Nhật Kí Gửi Tôi Mười Năm Sau
-
C3: Tôi Không Khóc
Lúc nhỏ, bản thân tôi rất tự ti với chính mình và tất cả mọi thứ xung quanh. Tôi làm gì cũng khúm núm và sợ hãi. Cũng vì thế mà tôi thường bị bắt nạt ở nhà trẻ. Tôi không hiểu vì sao mình bị đối xử như thế. Bọn chúng tẩy chay tôi, cô lập tôi. Chúng không chơi cùng tôi, chúng xô tôi ngã từ trên gác cao xuống đất, chúng lấy chiếc đồng hồ mà bà tôi tặng, khi tôi đòi lại thì mách cô để tôi bị đánh. Cô giáo tin bọn chúng, cô giáo không tin tôi. Cô đánh tôi, cô ép tôi ăn đến nôn, cô nhốt tôi vào phòng tắm. Tuổi thơ tôi là những nỗi ám ảnh. Tôi ghét trường mẫu giáo, nơi tôi không đó địa vị và chỗ đứng cho riêng mình. Nơi luôn tồn tại những ám ảnh. Nhưng tôi không khóc, tôi không bao giờ khóc, cha mẹ dạy tôi phải mạnh mẽ. Mình khóc người cười. Vì thế tôi không khóc.
Tôi vẫn còn nhớ lúc đó. Năm tôi 4 tuổi, khi từ trường học về. Mẹ tôi không hỏi chuyện, vì biết tôi ghét nơi đó đến mức nào. Nhưng bà vẫn phải để tôi đi vì muốn tôi đối mặt. Sau đó mẹ tắm cho tôi, và rồi mẹ hốt hoảng. Lưng tôi chằn chịt những vết trầy rướm máu. Khi đó mẹ sợ, và mẹ hỏi tôi.
- Ai? Ai làm con?
- Con không biết.
- Vì sao con không nói cho mẹ? Vì sao con không khóc?
- Không có gì phải khóc cả.
Mẹ không biết, tôi đau muốn chết. Khi tôi bị đẩy ngã từ trên cao xuống. Tôi không đứng dậy nổi. Áo đồng phục bị đẩy lên, cả tấm lưng trần của tôi trượt dài thên chiếc thang sắt gỉ, từng bậc từng bậc đến đất. Tôi quay lại nhìn đứa trẻ đó, nó nhìn tôi. Từ đó tôi khắc sâu gương mặt và cái tên đó vào lòng. Sau này tốt nhất nên đừng gặp lại. Nếu không tôi sẽ trả thù, chắc chắn là như vậy.
Tất cả không dừng lại ở đó. Tôi là một đứa trẻ hay bệnh, cơ thể tôi lúc nhỏ không được tốt. Vì thế tôi thường hay nghỉ học. Năm đó tôi học lớp Lá, cô giáo dạy chúng tôi thuộc lòng một bài thơ nào đó về Trăng của nhà thơ Trần Đăng Khoa. Tôi nghỉ học nhiều tháng, vì thế tôi không biết. Cô không để ý tới điều đó. Và cô vẫn đánh tôi. Lần đó tôi bị oan, tức đến muốn khóc. Nhưng tôi vẫn không khóc.
Ngày đó, tôi như một con rối đồ chơi, vô dụng và bất lực để cho người ta giày xéo. Trong khi tôi không đáng bị như thế. Mẹ tôi đau lòng, bàn với ba tôi gửi cho hai cô giáo mỗi người 100 nghìn để họ "có tâm" với tôi hơn. Vào giai đoạn những năm 2002, 2003, 100 nghìn lớn lắm. Nhưng tôi không biết mẹ tôi đã làm điều đó, sau này bà mới kể lại. Thế nhưng cuộc đời tôi vẫn tăm tối như vậy. Mẹ nói, có lần cô đã nhốt tôi vào phòng tắm vì tôi không thể nuốt nổi thức ăn của trường.
Cách đây vài năm, khi đang học cấp 2. Khi đó tôi còn rất nhỏ, ngay độ tuổi biến đổi tâm lí dữ dội. Mỗi khi nhắc đến giai đoạn này là ngực lại phập phồng. La hét một hồi rồi ngồi thần người ra mà khóc. Khóc rồi lại nghĩ đến những con người đó, tôi phải trả thù. Nhìn những đứa em ruột, em họ lần lượt rủ nhau đi học trường quốc tế, được cô giáo thương yêu hết mực. Lòng tôi dù vui nhưng vẫn dấy lên những cảm giác chua xót cho số phận của mình. Tôi đã nhiều lần hỏi mẹ:
- Vì sao mẹ không cho con học trường quốc tế? Vì khi đó nhà mình không đủ tiền sao?
- Không phải không đủ. Nhưng khi đó mẹ tìm không ra trường. Nhưng nếu có cũng ở tận Sài Gòn. Mẹ dạy ở quận 2, ba lại làm ở Bình Dương. Làm sao đưa đón được.
...
Chưa hết lớp Lá, vì quá đau lòng, mẹ cho tôi nghỉ học. Trước đó khi còn học lớp Chồi, tôi đã biết đọc chữ. Khi vừa nghỉ học trường mẫu giáo mẹ liền dạy tôi tập viết. Vì thế khi tôi vào lớp 1, mọi thứ dễ dàng hơn rất nhiều. Hồ sơ của tôi rất đẹp, ba làm quản lí, mẹ làm giáo viên. Vì thế tôi được cô chọn làm lớp trưởng, lại thêm biết trước người ta nhiều thứ, tôi không còn cảm thấy tự ti nữa.
Qua một thời gian, tôi chợt hiểu rằng, đối với bản thân mình, một kẻ không thể nào hoà nhập với những con người đó, chỉ có một con đường duy nhất để sinh tồn là học thức và gia thế. Về học thức, năm tôi học lớp 1, mẹ tôi bắt tôi đọc sách rất nhiều. Những quyển sách khoa học, những quyển sách nhiều chữ và khó hiểu. Tôi làm theo lời mẹ, cứ đọc cứ đọc như một thói quen trước giờ đi ngủ. Cũng vì thế kiến thức của tôi càng tăng, hiểu biết càng rộng. Càng ngày tôi càng chứng tỏ được vị trí của mình ở trường tiểu học. Nhưng tôi vẫn là một đứa trẻ bị bắt nạt.
Năm lớp 1 là lần cuối cùng tôi bị bắt nạt. Lần đó tôi đang đứng trên một chiếc ghế đá trong trường, khi đó tôi vẫn không có nhiều bạn bè cho lắm. Và rồi một nhóm học sinh lớp 2 bước đến, cứ thể đẩy tôi ngã từ trên cao xuống đất. Như mọi lần khác, tôi tự đứng lên và không nói bất cứ điều gì. Tôi thấy toàn thân mình đau đớn đến lạ kì, nhất là hai đầu gối bỏng rát. Tôi lê lết đến chiếc ghế đá bên cạnh, bần thần nhìn hai chân mình chảy máu. Khi đó vì quá đau tôi thật sự rất muốn khóc. Nhưng tôi nghiến răng, ngăn cho nước mắt trào ra. Tôi cứ ngồi đơn độc một mình ở sân trường như thế, chân thì dơ bẩn, chảy máu. Đồng phục lấm lem, tôi nhìn bọn họ, một lần nữa, nhưng gương mặt mới lại khắc sâu vào trí nhớ.
Tôi vẫn còn nhớ rất rõ, khi đó đã có một người bạn đến với tôi. Cậu ấy là người cô giáo phân công để tôi kèm học. Làm xong bài, cậu ấy ra khỏi lớp tìm tôi. Thấy tôi ngồi bất động, hai chân đã chảy máu, cậu ấy còn hoảng hơn cả tôi. Cậu ấy chạy đến ngồi cạnh tôi, vô cùng lúng túng. Tôi vẫn nhớ như in những lời cậu ấy nói với tôi khi đó, khi chúng tôi mới chỉ là những đứa trẻ 6 tuổi.
- Trang đau không? Đừng khóc, đừng khóc nha. Tân cho Trang cục kẹo, ăn xong hết đau, đừng khóc.
Khi đó tôi oà khóc. Ngay cả khi viết ra những dòng này tôi cũng đang khóc. Con người tôi cũng thật lạ. Khi chỉ có một mình tôi, bao nhiêu đớn đau, tủi hờn, tôi cũng chịu được. Nhưng chỉ cần có người đến cùng an ủi và sẻ chia thì tôi lại khóc. Nhưng bản tính mạnh mẽ trong con người tôi lúc đó lại không cho tôi khóc. Vài giọt nước mắt vừa rơi xuống tôi lại nhanh chóng lau đi. Tôi không nhớ khi đó tôi đã nói với cậu bạn này những gì. Hình ảnh duy nhất tôi còn nhớ là cậu ấy đã dìu tôi vào lớp. Cậu ấy là người duy nhất bên cạnh tôi lúc đó. Dù cho chúng tôi chẳng hề chơi chung. Về sau tôi và cậu ấy cũng không chơi với nhau là bao, thậm chí lên lớp năm còn vô phe thù địch. Nhưng dù thế nào đi nữa. Người đầu tiên tương trợ tôi vào giây phút kinh khủng đó. Tôi cũng không bao giờ quên.
Hôm đó tôi đi bộ về nhà rất bình thường, ung dung đi lên cầu thang rồi vào phòng mẹ. Khi đó mẹ tôi mang thai em trai gần đẻ, nên chủ yếu chỉ ngồi trong phòng đọc sách, không ra ngoài. Tôi vẫn còn nhớ khi đó mình rất "tỉnh", lẳng lặng bước vào phòng. Buông cặp sách xuống và nói với mẹ từng chữ rõ ràng.
- Mẹ ơi, hôm nay Trang bị xô té.
Mẹ tôi suýt nữa đã bật người dậy nếu không vì cái thai quá lớn. Mẹ tôi lại nhìn vết thương của tôi đầy xót xa và giận dữ.
- Ai xô con té? Nói với mẹ.
Tôi biết lớp học của lũ người đó. Nhưng bản tính tự ti về mọi thứ xug quanh nên tôi không nói. Hồi đó tụi con nít có anh chị em là giang hồ thì oai lắm, tôi sợ chúng nó mang mã tấu đến chém nhà tôi nên tôi không kể. Nhưng sau này tôi mới biết ba mẹ tôi hoàn toàn có đủ lí do và sức mạnh để bảo vệ tôi theo cách mà tôi cho là an toàn và đúng đắn. Khi còn nhỏ, tôi đã suy nghĩ rất thực tế. Tôi không biết ai dạy tôi điều này hay đã nhìn thấy những hình ảnh đó ở đâu. Nhưng tôi không thích cái cách chỉ bảo vệ bằng tình thương. Tôi không nói nó sai. Nhưng chưa đủ. Tôi luôn nghĩ gia đình tôi không đủ sức mạnh về tài chính và vật chất để đấu lại bọn giang hồ đó. Trong mắt tôi, việc ba mẹ bảo vệ con cái bằng tình thương trong bất lực là một điều hết sức đau thương và cùng cực. Tôi thì lại không muốn thế.
Khi mẹ hỏi. Tôi chỉ nói là những người lớp 2, rồi thôi.
Sau này lớn lên, mẹ mới kể lại. Mẹ với ba tôi sau rất nhiều năm vẫn không thể hiểu được vì sao khi vừa sinh tôi ra tôi đã không cất tiếng khóc. Mẹ tôi và bác sĩ vài tìm nhiều cách để tôi khóc mà lưu thông đường thở. Khó khăn lắm tôi cũng khóc để mà chào đời. Sau đó lớn lên, tôi cũng không khóc. Giai đoạn 2 3 tuổi, con nhà người ta khóc ầm ĩ đua đòi, riêng chỉ có tôi là câm lặng. Nếu bất mãn, tôi chỉ gào mà không khóc. Trải qua nhiều chuyện tôi cũng cắn răn chịu đựng mà chẳng khóc bao giờ.
Càng lớn, tâm trạng và cảm xúc càng trở nên mẫn cảm hơn. Từ khi vào cấp 2 tôi mới bắt đầu thỉnh thoảng rơi lệ vì xúc động khi coi phim hoặc là vì tức quá mà rơi nước mắt. Đôi lúc tôi không rõ có phải là bản thân mình quật cường hay là vì tuyến lệ có vấn đề nữa.
Bình luận
Bình luận
Bình luận Facebook