Nhạc Phi Diễn Nghĩa
Chương 19: Hồi thứ mười chín

Ngột Truật bảo Tần Cối đem thây Triệu Vương đi chôn cất rồi sau đó cho đi làm gia nhân cho một tướng Phiên.

Ngột Truật hỏi Trương Bang Xương:

- Triệu Vương chết, con cái Tống Vương còn đứa nào không?

Trương Bang Xương đáp:

- Triều Tống còn một vị điện hạ thứ chín là Khương Vương Triệu Cấu, để thần lừa hắn đến cho chúa công!

Nói xong từ tạ Ngột Truật trở về triều ra mắt Thái thượng hoàng Huy Tông , giả vờ khóc lóc nói:

- Triệu Vương điện hạ đã rủi ro bị ngã ngựa hết bên dinh Phiên rồi. Nay Ngột Truật lại muốn một vị thân vương khác ở làm con tin thì hắn mới lui binh. Nếu không y theo lời hắn thì hắn sẽ đánh thẳng vào cung.

Thái thượng hoàng nghe nói lòng đau xót vô cùng, cực chẳng đã phải gọi Khương Vương vào rồi thuật hết mọi việc cho nghe. Khương Vương tâu:

- Xã tắc là trọng, con đâu dám tiếc thân. Vậy con cần phải qua đó mới xong.

Huy Tông lại hỏi:

- Có ai dám theo điện hạ không?

Bỗng có quan Lại bộ Thị Lang tên là Lý Nhược Thủy bước ra tâu:

- Hạ thần xin lĩnh mệnh theo bảo hộ điện hạ cho.

Rồi cùng Khương Vương ra khỏi thành theo Trương Bang Xương thẳng qua dinh Phiên.

Trương Bang Xương vào trước ra mắt Ngột Truật tâu:

- Điện hạ Khương Vương Triệu Cấu đã bị hần lừa đến đây rồi. Bây giờ trong triều nhà Tống không còn một điện hạ nào nữa cả.

Ngột Truật nghe nói sợ Khương Vương lại bị chết nữa thì nguy, vội sai quân sư ra nghênh tiếp.

Lý Ngược Thủy lén căn dặn Khương Vương:

- Điện hạ nên nhớ câu: “Năng nhược năng cường thiên niên kế, hữu dũng vô mưu nhứt dán vong”. Nghĩa là có lúc yếu có lúc phải mạnh là kế hay ngàn đời, bằng ỷ mạnh không mưu thì nguy. Khi điện hạ vào ra mắt Ngột Truật tùy cơ ứng biến, chớ nên làm mất nhuệ khí của mình mà cũng chớ nên cứng cỏi quá mà mang hại.

Khương Vương nói:

- Việc ấy ta biết rồi.

Rồi theo Hấp Mê Xi vào dinh ra mắt Ngột Truật. Ngột Truật trông thấy Khương Vương tuổi còn nhỏ mà tướng mạo khôi ngô, mặt ngọc mắt sáng như sao. Thật là một vị điện hạ hiếm có trên đời.

Ngột Truật nói:

- Nếu ngươi bằng lòng xem ta như cha thì ta lấy được giang san nhà Tống sẽ giao lại cho ngươi làm hoàng đế, ngươi có bằng lòng không?

Khương Vương nghe nói sẽ giao giang sơn lại cho mình thì ráng bước ba bước tới nói:

- Con xin bằng lòng!

Ngột Truật mừng rỡ bảo Khương Vương ra sau dinh lập riêng phòng trướng để ở. Bỗng thấy Lý Nhược Thủy theo vào, Ngột Truật bèn gọi lại hỏi:

- Ngươi là ai?

Lý Nhược Thủy trợn mắt đáp:

- Ta là ai mặc kệ, can chi ngươi hỏi?

Nói rồi đi theo Khương Vương. Ngột Truật lấy làm lạ hỏi quân sư:

- Người ấy là ai mà cứng cỏi quá vậy?

Hấp Mê Xi đáp:

- Người ấy là đại trung thần của nhà Tống, đang làm chức Lại bộ Thị Lang tên là Lý Nhược Thủy.

Ngột Truật nói:

- Nếu vậy ông ta là một lão tiên sinh mà ta không biết nên thất lễ.

Nói rồi cho mời Lý Nhược Thủy ở lại dinh quân sư khoản đãi, mặc dầu lúc ấy trời đã tối.

Hôm sau Ngột Truật ra trướng cho gọi Trương Bang Xương đến hỏi:

- Nay còn phải làm gì nữa?

Trương Bang Xương nói:

- Thần đã hứa với chúa công, lẽ đâu dám chẳng hết lòng. Thần còn muốn đem cả nhị đế dâng cho chúa công nữa cơ.

Ngột Truật nói:

- Được như vậy thì gay lắm nhưng phải làm thế nào?

Trương Bang Xương kề tai Ngột Truật nói nhỏ:

- Bây giờ phải làm như vậy…như vậy!

Ngột Truật gật đầu lia lịa rồi y kế Trương Bang Xương mà làm.

Bang Xương trở về thành ra mắt Khâm Tông và nói:

- Hôm qua thần qua bên dinh Xương Bình Vương Ngột Truật vì trời tối nên nghị việc không kịp phải nghỉ lại đó. Nay Ngột Truật lại bảo rằng Khương Vương tuy là một vị thân vương song cũng chưa đủ, chúng còn muốn giữ cái bài vị của Tiên Vương năm đời chúng mới chịu. Thần thiết nghĩ, giữ lại cái bài vị đó cũng chẳng làm cho quân giặc lùi bước được, chi bằng ta cứ tạm giao cho chúng rồi chờ viện binh Cần Vương các tỉnh đến, lúc ấy sẽ tiêu diệt chúng rồi rước bài vị về cũng chẳng hại chi.

Khâm Tông chẳng dám phản đối nhưng rất đau lòng, vừa khóc vừa nói:

- Con cháu quá bất hiếu nên mới để lụy đến Tiên Vương.

Rồi đếnThái Miếu khóc rống lên một hồi, mới trao cho Bang Xương bưng bài vị đi, Bang Xương nói:

- Để tỏ lòng hiếu đạo, Nhị Đế phải thân hành đưa đi vài dặm mới phải lẽ.

Thái thượng hoàng Huy Tông và Khâm Tông đành nghe theo, đưa bài vị ra ngoài thành. Vừa ra khỏi đếu cầu bị quân Phiên áp lại bắt đem về dinh của Ngột Truật, còn Trương Bang Xương thì trở lại giữ thành.

Bắt được Nhị Đế, Ngột Truật vội sai Hấp Mê Xi điểm một trăm binh mã hộ tống Nhị Đế về Đại Kim quốc ở phía bắc.

Lý Nhược Thủy ở trong hay được tin ấy liền gọi Tần Cối dặn dò bảo hộ điện hạ rồi chạu thẳng ra dinh chửi mắng Ngột Truật một hồi rồi quyết đi theo hộ giá nhị đế Huy Tông và Khâm Tông.

Ngột Truật nghĩ thầm: “Lý Nhược Thủy này tính khí quá cương cường, thế nào qua đất bắc cũng bị phụ vương ta sát hại”

Nghĩ đoạn, gọi quân sư Hấp Mê Xi bảo:

- Người này tính cứng cỏi, quân sư phải coi chừng chớ nên giết hắn ta.

Hấp Mê Xi gật đầu đáp:

- Vâng, việc ấy tôi hiểu rồi nhưng còn chúa công cũng nên mau mau lui binh chớ nên vào thành vì e binh mã của Cần Vương chín tỉnh kéo đến chặn đứt đường về thì nguy tai. Chi bằng tạm lui về nước rồi qua mùa xuân sẽ dấy đại binh sang quét sạch nhà Tống, chừng ấy sẽ lên ngôi hoàng đế thống lĩnh cả Trung Nguyên. Chúa công nghĩ thế nào?

Ngột Truật khen phải vội sai Trương Bang Xương giữ thành Biện Kinh rồi đem hết gia thuộc của Tần Cối về Kim Phiên mới truyền lệnh lui binh.

Quân sư Hấp Mê Xi đẫn đoàn quân đi hộ tống Nhị Đế có Lý Nhược Thủy đi theo bảo hộ. Khi đi đến phủ Hà Giang bỗng thấy trước mặt có một tướng quỳ mọp xuống đất tiếp giá, xem kỹ lại thì người ấy chính là Trương Thúc Dạ. Vua tôi nhà Tống trông thấy nhau đều khóc rống lên.Lý Nhược Thủy gằn giọng hỏi:

- Ngươi là đứa gian thần còn đến đây khóc lóc làm gì?

Trương Thúc Dạ phân trần:

- Lý đại nhân chưa rõ đó thôi, việc tôi đầu hàng Phiên Vương chỉ là kế trá hàng. Vì thấy Lục Đăng thủ tiết, Thế Trung bỏ chạy. Trong thế cùng ấy ngoài kế trá hàng tưởng không còn cách nào khác hơn nữa. Tôi cũng tưởng phải dùng hạ sách đó để cứu bá tính khỏi vòng binh lửa để chờ bệ hạ triệu tập binh sĩ Cần Vương ở các tỉnh về tiêu diệt bọn Kim Phiên, tôi sẽ thừa cơ hội ấy chận đường về đánh cho chúng không còn manh giáp. Ngờ đâu sông Hoàng Hà nước bỗng đóng băng, triều đình lại cất chức Lý Can, Tông Trạch, nghe lời đứa gian thần để đến nỗi phải chịu tù đày thế này.

Nói đến đây Trương Thúc Dạ rút gươm giơ lên nói lớn:

- Nay tôi đã bất tài không giúp gì được cho triều đình thì sống cũng chẳng ích gì.

Nói rồi đâm vào cổ tự vẫn. Nhị đế thấy thế khóc rống lên, Khâm Tông nói:

- Bởi trẫm nghe lời đứa nịnh mới ra nông nỗi này.

Lý Nhược Thủy nói với Hấp Mê Xi:

- Ngươi phải chôn Trương Thúc Dạ cho tử tế nhé.

Hấp Mê Xi liền truyền lệnh quân sĩ chôn cất Trương Thúc Dạ rồi áp giải Nhị đế về Phiên.

Đi dọc đường Lý Nhược Thủy lại hỏi Hấp Mê Xi

- Đường đi còn xa lắm không?

Hấp Mê Xi đáp:

- Chẳng còn bao xa nữa, xong Lý tiên sinh qua đó phải ăn nói cho cẩn thận vì mấy vị Vương gia ở bên đó không phải có tính chất thương người như điện hạ Ngột Truật đâu.

Lý Nhược Thủy bĩu môi:

- Ta đi đây đã quyết liều một chết, thì mọi việc có nghĩa gì đối với ta đâu?

Ngày hôm sau Huy Tông và Khâm Tông bị áp giải về đến Hoàng Long phủ, đế đô của Đại Kim quốc. Dân trong nước đua nhau đến xem hai Hoàng đế nhà Tống rất đông. Khi vào đến Ngọ môn, Hấp Mê Xi đứng lại đợi chỉ. Một tên Phiên quan bước vào tâu với Kim Vương Ô Cốt Đạt.

- Nay có Hấp Mê Xi giải hai Hoàng đế nhà Tống là Khâm Tông và Huy Tông về hiện còn đang đứng ngoài Ngọ môn đợi lệnh.

Kim Vương nghe tâu cả mừng liền truyền lệnh cho vào.

Hấp Mê Xi vào triều kiến xong xuôi, đem hết việc hoàng tử Ngột Truật đi đánh Trung Nguyên kể lại rõ ràng và nói:

- Nay hoàng tử sai thần giải Nhị đế Tống Triều về nước để hầu chỉ.

Kim Vương hỏi:

- Vậy nay hoàng tử Ngột Truật còn ở tại đâu?

Hấp Mê Xi tâu:

- Hiện giờ bên Trung Quốc tuy không có Hoàng đế song binh mã chín tỉnh chưa phục nên điện hạ phải tạm lui về nước, người còn đang đi sau, chờ đến mùa xuân tới đây sẽ đem quân tảo thanh nhà Tống và rước chúa công qua đó lên ngôi hoàng đế.

Kim Vương mừng rỡ vội truyền bày yến tiệc ăn mừng, lại sai dẫn Nhị đế nhà Tống vào.

Quân Phiên vâng lệnh ra dẫn nhị đế vào trước Kim giai. Nhị đế vân đứng sừng sững không chịu quỳ. Kim Vương trợn mắt hét:

- Đã bao phen Tống triều sát hại binh tướng của ta, nay bị bắt rồi sao không chịu quỳ còn ương ngạnh sao?

Nhị đế vẫn thản nhiên không chịu khuất phục, Kim Vương bèn truyền quân đem lửa đến đốt chỗ đất trước Ngân An Điện cho thật nóng đồng thời lột hết áo mũ của Nhị đế, cho đội một chiếc mũ da chó, mình mặc áo xanh, phía sau lại bắt mang một cái đuôi chó, trên lưng mang cái trống thiếc, lại buộc thêm sáu cái lục lạc, hai tay cột hai nhành liễu nhỏ. Giày, tất đều lột hết chỉ để chân không.

Giây phút sau lửa nung chỗ đất trước Ngân An Điện đỏ ngầu. Kim Vương sai lính xô Nhị đế vào chỗ đất đốt đỏ ấy. Nhị đế bị nóng bỏng hai chân chịu không nổi phải nhảy lên nhảy xuống, trống cùng lục lạc kêu lên leng keng. Văn võ bá quan triều đình nhà Kim ăn uống vui cười khoái chí như xem một trò chơi.

Thương hại thay cho hai vị Tống trào Hoàng đế bị Kim Phiên bắt ra làm trò cười nhục nhã ấy cũng bởi nghe lời gian nịnh phế bỏ kẻ trung thần nên phải chịu báo ứng.

Lý Nhược Thủy đứng ngoài thấy thế lửa giận bốc lên tận đỉnh đầu, bèn nhảy bổ vào ôm Nhị đế chạy ra ngoài.

Kim Vương thấy vậy hỏi Hấp Mê Xi:

- Người ấy là ai vậy?

Hấp Mê Xi quỳ tâu:

- Tên ấy là Lý Nhược Thủy, một kẻ đại trung thần của nhà Tống đấy. Thái tử Ngột Truật yêu chuộng hắn lắm, sợ chúa công giết chết nên dặn thần phải gìn giữ,nếu hắn bị giết thì kẻ hạ thần phải đền mạng, xin chúa công ban ơn rộng tha cho hắn.

Kim Vương cười ha hả nói:

- Nếu vậy đừng đếm xỉa gì đến hắn.

Hấp Mê Xi tạ ơn, vừa đứng dậy bỗng Lý Nhược Thủy chạy đến trỏ vào mặt Kim Vương mắng lớn:

- Mi là tên chúa mọi tì nô chẳng biết lẽ trời, dám bắt Hoàng đế Trung Nguyên lăng nhục. Cũng có ngày chúng ta đem thiên binh vạn mã đến Huỳnh Long phủ này bắt hết bọn mọi chúng bay và đạp thành bình địa để rửa cái nhục hôm nay.

Lý Nhược Thủy lớn tiếng chửi rủa không ngớt khiến Ô Cốt Đạt nổi giận cho chặt đứt ngón tay Lý Nhược Thủy đi để cho khỏi chỉ trỏ nữa.

Bị đứt mất một ngón tay vẫn không thấy Lý NhượcThủy tỏ vẻ đau đớn gì cả mà lại càng giận dữ hơn nữa. Nhược Thủy lại lấy ngón tay khác chỉ vào mặt Lang chúa mắng tiếp:

- Tên dã man mọi rợ kia, ta tưởng trên đời này không ai ngu hơn mi nữa, mi chỉ cắt đứt được ngón tay của ta chứ làm sao mi cắt được sự giận dữ của ta? Làm sao mi cấm không cho ta chửi mi được.

Kim Vương nổi giận truyền chặt một ngón tay nữa nhưng Lý Nhược Thủy lại càng mắng chửi thậm tệ hơn. Đến nỗi đã chặt đứt hết mười ngón tay mà Lý Nhược Thủy lại lấy cùi tay chỉ vào mặt Kim chúa la lối nhiếc mắng om sòm.

Giận quá, Kim Vương truyền cắt lưỡi, máu tuôn lai láng mà Lý Nhược Thủy ú ớ mãi, tuy không nghe rõ tiếng gì nhưng người ta cũng hiểu rõ ông ta không chịu im.

Tuy không nói được nữa, Lý Nhược Thủy nổi giận xung thiên, múa tay múa chân nhảy qua nhảy lại trước điện la ó giận dữ. Phiên tướng thấy vậy đều cười rộ lên cho đó cũng là trò vui nhộn, cứ việc ăn uống vui say không thèm đếm xỉa gì đến Nhược Thủy nữa.

Lý Nhược Thủy liền nhảy phóc lên điện môn ôm lấy Kim Vương cắn mạnh vào tai không nhả. Ô Cốt Đạt đau đớn vùng vẫy không nổi. Lúc ấy văn võ bá quan áp đến một lượt ôm Lý Nhược Thủy kéo ra nhưng than ôi, tai Kim Vương đã đứt nằm gọn trong miệng Lý Nhược Thủy rồi. Bọn Phiên tướng liền đemLý Nhược Thủy ra bằm nát như tương.

Người sau có thơ rằng:

Vì vua mắng giặc giữa Phiên triều.

Tay đứt mà lòng chẳng chút xiêu

Cắn tai Lang chúa cho hả giận

Chí khí anh hùng thật đáng nêu.

Bọn Phiên quan tề tựu đến hỏi thăm sức khỏe của Kim Vương còn Hấp Mê Xi thì lo lượm thây Lý Nhược Thủy đựng vào trong cái hộp sơn vàng giấu riêng để đó. Thái y lập tức được gọi đến vào cho thuốc băng bó chiếc tai Kim Vương bị cắn đứt. Kim Vương truyền đem Nhị đế ra nhốt dưới giếng cạn.

Chẳng bao lâu Ngột Truật dẫn đại binh khải hoàn vào triều bái kiến phụ vương và tâu:

- Nhờ hồng phúc và oai vũ của phụ vương nên con đánh thốc vào kinh đô Trung Nguyên dễ dàng như chẻ tre.

Kim Vương khen ngợi Ngột Truật không ngớt vội truyền mở đại yến đãi hoàng tử Ngột Truật cùng chư tướng rồi đem chuyện Lý Nhược Thủy thóa mạ và cắn đứt tai mình cùng việc giết chết Nhược Thủy kể hết cho Ngột Truật nghe. Ngột Truật ra vẻ tiếc rẻ nhân tài cứ hỏi đi hỏi lại việc ấy đôi ba lần.

Khi đại yến đã mãn, Phiên Vương hạ chiếu đến các nước Phiên nhỏ mượn quân, hẹn mùa xuân năm tới sẽ họp tại Huỳnh Long phủ khởi binh vào Trung Nguyên lần thứ hai.

Từ khi nhị vị Tống đế bị cầm tù dưới đáy giếng tại Ngũ Cốc thành đến nay, tai chẳng được nghe tiếng nói của loài người, mắt không trông thấy mọi vật trên đời nữa, lúc nào cũng chỉ thấy một khoảng trời tròn bằng chiếc nia, trong lòng vẫn nuôi hy vọng thoát khỏi chốn tù hãm này nhưng rồi ngày tháng trôi qua, lòng hy vọng mỗi ngày một nhạt đi chỉ còn nỗi thất vọng tràn trề.

Bị cầm tù như vậy còn khổ sở hơn mọi cách cầm tù khác. Hơn nữa những vị đế vương từ nhỏ sống sung sướng đã quen, nay sa vào cảnh này còn khổ sở hơn người dân gấp bội.

Đang lúc thất vọng, bỗng nghe đâu đây có tiếng gọi:

- Bệ hạ! bệ hạ ơi!

Ôi! tiếng gọi ấy bị biến mất đã lâu, nay bỗng dưng lọt vào tai nó êm ái biết dường nào. Lòng hai vị vua thất thế lại bùng lên bao nhiêu hy vọng, vội vàng đáp:

- Ai gọi đó? Có ta đây!

Lại nghe một giọng nói đặc sệt tiếng Trung Nguyên đáp lại một cách vui mừng và quyến luyến lạ thường.

Người đứng trên miệng giếng, chõ miệng gọi xuống ấy chính là Thôi Hiếu, tổng binh Đại Châu Nhạn Môn quan ngày xưa. Nhưng sao người ấy lại ở bên Kim Phiên mà lại được hân hạnh vào chốn giam cầm hai vua Tống?

Nguyên mười tám năm về trước cũng thuộc đời Tống, quân Phiên đến hãm thành Nhạn Môn quan, bắt tổng binh Thôi Hiếu về nước. Bởi Thôi Hiếu có nghề cho thuốc ngựa rất hay nên binh tướng Phiên tin dùng.

Mười tám năm chuyên nghề làm thuốc cho ngựa trong các dinh quân Phiên nên bọn tướng sĩ Phiên ai nấy đều biết mặt.

Một hôm Thôi Hiếu đang trị bệnh ngựa trong dinh, nghe lỏm được tin Kim Vương bắt nhị vị Tống đế đem giam cầm dưới giếng cạn tại Ngũ Cốc thành. Thôi Hiếu vội về lấy hai cái áo da cừu, nướng ít chục cân khô bò gói lại tử tế, lại cầm theo vài sợi dây da đi thẳng đến Ngũ Cốc thành cười nói với quân canh:

- Tôi mới nghe chúa cũ của tôi bị giam cầm nơi đây, nên muốn vào thăm giây lát để tỏ lòng ngay cùng chúa cũ, xin chư vị hãy vui lòng cho phép tôi vào một tí nhé.

Quân canh nghe Thôi Hiếu nói vậy mỉm cười đáp:

- Cũng được nhưng vào một lát rồi trở ra ngay chớ có ở lâu đấy. Ngươi thường cho thuốc chữa ngựa giùm cho chúng ta mới được vậy, chớ người khác thì không được đâu.

Vừa nói vừa mở cửa thành cho Thôi Hiếu vào. Thôi Hiếu quay lại nói:

- Tôi chẳng dám ở lâu đâu, xin cảm ơn liệt vị.

Vào được Ngũ Cốc thành, Thôi Hiếu chạy khắp các miệng giếng kêu gọi chúa om sòm. Ở đây giếng cạn nhiều quá kêu gọi muốn đứt hơi, chạy đã mỏi gối mà vẫn chưa tìm ra cái giếng giam nhốt Nhị đế. Ông lão trung thần này chạy kiếm suốt nửa ngày chưa ra, mệt quá lăn ra đất nằm nghỉ. Trong lúc đang thiu thiu bỗng nghe đâu đây có tiếng nói rất khẽ:

- “Này Vươnt tử”

Thôi Hiếu chỗi dậy lắng tai nghe kỹ thì tiếng ấy phát ra gần lắm, lão ta lầm bầm:

- “Thôi đích là Nhị đế ở dưới giếng kia rồi”.

Rồi Thôi Hiếu lật đật chạy lại kề miệng xuống gọi:

- “Bệ hạ ôi! bệ hạ ôi!”.

Vừa nghe tiếng vua đáp, Thôi Hiếu mừng quá không đợi vua hỏi đã nói:

- Muôn tâu bệ hạ, thần đây chính là Đại Châu Nhạn Môn quan tổng binh ngày xưa tên là Thôi Hiếu đây.

Ngừng một lát, Thôi Hiếu tiếp:

- Nghe Nhị đế bị giam cầm nơi đây lòng thần lấy làm đau đớn nhưng vì ở đất khách quê người nên chẳng có chi đem dâng cho thánh thượng, chỉ có ít chục cân khô bò nướng vàng và hai cái áo lông cừu để thánh thượng ngự hàn. Hạ thần cầu xin cho thánh thượng được giữ yên quý thể.

Nói xong buộc áo và khô bò vào chiết dây da dòng xuống giếng.

Hai vị Tống đế mở dây nhận lấy và phán khen:

- Đã mười mấy năm mà lòng không quên vua cũ, thật ít ai có tấm lòng chung thủy như khanh vậy.

Thôi Hiếu lại hỏi:

- Chăng hay bây giờ bên nước còn ai lên ngôi kế vị cho thánh thượng không?

Hai vị Tống đế đáp:

- Bởi quá tin đứa gian thần Trương Bang Xương nên bị nó thi hành quỷ kế mãi quốc cầu vinh, lừa Triệu Vương đến dinh Phiên cho bỏ mạng. Trong triều chỉ còn có Cửu điện hạ Khương Vương cũng bị nó bày mưu dâng cho Ngột Truật làm con tin. Cuối cùng nó gạt bắt cả hai ta qua đây. Bây giờ trong nước không còn ai kế vị cả.

Thôi Hiếu nghe nói tỏ ý mừng thầm nói:

- Nếu có Cửu điện hạ ở theo dinh Ngột Truật thì cúi xin chúa thượng thảo cho một bức thư để hạ thần đi tìm Cửu điện hạ. Nếu như lòng trời còn thương nhà Tống thì chắc có thể gặp người. Lúc ấy hạ thần sẽ lập kế cho người trốn về nước lên ngôi, sau đó sẽ điều binh chín tỉnh đến đây ra sức cứu chúa thượng trở về nước.

Hai vị Tống đế than:

- Bị giam cầm dưới đáy giếng như vậy thì giấy bút đâu mà bảo có gia thảo chiếu?

Thôi Hiếu nói:

- Thần cam chịu tội muôn chết, xin Nhị chúa công cho thần vô lễ tấu một điều.

- Điều gì ngươi cứ việc tâu ra xem nào?

- Xin chúa công phải thảo huyết chiếu mới được.

Nhị vị Tống đế nghe nói tủi lòng khóc tức tưởi một hồi rồi xé vạt áo trải lên gối, cắn đầu ngón tay cho chảy máu viết ra một bức huyết chiếu như sau:

- “Ta sai Khương Vương phải tìm cách trốn về nước lên ngôi đế, chỉnh tu sơn hà xã tắc cho khỏi dứt nghiệp đế do tiên vương để lại”.

Huyết chiếu thảo xong, vội cuốn buộc vào dây da bảo Thôi Hiếu rút lên.

Thôi Hiếu xem xong huyết chiếu liền giấu kín vào vạt áo trong, đoạn khóc than một cách thảm thiết. Lão trung thần Thôi Hiếu trước khi đi không quên cúi lạy mấy lạy giã biệt. Nhị vị Tống đế dòm lên thấy thế cũng mủi lòng khóc rống lên nói:

- Hôm nay cha con cô gia phải sa vào chốn này chẳng thấy được một ai, may khanh có lòng trung nghĩa tìm đến đây, cha con cô gia xem như thể ruột rà chí thích. Nhưng gặp nhau than thở chưa được bao lâu, lẽ nào khanh đành dời gót vội thế? Để cho cha con trẫm ngày đêm vò võ thế này, thật quá đỗi đoạn trường chịu sao cho thấu?

Thôi Hiếu cũng sụt sùi tâu:

- Cúi xin nhị vị chúa công giảm bớt cơn phiền lụy, phải dằn lòng sầu não để bảo trọng mình rồng chờ cơ hội. Kẻ hạ thần này còn sống ở đây được ngày nào thì nhất định tìm cách đến thăm viếng chúa thượng luôn luôn. Xin chúa thượng chớ quá lo lắng.

Nói xong bái biệt hai vua ra đi.

Thôi Hiếu đi được ít bước đã thấy bọn quân canh chạy đi tìm la ó om sòm. Vừa gặp Thôi Hiếu chúng nắm áo gằn giọng nói:

- Kìa Thôi Hiếu, ngươi làm gì ở trong này đến nửa ngày, làm chúng ta đi tìm kiếm ngươi khổ muốn chết.

Nói đến đây, tên đầu sỏ ra lệnh:

- Quân sĩ, hãy bắt nó chém quách cho rồi!

Thôi Hiếu hoảng kinh hồn vía, nghĩ bụng: “Mình chết thì cũng chẳng sao nhưng còn huyết chiếu thư của Nhị đế? Biết lấy ai giúp đỡ cho Khương Vương về nước lên ngôi?

Rồi Thôi Hiếu sụp lạy, nức nở:

- Thân già này làm chi nên tội mà các vị đem chém!

Bình luận

  • Bình luận

  • Bình luận Facebook

Sắp xếp

Danh sách chương