C87

Đàm Mặc rời đi. Kiều Lam ngồi trên ghế salon, trên người quấn một tấm chăn mỏng mà tối qua trước khi đi ngủ không hề có.

Rốt cuộc Đàm Mặc đi đâu, làm gì, Kiều Lam không biết. Nhưng chẳng rõ có phải là ảo giác hay không, cô dường như có thể cảm nhận được một niềm tin và sự dứt khoát như thể đã quyết tâm đưa ra một quyết định nào đó toát ra từ Đàm Mặc.

Ngày nghỉ nhanh chóng trôi qua. Lại là một lần tựu trường, Đàm Mặc vẫn không đến trường học.

Từ học kỳ trước các bạn trong lớp đều ngạc nhiên vì Đàm Mặc không đi học, sang học kỳ mới vẫn không thấy Đàm Mặc đâu, mọi người đã dần quen.

Bạn cùng bàn của Kiều Lam đổi thành một nam sinh có thành tích rất cao trong lớp, không tính là thân với cô cho lắm.

Nam sinh này hơi giống Bùi Ninh, không phải nói vẻ ngoài mà là tính cách và thành tích. Cậu ấy có tính cách hướng nội, lúc vừa mới ngồi cùng bàn với Kiều Lam thì hơi ngại ngùng, sau đó mới dần tốt hơn một chút.

Một điểm giống với Bùi Ninh nữa là thành tích của cậu ấy. Nam sinh này cũng có sở trường là các môn khoa học tự nhiên nhưng tiếng Anh lại là điểm yếu. Chủ nhiệm lớp rất thích nam sinh này nên mới cố ý xếp cậu ngồi cạnh Kiều Lam, đại khái là muốn Kiều Lam kèm cặp cậu ấy môn tiếng Anh khi có thời gian rảnh.

Kiều Lam đã quen với khoảng thời gian ngồi bên cạnh Đàm Mặc. Có đôi lúc không làm được bài, cô sẽ vô thức quay đầu suy nghĩ vấn đề. Nhưng đến khi đã quay đầu sang rồi, Kiều Lam mới nhớ ra Đàm Mặc đã không còn ngồi bên cạnh mình nữa.

Bạn cùng bàn mới rất tốt, nhưng Kiều Lam vẫn không khỏi nhớ về những tháng ngày mình còn ngồi chung với Đàm Mặc. Hai người cùng đeo tai nghe nghe nhạc, chuyền giấy nói chuyện với nhau.

Kiều Lam càng vùi đầu học hành hơn trước, khắc khổ đến mức Bạch Ngọc cũng bị dọa sợ. Những người xung quanh Kiều Lam, cả bạn cùng ký túc xá của cô không hiểu tại sao cũng phấn đấu theo vì sức mạnh của Kiều Lam.

Đàm Mặc không có ở đây. Mấy đợt kiểm tra sau, Kiều Lam đều vững vàng giành được vị trí thứ nhất, không ai có thể làm lung lay thứ hạng của cô. Mấy người bạn có quan hệ tốt với Kiều Lam đều nói rằng cô ôm chắc học bổng hạng nhất năm nay rồi.

Có người cười nói, đáng tiếc là Đàm Mặc không ở đây.


Đàm Mặc đi đã lâu, mọi người dường như đã quên hết rằng mình đã từng xúc phạm anh và Kiều Lam. Lúc mọi người nhắc đến tên Đàm Mặc, phần lớn chỉ còn lại những lời cảm thán vì đã từng quen biết một thiên tài như thế.

Trong lớp có người chơi Zhihu [1], được đặt câu hỏi rằng cảm nhận khi có một bạn học thiên tài là như thế nào, người đó liền lưu loát viết một đống lớn, trong đó chỉ có hết lời khen ngợi, không hề có một từ ngữ xúc phạm nào.

[1] Zhihu: Một website hỏi đáp của TQ, tương tự như Yahoo Hỏi Đáp bên mình.

Lúc rảnh rỗi trò chuyện với nhau, mọi người nói về những chuyện như tốt nghiệp hoặc là thi đại học.

Hách Anh hỏi Kiều Lam sau này cô muốn thi vào trường gì.

Kiều Lam đã từng từ chối Hách Anh, sau đó Hách Anh hiểu được ý Kiều Lam nhưng cậu vẫn chưa từng bỏ cuộc.

Đã gặp được một cô gái xinh đẹp và xuất sắc như vậy, trong mắt rất khó để nhìn thấy những người khác. Hách Anh không trách Kiều Lam. Trải qua lần đầu tiên bị từ chối trong đời, Hách Anh rốt cuộc cũng học được cách nhìn những cô gái đã từng thích mình một cách bình đẳng.

Hách Anh thay đổi rất nhiều, học tập cũng cực kỳ tiến bộ, tính cách cũng bình ổn đi không ít.

Hách Anh giữ một khoảng cách với Kiều Lam, hai người làm bạn, Kiều Lam sẽ không từ chối điều này.

Kiều Lam thuận miệng nhắc đến trường đại học tốt nhất cả nước hiện tại. Bởi vì cô cần một số tiền lớn, vậy nên cô nhất định phải đến đó.

Trái lại, những người khác nghe xong thì không cảm thấy vấn đề gì cả. Kiều Lam là người đứng nhất khối, cô hoàn toàn có tư cách để nói câu này. Hách Anh mặt ủ mày ê xoa nhẹ mặt. Mặc dù thành tích của cậu đã tốt hơn rất nhiều nhưng cậu vẫn không thể nào vào được trường đại học đó.

“Vậy cậu muốn học ngành nào?”


Đây là những người khác hỏi.

“Chắc là tài chính.” Kiều Lam vừa làm bài vừa nói. Cô hoàn toàn không nghĩ đến, chỉ là có người hỏi nên cô nói đại chuyên ngành mà mình đã từng học trước đây. Sau khi trả lời xong, Kiều Lam đột nhiên dừng bút.

Thật ra lúc trước đã có lần cô nghĩ đến một chuyên ngành khác, bởi vì Đàm Mặc.

Nhưng cũng chỉ là một suy nghĩ thoáng qua, dù sao thì vẫn còn nhiều thời gian mới đến lúc thi đại học.

Tài chính không còn là chuyên ngành mà Kiều Lam muốn học nhất nhưng cô cũng không giải thích với mọi người. Hết ngày, thả mình trên giường, Kiều Lam mới cầm điện thoại lên, gửi cho Đàm Mặc một tin nhắn chúc ngủ ngon như mọi ngày.

Giống như thường lệ, Đàm Mặc chưa trả lời lại. Anh thường trả lời tin nhắn vào ba bốn giờ sáng, cũng chính là ba bốn giờ chiều New York.

Rất đều đặn.

Kết thúc một ngày làm vật lý trị liệu, cả người Đàm Mặc như thể vừa mới được vớt ra từ trong nước, mệt mỏi đến mức không còn hơi sức mà nhấc tay lên.

Đau.

Lúc Đàm Mặc bị tai nạn giao thông, anh nghĩ rằng gãy chân đã là cảm giác đau đớn nhất mà anh từng cảm nhận trong cuộc đời này. Phải đến khi bắt đầu làm vật lý trị liệu, Đàm Mặc mới biết đau đớn vì gãy xương chẳng đáng là bao cả.

Bệnh viện ở New York giữ anh lại, nói rằng chân của anh có thể chữa trị được nhưng sẽ cực kỳ cực kỳ khó khăn.


Anh phải tiến hành phẫu thuật chỉnh sửa xương bánh chè vỡ nát một lần nữa, mở xương và cơ vốn đã lành nhưng lại bị lệch ra trước đó, tiến hành phẫu thuật lại một lần. Sau khi đi ra khỏi phòng mổ, tác dụng của thuốc tê dần mất đi, đôi chân đã một năm rưỡi chưa từng có cảm giác của Đàm Mặc bắt đầu đau đớn. Xương cốt, thần kinh, cơ bắp, không có chỗ nào là không đau.

Đàm Mặc không dám cử động chân mình. Cứ như vậy, sau giải phẫu, chân anh ở trong tình trạng tê cứng nghiêm trọng. Khớp gối bị chặn. Vết thương đau rát. Ngày nào anh cũng phải chườm đá để giảm sưng đau, mỗi lần như thế anh lại cảm thấy vết thương như bị xé rách một lần nữa.

Bởi vì hội chứng Asperger, so với người bình thường, Đàm Mặc càng thêm mẫn cảm với cảm giác đau đớn. Có đôi lúc cơn đau ập đến, uống thuốc gì cũng không có tác dụng, cuối cùng đau đến nỗi anh bị sốc mà ngất đi.

Đến khi tỉnh lại, Đàm Mặc nhìn những vì sao ngoài cửa sổ, cảm thấy như mình vừa dạo qua địa ngục.

Sau khi phẫu thuật, Đàm Mặc nằm trên giường bệnh gần hai tháng. Hai tháng sau, anh mới bắt đầu tập đi. Lần đầu tiên chân chạm đất, một bên chân lập tức biến thành màu tím đen, hệt như lại bị xe cán qua đùi một lần nữa. Đàm Mặc kêu lên một tiếng đau đớn, bắt lấy tay bác Trần. Lực tay của anh, bác Trần cảm thấy tay mình suýt chút nữa là đã bị bóp gãy.

Có đôi khi đau đớn có thể khiến người ta mất đi lý trí, nhưng một lát sau tỉnh táo lại, trong lòng Đàm Mặc lại tràn ngập một niềm vui sướng trước đây chưa từng có.

Rất đau, nhưng đây là lần đầu tiên sau hai năm, anh đứng trên mặt đất bằng đôi chân của mình.

Anh muốn đi thử vài bước nhưng lại bị bác sĩ cưỡng chế dừng lại. Bác sĩ cho hay, phải làm từng bước một.

Mà từng bước này chính là khởi đầu thật sự của quá trình phục hồi chức năng – phục hồi chứng năng uốn.

Không có cách nào để uốn cong chân cả, phục hồi chức năng là để chân có thể uốn cong từng chút một. Bắt đầu từ đệm chân, tạo một góc thụ động, sau đó đến động tác bẻ chân mà chúng ta hay biết đến.

Ngày nào cũng như thế, mỗi ngày lặp đi lặp lại.

Bởi vì quá đau, các bài phục hồi chức năng liên tục đồng nghĩa với việc tạo thành cơn sốc cho bệnh nhân một lần nữa. Nếu không cẩn thận, các cơ vừa mới được phát triển sẽ lại bị xé rách.

Buổi sáng luôn bắt đầu với việc hai chân được dán đầy miếng dán từ máy kiểm tra, sau đó bắt đầu ép chân duỗi thẳng và gập đầu gối ngày này sang ngày khác. Đàm Mặc cảm thấy khớp xương tựa như nằm sai vị trí, ngày nào cũng bị tháo ra rồi ráp lại. Cơ bắp bao bọc bên ngoài nơm nớp lo sợ sẽ bị xé rách bởi động tác kéo duỗi.

Đàm Mặc ở trong một phòng bệnh riêng, bên cạnh phòng anh là một chàng trai hai mươi tuổi, cũng được đưa vào bệnh viện này vì một vụ tai nạn giao thông.


Anh ta được đưa vào ngay sau khi bị tai nạn, tình trạng tốt hơn Đàm Mặc rất nhiều. Nhưng mỗi ngày khi bắt đầu phục hồi chức năng, tất cả mọi người đều có thể nghe thấy tiếng la khóc đau đớn tim gan của anh ta từ cách vách.

Một người đàn ông hơn hai mươi tuổi mà còn cảm thấy đau đến mức độ đó. Việc phục hồi chức năng của Đàm Mặc cực khổ hơn so với anh ta nhưng từ đầu đến cuối, anh chưa từng rơi một giọt nước mắt, cũng chưa hề mở miệng kêu đau một lần nào.

Anh luôn cắn chặt răng, hai tay bấu lấy khăn trải giường. Thỉnh thoảng khi cơn đau đến tột cùng, anh ngoài kêu lên một tiếng đau đớn ra thì chẳng còn âm thanh nào khác cả.

Nhưng sau khi kết thúc một ngày làm vật lý trị liệu, anh cắn chặt hàm răng, đau đến mức không thể ăn uống. Hai tay anh nắm lấy chiếc ga giường đã bị rách từ lâu, toàn thân ướt đẫm vì mồ hôi lạnh từng đợt từng đợt, cả người không còn chút sức lực nào.

Sau một đêm nghỉ ngơi, ngày tiếp theo lại lặp lại tương tự.

Trong bệnh viện, có người không chịu được sự đau đớn của việc phục hồi chức năng nên cuối cùng đành lựa chọn từ bỏ. Đàm Mặc vào bệnh viện sớm nhất, hết người này đến người rời đi, anh vẫn ở lại đến cuối cùng.

Sau hai tháng nghỉ ngơi hậu phẫu thuật, tám mươi ngày phục hồi chức năng, Đàm Mặc đều nghiến răng kiên trì qua tất cả. Đến khi hai chân của anh rốt cuộc cũng có thể uốn cong đến ba mươi độ, có bệnh nhân không kiên trì nổi hỏi anh, tại sao anh lại có thể kiên trì như thế.

Đàm Mặc im lặng một lúc lâu rồi mới nói: “Bởi vì có người vẫn đang chờ tôi đứng lên một lần nữa.”

“Người rất quan trọng sao?”

“Người quan trọng nhất.”

Sắc mặt thiếu niên tái nhợt. Kết thúc một ngày làm vật lý trị liệu, anh đã rất mệt mỏi nhưng vẫn chống nạng tập đi như cũ.

Khi mới đến, bác sĩ nói cơ thể của anh quá yếu, căn bản không chịu được sự đau đớn và tiêu hao của việc phục hồi chức năng, thế nhưng anh vẫn nghiến răng chống đỡ tất cả.

Và còn đi đến cuối cùng.

Nhìn thấy ánh rạng đông.

Bình luận

  • Bình luận

  • Bình luận Facebook

Sắp xếp

Danh sách chương