Nhị Triều Hoàng Hậu - Dương Vân Nga FULL
-
3: Đinh Nương Nương
Chiều hôm sau, khi ánh mặt trời thu đã bắt đầu dịu, Đinh nương ngồi xe qua nhà đón ta, rồi bảo:
- Để ta đưa em đến một nơi này ngắm cảnh, hít khí trời trong lành mát mẻ, có khi em sẽ nhanh bình phục hơn chăng? Nói rồi dắt ta lên xe.
Có Lan Nhi theo hầu.
Ra khỏi thành, trên đường đi ta hết sức gặng hỏi nàng nơi đến mà nàng không chịu nói.
Vén rèm nhìn ra chỉ thấy ngựa đang chạy giữa một lối mòn nhỏ xuyên qua một rừng cây rậm rạp.
- Đây là nơi nào sao rừng cây rậm rạp quá! Không phải ta đã ra khỏi động rồi chứ, thưa Đinh nương? Ta thảng thốt.
Đinh nương bật cười nói:
- Đây vẫn là ở trong động mà.
Làm sao ta có thể đi ra ngoài động dễ dàng thế được.
Nói là động, nhưng thực ra doanh trại của chúng ta nằm trong một thung lũng thì đúng hơn, rộng mấy chục mẫu với phía sau là núi non hiểm trở bao bọc và phía trước là đầm lầy rộng lớn.
Vậy nên người ở bên trong ra ngoài không dễ, mà người ở bên ngoài vào còn vạn lần khó hơn.
Mấy bữa nữa em khỏe hẳn ta sẽ đưa em đi một vòng thăm thú, em sẽ nắm được địa thế ngoạn mục nơi này.
- Như vậy quả thực rất ngoạn mục.
Thoạt nghe ai cũng tưởng chỉ là một vùng đất nhỏ hẹp, không ngờ ngựa chạy mãi từ nãy tới giờ mà vẫn là ở trong Động.
- Ngốc thật! Nàng phì cười.
Vậy thì làm sao mà đóng được cả một doanh trại quân đội với những thành quách vững trãi chứ.
Chính địa thế ngoạn mục này đã góp phần đưa quân của ta trở thành một trong những đội quân bất khả chiến bại đấy, em không biết hay sao?
Ta chưa kịp trả lời nàng thì đã thấy xe ngựa dừng lại.
- Tới rồi đó.
Nàng nói rồi dắt tay ta ra bên ngoài!
- Chà! Ta khẽ reo lên khi nhìn thấy phong cảnh hữu tình bày ra trước mắt.
Chúng ta mấy người giờ đang đứng bên một hồ nước lớn.
Lối đi chỗ này được lát đá và trồng hoa hai bên hết sức tao nhã, dẫn thẳng ra một gian lầu xây nổi trên mặt hồ.
Phía trong lầu thì cây rừng cổ thụ xòa ra, tỏa bóng xanh mát.
Phía ngoài hồ là một đầm sen bát ngát, mênh mông.
Mùa này sen đã hết hoa, chỉ còn lại một số gương sen nở muộn và lá sen đã bắt đầu tàn.
Nhưng màu xanh của những lá sen vẫn còn tươi lắm.
Tất cả cùng rập rờn theo gió, làm cho gian lầu như một ốc đảo nổi giữa một biển lá màu xanh.
Bước chân lên lầu mà ngỡ như mình đang đứng giữa chốn bồng lai tiên cảnh.
Khắp không gian dìu dịu một thứ hương thơm rất nhẹ.
Chính là hương thơm từ hồ sen tỏa ra.
Chỉ là hương của lá sen, của thân sen cuối mùa thôi mà cũng thanh tao biết nhường nào.
- Chỗ này tự nhiên mà có hay sao? Ta quay sang Đinh nương hỏi.
- Tự nhiên thì chỉ có cây và đầm thôi.
Còn lầu thì ta cho người làm đấy.
Ta vẫn hay gọi là Lầu Vọng Nguyệt.
Mấy năm trước cưỡi ngựa qua đây, thấy chỗ này bờ đầm vững chãi, cây cối lại xanh mát, xum xuê, nước đầm thì không quá sâu, có thể thả sen, súng được, nên mới nảy ra ý xây lầu ở đây để hóng gió.
Tiếp đó nhờ người kiếm được ít củ sen thả xuống, trồng thêm ít hoa cỏ.
Thế là thành nơi này.
Thư thoảng ra đây ngắm cảnh, cũng khiến lòng được chút thảnh thơi.
Ngồi ở đây ngắm bốn mùa xuân hạ thu đông trôi qua, cũng thấy đời có đôi phần thi vị.
- Nơi này quả thực rất thần tiên thoát tục.
Đinh nương đúng là có con mắt tinh đời!
- Em lại trêu ta rồi! Chẳng qua muốn có một nơi để có thể tự mình hưởng chút nhàn thôi.
Chứ có gì mà thần tiên thoát tục.
Ta còn muốn xây ở đây hai, ba gian nhà để khi rảnh có thể ở lại nghỉ ngơi qua đêm nữa.
Mùa hè thì có thể nghe tiếng chim quyên gọi bạn dưới tàng hoa sen; mùa thu thì có thể ngắm trăng soi bóng cúc.
Nhưng rồi thì xảy ra bao nhiêu, thành ra trì hoãn tới bây giờ vẫn chưa thực hiện được.
Nói chưa dứt lời thì hai nàng hầu của Đinh nương đã bày những khay nhỏ mang theo sẵn ở trong xe lên bàn.
Nhìn kỹ thì là chè long nhãn hạt sen và một ấm trà đang ủ kỹ.
- Đã cuối thu rồi mà người vẫn còn bày được những món này thật tài tình quá!
- Cũng chỉ tốn chút công phu gọi là thôi.
Đinh nương nói rồi đẩy về phía ta chén chè long nhãn hạt sen - Nào em thử đi.
Hạt sen và long nhãn đều là từ cuối hè, đầu thu sai người lựa những gì ngon nhất, đẹp nhất, đem phơi khô rồi cất đi đấy.
Đến khi thèm thì mang ra dùng.
Tuy không thể ngon bằng đúng mùa nhưng cũng gọi là bớt nhớ nhung đi một chút.
Ta nâng chén chè lên, múc từng muỗng nhỏ, từ từ đưa lên thưởng thức.
Nước chè ngọt mát, thanh dịu.
Nhãn ngọt mềm mà không gắt.
Hạt sen thì rất bùi và thơm.
Vì là mùa kết thúc cũng chưa lâu, hạt sen và long nhãn còn mới cả, nên tuy là đồ khô mang ra dùng, mà cũng chẳng kém đồ tươi là mấy.
Hết sức dịu mát và tinh tế.
Ta đặt chén chè xuống sau khi đã dùng hết, cười bảo:
- Đối với kẻ vụng về như tiểu nữ mà nói thì chè quả là đệ nhất thiên hạ! Đa tạ Đinh nương cho tiện thiếp được hưởng ân huệ này!
Đinh nương khẽ đưa khăn lên lau miệng, lườm ta một cái rồi bảo:
- Em thật là phụ mất bao công phu của người khác.
Coi em là tri kỉ mới mời em ra đây thưởng cảnh ăn chè, vậy mà một câu đa tạ hai câu ân huệ.
Thật là làm người ta cụt hứng quá! Nào thôi, uống trà đi!
Ta đỡ lấy chén trà còn bốc hơi nghi ngút đưa nhẹ qua trước mặt.
Hương sen thoang thoảng theo hơi trà tỏa ra, thoáng chốc làm nhẹ nhõm, thanh thoát cả người.
- Ngồi giữa hồ sen, uống trà sen.
Cuối thu rồi mà cứ ngỡ như mình vẫn đang ở giữa mùa hạ vậy!
Đinh nương phì cười không nói gì.
Hai người lặng lẽ ngồi bên nhau, phóng tầm mắt theo mặt nước mênh mông rộng lớn ở tít xa, mê mải theo đuổi những suy nghĩ của riêng mình.
Một lúc, nàng thong thả bảo:
- Nếu không phải em vừa ốm dậy thì ta đã sai người mang thuyền tới, hai chúng ta chèo một vòng quanh đầm thì còn vui nữa.
Đinh nương trầm ngâm.
- Hay người cứ bảo mang thuyền tới, em đã khỏe rồi mà!
- Sao như vậy được chứ! Em thấy khỏe nhưng ta thấy chưa.
Trông em vẫn còn xanh xao lắm.
Ra hồ gió máy, hơi nước sương chiều, rồi em có làm sao ta biết nói thế nào với Tướng công? Không phải vội! Từ giờ tới khi lá sen tàn hết, ta hứa sẽ đưa em đi bơi thuyền một buổi, được chưa?
Ta mỉm cười gật đầu.
Nàng lại bảo:
- Thôi, chiều cũng đã xuống rồi.
Mùa này mặt trời xuống núi một cái là sương liền dâng lên.
Sương lạnh ở nơi hồ, đầm càng không tốt cho người mới ốm dậy.
Không nên nấn ná ở đây nữa.
Ta về thôi!
Nói rồi các thị nữ lục tục thu dọn ấm chén, bát muỗng, rồi cùng nhau lên xe tiến về doanh trại.
- Đinh nương vào động từ khi nào? Xe chạy được một lúc, ta bèn hỏi nàng.
- Ta vào đây từ năm Ất Mão.
Nàng trả lợi cụt lủn rồi thốt nhiên rơi vào im lặng.
Thấy nàng như vậy ta cũng ngồi yên không nói gì.
Đưa mắt nhìn qua cửa sổ rèm đã vén cao, thấy cây cối lướt lướt qua như thể chạy lùi về phía sau hết sức vui nhộn.
Đột nhiên nàng cất lời:
- Vào thời gian đó, Thiên Sách Ngô Vương sau khi được Nam Tấn Ngô Vương vời về Cổ Loa cùng trị vì đất nước bỗng trở mặt tiếm quyền, một mặt đẩy Nam Tấn Ngô Vương ra khỏi chính sự, tự mình thâu tóm hết quyền lực; một mặt thì ăn chơi, hưởng lạc vô độ, lơ là việc dân việc nước, nên đời sống nhân dân hết sức chật vật.
Các hào trưởng khắp nơi đều chiêu binh, mãi mã hùng cứ từng phương.
Ta cùng bốn anh trai cũng đứng ra tuyển quân, lập ra căn cứ của họ Đinh ta ở quê nhà.
Lúc đó cũng không phải định đi giao chiến với các hào trưởng khác, ôm mộng bá vương gì; mà chỉ đơn giản là để bảo vệ xóm làng, quê hương, tránh khỏi bị các hào trưởng khác đến chiếm đóng, hay bị các thế lực xấu đến quấy nhiễu mà thôi.
Sau đó thì Tướng công cùng bộ tướng Nguyễn Bặc đến, nói rõ ý định của người về việc thu nạp người hiền tại, thâu phục các hào trưởng để thống nhất đất nước, mang lại cuộc sống thanh bình cho trăm họ.
Chính vì lý tưởng ấy mà các anh trai ta đã tự nguyện theo người về Hoa Lư.
Liền sau đó người xin cưới ta làm vợ để thắt chặt tình gắn bó giữa hai bên.
Ra là vậy - Ta ngồi lặng yên ngẫm nghĩ.
Hóa ra cuộc hôn nhân của họ Đinh với nàng cũng không khác gì cuộc hôn nhân với ta.
Đều nhắm tới mục đích chính trị, toan tính rõ ràng.
Bảo sao khi ta nói tới việc ta chưa từng gặp họ Đinh trước đó, nàng lại thốt nhiên trở nên trầm tư đến vậy.
Không rõ với Dương Nguyệt Nương phu nhân thì sao? Còn Đặng phu nhân, người mẹ đã quá cố của Công tử Đinh Liễn nữa..
- Ta nghe nói Đặng Thị phu nhân năm xưa là do cha mẹ Tướng công kén chọn.
Như đoán được ý nghĩ trong đầu ta, nàng đột ngột tiếp - Năm đó Tướng công mười sáu tuổi thì phải.
Dương Nguyệt Nương phu nhân thì Tướng công thành thân từ dạo còn chưa về với nghĩa phụ Trần Minh Công.
Năm đó Tướng công đang trên đường phiêu bạt đi tìm minh chủ, gây dựng lực lượng thì được cha mẹ của Dương phu nhân giúp đỡ về lương thực lẫn tiền bạc.
Nhờ đó mà Tướng công đã tuyển được lính, lập ra được những đội quân đầu tiên của mình.
Tướng công kết thân với Dương phu nhân cũng vì lẽ đó.
Ta khẽ gật đầu.
Không biết nói gì cho phải.
Đành im lặng, lơ đễnh nhìn ra phía cửa xe.
Nàng cũng im lặng một lúc.
Rồi chợt như dứt ra khỏi được những suy tư, nàng ngẩng lên, cầm tay ta cười:
- Dương Nguyệt Nương phu nhân hiện đang sống ở quê, tận vùng Đặng Xá, vùng này do Sứ quân Nguyễn Siêu cai quản.
Do cách trở địa phận lại phải lo chăm nom ba nàng tiểu nữ nên chưa tiện về đây ở.
Vậy nên mấy năm nay ta ở đây cũng chỉ thui thủi một mình.
Quan quân ra vào đông, người hầu kẻ hạ không ít, nhưng ai cũng bận bịu cả.
Vậy nên giờ có em về ta vui lắm.
Hai chị em ta bầu bạn cho đỡ buồn.
Ta mỉm cười siết chặt bàn tay nàng.
Nhìn vào đôi mắt rộng mênh mông và sâu thăm thẳm của nàng, phút chốc cũng thấu hiểu được phần nào những nỗi buồn khổ của nàng.
Họ Đinh vốn ôm mộng bá vương mà cả đời gắn chặt trên lưng ngựa.
Mấy năm nay đất nước lại xảy ra nhiều biến động, nên không thể tránh khỏi cảnh chiến trận liên miên.
Bởi vậy nàng ở đây chắc cũng chịu nhiều cô quạnh.
Nhưng nghĩ đi cũng phải nghĩ lại, bản thân họ Đinh không biết nghĩ gì về những cuộc hôn nhân này, có thấy hạnh phúc với những cuộc hôn nhân toan tính kỹ lưỡng, mà chắc chắn là không tình yêu này không? Nghĩ rồi lại tự cười mình.
Có khi những người như vậy chẳng có thời gian đâu để mà nghĩ đến những chuyện đó.
Hoặc đối với những con người có hoài bão to lớn như thế, họ không đặt ra vấn đề yêu đương nam nữ.
Hạnh phúc của họ là ở chỗ mộng bá vương của họ thành hay bại.
Còn đàn bà với họ, có khi chỉ là một quân cờ trong cả ván cờ mà họ đã dày công bày bố cũng nên.
Mải miên man suy nghĩ, ta rơi vào tâm trạng ủ ê lúc nào không biết.
Ngẩng lên nhìn thấy Đinh nương cũng đang lơ đãng nhìn ra cửa sổ xe, tâm trạng trầm tư.
Không tiện mở lời nữa.
Hai người cứ thế ngồi im lặng trong xe cho tới lúc về thành.
Chừng nửa tháng sau, thì ta hoàn toàn bình phục.
Đinh nương bắt đầu dẫn ta đi quanh động, vừa là để nắm được địa thế, địa hình trong động, vừa là để nhận mặt quan quân trong doanh trại, tiện cho mọi việc về sau.
Bấy giờ mới thấy hết được sự ngoạn mục của Hoa Lư Động.
Nhớ lại năm xưa nghe chuyện hai Ngô Vương mất gần hai tháng dòng bao vây động mà cuối cùng phải tay không trở về, giờ nhìn tận mắt nhìn ngắm địa thế nơi đây thì thấy, đó không phải là chuyện gì khó hiểu.
Động Hoa Lư là một thung lũng rộng lớn, phía sau là những dãy núi đá điệp điệp trùng trùng vô cùng hiểm trở như những bức tường thành tự nhiên bao bọc; phía trước là Đầm Cút rộng mênh mông, từ đây lại có thể thông ra sông Đáy, tạo thành một con hào tự nhiên rộng lớn bảo vệ Động.
Giữa đầm chỉ có một lối vào duy nhất được đắp cao, nơi đó họ Đinh cho xây cổng thành vững chãi, kiên cố.
Muốn vượt qua được cổng thành này rất khó.
Đấy là chưa kể ngay phía trước cổng thành là cầu nâng bằng gỗ đồ sộ, mà chỉ cần nâng cầu lên thì quân địch chỉ có còn một cách là phải đi bằng đường thủy để sang.
Mà để băng qua được đầm tiến vào động trước những vòng phòng ngự chặt chẽ ở ngay trên bờ cũng như ở trong thành là một điều gần như không tưởng.
Chẳng thế khi xưa hai Ngô Vương kéo tới mai phục trong hai tháng, họ Đinh rút cầu lên và cố thủ trong động, cũng chẳng cần động tĩnh gì, chẳng cần nghênh chiến mà quân của hai Ngô Vương cũng tự suy yếu.
Đến khi mai phục quá lâu, quan quân đều rệu rã vì ăn đói mặc rét, hai Vương đành rút quân mà về.
Ở trên vùng thung lũng bằng phẳng và rộng lớn ở giữa, là nhà cửa, thành quách và doanh trại luyện tập của quân đội, được bố trí hài hòa, đan xen giữa những rừng cây cổ thụ râm mát.
Nghe nói khi họ Đinh mới tới lập nghiệp tại động Hoa Lư, ở đây chỉ có lau lách và cây cối rậm rạp, um tùm.
Trải qua thời gian dài đóng quân, xây dựng, cải tạo, nơi đây đã trở thành như ngày nay với nhiều cây ăn trái và đất đai canh tác trù phú, xanh tươi.
Từ cổng thành đi vào sẽ phải đi qua một vọng gác.
Sau đó đến Khu nhà chính, gồm Đại sảnh đường ở chính giữa để họ Đinh bàn bạc việc lớn, hai bên Đại sảnh đường là nơi ở của các bộ tướng tin cẩn.
Lúc ta qua nơi này thì Trịnh Tú tướng quân đang ngồi bàn bạc việc quân với các bộ tướng trong Động.
Họ Đinh mang theo hai thân tướng là Đinh Điền và Nguyễn Bặc đi bố Hải khẩu để lo cho sức khỏe của Nghĩa phụ Trần Minh Công; Đinh Liễn công tử và Lê công tử vẫn trấn giữ vùng Cổ Loa.
Lưu Cơ tướng quân thì đang đi khắp các vùng để thu tô thuế, gom lương lực cho quân đội, chuẩn bị cho mùa đông.
Trịnh Tướng quân tạm thời cai quản mọi việc binh lược, lo việc canh phòng, bảo vệ Động.
Để tiện cho công việc cũng như cuộc sống về sau, Đinh nương dẫn ta thẳng tới Đại sảnh đường để chào các vị tướng quân.
Thế là lúc này mới được giáp mặt với Trịnh Tú tướng quân.
Mặc dù Trịnh tướng quân là trưởng đoàn rước kiệu hoa đón ta từ ngoài Động khi trước, nhưng khi ấy ta còn là cô dâu mới, phải ngồi kiệu và che mặt.
Đến giờ mới vinh hạnh được diện kiện.
Trịnh Tú tướng quân có dáng người cao gầy, làn da sạm đen vì sương gió.
Các nét trên khuôn mặt chàng thanh nhỏ, nhưng rắn rỏi và cương nghị.
Khi nhìn vào chàng người ta thấy một sự uy nghiêm, đáng tin cậy, tuy vậy vẫn có chút gì đó rất phóng khoáng và tràn đầy ngẫu hứng.
Mới chỉ gặp Trịnh tướng quân lần đầu mà kỳ lạ thay ta đã thấy có cảm giác rất thân thiện và gần gũi.
Có lẽ tại nụ cười lúc nào cũng nở trên môi của vị tướng trẻ này.
Hậu cung phía sau là khu nhà ở của gia tộc Đinh Động chủ.
Khu nhà được xây dựng theo hình chữ nhật, gồm dãy nhà giữa, nhà Đông, nhà Tây, nhà tả và nhà hữu nằm ở hai bên lối vào.
Tất cả các khu nhà đều gồm nhiều căn nhà có nhiều gian, với những vườn cây xum xuê phủ bóng mát, với hoa thơm trái ngọt tỏa hương quanh năm.
Chính nhờ những vườn cây này mà tuy nằm giữa một quần thể, từng dãy nhà vẫn như tách biệt và hết sức riêng tư.
Liền ngay sau khu hậu cung là Ban Y phục, nơi đây là nơi ở tập trung của những người phụ nữ khéo tay thuộc mọi lứa tuổi để may trang phục cho quan quân và binh lính, gửi ra xa trường.
Các nàng ở đây cũng tham gia trồng trọt, canh tác trên những mảnh đất màu mỡ quanh Thung để tự cung, tự cấp lương thực cho người trong động và cho quân đội.
Bao quanh khu thành quách là khu doanh trại đóng quân và luyện tập của quân đội.
Khu vực này nằm rải rác khắp thung gồm cả khu nhà ở, khu đúc binh khí và các thao trường dành cho binh sĩ luyện tập đủ các môn: Từ cưỡi ngựa, bắn cung, cho tới tập võ, luyện đao, luyện kiếm..
Nơi đây không khí luyện tập của quan quân nhộn nhịp cả một ngày.
Tiếng đao khiên va chạm nhau, tiếng vó ngựa, tiếng hò hét không dứt cho tới khi bóng chiều buông xuống.
Các binh lính ở doanh trại cũng tham gia tăng gia sản xuất vào những giờ không phải luyện tập.
Một số người trong bọn họ kết nghĩa vợ chồng với người bên Ban Y phục.
Vì vậy cuộc sống ở trong động giống như tại một quốc gia thu nhỏ, rất an ổn và sung túc.
Động Hoa Lư còn có khu căn cứ địa vô cùng hiểm trở là các hang động ở những dãy núi phía sau.
Đó là nơi cất lương thảo dự trữ của quân đội.
Đồng thời là lối đi bí mật để thoát ra ngoài nếu Động bị vây đánh.
Tuy nhiên lối đi bí mật đó như thế nào thì chỉ có một vài người thân tín của họ Đinh biết được.
Xưa nay cũng chưa phải sử dụng tới lần nào.
Nếu không có người dẫn đường mà đi vào những khu động đó, thì chỉ còn cách bỏ xác nơi rừng hoang, núi thẳm vì đói khát hoặc thú dữ.
Mới thăm thú qua loa được một vài nơi trong Động mà đã hết một ngày.
Mặt trời đã bắt đầu xuống núi.
Đinh nương lệnh cho xe ngựa nhằm hướng hậu cung thẳng tiến.
Trên đường về vừa hay đi qua một khu thao trường gần khu hậu cung đã vắng bóng người luyện tập.
Đinh nương bèn nhìn ta cười khúc khích:
- Em có biết cưỡi ngựa không?
- Em có biết một chút.
Ta nhìn nàng, trả lời đầy đề phòng, vì lần đầu tiên kể từ khi về đây thấy nàng không còn vẻ nghiêm nghị, mà thay vào đó là nụ cười tinh nghịch như vậy.
Nàng thấy ta có vẻ dè chừng, cười ngất:
- Đang sẵn quần áo nai nịt gọn gàng ở đây, chỉ định rủ em ở đây chơi, cưỡi ngựa một lúc thôi, làm gì mà em phải tỏ vẻ đa nghi như vậy?
- Trông mặt em thể hiện rõ như vậy sao? Ta ngượng ngùng.
- Lại còn không! Trông mặt em thấy luôn được cả gan ruột của em ấy chứ! Ha ha..
Nói rồi nàng sai người đánh xe ngựa về trước, một mặt bảo thị nữ chạy đi báo cho người chuẩn bị hai con ngựa.
Một lúc sau gia nhân đã mang tới hai con ngựa to khỏe, thêm một bộ cung tên.
Khi nãy không thấy nàng nhắc gì tới cung tên mà gia nhân lại tự động mang ra, chứng tỏ cái việc cao hứng này của nàng Đinh không phải là hiếm.
Gia nhân vừa trao cương ngựa vào tay, nàng bèn nhảy ngay lên, quất roi cho ngựa phi vun vút quanh sân tập.
Trong ánh nắng chiều hoàng hôn đỏ ối của mặt trời gần tắt, chỉ nhìn thấy bụi bay lên mù mịt tung trời, còn nàng thì lao đi như một mũi tên.
Tà áo màu lam bay phần phật trong gió.
Bất ngờ nàng cho ngựa dừng ngay lại trước mặt ta làm ta hoảng hồn né sang một bên.
Nàng nhìn ta cười vang:
- Em không lên ngựa, còn đứng ngẩn ra đó làm gì?
Ta lục cục trèo lên, bắt đầu cho ngựa chạy nước kiệu quanh sân.
Quả thực ta cũng không phải là một tay cưỡi ngựa tồi, đã từng dọc ngang khắp cánh đồng quê nhà vui chơi trên lưng ngựa, nhưng so với kỹ thuật điêu luyện của nàng thật chỉ là múa rìu qua mắt thợ.
Nàng lại quất ngựa lao vun vút trước mặt ta.
Đi gần lại phía gia nhân đang đứng, nàng bèn dùng tay ra hiệu.
Người đó liền tung cánh cung và ống đựng tên về phía nàng.
Trong chớp mắt, nàng đã đỡ gọn trong tay.
Cũng nhanh gọn không kém, nàng lắp tên vào cung và bắn.
Trong khi ta còn ngơ ngác chưa nhìn ra hướng ngàng ngắm bắn ở đâu, thì đã nghe mũi tên vun vút xé gió lao đi, rồi cắm phập và hồng tâm gắn ở phía cuối sân tập.
Nàng lại tiếp tục hai, ba vòng như thế.
Không mũi tên nào lệch đích.
Ta ngần ngơ nhìn nàng đến nỗi quên cả thúc cho ngựa chạy.
Cả người và ngựa chậm dần rồi đứng như phỗng trên sân tập.
Nàng áp ngựa lại gần ta, đưa cung tên cho ta và bảo:
- Em có muốn thử một chút không?
- Em..
đâu dám múa rìu qua mắt thợ!
- Thôi nào, vui chơi một chút chứ ta có bảo em phải so tài với ta đâu mà lo chuyện thuyền với thợ.
Nói rồi nàng tung cung cùng hộp tên sang cho ta.
Chỉ kịp đỡ cánh cung, còn hộp tên thì rơi lẹt bẹt xuống đất.
Đinh nương cười vang.
Lần đầu thấy nàng có được nụ cười sảng khoái như vậy.
Ta loay hoay chưa biết xử trí ra sao thì gia nhân đã nhặt tên lên đưa ta.
Ta rút lấy hai mũi.
Thúc ngựa lại gần bia một chút rồi dương cung lên.
Vút..
hụt! Mũi tên bay xa tấm bia vài bước chân.
Ta thúc ngựa lại gần hơn chút nữa, rồi cho ngựa dừng hẳn lại.
Lần này thì mũi tên đã trúng vào bia ngắm bắn, nhưng còn khuya mới tới được hồng tâm.
Đinh nương và các thị nữ thấy vậy vỗ tay rồi cười vang.
Ta thẹn thùng thúc ngựa quay lại phía các nàng đang đứng:
- Em chỉ gọi là biết chút ít do khi trước có nghịch ngợm qua loa thôi.
Làm sao sánh được với khí phách bao năm ngồi trên lưng ngựa của người.
Người lại còn cười em!
Đinh nương đỡ lấy cung ở tay ta đưa cho người nhà cất đi, rồi chợt như nghĩ ra điều gì nàng mỉm cười, rồi quay sang ta bảo:
- Ta có ý này, sẵn tiện ngựa đây, hai chị em ta đi dạo một vòng không? Cũng lâu không cưỡi ngựa chạy vòng vòng một chuyến rồi.
Phi ra đầm Cút mà ngắm hoàng hôn lúc này có vẻ rất là thi vị đấy!
Quả là một ý hay, ta bèn gật đầu luôn.
Đinh nương lệnh cho gia nhân và các thị nữ về trước.
Xong rồi quất ngựa lao đi.
Các thị nữ can gián một hồi, nhưng biết là không thể ngăn được nàng đành lững thững đi về.
Ta theo nàng cũng quất ngựa phóng về phía đầm.
Nhìn Đinh nương gò mình trên lưng ngựa vun vút phóng ở phía trước, ta chợt hiểu, thì ra đây mới là con người thực của nàng.
Tự do và sống động.
Năm xưa cùng bốn anh chiêu quân mãi mã, lập trại bảo vệ xóm làng, nàng hẳn đã cùng các anh tung hoành dọc ngang trên lưng ngựa.
Hẳn là dấu chân ngựa và tiếng cười khoáng đạt của nàng đã vang vọng và in dấu khắp nơi.
Không hiểu sao ta bỗng như thấy rõ ràng trước mắt mình hình ảnh tươi đẹp của nàng khi phi ngựa trên những cánh đồng quê ấy.
Một nàng Đinh Thục Trinh xinh đẹp, ung dung, tự do, tự tại, hào sảng, mà cũng rất lạng mạn và bay bổng.
Về Hoa Lư, nàng như chim trong chậu, cá trong lồng.
Lầu son gác tía mà mất đi sự tự do khoáng đạt ấy.
Mà suy cho cùng, đó đâu phải chỉ là số phận của nàng, đó chẳng phải cũng là số phận của ta ở chốn này sao? Nghĩ tới đó bỗng thấy lòng buồn thăm thẳm.
Mải suy nghĩ mà bóng nàng đã mất hút phía trước.
Ta đành cứ thế mà thúc ngựa theo hướng tiếng vó ngựa và tiếng nàng vọng lại.
Một hồi cũng đến được bờ đầm.
Đã thấy Đinh nương buộc ngựa ở một gốc cây, còn người thì đang nằm dài trên bãi có sát mép đầm.
Ở chỗ này đầm không có sen.
Cây cối cũng không quá xum xuê, rậm rạp, bờ đầm lại rất thoải với một lớp cỏ dày, xanh mượt, rất hợp để ngồi ngắm cảnh.
Ta bước lại ngồi bên cạnh nàng, lặng yên nhìn ngắm mặt hồ phẳng lặng đang ánh lên màu đỏ ối dưới những tia mặt trời cuối cùng.
Ở phía tít xa, nơi bờ đầm uốn thành hình vòng cung, có thể nhìn rõ những rặng núi điệp trùng, vượt lên cao bên trên rừng cây xanh, tạo thành hình răng cưa xanh thậm trên nền trời.
Không gian rất đỗi yên bình.
Chỉ có tiếng hai con ngựa thở phì phò ở phía sau lưng.
Một vài tiếng dế và tiếng côn trùng rù rì đâu đó rất đỗi mơ hồ, chỉ làm nổi bật thêm sự tĩnh lặng của cảnh vật.
Ngồi một lúc, ta cũng bắt chước nằm xuống bên cạnh nàng.
Ngước nhìn lên bầu trời, mặt trời đã lặn hẳn, chỉ còn một góc trời phía tây ửng đỏ và rộng đến vô cùng.
Một làn sương mỏng mảnh đang từ từ dâng lên từ mặt hồ làm đất trời thêm mênh mông.
Bỗng nhiên thấy nhớ những ngày tháng tuổi thơ ở Đông Lỗ trang, cũng không thiếu những buổi chiều hè cùng hai nàng thị nữ, nằm ra bãi cỏ trên bờ đê để ngắm nhìn những cánh diều vừa thả trên bầu trời..
- Nói xem ai là người dạy em cưỡi ngựa?
Tiếng Đinh nương bỗng cất lên bên cạnh làm ta khẽ giật mình.
- Sao bỗng dưng người lại hỏi em việc ấy?
- Vậy không được hỏi em như vậy hay sao? Nàng vẫn bình thản hướng mắt lên bầu trời.
- Không phải vậy, em thấy câu hỏi chẳng mấy liên quan tới cảnh vật thôi.
Ta đánh trống lảng.
Nàng im lặng không nói gì.
Ta tưởng nàng đã quên câu chuyện, lại tiếp tục hướng lên ngắm nhìn bầu trời.
Lúc này nếu tinh mắt, đã có thể nhìn thấy một số ngôi sao xuất hiện mờ mờ nhấp nháy trên bầu trời phía đông.
- Là Lê Hoàn tướng quân đúng không?
Nàng lại cất lời.
Lần này không phải là ta giật mình vì câu hỏi đột ngột của nàng, mà chính là bốn chữ "Lê Hoàn tướng quân" làm ta choáng váng.
Ta cảm giác như có ai đó vừa giáng mạnh vào đầu.
Mọi vật xung quanh tối sầm đi trong chốc lát.
Ta bật ngồi dậy, nhìn sang nàng, chỉ lắp bắp được vài từ:
- Làm sao..
sao người?
Nàng vốn vẫn đang bình thản hướng mắt lên bầu trời, đến khi thấy ta lắp bắp không nên lời mới đưa mắt nhìn sang ta.
Chắc thấy khuôn mặt của ta quá đỗi nhợt nhạt, nàng tỏ vẻ sửng sốt, cũng ngồi bật dậy:
- Sao em phải hốt hoảng như vậy chứ? Ta không đáng tin tưởng như vậy sao?
Nói rồi nàng cầm lấy bàn tay ta - bàn tay lạnh toát mà mồ hôi thì lại túa ra ướt nhẹp.
- Sao..
sao người lại biết?
Cái viễn cảnh Đinh nương biết chuyện giữa ta và chàng, rồi nhiều người khác biết, rồi họ Đinh biết phút chốc choáng ngợp trong trí não làm ta tê liệt cả người.
Đinh nương khẽ vuốt ve bàn tay ta ân cần:
- Em xem kìa, em sợ ta sẽ nói với Tướng công hay sao mà kinh hãi như thế? Em sợ ta sẽ dựa vào đó để gây khó dễ cho em hay sao? Em nghĩ về ta như vậy hay sao?
- Em không..
Ta lí nhí - Chỉ là em quá sợ hãi, không hiểu làm sao người biết nên thoáng chốc mất hết cả lí trí thôi.
- Thực ra ta không biết.
Ta chỉ chắp nối và đoán mò thôi.
Mấy hôm em ốm ta có ở bên em suốt, em quên rồi hay sao? Khi ốm em có mê sảng, gọi tên huynh ấy mấy lần.
Lúc đầu ta còn hoài nghi, sau đó nhớ ra huynh ấy cũng người Đạo Ái, nên ngầm đoán giữa em và huynh ấy hẳn có mối liên hệ.
Nay nghĩ ra việc đem chuyện học cưỡi ngựa này ướm thử em.
Không ngờ đúng là huynh ấy dạy em thật.
Và không ngờ là giữa hai người quả từng có quen biết như ta đã ước đoán.
Ta lẳng lặng gật đầu mà trong lòng thoáng chốc đau như cắt.
Đinh nương xiết chặt tay ta, nói:
- Khi nào có tâm trạng hãy tâm sự với ta, chắc sẽ bớt ưu phiền đi chút đỉnh.
Còn lại em đừng lo, ta nếu định mang những chuyện ấy để dành lấy lợi thế cho mình, lẽ nào lại đi kể với em như thế này hay sao? Hỏi em cũng là để nhắc nhở em từ nay về sau ở đây cần hết sức cẩn thận.
Không ai biết được những gì có thể xảy ra đâu.
Lời nói của nàng làm ta vừa yên tâm, vừa xúc động.
Nàng vừa dứt lời mà nước mắt đã lăn dài trên má.
Đinh nương đưa tay quệt nước mắt cho ta rồi bảo:
- Thôi nào Tiểu thư, sương ở hồ bắt đầu lên rồi đó, ta cũng nên về thôi.
Ta gật đầu, cùng nàng lên ngựa đi về thành.
Một cảm giác biết ơn và một tình cảm sâu nặng với nàng dâng lên ở trong lòng.
Cuộc nói chuyện với Đinh nương bất ngờ làm sống lại tất cả những chuyện cũ.
Từ khi biết tin sẽ phải về Hoa Lư làm vợ lẽ họ Đinh, nhất là từ khi về đây, đã gần tháng nay ta cố che đậy tâm tư của mình, không muốn nghĩ chút gì về những chuyện xưa cũ.
Nhưng nay tất cả chợt sống dậy, như một mặt hồ yên ả bỗng bị khua khoắng khiến trăm ngàn đợt sóng cuồn cuộn nổi lên không ngừng.
Nằm trên giường trở mình mấy lượt không ngủ được, ta ngồi dậy, lẳng lặng đi ra gian nhà ngoài.
Đêm khuya cuối thu đã se lạnh rồi, ta lấy thêm chiếc áo choàng khoác lên vai.
Châm thêm mấy cây nến cho sáng, bỏ thêm ít trầm hương vào lò để xua muỗi và côn trùng.
Rồi lẳng lặng ngồi ở bên bàn.
Ngoài trời đêm tịch mịch.
Khu vườn im phăng phắc một màu đen huyền bí.
Một làn sương mỏng mảnh giăng mắc từ ngọn cây này sang ngọn cây kia.
Thoang thoảng mùi dạ hương từ ngoài đầu ngõ đưa vào.
Một vài tiếng lẻ loi của một loài chim lạ nào đó cất lên lạc lõng giữa đêm khuya rồi biến mất, thốt nhiên khiến lòng ta nặng chĩu.
Nước mắt cứ thế lăn dài trên má...
Bình luận
Bình luận
Bình luận Facebook