Nửa Đoạn Duyên
Chương 4


Tôi không biết mình đã ngất đi bao nhiêu lâu, đến khi tôi tỉnh dậy đã thấy mình nằm trong một căn phòng trắng.

Tôi nhìn xung quanh căn phòng mới phát hiện đây không phải nhà giam, mà là bệnh viện.

Ở cổ tay tôi vẫn cắm ống truyền dịch.

Tôi sợ mình đang mơ nên đã ngước mắt nhìn ra ngoài cửa sổ, ánh mặt trời chiếu rọi xuống những tán lá long lanh một cách lạ kỳ.

Qua mấy ngày bị giam giữ và hành hạ, tôi lại càng cảm thấy yêu bầu trời trong xanh ngoài kia biết mấy.

Đến khi tôi quay đầu trở lại, cả người tôi liền sững sờ khi thấy Quân ở trước mặt mình.

Hôm nay anh không mặc bộ quân phục cảnh sát mà là chiếc áo sơ mi trắng và chiếc quần tây đen.

Gương mặt đẹp mang nét thanh cao và nghiêm nghị khiến tôi có chút áp lực khi ở gần.

Tôi vừa định lên tiếng thì anh đã nói trước:
– Cô bị ngất trong phòng giam.
– Là anh đã đưa tôi đến viện sao?
– Ừ.
Hoá ra cái ôm đó, giọng nói đó, hương nước hoa đó không phải do tôi mơ hay tưởng tượng ra, mà chính là của anh thật.

Tôi nhẹ giọng đáp:
– Cảm ơn anh nhiều.
– Tôi có mua cháo, cô ăn đi.
Bụng tôi đang đói nên cũng chẳng nề hà gì mà nhận lấy bát cháo từ tay anh.

Có lẽ trong đời đây là bát cháo ngon nhất tôi từng ăn.

Khi thấy tôi ăn gần hết bát cháo rồi thì Quân mới lên tiếng:
– Bác sĩ nói cô vì đói quá nên lả đi.

Mấy ngày qua, người nhà cô không mang đồ ăn vào cho cô sao? Hay là họ chưa biết chuyện?
– Người nhà tôi dưới quê chưa biết chuyện.

Trên này tôi có người bạn thân, hai hôm trước bạn tôi cũng gửi đồ ăn nước uống vào cho tôi suốt.

Nhưng tự nhiên hai hôm nay tôi không thấy gì nữa.
Quân nghe vậy, hàng lông mày khẽ nhíu lại như đang suy nghĩ điều gì đó.

Qua một lát anh hỏi tiếp:
– Bị đánh mấy ngày nay rồi?
– Hai ngày nay.
– Mới có hai ngày mà cô bị đánh tới bầm dập thế này?
Tôi khẽ gật đầu, tự nhiên tủi thân kéo đến khiến giọng nói tôi cũng lạc đi:
– Tôi thực sự không có g.i.ế.t người.

Anh cũng tin tôi đúng không?
Nói xong tôi ngước mắt nhìn thẳng vào đôi mắt đen láy của Quân, tôi kiên nhẫn mong ngóng một tiếng “Ừ” phát ra từ miệng anh.

Dù bị anh lừa gạt tôi cũng tình nguyện vì câu trả lời đó chính là ngọn lửa hi vọng duy nhất thắp sáng lòng tôi lúc này.

Qua mấy ngày trải qua đau đớn và khổ hạnh, tôi dường như đã gần rơi vào bể sâu tuyệt vọng.

Tôi cần một người kéo tôi thoát khỏi bể sâu đó.

Thế nhưng…tôi đợi mãi vẫn không thấy anh trả lời, chỉ thấy khoé môi anh khẽ giật giật muốn nói gì đó nhưng lại chẳng nói thành lời.

Tự nhiên tôi sợ bản thân sẽ nghe được một câu trả lời không như mong muốn nên khi thấy anh cất tiếng đầu tiên tôi đã chặn ngang:
– Tôi tin anh, tin đồng chí cảnh sát sẽ tin tưởng tôi, sẽ đứng về phía của tôi, sẽ giúp tôi điều tra rõ mọi chuyện.

Bây giờ anh chính là hi vọng duy nhất của tôi đó.
Khi nghe tôi nói vậy, ánh mắt anh liền chăm chú nhìn tôi không chớp mắt.

Sau đó anh gật đầu:
– Cô tranh thủ nghỉ ngơi đi.
Nói xong thì anh xoay người bước đi.

Tôi ăn hết bát cháo, nằm nghĩ thêm một lúc thì cũng thiếp vào giấc ngủ.

Đến khi tôi tỉnh dậy, vừa bước xuống giường đi vệ sinh thì một giọng nói khàn khàn từ ngoài vọng vào:
– Tại sao không cho cô ấy ăn uống gì?
– Cái này tôi cũng không rõ.
– Nếu như hôm nay tôi không đến kịp, ngộ nhỡ cô ấy chết đói trong đó thì sao? Hơn nữa vụ án này vẫn đang trong giai đoạn điều tra thì vẫn chưa thể kết luận cô ấy có tội.
– Đồng chí Quân, anh có tin cô gái này vô tội không?
– Mấy ngày qua tôi cũng đã đi điều tra, tôi chưa có kết quả cụ thể nên tôi sẽ không nói trước điều gì.
– Thì ra anh vắng mặt mấy ngày qua là để đi điều tra vụ án này?
– Ừ.
– Cô gái này là họ hàng hay người quen gì với anh sao mà tôi thấy anh đặc biệt quan tâm đến vụ này quá vậy? Trong khi anh cũng biết mấy anh em trong đội còn cố tình né ra.

Vì nạn nhân gia thế đâu bình thường, sơ xuất một cái mất việc như chơi.
– Tôi không quen cô ta, chỉ là tôi thấy mình cần làm đúng với đạo đức nghề nghiệp mà thôi.
– Vụ án này, anh đánh cược quá lớn rồi.

Nếu anh cố tình giúp cô ta thì đồng nghĩa anh đối đầu với sếp lớn đó.
– Tôi biết mình cần làm những gì, cậu không phải lo.
Câu nói kia vừa dứt thì tôi nghe được tiếng bước chân bước đi, là của Quân hay của người kia tôi chẳng rõ.


Nghe hết cuộc nói chuyện của hai người tôi khẽ thở dài, lầm lũi quay trở về giường nằm.

Có phải tôi càng đặt niềm tin và hi vọng lên vai anh thì lại càng khiến anh áp lực đúng không? Dù tôi rất muốn mình được minh oan nhưng để sự nghiệp của người khác bị ảnh hưởng tôi cứ cảm thấy lòng mình nặng trĩu như có tảng đá vô hình đè lên.
Ngày hôm sau vì sức khỏe của tôi đã ổn định hơn nên phải quay trở lại phòng tạm giam.

Nỗi sợ về những trận đánh bầm dập vẫn ám ảnh trong đầu tôi khiến tôi thu mình lại hơn, cánh cửa vừa đóng lại tôi liền ngồi co ro trong một góc phòng.

Tôi cứ ngỡ mình sẽ bị bỏ đói như mọi ngày, nhưng bữa trưa hôm ấy có một đồng chí cảnh sát mang cơm vào cho tôi, tôi nhận ra người này, anh ta chính là người nói chuyện với Quân ở hành lang bệnh viện ngày hôm qua.

Anh ta bảo tôi:
– Cô ráng ăn vào cho mau khỏe.
– Cảm ơn anh.
– Người cô cần cảm ơn là đồng chí Quân.

Cơm này là anh ấy nhờ tôi mua mang vào cho cô.
Lại là Quân, tôi nghe xong càng cảm kích anh hơn.

Sau này nếu được trả tự do, tôi biết làm gì để báo đáp anh đây? Tôi vừa ăn cơm vừa xúc động nghẹn ngào, chẳng mấy chốc trong hai hốc mắt đã ầng ậc nước.
Buổi tối màn đêm vây quanh, mọi thứ im lìm, thỉnh thoảng có tiếng ếch nhái kêu rền khiến tôi cảm giác mình đang treo lơ lửng giữa không trung, không cách nào hạ xuống mặt đất an toàn được.

Mệt mỏi, chơi vơi, hoang mang, đủ thứ cảm xúc kéo đến khi đêm về.

Thậm chí là sợ hãi khi cánh cửa phòng kia mở ra là bắt đầu những trận đánh điên cuồng.

Một lần bị đau, ám ảnh cả cuộc đời.

Tôi nằm quay mặt vào bức tường, khi còn đang nghĩ ngợi đủ thứ thì bỗng dưng một giọng nói vang lên:
– Ngủ rồi à?
Nghe được giọng nói quen thuộc đó tôi liền bật dậy như chim non sợ cành cong.

Anh mặc bộ quân phục cảnh sát uy nghiêm như mọi người nhưng lại không khiến tôi sợ, ngược lại còn có cảm giác an tâm.

Tôi lắc đầu đáp:
– Tôi chưa.

Hôm nay anh trực đêm à, hình như giờ cũng muộn lắm rồi.
– 12 giờ kém 15 phút rồi.

Tôi đến hỏi cô vài tình tiết, cô nhớ cho kỹ rồi trả lời thành thật.
– Tôi biết rồi, anh cứ hỏi đi.
– Buổi tối hôm xảy ra vụ án, cô đã đi đến đâu? Ví dụ như có dừng lại cửa hàng mua bán gì không?
– Buổi tối hôm ấy tôi chủ yếu là chạy xe vòng vòng để hóng gió.

À… nhưng mà tôi có dừng xe lại một quán vỉa hè mua nước ép mía.
– Tình tiết quan trọng như vậy sao cô không nói sớm? Cô có biết có thể chính tình tiết này chứng minh được cô ngoại phạm không?
Quân vừa nói vừa cau hàng lông mày lại, có vẻ như anh có chút nóng giận.

Tôi ngập ngừng định giải thích thì Quân hỏi tiếp:
– Cô có nhớ quán nước ấy chính xác ở đoạn nào không?
– Tôi nhớ.

Quán nước ấy ở gần hồ Tây, hình như đối diện nhà hàng hải sản, nhà hàng đó tên gì thì tôi không biết nhưng nhà hàng đó rất lớn.
– Chủ quán trông như thế nào?
– Dáng người nhỏ nhỏ, cao tầm 1m55.

Hôm đó quán cũng có vài người khách, không biết chị ấy có nhớ tôi không nữa.

Với lại đó là lần đầu tiên tôi mua ở quán chị ấy.
Quân lặng im một lát rồi anh bất ngờ bảo:
– Ngồi thẳng người lên.

Mặt nghiêm túc nhìn thẳng về phía tôi.
Tôi ngơ ngác còn chưa hiểu gì thì đã thấy anh giơ điện thoại lên chụp một bức ảnh.

Sau đó anh có hỏi thêm vài câu rồi rời đi.

Nhưng trước khi rời đi anh đã đưa cho tôi một tuýp thuốc màu trắng:
– Bôi vào không mai sau ra khỏi đây, không ai thèm lấy cô đâu!
Tôi ngốc nghếch nhìn tuýp thuốc trên tay mình, hoá ra là kem trị sẹo.

Đến khi tôi bừng tỉnh thì đã thấy bóng dáng anh khuất hẳn sau cánh cửa.

Khoé miệng tôi khi ấy bất giác nở nụ cười nhẹ, trong lòng như có dòng nước ấm róc rách chảy ngang.

Hoá ra ở một nơi lạnh lẽo như này cũng có một đồng chí cảnh sát ấm áp như thế.

Cảm ơn anh…ánh mặt trời của toàn dân!!!
Cứ như thế mấy ngày tiếp theo lại trôi qua, mấy ngày này tôi không bị đánh đập thêm trận nào nữa, ăn uống được đủ ba bữa, thỉnh thoảng người ta có gọi tôi đi để lấy lời khai.

Buổi sáng hôm ấy tôi vừa thức giấc thì hai người cảnh sát bước vào thông báo tôi được trả tự do.

Khi ấy tôi bất ngờ đến mức đứng ngây người ra, thậm chí còn tưởng mình vừa ngủ dậy chưa tỉnh táo hẳn nên nghe nhầm.

Cho đến khi người cảnh sát nói rằng hung thủ đã đến đầu thú thì tôi mới dám tin đây là sự thật.

Tôi hỏi lại:
– Hung thủ đã đến đầu thú ấy ạ?

– Đúng vậy, hung thủ đã đầu thú.

Cô được tự do.
Nghe xong, tôi vỡ oà trong cảm xúc hạnh phúc, tất cả các tế bào trong cơ thể cũng như được giải phóng cùng lúc sau những ngày bị tắc nghẽn.

Giọt nước mắt trong tôi lặng lẽ rơi xuống, giọt nước mắt của hạnh phúc bất tận.

Tôi rối rít nói lời cảm ơn các đồng chí cảnh sát.

Hai người khẽ cười chúc mừng tôi nhưng ánh mắt lại có gì đó rất nặng nề, man mác một nỗi buồn.
Dù sao người c.h.ế.t là Huy, là người yêu cũ của tôi nên tôi cũng muốn biết ai là kẻ g.iết anh ta.

Tôi có hỏi cảnh sát về hung thủ nhưng các anh chỉ nói “ đó là một người có thù riêng với nhà Huy.

Vì hận bố Huy nên khi biết Huy là con trai duy nhất của ông nên hắn ta đã ra tay sát hại Huy để trả thù”.

Hoá ra là như vậy, nhưng tôi nghĩ mãi vẫn không hiểu tại sao hung thủ lại mang xác Huy đến nhà tôi mà không phải là ai khác? Hung thủ đã theo dõi Huy nên biết mối quan hệ giữa tôi và anh sao? Nhưng dù là nguyên nhân gì đi nữa mà vì thù bố nên g.i.ế.t con thật quá dã man.

Người đáng thương nhất trong chuyện này vẫn là người đã mất!!!
Tôi khẽ thở dài, trái tim lại quặn lên niềm đau đớn.

Rồi bất chợt nhớ tới Quân, mấy ngày nay cũng không gặp anh.

Ra khỏi đây rồi, chẳng biết sau này còn có cơ hội gặp lại không nên trước khi rời đi tôi vẫn muốn cảm ơn anh một tiếng.

Tôi hỏi người cảnh sát:
– Anh cho tôi hỏi cảnh sát Quân hôm nay có ở đây không ạ?
Hai người nghe tôi nói đến tên Quân liền nhìn nhau rồi khẽ thở dài một tiếng, tự nhiên trong tôi xông lên một cảm giác chẳng lành.

Sau đó nghe được câu trả lời tôi mới thở phào nhẹ nhõm:
– Đồng chí Quân hôm nay không ở đây, đồng chí đi công tác rồi.
– À dạ vâng.

Vậy phiền hai anh chuyển lời giúp tôi tới anh ấy rằng” Tôi cảm ơn anh ấy nhiều lắm nhé”.
– Ừ.
– Lần nữa cảm ơn các đồng chí cảnh sát rất nhiều, cảm ơn các anh đã trả lại trong sạch cho tôi.
– Ừ.

Đây là túi xách và điện thoại của cô.
Tôi nhận lấy đồ từ tay người cảnh sát đưa rồi bước đi.

Đồ đạc trong túi xách vẫn còn nguyên vẹn, chỉ có điện thoại là đã sập nguồn.

Khi tôi vừa ra tới cổng, đang ngó trước ngó sau để bắt xe về nhà thì một giọng nói gần đó vang lên:
– Theo chị lần này đồng chí Quân có cơ hội về lại đây làm việc không nhỉ?
Tôi vốn không muốn tò mò đến chuyện người khác nhưng khi nghe đến tên Quân, không tự chủ được ngoảnh đầu nhìn lại.

Tôi thấy hai người cảnh sát nữ đang nói chuyện với nhau, đứng cách tôi một đoạn.

Người kia thở dài trả lời:
– Cũng chẳng biết thế nào, nếu đồng chí Quân mà không được quay lại đây làm việc thì chán thật.

Anh ấy vừa đẹp trai vừa tài giỏi, vậy mà chỉ vì một người lại đi đối đầu với sếp lớn.

Mà không biết anh Quân với cô gái kia có quan hệ gì nhỉ?
– Nghe anh Đức bảo không có liên quan gì đâu chị.
Thực ra anh Quân giúp cô gái kia em cũng chẳng lạ gì vì tính anh ấy luôn nghiêm túc và sống có trách nhiệm.

Mỗi tội xong vụ án này, anh ấy phải chịu thiệt thòi rồi.
– Mà sếp cũng buồn cười thật ấy, anh ấy điều tra ra sự thật thì lẽ ra phải khen thưởng anh ấy mới đúng.
– Thế thì chị lại không biết rồi, vụ án này…
Nói đến đây người cảnh sát kia nhìn trước nhìn sau rồi thì thầm vào tai người cảnh sát còn lại nên tôi không thể nghe được tiếp câu chuyện.

Nhưng cứ nghĩ đến việc Quân bị chuyển công tác lại khiến cổ họng tôi nghẹn lại, đầu như có búa đập vào, lòng nặng trĩu nỗi day dứt.
– Nhi!
Khi tôi còn đang tha thẩn suy nghĩ thì giọng nói quen thuộc của cái Ngân vang lên.

Tôi quay lại theo hướng phát ra giọng nói thì thấy nó đang ngồi trên xe taxi vẫy gọi mình.

Tôi ngạc nhiên thốt lên:
– Ơ…sao mày lại…ở đây?
– Lên xe đi, tao đến đón mày về.
Tôi gật đầu đi về phía chiếc xe rồi mở cửa bước vào.

Chiếc xe chạy một đoạn rồi tôi mới hỏi:
– Sao mày biết tao được thả?
– Mày thấy thông tin của tao nhanh không? Bố tao nói cho tao biết đấy.
– Vậy à? Cảm ơn mày đã đến đón tao nhé.
– Cái con này, mày cứ khách sáo hoài.
Nói xong cái Ngân bắt đầu hỏi han tôi về tình hình mấy ngày qua, ăn uống các thứ thế nào.

Tôi kể tường tận chi tiết cho nó nghe, nó nghe xong liền tức giận nói:
– Bố tiên sư, thế mà mấy hôm tao đưa cơm vào thì người ta không nhận, nói cơm nước của mày đã có người lo.


Xong tao xin vào thăm mày cũng không được nữa.

Hoá ra là mày bị bỏ đói với đánh à?
– Ừ.

Cũng may là có Quân giúp tao.
– Quân? Cái anh đẹp trai đó hả?
– Ừ.
– Thôi may mà bây giờ tất cả đã xong hết rồi.

Điều quan trọng cuối cùng là mày được tự do, được chứng minh vô tội.

Những ngày qua xem như một giấc mộng.
– Ừ tao biết rồi.

Mà mấy nay mày gặp cái Ly không?
– Có, mày yên tâm đi, nó vẫn sống tốt lắm, hiện tại đang ở nhà bạn nó.

Nó còn không lo cho mày bằng mày lo cho nó đâu.
– Vậy là tốt rồi, tại con bé vẫn ham chơi mà.
– Thế bây giờ mày tính sao? Phòng trọ của mày gỡ giấy niêm phong rồi, giờ về ở bình thường được.

Tao chỉ sợ mày không đủ can đảm để ở đó nữa.
– Tao chẳng biết nữa.

Nhưng trước mắt vẫn phải quay về vì đồ đạc các thứ của tao vẫn ở đó.

Với lại cũng mới nộp 3 tháng tiền nhà.
– Ừ, bây giờ tao dẫn mày đi ăn cái gì ngon ngon rồi về nhá.

Để tao gọi cả cái Ly nữa.
– Ừ.

Gọi con bé giúp tao, điện thoại tao hết pin rồi.
– Tao có mang sặc, tí xem đến quán nào thì sặc nhờ.
Chúng tôi đi đến một quán ăn vặt, gọi ra 2 suất nem lụi, 2 đùi gà KFC,2 suất bánh mì áp chảo và 2 cốc trà sữa.

Hai đứa vừa ăn vừa nói chuyện, khi chúng tôi ăn gần xong rồi thì cái Ly mới đến.

Sau đó cái Ngân có việc phải về trước nên hai chị em tôi tự bắt xe trở về phòng trọ.

Vừa đến cổng tôi đã thấy đồ đạc của hai chúng tôi bị ném ra sân.

Trong nhà bà chủ trọ đang xịt gì đó giống như sát khuẩn.

Vừa thấy chúng tôi bà chủ trọ liền dừng tay lại, miệng rít lên:
– Chúng mày về rồi thì mang hết đống rác rưởi của chúng mày cút ra khỏi nhà tao.
Tôi ngạc nhiên nhìn bà chủ trọ, đáp lại:
– Ơ cô, nhà bọn cháu đang thuê sao cô lại dọn dẹp vất hết đồ của bọn cháu đi vậy ạ? Có phải bọn cháu có không đóng tiền nhà đâu, đã đóng đủ cho cô 3 tháng rồi mà.
Bà chủ trọ nghe vậy liền vất phịch chai dung dịch kia xuống đất, chống nạnh to mồm quát lớn hơn:
– Chúng mày tưởng 3 cái đồng bạc lẻ của chúng mày mà to lắm hả? Cái tiền đó chẳng đủ để ngày mai tao mời thầy cúng.

Tất cả là tại mày đấy con Nhi, tại mày nên cả khu trọ của tao bị ảnh hưởng.

Bây giờ tao không cho chúng mày thuê nữa, cút đi đâu thì đi, tránh xa tao ra càng tốt.

Bố tiên sư lũ hắc ám, lũ sao chổi.
Cái Ly nghe đến đây liền không nhịn được nói lớn hơn:
– Bà bảo ai là sao chổi? Chị tôi đã được thả ra vì vô tội rồi nhá.

Còn người ta c.h.ế.t là trách cái nhà bà đen đủi chứ trách đếch gì chúng tôi.

Chúng tôi thuê ở tiếp là may mắn cho bà đấy, không sau này ai mà dám thuê nhà bà nữa.

Không cảm ơn còn đòi đuổi đi cơ à? Muốn đuổi thì trả nốt tôi mấy tháng tiền nhà còn thừa đi.
– Đm chúng mày, bà đây không đòi chúng mày tiền bồi thường tổn thất tinh thần là may rồi, còn dám mở miệng ra đòi tiền thừa à? Mày thích tiền thừa không?
Tôi nhìn thấy hai mắt bà ta long sòng sọc, tôi cũng nghe bà ấy nổi tiếng máu mặt khu này nên liền ra hiệu cho cái Ly im lại.

Một điều nhịn chín điều lành, chúng tôi còn trẻ lại sống ở nơi đất khách quê người, nếu cứ cố chống chọi với những người này không may xảy ra chuyện gì chỉ thiệt thân.

Tôi kéo cái Ly ngồi xuống nhặt đồ xếp gọn lại.

Tự dưng sống mũi tôi lại cay xè khi nghĩ đến những ngày tháng tiếp theo.

Bây giờ bị đuổi đi rồi, trước mắt phải tìm được chỗ ở mới, tôi sợ số tiền ít ỏi trong túi chẳng chống chọi nổi được vài ngày.

Dọn dẹp xong xuôi
cái Ly hỏi tôi:
– Mình đi đâu bây giờ chị?
Tôi nhìn cái Ly, đi đâu thì tôi chưa xác định được, trước mắt cứ rời khỏi đây rồi tính sau.

Tôi thở dài đáp:
– Em dắt cái xe máy của chị qua đây để chị cho đồ lên.

Lát chị gọi xem cái Ngân biết chỗ nào cho thuê trọ không.
Đồ đạc của hai chị em tôi không có nhiều, chủ yếu là quần áo và sách vở nên để gọn được về phía trước xe, còn một ít thì cái Ly ôm phía sau.

Chúng tôi vừa dắt chiếc xe ra khỏi cổng thì tiếng bà chủ trọ lại vang lên:
– Tiễn vong!!!
Cái Ly ấm ức quay lại lườm bà ta một cái, khi nó định nói gì đó thì tôi phóng xe đi thẳng.

Cái Ly ngồi phía sau lầm bầm:
– Sao chị không để em nói cho bà ta một trận.

Điên không chịu nổi.
– Thôi, mày cũng biết con người bà ấy rồi đó.

Nhịn đi cho yên.
– Chị giống mẹ ghê, cái gì cũng nhịn nhịn.
– Mấy nay mẹ gọi cho mày không?
– Có, mẹ gọi cho chị không được mới gọi cho em.


Chị yên tâm mẹ không biết chuyện đâu, em nói chị đi công tác trên vùng cao nên điện thoại mất sóng suốt.
– Ừ.
– Mà mấy ngày qua, chị trong đó thế nào?
– Chị ổn, không phải lo cho chị đâu.
Tôi và cái Ly có chạy qua mấy khu trọ mà cái Ngân giới thiệu nhưng chỗ thì hết phòng, chỗ thì vượt quá điều kiện kinh tế của chúng tôi.

Chạy vòng vòng tới gần chiều tối chúng tôi vẫn chưa thuê được phòng.

Cuối cùng khi hai chị em định thuê tạm một nhà nghỉ bình dân để tá túc qua đêm thì cái Ngân tới đón hai chị em tới nhà nó.

Nó nói hôm nay bố nó đi công tác, có mình mẹ nó ở nhà và nó cũng đã xin phép mẹ cho chị em chúng tôi nghỉ qua đêm.

Mới đầu tôi rất ngại vì như vậy sẽ rất phiền, nhưng sau hồi nó thuyết phục, với nghĩ số tiền trong túi còn hạn hẹp nên thôi tiết kiệm được khoản nào hay khoản đó.
Chơi với nhau từ hồi đại học tới giờ nhưng đây mới là lần thứ 3 tôi đến nhà nó.

Nhà nó cũng rất có điều kiện, ngôi nhà 3 tầng mặt đường rộng rãi.

Lúc chúng tôi đến được mẹ nó đón tiếp rất nhiệt tình, cảm giác ngại ngùng trong tôi cũng phần nào lắng xuống.
Đêm đó dù nằm trên chiếc giường rộng rãi nhưng tôi lại chẳng thể chợp mắt nổi, đôi mắt ráo hoảnh nhìn xung quanh căn nhà, nghĩ đến tương lai, nghĩ đến việc ngày mai quay trở lại trường dạy học mà lòng nặng trĩu.

Cái Ngân bảo tôi ngày mai cứ yên tâm đến trường, còn việc tìm nhà trọ cứ để nó lo.
Sáng hôm sau khi tôi vừa bước đến cổng trường thì chị Lê dạy cùng khối với tôi đã hỏi:
– Ôi giời Nhi, em mất tích ở đâu mấy ngày nay mà giờ mới xuất hiện thế hả? Hiệu trưởng hỏi em suốt đấy, liệu lên mà báo cáo với hiệu trưởng đi.
Tôi nghĩ mọi người chưa biết chuyện nên ngại nói sự thật, đành nói dối một lý do:
– Em về quê có việc gấp quá nên chưa kịp xin phép.
– Lần sau có việc gì thì cũng nhớ xin phép một câu.

Em như vậy là không được đâu, dễ bị kỷ luật lắm đấy.
– Dạ vâng.

Em biết rồi ạ.

Để em lên phòng gặp hiệu trưởng.
– Hiệu trưởng đi họp dưới bộ chiều nay mới về cơ.

Em xem lịch lên lớp dạy thế nào thì cứ thế mà dạy thôi.
– Dạ vâng, em cảm ơn chị.
Trải qua mấy ngày mệt mỏi, bây giờ lên lớp nhìn thấy gương mặt và nụ cười của các con khiến những mệt mỏi trong tôi như dần tan biến, có lúc nghe giọng các con gọi tên mình, mệt mỏi ấy như chưa từng tồn tại.

Đến đầu chiều lúc chuẩn bị vào tiết học đầu tiên tôi tranh thủ đi vệ sinh.

Khi cánh cửa tolet vừa đóng lại bất chợt bên ngoài có tiếng giày cao gót rồi tiếng chị Lê cất lên:
– Sáng nay chị hỏi thử cái Nhi mấy ngày qua nó mất tích đi đâu mà nói nói dối chị em ạ.

Nó tưởng chị không biết nó ngồi tù hay gì.
– Ôi giời ơi chắc nó tưởng chị em chúng mình ngu, mù công nghệ.

Nói thật em chẳng tin nó vô tội lắm đâu, chẳng dưng gì người ta lại bắt nó vào nhà giam.

Chắc là bên công an chưa đủ bằng chứng để phê chuẩn khởi tố bị can thôi.

Có khi giờ chỉ được thả tạm để điều tra tiếp.
– Ừ, giờ trường mình chẳng cô nào muốn thân thiết hay dây dưa gì tới nó.

Mới ra khỏi tù mà vẫn vác mặt đi dạy được, phụ huynh học sinh mà biết chuyện thì đúng nhục.

Thôi chị em mình nói ở đây để biết thôi chứ tốt nhất vẫn nên tránh xa kẻo mang tiếng lây.
– Vâng chị.
Tôi nghe xong toàn thân như chết lặng.

Chị Lê là một người đồng nghiệp ngay từ lúc bắt đầu đi dạy tôi đã rất kính trọng.

Vậy mà bây giờ tận tai nghe những lời chị ấy nói về mình tôi bỗng cảm thấy hụt hẫng như vừa rơi từ trên cao xuống mặt đất.

Hai người nói với nhau thêm vài câu nữa thì tiếng trống bắt đầu vào giờ học vang lên.

Buổi chiều hôm ấy trong phút lơ đãng nào đó từng câu từng chữ hai người nói lại dội vào tâm trí tôi khiến cả người tôi bứt dứt khó chịu vô cùng.

Đến khi kết thúc tiết học cuối cùng tôi có lên phòng riêng gặp hiệu trưởng.
Hiệu trưởng vừa nhìn thấy tôi, chắc có lẽ biết trước là tôi sẽ đến gặp nên không tỏ vẻ ngạc nhiên gì, bình tĩnh bảo:
– Cháu ngồi xuống đó đi.
– Dạ vâng chú.
Tôi kéo ghế ngồi xuống đối diện hiệu trưởng.

Khi tôi định lên tiếng báo cáo toàn bộ sự việc thì hiệu trưởng đã lên tiếng trước:
– Chuyện của cháu chú và tất cả mọi người trong trường đã biết.

Mặc dù bây giờ cháu đã được thả tự do nhưng điều này cũng sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến trường.

Sẽ như thế nào nếu phụ huynh học sinh biết được chuyện? Chú cũng vừa đi họp về, thực sự chú rất tiếc khi phải ra quyết định chấm dứt hợp đồng dạy học với cháu.
Nói xong thì hiệu trưởng nâng cặp kính lên, thở dài thườn thượt, sau đó đẩy hồ sơ kết thúc hợp đồng về phía tôi.

Tôi nhìn hiệu trưởng, máu trong người như ngừng chảy, dù biết đã có quyết định thì sẽ rất khó cứu vãn nhưng tôi vẫn tha thiết xin:
– Chú, lời đầu tiên cho cháu xin lỗi vì chuyện cá nhân của cháu đã ảnh hưởng đến chú và toàn trường mình.

Nhưng thực sự chuyện này cháu cũng không hề biết, không hề mong muốn.

Và cháu cũng đã được trả lại sự trong sạch, cháu xin chú và mọi người cho cháu thêm một cơ hội để tiếp tục được dạy học ở trường mình ạ.
Đáp lại sự thành khẩn của tôi là cái lắc đầu dứt khoát đến tuyệt tình của hiệu trưởng:
– Chú rất tiếc vì cháu là một cô giáo dạy rất tốt.

Nhưng đã có quyết định, chú không thể thay đổi được.
Thế là hết, hết thật rồi! Cuối cùng dù không muốn nhưng tôi đành chấp nhận sự thật từ nay giữa tôi và ngôi trường này sẽ không còn chút tro tàn nào cả.

Chào hiệu trưởng xong, tôi cầm tập hồ sơ lững thững bước đi, những bước chân chuyệnh choạng, thậm chí tôi còn chẳng xác định được phương hướng.

Tôi tự hỏi, rốt cục mình tồn tại để làm gì? Thế giới này có cần mình không? Sẽ sống như thế nào khi những bất hạnh dồn dập ập đến? Vào giờ phút này, đến thở chẳng muốn thở, tim cũng chẳng muốn tuần hoàn, phổi chẳng muốn hô hấp, não chỉ muốn ngủ một giấc thật sâu.

Cuộc sống này…quá khắc nghiệt…quá khắc nghiệt!!!.

Bình luận

  • Bình luận

  • Bình luận Facebook

Sắp xếp

Danh sách chương