Nhật Kí Gửi Tôi Mười Năm Sau
-
C7: Wordpress Của Mình)
Trước năm 18 tuổi mình không có hứng thú tìm hiểu về con người của mình lắm. Mình chỉ nghe qua cụm từ hướng nội, hướng ngoại một vài lần. Và mình chưa bao giờ nghĩ mình là người hướng nội cả. Lúc đó, trong mắt mình hướng nội là một thứ gì đó rất ghê gớm và sống tách rời xã hội ấy. Với góc nhìn phiến diện như vậy, không đời nào mình dám nghĩ mình là người hướng nội dù cho thật sự mình chưa bao giờ là một thành phần hòa đồng trong bất kì một tập thể nào.
Mình sống với những đặc tính hướng nội từ khi mới sinh ra, nhưng chưa bao giờ nhận ra rằng mình cư xử khác các bạn bè đồng trang lứa vì mình có tính cách khác họ mà mình chỉ đơn giản nghĩ rằng mình là người lập dị, mình cứ ở mãi trong nhà nên không biết ở ngoài kia người ta cư xử như thế nào.
Chuyện gì đang diễn ra với mình vậy?
Mình bắt đầu khác biệt từ hồi học mẫu giáo. Những năm tháng đó mình không có bạn, và cũng không cố ý đi tìm bạn. Mình sống cực kì lặng lẽ. Mà cũng vì lẽ đó mà tuổi thơ của mình trở nên vô cùng "drama" vì sự tẩy chay của những người xung quanh. Mình không nói chuyện với ai trong lớp cả, không ai chơi với mình. Cô kéo mình đến một nhóm bạn thì mình bị đẩy ra ngoài. Mình ngồi chơi một mình trên gác thì bị người khác đẩy xuống trầy hết cả lưng. Và tuyệt nhiên mình cũng chẳng khóc, hay chẳng nói một lời nào cả. Bọn trong lớp lấy đồng hồ đeo tay mình được tặng, mình lấy lại thì bị báo với cô mình ăn cắp. Rồi mình bị đánh 10 roi trước lớp, mình cũng không mở miệng nói cho bản thân một lời biện minh cho tới khi phụ huynh lên trường kiện ngược lại cô giáo (Okay, my mom was extremely angry because she had already paid extra money for the teachers for treating me better. And what did I receive? A fucking bad judgement because of my introversion haha. :)) ). Có chăng trong mắt mọi người thời đó mình bị câm vậy. Tính hướng nội của mình đã bộc lộ kể từ khi còn rất nhỏ...
Thật ra từ khi lên lớp 1 mình đã có bạn, có rất nhiều bạn và trải qua năm năm đầy huy hoàng. Tuy nhiên cách để mình được như vậy không phải là vì mình bớt hướng nội mà là mình làm lớp trưởng và trông cũng thông minh. Nhưng đó là một câu chuyện khác.
Sau này mình lớn lên, mình càng nhận ra rõ ràng sự kì lạ của chính mình so với những người xung quanh. Vì sao mình không thể cười được khi một đám đông đùa giỡn (nhưng mình đã học được cách sắp xếp cơ mặt như đang cười rồi hihi). Vì sao mình chẳng có hứng thú trong những cuộc chơi tập thể? Vì sao mình không lanh lẹ và nói được nhiều thứ như các bạn? Trong đầu mình suốt thời niên thiếu chỉ là những câu hỏi và thắc mắc không có lời giải đáp. Vì sao họ trông có vẻ rất vui, nhưng sao mình không thể cười? À mình cũng kéo môi lên như họ nè, nhưng mà không phải là cười, nhìn có kì lắm, mình không vui mà.
Có một sự thật không biết nên vui hay nên buồn là mình từ năm 6 tuổi cho tới năm 16 tuổi đã đổi hơn 10 nơi học tiếng Anh chỉ để trốn chơi trò chơi năng động vừa vui vừa học. Mà mình đổi chỗ nào thì chương trình cũng vậy cả. Cuối cùng mình tìm thấy bình yên ở lò luyện thi Toeic cho các anh chị sinh viên, nơi người ta chỉ học và không làm gì khác cả.
Cố gắng thay đổi trong tuyệt vọng
Tất nhiên, mình từng cố tìm cách thay đổi một điều gì đó. Mình luôn miệt mài tìm kiếm lí do vì sao bản thân mình lại kì lạ như thế. Mình gặp nhiều người và trò chuyện cùng họ. Tất nhiên họ là những người cũng tương đối trầm lặng mà mình nghĩ là họ giống mình. Mình hỏi họ những câu đại loại như: "Bạn có thấy vui không?", "Bạn không cảm thấy khó chịu à?", "Bạn rất tận hưởng sao?"... Xong rồi mình nghe câu trả lời và so sánh biểu cảm của họ. Có thể nó sẽ nói những lời như "Nahh, mình thấy cũng bình thường" nhưng ánh mắt họ thể hiện sự vui vẻ, họ cười và cơ thể họ hòa theo không khí đó. Khi đó mình biết là họ hoàn toàn không giống mình. Không một ai giống mình cả.
Mình cũng muốn được hòa đồng. Mình cũng muốn được cười đùa vui vẻ. Mình đã từng nghĩ rằng chỉ cần mình cố gắng hết sức thì mình sẽ trở nên hào hứng hơn và thích ra ngoài đám đông thôi. Nhưng không, nó vẫn không thay đổi được. Mình phát điên lên mất.
Nhưng mà cảm giác không thích thú vẫn còn tốt hơn bằng việc mình cảm thấy thật tệ.
Lúc nhỏ, mình cũng còn tính cách của một đứa trẻ. Cho dù hướng nội nhưng mình bằng một cách nào đó cũng có máu chơi đùa, chỉ là không thích chơi với nhiều người mà thôi. Nên khi còn nhỏ, trong người mình chỉ tồn tại cảm giác hoang mang và không vui chứ mình tuyệt nhiên không sợ. Nhưng kể từ khi bước vào giai đoạn thiếu niên, mọi chuyện đã không còn như vậy nữa. Mình bắt đầu sợ các hoạt động tập thể.
Việc chơi trò chơi tập thể với lớp, tham gia các sự kiện của trường bắt đầu khiến mình ngán ngẩm. Nhất là những lúc chơi trò chơi tập thể. Mình không vui, sức lại yếu không làm gì được. Nhìn như một trò hề. Mình bắt đầu stress và bi quan, mình không thuộc về thế giới của bọn họ. Mình không thể chơi được những trò chơi ấy. Mình không vui vẻ như vậy. Mình không thích. Nhưng... mình không muốn tách biệt...
Mình đã từng cố ép mình hướng ngoại hơn. Kiểu như bước ra ngoài thế giới và tìm tất cả những gì khiến mình phát điên lên được để chịu đựng như một cách rèn luyện và thay đổi. Rồi mình phát điên thật.
Sau khi biết rằng mình không còn cách nào khác để ép bản thân mình thành bọn họ thì mình trở nên gay gắt và bất cần, hay đúng hơn thì mình sẽ dùng từ "trẻ trâu" cho những năm tháng đó. Thay vì tìm cách hòa đồng thì mình trở nên nổi loạn. Mình từ một người cố gắng tìm bạn thành một người tìm cách cho người khác ghét mình. Mình đổi gu ăn mặc, ánh mắt mình hung dữ hơn. Lấy một chút tự tin còn sót lại biến nó thành kiêu căng và ngạo mạn. Mình muốn tuyên bố cho cả thế giới này rằng: "Tao không giống tất cả bọn mày. Tao không cần phải thay đổi để được yêu quý nữa. Tao có thể tồn tại một mình. Tất cả biến hết đi."
Tới bây giờ mỗi khi mình nhớ tới hình ảnh đầu năm lớp 12, khi mình chuyển từ lớp chọn ban A học suốt 2 năm qua lớp D thì mình bước vào lớp với hình ảnh như thế nào. Cái ánh mắt khinh khỉnh lúc lên bảng làm bài vào tiết Toán đầu năm cho tới việc ném balo lên bàn đầu và không cho ai tới ngồi cùng mình cả. Mà cái tính hiền cũng không giấu được bao lâu, tới hết học kì 1 thì lại không giữ nổi cái vỏ bọc kinh hoàng đó, nhưng mình vẫn giữ khoảng cách và thái độ không mấy thiện chí, khác với những gì đã từng cố gắng vào lớp 10 và 11 nữa. Mà có lẽ cũng là lúc mà mình sống đúng với mình nhất. Không cần phải cố gắng tỏ ra vui vẻ thích nói cười.
(Thật ra mình vẫn có bạn, không quá nhiều nhưng mà nó đạt mức trung bình mà một người bình thường nên có. Mình không còn bị cô lập nữa đâu. Dù mình không được thích "chơi đùa" nhưng mình học ổn. Và khi học ổn, bạn sẽ có chỗ đứng ở thời phổ thông mà không bị ra rìa)
(To be continued...)
Thì ra mình là người hướng nội
Mọi chuyện vẫn bình thường một cách chán nản cho đến ngày mình khám phá ra trắc nghiệm MBTI vào giữa năm lớp 12 vì mục đích chọn ngành chọn nghề. Nó như mở ra một thế giới khác. Khi mình cảm thấy vô cùng đồng cảm với hầu hết những gì mình đọc được, dù cho vẫn còn một vài điểm mình chưa từng trải qua nên cũng không thể kiểm chứng cụ thể, nhưng về tổng quan thì mọi thứ vô cùng phù hợp. Và nhóm người của mình là ISTJ, mình là một người hướng nội tới 97%, một con số gần như là tuyệt đối. Thực tế là kết quả của mình có thay đổi theo thời gian, nhưng về cơ bản nhóm của mình không thay đổi và chỉ số Introverted của mình chưa bao giờ thấp hơn 90%.
Nhưng sau khi kiểm chứng ngành nghề mình chọn cùng tính cách thì mình cũng không quan tâm tới nó nữa. Cho đến khi mình vào đại học, hay chính xác hơn là thời điểm mình gặp được một người bạn hướng nội vô cùng giống mình, lần đầu tiên trong đời. Bạn ấy tên Hiền, là người bạn thân thứ hai của mình, và là người bạn thân nhất với mình ở đại học cho tới thời điểm hiện tại.
Tụi mình gặp nhau ở lớp tiếng Anh dự bị đại học và mất hơn ba tháng mới nhận ra rằng cả hai giống nhau bởi vì cả hai đều che giấu bản thân trong vỏ bọc hướng ngoại. Tụi mình vô tình chia sẻ cho nhau nghe những cảm nhận bất chợt như cả hai cùng ghét một buổi đi ăn uống chung của lớp tiếng Anh, cả mình và bạn đó đều tái mặt ở những buổi thuyết trình, có phần thua thiệt khi rơi vào giờ tranh luận... Và rất nhiều điều như thế nữa.
Với sự xuất hiện của Hiền, cuộc sống của mình như bước sang một giai đoạn mới. Mình chợt nhận ra rằng thì ra trên thế giới này cũng tồn tại những con người kì lạ như mình. Họ có một điểm chung là người hướng nội. Mình vui lắm, vì mình không đơn độc một mình với những đặc điểm như vậy. Mình bắt đầu tìm hiểu sâu sắc về MBTI, về người hướng nội qua những trang về tâm lí học. Rồi mình đọc sách Hướng Nội của tác giả Susan Cain, và mình chìm sâu vào việc tìm hiểu xem chính mình là ai. Và hơn hết, mình có một người bạn đồng hành trên chặng đường đi tìm sự thật về bản thân đó. Tụi mình cùng nhau đọc, chia sẻ tài liệu với nhau. Thỉnh thoảng lại ồ ra rằng: "À tao là loại này nè, mày là loại kia đúng không?" Mọi thứ vô cùng vui vẻ và tuyệt vời.
Nếu mọi thứ chỉ dừng lại như vậy thì thật tốt. Nhưng không, mọi chuyện dần đi quá xa. Mình càng ngày càng lấn sâu vào thế giới ấy, nơi mà mình cảm thấy vui vẻ vì tất cả những gì mọi người chia sẻ đều giống với những gì mình trải qua. Dần dần mình càng trở nên tôn sùng loại tính cách này. Mình bắt đầu dùng nó làm sự biện minh cho những khuyết điểm của mình. Thay vì tìm cách khắc phục mình lại mặc kệ, bởi vì mình muốn sống thật với bản thân sau 18 năm cố gắng trở thành người khác. Mình bị kích thích một cách tiêu cực bởi những dòng văn của Susan Cain trong những trang đầu tiên của quyển sách Hướng Nội. Mình cảm thấy tức giận, bất công với tất cả những điều vô lí mà một thiên tài hướng nội bị đối xử trong một thế giới nói không ngừng. Nên mình trở nên giận dữ, trong thời gian đó mình bị bài xích nặng với tất cả những cá nhân hướng ngoại khác và hoàn toàn không chấp nhận bất kì sự thay đổi nào dù nó tốt cho mình.
Mình bắt đầu tránh né những hoạt động xã hội, giao tiếp chuyện trò một cách cực đoan. Trước đó mình không thích, nhưng mình luôn nỗ lực để thay đổi sự khó chịu trong tâm hồn mình nhưng giờ đây mình kiểu như buông xuôi tất cả. Mình chạy trốn, mình tìm mọi cách để không phải nói chuyện với ai, mình đòi chuyển ngành vì mình cho ngành mình vẫn phải gặp nhiều người quá (Mình học Tài Chính, một ngành có thể kiếm được một vị trí không cần giao tiếp quá nhiều). Mình phản ứng tiêu cực với tất cả mọi thứ, mình thậm chí từng có xu hướng ghét một vài người vì họ hướng ngoại quá nhiều.
Làm cách nào để chấp nhận?
Nếu cứ tiếp tục dùng vỏ bọc hướng nội để chìm đắm trong cảm giác an toàn hư ảo đó thì mình tin rằng mình sẽ là một kẻ thất bại. Hay ít nhất, mình sẽ không có một cuộc sống mình mong muốn. Đối với nhiều bạn hướng nội mà mình từng tiếp xúc, họ chỉ cần được ở một mình với thiên nhiên, hay một ngôi nhà cạnh biển cùng một con thú cưng, một cuộc sống tạm ổn và bình yên là họ có thể sống như vậy, vui vẻ, hài lòng và hạnh phúc. Tất nhiên nếu mình muốn sự riêng tư và yên bình như vậy thì mình cũng không cần phải cố gắng quá nhiều làm gì cả.
Nhưng không, mình muốn có một cuộc sống khác. Mình muốn sống ở một thành phố lớn, đông đúc và tấp nập. Một thành phố có nền kinh tế phát triển và mình sẽ là một trong những yếu tố làm việc để vận hành nó. Mình thích một cuộc sống bận rộn, tất bật và năng động. Nghe có vẻ hơi trái ngược với cụm từ hướng nội mình luôn luôn nhắc đến, bởi vì mình thuộc nhóm người tuy hướng nội thích sự náo nhiệt nhưng không bị làm phiền bởi những người xung quanh. Mình không yêu thiên nhiên, mình không thích sự thanh bình, mình thích sự bận rộn, xô bồ và có chút căng thẳng của cuộc sống thành thị nhưng mà ở nơi đó, mình chỉ cần tồn tại một mình và một vài mối quan hệ thân thiết, và mọi người đều tập trung cho thế giới của họ.
Nhịp sống ở thủ đô Tokyo là một ví dụ cho một hình ảnh mình khá thích. Nơi mà những con người liên tục chạy theo cuộc sống vội vã của họ trong một thành phố liên tục làm việc, và họ đơn độc, chẳng cần phải tương tác nói chuyện với ai cả. Tuy nhiên, vì văn hóa Nhật Bản nên mọi thứ có chút áp lực, vậy thì Singapore hoặc New York, Hongkong, Thượng Hải là những ví dụ thay thế tuyệt vời.
Vậy thì để đạt được cuộc sống đó, mình phải thay đổi, phải dấn thân vào thế giới hướng ngoại đó để tìm được vị trí của mình. Mình phải chịu đựng, oằn mình trước nỗi đau khác biệt, tuyệt vọng trong sự tra tấn vì tính cách của mình mang lại.
Mình đã từng nghĩ tiêu cực như vậy cho đến một ngày, mình gặp một người chị. Mình thấy chị ấy rất năng động điều khiển một sự kiện lớn, tựa như chị ấy có rất nhiều năng lượng và hoạt bát. Nhưng rồi ngay một phút sau đó, khi công việc của mình đã xong, chỉ ấy liền lặng lẽ bước ra một góc trầm tư nhìn mọi người tiếp tục làm sự kiện. Lúc đó, chị như biến thành một con người khác, hoàn toàn không phải là phiên bản đầy hướng ngoại kia. Chị đó có thể cười đùa với tất cả mọi người xung quanh, nhưng chị không thân với bất kì ai cả, chị không bao giờ cười quá nhiều kiểu siêu hưng phấn như những người khác. Mình nhìn thấy sự bình tĩnh và trầm tĩnh trong con người của chị đó. Và chị đó vẫn thành công đó thôi.
Sau đó mình đã học được ở đâu đó rằng: "Hướng Nội là tính cách, nhưng giao tiếp là kĩ năng. Mà kĩ năng thì có thể học." Và mình luôn thuộc nằm lòng câu nói này cho bản thân mình. Họ làm được, vì sao mình lại không, như chị ấy là một ví dụ rõ ràng nhất.
Mình bắt đầu nhìn nhận lại bản thân mình một cách nghiêm túc, chân thật và công bằng nhất rồi bắt đầu tìm cách để dung hòa tính cách của mình với môi trường xã hội hằng ngày mình sinh sống. Làm cách nào để mình có thể đạt được thứ mình muốn mà ít bị "phát điên lên" nhất. Mình bắt đầu đi tìm cho mình những hình mẫu lí tưởng, quan sát nhiều người tài giỏi nhưng trầm lặng hơn, mình muốn xem cách họ vẫn được một xã hội hướng ngoại chấp nhận dù họ luôn giữ im lặng.
Dần dần, mình nhận ra rằng mình nên cải thiện bản thân, tìm kiếm và khai thác phiên bản hoàn hảo nhất của chính mình, một phiên bản mà mình đủ giỏi, đủ khí chất và tự tin để được tất cả mọi người chấp nhận dù cho mình không đượng hăng hái hay giỏi ngoại giao. Mình học cách mà những hình mẫu mình lựa chọn làm, cách họ đi đứng, di chuyển, từ ánh mắt đến cách họ đáp lại những câu nói xã giao mà mình không thích. Tất cả đều phải học.
Mình hành động...
Mình tìm lại sự tự tin cho chính mình. Bắt đầu từ việc ngoại hình. Nếu lần đầu nhìn thấy mình, bạn sẽ không nghĩ mình nằm trong nhóm người mập, nhưng nếu bạn đặt mình vào một nhóm cùng tuổi thì bạn sẽ thấy rằng ồ mọi người xung quanh không ai mập như mình cả. Vậy nên mình không có được sự tuyệt vọng như những bạn mà người ta nhìn vô đã thấy, nhưng mình luôn trải qua cảm giác sợ hãi vô hình như vậy. Một loại sợ hãi rất đau lòng và xấu tính. Mình sợ một lúc nào đó, khi những bạn mà người ta nhìn vào đã biết kia bị body-shaming xong hết rồi sẽ tới mình. Mình chính là thể loại mà người ta không thể nhìn vào và mỉa mai liền ngay lập tức nhưng sẽ ngờ ngờ và ghi nhớ trong đầu đấy.
Có vẻ không liên quan nhưng vẻ bề ngoài là một phần gây nên sự tách biệt, tự ti và xấu hổ của mình. Nếu chỉ hướng nội thôi thì cuộc đời mình cũng chỉ buồn bực 1 2 phần vì không giống mọi người, chứ không bế tắc tới mức cùng quẫn như thế. Nó thật sự đã đánh bay hết toàn bộ sự tự tin về kiến thức, năng lực, hay điểm số của mình. Hoàn toàn. Khiến cho mình trở nên tự ti, ngày ngày bị dày vò trong cái vỏ bọc hướng nội đó. Trở thành một đứa nhút nhát, sợ hãi, luôn sợ mình bị phủ nhận và từ chối chỉ vì mình không xinh hay đủ giỏi... Vì vậy nếu muốn trở nên tốt hơn, thứ đầu tiên mình phải thay đổi là thứ đã khiến mình trở nên tự ti nhất.
Sau đó mình tìm hiểu về thế mạnh của mình và tìm mọi cách để phát triển nó. Mình đam mê hơn với ngành mình đang học, cố gắng đọc thêm nhiều sách, học thêm nhiều thứ về lĩnh vực mình muốn phát triển. Mình phải trở nên cực kì giỏi trong một lĩnh vực nào đó, vì nó là thứ duy nhất khiến mình có thể được chấp nhận, tự tin và kiêu hãnh. Mình đã quá mệt mỏi với những tháng ngày luôn phải cố gắng với lấy những thứ là điểm yếu của mình chỉ để không phải bị người ta đẩy ra khỏi một nhóm học tập. Nếu mình không có khả năng dùng lời nói và mối quan hệ để được chấp nhận thì mình phải là một nhân tố đủ để họ có thể lợi dụng mình. Có thể khi bạn đọc đến đây bạn sẽ ngạc nhiên vì sự cực đoan của mình, nhưng mà thật sự dù đối với những người mà họ yêu quý và thân thiết với mình, lúc làm việc với họ mình cũng luôn luôn cố gắng trở nên vô cùng có giá trị, mình không muốn họ vì thương hại mới giữ lại mình.
Mọi thứ dần trở nên tốt hơn, mình trở nên tự tin hơn, yêu bản thân hơn khi giảm bớt được 6kg. Mình thay đổi cách ăn mặt, chăm sóc bản thân mình, tập tành trang điểm nhẹ. Xem rất nhiều video để rèn luyện sự tự tin cũng như tìm ra giá trị của bản thân mình. Mình chăm chỉ học hơn, làm bài bằng tất cả tâm huyết. Mình luyện tập cách để tự tin, ban đầu chỉ là diễn, nhưng dần dần nó đã dần trở thành một phần của mình.
Lúc này, sau chừng hơn nửa năm bắt đầu hành động, mình đã tốt hơn nhiều lắm. Mình có thể làm rất nhiều thứ mà năm xưa mình không thể làm với một thái độ bình tĩnh và tự tin. Ví dụ như mình từng không dám gọi điện thoại cho một người lạ, hay không dám hỏi về những món ăn trong nhà hàng, không dám khiếu nại khi ai đó nhầm lẫn quyền lợi của bản thân, không dám tự giới thiệu chính mình, không dám hàng vạn thứ... Nhưng bây giờ mình đã làm được tất cả những điều kể trên rồi. Tính cách của mình thì vẫn vậy, mình vẫn cười nhẹ và không nói gì trong những cuộc trò chuyện đông người. Nhưng mọi người không đánh giá mình, họ chấp nhận. Và mỗi khi mình muốn, mình vẫn có thể nói như một phần của họ không có gì tách biệt.
Tuy rằng đôi lúc, mình vẫn cảm thấy hơi ngột ngạt trong một vài tình huống quá sức. Nhưng không sao cả. Tất cả đều là sự luyện tập cho sự gan dạ của mình. Đây là câu mình tự nhủ bản thân mỗi khi gặp tình huống khó: "Fake it till you make it". Nó có tác dụng rất tốt.
Mình tin là với những nỗ lực và kết quả như vậy, mình đang đi đúng hướng. Tìm được cách dung hòa tính cách của mình với cuộc sống mình mong muốn. Và rồi một ngày nào đó mình có thể vui vẻ thừa nhận rằng: "Tôi là người hướng nội và tôi hạnh phúc với điều đó".
Bình luận
Bình luận
Bình luận Facebook