Những Tháng Năm Hổ Phách
Quyển 1 - Chương 12

Lúc Tần Chiêu Chiêu bắt đầu xác định đường hướng phấn đấu vào trung học cho mình thì Đàm Hiểu Yến lại buông xuôi kỳ thi này. Cô biết rất rõ với thành tích học tập hiện tại thì có thi cũng không đỗ vì Toán, Lý, Hóa đúng là cực hình. Thi thử giữa kỳ cô chỉ đạt sáu điểm Toán, mẹ cô biết được đã mắng té tát: “Hằng ngày đến trường con học cái gì thế? Thi được có sáu điểm Toán. Đi học vô ích à?”

Hiểu Yến không phục, cãi lại: “Nhưng con học Văn rất tốt mà, chín điểm Văn đây này!”

“Thế thì ích gì? Thi cấp ba có phải thi mỗi Văn đâu. Con học lệch quá!”

Đàm Hiểu Yến học lệch nghiêm trọng, với thành tích hiện tại chắc chắn sẽ rớt cấp ba. Ba mẹ cô bàn nhau học hết cấp hai sẽ cho con gái thi vào trường trung cấp nghề học kế toán, sau này cũng dễ kiếm việc.

Đàm Hiểu Yến không hề muốn học kế toán, động tới số má cô vốn chẳng thông minh gì, giờ còn đi học cái môn cả ngày đau đầu sổ này sổ kia thật sự không thể mê nổi. Cô bèn tìm Tần Chiêu Chiêu kể khổ: “Ba mẹ bắt mình học kế toán, bảo là con gái học kế toán là tốt rồi. Sau này dễ tìm việc, còn được ngồi bàn giấy thoải mái. Có điều mình cực kỳ ghét nghề liên quan đến số má!”

“Thế cậu muốn học cái gì?”

“Mình muốn học thiết kế thời trang, thiết kế thật nhiều quần áo đẹp. Cậu nói xem thế có phải tốt hơn không?”

Tần Chiêu Chiêu gật gật đầu, nghe nói hồi đầu thập niên 90, thiết kế thời trang là một ngành rất nổi. Các thành phố nhỏ không có khái niệm này, thường chỉ gọi chung là may vá hay may mặc gì đó, “thiết kế thời trang” nghe có vẻ rất Tây.

“Cậu hiểu chuyện này là tốt rồi! Nói cho cậu biết, giờ ngành này rất là hot nhé! Nhà trường còn hứa hẹn lúc tốt nghiệp sẽ giới thiệu công việc cho học viên, được thực tập trong những công ty thời trang lớn ở Quảng Đông nữa. Mình rất muốn đến Thâm Quyến, nghe nói đặc khu kinh tế ấy được xây dựng rất hoành tráng.”

Lúc nói những lời này, đôi mắt trong veo của Đàm Hiểu Yến tràn ngập hy vọng và ước ao.

Kỳ học cuối cùng của cấp hai, Đàm Hiểu Yến và Tần Chiêu Chiêu mười lăm tuổi chia tay nhau, mỗi người đều lần đầu tiên tự quyết định những chuyện hệ trọng ảnh hưởng tới cả cuộc đời. Hai người đã chọn mục tiêu cho mình, từ đây tự dặn lòng phải nỗ lực hướng tới mục tiêu.

Đang trong thời gian khẩn trương ôn luyện chuẩn bị thi cử, chỉ còn nửa tháng nữa là tới kỳ thi cấp ba thì Tần Chiêu Chiêu trở thành “người lớn”.

Từ năm lớp sáu, các bạn nữ trong lớp đã rục rịch trở thành “người lớn”, năm lớp tám là dịp cao điểm, cơ hồ tiết Thể dục nào cũng có nữ sinh xin phép nghỉ, chẳng cần nêu lý do, chỉ cần nói với giáo viên Thể dục một câu: “Thưa cô, hôm nay em không thể học Thể dục được ạ!” là giáo viên sẽ chẳng hỏi thêm, đồng ý cho nghỉ.

Tần Chiêu Chiêu có muộn nhất trong lớp, các bạn khác đều có thể hợp tình hợp lý xin nghỉ, còn cô thì chẳng được nghỉ buổi nào.

Lớp tám, sau giờ học thể dục giới tính thì đặc điểm của các cô gái tới lúc dậy thì đã trở thành bí mật công khai ai cũng biết. Tần Chiêu Chiêu thấy các bạn trong lớp đều lục tục trở thành “thiếu nữ” hết rồi, chỉ còn mình chẳng thấy có động tĩnh gì thì không khỏi sốt ruột: Mọi người đều có rồi, sao mình chẳng thấy gì? Cái gì kia ơi, ngươi mau đến xem nào!

Đàm Hiểu Yến an ủi cô đừng nên gấp gáp làm gì, thật ra có trễ một chút cũng là chuyện hay bởi vì “cái kia” thực sự vô cùng phiền phức, động chút là dơ quần, phiền chết được.

Con gái trong lớp nhắc tới “cái kia” đều trăm miệng một lời phiền phức, rất rất rất phiền phức, còn Tần Chiêu Chiêu lại ngóng chờ cái “phiền phức” này. Ai cũng gặp, riêng mình không thấy, cảm giác không giống ai, thật không thoải mái.

Giờ thì cô cũng “giống ai” rồi, nguyệt tín lần đầu khoan thai tìm đến. Buổi tối đi ngủ còn rất khỏe, hôm sau tỉnh dậy đã thấy trên giường nhuộm một mảng hồng.

Thế nhưng chuyện này tới thật không đúng lúc. Thi cử ngay trước mặt, phải ôn ngày ôn đêm mà cái đó lại khăng khăng tìm tới chọc phá, mà hơn một tuần rồi cũng không chịu hết cho. Con gái lần đầu gặp chuyện đó thường không có quy luật nào hết, có người chỉ thấy một vệt hồng hồng là hết, cũng có người khổ sở chục ngày nửa tháng. Đàm Hiểu Yến là kiểu trước, Tần Chiêu Chiêu khốn khổ lại là kiểu sau: ngày nào cũng phải dùng băng vệ sinh nhưng thắt lưng vẫn đau âm ỉ. Sắp đến ngày thi rồi, cứ vật vã thế này thì làm sao mà thi tốt được?

Cuối cùng mẹ cô cũng tìm được một thầy lang để bốc thuốc, uống một lần là tiệt luôn cái “phiền phức” kia; mà tiệt là tiệt hẳn nửa năm luôn. Nhưng đó là chuyện sau này, giờ không cần nhắc tới.

Trước khi thi cấp ba, Tần Chiêu Chiêu nằm trong top ba của lớp, đến lúc thi lại phát huy phong độ vượt xa mọi người, lọt vào top năm cả trường. Trường của Bộ muốn nhận cô vào lớp chuyên, hai trường khác trong thành phố cũng có ý muốn nhận cô, còn sẵn sàng miễn hoàn toàn học phí ba năm cho cô. Các trường trung học trong thành phố thường có đãi ngộ tốt cho những học sinh xuất sắc như vậy, bởi vì học sinh giỏi là mầm giống đỗ đại học. Một khi có sinh viên đỗ Thanh Hoa, Bắc Đại hay các đại học danh tiếng khác thì cả trường cũng được thơm lây, cho nên các trường trung học luôn giành giật nhau những học sinh đạt kết quả tốt trong kỳ thi vào cấp ba.

Có thế nào Tần Chiêu Chiêu cũng không muốn đi, chỉ muốn một lòng một dạ vào học ở trường trung học thực nghiệm.

Trường trung học thực nghiệm là trường tốt nhất thành phố, nếu thi không đỗ vẫn có thể học nhưng cần nộp thêm ba vạn phí tài trợ cho trường. Kể cả những học sinh thi vào trường nếu không nằm trong top 200 cũng cần đóng thêm tiền. Những thí sinh xếp hạng sau 200 chia thành hai cấp A, B, cấp A phải nộp thêm một ngàn đồng, cấp B nộp thêm hai ngàn.

©STE.NT

Tần Chiêu Chiêu nằm trong hai trăm thí sinh đỗ đầu nên không cần nộp thêm gì ngoài sáu trăm năm mươi đồng học phí một học kỳ. Hàng xóm lại được một phen tấm tắc khen ngợi cô học hành giỏi giang, còn nói cô đỗ vào trường trung học thực nghiệm giống như nhà đi buôn lãi vạn đồng.

Thấy con gái thi cử đỗ đạt như vậy, còn có trường sẵn sàng miễn toàn bộ học phí, Tần ba không khỏi có ý khác. Trong lòng ông có chút tính toán: Đi học ở trường trung học thực nghiệm mỗi kỳ hết sáu trăm năm chục đồng, ba năm mất ba ngàn chín trăm đồng, còn nếu học trường khác thì tiết kiệm được gần bốn ngàn này. Vì thế ông bèn thuyết phục con gái: “Con xem, thật ra học ở trường nào cũng thế thôi, chỉ cần mình cố gắng học hành thì học ở đâu cũng đỗ đại học được hết, không nhất thiết cứ phải học trường chuyên làm gì.”

Mẹ cô ở ngoài cũng thêm vào: “Phải đó Chiêu Chiêu, cấp hai con cũng chỉ học Nhị Trung thôi, không phải vẫn học giỏi đỗ cao sao? Trường thực nghiệm là top đầu tiếng tăm lẫy lừng, con đi học chưa chắc đã hợp đâu. Hay là đừng vào đó nữa, cứ học ở trường khác cũng được.”

Tần Chiêu Chiêu thấy cha mẹ đổi ý, hai mắt nhất thời đỏ hoe. “Ba mẹ đã hứa chỉ cần con thi được vào trường đó sẽ cho con đi học, tới giờ… ba mẹ chẳng giữ lời gì hết.”

Nói rồi, cô chạy thẳng về phòng, đóng cửa khóc hu hu một hồi, bao nhiêu thương tâm và thất vọng theo nước mắt tuôn rơi, đến khi ngẩng mặt thấy chữ “Mục” khắc trên đầu giường, nước mắt càng lăn nhanh hơn. Cô đã nỗ lực biết bao mới có thể thi vào trường trung học thực nghiệm để gặp cậu, vậy mà chỉ vì muốn tiết kiệm chút tiền mà ba mẹ không muốn để cô học ở đó. Lại thêm một lần, cô ngưỡng mộ những người có ba mẹ là giám đốc, là cán bộ quyền cao, là người Thượng Hải, tại sao ba mẹ cô chỉ là công nhân bị mất việc, xuất thân nông dân không quyền không chức chứ? Không công bằng, thế giới này chẳng có chút công bằng nào hết. Vì sao có người sinh ra muốn gì được nấy, lại có người vĩnh viễn chỉ có hai bàn tay trắng như thế?

Mẹ cô đẩy cửa vào phòng, chưa nói lời nào đã thở dài. “Chiêu Chiêu, con cũng nên nghĩ một chút! Chỉ cần con chăm chỉ học hành thì học ở đâu cũng là học thôi. Đâu nhất thiết phải phí tiền vào học ở trường thực nghiệm làm gì? Học phí mấy năm tiết kiệm cũng được vài ngàn đồng, nhà mình muốn kiếm vài ngàn cũng không dễ dàng gì. Lần trước ba con muốn thầu công trình mà có được đâu. Sau này con đi học đại học cũng cần tiền, trong nhà bao nhiêu việc không thể thiếu tiền, bây giờ tiết kiệm được chút nào thì tốt chút đó. Con thấy có phải không?”

Những lý lẽ đó không phải Tần Chiêu Chiêu không hiểu, nhưng có thế nào vẫn khó chấp nhận. Mấy ngày liền cô ủ rũ không nói gì, không thể hoàn thành ước nguyện nên sinh ra gằn hắt với cả thế giới.

Người thân quen trong Trường Cơ biết chuyện Tần Chiêu Chiêu đỗ vào trường trung học thực nghiệm mà ba mẹ lại muốn cô học ở Tứ Trung để tiết kiệm tiền thì được dịp bàn tán sôi nổi.

Có người tỏ ý đồng tình: “Ôi trời, trẻ con đã giỏi thì học ở đâu chẳng thế, học ở Tứ Trung mà tiết kiệm được mấy ngàn đồng, tội gì không học?”

Lại có người ra chiều tiếc nuối. “Trường chuyên có cái hay của trường chuyên chứ, không khí ganh đua học hành rồi thầy cô giáo cũng hơn hẳn các trường bình thường. Con cái đã đỗ được vào đó rồi mà phụ huynh ngại tiền nong không để con học thì thật đáng tiếc. Con cái người ta mất ba vạn đồng tài trợ trường mới chen được chân vào đó, mình lại muốn tiết kiệm bốn ngàn học phí. Thế có phải thiển cận không cơ chứ?”

Ba mẹ Tần Chiêu Chiêu nghe những lời này xong càng thấy khó xử, nhất thời không biết phải làm sao cho đúng. Cuối cùng, ba cô đành tới hỏi ý kiến kĩ sư Trịnh mà ông tôn kính. Kĩ sư Trịnh khuyên: “Con gái đã cố gắng học hành thi cử như vậy, mà lúc trước anh chị cũng hứa với cháu rồi, nên giờ phải đồng ý cho cháu học thôi. Nếu không tôn trọng mong ước của con bé, cứ ép nó phải học ở Tứ Trung, ngộ nhỡ sau này có chuyện xảy ra, nó không đỗ đại học, tới lúc ấy sẽ oán người làm cha làm mẹ cả đời. Chuyện này trọng đại, nhất định không nên chỉ vì bốn ngàn đồng học phí mà tham bát bỏ mâm.”

Rời nhà kĩ sư Trịnh, Tần ba quyết ý gọi con gái tới trước mặt, nói: “Chiêu Chiêu, khai giảng này ba sẽ đưa con tới trường trung học thực nghiệm báo danh, sau này phải chăm chỉ học hành, nghe không?”

Tần Chiêu Chiêu mấy ngày u ám tới giờ cũng thấy được chút ánh mặt trời rạng rỡ. Cô giải quyết xong chuyện đi học ở trường thực nghiệm thì Đàm Hiểu Yến cũng đã qua màn biện luận với ba mẹ, cuối cùng cũng được quyền tự quyết định chuyện của mình. Giờ cô sẽ không học kế toán mà học chuyên ngành thiết kế thời trang. Hết lớp chín, hai người chia tay, đường ai nấy tiến bước.

Tần Chiêu Chiêu thi đỗ trường thực nghiệm, trong mắt mọi người là đã bước được một bước dài tới tương lai tươi sáng. Đàm Hiểu Yến dài giọng trêu bạn: “Chiêu Chiêu giờ đỗ trường chuyên rồi, coi như ăn chắc một suất vào đại học, sau này ra trường đừng làm ngơ cái cô đi học trung cấp này nhé!”

“Cái này mình nói mới phải, Hiểu Yến sau này thành nhà thiết kế nổi tiếng đừng có quên bạn học cũ này đấy.”

Ngày hè năm 97 ấy, ánh nắng vàng tươi rải xuống như mật, hai thiếu nữ mười lăm chân thành ước định với nhau, từ giờ dẫu không thể sớm sớm chiều chiều cùng nhau lên lớp nhưng vẫn mãi là bạn tốt – bạn tốt bạn tốt, thân thiết khăng khít, mãi mãi không rời.

Bình luận

  • Bình luận

  • Bình luận Facebook

Sắp xếp

Danh sách chương