳm chỉ có đá bị sóng dập liên tục này phải trở thành một sự nâng đỡ về tinh thần và một tấm gương đối với tôi. Dreyfus không bao giờ chịu để tinh thần bị suy sụp, ông luôn luôn đấu tranh đến cùng để được khôi phục danh dự. Quả Dreyfus có một ưu thế đã làm được Emile Zola bênh vực với bài: "Tôi tố cáo" nổi tiếng. Tuy vậy nếu ông không phải là con người đã được tôi luyện thì trước bấy nhiêu nỗi bất công chắc chắn ông đã từ chiếc ghế này gieo mình xuống vực. Ông đã chịu đựng được. Tôi không thể kém Dreyfus, và tôi phải từ bỏ ý nghĩ vượt ngục với phương châm: thắng hay là chết. Tôi phải bỏ hẳn chữ chết, vì chỉ được nghĩ rằng tôi phải thắng và phải được tự do.

Trong khi ngồi trên chiếc ghế của Dreyfus, tâm hồn tôi lang bang nghĩ đến quá khứ, mơ tưởng đến tương lai tươi đẹp. Mắt tôi thường bị lóa vì ánh nắng chói chang, vì ánh phản quang màu bạch kim của những ngọn sóng. Cứ nhìn biển mãi mà không thực sự nhìn thấy nó, tôi dần dà biết được tất cả những thay đổi thất thường có thể tưởng tượng được của những lớp sóng cuộn theo chiều gió. Đều đều, không mệt mỏi, không thay đổi, biển cả cứ tấn công vào các mỏm đá nhô ra khỏi đảo xa nhất. Nó sục sạo, mài mòn, đập vỡ những tảng đá nọ, như muốn nói với đảo Quỷ: "Mi cút đi, mi phải biến mất đi, ta muốn xô vào Đất liền mà mi cứ làm ta vướng víu, mi chặn đường đi của ta. Vì vậy, hàng ngày, không phút nào ngơi, ta phải tước đi từng chút ít một của mi". Khi có giông bão, biển thả sức vui vẻ hoành hành. Nó không chỉ lao tới, và khi rút ra, cào hết tất cả những gì nó đã đập phá được, mà hơn thế nữa, có còn chui rúc, len lỏi đưa nước vào tất cả các ngõ ngách để dần dà, từng chút một, xói mòn ngầm những tảng đá khổng lồ đang có vẻ như quát vào biển: "Cấm đi qua đây, cấm qua chỗ này".

Và tôi đã khám phá ra một điều quan trọng. Ngay dưới chỗ ghế của Dreyfus, sóng xô thẳng vào những tảng đá sống trâu này, tấn vào, tan ra và rút đi vôi một sức mạnh hung hãn. Hàng tấn nước không tung tóe ra được vì bị kẹt giữa hai tảng đá hình móng ngựa rộng chừng năm, sáu mét. Sau đó là vách đá ngựa rộng chừng năm, sáu mét. Sau đó là vách đá dựng đứng, cho nên nước theo sóng vào chỉ có một đường thoát là quay ngược lại, rút ra khơi. Điều này rất quan trọng vì nếu khi sóng bị tóe ra và lùa vào vực thẳm, tôi từ trên mỏm đá ôm một bao trái dừa lao thẳng xuống đấy, thì chắc chắn, không nghi ngờ gì cả, là nước rút sẽ cuốn tôi ra theo. Tôi biết chỗ có thể kiếm ra vài cái bao tải, ở chuồng heo muốn có bao nhiêu để đựng dừa cũng có. Việc đầu tiên là phải làm thử đã. Vào những ngày trăng tròn, lúc nước thủy triều lên cao nhất, thì sóng cũng mạnh nhất. Tôi sẽ chờ một đêm như thế.

Một bao tải nhét đầy trái dừa còn cả vỏ xơ, đã khâu kỹ lại, được dấu trong một cái hang mà muốn vào đấy phải lặn xuống nước. Tôi tìm ra nó lúc lặn mò tôm hùm. Tôm hùm bám vào trần hang, không khí chỉ lọt được vào hang khi nước xuống. Trong một bao tải khác được chằng cùng với bao đựng trái dừa, tôi bỏ một tảng đá nặng chừng ba mươi lăm đến bốn mươi ki lộ Vì tôi tính tôi sẽ vượt ngục với hai bao tải chứ không phải một, mà tôi thì cân nặng bảy chục ký, cho nên tỷ lệ như vậy là tương đương. Thí nghiệm này kích thích tôi rất dữ. Không ai đến phía này của đảo bao giờ. Cũng không ai ngờ rằng có người lại chọn nơi bị sóng dập mạnh nhất, nghĩa là nơi nguy hiểm nhất, để vượt ngục. Nhưng đây lại là địa điểm duy nhất mà, nếu tôi rời được bờ, tôi sẽ được sóng đưa ra khơi và không thể nào lại đâm đầu vào đảo Royale được. Chỉ ở đây chứ không phải ở đâu khác, tôi sẽ ra đi.

Những bao tải đựng dừa và hòn đá không dễ mang vác Tôi không sao kéo nó lên mỏm đá được. Đá trơn và lúc nào cũng ướt. Tôi đã bàn với Chang, và anh ta đã đến giúp tôi. Anh mang cả bộ đồ nghề câu cá, dây câu ngầm, để lỡ bất ngờ gặp ai, chúng tôi có thể nói là chúng tôi đi đặt lưới bẫy cá mập.

- Bắt đầu đi, Chang. Một chút nữa là xong.

Trăng rằm chiếu sáng vằng vặc như ban ngày. Tiếng sóng ầm ầm làm tôi choáng váng. Chang hỏi tôi: "Anh đã sẵn sàng chưa Papillon? Cho nó theo lớp sóng này đi. Cột sóng cao năm thước, thẳng đứng ập xuống bờ đá. Chân sóng xô vào phía dưới chúng tôi mạnh đến nỗi ngọn sóng vượt qua cả mỏm đá, làm chúng tôi bị ướt hết. Nhưng nó cũng không ngăn cản chúng tôi ném các bao tải đúng lúc hình thành xoáy nước trước khi sóng rút ra. Hai cái bao tải bị cuốn đi như một cọng rơm.

- Tốt rồi, Chang, thế là xong. Chờ xem bao tải có trở về không.

Năm phút sau, tôi rụng rời cả người khi trông thấy bao tải của tôi ở trên đỉnh một lớp sóng ngầm cao ngất, đến sáu bảy mét bị đưa trở vào bờ. Sóng nâng túi dừa vào tảng đá như không có nghĩa lý gì. Nó đưa những thứ đó lên trước ngọn sóng, khoảng trước bọt nước một chút, với một sức mạnh phi thường, sóng đã trả nó về chỗ nó bắt đầu bị cuốn đi, đập vào đá vỡ tan thành, bao tải rách bươm ra, mấy quả dừa bắn tung ra khắp nơi, còn tảng đá thì lăn xuống đáy vực. Chang và tôi đều ướt thấu xương, bị đẩy ngã, may mà ngã về phía đất liền. Cả người chúng tôi bị xây xát và ê ẩm. Chúng tôi không buồn nhìn ra phía biển mà vội rời cho thật nhanh cái nơi đáng nguyền rủa này.

- Không tốt đâu, Papillon. Cái ý vượt ngục ở đảo Quỷ không tốt đâu. Ở Royale thì hơn. Anh đi từ phía Nam hơn ở đây.

Phải, nhưng ở đảo Royale, việc vượt ngục chỉ hai giờ sau là nhiều nhất, sẽ bị lộ. Các bao tải đựng dừa chỉ đi được nhờ sức sóng đẩy, tôi sẽ bị ba chiếc tàu ở đảo quây bắt được liền.Còn ở đây, thứ nhất là không có tàu, thứ hai, chắc chắn tôi vượt ngục, sau người ta tưởng tôi đi câu bị chết đuối. Ở đảo Quỷ, không có điện thoại. Nếu tôi đi lúc trời xấu, không tàu nào có thể đến được đây. Vì vậy tôi phải từ ở đây đi. Nhưng ra đi bằng cách nào? Giữa trưa, trời nắng chang chang. Một thứ nắng nhiệt đới làm cho đầu óc muốn sôi lên. Một thứ nắng thiêu cháy mọi thứ cây cỏ đã nảy mầm được nhưng chưa lớn đến mức đủ sức đương đầu với nắng. Một thứ ánh nắng mà chỉ trong vài giờ cũng đã làm cho các vùng nước biển không sâu quá phải bay hơi chỉ còn lại một lớp muối trắng. Một thứ ánh nắng làm cho làn không khí chao đảo như nhảy múa. Đúng, ánh nắng chuyển động thật sự trước mắt tôi, và ánh nắng phản chiếu trên mặt biển làm tôi rát bỏng cả mắt.

Tuy vậy, lúc ngồi lại trên chiếc ghế của Dreyfus, tất cả những điều đó không ngăn tôi tiếp tục quan sát mặt biển. Lúc bấy giờ tôi mới thấy tôi quá ư là ngốc. Con sóng ngầm, cao gấp hai lần tất cả các con sóng khác, con sóng đã ném các bao tải của tôi vào đá, làm nó tan vụn hoàn toàn, con sóng này chỉ thỉnh thoảng mới có. Tôi tính kỹ thì thấy cứ sáu đợt sóng bình thường mới có một đợt sóng ngầm dữ dội như vậy. Từ giữa trưa đến lúc mặt trời lặn, tôi quan sát xem thử có phải đều đặn như thế không, có những thay đổi gì không, nghĩa là xem thử có gì không đều trong chu kỳ và hình dáng con sóng khổng lồ này không. Không, không một lần nào con sóng ngầm đến trước hay đến sau. Cứ sáu đợt sóng cao chừng sáu mét kéo vào, thì cách bờ hơn ba trăm mét, con sóng ngầm lại hình thành. Nó đến thẳng đứng như chữ I Càng tới gần bờ, nó càng tăng khối lượng và chiều cao. Không có bọt sóng ở trên ngọn, khác hẳn sáu con sóng kia. Rất ít bọt. Tiếng sóng cũng đặc biệt, giống như tiếng sấm rền đang tắt dần từ xa. Khi sóng xô vào bờ đá, ập vào khoảng giữa hai tảng đá nọ, rồi đập vào vách, khối lượng nước của nó lớn hơn của các con sóng khác, nó bị tắc lại, quay lộn nhiều lần trong hốc đá và mất mươi mười lăm giây những cuộn nước xoáy mới tìm được lối thoát và rút ra, cuốn theo những hòn đá to cứ lăn đi lăn lại, ầm ầm như tiếng hàng trăm chiếc xe chở đá được đổ xuống vực một cách thô bạo.

Tôi bỏ độ một chục quả dừa vào một cái bao tải, tôi tống một tảng đá nặng độ hai mươi ki-lô vào đấy và con sóng ngầm vừa xô vào đá, tôi ném bao tải xuống. Mắt tôi không trông theo được bao tải vì có quá nhiều bọt nước trắng trong vực xoáy, nhưng tôi cũng thoáng thấy nó trong một giây, khi nước như bị hút mạnh, băng băng kéo ra ngoài khơi. Bao tải không bị đẩy trở lại. Sáu con sóng kia không đủ sức ném nó vào bờ và khi con sóng thứ bảy hình thành, cách xa chừng ba trăm mét, cái bao tải hẳn đã vượt ra ngoài cái vùng con sóng ngầm bắt đầu hình thành, vì tôi không còn nhìn thấy bao tải ấy đâu nữa. Lòng chứa chan vui mừng và hy vọng, tôi đi về trại. Thế là tôi đã tìm ra một cách hạ thủy thật hoàn hảo. Không được phiêu lưu trong việc này. Thế nào tôi cũng cần phải thử một lần cho nghiêm chỉnh hơn, với những số liệu tương ứng một cách chính xác với bản thân tôi: hai bao trái dừa buộc chặt vào nhau, và ở trên là bảy mươi ki-lô được phân đều cho hai hay ba tảng đá.

Tôi kể cho Chang. Và anh bạn Tàu của tôi ở Côn Đảo đã giỏng tai ra nghe.

- Tốt lắm, Papillon ạ. Tôi cho thế là anh đã tìm được cách rồi. Tôi sẽ giúp anh làm thử thật sự. Chờ nước thủy triều lên cao tám mét: sắp đến điểm phân mùa rồi.

Được Chang giúp đỡ, lợi dụng điểm phân mùa, có con sóng cao hơn tám mét, tôi ném xuống con sóng ngầm nọ hai bao trái dừa kèm theo ba tảng đá nặng chừng tám mươi ki-lô.

- Tên con bé mà anh bơi ra cứu ở Saint Joseph là gì?

- Lisette. Vậy ta cũng đặt tên con sóng có ngày sẽ cuốn anh đi theo là Lisette. Bằng lòng không?

- Đồng ý.

Lisette ập đến ầm ầm như một đoàn xe lửa tốc hành tới ga. Nó hình thành từ ngoài xa hơn hai trăm năm mươi mét, và sừng sững như vách đá, nó tiến vào mỗi lúc một lớn dần. Quả là một cảnh tượng uy nghi. Nó đập vào vách làm Chang và tôi bị hất hẳn sang bên tảng đá, và các bao tải đã tự nó rơi xuống vực Vì biết ngay trong một phần mười giây rằng chúng tôi không thể đứng lại trên mỏm đá được, chúng tôi đã lùi về sau: điều đó tuy không tránh cho chúng tôi khỏi bị một khối nước ập đến tát ướt cả người, nhưng cũng làm cho chúng tôi khỏi bị ngã xuống vực. Chúng tôi làm cuộc thí nghiệm này lúc mười giờ sáng. Chúng tôi không sợ gì vì ba tên cai tù đều ở đầu kia đảo lo việc tổng kiểm kê. Mấy cái bao tải đã trôi ra khơi, chúng tôi trông rất rõ, nó đã trôi rất xa bờ. Nó có trôi ra quá chỗ hình thành của con sóng không? Chúng tôi không có gì làm chuẩn để biết được các bao tải ở xa hơn hay gần hơn chỗ ấy. Sáu con sóng tiếp theo con Lisette đều không đuổi kịp được đà trôi của nó.

Một lần nữa Lisette lại hình thành và bắt đầu xô vào bờ. Các bao tải cũng không bị nó cuốn vào. Thế là chúng đã thoát được khỏi khu vực ảnh hưởng của con sóng. Trở vội lên ngồi vào ghế của Dreyfus để cố tìm ra các bao tải một lần nữa, chúng tôi có được nỗi vui mừng được bốn lần nhìn thấy nó bập bềnh trên các ngọn sóng, không hướng về phía đảo Quỷ mà đi về hướng Tây. Không còn phải bàn cãi gì nữa, cuộc thí nghiệm đã cho thấy kết quả tốt. Tôi sẽ lên đường dấn thân vào cuộc phiêu lưu vĩ đại trên lưng Lisette. "Nhìn kìa, nó đến đấy". Một, hai, ba, bốn, năm, sáu, rồi đến lượt Lisette tiến vào. Ở mỏm đá, chỗ đặt ghế của Dreyfus xưa nay, biển vẫn khắc nghiệt, nhưng hôm nay nó đặc biệt hung dữ. Lisette tiến vào với tiếng ầm ầm riêng biệt của nó. Tôi thấy nó lù lù hơn ngày thường, và hôm nay, nhất là ở chân sóng, khối lượng nước được di chuyển còn nhiều hơn nữa. Khối nước khổng lồ này sẽ tấn công hai tảng đá mau lẹ hơn, thắng góc hơn. Vì khi con sóng vỡ, đổ xô vào khoảng cách giữa hai tảng đá khổng lồ, tiếng động còn inh tai nhức óc hơn bao giờ hết, nếu trên đời có thể có một tiếng động quái gở như vậy.

- Anh nói là phải lao xuống chỗ này phải không? Đúng đấy, anh chọn chỗ này thật là tuyệt. Tôi thì tôi không chơi đâu. Tôi muốn vượt ngục thật, nhưng tôi không muốn tự tử.

Sylvain rất xúc động khi tôi giới thiệu Lisette với anh ta. Anh mới đến đảo Quỷ được ba ngày và tất nhiên tôi rủ anh cùng đi với tôi. Mỗi người đi một bè. Do đó nếu anh nhận lời, tôi sẽ có bạn khi đến Đất liền để tiến hành cuộc đào tẩu tiếp theo. Ở rừng mà chỉ có một mình chẳng thú vị chút nào đâu.

- Đừng có sợ trước khi làm. Tôi công nhận là lần đầu tiên, ai cũng phải chùn bước. Nhưng đây lại là con sóng duy nhất có thể kéo cậu ra thật xa, các con sóng tiếp theo không có đủ sức kéo cậu trở lại bờ đá.

- Bình tĩnh nào, nhìn kỹ lại, chúng tôi đã thử rồi - Chang nói - Chắc chắn, cậu đã đi rồi là sẽ không bao giờ trở lại đảo Quỷ, cũng không vào đảo Royale đâu.

Mất một tuần, tôi mới thuyết phục được Sylvain. Một người rắn chắc, cao một mét tám mươi, cân đối, với một thân hình lực sĩ điền kinh.

- Được. Tôi công nhận chúng ta sẽ được đưa ra đủ độ xa. Sau đó, cậu tính cứ để sóng đẩy đi, mất bao nhiêu ngày thì đến được Đất liền?

- Thật tình, tôi cũng không biết đâu, Sylvain ạ. Có thể bị giạt nhiều hay ít, tùy thời gian ảnh hưởng của gió không có mấy, vì chúng ta ở sát mặt nước. Nhưng nếu trời xấu, sóng sẽ lớn và đẩy chúng ta mau hơn vào phía rừng. Khoảng bảy tám, nhiều nhất là mười con nước, chúng ta sẽ bị đẩy vào bờ. Do đó, xê xích ít nhiều thì mất chừng bốn mươi tám đến sáu mươi giờ.

- Cậu tính thế nào vậy?

- Từ các đảo thẳng đến bờ, không xa hơn bốn mươi cây số. Vì bị trôi giạt nên đường đi làm thành cạnh huyền một tam giác vuông. Cậu nhìn hướng sóng đi. ít nhiều, cũng phải đi một quãng từ một trăm đến một trăm hai mươi ki-lô-mét là tối đạ Chúng ta càng đến gần bờ, sóng càng đẩy chúng ta thẳng hướng vào đấy. Thoạt tính, cậu không cho là một vật trôi giạt ở bờ với khoảng cách như thế, lại không được đẩy đi với tốc độ năm ki-lô-mét một giờ.

Anh ta nhìn tôi và chăm chú nghe rất kỹ những lời giải thích của tôi. Chàng trai cao lớn này rất thông minh.

- Đúng. Tôi công nhận là những điều cậu nói chẳng ngu ngốc chút nào, và nếu không có những con nước xuống làm mất thì giờ của ta, vì chúng lại đẩy ta ra ngoài khơi, chắc chắn chỉ trong vòng ba mươi giờ, ta có thể đến đất liền. Do có những con nước xuống, tôi cho là cậu nói có lý: muốn đến đất liền phải mất từ bốn mươi tám đến sáu mươi tiếng.

- Cậu tin chắc rồi thì cậu đi với tôi chứ?

- Có thể. Giả dụ, ta đến chỗ đất liền là rừng thì ta làm gì?

- Ta phải đến vùng gần khu vực Kourou. Ở đây có một làng dân chài khá lớn, có những người đi tìm balata và tìm vàng. Phải đến gần một cách thật thận trọng vì ở đấy cũng có một lâm trường của tù khổ sai. Chắc chắn cũng có những điểm để từ đó đi sâu vào trong rừng đến Cayenne và đến một trại của người Tàu được gọi là Inini. Phải bắt một tù nhân hay một thổ dân da đen buộc họ phải dẫn mình đến Inini. Nếu người ấy tử tế, ta có thể cho năm trăm đồng rồi bảo anh ta chuồn đi cho khuất mắt. Nếu cũng là một người tù, thì ta bắt hắn phải cùng đi trốn với ta.

- Inini là trại giam đặc biệt cho người Đông dương, thế thì ta đến đấy để làm gì?

- Ở đấy Chang có người anh ruột.

- Đúng, anh ấy là anh tôi. Anh ấy sẽ vượt ngục với các anh, anh ấy kiếm ra được ca-nô và thức ăn. Cách anh sẽ gặp Quých-Quých, các anh sẽ có đủ thứ để đi đường. Không một người Tàu nào chịu làm chỉ điểm cả cho nên anh gặp bất cứ người An Nam * (*Tác giả cũng như nhiều người Pháp hồi đó, không biết phân biệt người "Tàu với người "An Nam") nào ở trong rừng, anh cứ bảo người đó tin cho Quých-Quých biết.

- Tại sao người ta lại gọi anh ta là Quých-Quých? - Sylvain hỏi.

- Tôi không biết, do bọn Pháp đặt tên cho anh như vậy - Đoạn anh nói thêm: "Các anh phải cẩn thận, khi đến đất liền rồi, các anh sẽ thấy bùn. Đừng bao giờ đi trên bùn, đi không tốt, nó hút các anh xuống đấy. Chờ cho nước đưa các anh vào tận rừng để có thể bám được dây leo và cành cây. Nếu không thì nguy lắm.

- À đúng đấy, Sylvain à. Không bao giờ được đi trên bùn, ngay cả khi ở rất gần, rất gần bờ. Phải chờ lúc túm được cành cây hay sợi dây leo nào đã.

- Được Papillon. Tôi đã quyết định rồi. Hai cái bè được chế tạo cùng một kiểu, không khác nhau mấy, vì chúng ta cũng nặng cân gần như nhau, chắc chắn chúng ta sẽ không bị tách rời nhau quá xa. Nhưng không sao lường trước được việc gì cả. Nếu lạc nhau ta sẽ tìm nhau ra sao?

- Ở đây, ta không nhìn được tới Kourou. Cậu có để ý, khi cậu còn ở Royale là ở phía bên phải Kourou, khoảng chừng hai mươi ki-lô-mét, có những tảng đá trắng, thấy rất rõ khi mặt trời chiếu vào đấy phải không?

- Đúng.

- Cả vùng bờ biển này, chỉ chỗ ấy là có đá. Bên phải, bên trái, đến vô cùng tận, chỉ là bùn. Đá trắng là do cứt chim là ở đấy. Có đến hàng ngàn con, và vì không có người nào đến đấy bao giờ, chỗ đó sẽ là nơi trú chân để ta lấy lại sức trước khi đi sâu vào rừng. Ta sẽ ăn trứng và ăn chỗ dừa ta đem theo. Không được đốt lửa. Ai đến trước sẽ đợi người tới sau.

- Đợi bao lâu?

- Năm ngày. Không thể nào sau năm ngày, người kia lại không tới được.

Hai chiếc bè đã được làm xong. Các bao tải được lồng vào nhau, hai cái làm một, cho bền hơn. Tôi yêu cầu Sylvain dành cho tôi mười ngày để tập cưỡi bao tải, càng nhiều giờ càng hay. Anh ta cũng phải làm như vậy. Mỗi lần thấy các bao tải sắp bị lật ngửa ra, phải cố gắng làm sao ngồi vững ở trên. Nhưng chú ý không được ngủ quên vì sợ bị nhào xuống nước mà không bấu víu kịp. Chang khâu cho tôi một cái túi nhỏ không thấm nước để đeo vào cổ, trong đựng thuốc lá và máy lửa. Chúng tôi mỗi đứa nạo mười quả dừa để mang theo. Cùi dừa giúp chúng tôi chịu đói và còn làm đỡ khát nữa. Hình như Santori có một thứ bong bóng bằng da đựng được rượu. Lão ta không dùng đến nó bao giờ. Khi nào có dịp lọt vào nhà lão, Chang sẽ tìm cách xoáy cái đó.

Chúng tôi định khởi sự vào ngày chủ nhật, lúc mười giờ tối. Trăng rằm, sóng thủy triều ắt phải cao đến tám mét. Lisette hẳn sẽ ở vào thời điểm mạnh nhất. Sáng chủ nhật, một mình Chang sẽ cho heo ăn. Tôi sẽ ngủ suốt ngày thứ bảy và cả chủ nhật. Khởi hành lúc mười giờ đêm. Thủy triều bắt đầu xuống đã được hai giờ. Hai cái bao tải của tôi không thể nào tách rời ra được Chúng được kết chắc lại bằng những sợi gai bện vào với nhau, bằng dây đồng, và khâu liền với nhau bằng gai buồm. Chúng tôi đã kiếm những cái bao có miệng rộng để lồng bao nọ vào bao kia sao cho vừa không thể tuột ra ngoài được. Sylvain không ngừng tập thể dục, còn tôi, tôi đứng hàng giờ để những lớp sóng lăn tăn đập vào đùi tôi như xoa bóp vậy. Sóng cứ đập liên hồi vào đùi tôi và việc tôi phải lên gân chống lại sóng làm cho đùi và bắp chân tôi cứng như sắt.

Ở một cái giếng bị bỏ hoang, có một sợi dây xích dài gần ba mét. Tôi quấn vào nó những sợi thừng nối các bao tải của tôi. Tôi có một cái ốc bù-loong có thể chốt qua các móc xích. Trong trường hợp tôi không chống đỡ nổi, tôi sẽ dùng sợi xích sắt để buộc mình vào cái bao tải. Làm như vậy, tôi có thể ngủ mà không sợ rơi xuống nước và để trôi mất cái bè. Nếu bao tải lật, nước sẽ làm tôi tỉnh dậy và tôi sẽ lật nó lại như cũ.

- Papillon này, chỉ còn ba ngày nữa thôi. - Chúng tôi ngồi trên ghế của Dreyfus, nhìn Lisette.

- Phải, chỉ còn ba ngày nữa thôi, Sylvain ạ. Tớ tin tưởng là sẽ thành công. Còn cậu thì sao?

- Chắc ăn lắm, Papillon à. Đêm thứ ba hay sáng thứ tư, bọn ta sẽ ở trong rừng rồi. Lúc đó, tha hồ mà chén cho đẫy! Chang nạo cho mỗi đứa chúng tôi mười trái dừa. Ngoài dao, chúng tôi còn mang hai cái rựa đẵn cây ăn cắp được ở kho dụng cụ.

Trại Inini ở phía Đông Kourou. Buổi sáng đi, ngược lại phía mặt trời chiếu tới, chắc chắn là sẽ đúng hướng.

- Sáng thứ hai, Santori sẽ điên lên mất. - Chang nói. - Tôi sẽ không nói là cậu và Papi đã chuồn trước ba giờ chiều ngày thứ ba, khi tên gác đã ngủ trưa dậy.

- Hay là cậu vừa chạy về vừa kêu là chúng tớ đang câu cá thì bị sóng lớn cuốn đi?

- Không được, lôi thôi lắm. Tôi chỉ nói: "Sếp ạ, Papillon và Stephen hôm nay không thấy đi làm, tôi phải cho heo ăn một mình" - chỉ thế thôi, không hơn không kém.

Bình luận

  • Bình luận

  • Bình luận Facebook

Sắp xếp

Danh sách chương