Người Ở Bên Tay Trái Của Tôi
Chương 21: 21: Chương 71


Đó là lần đầu tiên tôi đứng trước công chúng.
Trong hội trường rất đông, chỉ khẽ nâng đầu lên là có thể thấy rất nhiều giám khảo ngồi ở hàng ghế đầu tiên.

Xung quanh yên tĩnh đến vậy, tôi lại chợt thấy cô độc.
Trên sân khấu to nhường này chỉ có một mình tôi, tôi có thể nghe thấy tiếng tim đập thình thịch, thình thịch của chính mình.
Tôi ngẩng đầu, đột nhiên rất muốn tìm chỗ ngồi của lớp tôi.

Tôi chưa bao giờ nghĩ hóa ra bản thân lại dựa dẫm và tin tưởng vào tập thể đến thế.

Tôi nhìn một lượt, không thấy, tôi bỗng sợ hãi.

Nhưng đúng lúc gần như hít thở không thông, tôi bất ngờ nhìn thấy hai người đứng bật dậy ở phần nửa sau khán đài.

Họ làm dấu chiến thắng và cố gắng vẫy tay với tôi.
Chính là Điền Giai Giai và Doãn Quốc Đống!
Lòng tôi chợt lắng lại, như cánh diều chấp chới trên bầu trời vì không thấy mục tiêu lại đột nhiên phát hiện những ánh mắt quan tâm dưới mặt đất và sợi dây diều chắc chắn trong tay họ.

Đó là phương hướng tin cậy nhất giữa không trung vô ngàn.
Tôi hít sâu một hơi, chậm rãi bắt đầu bài phát biểu của mình.

Tôi nói: “Kính thưa các thầy cô giáo và các bạn, thưa toàn thể quý vị, em là Đào Oánh đến từ lớp 11-11.

Chủ đề bài phát biểu của em hôm nay là .”
Bài phát biểu được hoàn thành dưới sự hướng dẫn của giáo viên Ngữ văn.

Trong bài phát biểu, tôi nói: “Nếu giả như lịch sử cũng có tính chất, như vậy tính chất của lịch sử chính là đá.

Bề ngoài của đá có thể bị bào mòn dần sau khi trải qua thăng trầm mưa gió nhưng tinh thần lại chẳng thể hủy diệt được.

Từ những bức họa trên đá thời Đông Hán đến điêu khắc Phật giáo thời Đường, họ đã dùng đá để khắc ghi lịch sử, ghi lại một thời huy hoàng, vẻ vang và đáng tự hào của dân tộc…”
Tôi dần dần không cảm thấy căng thẳng nữa, dường như tôi đã thực sự trở lại thời nhà Đường thịnh vượng, trong những thứ gọi là ‘y hương tấn ảnh’ [1], ‘khúc nghê thường’ [2], hay nhịp trống, hoa văn trên tơ lụa.
[1] Y hương tấn ảnh – 衣香鬓影: (thành ngữ) có thể hiểu đại khái là ‘quần áo lụa là thơm tho, dáng dấp tóc mai yểu điệu’.

Theo Baike giải thích, đây là thành ngữ thường được dùng để chỉ người con gái ăn mặc phục trang hoa lệ.
[2] Khúc nghê thường: Một điệu ca vũ xưa.

Điệu múa của các tiên nữ mặc nghê thường, tức xiêm có nhiều màu như cầu vồng.
Giọng tôi trở nên hùng hồn hơn, thậm chí tôi còn cảm nhận được sự thay đổi biểu cảm trên khuôn mặt mình.

Tôi chỉ vô thức nhẩm lại những câu từ đã thuộc làu làu từ trước, như thể lời nói cũng có quán tính, cứ thế tràn ra khỏi đại não: “Nếu lịch sử cũng có tính chất thì có lẽ tính chất của lịch sử chính là nước.


Những con sông chảy xiết kia không chỉ nuôi dưỡng mảnh đất rộng lớn này mà còn nuôi dưỡng tấm lòng nhân hậu, cần cù của những người con Trung Hoa.

Khi bước qua dòng sông 5000 năm tuổi, khi đi ngược dòng lên thượng nguồn, chúng ta mơ hồ thấy được những nền văn minh xán lạn và lịch sử đầy huy hoàng…”
“Nếu lịch sử cũng có tính chất, vậy thì tính chất của nó chính là lửa.

Chỉ là một tia lửa nhỏ, tuy không lớn nhưng đủ để cháy lan ra khắp thảo nguyên.

Nó bùng cháy từ Nam chí Bắc, thiêu rụi mảnh đất Trung Quốc và bùng cháy lên một thế giới hoàn toàn mới…”
“Nếu lịch sử có tính chất thì tính chất của nó chính là máu.

Đó là lòng trung thành của vô số con người với lý tưởng cao cả đã đầu rơi máu chảy để đổi lấy nền hòa bình hạnh phúc hôm nay.

Đó là lá cờ đỏ có thể thấy trong ngục giam, là khẩu hiệu cuối cùng trong sinh mệnh, là tương lai họ chưa từng gặp, cũng là tự do của dân tộc mà họ tình nguyện dùng mạng sống của mình để đổi lấy…”
Cuối cùng, ở trên sân khấu chói lọi rực rỡ này, tôi đã quên mất chính mình, quên hết những tổn thương, đau khổ, quên mất nỗi tuyệt vọng khi lòng tự trọng bị đạp đổ.

Cuối cùng tôi cũng đánh thức được dũng khí đang say ngủ của chính mình, cuối cùng cũng nghe thấy âm thanh của sự tự tin đang đâm chồi nảy lộc trong giọng nói của mình —— Nếu như giọng nói có bí mật, vậy bạn có nghe thấy niềm vui và khúc hát vô ưu ở sâu trong nội tâm của tôi không?
Dù chỉ là khoảnh khắc cũng khiến tôi muốn níu kéo.

Hốc mắt tôi dần đong đầy nước mắt, dường như tôi đã bị cảm động vì chính bản thân mình.

Khoảnh khắc ấy, xuyên qua đường hầm thời gian, tôi phảng phất nhìn thấy một cuộc sống mới sắp bắt đầu và vô số ước mơ sẽ trở thành sự thật.
Vào ngày hôm ấy, ngay khoảnh khắc đó, ở trên sân khấu, tôi mơ hồ thấy được sự trùng lặp giữa một số giấc mơ và thực tế hôm nay, tôi bắt đầu nghi ngờ suy nghĩ của chính mình: Tôi thực sự không có ước mơ sao? Tôi thực sự muốn cắt đứt con đường tương lai của mình ư? Tôi thực sự vô duyên với đại học sao?
Hôm đó, tôi đã giành được vị trí thứ nhất toàn trường.
10 ngày sau, tôi đại diện cho trường tham gia cuộc thi hùng biện cấp thành phố và vẫn đứng nhất.
Tôi đã chiến thắng.
Tôi biết tôi đã chiến thắng chính mình, điều đó quan trọng hơn bất cứ thứ gì khác.
Tôi quen giáo sư Đinh Ký Lâm khoa Ngữ văn trường Đại học Sư phạm cũng nhờ cuộc thi hùng biện cấp thành phố đó.

Thầy là một ông lão tóc hoa râm, cũng chính là chủ tịch ban giám khảo cuộc thi.

Thầy đã cho tôi lời bình: Bài phát biểu có góc nhìn mới lạ, văn chương xuất sắc, cảm xúc chân thành tha thiết, giọng văn, cách diễn đạt và hành động rất tự nhiên, kỹ năng đọc diễn cảm mang tính nghệ thuật cao.
Sau lễ trao giải, thầy còn nói với tôi: “Cô bé à, em nên đăng ký học chuyên ngành Phát thanh dẫn chương trình.

Chỉ cần cố gắng, nhất định em sẽ trở thành một MC ưu tú.”
Tôi cực kỳ vui mừng và xen chút ngượng ngùng, bởi tôi biết mình không xinh đẹp, người có ngoại hình như tôi không thể làm MC được.
Hình như thầy có thể nhìn thấu tâm tư của tôi: “Cô bé, không cần biết có thể hay không, em nên đi thử một lần cho biết.

Theo kinh nghiệm của thầy, người không có ngoại hình xinh xắn thường rất ăn ảnh, còn người đẹp lại không ăn ảnh cho lắm.

Em nên đi thử xem, vậy mới không tiếc nuối chứ.


Nếu em không thử, làm sao em biết mình không được?”
Lòng tôi chợt sáng tỏ, tôi ngẩng đầu nhìn mái đầu hoa râm cùng với gương mặt mỉm cười và ánh mắt đầy khích lệ của thầy.
Trước khi đi, thầy bước lại gần tôi và nói rất thấm thía: “Nếu em không thích ngành này thì đành thôi, nhưng nếu em thích, thầy khuyên em nên thử sức một lần.

Mặc dù nghề này rất khổ nhưng lại có niềm vui riêng của nó.

Nếu một ngày nào đó em trở thành người dẫn chương trình phát thanh cũng được, không ai thấy dáng vẻ của em nhưng em có thể mang đến niềm vui cho mọi người qua sóng vô tuyến.

Em phải biết rằng người hạnh phúc nhất chính là người có thể đem lại niềm vui cho người khác.”
Tôi dõi mắt theo bóng thầy rời đi, chợt thấy như có một dòng nước ấm, dòng suối trong lành hay ôn tuyền ấm áp giữa mùa đông lạnh lẽo, từng chút từng chút chảy qua nội tâm khô cạn của tôi, thấm đẫm vùng đất khô cằn bằng tiếng chim và hương hoa.
Lần đầu tiên trong thế giới tuyệt vọng và thờ ơ của tôi xuất hiện một ngọn hải đăng kiên cường —— Đó là tiếng gọi hướng về tương lai và lý tưởng khiến tôi nóng lòng muốn thử sức.
Có hai ‘tôi’ đang đấu tranh kịch liệt: Một ‘tôi’ nói “Tôi thích, tôi thật sự thích”, mà ‘tôi’ kia lại nói “Mày cứ mơ đi, mày dựa vào cái gì”.

Cãi nhau rất lâu, đến mức đầu tôi muốn nổ tung luôn, song vẫn không thể lừa dối bản thân rằng: Tôi thích, tôi thật sự thích cuộc sống và nghề nghiệp này.

Mỗi sáng sớm, mỗi hoàng hôn, mỗi khi khán giả không nhìn thấy nhưng lại có thể nghe thấy âm thanh của tôi, tôi muốn dùng trái tim chân thành, giọng nói êm dịu để truyền hạt giống vui vẻ tới mỗi người xa lạ, sau đó nhìn nó lớn dần trong cuộc đời của họ.
Những tưởng tượng và khao khát đẹp đẽ như vậy đã khiến trái tim vốn đã tuyệt vọng của tôi một lần nữa chứa chan niềm hy vọng.
Cứ thế, người chưa từng có khát vọng như tôi đã sinh ra tâm trạng mang tên mơ ước.

Giống như khinh khí cầu nhiều màu sắc đang bay lượn về phía chân trời.
Ước mơ của tôi, ước mơ đẹp đẽ ấy chính là trở thành một người dẫn chương trình, dùng thanh âm của mình để truyền niềm vui tới mọi người, bất cứ lúc nào, bất kể nơi đâu.

Bình luận

  • Bình luận

  • Bình luận Facebook

Sắp xếp

Danh sách chương