Người Đưa Tang Cõi Trần
-
Chương 1: Chấp sự Kim Tiền
Người xưa có câu: Chỉ có đưa tiễn người chết mới là chuyện lớn.
Có nghĩa là nói trên đời không có chuyện gì quan trọng hơn chuyện tang lễ, đặc biệt là ở vùng nông thôn, lễ tang có vẻ vang hay không có liên quan trực tiếp danh tiếng hiếu thảo của con cháu.
Lễ tang phải tổ chức cho vẻ vang đủ đầy thì không thể thiếu một người “chấp sự kim tiền” đạt chuẩn.
Cái gọi là “chấp sự kim tiền” chính là người phụ trách rải tiền giấy âm phủ trên đường đưa tang. Tiền giấy âm phủ được gọi là “tiền mua đường”, dùng nó để xua đuổi cô hồn dã quỷ cản đường, đưa quan tài của người đã mất thuận lợi nhập thổ quy an.
Tôi tên là Ngô Tử Phàm, ông nội của tôi là Ngô Khánh Phong, chính là Chấp sự Kim Tiền nổi tiếng khắp mười dặm tám hương ở quê nhà.
Khi ông nội mười sáu tuổi đã bắt đầu làm nghề này. Ông luyện được tuyệt kỹ “rải tiền giấy tựa mưa bay khắp trời”, tiền giấy ném ra bay cao mười mấy mét, như bướm lượn vờn hoa, vui mắt vui lòng. Không ít người ở nơi khác tổ chức tang lễ đặc biệt đến mời ông nội đến chỗ họ giúp đỡ để tiễn đưa.
Nhưng Chấp sự Kim Tiền cũng có quy củ, cấm kỵ, gọi là “ba không đưa”.
Một, không đưa tiễn người còn sống bất hiếu ngỗ nghịch, chết rồi tang lễ long trọng vẻ vang;
Hai, không đưa tiễn người dính kiện tụng, chết chốn lao ngục;
Ba, không đưa tiễn người mang bầu mà chết, một xác hai mạng.
Do người chết thuộc ba loại kể trên oán niệm nặng nề, trên đường đưa tang khó tránh khỏi nhiều việc bất trắc. Một khi nhận việc này thì rất dễ đụng phải “quan sát”, cực kỳ bất lợi cho chính bản thân Chấp sự Kim Tiền.
Lúc tôi còn nhỏ vẫn không hiểu được hàm nghĩa của câu này, cho đến khi lần nọ ông nội phá lệ rồi một chuỗi sự kiện quỷ dị xảy ra tiếp theo, tôi mới thật sự hiểu được lợi hại bên trong.
Vào đợt nghỉ hè năm tôi mười tuổi, một buổi chiều nọ, bác hai Cát trưởng thôn xách theo thuốc lá, rượu, đường, đồ ăn đến nhà tôi tìm ông nội.
Sau vài câu chuyện phiếm thường ngày, bác hai Cát bắt đầu nói chuyện chính: “Chú Ngô à, có chuyện này phải làm phiền chú giúp đỡ rồi. Tôi có một người bạn, chính là La Bảo Tài ở thôn kế bên ấy. Cụ ông nhà bên ấy bệnh mất, nhờ tôi mời chú qua đó làm chấp sự.”
“Ông cụ nhà họ La thôn kế bên hả?!” Ông nội nghe đến đây thì nhíu mày, lập tức từ chối: “Chuyện này già không giúp được, anh bảo họ mời người khác đi!”
Tại sao ông nội lại từ chối ngay vậy nhỉ? Thì ra ông nội hiểu sơ về tình cảnh của nhà họ La thôn kế bên. Con trai nhà đấy, La Bảo Tài, bao thầu công trình nên phát tài, cưới vợ trong thành phố rồi yên ổn ở đấy nhưng lại vứt bỏ cha già một mình ở nhà, đến ông cụ bệnh nằm liệt giường cũng chẳng ai chăm sóc.
Lúc ông cụ còn sống không tận hiếu chăm sóc, bây giờ ông cụ qua đời rồi thì tổ chức tang lễ rình rang. Đây là chuyện “còn sống không báo hiếu, chết rồi khóc tu tu” điển hình. Nếu giúp đỡ cho người thế này thì chính là phạm vào điều thứ nhất của ba điều đại cấm kỵ.
Bác hai Cát thấy ông nội từ chối hết lời, đành cười: “Chú ơi, chú hà tất phải so đo với tiền chứ? Lần này nhà họ La đưa thù lao không hề ít đâu!”
Lời này của bác xem như đã đánh thẳng vào chỗ yếu của ông nội. Năm đó ba mẹ tôi vào thành phố làm ăn nhỏ, vừa khởi nghiệp nên chẳng có bao nhiêu tiền, kinh tế khá túng quẫn.
Tôi ở lại quê nhà sinh sống cùng ông nội, chi phí học hành linh tinh, dầu củi mắm muối ăn uống các thể loại đều do ông nội gánh vác. Cuộc sống hằng ngày rất khó khăn.
Ông nội cúi đầu hút thuốc lặng lẽ hồi lâu, cuối cùng đánh đùi cái đét: “Vì thằng cháu quý hóa của ta, lần này già sẽ phá lệ một lần!”
Sáng sớm của vài ngày sau, vào ngày đưa quan của ông cụ nhà họ La, La Bảo Tài đặc biệt đánh xe đến đón ông nội. Ông nội không yên tâm để tôi ở nhà một mình nên dẫn tôi theo cùng.
Nói đến nhà họ La này thì quả thật là giàu xổi khoe khoang. Linh bồng dựng lên kích thước đủ cả một nửa sân bóng đá, rồi nào là đội kèn trống, đội lễ nhạc, mười sáu đầu rồng nâng tranh trang trí nhũ vàng, hoa tang pháo nổ không ngừng bên tai.
Người biết thì bảo là làm tang sự, người không biết còn tưởng là hương trấn đang tổ chức tiệc liên hoan.
Đúng tám giờ sáng, thời gian đưa quan đã đến, ông nội theo quy củ vung một nắm tiền giấy ra ngoài cửa lớn, hiếu tử đập vỡ thố đất xong thì đội đạo tỳ bắt đầu khiêng quan tài lên bước ra khỏi cửa, sau đó vào linh bồng buộc đòn rồng khiêng quan tài di quan.
Nhưng bên này ông nội vung tiền giấy đi, thố đất trong tay hiếu tử La Bảo Tài vỡ tan trên nền đất, “koong” “koong” xoay mấy vòng nhưng lại không hề vỡ nát!
Dân gian có một cách nói, vong linh có chuyện chưa dứt hoặc lòng ôm chấp niệm thì mới xảy ra tình huống thố đất rớt xuống đất mà không vỡ. La Bảo Tài chột dạ, ngây ngốc nhìn chậu bùn trên mặt đất không biết phải làm gì.
“Ngây ra đó làm gì, mau quỳ xuống dập đầu đền tội cho cha anh đi kìa, đập lại lần nữa!” Ông nội thấy vậy gấp gáp thấp giọng nhắc nhở La Bảo Tài.
Sau đó ông nội lại vứt một nắm tiền giấy nữa ra ngoài cửa, cao giọng quát: “Vong linh đừng lưu luyến nhà xưa cũ, âm dương khác đường hai thế giới, đập thố, động quan!”
La Bảo Tài mồ hôi đầy đầu, dập đầu xong rồi lồm cồm bò dậy, nhặt thố đất lên rồi vứt xuống đất. Lần này thố đất thuận lợi vỡ tan trên mặt đất.
Trong tiếng kèn trống, hơn mười người khiêng quan tài cũng nhau dùng sức khiêng quan tài nặng trịch ra khỏi linh đường nhà họ La, buộc lên đòn rồng, trên nóc quan tài đặt gà âm hồn. Tiếng pháo vang lên, đội ngũ đưa tang chậm rãi bắt đầu xuất phát.
Tang lễ nhà họ La mong làm cho rình rang, cho nên đặc biệt sắp xếp “Tuần lộ tẫn”.
“Tuần lộ tẫn” là một cách nói địa phương của chúng tôi. Thông thường di quan chỉ mong sao cho nhanh nhất yên ổn nhất đưa quan tài đến huyệt mộ, nhưng “tuần lộ tẫn” là phỏng theo xã hội cũ khi quan viên đi tuần, bình thường phải vòng quanh thôn người chết từng cư trú một vòng, để cho vong hồn ôn lại chốn xưa thật vẻ vang lần cuối cùng.
Lúc này, đội ngũ đưa tang đi đến một ngã tư. Ông nội cất cao giọng: “Đường rẽ gập gềnh đi đứng chậm rãi, cô hồn dã quỷ xin chớ cản đường!”
Ông nội phất tay hất một nắm tiền giấy vào trong không trung. Lúc tiền giấy sắp sửa rơi xuống đất lại thình lình nổ tung, như tuyết trắng tung bay, làm cho thôn dân đứng hai bên đường vây xem tấp nập khen hay.
Nhưng vào ngay lúc này, chuyện bất ngờ đã xảy ra. Một trận gió lốc xuất hiện trên đường quét đến. Dây thừng buộc trên đòn rồng tự nhiên vô cớ đứt đoạn. Quan tài lập tức rơi xuống đất!
Đội ngũ đưa tang dừng lại. Mọi người nháo nhào cả lên. Ai cũng biết quan tài chưa đến mộ phần đã rơi xuống đất là chuyện đại kỵ trong lễ pháp mai táng!
Sắc mặt ông nội trầm xuống. Ông quay đầu lại đi đến bên quan tài, đưa tay gõ lên trên quan tài: “Ông cụ nhà họ La, người chết như đèn tắt, ông còn oán niệm gì cũng nên tiêu tán thôi, con cháu có lỗi, làm người bề trên hãy thứ tha!”
La Bảo Tài cũng vội vàng dắt theo vợ con quỳ mọp xuống bên đường, khóc lóc rên rỉ nhận lỗi.
Lúc đó tôi đang theo sau lưng ông nội, dường như nhìn thấy quan tài hơi động đậy một chút rồi ngay sau đó có một luồng khí xanh đen chảy ra từ đáy quan tài, xoay tròn sang hướng đầu quan tài.
“Xuất sát rồi! Mọi người chú ý tránh né, đừng để bị xông trúng!”
Rõ ràng ông nội đã phát hiện được chuyện kỳ lạ, bên người ông lóe lên, thuận tiện kéo luôn vợ chồng La Bảo Tài tránh khỏi phần đầu quan tài.
Chuyện xảy ra đột ngột, ông nội hiển nhiên đã quên mất chuyện tôi đi theo sau lưng ông. Ông kéo vợ chồng La Bảo Tài tránh ra nhưng tôi vẫn không hiểu chuyện gì đứng tại chỗ như cũ, ngây ngốc đối diện phần đầu quan tài.
Lúc đó trong đầu tôi còn đang nghĩ: “Ông nội thường nói ‘quan tài sát’, lẽ nào khí đen này chính là ‘quan tài sát” sao?
Không đợi tôi tỉnh táo lại, luồng khí đen như linh xà nhanh chóng vọt đến, trong khoảnh khắc nhập vào trong thân thể tôi!
Tôi chỉ cảm thấy đầu choáng mắt hoa, người mềm oặt rồi ngã xuống đất…
Bình luận
Bình luận
Bình luận Facebook