Nguyện Làm Nữ Nhân Như Ngọc
C9: Người ta được một ta được những hai đấy 2

Ngày tháng sau đó, Như Ngọc bắt đầu cuộc sống sâu gạo của mình.

Trước kia nàng đã lười động tay động chân, nay ỷ vào việc mọi người nuông chiều đứa nhỏ trong bụng mà càng giở thói lười biếng. Từ ngày còn nhỏ, Như Ngọc đã là một bé gái thông minh điểm trừ duy nhất là nàng rất ghét phiền phức. Nàng không thích suy diễn sâu xa, cong cong quẹo quẹo thế này thế kia. Phương châm sống của nàng là giải quyết nhanh nhất, gọn nhất và ít hậu quả nhất. Nghĩ theo mặt tích cực thì đây cũng là điểm mạnh của nàng. Đôi khi con người ta cứ hay phức tạp hóa vấn đề thành ra mọi chuyện càng khó giải quyết. Bởi thế, nhiều người hay nghĩ Như Ngọc như con mèo nhỏ ngốc nghếch nhưng từ sâu bên trong, nàng là một người rất có chính kiến, cũng rất cố chấp.

Ban đầu báo tin cho nhà mẹ, Như Ngọc nghĩ cùng lắm là bên đấy gửi quà sang chúc mừng. Không ngờ cả Trần gia đều qua, cha Hưng, mẹ Dung, vợ chồng anh Minh đều tới, duy chỉ có anh Mẫn đang theo thương đội ra Bắc Hà nên không thể đến.

Nhìn người nhà mình lần lượt bước xuống xe, người an tĩnh như Như Ngọc cũng vội vội vàng vàng chạy ra đón.

Mẹ Dung thấy Như Ngọc từ xa chạy đến thì cất cao giọng chất vấn nhưng trên mặt tràn đầy yêu thương: "Từ từ đã nào, đừng chạy, cái con bé này!"

Như Ngọc nắm tay mẹ, chào hỏi mọi người: "Cha mẹ, anh chị. Sao mọi người đến mà không nói với con?"

Anh Minh vừa xách đồ từ trên xe xuống, vừa đáp lời em gái: "Anh có truyền tin cho em rể rồi đấy chứ."

Như Ngọc hoàn toàn không hề hay biết hôm nay có anh Minh tới nên nghe thấy anh nói như vậy thì nhìn về phía Vĩ Văn, thấy chàng gật đầu với mình liền liếc chàng một cái.

Vĩ Văn đột nhiên bị vợ cau mày thì chỉ biết nhún vai cười khổ với anh vợ: "Cha mẹ, anh chị. Mọi người đã đến. Mau vào nhà nghỉ ngơi."

Vừa vào đến phòng chính, chị Lan đã cưỡng ép Như Ngọc ngồi yên trên ghế, phủ lên người nàng một tấm áo choàng mỏng, không cho nàng tự ý di chuyển. Người của Trần gia vừa ngồi vào ghế thì ngay lập tức có người hầu nhanh chóng bưng trà, bánh lên.


"Thật là, cũng không phải lâu ngày chưa gặp. Nhìn dáng vẻ của con kìa, ba tháng đầu là quan trọng nhất, đi đứng cho đàng hoàng không mẹ đánh con đó," Mẹ Dung ôm con gái, vừa mắng vừa vỗ lưng nàng. Chất giọng của bà có hơi chói tay nhưng kỳ thật trên đời này không ai thương Như Ngọc nhiều hơn bà, "Sắp làm mẹ rồi mà cứ như trẻ con vậy. Ngồi thẳng dậy cho mẹ xem nào."

Anh Minh cầm ly trà trên tay, nhấp một ngụm rồi hướng Vĩ Văn cười đùa: "Tính tình con bé thế này, chắc em rể mệt nhọc lắm nhỉ?"

Vĩ Văn nhẹ giọng đáp lời: "Không đâu ạ, nàng tốt lắm."

Cha Hưng nhìn qua sắc mặt của con gái, không giống dáng vẻ bị ai ăn hiếp, lại nhìn biểu hiện vừa rồi của Vĩ Văn, trong lòng càng xem trọng người con rể này hơn.

Cả nhà đoàn tụ, cười nói vui vẻ đến tận bữa trưa. Ăn cơm xong, đám nam nhân đi ra thư phòng bàn chuyện chính sự, để lại nữ nhân các nàng ở phòng trong nói chuyện phiếm. Chị dâu cả của Như Ngọc, chị Tú lên tiếng hỏi trước: "Em Ngọc, em rể có đối xử tốt với em không? Người nhà bên đấy có làm khó dễ gì không? Chị nghe nói Học sĩ cũng có mấy đứa hầu ngủ, bọn họ có gây chuyện gì trong nhà không?"

Mẹ Dung thoáng nhíu mày, nhìn chị Tú nói: "Con dâu, hỏi từng câu một đã nào."

Chị Tú vừa nói vừa thở dài mệt mỏi: "Cũng là do con lo quá thôi. Mẹ xem cứ mỗi lần anh Minh đi vắng là mấy quỷ cái trong nhà lại giở thói, gây ra đủ chuyện. Con quản mà muốn mệt đây này."

"Mẹ hiểu mà," Mẹ Dung lên tiếng đồng cảm với dâu cả rồi lại lo lắng hỏi con gái, "Có ổn không con?"

"Dạ, hết thảy đều ổn mẹ ạ," Như Ngọc đáp lời, nắm lấy tay mẹ Dung, tỏ vẻ bà hãy yên tâm, "Chỉ là sau khi nghe thầy lang nói, phu quân có vẻ không vui cho lắm."

Trong lòng mẹ Dung có chút bất an, lo lắng hỏi lại: "Thầy lang nói gì vậy con?"


Như Ngọc thành thật trả lời mẹ: "Thầy lang nói thai tượng ổn định. Với lại hình như con mang song thai."

Chị Tú nghe Như Ngọc nói xong, lẩm Thưa hai từ đấy trong miệng: "Song thai sao?"

Mẹ Dung nghe thế liền đứng dậy, vẻ mặt có phầm hốt hoảng đi đi lại lại trong phòng.

Thấy thái độ của mọi người có phần không đúng, bất giác Như Ngọc đưa tay xoa bụng, lo lắng hỏi lại: "Song thai không phải là chuyện tốt sao ạ?"

Chị Tú đáp lời rồi lo lắng nhìn mẹ: "Ừ thì là chuyện tốt, nhưng mà.."

"Kỳ thật, song thai đối với nhà chúng ta là việc tốt nhưng trong giới quý tộc thường truyền tai nhau rằng nếu sinh đôi thì buộc phải bỏ một đứa để tránh cho sau này, hai đứa tranh giành đấu đá lẫn nhau. Mẹ chỉ sợ, cả nhà Quốc công mê tín, tin theo mấy lời xằng bậy đó mà làm ra chuyện dại dột gì," Giọng của mẹ Dung hơi trùng xuống, "Chưa kể, số người sinh đôi còn sống sót được từ xưa đến nay cũng rất ít.."

Chị Tú đi đến vỗ vai mẹ và cất giọng an ủi Như Ngọc: "Em đừng quá lo lắng, chỉ là mấy lời đồn đại lung tung, có mấy ai nghe theo nữa. Em không cần lo lắng chuyện sinh con, chị quen mấy bà đỡ tay nghề rất tốt. Việc cần làm dưỡng thai cho tốt, hết thảy đều có mọi người bên cạnh em."

Mẹ Dung kiên định nói với Như Ngọc như thể đang tự an ủi mình: "Đúng vậy, đúng vậy. Mẹ toàn nói linh tinh mà thôi, con đừng để bụng làm gì. Quan trọng nhất là con phải nghỉ ngơi cho tốt, sinh cho mẹ hai đứa cháu khoẻ mạnh. Còn những chuyện khác không cần phải lo."

Như Ngọc nghe thế cũng không nói gì thêm, gật đầu với bà biểu thị mình đã biết. Bầu không khí dường như có phần lắng xuống, mọi người cố gắng nói chuyện khác hòng quên đi đoạn nhạc đệm vừa rồi. Nhưng chắc chắn một điều, trong lòng ai nấy đều không được yên ổn như bề ngoài. Đến khoảng đầu giờ Dậu, nhà họ Trần không tiện ở lại qua đêm nên nhanh chóng đứng dậy ra về. Như Ngọc có ý giữ mọi người ở lại ăn cơm tối nhưng cha Hưng kiên quyết từ chối. Thấy vậy, nàng đành lòng tiễn mọi người ra cổng.


Không biết đã dặn đi dặn lại bao nhiêu lần, mẹ Dung vẫn không thể nào yên tâm được: "Những điều cần chú ý con cũng đã biết rồi. Nhớ những ngày này phải hết sức cẩn thận, đồ ăn, thức uống, hương xông, ngay cả cây cối trong nhà cũng phải cẩn thận. Không có việc gì gấp thì đừng ra khỏi nhà, việc nào người hầu làm được thì cứ sai sử bọn họ.."

Trong mắt Như Ngọc xuất hiện ôn nhu: "Con đã ghi nhớ rồi mẹ ạ."

Mẹ Dung ôm con gái thêm lần cuối, sau đó tha thiết dặn dò với chị Lan: "Cô đừng quên thuốc thang với đồ bổ cho con bé, dặn dò nó cẩn thận bước đi vào. Cô biết tính nó rồi đấy, nhớ nhé."

Chị Lanh cung kính, khom người hành lễ: "Những lời bà nói tôi đã ghi nhớ đầy đủ. Tôi dùng tính mạng này cam đoan với mọi người, nhất định sẽ bảo vệ tiểu thư và hai đứa nhỏ bình an."

Mẹ Dung gật đầu hài lòng, toan nói gì đó nhưng bị cha Hưng chặn lại: "Được rồi, đi thôi. Đừng làm chậm trễ thời gian con gái nghỉ ngơi."

Mẹ Dung tiến một bước, vuốt gọn mái tóc của Như Ngọc, quyến luyến không nỡ bước lên xe: "Vậy cha mẹ đi trước, có chuyện gì phải báo ngay với cha mẹ đấy nhé."

Bên này, Vĩ Văn chắp tay hành lễ với cha Hưng và anh Minh. Khi cha Hưng bước lên xe, ông quay lại gật đầu với Vĩ Văn như thể hai người đang âm thầm ra hiệu điều gì đó. Như Ngọc để ý hành động lén lút này của hai người, trong lòng đầy nghi hoặc nhưng trên mặt không biểu lộ gì, chuyên tâm chào hỏi mẹ và chị dâu.

Đều là người một nhà, có những chuyện không nhất thiết phải nói rõ ràng trắng đen. Chàng không nói, thiếp không hỏi, xem như cả hai ngầm thỏa thuận chưa từng có chuyện gì xảy ra.

Ba tháng đầu thai kỳ không nên đi lại nhiều, tốt nhất là ở yên trong nhà, thỉnh thoảng đứng lên ngồi xuống cho gân cốt được thư giãn. Vậy nên, giờ đây Như Ngọc không khác gì heo mẹ, ăn xong thì ngủ, ngủ dậy thì mơ màng ăn thêm bữa nữa rồi lại ngủ. Ngủ nhiều đến nỗi khuôn mặt nàng đã dày như tấm bánh chưng. Lần nào về nhà, Vĩ Văn cũng hết nhéo lại xoa xoa má nàng như nặn tò he. Như Ngọc muốn chửi người lắm mà hễ mở miệng là cơn buồn ngủ ập đến. Chưa kể khẩu vị của nàng thay đổi liên tục. Không thèm cay thì thèm ngọt, không thèm cá thì thèm thịt. Vừa đòi ăn cơm, lát sau lại muốn ăn cháo. Đầu bếp trong nhà vì để đáp ứng yêu cầu của nàng mà xoay như chong chóng. Như thế qua dăm ba tuần, Như Ngọc sắp lăn nhanh hơn đi rồi.

Đầu tháng năm, Vĩ Văn được cử ra ngoài Nghệ An làm việc. Lần này đi phải mấy tuần liền mới trở về. Đây là lần đầu tiên sau nhiều tháng chung sống, hai người phải xa nhau lâu như vậy. Hành lý đã chuẩn bị xong từ sớm, nhưng tâm tình Như Ngọc không tốt lắm, có phần hơi suy sụp. Nàng nhét thêm tấm bùa bình an vào túi áo trong của chồng, Vĩ Văn liếc mắt liền cầm tay Như Ngọc dịu dàng nói: "Ở nhà buồn chán thì nàng về nhà mẹ ở mấy ngày đi, không phải lo người bên ngoài bàn tán."

Như Ngọc xoay lòng bàn tay nắm lấy tay của chàng, xoa xoa những ngón tay mảnh khảnh: "Vâng. Chàng không cần lo cho em, lo cho bản thân mình là được. Phải giữ sức khoẻ, không được uống nước lã, không được ăn linh tinh, nhất là thịt sống. Trời mưa thì đừng nên cưỡi ngựa nhỡ nhiễm lạnh ra đó lại chậm trễ công vụ."


Vĩ Văn không nói gì, ánh mắt nặng trĩu, lặng lẽ ôm vợ vào lòng. Trái tim trong lồng ngực Vĩ Văn đập lên liên hồi, hơi nóng từ lò than tỏa ra ấm áp, từ từ lan ra khắp nơi.

Hôm sau, trời vừa tờ mờ sáng, Vĩ Văn đã lên đường. Lúc ra đến cửa, chàng vỗ về bụng Như Ngọc, giả bộ nghiêm mặt dạy dỗ: "Hai đứa, cha phải đi rồi, việc trong nhà giao lại cho các con, không được làm khó mẹ biết chưa."

Như Ngọc đang ôm một bụng lo lắng, nghe vậy liền thấy buồn cười. Hai tên nhóc trong bụng như thể nghe hiểu lời cha nói nên duỗi chân đạp, Vĩ Văn cảm nhận được sự đáp lại của con thì vui vẻ, khom lưng hôn lên bụng vợ, cười lớn: "Chờ tôi trở về."

Nàng cong mắt mỉm cười: "Vâng, chàng đi bình an rồi về với em."

Vĩ Văn đi rồi, đột nhiên thiếu vắng một người nằm bên cạnh, Như Ngọc cảm thấy ngôi nhà vắng vẻ hơn hẳn. Tuy giữa hai người chưa có cái gọi là tình yêu nam nữ, hay tình cảm sâu đậm nhưng ngày qua ngày chung sống với nhau, tự nhiên sẽ cảm thấy quen thuộc hơi thở của nhau. Cái quen thuộc này chỉ vừa mới xuất hiện, nàng còn chưa kịp thích ứng mà đã bị chia cắt. Thôi thì có đứa nhỏ trong bụng cũng vơi đi phần nào nỗi trống trải trong lòng Như Ngọc.

Mấy ngày đầu Như Ngọc ăn ngủ không được ngon như trước, cảm giác thiếu thốn luôn đeo bám nàng. Sau đó, không biết từ đâu thị Lựu đưa về một con mèo nhỏ, cảm xúc của Như Ngọc mới tốt lên đôi chút.

Bẵng đi một thời gian, cửa nhà Như Ngọc đón tiếp một vị khách không mời mà đến.

Một đứa hầu vô cùng gấp gáp chạy vào thông báo cho Như Ngọc: "Thưa cô, cô Diệp đến thăm. Chị Cam đã dẫn người vào phòng khách rồi ạ."

Như Ngọc lười biếng ngồi dậy, trong đầu đầy nghi hoặc, chị Lan bước đến chỉnh trang lại y phục cho nàng: "Ai cơ, bác cả đấy hả? Bao lâu nay bác ấy có đến nhà mình bao giờ đâu? Phu quân đã ra cửa rồi, bác có nói đến đây làm gì không?"

Đứa hầu thành thật đáp lời: "Thưa không, ngài ấy không nói gì hết, bảo là đến tìm cô ôn chuyện thôi ạ."

Như Ngọc cũng không suy nghĩ gì, nàng chỉnh trang lại quần áo cho ngay ngắn rồi đi cất bước ra ngoài.

Bình luận

  • Bình luận

  • Bình luận Facebook

Sắp xếp

Danh sách chương