Người Cũ Là Em Chồng
-
Chương 1
Nắng tháng 4 thật đẹp.
Không nhạt nhòa khiến ta dễ quên và cũng chẳng chói lòa làm người người e ngại.
Nó đúng kiểu vừa đủ để nhớ, vừa đủ để thương.
Ngọt ngào, dịu nhẹ nhưng cũng căng tràn sức sống.
Tì tay lên bệ cửa sổ, tôi gieo ánh nhìn xuống cây long não đang nở hoa trước cổng.
Những đóa hoa trắng muốt bung tỏa trong nắng ngọt.
Đẹp đẽ tới nao lòng.
Cứ thế, tôi tham lam hít hà, cố thu hết khí trời trong xanh vào lồng ngực thiếu dưỡng khí.
Vậy là lại một mùa long não nữa đến.
Nhanh thật, mới đó mà tôi đã ở trong căn biệt thự này 5 năm và cũng đã có 5 năm làm dâu nơi này.
Cuộc sống quả thật quá nhiều điều bất ngờ mà khi chuyện cũ đã qua rồi, bản thân vẫn không thể tin đó là sự thật.
– Vợ ơi! Mẹ gọi vợ xuống nhà, mẹ có việc cần.
Chồng tôi đứng trước cửa, vừa mút kẹo vừa nói chuyện với tôi.
Tôi khép cửa sổ lại, nhanh chóng đi lại chỗ anh, lấy cây kẹo từ tay họ rồi nghiêm giọng:
– Mới sáng sớm anh đã ăn kẹo rồi à? Ăn kẹo là tí không ăn sáng được đâu.
Vũ ngây ngô nhìn cây kẹo vừa bị tôi tước đoạt , cong môi nói:
– Thế Vũ không ăn sáng nữa.
Tôi cau mày nhìn người nào đó, khó chịu bảo:
– Không được!
Trước thái độ nghiêm khắc của tôi, Vũ cuối cùng chỉ còn biết xụ mặt xuống, lí nhí từng chữ:
– Vậy tí nữa, ăn xong vợ bù cho Vũ 2 cây có được không?
Biết họ đã chịu hợp tác nên tôi nhanh chóng quăng cây kẹo vào thùng rác bên cạnh, vui vẻ xoa đầu anh:
– Anh ngoan lắm, chút ăn sáng xong, em sẽ đi mua kẹo cho anh.
Người kia nghe tôi hứa hẹn như vậy, có vẻ đã xuôi xuôi nhưng để chắc thì vẫn đưa tay lên trước mặt tôi:
– Móc ngoéo.
Tôi lồng ngón út vào ngón tay đang chìa ra của Vũ.
Chậm chậm nói theo:
– Móc ngoéo.
Sau khi dàn xếp xong chuyện riêng, tôi mới nhanh chóng xuống dưới nhà diện kiến mẹ chồng.
Mà gọi mẹ chồng thì cũng không phải.
Cơ bản bà ấy là vợ sau của ba chồng tôi.
Tức về mặt huyết thống mẹ chồng và chồng tôi chẳng có chút máu mủ ruột rà gì cả.
Mà bà ấy cũng có đứa con nhỏ hơn Vũ 3 tuổi, do đó trong mắt người mẹ kia vợ chồng tôi chính là hai cái gai làm bà nhức nhối.
Tôi biết thế nên trước mặt mẹ vẫn luôn khép nép, nếu tránh được, tốt nhất cứ tránh để không mất hòa khí gia đình.
Nhưng mẹ kế của chồng đâu có nghĩ như tôi.
Bà ấy tuyệt nhiên luôn xem việc gây sự với tôi là một thói quen khó bỏ.
Và chưa cần bước đến nhà lớn, tôi cũng đủ hiểu bà và cô con dâu quý hóa lại muốn bày trò với tôi rồi.
Khi tôi chỉ vừa chân ướt chân ráo xuống hết cầu thang, giọng mẹ kế đã văng vẳng bên tai:
– Đúng là mới làm dâu có mấy năm mà đã mắc bệnh nhà giàu.
Trời sáng bảnh mắt ra, mẹ chồng dậy từ tám hoánh, tỉa cây, tưới hoa hết cả rồi mà con dâu vẫn ngủ ngon cho được.
Nếu tôi mà không bảo thằng Vũ gọi cô dậy thì có phải cô định sẽ ngủ đến trưa chăng?
Ngọc – vợ của em chồng nghe mẹ nói thế cũng nhanh chóng bồi thêm:
– Cái gì chứ mấy kiểu nghèo hèn vớ được cành cao là bọn họ biết hưởng thụ lắm mẹ ạ.
– Đúng thật.
Không thể hiểu nổi ba con mắc cái chứng gì mà lại cưới nó cho thằng Vũ.
Dù rằng anh con có hơi bất bình thường một chút.
Nhưng cũng đâu đến nỗi phải hạ mình lấy một con ranh trong khu ổ chuột về làm vợ cơ chứ.
– Thì chả phải có người quỷ kế đa đoan nên mới có thể chui vào gầm chạn nhà mình hả mẹ.
Sống trong nhà này mấy năm, tôi khá rõ về tính nết của từng người.
Nếu giờ tôi cứ sang sảng cãi mẹ rồi nói lý với em dâu thì cũng đâu được gì.
Bọn họ lại có thêm cớ nói tôi thấp kém, không có giáo dục mới cư xử như vậy.
Thế nên chi bằng tôi im lặng, chả đá động đến vấn đề bọn họ đang đề cập, hẳn hai người kia cũng chẳng biết phải tiếp tục chửi rủa tôi như thế nào.
Bỏ ngoài tai những lời khó nghe của mẹ kế và em dâu, tôi vẫn bình thản đi đến chỗ bọn họ, cố nặn ra một nụ cười tươi tắn rồi nhanh chóng chuyển chủ đề:
– Mẹ với em đã ăn sáng chưa ạ?
Mẹ kế chồng tôi nghe tôi hỏi vậy thì lại thêm một câu châm chọc:
– Tôi đâu dám ăn trước, tôi còn phải đợi con dâu ngủ dậy đây.
Thân làm dâu, tôi tất nhiên phải thể hiện bộ mặt lo lắng mà đáp lời:
– Ấy chết, sao mẹ đợi con chi ạ? Hôm nay bên nhà làm giỗ cho ba nên vợ chồng con xin phép về bên ấy ạ.
Chắc sẽ qua đó ăn sáng luôn.
Mẹ với em cứ ăn đi, ăn uống thất thường là dễ đau dạ dày lắm ạ.
Nghe tôi nói vậy thì bà lập tức trợn tròn mắt nhìn qua Ngọc:
– Sao… Sao lại thế?
Tâm trạng của đứa em kia cũng chả khá hơn là bao, cô ta bực dọc nói:
– Con không biết.
Có nghe nói gì đâu.
Biết hai người kia cần lắm một lời rõ ràng.
Mà tôi đây cũng đang sánh vai con dâu ngoan, chị dâu tốt nên liền lên giọng ngọt nhạt giải thích cho họ tường tận mọi việc:
– Dạ, chuyện này hôm qua, con đã xin ba rồi.
Ba chưa nói gì với mẹ ạ?
Mẹ kế có hơi gượng gạo bảo:
– Chưa… Chưa nói…
Em dâu thì sốt sắng hỏi tôi:
– Thế chị đi luôn à? Bao giờ chị về?
– À! Chị có xin ba rồi.
Giỗ cũng nhiều việc ấy, chắc phải tối muộn mới về.
Tôi nói như vậy đã làm phật lòng mẹ kế của chồng.
Ngay khi tôi vừa dứt câu thì bà đã mè nheo bảo:
– Cứ thậm thà thậm thụt về ngoại thôi.
Cô làm dâu nhà này rồi mà không chịu yên phận làm dâu đi.
Được dịp là cứ thích chui rút về với mẹ.
Quan hệ giữa tôi và mẹ ruột thật ra cũng chả tốt gì cho cam.
Nói thẳng ra tôi về đây làm dâu là vì trả nợ cờ bạc cho bà ấy nên hai mẹ con sớm đã có bất hòa.
Từ lúc lấy chồng đến giờ, tôi chẳng mấy khi về, chỉ vào những ngày quan trọng, tôi mới ghé thôi.
Không phải là tôi không muốn về, mà cứ về nhà là lời qua tiếng lại với mẹ, tôi thì chả muốn làm một đứa con bất hiếu, thành ra tốt nhất là ít gặp mặt.
Hôm nay, mẹ kế nói vậy, tôi vừa hay đã có thể đáp trả bà:
– Thưa Mẹ! Con cả năm nay chưa về bên ấy rồi ạ.
Lời tôi nói hoàn toàn là sự thật, mẹ vì đó mà có chút đuối lý xong bà vẫn không chịu từ bỏ ý định hạ bệ con dâu.
Nghĩ ngợi một lát rồi bà lại chu chéo:
– Dẫu sao con gái lấy chồng cũng như bát nước đổ đi.
Lấy chồng rồi thì về nhà mẹ đẻ cũng giống như khách thôi.
Ở lại làm gì cho lắm thế.
Trưa về nấu cơm rồi còn dọn dẹp nhà cửa.
Hôm nay, tôi cho người giúp việc trong nhà nghỉ ngơi một hôm.
Họ làm việc cho mình quanh năm suốt tháng, chẳng lúc nào được ngơi tay, để họ nghỉ chứ không lại mang tiếng nhà ta bóc lột sức lao động.
Với cả nhà này có mấy cái máy ăn bám để làm gì, cũng nên vận động tí để hiểu thân phận của mình.
Vâng, tôi biết thừa mẹ kế là đang ám chỉ tôi và chồng.
Nhưng dẫu sao lời bà ấy nói cũng chẳng có gì là sai cả.
Chồng tôi bị thế này, cơ bản là không thể ra ngoài kiếm tiền.
Tôi thì ít học mà một nơi như nhà chồng hẳn chả cần một cô con dâu vô dụng nhúng tay vào.
Thế nên toàn bộ kinh tế đều phụ thuộc vào ba chồng tôi.
Nhưng nói đi cũng phải nói lại.
Nhà này đâu phải mình tôi ăn bám.
Mẹ kế và con dâu cưng của bà cũng ở nhà cả đấy thôi.
Hàng tháng vẫn ngửa tay xin ba chồng tiền mua túi hiệu, quần áo hợp mốt.
Tính ra, tuy tôi có ăn bám nhưng cũng là một kẻ ăn bám biết điều.
Chí ít tôi không bao giờ đòi hỏi cái này cái kia như hai người phụ nữ đang ngồi trước mặt.
Bởi thế người cần biết thân biết phận đâu phải chỉ có mình tôi.
Vậy thì việc gì tôi phải về sớm cho hai người phụ nữ ăn bám như mình hành hạ.
Với cả, nay là ngày giỗ của ba, tôi với mẹ ruột có hiềm khích thế nào thì cũng muốn về cùng ông 1 ngày trọn vẹn.
Thế nên tôi mới lên tiếng từ chối.
– Nhà con đơn chiếc, giỗ năm nào cũng chỉ mẹ con với nhau.
Sui gia, bạn bè cũng chả có ai.
Con lại về sớm như vậy hẳn ba con sẽ rất buồn.
Lý ra nhà tôi có công việc như vậy, nhất là ngày giỗ của ba tôi, phía nhà chồng ít ra cũng phải có người đến.
Nhưng ba chồng tôi thì bận tối mắt tối mũi.
Mẹ kế và anh em chồng lại khinh thường tôi ra mặt.
Do đó giỗ năm nào cũng chỉ có hai vợ chồng tôi về.
Tôi biết thân phận của mình nên không dám đòi hỏi.
Chỉ là hôm nay mẹ kế nói những lời kia, bản thân lại cảm thấy có chút ấm ức.
Nào ngờ lời của tôi lại bị ba chồng nghe thấy.
Ông từ cầu thang đi xuống.
Nghiêm nghị nhìn vợ:
– Thùy nói đúng đấy.
Hôm nay là giỗ anh sui, bà qua đó thắp cho anh ấy ném hương rồi trò chuyện đôi câu cho chị sui đỡ buồn.
Dẫu sao nhà bên ấy cũng có mỗi cái Thùy, giờ nó về nhà mình làm dâu, chị ấy lủi thủi 1 mình chắc là rất cô đơn.
Mẹ kế nghe lời đề nghị từ chồng thì mặt liền biến sắc.
Dẫu sao bà ấy cũng là người có tiền có của, làm sao có thể hạ mình đến ngôi nhà lụp xụp, ẩm mốc mà giới nhà giàu bọn họ ví là khu ổ chuột như nhà tôi.
Bà vội lắc đầu, nhìn về hướng ba chồng:
– Tôi không đi đâu.
Ba chồng tôi nghe vợ nói vậy, trong lòng có chút khó chịu.
Ông hắng giọng, lời nói mang vài phần quở trách:
– Sao lại không đi? Cái Thùy về làm dâu cũng được 5 năm rồi.
Lần nào đến giỗ anh nhà bà cũng chối bay chối biến.
Tôi bận việc công ty không thể đi thì bà phải thay tôi làm tròn bổn phận với dâu con chứ.
– Nhưng tôi không tới đó được.
– Bà làm sao mà không tới được?
– Tôi… Tôi…
Trong lúc mẹ chồng ngàn cân treo sợi tóc, đứa con dâu thảo của bà sao có thể làm ngơ.
Ngọc nhanh miệng nói với ba chồng tôi:
– Thưa ba.
Mẹ không đi được đâu ạ.
Dạo này sức khỏe của mẹ khá kém.
Sáng nay có hẹn với bác sĩ đến khám xem thể trạng sao rồi ấy ba.
Ba chồng hừ lạnh một tiếng:
– Hai mẹ con bà đúng là lắm lý lẽ.
Thôi thì tôi cũng chả muốn làm to chuyện, dẫu sao mẹ kế chồng ghé thăm không biết là phúc hay họa.
Vậy nên cứ để bà ấy ở nhà tận hưởng cuộc sống vương giả.
Chỉ cần bà và con dâu đừng làm khó giờ giấc của tôi là được.
– Dạ được rồi ạ.
Sức khỏe mẹ không tốt, ba cứ để mẹ ở nhà nghỉ ngơi.
Mẹ con cũng chẳng phải người hay để ý chuyện lặt vặt đâu ạ.
Con về nhà nhất định sẽ gửi lời hỏi thăm sức khỏe của gia đình mình tới mẹ con.
Chỉ xin ba mẹ cho con ở lại nhà lâu 1 chút.
Tại cũng lâu rồi con không về.
Ba chồng tôi nghe vậy, dường như đã đoán được nãy giờ vợ và con dâu thứ đã nói gì với tôi nên liền chắc nịch tuyên bố:
– Hôm nay ba đã cho con về nhà bên ấy rồi tức là con có toàn quyền quyết định.
Con cứ đi thoải mái.
Còn ai muốn nói gì thì cứ kệ họ đi.
Có ba chồng làm tấm bình phong nên hai người phụ nữ còn lại nào dám nói thêm nói bớt.
Cứ thế tôi dễ dàng bước ra khỏi nhà.
Tài xế riêng chở hai vợ chồng tôi đến nhà mẹ ruột.
Vì nhà tôi sâu hút trong con hẻm nhỏ, không có chỗ đậu xe.
Mà tôi cũng sợ lũ trẻ hàng xóm táy máy làm hỏng xe sang nhà chồng nên cho tài xế về trước rồi tự mình khệ nệ đồ đoàn về nhà.
Gia đình tôi gốc gác dưới quê.
Lên đây chả quen biết một ai.
Họ hàng ở quê cũng nghèo khổ không có điều kiện lên xuống.
Thành ra giỗ ba chỉ mẹ và tôi.
Mấy năm nay thì thêm được Vũ.
Ấy vậy mà cái niềm vui nhỏ bé cũng chẳng được trọn vẹn.
Năm nào đến giỗ ba, mẹ con tôi cũng cự cãi với nhau.
Cứ nghĩ năm nay sẽ khác vì trước đó 1 tháng, tôi đã dặn dò rồi dúi cho mẹ ít tiền để lo cho ba mâm cơm đàng hoàng.
Nhưng không ngờ, tôi vừa bước vào cổng đã nghe được tiếng chan chát của mẹ và bạn bè..
Bình luận
Bình luận
Bình luận Facebook