Ở Rể (Chuế Tế)
Chương 657: Cuồng loạn điềm báo nhân quả nghịch lưu (thượng)

***

Giữa tháng tám, phía bắc Hoàng Hà đã rơi vào tình trạng vô cùng hỗn loạn.

Tiếp theo Hoàn Nhan Tông Hàn, Hoàn Nhan Lâu Thất đánh hạ Hãn Châu, Đại Châu, rồi sau khi tạm nghỉ ngơi để điều chỉnh, Tây lộ quân của Nữ Chân gấp rút xua mấy vạn dân chúng và tù binh, đưa quân tiên phong tiến về phía Long Thành Thái Nguyên.

Ở mặt đông, với đội quân Thường Thắng Quân của Quách Dược Sư làm quân tiên phong, Hoàn Nhan Tông Vọng chỉ huy gần mười vạn quân Tây lộ uy hiếp Tế Nam, nhưng chưa công thành, mà dưới sự chỉ huy của Quách Dược Sư, tiến thẳng về phía tây nam. Đại quân nhanh chóng tiến vào khu trung tâm của ba vùng Tế Nam, Đại Danh và Đông Bình.

Quân tiên phong của người Nữ Chân cuồn cuộn thẳng tiến, dễ dàng nghiền nát đối phương. Sau khi đột phá Yên Kinh và ba trấn của Hà Bắc, hầu như Đông lộ quân không dừng lại dọc đường, quân đội Vũ triều hoặc bị đánh tan một cách nhanh chóng, hoặc trước khi thành lập được tuyến phòng thủ, đã bị đại quân bỏ lại ở phía sau. Lúc này, tình thế đã trở nên rất vi diệu.

Trước mắt, trong phạm vi chung quanh, quân phòng thủ Tế Nam, biên quân Đại Danh, Đông Bình cùng với ba quân đoàn Võ Uy, Võ Thắng, Võ Thụy, hợp thành đại quân gồm hơn hai mươi vạn người, đều đã bị điều động theo tình hình chiến cuộc, đang hình thành thế bao vây Đông lộ quân của người Nữ Chân, không khí trở nên vô cùng căng thẳng và đầy sát phạt, chỉ cần một mồi lửa là trận chiến sẽ lập tức bùng phát. Ninh Nghị theo Võ Thụy doanh tới Đông Bình mới được ba ngày, chiến dịch vườn không nhà trống cũng mới vừa triển khai, cuộc đại chiến đã áp sát trước mắt rồi.

Trong cuộc đại chiến này, Vũ triều không phải là phía quyết định tiết tấu của chiến cuộc, mà là người Nữ Chân, trong khi hơn hai mươi vạn quân vẫn còn đang chần chờ, Đông lộ quân của Hoàn Nhan Tông Vọng đã đánh lấy khu vực Đại Danh, Đông Bình, tiến vào vùng trung tâm của Trung Nguyên.

Nhưng ngay cả cái gọi là "vô cùng căng thẳng", đối với người trong cuộc mà nói, cũng chỉ là câu nói lừa mình dối người mà thôi. Đông lộ quân của Hoàn Nhan Tông Vọng với đội quân của Quách Dược Sư làm quân tiên phong, từ lúc uy hiếp Tế Nam mà không đánh hạ ngay, thì tình hình trong phạm vi mấy trăm dặm, đã bị người Nữ Chân hoàn toàn khống chế rồi. Hơn nữa, tuy hơn hai mươi vạn đại quân Vũ triều bao vây quân Nữ Chân từ ba hướng, nhưng trên thực tế rất khó nói là ai sẽ là người dám phát động tấn công quân Kim. Phần lớn quân đội trên ba hướng chỉ lo tranh chấp và sau khi dân chúng Lệ Châu bị tàn sát hàng loạt, không ai chuẩn bị tâm lý đối chiến một cách cứng rắn, trong khi người Nữ Chân đã từ vòng vây nghênh ngang tiến lên.

Mọi việc diễn ra quá nhanh, ngay cả đối với Ninh Nghị cũng vậy.

- Năm vạn người đi phòng thủ huyện Thọ Trương, nhưng người phải đối mặt với mười vạn quân của Tông Vọng và Quách Dược Sư, cho dù như thế nào, Nhị thiếu, ta không có cách nào đặt cược vào sự thắng lợi của ngươi.

Bóng chiều đỏ ối, Ninh Nghị gác lại mọi việc đổ lên vai mình, cùng Tần Thiệu Khiêm mang rượu thịt đi ra sân, ngồi trên sườn dốc đầy cây cỏ nhìn ra quân doanh phía xa xa, nói chuyện. Tần Thiệu Khiêm uống một ngụm rượu:

- Có ít nhất là hơn hai mươi vạn đấy.

- Phẩm hạnh của đám Lương Trung Thư ở Đại Danh, Trương Ấu Kình ở Tế Nam như thế nào thì ta không tiện nói, ta cũng không biết đánh trận, nhưng nếu ngươi thật sự tin tưởng ở ta, ta sẽ tặng ngươi bốn chữ...

- Hả? Lập Hằng có gì chỉ bảo?

- Phong lâm hỏa sơn.

- Binh pháp Tôn Tử sao?

- Rút lui rồi chuyển sang tiến tới nhanh như phong (gió), dùng chiến thuật vu hồi đánh bọc sườn thong thả như lâm (rừng), cướp bóc tiền tài xâm lược như hỏa (lửa), quân đội bạn gặp nạn, bất động như sơn (núi)... (2)

Tần Thiệu Khiêm sững sờ, rồi bật cười ha hả, cười một hồi mới nói:

- Ta đánh như thế sao?

- Đúng vậy.

Ninh Nghị nhấp một ngụm rượu, rồi khẽ đáp.

Tần Thiệu Khiêm nói:

- Nhưng bất kế thế nào, dù sao cũng phải đi. Ta muốn đấu một trận với hai danh tướng đương thời là Hoàn Nhan Tông Vọng và Quách Dược Sư.

Hai huynh đệ Tần gia, một văn, một võ, trước kia làm quan bên ngoài, nhưng bởi vì Tần Tự Nguyên coi trọng Ninh Nghị, cho nên khi thỉnh thoảng trở về, đôi bên vẫn lui tới. Tần Thiệu Hòa và Tần Thiệu Khiêm coi Ninh Nghị là người đồng đạo với cha mình, thậm chí là người sẽ được truyền y bát, về mặt nào đó có thể nói, coi như là cùng phe, thậm chí là người nhà, quan hệ rất tốt. Nhưng vào lúc này, người Nữ Chân tiến tới rất nhanh, Ninh Nghị mới vừa tới miền Bắc, Tần Thiệu Hòa bị vây ở Thái Nguyên, Tần Thiệu Khiêm cũng muốn tới huyện Thọ Trương đương đầu với Hoàn Nhan Tông Vọng, bất luận như thế nào, điều này khiến hai người cảm thấy có chút phức tạp.

Tuy Tần Thiệu Khiêm nói năng một cách hời hợt, cũng có khí phách đương đầu với đại danh tướng đương thời và Ninh Nghị cũng biết y có bản lĩnh, nhưng Vũ triều vốn luôn có khuynh hướng cản trở đối với tướng lĩnh, y làm Đô chỉ huy sứ Võ Thụy doanh, có thể chỉ huy tác chiến, nhưng quyền quản lý tối cao đối với quân đội, lại thuộc về cấp trên của y là một quan văn, cũng chính là Kinh lược An phủ sứ phủ Đông Bình.

Tuy Tân Thiệu Hòa là quan văn, nhưng y trấn thủ Thái Nguyên, lại có quyền chỉ huy tối cao đối với quân đội ở Thái Nguyên, còn Tần Thiệu Khiêm, chưa nói cấp trên của y là quan văn, y cũng chỉ mới thật sự thống lĩnh Võ Thụy doanh một năm, hoàn toàn chưa có biện pháp thâm nhập mọi mặt của đội quân này. Cho dù có một người cha đầy thế lực như Tần Tự Nguyên chiếu cố, khiến sự áp chế của quan văn đối với Tần Thiệu Khiêm giảm bớt chút ít, nhưng nói y có thể thống lĩnh quân Võ Thụy doanh ngăn trở mười vạn đại quân của người Nữ Chân, là chuyện khó ai tin được.

Đương nhiên bản thân Tần Thiệu Khiêm cũng không thể tự tin, chỉ là chuyện tập tới trước mặt, với tư cách là quân nhân, thì cũng chẳng thể đắn đo nhiều. Đương nhiên Ninh Nghị cũng hiểu rõ điều này, nói xong mấy câu, hai người uống rượu hồi lâu, Tần Thiệu Khiêm mới lại lên tiếng hỏi:

- Theo Lập Hằng, kết quả cuộc đại chiến lần này thế nào? Nếu bại, chúng ta phải bồi thương bao nhiêu chiến phí mới xong việc?

- Nhị thiếu cho rằng chỉ cần bồi thường chiến phí thôi sao?

- Hiệp ước Hắc Thủy (3) cũng chỉ đền tiền, hai mươi vạn người Nữ Chân không chiếm được giang sơn của chúng ta đâu.

- Khi ký hiệp ước Hắc Thủy, nước Liêu đã có phần suy yếu, chỉ cần nhận tiền cống nạp hàng năm là đã thỏa mãn, còn Nữ Chân vừa mới lập quốc, đang trên đường phát triển mạnh mẽ, cho nên rất khó nói.

Ninh Nghị hơi ngập ngừng, rồi nói tiếp:

- Hơn nữa, mấy năm nay, chuyện đi vào ngõ cụt xảy ra nhiều lắm.

Tần Thiệu Khiêm im lặng suy nghĩ một lúc lâu, rồi nhìn Ninh Nghị:

- Ta là người luyện võ, chỉ biết đánh giặc, Lập Hằng ngươi là văn nhân, hiểu rõ đại cục giống như cha ta, ngươi thực sự cho rằng, sẽ đến mức đó?

Núi xa chìm trong bóng chiều, tuy trước giờ tình cảm của hai người không cạn, lần này mới được gặp nhau mấy ngày, nhưng luôn bận việc, cũng không có nhiều thời gian nói chuyện phiếm, lúc này, rượu vào lời ra, trong làn gió thu thổi tới, mới trò chuyện hồi lâu.

- Ta không khẳng định.

Ninh Nghị đưa bầu rượu cho Tần Thiệu Khiêm:

- Tuy nhiên, có nhiều thứ chỉ là quan niệm cá nhân, có thể trò chuyện một lát. Mấy ngày nay, trong các loại tin tức ở bên này, không riêng gì tin người Kim đánh tới đâu, cũng không riêng gì tin về vườn không nhà trống. Từ lúc người Nữ chân bắt đầu đánh xuống phía nam, các nơi không ngừng kháng cự. Trước tiên là việc Chu Đồng dẫn hơn bảy mươi người ám sát Hoàn Nhan Tông Hàn, rồi đến chuyện ở một thị trấn nhỏ tên là Song Hà thuộc Hà Bắc tạm trấn, nhằm yểm hộ hơn năm nghìn người rút lui, Huyện lệnh Đỗ Vĩnh Niên đã dẫn ba trăm người thu hút sự chú ý của quân Nữ Chân, bọn họ dựa vào địa hình, đã chiến đấu giằng co với hơn năm trăm kỵ binh Nữ Chân trong hai canh giờ, cuối cùng toàn quân bị tiêu diệt, Đỗ Vĩnh Niên bị bắt. Hoàn Nhan Tông vọng thấy hắn anh dũng, nói với hắn mấy câu, từ đầu đến cuối Đỗ Vĩnh Niên luôn miệng chửi mắng Tông Vọng, cuối cùng bị bêu đầu thị chúng.

Ninh Nghị vừa nói, vừa uống một ngụm rượu:

- Tiếp đó là Cổ sơn trại ở Hà Bắc, đó vốn là một sơn trại của thổ phỉ, thế nhưng người biết không, rất nhiều người có người nhà trong làng dưới chân núi, khi người Nữ Chân đến, chúng tàn sát dân làng. Trong sơn trại có hơn trăm người, dưới sự chỉ huy của trại chủ Vương Thành, phục kích đại quân Nữ Chân, xông vào giữa trận, một lần xung phong toàn bộ hy sinh anh dũng. Sau Vương Thành, tổng tiêu đầu Dương Hiếu của Dương Uy tiêu cục đã giải tán tiêu cực và người nhà, rồi một mình ám sát Hoàn Nhan Tông Vọng. Hắn là một trong số đệ tử của Chu Đồng, cùng lúc đó, có một hào kiệt lục lâm tên là Hà Vọng dẫn theo mười mấy cao thủ, ám sát Tông Vọng...Mấy ngày nay, loại tin tức như thế cứ liên tục bay về, ta đã sai thủ hạ ghi chép thành truyện để đem đi kể lại. Nhị thiếu nghe xong, thấy thế nào?

- Tốt lắm, đều là anh hùng.

Vẻ mặt nghiêm trang, Tần Thiệu Khiêm vỗ đùi, bày tỏ sự tôn trọng:

- Vũ triều ta có được những người như thế, là còn có hy vọng!

- Không, chính vì xuất hiện những người đó, cho thấy tuyệt đại bộ phận người của quốc gia này chưa làm tốt chuyện mình cần phải làm.

Ninh Nghị đã hơi ngà ngà say, tay vung vẩy giữa không trung:

- Ý nghĩa của sự xuất hiện của những anh hùng đó, là sau khi Vũ triều lập quốc, tiền lãi tích lũy được theo hướng tích cực, đã bị tiền nhân tiêu xài hết cả rồi!

(1) Độc sĩ: từ này phát xuất từ Tam Quốc Diễn Nghĩa, nói về nhân vật Giả Hủ trong truyện: Giả Hủ là người tinh thông binh pháp, nhìn sự việc một cách chuẩn xác, tinh tường và sắc sảo, đồng thời còn có điểm gây bất ngờ, hơn nữa còn nhắm trúng chỗ yếu hại nhất, bất kể hậu quả.

(2) Phong Lâm Hỏa Sơn: là khái niệm xuất phát từ tác phẩm "Tôn Tử binh pháp" nổi tiếng của Tôn Tử: Cố kỳ tật như phong, kỳ từ như lâm, xâm lược như hỏa, bất động như sơn, nan trị như âm, động như lôi chấn. Tạm dịch: Cố kỳ tật như phong: hành động thần tốc, tấn công nhanh như gió; kỳ từ như lâm: thong thả mà tiến, hàng ngũ chỉnh tề, ngay ngắn uy nghiêm như cây rừng; xâm lược như hỏa: xâm nhập tấn công nhanh và mãnh liệt như lửa, không thể ngăn chặn, bất động như sơn: đóng quân cố thủ, vững vàng như núi lớn, không chút dao động; nan trị như âm: khó đoán biết như thời tiết, khí trời lúc quang đãng khi u ám; động như lôi chấn: mạnh mẽ như sấm sét. Chỉ có điều, ở đây lời lẽ của Ninh Nghị như mỉa mai, châm biếm.

(3) Hiệp ước ký kết giữa Tống và Liêu ở thành phố Hắc Thủy (Heishui county)

Bình luận

  • Bình luận

  • Bình luận Facebook

Sắp xếp

Danh sách chương