Lâm Du nắm tay Văn Chu Nghiêu đi qua cửa hông tới hành lang, cuối cùng đi vào chái phòng cuối cùng phía đông.
Tiếng nhạc tang thê lương dần vang lên từ sân trước, tới cửa phòng Lâm Du buông tay ra, tự đưa hai tay lên đẩy cửa vào.
"Đến rồi." Cậu quay đầu tít mắt với Văn Chu Nghiêu.
Có thể thấy được tấm lòng của người lớn từ cách trang hoàng phòng cho Lâm Du, tuy diện tích không lớn nhưng từ đồ dùng đến vật trang trí không một món nào không tinh xảo.
Lâm Bách Tòng là bậc thầy trong giới điêu khắc, rất nhiều đồ ở đây do ông tự tay làm ra.

Tuy miệng lúc nào cũng chê bôi con mình là ông trời con, nhưng hành động lại vạch trần hết tấm lòng người cha.
Lâm Du vào phòng là chạy ngay đến chiếc bàn, trèo thoăn thoắt lên ghế rót nước uống ừng ực.
Sau đó rót ly thứ hai chạy ra để vào tay Văn Chu Nghiêu, không chờ đối phương nói tiếng nào đã tự mở tủ lôi một tấm chăn nhỏ ra ôm ném lên giường.
Thời gian gần đây không cần ai chăm sóc cậu cũng có thể tự xử lý được việc sinh hoạt cá nhân.

Với một đứa bé năm tuổi thì đây đúng là một chuyện khó tin.
Nhưng người trong nhà đều rất tin vào lời vị sư ông đi ngang nhà.
Nói cậu bị tà linh nhập xác, lại trưởng thành sớm, vận số định sẵn cả đời luôn phải âu sầu lo nghĩ, sợ tuổi thọ không dài.
Nhà họ Văn đột ngột gặp biến cố, không chỉ khiến Văn Chu Nghiêu thành con mồ côi, mà còn khiến người trong nhà càng thêm ám ảnh với nỗi lo về Lâm Du, ai cũng nghĩ sau khi bệnh nặng cậu còn thông minh hơn trước.
Bản thân Lâm Du thì chẳng để những lời ấy vào lòng.
Cảm giác duy nhất của Lâm Du về việc trở lại làm "bé sữa" từ trạng thái người trưởng thành là may mắn.
Còn được nhõng nhẽo với bố mẹ, được mặc sức hưởng thụ sự chiều chuộng vô điều kiện, được làm trẻ con một lần nữa, dù cho kiếp này cậu vẫn không thể sống quá hai mươi sáu tuổi, thì đã sao?
Chung quy, cậu sẽ không sống như trước đây lần nữa.
Có thể nhận ra Văn Chu Nghiêu được giáo dục rất tốt, dù trước mặt là một đứa bé thì cậu ta cũng không đi đứng lung tung trong phòng người khác, càng không cần nói việc đụng chạm đồ đạc.
Trong phòng có hệ thống sưởi, đứng một lúc sắc mặt cậu ta đã khá hơn rất nhiều.
Lâm Du chỉ huy cậu ta đi lấy nước nóng rửa mặt với tay, lấy đồ mua bị rộng mấy cỡ mà mình không mặc vừa ra đưa cậuta thay, sau đó cùng nhau lên giường.
Lâm Du buồn ngủ thật, cơ thể năm tuổi không thức đêm nổi.
Khoảng bốn giờ sáng, Lâm Du thức giấc một lần.

Cậu nằm mơ thấy mình đứng ở đầu đường Thịnh Đường, cả con đường phủ đầy cành khô và lá vàng, gió lạnh vần vũ dưới chân, cảnh sắc tiêu điều.
Đó là quá khứ mà cậu không thể quay lại.
Lúc tỉnh lại cậu vẫn chưa hoàn hồn được, quay đầu nhìn sang người đang nằm bên cạnh.
Đứa bé trai nằm ngửa đó, mắt mở to, hiển nhiên vẫn chưa ngủ lấy một giây.
Nhưng cậu ta rất nhạy bén, nhanh chóng nhận ra Lâm Du thức giấc, hỏi cậu: "Sao thế?"
"Anh muốn khóc không?" Lâm Du nghiêng người hỏi nhỏ.
Văn Chu Nghiêu sững người vài giây, "Không muốn."
"Muốn khóc thì khóc đi." Lâm Du cũng không biết mình đang nói chuyện bằng trạng thái người trưởng thành hay là trẻ con nữa, cậu nói: "Nếu nhịn, ở đây sẽ khó chịu."

Lâm Du nói rồi vỗ nhẹ lên ngực.
Sau đó cậu cọ cọ vào gối, hơi mơ màng: "Anh khóc đi, chắc chắn em không nghe thấy đâu."
Cậu không nhớ được cuối cùng Văn Chu Nghiêu có khóc không, có lẽ là không.
Văn Chu Nghiêu sốt cao, sáng sớm Lâm Du thức dậy thì thấy cậu ta quấn chăn ngồi trên đầu giường, mắt đỏ ửng, môi khô khốc, người thì thẫn thờ.
Dương Hoài Ngọc bưng một chén thuốc bước vào cửa, ngồi bên giường sờ trán Văn Chu Nghiêu rồi cau mày nói: "Nào, uống thuốc trước đã."
Văn Chu Nghiêu ngoan ngoãn nhận lấy, đáp lời: "Cảm ơn dì Lâm."
Giọng còn khàn hơn tối qua.
Mắt Dương Hoài Ngọc đỏ lên ngay, không dám nhắc tới ba mẹ cậu ta, chỉ trách móc Lâm Bách Tòng: "Hôm qua còn một hai bảo đảm với dì sẽ chăm sóc con tử tế, sốt đến thế này rồi mà chẳng thấy mặt ông ấy đâu."
Văn Chu Nghiêu nói: "Con không sao đâu dì, chú Lâm bận việc bên ngoài, con làm phiền nhà dì quá."
"Nói cái gì vậy hả." Dương Hoài Ngọc giả vờ trừng mắt, "Con của dì là con nuôi của ba mẹ con, con cũng không khác gì con của dì hết."
Khi chưa được gả cho Lâm Bách Tòng Dương Hoài Ngọc cũng là một cô gái rất mạnh mẽ, mấy năm nay càng lúc càng dễ mềm lòng, đặc biệt là từ khi có con, không thể chịu nổi khi thấy cảnh chia ly.
Bi kịch sầu bi mà chết cuối đời cô do chính Lâm Du ban tặng.
Lâm Du bây giờ thường không dám hồi tưởng chuyện mình cắt đứt quan hệ rồi rời bỏ gia đình, cha bệnh nặng qua đời nữa.
Cứ nghĩ đến là tim lại đau như xé.
Lúc đó cậu chỉ muốn chứng minh mình không sai, muốn chứng minh dù có thoát ly nhà họ Lâm cậu cũng có thể sống rất tốt.
Sự thật đã chứng minh cậu sai đến bằng nào.
Cậu kéo gối đặt cạnh chân Văn Chu Nghiêu, gác cằm lên đó nhìn Dương Hoài Ngọc nhõng nhẽo, "Mẹ, có kẹo không?"
Dương Hoài Ngọc tức lên xỉa trán cậu, mắng: "Mới sáng ra đòi ăn kẹo, muốn răng rụng hết hả?"
Tuy miệng nói vậy nhưng vẫn lấy một viên kẹo sữa trong túi áo ra đưa cậu.
Lâm Du nhận lấy lột vỏ thoăn thoắt rồi nằm yên thế mà với tay lên cho vào miệng Văn Chu Nghiêu.
Văn Chu Nghiêu lẫn Dương Hoài Ngọc đều sửng sốt.
Lâm Du cười nhìn Văn Chu Nghiêu, hỏi: "Ngọt không?"
Văn Chu Nghiêu ngẩn người một lúc mới ậm ừ ừm một tiếng.
Dương Hoài Ngọc nhìn Lâm Du, rất lâu sau mới nhớ ra phải khen con: "Hôm nay em bé ngoan quá."
"Mẹ." Lâm Du lảo đảo đứng lên, bước qua chân Văn Chu Nghiêu nhảy vào lòng Dương Hoài Ngọc, đưa hai tay lên ôm cổ cô nhõng nhẽo: "Hôm nay mẹ mặc đồ cho con."
Dương Hoài Ngọc ôm cậu, giả vờ đánh vào lưng cậu, trách mắng: "Đúng là không khen được mà, tự con không biết làm à? Còn phải mẹ mặc cho?"
Tuy Dương Hoài Ngọc ôm cậu nhưng mắt vẫn nhìn về phía Văn Chu Nghiêu đầy lo lắng.
Lâm Du biết cô sợ cảnh tượng mẹ con đầm ấm sẽ khiến Văn Chu Nghiêu nhớ đến Chử Văn Tú mẹ mình, liền nói: "Con còn nhỏ mà, chưa biết mặc."
Rồi quay đầu nhào về phía Văn Chu Nghiêu cạnh đó.
Trong tay Văn Chu Nghiêu còn đang cầm chén thuốc, không kịp phòng bị để cậu nhào hẳn vào lòng.
Bé con khi đi ngủ chỉ mặc áo ngủ rất mỏng, cơ thể mềm mại móc chặt trong lòng, tóc quẹt trúng cằm cậu ta, còn ngửa đầu nhe hàm răng nhỏ lên, "Vậy anh mặc cho em."
Văn Chu Nghiêu chưa kịp phản ứng Dương Hoài Ngọc đã lôi cậu ra, đánh cho, "Đứa con hư này, anh đang bệnh, đừng quậy anh."
Lâm Du xoay lại, "Đó thấy chưa, cuối cùng vẫn là mẹ mặc cho con thôi."
"Ôi phiền chết đi được." Dương Hoài Ngọc véo má cậu nhận xét, "Sao giờ con phiền hà thế?"

"Người con không yêu thì con không thèm làm phiền đâu."
"Cái miệng dẻo này.

Ai dạy con dẻo mồm thế hả, hửm?"
"Bẩm sinh đó mẹ." Lâm Du nói không chút ngượng ngùng.
Khoảng hai ngày sau đó, ban ngày Văn Chu Nghiêu lê cơ thể chưa hạ sốt liên túc trực trước quan tài cha mẹ.

Lâm Du còn kiên nhẫn hơn đại đa số người lớn, đến giờ là nhắc Văn Chu Nghiêu ăn cơm uống thuốc.

Rảnh rỗi cậu cũng không quấy rầy, chỉ yên lặng ngồi một bên.
Tối vẫn ngủ ở phòng Lâm Du, một đêm Văn Chu Nghiêu có thể miễn cưỡng ngủ được ba tiếng.
Rất nhiều người lớn còn không chịu nổi, Văn Chu Nghiêu gầy rộc đi thấy rõ.
Đêm cuối cùng phải canh suốt đêm, không ít người lớn khuyên cậu ta đi ngủ, nhưng Văn Chu Nghiêu chọn cách dùng im lặng để từ chối.
Lâm Du cũng không cố ý làm ồn bảo buồn ngủ.

Văn Chu Nghiêu ngồi trên chiếc ghế đẩu trước cửa, thi thoảng ném một ít tiền giấy vào chậu lửa.

Lâm Du hơi buồn ngủ liền kéo ghế của mình lại gần, dựa vào lưng Văn Chu Nghiêu gà gật.
Còn thò tay vào túi áo khoác của Văn Chu Nghiêu xoa xoa.
Ấm áp, nhưng gầy cấn cả tay.
Lúc sắp ngủ, Văn Chu Nghiêu nhúc nhích vai gọi cậu: "Buồn ngủ thì tự về ngủ."
"Không cần, ở đây với anh." Lâm Du ngáp dài.
Tiếng nói của trẻ con luôn nũng nịu, lại rất ngoan.
Văn Chu Nghiêu khựng lại một chốc rồi kéo cậu tới trước mặt, kéo nón liền áo của cậu lên đội kín, còn rút sát dây nón lại, thắt nơ bướm dưới cằm cậu.
Lâm Du ngồi yên trước mặt để cậu ta làm.
Văn Chu Nghiêu mười tuổi và Văn Chu Nghiêu ba mươi tuổi chỉ có vài đường nét tương tự nhau, cậu bé này vẫn chưa lớn lên, ánh mắt không sâu thẳm trầm lặng như sau này, đuôi mắt hơi cụp xuống thành đường cong ôn hòa.
Lâm Du nghĩ vài câu để dỗ trẻ con rồi nói: "Bố mẹ nói chắc chắn ba mẹ nuôi đã biến thành ngôi sao trên trời rồi, ba mẹ sẽ luôn dõi theo anh."
Chiếc nón che mất cằm và miệng làm tiếng nói của cậu hơi ồm ồm khó nghe.
Ngoài sân loáng thoáng tiếng hàng xóm nói chuyện và đánh bài, Văn Chu Nghiêu ừ một tiếng không cảm xúc gì, thắt dây xong mới nói: "Lạnh thì dựa sát vào đây, đừng ngồi ngay cửa."
Lâm Du nghe ra sự lấy lệ trong tiếng ừ đó, kéo ghế ngồi vào chỗ khuất gió.
Cậu dụi trán vào đầu gối Văn Chu Nghiêu.
"Anh ơi."

"Hửm?"
"Cảm ơn."
"Hửm?"
"Không có gì."
Cứ xem như cậu nói mớ đi.
Để nói tiếng cảm ơn này với anh của thời thiếu niên.
Cậu mơ một giấc mộng dài, mộng như vớt trăng trong gương xem hoa trong sương, cậu quyết định tin lời sư ông.

Cậu được sáng mát thấy trước cuộc đời hơn hai mươi năm sau của mình.
Chỉ cần người cậu quan tâm còn đây, thậm chí cả người không từng dừng chân lâu trong sinh mệnh của cậu, giờ phút này đều đang ở trước mắt.
Sáng sớm hôm sau là ngày hạ táng, chôn trong một nghĩa trang trên ngọn núi phía nam thành phố Kiến Kinh.
Tuyết rơi rất dày, chẳng bao lâu đã đọng thành một lớp dày trên bia mộ.
Văn Chu Nghiêu bước tới vài bước đưa tay quét sạch tuyết, rồi quay đầu nhìn Lâm Bách Tòng đang bế Lâm Du, "Đi thôi, chú Lâm."
Lâm Bách Tòng xoa đầu cậu ta, trưởng thành sau một đêm bất quá cũng là thế này thôi.
Trên đường xuống núi Lâm Bách Tòng bế một đứa dắt tay một đứa, tuyết nhanh chóng rơi đầy vai.
Chốc chốc Lâm Du lại đưa tay phủi phủi, Lâm Bách Tòng cọ cọ vào gò má nho nhỏ của con trai, thấy hoa tuyết đọng trên hàng mi cong vút của cậu liền thổi đi cho cậu rồi hỏi: "Lạnh không?"
Vừa hỏi vừa dừng lại, kéo chăn choàng của Văn Chu Nghiêu lên che hết nửa mặt mới đi tiếp.
"Không lạnh." Lâm Du nói.
Đúng là điều kiện cơ thể sẽ hạn chế suy nghĩ, nói chung là hiện tại Lâm Du vùi trong lòng bố mình thấy vô cùng yên tâm dễ chịu.
Chân cậu ngắn quá, không thích hợp đi đường núi.
Lâm Bách Tòng dùng râu cào cậu, "Giấu mặt vào, tuyết tan trên mặt bị gió thổi sẽ nứt da đó."
"Đàn ông không sợ nứt da." Lâm Du nói.
Bây giờ Lâm Bách Tòng đã miễn dịch mới mấy câu nói không phù hợp với độ tuổi thi thoảng lại bật ra từ Lâm Du rồi, chỉ thấy buồn cười.

Chú trêu cậu: "Con mà là đàn ông cái gì? Con bây giờ nhiều lắm chỉ là con cún con."
Lâm Du: "..."
Người bố trong ấn tượng của cậu luôn nghiêm khắc, khi còn nhỏ cậu vừa bướng bỉnh vừa nhõng nhẽo, gây chuyện là bị đánh, kéo mẹ làm nũng chút cũng bị dạy dỗ là trông chẳng ra sao.
Bây giờ lúc cậu nghịch ngợm phá phách không phải muốn phá thật, lúc hiểu chuyện thì thật sự ngoan quá mức.

Nên đến hiện tại thi thoảng Lâm Bách Tòng còn trêu ngược lại cậu, như thật sự hy vọng cậu sẽ giống một chú chó con không ngoan thi thoảng lại sủa mình mấy tiếng.
Cho nên Lâm Du đại nghịch bất đạo một lần, cậu nói lại: "Vậy ai sinh ra cún con? Con cún to?"
Lâm Bách Tòng ngạc nhiên, rồi bật cười thành tiếng.
Lâm Bách Tòng bây giờ chưa đến bốn mươi, cơ thể đĩnh đạc khỏe mạnh, bàn tay dày rộng vững chãi, có thể ôm chặt đứa con trai nhỏ, bị chọc ghẹo cũng chẳng tức giận.
Đường núi vốn khó đi, nhiều người đi qua thi thoảng sẽ có bùn sình.
Lâm Bách Tòng bế Lâm Du đi qua trước rồi quay lại đón Văn Chu Nghiêu.
Bọn họ đi cuối cùng, Lâm Bách Tòng nhìn đoàn người trên con đường núi phía trước, đột nhiên hỏi Lâm Du: "Lâm Du, bố hỏi con chuyện này, con có thích anh không?"
Lâm Du nghe bố gọi tên mình là biết trong câu này có hàm ý khác, chứng minh đây là một chủ đề nghiêm túc.
Cậu gối đầu trên vai bố mình, cúi xuống nhìn Văn Chu Nghiêu bên cạnh, đáp: "Thích ạ."
Lâm Bách Tòng: "Vậy sau này anh sẽ ở chung với chúng ta luôn, con thấy sao?"

Lâm Bách Tòng nói xong cũng để ý thấy cả hai đứa trẻ đều sững lại.
Chú tưởng Lâm Du không muốn, liền hỏi: "Có anh không tốt sao? Bố thấy mấy hôm nay con cứ bám lấy anh, tưởng hai đứa thân nhau lắm chứ."
Chợt Văn Chu Nghiêu lên tiếng, cậu ta nói: "Chú Lâm..."
Lâm Bách Tòng bóp nhẹ tay cậu ta ngăn lại, dịu giọng: "Lát nữa chú sẽ nói với con."
Còn lý do Lâm Du ngẩn người không phải vì thế, mà là cậu nhớ ra dường như trong quá khứ mình cũng từng đối mặt với câu hỏi này.
Lúc đó cậu chẳng hiểu gì về khái niệm tử vong, Dương Hoài Ngọc từng cẩn thận dò hỏi cậu muốn có anh không.

Lúc đó Lâm Du được yêu thương chiều chuộng, nghe nói đến anh em cứ tưởng là bố mẹ định sinh thêm như nhà chú thím, cho nên cậu khóc la không chịu như bản năng, nói không muốn có anh.
Bây giờ nhớ lại, khi đó cũng là lúc nhà họ Văn gặp chuyện, đối tượng trong câu hỏi này là Văn Chu Nghiêu.
Lâm Du hỏi nhỏ Lâm Bách Tòng: "Nếu con không đồng ý thì bố mẹ sẽ đưa anh đi à?"
Lâm Bách Tòng không hiểu cách suy nghĩ của con trai lắm, nhưng vẫn giải thích: "Không phải, vì bên trên muốn thu hồi nhà ba mẹ nuôi của con, dù bố nghĩ cách lấy lại thì cũng cần thời gian.

Đương nhiên, bố và mẹ con hy vọng anh sẽ ở luôn với chúng ta hơn, cho nên mới hỏi ý kiến của con."
"Chú Lâm." Văn Chu Nghiêu lên tiếng, "Trong tay con có tiền, sẽ không đến mức không có chỗ ở đâu."
"Đương nhiên chú Lâm biết." Lâm Bách Tòng bóp nhẹ ót cậu ta, hơi bồi hồi, "Tuy chú Lâm chỉ là thợ thủ công mỹ nghệ, nhưng nuôi thêm con tuyệt đối không thành vấn đề.

Chú với dì Lâm của con vốn đã bàn bạc sẽ làm thủ tục nhận nuôi con, nhưng tình trạng phía ba con hơi phức tạp, nên phải thôi.

Nhưng dù có tờ giấy chứng minh hay không thì chú dì đều xem con như con ruột."
Văn Chu Nghiêu cúi đầu, "Con biết mà chú Lâm, nhưng..."
Lâm Du không kiên nhẫn thế, vùng vẫy đòi Lâm Bách Tòng thả xuống.
Cậu đi đến nắm tay Văn Chu Nghiêu, nhìn cậu ta nói: "Mình ở chung đi."
Văn Chu Nghiêu nhìn cậu.
Lâm Du: "Em thấy có anh rất tốt, đương nhiên, em cũng sẽ là em trai tốt."
Kiếp trước duyên với người thân của cậu thật sự quá mỏng, cuối cùng trước mộ bia chỉ còn một người không có quan hệ ruột thịt.
Kiếp này, cậu phải giữ chặt lấy người này.
Lâm Bách Tòng thật cạn lời với con mình, chú đi đến ngồi xổm xuống xỉa trán Lâm Du, nói: "Con ấy hả? Đừng có gây chuyện là bố mẹ đã phải cảm tạ trời đất rồi." Sau đó mới quay sang nhìn Văn Chu Nghiêu, "Tiểu Nghiêu, con cũng thấy rồi, thằng oắt con này không để người nhà bớt lo chút nào.

Nó bệnh một trận suýt chút không cứu lại được, nên lúc đó chú dì mới sang tìm bố mẹ con.

Chú cũng vì tư lợi, hy vọng con sẽ giúp trông chừng cho nó lớn lên."
Dù bây có phải cái cớ để thuyết phục hay không, Lâm Du nhận ra Văn Chu Nghiêu đều không thể từ chối được.
Cậu cào cào lòng bàn Văn Chu Nghiêu, cúi đầu không nói gì, chờ cậu ta trả lời.
Hoàn toàn không nhận ra mình lúc này đang mím môi, tay chân ngọ nguậy liên tục trông khá là tội nghiệp.
Văn Chu Nghiêu im lặng rất lâu, cuối cùng nhìn về phía ba mẹ mình được chôn cất, quay đầu lại đưa tay phủi bông tuyết lại đang vương trên lông mi bé con.
Cậu ta nhìn Lâm Bách Tòng, rốt cuộc cũng gật đầu đồng ý: "Dạ."
Các dãy phòng phía tây và đông trong tứ hợp viện, thường là nơi ở của con cháu, nhỏ hơn chính phòng ở phía bắc là nơi ở của chủ gia đình.

Bình luận

  • Bình luận

  • Bình luận Facebook

Sắp xếp

Danh sách chương