Nhị Triều Hoàng Hậu - Dương Vân Nga FULL
-
29: Lan Nhi Ơi!
Bảy ngày sau, tầm giữa giờ Tỵ, ngài Đô hộ Phủ sĩ sư đích thân tiến vào Lãnh cung muốn gặp ta.
Sau khi thi lễ cung kính, ngài liền từ tốn trình bày:
- Bẩm Hoàng hậu, người của Đô hộ Phủ sĩ cùng pháp y đã khám nghiệm tử thi, đồ ăn, thức uống để tìm ra nguyên nhân cái chết của Diệu cô nương, thì phát hiện ra canh hầm hạt sen mà Diệu cô nương ăn chính là có độc dược.
Tiếp tục tìm hiểu thì phát hiện độc tố trong hạt sen mà ra.
Bọn chúng thần đã kiểm tra số hạt sen sống còn lại thì thấy một số hạt sen, thay vì có tâm sen thì lại chứa thạch tín.
Diệu cô nương chính là ăn phải thạch tín này mà mất.
Hạt sen này chính là hạt sen do Hoàng hậu sai người mang sang ban cho Diệu cô nương.
Vậy nên thần đến đây xin phép hỏi Hoàng hậu vài câu để mọi việc được rõ ràng hơn.
Ra là như vậy! Ta đã sớm đoán ra được những diễn biến này.
Nên cũng không thấy quá bất ngờ.
Một sự chán nản tận cùng dâng lên ở trong lòng khiến ta định cứ im lặng vậy mà cho qua.
Nhưng rồi lại bảo:
- Nhưng ngài Đô hộ Phủ sĩ sư không nghĩ rằng có người nào đó định hãm hại ta sao? Sau khi ta sai người mang hạt sen đó tặng, thì kẻ đó liền đột nhập và hạ độc?
- Theo như người bên Diệu nữ cung thì sau khi thị nữ của Hoàng hậu mang hạt sen qua ban cho, họ liền mang đi nấu, mà người nấu lại chính là mẹ đẻ của Diệu cô nương, vì muốn tận tay nấu để bồi bổ cho con mình, nên đã không để người hầu, kẻ hạ động tay vào.
Hoàng hậu thử nghĩ xem, có người mẹ nào lại tự tay bỏ thuốc độc để hại chết con mình hay không?
- Nếu kẻ thủ ác lén vào lúc đang nấu và hạ độc thì sao?
- Nếu vậy thì không thể thấy độc trong số hạt sen còn lại chứ, thưa Hoàng hậu.
Các hạt sen còn lại, chỉ một số có độc.
Những hạt sen đó đều được rút tâm sen rất khéo léo vào nhét độc dược vào trong mà nhìn qua thì rất khó phát hiện ra.
Để làm được việc đó phải rất công phu và mất rất nhiều thời gian.
Không thể nào làm trong khoảng thời gian từ khi nhận hạt sen cho tới khi nấu được.
Càng không thể có chuyện..
- Ta hiểu rồi! Như vậy thủ phạm chỉ có thể là ta? Ta ngắt lời ngài Đô hộ Phủ sĩ sư.
- Hạ thần không dám có ý đó! Vậy nên hôm nay thần mới đích thân tới đây để mạo muội hỏi Hoàng hậu vài câu hòng tìm ra chân tướng sự việc.
- Vậy trước tiên ta muốn hỏi ngài điều này: Nếu ngài âm mưu hại người bằng độc dược, sau khi làm việc đó, liệu ngài có dấu lọ thuốc độc dưới gầm giường hay không?
- Thần không nghĩ rằng mình lại có ý định hạ độc người khác bao giờ!
- Là ta đang giả sử vậy, chứ ta không định lường gạt gì ngài cả.
Xin hãy trả lời ta!
- Thần sẽ không làm vậy.
- Vậy ngài có nghĩ rằng ta đến nỗi mà đem tặng hạt sen cho người ta mà trong hạt sen có độc, ăn vào người đó chết luôn, rồi tìm trong số hạt sen còn lại liền thấy có độc không?
- Thực sự thần không thể trả lời câu hỏi này!
- Ha ha ha..
Được rồi! Ta chỉ cần hỏi vậy thôi! Giờ ngài hãy hỏi ta những điều ngài muốn biết.
- Thần muốn hỏi Hoàng hậu, hạt sen này Hoàng hậu từ đâu mà có?
- Người nhà của ta ở Trang Đông Lỗ mang lên cho.
- Mang lên khi nào thưa Hoàng hậu?
- Ba ngày trước khi ta mang ban cho Diệu cô nương.
- Trong thời gian đó những ai có thể tiếp cận số hạt sen này?
- Khi Thúc thúc ta gửi lên, ta sai người hầu cất vào tủ bếp.
Đó là nơi vẫn tích trữ các đồ ăn thức uống.
Tủ này mọi kẻ hầu người hạ đều có thể tiếp cận, vì ta không khóa báo giờ.
Còn ai đã làm việc đó ta không biết.
- Ai là người mang hạt sen ban cho Diệu công nương?
- Là Lan Nhi, thị nữ thân cận nhất của ta.
- Xin hỏi cô nương..
- Lan Nhi chỉ lấy hạt sen ra, mang đi rồi về ngay, không thể đủ thời gian làm việc đó.
Những ngày trước đó nàng ta lúc nào cũng hầu hạ bên ta không rời nữa bước.
Ngài không cần hỏi nàng ta – Ta ngắt lời ngài Đô hộ Phủ sĩ khi thấy Lan Nhi đứng phỗng như tượng đá ở bên cạnh, môi mím chặt, mắt nhìn chằm chằm xuống đất không nói một lời.
- Hoàng hậu có nghi ngờ ai không?
- Không, ta không nghi ngờ ai cả! Chủ ý mang hạt sen ban cho Diệu cô nương chính là do ta, nên ta không nghi ngờ ai cả.
Ngài còn câu hỏi gì nữa không?
- Dạ thưa Hoàng hậu, những điều cần hỏi thần đã hỏi hết rồi.
Thần xin phép được cáo lui.
- Ta..
ta muốn hỏi ngài thêm một câu được không – Ta ngần ngừ.
Ngài Đô hộ phủ sĩ đang lững thững bước ra cửa, nghe ta hỏi bèn xoay người lại bảo:
- Vâng, xin Hoàng hậu cứ tự nhiên.
- Hoàng thượng..
Hoàng thượng chỉ đạo việc này như thế nào?
- Hoàng thượng thực sự không tin vào mọi việc.
Hiện đã cho bắt, nhốt và tra khảo tất cả người hầu kẻ hạ thân cận ở hai Cung rồi.
Hi vọng trong thời gian tới sẽ có kết quả.
- Tâm trạng Hoàng thượng tốt hơn chưa? Người có còn đau buồn nhiều không?
- Hoàng thượng vẫn còn khá đau buồn.
Ban đầu giằng dai mãi không cho mang linh cữu Diệu cô nương đi mai táng.
Các Hoàng hậu và quần thần phải thuyết phục mãi mới được.
Dạo gần đây sau khi đã mai táng rồi, Hoàng thượng vẫn thường trở về Diệu nữ cung thắp hương và thương khóc Diệu cô nương.
- Được rồi, ngài lui đi!
Ngài Đô hộ phủ sĩ sư cúi đầu thi lễ rồi cáo lui.
Ngài vừa đi được mấy bước thì Lan Nhi, nãy giờ đờ ra như một bức tượng đá, giờ đây như người tỉnh mộng, trở nên sống động, lao lại chỗ ngài Đô hộ phủ sĩ, miệng hét lên:
- Sao các ngươi dám nghi ngờ Dương Hoàng hậu giết người! Dương hậu đến một con kiến cũng không bao giờ dám làm đau nó, mà nay các ngươi lại buộc tội hạ độc giết người! Các ngươi thật là gắp lửa bỏ tay người mà!
May có các thị vệ kịp thời giữ lại, chứ không không biết nàng ta định làm gì ngài Đô hộ phủ sĩ.
Khi quan quân đã rút đi rồi, nàng ta đã bình tĩnh trở lại, ngồi thừ ở bên giường.
Thấy ta tiến lại, nàng ta không cầm được nước mắt, bảo:
- Hoàng hậu vẫn bình thản như vậy được sao chứ! Em cứ nghĩ việc này chỉ là một sự hiểu lầm, rồi Hoàng thượng và Triều đình sẽ tìm ra chân tướng sự việc.
Nhưng nghe ngài Đô hộ nói chuyện, thì thật đúng là ngưồi ta định khép tội giết người cho Hoàng hậu rồi! Sao lại có chuyện hoang đường như vậy? Sao những việc như vậy mà họ cũng tin.
Rõ ràng có kẻ bày mưu, định hãm hại Hoàng hậu.
Chúng ta phải làm sao đây?
- Chúng ta còn có thể làm được gì hay sao? Ngay cả khi còn ở cung Cồ Quốc, chúng ta vốn đã đơn độc rồi.
Huống hồ giờ đây lại bị giam lỏng nơi này.
Chúng ta phải chấp nhận kết cục đó thôi!
Nàng ta càng thêm khóc nức nở.
Bảo:
- Nhưng vì sao và để làm gì? Em thật sự không hiểu nổi! Chúng ta vốn đâu có gây thù chuốc oán với ai!
- Chính ta cũng không hình dung được tại sao và ai có thể làm vậy đây.
Ai mà có thể coi ta như cái gai trong mắt, nên nỗi quyết phải nhổ đi cho bằng được như vậy.
Ta thật sự không biết và không hiểu.
Hai ngày sau ta nhờ thị vệ chuyển lời xin cho Toàn Nhi vào gặp ta.
Toàn Nhi vào thấy ta bị giam lỏng ở trong Lãnh cung thì hết sức thương xót, không ngừng khóc lóc.
Ta cầm tay đỡ con lên rồi bảo:
- Mẫu hậu cho gọi con vào chỉ muốn nói với con một điều: Mẫu hậu không bao giờ làm những điều trái với lương tâm, đạo lý.
Toàn Nhi vừa khóc vừa gật đầu, lại nói:
- Mẫu hậu không nói thì Toàn Nhi cũng không bao giờ dám nghĩ như vậy về Mẫu hậu.
Ta lại tiếp:
- Những tranh đoạt hận thù chốn Hậu cung này ta không biết rồi sẽ đi tới đâu.
Chỉ mong con luôn biết giữ gìn sức khỏe, chăm chỉ luyện tập để cha con ở dưới suối vàng được vui lòng.
Nói mà trong lòng ta đau như cắt.
Tiếp đó quỳ xuống trước mặt Vĩnh Khang bảo:
- Vẫn chưa có kết luận của Đô hộ Phủ sĩ, nên chưa biết rồi đây ta sẽ như thế nào.
Việc trông nom Toàn Nhi giờ đây chỉ có thể trông mong vào mình cháu.
Xin cháu hãy vì dòng họ Dương mà yêu quý, lo lắng cho em ngày ngày.
Xin cháu hãy nhận của ta một lạy này, coi như là tạ ơn cháu, chứ giờ đây ta..
Vĩnh Khang thấy thế thì giật nảy mình, đỡ ta không kịp bèn quỳ theo.
Ta vừa dứt lời liền đỡ ta dậy bảo:
- Hoàng hậu không nên làm như vậy.
Được chăm nom Vệ Vương là phúc phận của cháu, nhất định cháu sẽ chu toàn.
Thêm nữa ở giữa Tràng An rộng lớn, có Vương đệ làm bầu bạn, cũng bớt nhớ nhà đi nhiều.
Nói rồi ba, bốn người lại nhìn nhau trong cảnh điêu tàn, tăm tối của Lãnh cung Không ai cầm được nước mắt.
Chừng bảy, tám ngày sau khi ta gặp Toàn Nhi, Đô hộ Phủ sĩ lại cho người qua hỏi cung.
Lần này không phải là quan Đô hộ Phủ sĩ, mà chỉ là một chức Biện lại nhỏ ở trong Đô hộ Phủ sĩ, tên là Phạm Văn Nghị.
Với vẻ mặt xấc xược, vị này tiến vào, thi lễ hết sức qua loa rồi bảo:
- Thôi hôm nay thần đến gặp Hoàng hậu không phải để dự yến tiệc, nên xin phép cho thần bớt khách khí.
Theo lệnh của Hoàng thượng, Đô hộ Phủ sĩ đã tra khảo tất cả người hậu kẻ hạ ở hai Cung nửa tháng nay, nhưng dù có đánh đến chết tất cả cũng chỉ có thể khai rằng không biết.
Vậy nên cũng chỉ có thể suy luận rằng Hoàng hậu đã sai người ban cho Diệu cô nương hạt sen, trong hạt sen có độc và Hoàng hậu chính là người biết rõ nhất về việc này.
Vậy xin Hoàng hậu hãy thành thật để tránh oan khuất cho những người khác.
Ta cười ha ha rồi bảo:
- Ngài Phạm Biện lại, nếu giờ đây ta nói rằng ta không làm việc đó nên ta không biết thì có ai tin ta hay không? Nếu ta nói rằng ta hoàn toàn vô tội thì có ai tin ta hay không?
- Việc đó cũng cần phải có chứng cứ rõ ràng, thưa Hoàng hậu.
- Ha ha ha..
Ta hiểu rồi.
- Vậy Hoàng hậu có phải chính là vì quá ghen tức khi thấy Diệu cô nương nhận được sự sủng ái của Hoàng thượng mà làm vậy?
- Ta vốn dĩ chưa bao giờ được Hoàng thượng sủng ái, vậy nên người khác có được sủng ái hay không ta thực sự không quan tâm!
- Phải chăng chính vì chưa bao giờ được sủng ái nên Hoàng hậu càng thêm hận?
- Lòng ta vốn đã hết sân si từ lâu rồi.
Tại sao ta phải vì những điều đó mà phải sát hại người khác?
- Phải chăng những hạt sen có độc này chính là Hoàng hậu đã sai người ở Đông Lỗ chuẩn bị và đưa tới?
- Những người ở Đông Lỗ không liên quan gì tới việc ở đây.
Đã thành thông lệ theo mùa, người ở đó lại thu hoạch sản vật ở trong Trang và gửi vào cho ta.
Năm nay cũng không phải là một ngoại lệ.
Ngươi đừng ăn nói hàm hồ!
Nói cứng như vậy, nhưng câu hỏi của Biện lý họ Phạm không khiến ta lạnh toát cả sống lưng.
Không lẽ những âm mưu tranh đoạt này nhằm tới cả những người ở Đông Lỗ? Nếu tới đây Triều đình vin cớ này cho khám xét, tra khảo Trang Đông Lỗ thì sẽ ra sao? Nghĩa mẫu và nghĩa phụ ta đều đã không còn, chỉ còn những người anh em trong dòng tộc họ Dương thay nhau chăm lo ở đó.
Những người họ mạc đó của ta có thù oán gì với những người ở Triều đình? Như vậy không phải là quá đáng lắm sao! Suy nghĩ một hồi ta lại thấy bình tâm lại, cũng có thể tên Biện lý họ Phạm chỉ rung cây dọa ta vậy thôi chứ không đời nào dám làm thế.
Nếu những người ở Võ đường kháng lại, xảy ra loạn lạc thì cũng không phải là việc hay.
Dù kẻ nào định hãm hại ta, thì kẻ ấy hẳn phải có thế lực lớn ở Triều đình.
Mà như vậy thì hẳn phải hiểu chuyện, không thể làm liệu vậy được.
- Sao thế Hoàng hậu? Sao người lại ngây người ra như vậy? Phải chăng người đã nhớ ra điều gì? Nếu người ở Đông Lỗ không làm, thì chắc chắn là người ở Dương cung làm việc đó thôi.
Có lẽ Hoàng hậu nên nói sớm ra để không ảnh hưởng tới những người vô tội khác! Là người đã sai ai làm việc đó? Mua chuộc bằng gì mà có thể chết cũng không khai?
- Ngài Phạm Biện lý, đừng hồ đồ như vậy! Nói thế khác nào ngài bảo Hoàng hậu chính là thủ phạm!
Lan Nhi nãy giờ đứng bên cạnh theo dõi sự việc, giờ không giấu nổi bức xúc cất tiếng.
- Thực ra thì Đô hộ Phủ sĩ từ lâu chính là đã kết luận như thế.
Chỉ có điều do ý của Hoàng thượng, muốn điều tra cho rõ ràng mà thôi.
Nhưng dù vậy thì việc này Hoàng thượng cũng không thể cứu được Hoàng hậu rồi.
Bởi Diệu cô nương chính là được Hoàng thượng sủng ái nhất vậy! Vậy nên Hoàng hậu và cô nương đây cũng không nên ngoan cố làm gì! Cũng đã làm liên lụy tới bao kẻ hầu, người hạ rồi.
Hay chính cô nương đây đã giúp Hoàng hậu thực hiện việc đó?
Nói đến đây Biện lý họ Phạm đập hai bàn tay vào nhau đánh bốp một cái rồi tiếp:
- Chính là cô nương! Tại sao Đô hộ Phủ sĩ lại bỏ xót, không thẩm vấn cô nương nhỉ! Chính là cô nương đã cùng Hoàng hậu bàn tính và chính cô nương đã làm việc này đúng không? Đó chính là lý do vì sao không kẻ hầu người hạ nào biết được việc này!
Nghe cái giọng lè nhè cùng những luận điệu suy luận hồ đồ, vô căn cứ của Biện lý họ Phạm, ta không chịu được nữa, liền quát lên:
- Thôi ngài đừng ở đây nói nhăng nói cuội nữa.
Ngài có thể nói ta thế nào cũng được, nhưng tuyệt đối không được nói những điều điên loạn đó với thị nữ của ta.
Ngài hãy mau chóng trở về Đô hộ Phủ sĩ và bảo bọn họ, nếu họ vẫn làm ăn tùy tiện như thế, thì tùy các ngài, muốn kết luận như thế nào thì kết luận, đừng làm phiền đến chúng ta nữa.
Ngài hãy đi ngay đi!
Phạm Biện lý thấy ta quát lên thì không khỏi giật mình, nhưng vẫn tỏ vẻ không nao núng:
- Như vậy ý Hoàng hậu là người nhận hết mọi tội?
- Cút mau ra khỏi đây! Ta đứng bật dậy khỏi ghế, gào to lên.
Biện lý họ Phạm thấy vậy, tuy tỏ vẻ không nao núng mà vẫn vội vã chạy như bay ra khỏi phòng.
Nói xong ta phút chốc hụt hơi, ngồi thở phì phò ở bên bàn.
Lan Nhi đã nước mắt lưng chòng ở bên cạnh.
- Giờ đây bọn người này có thể ăn nói hàm hồ, xấc xược như vậy, có thể thấy chính là Hoàng thượng và Đô hộ Phủ sĩ cũng đều đi đến kết luận chính là chúng ta là thủ phạm.
Hoàng hậu, chúng ta phải tính sao đây?
Ta ngồi, đầu gục vào ngực ở bên ghế.
Chỉ có thể thốt ra một tiếng thở dài.
- Chúng ta còn có thể làm gì được nữa hay sao?
- Hoàng hậu hãy xin gặp Hoàng thượng, giải thích cho Hoàng thượng và nhờ Hoàng thượng giúp đỡ chứ.
Thêm nữa Hoàng hậu cũng cần phải cho Hoàng thượng biết rằng mình đang mang Long thai chứ.
Biết đâu..
Ta hiểu ý nghĩa của việc nàng bỏ lửng câu nói.
Cái ý nghĩ ấy của nàng làm ta bực mình! Ta bèn gắt lên:
- Ta không cần như thế! Nếu ta phải sống ở nơi này suốt cuộc đời thì đứa con này cũng sẽ sống ở đây cùng ta.
Ta đây không bao giờ cầu xin sự ân sủng, bố thí của ai cả!
Thực ra ngay từ khi sự việc xảy ra, ta đã nghĩ đến Lê Hoàn.
Nhưng khi Lan Nhi nói tới việc đi cầu xin, nhờ vả, lòng tự trọng của ta bị tổn thương ghê gớm.
Nói thế xong rồi, bao ẩn ức như nổ tung ra.
Ta ngồi đó khóc như một đứa trẻ con.
Năm ngày sau người của Đô hộ Phủ sĩ mang tới một Bố cáo: Sau thời gian điều tra, Đô hộ Phủ sĩ đi đến kết luận, Hoàng hậu Dương Vân Nga vì không được sủng ái mà sinh lòng ghen ghét với Diệu cô nương, từ đó dẫn tới âm mưu hạ độc, hại người, lại chối tội quanh co, không thành thật, gây liên lụy cho bao người khác, nên phạt giam lỏng trong Lãnh cung cả đời.
Cắt chín phần mười bổng lộc, cấm giao du với bên ngoài.
Vẫn biết là mọi chuyện sẽ là như thế.
Mà đến khi nó xảy ra vẫn không khỏi choáng váng.
Phải chăng chính là Lê Hoàn đã không can thiệp gì nên mọi việc mới đi đến nước này? Tại sao việc khép ta vào tội giết người Lê Hoàn phải chăng cũng thờ ơ không quan tâm? Nếu Lê Hoàn, hiện đang là Đương kim Hoàng thượng, chính là Lê Hoàn mà ta biết, thì ta tin rằng Lê Hoàn đó biết ta không phải là thủ phạm.
Từ khi chúng ta gặp nhau lần đầu tiên ở trên sông Càu Chày đến giờ đã hơn hai chục năm đi qua, tuy có khi nắm nay nhau, tuy có lúc cùng ở Hoa Lư mà ngàn trùng xa cách, nhưng ta là người như thế nào Lê Hoàn chắc phải hiểu chứ? Vậy tại sao khi xảy ra sự việc Lê Hoàn không đến gặp ta, hỏi han ta? Phải chăng Lê Hoàn giờ đây chính là tin rằng ta là người đã làm việc đó? Càng nghĩ càng thấy quá đau lòng!
Đang miên man với ý nghĩ đó, cố ngăn không cho dòng lệ rơi ra trước những khuôn mặt xấc xược của người ở Đô hộ Phủ sĩ thì thấy Lan Nhi cất tiếng:
- Bẩm quan gia, xin cho tiện nữ theo ngài đến Đô hộ Phủ sĩ, tiện nữ có chuyện muốn bẩm báo với các ngài ở đó!
- Cô nương biết được chuyện gì tại sao giờ đây mới chịu bẩm báo chứ?
- Là chuyện rất quan trọng, không tiện nói ở đây!
- Có thực sự quan trọng không hay cô nương định làm mất thời gian của bọn ta?
- Là chuyện liên quan tới mạng người sao lại có thể lừa các ngài được.
Bất quá các ngài cứ lấy mạng ta mà bù vào là được chứ gì!
Trong chốc lát ta đứng ngây người nhìn nàng, tạm thời chưa hiểu được chuyện gì xảy ra.
Đến khi chắp nối với những điều nàng đã khuyên nhủ ta thì lờ mờ hiểu ra.
Ta quát lên, ngăn nàng lại:
- Lan Nhi! Em đừng làm chuyện hồ đồ! Hãy bỏ ý định ấy đi!
Nhưng vừa kịp nói tới đó thì Lan Nhi đã nhanh chân chạy ra khỏi phòng, các vị quan quân liền theo sau rồi họ dắt díu nhau đi.
Ta đuổi theo nàng liền bị thị vệ ngăn lại.
Nên đành đứng ở cửa phòng nhìn theo dáng nàng ta nhỏ bé, lẫn giữa đám quan quân đang khuất dạng dần trong ánh nắng gay gắt bên ngoài.
Nàng thị nữ này điên rồi! Nàng ta thì biết được cái gì chứ! Nàng ta định toan tính điều gì? Nàng ta cứ nhất định phải gặp được Lê Hoàn, phải nói những ý định của nàng ta hay sao? Nàng ta cứ nhất định phải làm trái ý ta mới được hay sao? Hay nàng ta có ý định gì khác? Như thế nào?
Những câu hỏi không có lời đáp về hành động của Lan Nhi như quay mòng mòng trong đầu ta.
Ta ngồi thừ ở bên bàn, lòng như lửa đốt.
Chập tối, một thị nữ trẻ tất tả đi tới phòng ta.
Nàng ta lẩm bẩm điều gì đó trong miệng, rồi vội vã chạy đi thắp đèn trong phòng lên.
Xong xuôi chạy lại trước mặt ta thi lễ rồi bảo:
- Thần thiếp là Tiểu Hồng, tới đây sẽ thay Tiểu Lan cô nương hầu hạ Hoàng hậu trong thời gian nàng ta vắng mặt.
- Lan Nhi đâu?
- Hiện tại Tiểu Lan cô nương đang ở Đô hộ Phủ sĩ để làm việc với các vị bên đó.
Chắc cũng phải mất vài ngày nên Hoàng thượng đã cử thần tới đây để thay nàng ta chăm sóc Hoàng hậu.
- Lan Nhi vẫn ổn cả chứ?
- Chắc là..
ổn thưa Hoàng hậu.
Ta định hỏi thêm Tiểu Hồng về Lan Nhi, nhưng nghe nàng ta nói vậy chắc cũng không biết gì hơn.
Nên lại ngồi thừ ra.
Nàng ta thấy ta im lặng, cũng đợi thêm một lúc nữa, nhưng rồi không thấy ta nói gì, bèn lui ra phía sau nhà cùng người hầu bếp chuẩn bị cơm và nước tắm cho ta.
Lúc Tiểu Hồng xếp mâm cơm ra, mới nhớ ra buổi trưa ta đã không ăn gì.
Không có Lan Nhi ở đây nhắc nhở, mụ hầu bếp lười biếng – kẻ hầu người hạ duy nhất ở đây cũng đã mặc xác ta, không chuẩn bị cơm cho ta.
Vậy mà đến khi mâm cơm bầy ra cũng không thể ăn nổi.
Nghĩ đến đứa con trong bụng ta cố và lấy nửa bát cơm mà rồi cũng bỏ dở.
Không biết giờ này Lan Nhi đang ở đâu?
Sáng sớm hôm sau khi ta tỉnh ngủ dậy, đã thấy có kiệu từ Dương Hậu cung đến trước cửa Lãnh cung trực chờ sẵn.
Khi biết ta đã tỉnh, Phạm Công công liền tiến vào thỉnh an sức khỏe rồi mời ta về lại Dương cung.
Ta có hỏi sao bỗng dưng ta lại được trở lại đó, thì chỉ bảo đó là lệnh của Hoàng thượng, Hoàng hậu không nên băn khoăn nhiều hao tổn tới sức khỏe, mau hồi cung rồi hãy bàn.
Thế là Tiểu Hồng cùng ta thu vén lại chút đồ ít ỏi, rồi trở lại Dương cung.
Trở lại Dương cung, thấy cảnh vật không có gì thay đổi.
Chỉ có điều, ngoài Phạm Công công vẫn là người truyền tin, cai quản chung ở đây và một vài người làm vườn vốn dĩ ít qua lại trong Cung vẫn được giữ nguyên, thì đa phần người hầu kẻ hạ đều đã thay đổi.
Lan Nhi vẫn chưa được trở về.
- Vì sao nhân sự có nhiều thay đổi như vậy? – Ta hỏi Phạm Công công trong lúc ngài đang phân công công việc và chỉ đạo người hầu kẻ hạ phải phục vụ ta cho chu đáo.
Phạm Công công có vẻ lúng túng bảo:
- Là Hoàng thượng..
Hoàng thượng muốn thay đổi.
Có vẻ những người trước đây không còn..
đáng tin nữa.
- Ngài có biết Lan Nhi hiện đang ở đâu không?
- Thần thực sự không biết thưa Hoàng hậu.
Thần cả ngày chỉ quanh quẩn ở đây, những việc Triều đình chính sự thần không biết, mà những việc ở Đô hộ Phủ sĩ thì càng mù tịt thông tin, thần không có cách nào biết được.
Xế chiều có Ngự y ở bên thành Đông sang bắt mạch và bốc cho ta ít thuốc bổ, lại dặn ta đi lại cẩn thận, ăn uống dè chừng kẻo ảnh hưởng tới thai nhi.
Nói xong rồi đi về.
Quả nhiên Lan Nhi ngốc nghếch đã quyết thực hiện cho bằng được cái ý định của nàng ta – nói cho Lê Hoàn biết việc ta đang mang thai.
Có lẽ vì thế mà ta được trở lại Dương cung.
Nhưng chả lẽ chỉ có như vậy? Sao đến giờ nàng vẫn chưa về? Tại sao hỏi khắp người hầu kẻ hạ không ai hay một tin tức gì về nàng ta? Không lẽ Đô hộ Phủ sĩ cách ly nàng ta kỹ càng đến vậy hay sao? Thực sự nàng ta có năm giữ trong tay bí mật gì hay không mà cần giữ kín thông tin như vậy? Mà, nàng ta có thể nắm trong tay bí mật gì? Nàng ta đi với ta sáng cũng như tối, lúc nào cũng như hình với bóng, cận kề nửa bước không rời, vậy thì có thể biết được bí mật gì ở bên Diệu nữ cung?
Ngày vẫn nối tiếp ngày trôi qua mà với bao băn khoăn.
Vẫn không nghe được tin tức gì về Lan Nhi.
Ta không khỏi cảm thấy có nhiều linh cảm xấu.
Có những đêm ta nằm mơ những giấc mơ lộn xộn và hãi hùng.
Nhiều đêm ta bật dậy giữa đêm rồi không thể nào ngủ trở lại được nữa.
Nghe tin ta đã được trở lại Dương cung, Toàn Nhi và Dương Vĩnh Khang bèn từ thành Trang An sang thăm ta.
Thấy ta có vẻ gầy đi nhiều, Toàn Nhi hết sức thương xót, cứ khấu đầu thỉnh an và khóc lóc mãi.
Ta cầm tay con và bảo:
- Mọi việc ở đây đã ổn rồi, con không nên quá đau lòng.
Con hãy cứ ở bên đó luyện tập cho tấn tới là ta yên lòng.
Lại quay sang Vĩnh Khang bảo:
- Tuy ta đã được trở lại Dương cung, nhưng ngày mai ra sao cũng chưa thể biết được.
Mong cháu thời gian tới vẫn quan tâm, săn sóc em Toàn giúp ta.
Vĩnh Khang quỳ xuống bảo:
- Hoàng hậu không nói thì cháu cũng nhất định ở bên chăm sóc Vệ Vương.
Chính là ý nguyện của cha cháu đã như vậy rồi
Vĩnh Khang và Toàn Nhi ở lại ăn cơm, nói chuyện với ta đến chiều thì rời đi để còn kịp trở về thành Nam trước lúc trời tối.
Nhìn hai anh em rời đi trong bóng chiều bảng lảng, không khỏi thấy đau đớn ở trong lòng.
Chính là khi xưa ta đã sai lầm mà trở lại Hoa Lư này làm Hoàng hậu nhà Lê phải không? Nên nỗi giờ đây mẹ con ta xa cách, chia lìa? Nếu còn sống ở Đông Lỗ, mẹ con ta sẽ được bên nhau quây quần sớm tối, tự do tự tại.
Giờ về đây con ta mang thân phận ông vua đã thất thế, phải lang thang trên cung điện, đền đài mà mình từng trị vì..
Lại thêm những tranh đấu rồi không biết sẽ đi về đâu này!
Có khi nào rốt cuộc, chính là Lê Hoàn không còn chút tình cảm nào với ta, nhưng lại muốn trói buộc mẹ con ta, chính là trói buộc vị vua đã bị phế Đinh Toàn, nên nhất định phải đòi mẹ con ta trở về Hoa Lư cho bằng được? Cũng như khi xưa họ Đinh đã từng trói buộc mẹ con Kiểu Quốc Hoàng hậu? Giữ Toàn Nhi ở Hoa Lư thì an toàn hơn rất nhiều so với để Toàn Nhi ở Đông Lỗ, bởi nếu Toàn Nhi có ý định tạo phản, tập hợp môn sinh trong Võ đường Dương Xá lại thì sao? Có phải đó chính là lí do? Ý nghĩ ấy chợt lóe lên trong đầu ta khiến không khỏi xót xa.
Nhưng có khóc lóc cũng không thể nào thay đổi được điều gì nữa rồi!
Đã bảy ngày kể từ khi ta trở lại Dương cung, vẫn không nghe được một tin tức gì về Lan Nhi.
Hỏi ai cũng lắc đầu bảo không biết.
Nhưng trả lời xong họ có thái độ lúng túng, dấu dấu diếm diếm rất kỳ lạ.
Lòng ta không yên được nữa! Chắc chắn là có việc gì xấu đã xảy ra với nàng ta rồi! Bọn người hầu kẻ hạ hẳn phải nghe được tin gì đó nhưng không kẻ nào dám nói cho ta biết, hoặc giả đã bị lệnh cấm từ Lê Hoàn.
Nhưng có thể là việc như thế nào?
Buổi chiều ngày thứ tám, nỗi lo lắng bừng bừng như lửa đốt ở trong lòng, ta cho gọi Phạm Công công vào bảo:
- Xin Công công hãy chuẩn bị kiệu, ta muốn qua Đô hộ Phủ sĩ để hỏi về tình hình Lan Nhi!
Phạm Công công nhìn ta ái ngại rồi bảo:
- Là việc gì xin Hoàng hậu cứ để hạ thần chuyển lời.
Xưa nay Hoàng hậu, phi tần không được phép tới Đô hộ Phủ sĩ, trừ khi có việc liên quan hoặc các việc quốc gia đại sự!
- Không nói nhiều nữa! Chuẩn bị kiệu!
Ta quát lên, máu như xôi lên sùng sục, mắt như nhảy ra ngoài.
Thấy hình dung ấy của ta Phạm Công công cũng không khỏi hốt hoảng, vội chạy ra ngoài chuẩn bị kiệu.
Thấy ta xông thẳng vào Đô hộ Phủ sĩ, các vị tai to mặt lớn đang ngồi làm việc sau những chiếc bàn chất đầy giấy tờ, sổ sách ngước lên nhìn, không khỏi ngơ ngác.
Xưa nay chốn này vốn chỉ dành cho các đấng mày râu, dành cho việc giải quyết những vụ án nghiêm trọng.
Tuy không có quy định nào được ban bố, nhưng có lẽ do tính đặc thù của công việc đó mà phụ nữ, đàn bà chẳng mấy khi bén mảng tới.
Lâu dần trở thành lệ bất thành văn.
Xưa nay các Hoàng hậu, phi tần, xông thẳng vào Ngự điện, vào Ngự thư phòng của Hoàng Đế thì có, chứ xông thẳng vào Đô hộ Phủ sĩ chắc là hết sức hiếm, nên sau khi ngơ ngác thì họ chuyển sang nhíu mày, tỏ vẻ khó chịu khi thấy sự xuất hiện của ta.
Ta mặc kệ, xông thẳng vào phòng của ngài Đô hộ phủ sĩ sư.
- Ngài Đô hộ phủ sĩ sư, xin cho ta biết Lan Nhi, thị nữ của ta đâu rồi?
Khi nhìn thấy ta, ngài Đô hộ phủ sĩ sư có vẻ giật mình, nhưng khi nghe câu hỏi của ta, thì ngài bình thản hết mức, thong thả bảo:
- Nguyễn Thị Lan hiện đang được cách ly để điều tra về vụ án hạ độc Nguyễn Thị Diệu cô nương.
Thần chỉ có thể cho Hoàng hậu biết như vậy, không thể cho biết gì hơn.
Xin Hoàng hậu hãy trở về Hậu cung và chờ thêm tin tức.
Ta cố gắng làm ầm lên, ép ngài Đô Hộ phủ sĩ sư nói cho ta biết thêm thông tin nhưng không thu được gì khác ngoài cái câu ở trên.
Bất lực, đành trở ra kiệu, bắt người đưa đến Ngự thư phòng gặp Lê Hoàn.
Ở Ngự thư phòng, Lê Hoàn đang ngồi làm việc.
Thấy ta đi vào, dù đã được Thị vệ chạy ào vào báo trước, vẫn một mực lãnh đạm thờ ơ, không ngẩng lên, cũng không hỏi một lời.
Ta tiến tới thi lễ, Lê Hoàn gật đầu, nhưng tay vẫn viết lách không ngừng.
Nuốt ngược vào trong, ta cất lời:
- Thần thiếp mạo muội tới gặp để hỏi về tình hình Lan Nhi.
Thần thiếp đã qua Đô hộ Phủ sĩ nhưng không ai chịu nói cho thần thiếp biết, nên thần thiếp không còn cách nào khác là liều tới đây để xin gặp Hoàng thượng.
- Chỉ vậy thôi sao? Lê Hoàn vẫn không ngẩng lên, chỉ hỏi một câu cụt lủn như vậy.
Ta bị ngỡ ngàng, không hiểu nổi ý của Lê Hoàn.
- Nàng ta bị Đô hộ Phủ sĩ giam giữ gần chục ngày nay mà không có một tin tức gì.
Dù sao đó cũng là thị nữ theo hầu thần thiếp từ nhỏ, thần thiếp không thể tránh hỏi lo lắng, bất an.
- Nguyễn Thị Lan đã nhận tội chính là chủ mưu hạ độc nàng Diệu, hiện đang bị biệt giam chờ xét xử.
Tội của nàng ta, nàng ta sẽ bị trừng trị thích đáng.
Còn Hoàng hậu, hãy về đi và không nên quan tâm tới việc này nữa.
Ta nghe một mớ bùng nhùng bên tai, không thể hiểu là mình đang nghe gì nữa.
Lan Nhi lại có thể là chủ mưu hạ độc Diệu cô nương? Thật là hoang đường! Nàng ta hại Diệu cô nương làm gì! Lúc nào nàng ta cũng ở bên ta như hình với bóng, thì nàng ta làm những việc đó vào lúc nào? Việc mang hạt sen sang tặng Diệu cô nương chỉ là một chủ ý ngẫu hứng của ta, làm sao lại có thể âm mưu việc đó được? Tại sao chuyện vô lý như thế mà nàng ta cũng nhận và người ta cũng tin!
- Không thể có chuyện đó được thưa Hoàng thượng! Đó thực sự là một việc hoang đường! Nàng ta không thể làm việc như thế được!
- Nàng ta đã nhận tội và ký vào biên bản lời khai.
Mọi việc đã kết thúc rồi, Hoàng hậu hãy về cung nghỉ ngơi đi!
Ta vội quỳ xuống giữa thư phòng, nước mắt đã lưng tròng:
- Xin Hoàng thượng cho thần thiếp gặp nàng ta một lần.
Một chuyện như vậy không thể do nàng ta làm được!
Lê Hoàn đứng dậy khỏi bàn viết, nhìn ra phía cửa sổ, quay lưng lại với ta, nói thêm:
- Nàng ta sẽ bị đánh và bị đuổi về quê trong nay mai.
Hoàng hậu sẽ không được gặp nàng ta nữa đâu! Đừng làm mất thời gian của ta nữa! Hãy mau chóng hồi cung đi!
Nói rồi gọi Cấm vệ quân tới đưa ta về.
Dứt lời thì bỏ ra khỏi Ngự thư phòng, để ta một mình ở đó.
Ta quỳ sụp xuống giữa phòng khóc lóc một hồi, không ngừng van xin cho ta gặp Lan Nhi lần cuối.
Nhưng biết là có khóc cũng vô ích, cũng không muốn làm phiền tới các Cấm vệ quân vẫn nhẫn nại chờ ta nãy giờ, một hồi đành tự đứng lên đi về.
Thế này là như thế nào! Tại sao mọi việc lại thành ra như thế này? Làm sao nàng ta có thể làm thế được? Tại sao Lê Hoàn nỡ đẩy nàng ta rời khỏi đây mà không gặp ta một lần! Làm sao lại đuổi nàng ta về quê! Nàng ta làm gì có gia đình, có quê hương nữa mà về quê! Hay Lê Hoàn và Đô hộ Phủ sĩ đã giết nàng ta rồi? Có lẽ thế chăng!
Ta cảm thấy đau đớn toàn thân, người rũ ra như một cái rau héo, đến nỗi không thể bước nổi nữa, khiến các Cấm vệ quân phải dìu ta trở ra kiệu.
Buổi tối đang ngồi ở trên giường, nghĩ tới việc ngày mai sẽ tới trước Ngự thư phòng quỳ gối cả ngày, hoặc bao lâu cũng được để xin Lê Hoàn cho ta gặp Lan Nhi, thì bỗng thấy đám gia nhân thị vệ trong Cung lao xao cả dạ dan cả lên.
Ngẩng lên thì đã thấy Lê Hoàn lao xộc vào phòng.
Ta chưa kịp đứng lên thi lễ vấn an thì đã cất tiếng bảo:
- Nàng hãy thôi ngay những ý nghĩ điên rồ về Lan Nhi đi! Hãy nghĩ đến Long thai trong bụng nàng và nghĩ đến những người xung quanh nữa, tới gia tộc, tới học mạc.
Nếu Long thai có vấn đề gì, lúc đó ta không dám đảm bảo bất kỳ điều gì đâu!
Nói dứt lời lại rời di luôn, nhanh như một cơn gió.
Nếu không phải nhìn thấy bọn người hầu kẻ hạ quỳ mọp ở dưới sàn nhà thì ta còn nghĩ đó chỉ là một giấc mơ.
Ta không thể kìm nổi một cái bậm môi tức giận, mà nước mắt thì đã nhạt nhòa trên bờ mi.
Lần đầu tiên sau mấy năm trời ta trở về Hoa Lư, Lê Hoàn mới đến nơi này một lần.
Vậy mà cũng chỉ có thể nói những lời vô tình như vậy!
Ta với Lan Nhi gần ba mươi năm nay gắn bó như chân với tay, còn hơn cả chị em ruột thịt.
Nàng ta chính là có phúc cùng hưởng, có họa cùng chịu, nếm mật nằm gai với ta vậy.
Vậy mà khi nàng ta đột nhiên biến mất không một dấu vết, Lê Hoàn còn định bắt ta phải sống vui vầy, hạnh phúc hay sao! Thật là một kẻ máu lạnh! Ra là bấy lâu nay ta đã nhìn nhầm về con người này ư?
Đau đớn là vậy, nhưng rồi ta cũng không có cách nào tìm ra được chân tướng sự việc.
Dò la hỏi han kẻ hầu người hạ thì bọn chúng cũng chỉ một mực không nghe, không thấy, không biết gì hơn.
Nhưng thái độ lúng túng cùng cái nhìn hấp háy của chúng khiến ta tin rằng chúng có biết gì đó.
Chỉ là chắc chắn, chúng đã bị Lê Hoàn bịt mồm mà thôi..
Bình luận
Bình luận
Bình luận Facebook