Nhị Triều Hoàng Hậu - Dương Vân Nga FULL
21: Nhường Ngôi Chống Tống


Thấm thoắt cũng đến rằm tháng Bảy.
Ngày Mười lăm, ta cùng Lan Nhi lên chùa Am Tiên cầu siêu cho cha con họ Đinh và bốn hạ bộ trung thành.
Từ khi cùng Toàn Nhi nhiếp chính, ta thực ra mà nói không còn thời gian để đi chùa lễ Phật nữa.

Nhưng giờ ta lại muốn đi.

Dù sao rằm tháng Bảy vừa là ngày lễ Vu Lan, vừa là ngày xá tội vong nhân.
Sau khi đã dâng hương lễ Phật, đọc kinh cầu siêu xong, chủ tớ lục tục đi về.

Đi đến cổng chùa thì một ý nghĩ lướt qua đầu ta.
Ta đứng lại bên dưới tán cây keo đang nở hoa vàng rực rỡ suy nghĩ trong một chốc rồi quay lại bảo với Lan Nhi lúc này đang đứng sững nhìn ta chờ đợi:
- Ta muốn ở lại đây mấy hôm để ăn chay niệm Phật, cầu độ siêu thoát cho họ Đinh và những người đã khuất.

Em hãy về báo để Phó Vương cùng Hoàng Thượng lo liệu mọi việc triều chính.

Cũng không cần nói rõ lý do, chỉ cần báo ta sẽ ở lại chùa tĩnh dưỡng mấy hôm rồi ta sẽ về là được.

Rồi em qua cung Cồ Quốc mang một số vật dụng cá nhân cần thiết lên đây cho ta.

Nhớ chọn những đồ thanh đạm và đơn giản thôi rồi trở lên đây cho sớm.
- Như vậy có được không Thái hậu? Bỏ bê hết tất cả mà ở lại chùa như vậy thật sao? Em nghĩ..
Lan Nhi bỏ lửng câu nói khi thấy ta đã dứt khoát quay lưng đi trở lại chùa.

Nhưng nàng ta vẫn lừng khừng chưa muốn rời, khiến ta phải cất tiếng bảo:
- Em không đi nhanh cho kịp, rồi quay trở lại đây trước lúc trời tối, còn định đứng đó đến bao giờ?
Đến lúc ấy nàng ta mới ba chân bốn cẳng trở xuống núi.
Lúc ấy trời đã gần trưa rồi.
Đến chiều tối nàng ta với hai thị nữ khác mới xách theo một số vật dụng cơ bản lên.

Chuyển đồ vào phòng, xếp dọn xong ta cho hai nàng ấy về lại Cung luôn.

Thế là chỉ còn lại ta cùng Lan Nhi ở lại chùa.
Sáng sáng chúng ta dậy sớm cùng ni cô Giác Huệ tụng kinh, ăn cơm sáng rồi giúp nhà chùa nhặt cỏ, trồng rau trong những khoảnh vườn nhỏ xung quanh chùa.

Buổi chiều thì dọn dẹp và tung kinh chiều.

Buổi tối thì tụng kinh và thiền định trước khi đi ngủ.

Những lúc rảnh rỗi thì ngồi uống trà nhài, trà cúc đàm đạo sự đời, hay nghe ni cô Giác Huệ giảng giải kinh sách.

Cuộc sống thanh đạm và yên bình đến không ngờ.

Nếu không phải là Toàn Nhi vẫn còn thơ ấu mà phải một mình gánh vác giang sơn ở dưới kia, thì có khi ta cũng chẳng thiết hồng trần nữa, ở lại luôn nơi này cũng nên.
Vào buổi chiều sau khi đã ở lại chùa được ba ngày, lúc ta đang đứng tưới cây ở bên hiên chùa, không chủ định mà lơ đãng nhìn ra cổng chùa thì thấy Lê Hoàn đang đứng đó, dưới tán cây keo có những bông hoa vàng ruộm mà hương thơm đưa đi khắp cả một vạt núi rừng.

Mặt trời đang xuống.

Bóng núi hắt xuống con đường nhỏ.

Sương khói dâng lên bảng lảng tứ bề.

Bấy giờ ta chỉ nghĩ đó là một ảo ảnh.

Sương khói quá mà ta đâm ra quáng gà chăng? Chắc chắn là một ảo ảnh! Bởi gương mặt của Lê Hoàn trông hết sức dịu dàng, và ánh mắt hết sức ấm áp đang hướng về phía ta.

Làm sao có thể có chuyện đó! Chỉ có thể là ảo ảnh thôi!
Thế mà ảo ảnh ấy vẫn khiến ta giật nảy mình! Vội vã quay đi! Tâm trí rối bời! Một lúc sau mới dám từ từ quay lại nhìn.

Không khỏi giật mình lần nữa! Vì đó không phải là ảo ảnh, mà là Lê Hoàn bằng xương bằng thịt đang bước theo những bậc tam cấp tiến dần về phía ta.

Chỉ có điều không còn khuôn mặt dịu dàng như ban nãy, mà thay vào đó là vẻ hững hờ với ánh mắt sâu lạnh như nước hồ mùa đông.

Cứ như thể chỉ trong một sát na mà con người ấy đã kịp thay một chiếc mặt nạ vậy.
Hay ban nãy ta chính là ta nhầm, chính là ảo ảnh?
Tại sao Lê Hoàn lại một mình xuất hiện ở đây? Đến tìm ta ư? Có việc gì? Đã bao giờ chúng ta gặp nhau một đối một mà lại ở chốn vắng vẻ, tịch liêu như thế này đâu? Ta nên nói gì? Ta biết nói gì đây? Ta cứ đứng đó với những ý nghĩ rối bời ở trong đầu, nhìn Lê Hoàn đang dần đi tới.

Ta có cảm giác như ta là một con chuột nhỏ đã bị một con rắn thôi miên, cứ đứng tê liệt ở đó chờ con rắn độc trườn đến và tiêu diệt vậy..
Ta chỉ như bừng tỉnh khi thấy Lê Hoàn dừng lại trước mặt ta, khẽ cúi đầu thi lẽ rồi chậm rãi bảo:
- Thần lên tận đây mời Thái hậu về lại Cung vì có việc rất hệ trọng cần bàn bạc.

Thái hậu hãy bảo thị nữ thu dọn đồ đạc rồi trở về luôn thôi!
Ta buông rơi chiếc gáo dừa trên mặt đất.

Một tiếng "cộc" khô khốc vang lên.

Nước bắn tung tóe ướt hết cả chân váy.
- Việc gì vậy? Phải chăng là Toàn Nhi bị làm sao?
Lê Hoàn đưa mắt nhìn chằm chằm vào chân váy bị ướt một lúc, nhưng cũng không có biểu hiện gì.

Chỉ từ tốn bảo:
- Hoàng Thượng rất khỏe mạnh.

Là việc liên quan tới bang giao tế thế.

Xin Thái hậu đừng quá lo lắng – Nói rồi quay sang bảo với Lan Nhi, lúc này đã xách một thùng nước tới gần đó tự bao giờ: Nhà ngươi hãy hầu Thái hậu thu dọn đồ đạc.

Ta cùng thị vệ sẽ đợi ở dưới chân núi.

Hai người hãy mau lên kẻo trời tối.
Tuy đồ đạc mang lên đây không nhiều, nhưng vì chỉ có một chủ, một tớ lại đang lo lắng nên chúng ta cứ luống cuống như gà mắc tóc.


Rốt cục một lúc lâu sau mới sắp xếp xong xuôi.
Ngày tháng Bảy ngắn chẳng tày gang.

Đến khi ta và Lan Nhi xuống đến chân núi nơi Lê Hoàn cùng một chiếc xe ngựa nhỏ đang đứng đợi thì trời đã nhá nhem tối.
Xếp sắp xong xuôi, Lê Hoàn đi ngựa phía trước, hai thị vệ triều đình đánh xe theo sau, cứ thế đi thẳng một mạch tới Ngự điện.
Xuống xe đi vào trong, thấy đèn đuốc sáng trưng, có Tâm phúc tướng Phạm Cự Lượng, Từ Mục Tướng quân, Đinh Thừa Chính, và Khuông Việt đại sư đang chờ sẵn.
Sau khi thi lễ thỉnh an xong xuôi, Tâm Phúc Tướng quân Phạm Cự Lượng đưa mắt nhìn Phó Vương Lê Hoàn như thể tìm kiếm sự đồng thuận, sau đó mới kính cẩn trình bày:
- Bẩm thái hậu, vừa nãy có quân lính ở Châu Lạng đưa thư hỏa tốc về báo, hiện quân Tống đang triệu tập tướng lĩnh, chuẩn bị lực lượng để xâm lược Đại Cồ Việt.

Dự kiến chỉ chừng một, hai tháng nữa là phát binh.

Vì vậy chúng thần phải vời người về gấp để bàn đối sách là như vậy.
Ta cầm thư từ Châu Lạng gửi về lên đọc, đọc từng câu từng chữ mà đọc đến đâu như rụng rời cả chân tay tới đó.

Mồ hôi toát ra lạnh ớn khắp người.

Rồi có cảm giác như tất cả những sợ tóc ở trên đầu đều dựng đứng cả lên vậy.

Nghe tin họ Đinh bị ám sát, rồi tin Ngô Nhật Khánh Phò mã dẫn một ngàn chiến thuyền Chiêm Thành tiến về Đại Cồ Việt cũng không làm ta kinh hoàng đến thế.

Bởi đây là giặc phương Bắc! Là bè lũ nhà Tống!
Giặc phương Bắc đã ngót ngàn ngăm đô hộ Đại Cồ Việt.

Vừa mấy chục năm qua, nhờ Ngô Tiên Đế giết Kiều Công Tiễn mà dựng nên nền độc lập dân tộc.

Lại thêm bao nhiêu năm cát cứ phân tranh, giờ đất nước mới bình yên thì chúng lại rình rập nơi bờ cõi.

Nếu không có chiến lược kháng chiến phù hợp, đất nước lại rơi vào tay chúng, thì Hoa Lư này sẽ bị giày nát dưới gót quân thù.

Rồi cảnh nô lệ, lầm than, cơ cực! Chao ơi!
- Sau khi Đinh Tiên Đế cùng Nam Việt Vương qua đời, sứ thần phương Bắc vội vã xin trở về nước thì ra chính là vì việc này.

Chính ta đã phê duyệt tấu chương đó..

- Ta chỉ nói được có thế rồi bỏ lửng câu nói.
Tâm Phúc Tướng quân thấy vậy lại lên tiếng:
- Thưa Thái hậu, sau khi Ngô Tiên Đế giành lại độc lập, nước Nam ta chính là một cái gai trong mắt nhà Tống vậy.

Nhưng vì thời gian qua nội bộ nhà Tống cũng có nhiều lục đục nên tạm thời chưa thể làm gì được.

Tới nay tình hình đã bình ổn trở lại, lại thấy nước ta Đinh Tiên Đế cùng con trai lớn đã băng hà, con trai nhỏ lên nối ngôi còn thơ dại, các đại thần thì tạo phản.

Vì thế sớm muộn cũng sẽ tìm cách để nhổ cái gai trong mắt họ, trở lại đô hộ nước ta.

Mọi việc chính là thế thời.

Chúng ta chỉ còn cách là đánh tan cuộc xâm lược của chúng mới mong được hưởng thái bình về sau.
- Đúng vậy! Đúng là chỉ còn cách đó.

Và việc này cũng chỉ có thể trông cậy vào các ngài đây thôi! Nội trong đêm nay các ngài hãy thông báo tới văn, võ bá quan trong Triều đình cũng như tướng lĩnh ba quân, đồng thời triệu tập một cuộc họp khẩn cấp tại Ngự điện vào sáng sớm mai.

Phần ta sẽ cho gấp rút soạn Thánh chỉ, sáng mai thiết triều sẽ chính thức phong Tâm phúc Tướng quân làm Đại tướng để trực tiếp hỗ trợ Phó Vương chỉ huy kháng chiến.

Rồi các ngài hãy giữa Ngự điện mà chọn lấy những tướng giỏi binh tài để chuẩn bị lực lượng đi thôi! Con dân Đại Cồ Việt đều trông cậy hết vào các ngài!
Tâm phúc Tướng quân đưa mắt nhìn Lê Hoàn.

Hai người nhìn nhau trong giây lát rồi cùng nói "Tuân lệnh".

Sau đó tất cả cùng khấu đầu xin phép cáo lui.
Họ Đinh vừa mới mất chưa đầy chín tháng.

Giỗ đầu còn hơn ba tháng nữa mới tới.

Vậy mà đất nước đã xảy ra không biết bao nhiêu là chuyện.

Thế mới thấy họ Đinh, Nam Việt Vương cùng bốn vị đại thần, họ chính là giường cột của nước nhà.

Họ đã gánh cho đất nước bao tai ương.

Giờ họ đi rồi thì quả nhiên sóng gió ập tới.

Mà Toàn Nhi thì còn nhỏ bé quá.

Ta lại là đàn bà.

Sóng to gió lớn thế này làm sao ta gánh vác được đây?
Nằm mãi với những ý nghĩ ngổn ngang không thể nào giải đáp nổi ấy, ta không thể nào chợp mắt.

Vừa trở dậy với lấy chiếc áo choàng khoác lên vai định đi ra ngoài thì nghe tiếng Lan Nhi ở phía sau:
- Thái hậu định đi đâu vậy? Không ngủ được hay sao?
- Ừ, nằm mãi mà không ngủ được, ta định ra ngoài đi dạo cho dễ chịu thôi.

Em cứ ngủ tiếp đi.
Nàng ta không thèm để ý đến câu nói đó, cũng ngồi dậy bên giường, với lấy chiếc áo choàng khoác lên người rồi đi theo ta.

Lúc đó nàng ta mới chậm dãi bảo:
- Em cũng không ngủ được.

Nào ta cùng đi thôi!
Hai người lặng lẽ bước ra ngoài cửa thật nhẹ nhàng để các thị nữ ngủ ở nhà ngoài không bị tỉnh giấc.


Đẩy cửa bước ra hiên.

Một không gian bát ngát ánh trăng ùa vào người mát lạnh.

Hôm nay là tối Mười tám rồi thì phải.

Trăng sáng trong thật là đẹp quá! Gặp lại trăng như gặp lại người bạn thân cũ đã lâu rồi không gặp vậy!
Thế mà cũng đã bao lâu rồi ta không có tâm trí và thời gian để mà ngắm trăng? Bận bịu hết việc nọ tới việc kia, ngay cả nghĩ tới trăng cũng chả có thời gian nữa chưa biết chừng.
Một chủ một tớ cứ thế bước nhẹ nhàng trên lối đi ra vườn.

Xung quanh cành cây, kẽ lá đều sóng sánh ánh trăng.

Chợt ta này ra một ý định.

Ý định ấy quá phấn khích khiến ta dừng sững lại.

Lan Nhi một tẹo nữa thì đâm sầm vào ta.

Nàng hoảng hốt:
- Sao thế Thái hậu?
- Không sao cả! Ta chợt muốn đi ra lầu Vọng Nguyệt chơi.

Giờ ngoài đó vẫn còn hoa sen đấy!
- Nhưng bây giờ đi gọi xe và thị vệ có sợ muộn quá rồi không? Giờ cũng là cuối canh hai rồi đấy Thái hậu..

Mọi người đã ngủ lâu rồi?
- Chúng ta hãy đi bộ ra chứ.

Chỉ còn một đêm nay để mà thư thả ngắm trăng thôi.

Từ mai còn có thể như thế được không? Rồi đây giặc giã đến, đầu rơi máu chảy, chẳng biết ai còn ai mất.

Em còn sợ cái gì?
Nàng ta không trả lời.

Thế là hai người quay gót đi ra phía cổng cung Cồ Quốc.

Hai người lính gác cổng đang đứng như tượng đá hai bên thấy bóng người đi tới thì giật thột.

Tuy biết là người ở trong Cung đi ra vẫn hết sức thủ thế, thanh mác sắc nhọn cầm lăm lăm trên tay.

Đến khi Lan Nhi khẽ bảo là "Là Thái hậu!" thì như bừng tỉnh, vội vàng quỳ thụp xuống.

Ta liền xua tay nói:
- Hai ngươi hãy đứng dậy đi rồi mau mở cửa, chúng ta muốn ra ngoài đi dạo!
- Thưa Thái hậu đêm đã khuya rồi lại không có người hộ giá người không nên ra khỏi Cung.

Để bọn thần đi gọi xe và thị vệ cho người chứ!
- Thành lúc nào cũng được canh phòng nghiêm ngặt, lại luôn có thị vệ đi tuần thì sợ gì nữa chứ! Đã khuya rồi nên hai người đừng để Thái hậu phải nhiều lời nữa.
Lan Nhi nói với hai người, giọng nhỏ nhưng hết sức cương quyết.
Họ có vẻ biết thân biết phận, lui lại và nhẹ nhàng mở cửa.

Cánh cửa mở ra làm hai người lính canh gác ở bên ngoài cũng không khỏi giật mình.

Họ trao đổi thì thầm với nhau trong lúc chúng ta đi qua cổng.

Đi một đoạn thì một người chạy với theo, đưa cho chúng ta một chiếc đèn lồng và bảo:
- Thái hậu và cô nương hãy mang theo chiếc đèn lồng này cho tiện đi lại.

Lính tuần nhìn thấy từ xa nghĩ là người đi lại đàng hoàng sẽ không quát nạt.

Chứ đêm hôm khuya khoắt mà hai người cứ lặng lẽ đi thì sẽ bị nghi là đang định lén lút làm gì mờ ám.

Tới lúc lại gần thấy ra là Thái hậu thì đã đắc tội mất rồi.
Lan Nhi liền đón lấy chiếc đèn lồng, cảm ơn chàng trai tốt bụng rồi chúng ta lại lặng lẽ đi.
Không muốn làm buồn lòng hai chàng trai trẻ tốt bụng vừa đưa đèn cho chúng ta, đi được một đoạn xa xa, chừng đã khuất tầm mắt của họ thì ta bảo Lan Nhi ta tắt đèn lồng đi, vì trăng càng về khuya càng sáng đẹp quá mà cầm đèn lồng thì làm sao còn nhìn thấy ánh trăng nữa.
May mà dọc dường không gặp đội lính tuần tra nào, không thì lại làm phiền đến họ.
Đi một hồi thì con đường mòn men theo triền núi đá đã hiện ra ngút ngát dưới ánh trăng.

Ban ngày đi qua con đường này tuy có treo leo, khúc khuỷu nhưng cũng không có gì là đáng sợ.

Thế mà trong đêm, dưới ánh trăng sáng nó mang một vẻ huyền bí, ma mị đến ngạt thở.

Ai biết bên cạnh những mỏm đá nhấp nhô hai bên đường đang dấu diếm điều gì? Một con rắn độc? Những con rết hay là nhện độc? Nhưng thây kệ! Chúng ta cứ nhìn thẳng con đường mà đi tới.
Chẳng mấy chốc lầu Vọng Nguyệt đã hiện ra trước mặt.

Những núi đá sắc nhọn bao quanh hồ như tạc lên bầu trời.

Những tán cây rủ rỉ bên hồ.

Mái ngói lầu cong vút.

Và những bông hoa sen nở muộn chen chúc với lá sen hãy còn dày đặc ở dưới hồ.

Tất cả đều hiện ra rõ mồn một dưới ánh trăng.


Bát ngát.

Lồng lộng.

Gió từ dưới hồ đưa tới mát rượi, thơm ngào ngạt hương sen.
Khung cảnh tươi đẹp quá khiến người ta như ngừng thở.

Và trong một khoảnh khắc, con người chợt thấy mình sao mà nhỏ bé và phù du trước vũ trụ bao la.

À thì ra bao tháng ngày qua chúng ta mải mốt với những tranh đoạt hơn thua trong khi vũ trụ, đất trời thì vẫn ngạo nghễ như thế.

Đất trời, vũ trụ cười nhạo chúng ta.

Một ngàn năm trước cảnh sắc này vẫn vậy, vẫn bày ra lồng lộng dưới ánh trăng.

Một ngàn năm sau cũng vẫn thế.

Chỉ có chúng ta rồi sẽ như họ Đinh, như Nam Việt Vương, như Đinh Điền, Nguyễn Bặc, như Phạm Hạp, Lưu Cơ, như Phất Kim, như Ngô Nhật Khánh, như Đan Gia Hoàng hậu..

cứ thế lần lượt ra đi.

Tất cả sẽ không còn một dấu vết gì.

Tất cả sẽ tan giữa thinh không như những bụi trăng này!
Thế mà bao lâu nay chúng ta quay cuồng vội vã quá!
- Đi thôi Thái hậu!
Lan Nhi thấy ta đứng ngẩn ra trên con đường nhỏ thì cất lời giục giã, vừa giục vừa không ngừng lo lắng nhìn vào những mỏm đá xung quanh.

Có lẽ nàng ta hơi sợ.

Cứ đứng nhìn mãi vào những tảng đá đen sì ấy thì hơi sợ thật.

Những bóng đen hắt về một bên của chúng do ánh trăng tạo nên nhìn một lúc thì dường như chuyển động.
Thế là chúng ta lại bước tiếp.
Nhưng đúng khi đó có tiêng sáo nhè nhẹ vang lên từ dưới hồ.
Người ta như đông cứng lại.

Phải vịn vội vào cánh tay lan Nhi mới có thể đứng vững.
Đó chính là tiếng sao của Lê Hoàn.

Tiếng sao của Phó Vương Lê Hoàn.
Tuy tiếng sáo có lẫn những âm điệu là lùng với những tiếu tấu mới mẻ, nhưng nó vẫn chất chứa những sắc màu, những giai điệu thân quen.

Như tiếng sáo ta đã nghe những đêm trăng nào trên sông Cầu Chày.
Đứng ở trên này chỉ nhìn thấy mái ngói của lầu Vọng Nguyệt hiện ra lấp lánh dưới ánh trăng.

Không thể nhìn thấy người.

Nhưng ta có thể hình dung ra hình dáng của người ấy lúc chăm chú thổi sáo.

Những đường nét rắn rỏi của cơ thể.

Khuôn mặt tập trung tới mức nghiêm nghị.

Sống mũi cao thẳng như tạc.

Những hình ảnh ấy hiện lên sống động tới nỗi ta cảm thấy như nghẹt thở, không thốt nên lời.
Lan Nhi đứng cạnh buông một tiếng thở dài.
Nhưng không! Đó là hình ảnh của Lê Hoàn ngày xưa.

Của Lê Hoàn năm nào thổi sáo cho ta nghe bên sông Cầu Chày.

Còn Phó Vương Lê Hoàn ngày nay, với áo bào nhung đỏ thêu chỉ vàng, ngồi thổi sáo trên lầu Vọng Nguyệt.

Ta nào đâu biết.

Ta chợt thấy hiện lên trong tâm trí mình ánh mắt sâu lạnh như nước, cùng sắc mặt không ai có thể đoán định.

Đôi mắt đó trên khuôn mặt đó, dưới ánh trăng vằng vặc như thế này ta đâu hề biết.

Ta không hề biết.
Nghĩ thế quay sang Lan Nhi khẽ bảo "Về thôi, kẻo Phó Vương trở lên mà thấy chúng ta ở đây thì không biết làm sao nữa".

Thế là hai người lại quay trở lại.
Đường về như xa và gập ghềnh hơn.
Hình ảnh con người ấy với áo bào đỏ bay phấp phới dưới ánh trăng cứ ẩn hiện trong đầu ta.
Một ý nghĩ cũng theo đó mà chập chờn, ẩn hiện..
Sáng hôm sau tất cả quan lại triều đình cùng tất cả các tướng lĩnh chỉ huy quân đội đều được triệu tập, đứng kín cả sân Ngự điện.

Phó Vương Lê Hoàn thay mặt triều đình thông báo rõ nội dung tấu trình của quan trấn thủ Châu Lạng, tuyên bố đất nước vào tình trạng khẩn cấp, ra chỉ thị tới các địa phương thực hiện điểm đinh tuyển lính, thu gom lương thực, gấp rút chuẩn bị lực lượng cho chiến tranh.

Tiếp đó đọc Thánh chỉ phong Tâm phúc Tương quân Phạm Cự Lượng làm Đại tướng cùng Phó Vương Lê hoàn lãnh đạo ba quân kháng chiến.
Xong xuôi lại chọn lấy các tướng giỏi giao cho nhiệm vụ chỉnh đốn quân lính cũ, tuyển lựa và rèn luyện lính mới, chờ ngày phát binh.
Cả sân Ngự điện hừng hực khí thế.

Ai nhận nhiệm vụ cũng dõng dạc tuyên thệ, thề đem máu xương của mình để giữ gìn nền độc lập của Đại Cồ Việt.

Nghe mà háo hức, mà ấm lòng.
Người Việt ta xưa nay vẫn thế.

Khi giặc giã đến nhà thì già trẻ, gái trai như một, cùng một lòng đoàn kết đánh đuổi quân thù.
Mọi việc xong xuôi thì bỗng nhiên Đại tướng quân Phạm Cự Lượng cùng các tướng Phùng Phường, Đào Trực, Hoàng Vĩnh Chu, Đào Công Mỹ, Phạm Quảng, Đào Thành, Phạm Minh và một số tướng lĩnh nữa nhất loạt tiến lên phía trước, quỳ xuống mà tâu rằng:
- Hiện nay giặc Tống đã lâm le ngoài bờ cõi, thế giặc như nước vỡ bờ.

Cuộc kháng chiến lần này của nhân dân Đại Cồ Việt đối với các tướng sỹ mà nói chính là một mất, một còn.

Vậy mà Hoàng Thượng thì còn nhỏ tuổi, thơ dại, lấy ai là người ghi công, luận tội quần thần.

Thêm nữa Hoàng Thượng cũng không thể cùng tướng sỹ sống chết ngoài xa trường, vì vậy khó mà an ổn, thu phục được lòng người.

Vì vậy, chi bằng hãy tôn Phó Vương lên làm Thiên tử để trực tiếp lãnh đạo cuộc kháng chiến cùng ba quân thì hơn.
Đại tướng Phạm Cự Lượng vừa dứt lời thì tất cả các quan lại, tướng lĩnh và binh sỹ có mặt ở sân Ngự điện nhất loạt quỳ xuống hô vang:
- Vạn tuế! Vạn tuế! Vạn vạn tuế!
Ta đưa mắt nhìn sang Lê Hoàn, vẫn thấy đứng yên, trên mặt không có biểu hiện gì.


Không ngờ tình thế là xoay chuyển nhanh thế này.

Nhưng đó cũng chính là cái ý nghĩ đã lởn vởn trong đầu ta tối hôm qua, khi đứng trên con đường nhỏ dẫn ra lầu Vọng Nguyệt: Chỉ có con người ấy, chỉ có cái oai nghiêm của con người đang khoác bào đỏ ngồi nơi đó mới có thể trùm phủ hết bờ cõi và nhân tâm nơi này.

Nhưng lúc ấy ta đã không dám nghĩ thêm nữa, chỉ sợ gặp phải những ý kiến phản đối của quan lại triều đình.
Giờ nhìn sân Ngự điện cả ngàn người đã quỳ rập xuống, thì không còn có cớ gì để chần chừa nữa.

Ta bèn quay sang bảo Lý Công Công:
- Hãy lấy ngay cho ta một chiếc Hoàng bào ra đây.
Rồi quay sang bảo tất cả các quan quân đang quỳ rạp ở đó bảo:
- Các khanh hãy đứng dậy cả đi! Phạm Đại tướng quân nói hoàn toàn hợp lòng người.

Cuộc chiến này, nước Đại Cồ Việt mất hay còn, Hoa Lư này bị giầy xéo hay được bảo toàn, muôn dân lầm than nô lệ hay vẫn có thể được muôn đời hưởng thái bình, tất cả chỉ có thể trông cậy vào Phó Vương.

Nay tất cả triều đình cùng tướng lĩnh đã muôn lòng như một thì ta không còn mong gì hơn nữa.
Liền đó đỡ lấy chiếc Hoàng bào từ tay Lý Công công tiến tới trước mặt Lê Hoàn.
- Thuận teo ý trời, lòng dân, xin ngài Phó Vương hãy lên ngôi Hoàng Đế, từ nay gánh vác trọng trách lãnh đạo cuộc kháng chiến trống Tống, đem lại hòa bình cho Đại Cồ Việt.
Dứt lời mà Lê Hoàn vẫn đứng yên không nhúc nhích.

Ta bối rối chưa biết làm sao thì Đại Tướng quân Phạm Cự Lượng cất lời bảo:
- Khoác Hoàng bào này trên người phải không phải là vì vinh hoa, phú quý, mà chính là phải gánh vác trên vai sinh mạng của hàng vạn người dân Đại Cồ Việt vậy.

Xin Phó Vương đừng chần chừ nữa.
Lúc đó Lê Hoàn mới nhúc nhích tiến về phía trước.

Ta khoác Hoàng bào lên vai Lê Hoàn.
Vừa xong thì tất cả quan lại và tướng quân đều cúi rạp cả xuống mà hô vang:
- Hoàng thượng vạn tuế! Vạn tuế! Vạn vạn tuế!
Ta lùi lại phía ghế Ngự đặt giữa sân Điện, dắt tay Toàn Nhi đi xuống, rồi hai mẹ con cùng quỳ xuống với các quần thần.
Sau ngày đăng quang, Lê Hoàn liền ban Thánh chỉ, đổi niên hiệu là Thiên Phúc năm thứ Nhất.

Giáng phong Toàn Nhi làm Vệ Vương.

Tiếp đó ngày đêm cùng các tướng lĩnh bàn bạc việc tuyển mộ binh lính, thu gom lương thảo, xây dựng nhiều chiến lũy.

Lại cho cắm cọc trên sông Bạch Đằng, bài binh bố trận khắp nơi để chờ quân địch tới.
Về phần Toàn Nhi, sau khi nhường ngôi thì hai mẹ con thấy bội phần thư thả.

Cũng mất một vài hôm để giải thích cho Toàn Nhi hiểu từ nay nó sẽ không còn là Hoàng Đế nữa và đất nước đang đứng trước thử thách to lớn nhất từ khi lập quốc tới nay, nếu không vượt qua được thử thách này rồi đây chúng ta chưa biết sẽ phải phơi xác nơi đâu hay phải làm nô lên dưới chân quân thù như thế nào.

Toàn Nhi chỉ lo sợ quân giặc tràn về Hoa Lư, còn lại làm Hoàng Đế hay không với Toàn Nhi thực sự không có ý nghĩa gì nhiều.

Chỉ cần nghĩ rằng từ nay không phải ngồi bó gối ở Ngự điện mỗi khi thiết triều hay ngồi quanh quẩn ở Ngự thư phòng nữa là vui rồi.
Con ta còn quá nhỏ để hiểu mọi chuyện.

Nhưng thực ra như vậy chẳng phải tốt hơn sao?
Tháng Tám, nghe tin từ triều đình đưa ra, quân Tống gửi chiếu sang tuyên chiến.

Trong thư nói nếu chúng ta chịu ra hàng thì sẽ được tha, còn không thì sẽ bị trừng trị nghiêm minh.
Mấy bữa sau đó Thái sư Hồng Hiến – vốn trước kia là quân sư tâm phúc dưới trướng của Lê Hoàn, nay đã được thụ phong Thái sư, đích thân tới cung Cồ Quốc xin vào gặp ta, rồi trình bày muốn xin bút tích của Toàn Nhi để gửi cho nhà Tống điều đình, hòng có thêm thời gian cho quân Đại Cồ Việt chuẩn bị lực lượng.

Có lẽ lúc này nhà Tống vẫn chưa biết là Toàn Nhi đã nhường ngôi cho Lê Hoàn.

Thái sư Hồng Hiến cũng mang theo chỉ dụ của Lê Hoàn nói rõ, đầu tháng Mười quân Đại Cồ Việt sẽ phát binh.

Khi đó việc trông coi mọi sự ở triều đình, các công việc hàng ngày ở trong nước lại phải nhờ đến Vệ Vương và Dương Nương nương lo liệu.

Ta nhận lời rồi bảo, việc gì mẹ con ta giúp được thì chúng ta sẵn sàng, chỉ tiếc là không ra trận được cùng các tướng sĩ mà thôi.
Đúng như dự định, tháng Mười Lê Hoàn cho quân đội tiến về vùng biên giới và cửa bể để chủ động nghênh chiến khi quân địch tiến đến, một mặt vẫn tiếp tục xây dựng các phòng tuyến và phát triển lực lượng.
Thời gian này có nhận được thư của nhà Tống đòi ta và Toàn Nhi phải sang Tống quy phục.

Nhưng cũng không ai quan tâm nữa, vì lực lượng quân Đại Cồ Việt đã được chuẩn bị về cơ bản rồi.
Ngày Mười sáu tháng Chạp năm Thuận Thiên thứ Nhất, quân thủy của nhà Tống do Hầu Nhân Bảo chỉ huy ồ ạt tiến vào sông Bạch Đằng.

Vì quân giặc đông và vẫn còn khỏe, thế địch như chẻ tre nên quân ta đã bị thua nặng.

Lê Hoàn phải rút về vùng Xạ Sơn, Hải Dương để củng cố lại lực lượng, một mặt viết thư trá hàng để kéo dài thời gian.
Năm ngày sau, nhằm ngày Hai mươi tháng Chạp, lục quân Tống do Tôn Toàn Hưng chỉ huy đã tiến vào và đánh chiếm được Hoa Bộ.
Tin quân Tống chiếm được sông Bạch Đằng và Hoa Bộ còn quân Đại Cồ Việt bị thương vong nhiều liên tiếp đưa về Hoa Lư khiến ai ai cũng như ngồi trên đống lửa.

Lực lượng cấm vệ quân triều đình ở lại kinh thành đã ít, nay càng phải tăng cường canh gác đề phòng trường hợp xấu nhất.
Ngày mồng Một và mồng Hai Tết, năm Thuận Thiên thứ Hai, liên tiếp có tin đưa về quân Đại Cồ Việt đã thắng trận đầu tiên ở sông Lục Đầu, tiêu diệt nhiều quân địch.

Giặc Tống vốn định tiến về Lục Đầu để đánh chiếm Đại La, rồi tư đây làm bàn đạp tiến đánh Hoa Lư.

Nghe ngóng được hướng tiến công của địch, Lê Hoàn đã đích thân cùng với Trần Công Tích, Trần Bảo Trung và Trần Minh Khiết chỉ huy trận đánh.

Lại thêm có trận tuyến cọc ngầm được bố trí dưới sông từ trước, nên thuyền bè của quân địch bị tiêu diệt hàng ngàn.

Quân Tống đành lui về cố thủ ở Bạch Đằng.
Qua tháng Ba năm Thuận Thiên thứ Hai, nhờ có tiếp viện, quân Tống lại mở một đợt tiến công mới do Trần Khâm Tộ chỉ huy và chiếm được Tây Kết.

Thành Tây Kết chỉ cách Đại La chừng tám trăm dặm, nên nghe tin ấy người ở Hoa Lư lại thêm một lần nữa như ngồi trên đống lửa.

Các phương án di tản người khỏi kinh thành và kháng chiến chống Tống đã được tính đến.
May sao chỉ ít lâu sau đã nghe tin báo về, quân địch do Hầu Nhân Bảo chỉ huy đã bị tiêu diệt phần lớn trong trận đánh ở phòng tuyến Bình Lỗ bên chân núi Sóc.

Hầu Nhân Bảo dùng lực lượng còn lại lùi về sông Bạch Đằng cố thủ chờ tiếp viện.

Tại đây Lê Hoàn đã cho bài binh bố trận quyết đánh trận tổng lực cuối cùng.

Ban đầu quân Đại Cồ Việt giả thua tháo chạy, quân Tống bèn đuổi theo, không ngờ rơi vào trận địa mai phục, trận địa cọc ngầm của quân Đại Cồ Việt.

Hầu Nhân Bảo bị tiêu diệt, quân Tống bị đánh tan.

Nghe tin Hầu Nhân Bảo chết, Tôn Toàn Hưng dẫn quân bỏ chạy.

Đạo quân Trần Khâm Tộ ở Tây Kết cũng bị tiêu diệt quá nửa.

May mà Trần Khâm Tộ vẫn bảo toàn được tính mạng, chạy về được tới Phương Bắc.
Vậy là đất nước sạch bóng quân thù!
Nhờ thắng lợi này mà nhiều năm sau đó, quân Tống không dám trở lại nước ta.

Đồng thời phải thừa nhận Đại Cồ Việt là một quốc gia độc lập và thiết lập quan hệ bang giao trở lại với nước ta một vài năm sau đó..

Bình luận

  • Bình luận

  • Bình luận Facebook

Sắp xếp

Danh sách chương