Nhân Tổ
-
Chương 807: Mười Cái Đồ Đệ
Tôn Kỳ đi dọc theo con sông, dân làng Lý gọi sông này là Đại Lý, dân làng khác phía hạ nguồn lại gọi với tên khác.
Làng Lý nhanh chóng khuất xa tầm mắt.
Đi nửa ngày hắn đã tới làng khác, đây là hắn tốc độ rất nhanh, người bình thường cũng phải mất năm ngày đi đường, nếu tính thời gian nghỉ ngơi vậy phải hơn mười ngày, bởi vậy dân các làng với nhau tương đối ít liên lạc.
Hắn thấy được hai cậu nhóc khoảng sáu bảy tuổi tại rãnh nước nhỏ bắt cá, hắn dừng lại hỏi:
“Hai đứa đang làm gì?”
Hai đứa ngẩng đầu nhìn hắn, thấy hắn phong thái tiên sinh, liền cung kính nói:
“Bọn cháu bắt cá.” đứa nhỏ tươi cười trả lời, đứa lớn có vẻ hơi lầm lì không lên tiếng.
Tôn Kỳ ngồi xuống nghỉ ngơi dưới gốc cây gần đó, hỏi:
“Rãnh nước nhỏ, cá nhỏ, các ngươi bắt được bao nhiêu? có đủ ăn?”
Nghe hỏi, hai đứa nhỏ bụng lại sôi ùng ục, gãi đầu ngây ngô nói:
“Ngày nào cũng đói, nhưng mà cũng không biết làm sao? bọn cháu chỉ biết mỗi cách này kiếm ăn.”
“Ngoài kia sông lớn thì sao?” Tôn Kỳ lại hỏi.
Đứa bé lắc đầu:
“Không có dụng cụ, bơi nhanh cũng không nhanh bằng cá.”
“Ruộng vườn, cây cối, gia súc… các ngươi không có một chút gì sao?”
“Không có!” đứa bé lắc đầu.
“Cha mẹ mất rồi, chẳng để lại cái gì.
Bọn cháu cũng chẳng đủ sức khai hoang, ruộng tốt thì đã có chủ, ruộng xấu thì làm không được, đi săn thì không ai cho theo, vật nhau với chó còn không thắng được… cuối cùng chỉ có thể tại đây bắt cá nhỏ.”
Hai đứa bé này có thể nói thảm hết sức, Tôn Kỳ gật đầu, là tình trạng thường thấy tại Nhân tộc.
Thấy người em nãy giờ nhiều chuyện, người anh bắt mãi không được cũng bực mình, quát:
“Lo bắt cá đi, đừng có nhiều chuyện, tối nay coi chừng lại phải gặm vỏ cây.”
Đứa em gãi đầu, cúi xuống tiếp tục lội nước bắt cá.
Tôn Kỳ nhìn hai đứa, gọi mời.
“Hai đứa có muốn theo ta đi kéo lưới người.”
“Lưới người? Có ăn sao?” đứa em ngây thơ hỏi.
Tôn Kỳ gật đầu.
Đứa em vui vẻ lên bờ, nó không lội nước nữa, quá lạnh, mà lại không bắt được cá.
Người anh thấy vậy, thoáng chần chừ, sau đó cũng đi lên bờ.
Tôn Kỳ sau đó nói bọn chúng nhặt đống củi khô, hắn búng tay một cái ngọn lửa bùng cháy.
Hai đứa bé tròn mắt kinh ngạc, quỳ sụp xuống thành tâm lạy.
“Đa tạ, đa tạ Thần ban ơn!”
“Các ngươi đứng lên đi, ta không phải là thần, ta cũng giống như các ngươi là con người.” Tôn Kỳ đỡ bọn chúng dậy.
“Không thể nào, con người làm sao có thể tạo ra lửa, đây là trưởng làng nói.” đứa anh khẳng định.
“Sai rồi! con người không những có thể tạo ra lửa, còn có thể hô phong hoán vũ.”
“Bọn cháu… có thể sao?” đứa em ngập ngừng hỏi.
“Có thể, chỉ cần các ngươi chịu học.” Tôn Kỳ gật đầu.
“Học… học…” đứa em nhảy lên vui mừng, đứa anh trầm tính hơn nhưng nét mặt cũng vui vẻ.
Tôn Kỳ trước khi dạy bọn chúng, cần làm cho bọn chúng no cái bụng.
Hắn chỉ người anh:
“Ngươi hãy tới chỗ kia bắt cá.”
Người anh nghi ngờ, nó đã bắt cả ngày rồi, không được con nào, bây giờ còn được sao nhưng nghe theo vị này nói, nó vẫn làm.
Nó theo chỉ dẫn đi tới một bụi cỏ ngập nước, không ngờ nó thật bắt được mấy con cá to thật to, phải hai tay ôm mới được.
Tiếp theo Tôn Kỳ lại chỉ người em nhổ bụi cây lá to gần bờ nước.
“Lá cây kia ăn không được, bọn cháu đã ăn một lần rồi, rất ngứa, làm bọn cháu gãi loét cả miệng.” đứa em giải thích.
Tôn Kỳ mỉm cười:
“Ai nói các ngươi ăn lá, chỉ có củ mới ăn được.
Ngươi hãy nhổ cây lên, đào củ mang về đây.”
Đứa em gật đầu, làm theo, quả nhiên đào được những củ to như cái đầu.
Sau đó, tại đống lửa Tôn Kỳ nướng cá và củ khoai cho bọn chúng.
“Oa! củ này ăn thật ngon! đây là củ gì?” hai đứa bẻ ra củ khoai, cắn một miếng nóng hổi, vừa phù phù thổi ăn vừa khen.
“Củ gì sao?” Tôn Kỳ suy nghĩ một thoáng nói: “Gọi nó là khoai môn đi.”
“Khoai môn… rất ngon.” hai đứa nhỏ cũng chẳng thể kiếm ra mỹ từ nào, ngoài hai chữ rất ngon.
Đợi bọn chúng ăn thỏa mãn, Tôn Kỳ mới bắt đầu lên tiếng.
“Ta gọi ngươi là Đá, trên tảng đá này ta sẽ xây dựng dân ta.” Tôn Kỳ chỉ vào người em.
“Ta gọi ngươi là Nhạc, ta sẽ dùng ngươi để quy tụ dân ta.” Tôn Kỳ tiếp tục chỉ người anh.
Hai đứa nhỏ gật đầu, đổi tên thì đổi tên, cũng không quá để ý ý nghĩa của nó.
Sau đó Tôn Kỳ bắt đầu giảng dạy.
Không có cái gì thâm sâu, bắt đầu là học chữ viết, ngôn ngữ, lễ nghĩa…
Nửa ngày sau, Tôn Kỳ cùng hai đứa trẻ vào làng, thấy có bảy người đàn ông và năm người phụ nữ đang làm việc, hắn cất tiếng hỏi:
“Mấy vị, ba thầy trò ta đi đường khát nước, không biết có thể cho bọn ta mấy trái ăn.”
Bọn họ nhìn nhau, có ba người đàn ông và hai người phụ nữ hái trái mang cho bọn hắn, những người còn lại thờ ơ.
Tôn Kỳ cầm viên trái cây màu vàng chanh, vỏ bóng, nằm vừa gọn trong bàn tay, cắn một miếng, nước ứa ra, có vị chua ngọt.
“Đây là trái gì?” Tôn Kỳ hỏi.
“Bọn ta gọi nó là Sương Mai.” một tên thanh niên trả lời.
“Tên rất đẹp.” Tôn Kỳ gật đầu, sau đó hỏi chuyện cuộc sống.
“Mọi người sống thế nào? vất vả không?”
Nghe Tôn Kỳ hỏi, không biết vì sao, bọn họ như gặp được tri kỷ, trút ra hết nỗi lòng.
Thời gian gần đây xuất hiện dịch bệnh, cây Sương Mai bị cháy lá sau đó chết khô, làm cách nào cũng không cứu được, mấy trái cho Tôn Kỳ có thể là những trái duy nhất.
Tôn Kỳ nghe xong, hiểu được, cảm thông với họ.
“Các ngươi có muốn theo ta, ta có thể cho các ngươi nước uống không tận, cơm ăn không hết.”
Bọn họ ánh mắt tỏa sáng, lập tức bỏ tất cả ruộng đồng, cây cối đi theo Tôn Kỳ.
“Rẫy của ta cho các ngươi, ta phải đi theo tiên sinh.” một tên trung niên vẫy tay chào tạm biệt những người ở lại.
Những người này lập tức khuyên.
“Ngươi điên rồi! hắn nói ngươi cũng tin.”
“Ngươi chịu khó làm đất, năm sau trồng cây mới, bốn năm sau lại có ăn.”
“Ngoài kia có rất nhiều nguy hiểm, ngươi không sống nổi đâu.”
Lời nói ra vào nhưng bọn họ vẫn quyết định đi theo Tôn Kỳ.
Vậy là đã ứng nghiệm lời năm xưa.
Bảy người đàn ông, ba người được mang đi, bốn người bị bỏ lại.
Năm người đàn bà, hai người được mang đi, ba người bị bỏ lại.
Tôn Kỳ vừa dạy chữ viết, vừa dạy thủ công nghệ.
Dệt may, đan lưới, đồ gốm, tạo lửa, giấy bút viết…
Tôn Kỳ cứ thế đi, từ tây hướng ra đông, trên đường có khi vào làng có khi đi ngang qua.
Hắn chọn người cũng rất ngẫu nhiên, không có bất kỳ yêu cầu nào, chỉ cần nguyện ý là được.
Có người dẫn theo cả gia đình, có người từ biệt cha mẹ mà theo hắn, có người xin trở về thu xếp công việc rồi sẽ theo hắn nhưng khi trở lại hắn đã đi mất,...
Số người đi theo hắn nhanh chóng tăng lên ba mươi người, từ trẻ đến già, nam đến nữ cùng ba chiếc xe bò.
Họ bồng bế, dìu dắt nhau, tin tưởng tuyệt đối vào hắn.
Nửa ngày đường đi, họ dừng lại nghỉ mệt, Tôn Kỳ ngồi trên tảng đá, dưới gốc cây tỏa bóng, phía dưới là mấy người ngồi chăm chú lắng nghe, có mấy người chạy tới chạy lui lo chuyện bếp núc.
Tôn Kỳ theo thông lệ bắt đầu giảng dạy.
Một giờ sau, có người bưng lên một chén nước nóng, cung kính:
“Mời thầy uống nước!”
Tôn Kỳ cầm chén, chợt trên cây rơi xuống một phiến lá, nước nóng nhanh chóng nấu chín lá xanh, nước chuyển màu nâu nhạt, một mùi thơm nhẹ bay lên.
Tôn Kỳ tò mò, đưa lên mũi ngửi, sau đó nhấp nhẹ, vị đắng chát trên đầu lưỡi, xuống cổ lại có vị ngọt thanh, trôi xuống bụng dư vị không tan.
Đầu óc trở nên thanh tỉnh.
Đồ tốt!
Tôn Kỳ gọi lá này là trà, kêu người hái một ít mang theo, sau này nấu nước bỏ vào vài lá.
Tôn Kỳ đi qua các làng mạc, không chỉ giảng dạy mà đôi khi còn thi triển pháp thuật chữa bệnh cứu người, biến ra thức ăn nước uống, lửa…
Con người vô cùng tầm thường, chỉ có thấy tận mắt mới chịu tin.
Nếu như chỉ nói vài câu khiến họ tin tưởng, vậy thì họ cũng quá ngốc.
Một ngày nọ có người đàn bà cõng theo đứa con tìm hắn, nhìn chân bà phồng rộp rướm máu, Tôn Kỳ biết bà đã đi một quãng đường dài.
Đứa con mắt nhắm nghiền, hai tay buông thõng.
Bà quỳ sụp xuống, bế đứa bé dâng trước mặt hắn cầu xin:
“Xin thầy hãy cứu đứa nhỏ.”
Tôn Kỳ đưa mắt nhìn đứa nhỏ, lắc đầu:
“Đứa bé chết rồi!”
Bà nước mắt giàn giụa, dập đầu xuống đất liên tục đến nỗi chảy máu.
“Xin thầy cứu đứa nhỏ… xin thầy cứu đứa nhỏ…”
Tôn Kỳ thở dài:
“Sao ngươi lại cho rằng ta có thể khiến người chết sống lại?”
“Vì thầy có lời ban sự sống.” bà mẹ mù quáng tin tưởng.
Tôn Kỳ bị những lời này làm cho cảm động.
“Vì bà tin nên bà sẽ được.”
Hắn đưa tay chụp vào không khí, hồn phách đứa bé đang tan rã bị hắn nắm trong lòng bàn tay.
Hắn đánh hồn phách trở lại người đứa bé, sau đó một cỗ năng lượng thuần khiết truyền vào người nó.
Hắn đưa tay vỗ nhẹ vai đứa bé, gọi:
“Tỉnh dậy.”
Đứa bé từ từ mở mắt.
Người mẹ vui mừng khôn xiết.
Hai mẹ con sau đó bỏ hết tất cả đi theo hắn.
Đám người đi theo tỏ ra vô cùng sùng bái.
Cũng từ đó danh tiếng hắn lan xa.
Người kéo đến càng lúc càng đông.
Một ngày nọ, hắn trên đường đi gặp ba người mù chặn đường giống như đã chờ hắn rất lâu.
“Chúng tôi đều bị mù từ nhỏ, xin thầy cho chúng tôi sáng mắt.” bọn họ quỳ xuống thành tâm.
Tôn Kỳ động lòng, lấy bùn nhão bôi lên mắt họ, nói:
“Các ngươi ra sông rửa, ắt sẽ nhìn thấy.”
Bọn họ tuân lệnh làm theo, quả nhiên khi rửa sạch bùn đất thì mắt họ được sáng.
Sau đó một tên trở về ca tụng Tôn Kỳ.
Tôn Kỳ hỏi:
“Hai người kia đâu?”
“Bọn họ đi rồi.” tên này đáp.
Tôn Kỳ gật đầu, không có cái gì cảm xúc.
Sau đó tên này đi theo Tôn Kỳ, làm chứng cho thần phép Tôn Kỳ.
Tôn Kỳ đi qua các ngôi làng, có nơi tiếp đón, có nơi xua đuổi hắn.
Trưởng làng rất e ngại Tôn Kỳ, mỗi lần hắn giảng đạo, đều kéo đi một nhóm người, làm suy yếu dân số của làng, nguy hiểm nhất là hắn lật đổ giáo lý thần, chẳng khác nào đạp đổ địa vị của trưởng làng.
Bởi vậy trưởng làng sẽ kích động người dân đánh đuổi bọn hắn từ xa.
“Cút! tà ma.”
“Ác quỷ!”
“Các ngươi nhanh cút đi!”
“Xin thần giáng xuống thiên lôi trừng phạt những kẻ báng bổ này.”
Dân làng bị trưởng làng kích động, tại trước cổng mắng đuổi bọn Tôn Kỳ.
“Thưa thầy, hãy để bọn con dạy cho chúng một bài học.” một vị thanh niên tiến lên thưa, mấy tên thanh niên khác máu nóng, sắc mặt hằm hằm chỉ chờ Tôn Kỳ gật đầu một cái.
Bọn hắn bây giờ số lượng đủ so với bất kỳ làng nào.
“Bỏ đi!” Tôn Kỳ lắc đầu, chọn đường vòng mà đi.
Làng nhỏ thì chỉ có một trưởng làng làm người lãnh đạo duy nhất, làng lớn thậm chí còn có thêm phó trưởng làng, có thêm đội bảo vệ.
Bọn chúng đối với quyền lãnh đạo làng càng chấp nhất.
Có lần Tôn Kỳ bị bọn chúng ném đá bể đầu, máu chảy ròng ròng.
Đám học trò muốn xông lên ăn thua đủ nhưng Tôn Kỳ đều phất tay ngăn lại, người có chí riêng, không cần cưỡng ép.
Đã được một năm kể từ khi hắn xuống núi, số người đi theo hắn đã hơn trăm người, Tôn Kỳ quyết định chọn trong số bọn họ mười người làm đệ tử thân truyền.
Đứng đầu là Đá, người mà Tôn Kỳ chọn để xây dựng Nhân tộc.
Tiếp theo là Nhạc, anh của Đá, người sẽ cất tiếng gọi quy tụ dân riêng của hắn.
Thứ ba là Long, nó là đứa bé từ nhỏ bị vứt trong rừng, được nuôi lớn bởi bầy sói.
Tôn Kỳ lần đầu nhìn thấy Long, nó khá hung hãn, không khác một con sói, dã tính mười phần.
Có lẽ là nhờ sống trong hoang dã nên nó xương cốt cứng cáp, các khớp dẻo dai, di chuyển linh hoạt đa dạng.
Tôn Kỳ thấy Long là kỳ tài luyện võ, nên quyết định mang nó đi, phải mất mấy tháng trời thuần dưỡng, Long mới ra dáng con người.
Thứ tư là Ngạo.
Nó vốn là cháu của một vị trưởng làng, từ nhỏ thông minh hơn người, không nghi ngờ gì tương lai sẽ kế thừa chức vị trưởng làng, so với những đứa trẻ khác, nó có thể coi là con ông cháu cha.
Nhớ ngày đó khi Tôn Kỳ tới làng, trưởng làng dẫn mọi người ba dặm tiếp đón, vô cùng long trọng và thành kính.
Sau khi Tôn Kỳ giảng đạo xong, lão trưởng làng rưng rưng nước mắt, cầm tay Ngạo đặt vào tay hắn, hy vọng hắn có thể nhận Ngạo để nó có tương lai tốt đẹp hơn.
Tôn Kỳ có chút xúc động, hiếm có người trưởng làng nào lại nhìn xa trông rộng như vị này.
Không phụ lòng của ông nội, Ngạo quả thật cố gắng, trí tuệ cũng là hơn người, trong số những đệ tử của Tôn Kỳ, Ngạo là đứa thông minh nhất, học tập nhanh nhất.
Thứ năm là Diệp, cô bé thông minh, tháo vát, khéo tay, đặc biệt thích học những nghề tiểu thủ công nghiệp, nấu ăn, chăn nuôi…
Thứ sáu là Lãng.
Nó là đứa nó được Tôn Kỳ cứu lại từ cõi chết, bởi vậy đối với dược lý, dược thảo, y học khá thích thú.
Tôn Kỳ cũng rất vui lòng nên dốc sức truyền dạy kiến thức.
Hắn là đại tông sư luyện đan, dạy một cái học trò không khó.
Thứ bảy là Hồng.
Tôn Kỳ tìm thấy cô bé đang bên bờ sông nghịch cát, đang lấy lá khoai múc nước đổ vào lỗ cua.
Tôn Kỳ hiếu kỳ lại gần xem, hỏi:
“Con đang làm gì đó?”
“Con đang tát cạn dòng sông bắt cá.” cô bé ngây thơ trả lời.
Tôn Kỳ nghe vậy cười thành tiếng:
“Dòng sông lớn như vậy, còn lỗ cua chỉ bé tí.
Làm sao có thể tát cạn.”
“Vì sao lại không thể? con hỏi người một câu.” cô bé đứng dậy chống nạnh, nhìn Tôn Kỳ rất nghiêm túc, như bà cụ non.
“Được, hỏi đi.” Tôn Kỳ mỉm cười, tỏ ra hứng thú với cô bé.
“Con cua sẽ lớn lên sao?” cô bé đặt câu hỏi đầu tiên.
“Tất nhiên!” Tôn Kỳ trả lời không chút chần chừ.
“Con cua lớn lên, nó sẽ đào cái lỗ lớn hơn, đến một lúc nào đó cái lỗ sẽ chứa đủ cả dòng sông.” cô bé lý luận.
Tôn Kỳ nghe xong cười lớn, không thể bắt bẻ.
“Nếu vậy con cua phải sống rất lâu rất lâu thì mới đào được cái lỗ rất lớn rất lớn.”
“A! vậy là ông đồng ý với cháu.” cô bé hỏi.
“Tất nhiên.” Tôn Kỳ gật đầu.
“Vậy mà khi cháu nói ra, ai cũng phản đối, nói là cháu ngu ngốc.
Bọn họ mới là ngu ngốc, ông nói có đúng không?” cô bé phụng phịu.
“Không bọn họ cũng không sai.”
Cô bé đôi mắt to tròn như muốn nói: là sao?
Tôn Kỳ giải thích:
“Ngươi nói múc cạn dòng sông vào lỗ cua không sai nhưng… ngươi có thể chờ đến lúc lỗ cua lớn đến mức đó sao? tuổi thọ con người rất ngắn.”
Cô bé thoáng suy nghĩ, cảm thấy có lý, sau đó nhìn Tôn Kỳ.
“Lúc trong làng, ông không phải nói có thể cho mọi người sự sống đời đời sao?”
“Phải, vậy ngươi có muốn sống đời đời.” Tôn Kỳ nghiêm túc hỏi.
“Muốn.” Cô bé nhảy cẫng lên ôm lấy Tôn Kỳ.
Tôn Kỳ lúc này lại cảm thấy, đây chính là mưu kế của cô bé, mọi chuyện không thể xảo như thế.
Không biết là thầy chọn đồ đệ hay là đồ đệ chọn thầy nữa.
Nhưng như vậy cũng tốt, Nhân tộc cần có tư tưởng, cần có triết học, triết lý.
Hồng có thể làm tốt điều này.
Thứ tám là Lạc, là một cậu bé ham chơi, thích ngồi trên lưng trâu, thổi sáo lá.
Tôn Kỳ hy vọng nó sau này có thể chưởng nhạc khí, nghệ thuật.
Thứ chín là Ân, cậu bé ít nói, tính tình cương trực thẳng thắn, thích các loại vũ khí.
Thứ mười là Hồ, là một cậu bé thích sáng tạo, hay chế tạo ra những đồ vật hay ho, chính cậu thiết kế bàn xoay làm đồ gốm, giúp cho Diệp rất nhiều.
Bọn họ tổ chức một lễ bái sư nhỏ, mười cô cậu bé quỳ gối dâng lên chén rượu mới cất.
Tôn Kỳ tiếp nhận, từ nay hắn sẽ như thầy như cha, hết lòng dạy dỗ mười đứa nhỏ.
Sau đó, hắn chính thức truyền thụ Linh Khí Quyết cho mọi người, để mọi người bước vào con đường tu luyện, tự lực tự cường.
Đợi cho mọi người căn cơ vững chắc, hắn sẽ tiếp tục truyền dạy luyện đan thuật, pháp thuật, kiếm đạo, đao đạo, hồn luân… tất cả những gì hắn biết.
Tùy sở trường mỗi người mà dạy..
Bình luận
Bình luận
Bình luận Facebook