Ngọa Hổ Tàng Long
-
Chương 6: Cay Đắng Nhân Gian, Khóc Từ La Tiểu Hổ -xa Vời Gió Cát, Hồn Đứt Ngọc Kiều Long
Cay đắng nhân gian, khóc từ La Tiểu Hổ -Xa vời gió cát, hồn đứt Ngọc Kiều Long
Con người kỳ lạ này bên yên ngựa còn có một thanh kiếm, nước mưa theo chuôi kiếm nhỏ xuống, y đi thẳng vào thôn quay đầu nhìn hai bên. Người trong thôn có lẽ ăn cơm tối xong đã đi ngủ, vì vậy chỉ còn một ngôi nhà cửa làm bằng cành rào còn có ánh đèn như ráng chiều xuyên qua màn mưa mờ mịt.
Người ấy bèn xuống ngựa, y đi chân không chỉ buộc hài cỏ, đi dưới mưa rất tiện. Y một tay dắt ngựa, một tay đẩy cửa, cửa vừa mở ra, y không chút khách khí dắt ngựa vào trong. Viện lạc này không lớn, chỉ có hai gian nhà cỏ. Người kia dắt ngựa vào, trong phòng lại không có ai nghe thấy. Người kia bèn buông ngựa ra kéo cửa vào phòng, nguyên trong phòng ngoài nồi niêu đồ dùng linh tinh chỉ có mấy giá sách, một thư sinh đang đọc sách dưới ánh đèn, chỉ thấy miệng y mấp máy nhưng không hiểu y đọc gì. Lúc ấy thư sinh dĩ nhiên đã nhìn thấy vị khách không mời này, vội đứng dậy hỏi "Ngươi từ đâu tới ? Tại sao không gõ cửa, lại xộc vào phòng ta?". Vị khách lại giương mắt, chỉ chỉ vào miệng rồi xua xua tay biểu thi y không biết nói. Lúc ấy thư sinh rất ngạc nhiên, tự nhủ "Sao giữa lúc chiều tối trời mưa mà người câm này còn tới như vậy? ..., bèn cầm bút định viết chữ hỏi y tới làm gì. Người câm lấy trong người ra một cái bao vải nhỏ ướt sũng đặt lên bàn, mở ra, trong có mấy nén vàng, còn có một tờ giấy. Người câm chỉ vào tờ giấy, trên viết "Cảnh Lục Nương thôn Đồng Hoa huyện Tuy Giang". Thư sinh xem xong không kìm được kinh ngạc, dán mắt dò xét người câm này. Người câm lại dùng tay ra hiệu hỏi Cảnh Lục Nương đang ở đâu. Thư sinh lại viết mấy dòng hỏi người câm từ đâu tới, tìm Cảnh Lục Nương có chuyện gì ? Nhưng người câm này một chữ cũng không biết nên thư sinh đành theo y ra ngoài, thấy con ngựa, bao gói kiếm, bèn bất chấp mưa dẫn y ra cổng, chỉ gian nhà cách đó hai căn phía tây là nhà người y muốn tìm. Người câm cười chắp tay biểu thị ý cám ơn rồi dắt ngựa đi.
Thư sinh trong này rất ngạc nhiên, quay về phòng, không đọc sách nữa. Mưa đêm rất lớn, y rón rén tới trước cửa nhà Cảnh Lục Nương, đứng cách hàng rào nghe lén. Chỉ nghe bên trong rào có tiếng ngựa hí, cũng có tiếng ú ớ của người câm và tiếng cười hì hì của phụ nữ, vẫn không hiểu rõ là chuyện gì. Thư sinh vừa nghi ngờ vừa tức giận, bèn trở về nhà.
Nguyên thư sinh này tên Cao Lãng Thu, biệt hiệu Vân Nhạn, là Tú tài nhưng nhiều lần thi không đậu, hiện đã hai mươi sáu hai mươi bảy tuổi vẫn là một Sinh viên. Cha mẹ y đều đã mất, nhưng vì y thi mãi không đậu nên hủy hôn ước đã định từ nhỏ. Y có người anh ruột tên Mậu Xuân, làm chức Tri huyện nhỏ ở tỉnh Hà Nam, y chỉ một thân một mình ở đây, có hai gian nhà cỏ, không có nửa mẫu ruộng, cũng không cần làm ruộng. Y chỉ ngày ngày trong phòng viết chữ, vẽ tranh, gãy đàn, đọc sách. Sách y đọc rất phức tạp, không chỉ có cổ văn kinh sử, trên từ thiên văn địa lý, dưới tới y bốc tinh tướng y đều nghiên cứu tập luyện, lại thông hiểu binh thư, tinh thông kiếm pháp, là người nổi tiếng nhất trong thôn, ai cũng biết "Cao tú tài văn võ toàn tài". Tuy tuổi y không cao nhưng trong thôn có chuyện gì cũng đều muốn tới thỉnh giáo y, y là "Thánh nhân" trong thôn.
Đồng thời trong thôn còn có một phụ nữ ai cũng khinh rẻ nhưng ai cũng sợ hãi, thị chính là Cảnh Lục Nương, ngoại hiệu là Bích nhãn hồ ly. Cha Bích nhãn hồ ly là một tên đại đạo, ba năm trước đã bị quan bắt xử chém, chỉ còn lại một mình thị. Thị bèn đi khắp nơi, thường mấy tháng không quay về. Thị là khuê nữ, lúc ấy chưa quá hai mươi bốn hai mươi lăm tuổi, chưa lấy ai. Nhưng có Văn án tiên sinh trong huyện quen biết với thị, thường ở lại nhà thị, hai người giống như vợ chồng. Văn án tiên sinh là Phí Bá Thân, tuổi khoảng ba mươi, là bạn đồng song của Cao Lãng Thu, hơn nữa còn là bạn kết giao thi tửu.
Lúc ấy Cao Lãng Thu thấy bạn mình mấy hôm nay không tới, người đàn bà ấy lại rủ rê một người câm tới ở chung, y rất tức giận! Hôm sau trời vẫn còn mưa, Phí Bá Thân vẫn chưa từ thành về, Cao Lãng Thu cũng không dám đi tìm.
Y càng không có cớ gì đi tìm Bích nhãn hồ ly chất vấn thay bạn.
Không ngờ qua hai hôm, trời đã tạnh mưa, người câm đó công nhiên ở lại nhà Bích nhãn hồ ly. Bích nhãn hồ ly cũng công nhiên đổi đầu tóc, đổi cách ăn mặc như phụ nữ có chồng, nói với người trong thôn "Chồng ta tới rồi ! Tuy y câm nhưng y rất có tiền, năm ngoái bọn ta quen nhau ở ngoài, có bạn bè làm mai mối. Nhà y trồng rất nhiều trà, y đều bán hết tới đây sống với ta. Hiện bọn ta ít nhất cũng có mấy ngàn lượng bạc, bọn ta muốn mua đất, xây trang trại, còn muốn ẵm bồng con nhỏ!".
Người trong thôn đều cười thầm chửi thầm y thị, nhưng người câm đó lại rất tốt, ngày ngày mặc y phục giống như một thân sĩ. Tuy không biết nói nhưng gặp người già trong thôn y đều chắp tay cười chào, gặp trẻ con y rất thích xoa đầu, gặp người nghèo khổ y móc tiền ra bố thí. Hơn nữa y thường vào thành mua thuốc, chỉ thêu, vải, thức điểm tâm tặng biếu láng giềng. Mọi người đều được y chào hỏi nên không ai nói y là người xấu, đều gọi y là "Người câm tốt", khiến Bích nhãn hồ ly cũng rất an phận, vả lại thanh danh cũng dần dần phục hồi.
Sau mười ngày, chợt một hôm Phí Bá Thân tới nhà Cao Lãng Thu hỏi rõ sự tình, hậm hực nói:
"Bọn hồ ly nương đó thật không có lương tâm! Ta không bảo vệ thị ở nha môn thì thị còn có thể ở đây sao ? Thị có mấy vụ án lớn đều nằm trong tay ta, nếu ta nói toạc ra, thị sẽ bị bắt tới nha môn xử tội chết! Nay thị gọi gã câm thô lỗ từ đâu tới, lại công nhiên sống như vợ chồng với thị. Gã câm có nhiều tiền như vậy, chắc cũng là một cường đạo! Lãng Thu huynh, huynh cứ lo chuyện ra tay đánh người, đánh chết hay bị thương đều có ta!".
Cao Lãng Thu cũng tự khoe kiếm pháp cao siêu, liền xách kiếm cùng đi. Tới nhà gõ cửa vẫn không thấy mở, họ đứng ngoài hàng rào nghe ngóng thì thấy người câm đang dạy Bích nhãn hồ ly luyện võ. Người câm thân thủ mau lẹ, tay quyền như sao băng chớp xẹt. Cao Lãng Thu vừa nhìn thấy, sợ hãi vội giấu thanh kiếm sau một tảng đá, không dám theo Phí Bá Thân đi vào.
Giây lát cửa tre mở ra, Phí Bá Thân xồng xộc bước vào. Cao Lãng Thu đứng ngoài hàng rào nhìn vào, thấy người đàn bà kia như vẫn chưa quên tình cũ, nhìn Phí Bá Thân nói:
"Ngươi đừng ghen, ta lấy y chỉ vì y có tiền và ta học võ với y.
Xưa nay hai ta vui vẻ như vậy, bây giờ vẫn vui vẻ như vậy, chỉ cẩn đừng để y biết là được!". Người câm đứng bên cạnh ngẩn ra, cũng không rõ vợ y nói gì với người này. Phí Bá Thân trừng mắt hỏi:
"Gã câm này làm ghề gì? Y tên gì?
Là cô muốn lấy y hay y cậy có võ nghệ cưỡng chiếm cô?". Bích nhãn hồ ly lắc lư tấm thân cao lớn, khuôn mặt dài mỉm cười, sờ đóa hoa cài bên đầu nói:
"Đều không phải! Người câm này tên gì họ gì, ngay ta cũng không rõ. Nhưng tiếng tăm của y rất lớn, trên giang hồ không ai không biết, có nói ngươi cũng không hiểu. Nhưng ngươi cứ yên tâm, ta với y vốn không có tình cảm gì, vì năm ngoái ta tới Giang Nam thăm sư ca, quen y trên đường. Ta biết y là người nổi tiếng nhất trên giang hồ bèn làm quen với y, không ngờ y gặp ta, hỏi ta trú ở đâu, ta bèn nhờ nhà trọ viết chỗ ở cho y. Ta vốn nghĩ đường xa như vậy y quyết không thể tới, không ngờ y tới thật!". Phí Bá Thân tức giận dẫm chân nói:
"Y tới thật thì cô lấy y thật à?". Bích nhãn hồ ly cũng sa sầm mặt nói:
"Ngươi đừng trút giận với ta, ta đâu phải vợ ngươi hay người ngươi mua! Đừng nói ta lấy người câm, ta có lấy người mù ngươi cũng không quản được!". Phí Bá Thân giận run người nói bừa:
"Được, được! Đây là cô nói nhé, ta nhớ rồi, về sau đừng hối hận!". Hai người cãi nhau, người câm thấy ngứa mắt trợn mắt đá Phí Bá Thân một cước ngã lăn ra đất. Phí Bá Thân gượng ngồi dậy chửi:
"Thằng giặc câm!
Ngươi dám đánh ta à! Ta là tiên sinh của nha môn!". Ngươi câm lại không biết y nói gì, nắm một chân y ném ra ngoài, thân hình Phí Bá Thân từ trong nhà bay qua hàng rào, huỵch huỵch! "Ối chao !", xương sườn của y như gãy vụn, không bò dậy nổi nữa. Người câm bên trong đóng cửa lại, Cao Lãng Thu tới dìu bạn về nhà. Phí Bá Thân đau quá nhe cả răng ra, không ngừng chửi mắng, định về nha môn gọi sai dịch tới lập tức bắt cả người câm và tình nhân của y đi. Cao Lãng Thu xua tay nói:
"Không được! Huynh không nghe người đàn bà đó vừa nói sao? Người câm đó quả không phải là nhân vật tầm thường đâu. Huynh không biết chứ võ nghệ của y ta thấy không vừa đâu, nên huynh gọi sai dịch tới không những uổng công đi lại mà còn khiến y trút giận lên huynh, bất cứ lúc nào y cũng có thể giết huynh!". Phí Bá Thân nghe tới đó càng run cầm cập, đành cắn răng nuốt giận, quay về thành dưỡng thương. Nhưng rốt cuộc y vẫn là Văn án tiên sinh trong nha môn, quyền thế vẫn đáng sợ, vì vậy đến hôm sau Bích nhãn hồ ly Cảnh Lục Nương lại vờ vào thành mua đồ, giấu người câm đến thăm y trước. Từ đó hai người bí mật nối lại tình cũ, nhưng Phí Bá Thân cũng không dám tới thôn Đồng Hoa nữa.
Trong thôn Đồng Hoa người câm vui vẻ hưởng thụ hạnh phúc gia đình mà suốt nửa đời y chưa được hưởng. Lúc rảnh rỗi thì y truyền thụ mấy chiêu võ nghệ cho tình nhân hay dùng tay ra hiệu nói chuyện phiếm với người cùng thôn.
Y đã sớm quên sư đệ Giang Nam Hạc trên núi Cửu Hoa. Nhưng mỗi khi dạy võ cho Cảnh Lục Nương y đều thấy có một người đứng ngoài cửa lén nhìn vào, đó chính là Tú tài bản thôn. Y cũng không thèm để ý, vì chút võ nghệ dạy cho Cảnh Lục Nương này chẳng qua chỉ là một phần trăm trong võ nghệ của y. Cho dù người khác học được hết thì so với y vẫn như ếch ngồi đáy giếng, phù du lay cây, còn kém rất xa!
Cảnh Lục Nương thấy Cao Lãng Thu thường chú ý họ luyện võ, trong lòng rất bực bội nhưng cũng không tiện cản trở, vì y là "Thánh nhân" trong bản thôn và là bạn thân của Phí Bá Thân, hơn nữa biết rõ y là con mọt sách. Tuy y biết sử dụng kiếm, nhưng nếu muốn học lén võ nghệ cao thâm này cũng không dễ.
Cứ thế qua hơn một năm, người câm dần dần nghèo đi, Bích nhãn hồ ly đối xử với y cũng lạnh nhạt dần, lại vì người câm vốn rảnh rỗi thì luyện võ, nhưng chịu không nổi hơn năm mươi tuổi lại lấy vợ, vì vậy y ngày càng suy yếu, dần dần đổ bệnh. Phí Bá Thân lại thường tới trong thôn, bí mật gặp Cảnh Lục Nương bàn tính.
Một hôm, là ngày đầu xuân tháng ba, lại là một buổi chiều mưa lắc rắc, chợt trong nhà người câm vang lên tiếng khóc lóc đau thương. Cao Lãng Thu đang trong phòng một mình nghiên cứu tập luyện võ nghệ mà y học lén lâu nay, chợt nghe âm thanh kỳ dị ấy liền dừng tay bước ra đứng dưới mưa nghiêng tai lắng nghe. Chỉ nghe hai ba tiếng khóc của Cảnh Lục Nương, nhưng lập tức dừng hẳn. Cao Lãng Thu vội đi ra cổng, đi vài bước thì tới nhà Cảnh Lục Nương, đẩy cửa một cái, thấy cửa không động, y bèn thi triển võ nghệ học lén rồi luyện tập mấy ngày vừa qua, vọt qua hàng rào lướt vào phòng. Chỉ thấy người câm đã chết trên giường, thi thể trùm chăn bông lên để lộ mặt ra, nhìn vẻ mặt thê thảm có thể biết người câm chết tuy vì bệnh nhưng cũng còn có nguyên nhân khác.
Bích nhãn hồ ly tự cảm thấy học đủ võ nghệ rồi, tiền dành dụm của người câm lại đã hết sạch, y còn sống là cái đinh trong mắt, vì vậy ... trong lòng Cao Lãng Thu hiểu rõ. Bích nhãn hồ ly giả vờ khóc hai tiếng, biểu thị cho hàng xóm biết người câm người câm đã chết, thị lại đang kiểm tra cái bao mà người câm trước nay tuyệt không cho ai đụng đến. Mở bao ra xem, thị vô cùng thất vọng, thì ra hoàn toàn không có vàng bạc mà chỉ có hai quyển sách cũ nát ! Bích nhãn hồ ly không biết chữ, thị đang tức giận, bỗng Cao Lãng Thu lướt vào khiến chị giật nảy mình.
Đôi mắt của Cao Lãng Thu nhìn lên trên bìa sách, y lập tức như nhìn thấy kỳ trân dị bảo, trong lòng mừng rỡ nhưng không lộ ra mặt, chỉ cười nhạt nói:
"Không cần sợ! Ta sớm nghĩ ra Phí Bá Thân và ngươi muốn làm việc này, nhưng các ngươi đâu cần làm thế, y biết tự chết được mà. Yên tâm đi! Ta không tố cáo các ngươi, nhưng ta muốn mượn xem hai quyển sách cũ này!". Bích nhãn hồ ly cả sách cũng không biết giở ra, chỉ nói:
"Ngươi cầm đi! Thật ta cũng rất hối hận". Cao Lãng Thu cười nhạt nói:
"Ngươi hối hận cũng đã muộn, về sau hãy đề phòng bạn bè của người chết này tìm ngươi báo thù!", nói xong cầm sách đi.
Hôm sau, Bích nhãn hồ ly lo việc mai táng người câm, Phí Bá Thân cũng tới giúp đỡ. Cao Lãng Thu từ đó không ra khỏi nhà, qua hơn một tháng, trong thôn không có chuyện gì xảy ra. Cao Lãng Thu lại bán hết nhà cửa và sách vở, rời huyện Tuy Giang đi biệt tích.
Nguyên người câm để lại hai quyển sách, mỗi quyển đều tới bốn năm trăm trang, bìa sách viết "Cửu Hoa quyền kiếm toàn thư, Giang Nam Hạc viết và vẽ", bên trong tranh nhiều chữ ít. Tuy tranh vẽ đều rất đơn sơ, chữ cũng viết rất xấu, nhưng quyền, kiếm, điểm huyệt mà người già núi Hoa Sơn truyền thụ và đủ thứ loại võ nghệ xuất quỷ nhập thần đều ở trong đó. Hơn nữa vì người vẽ là Giang Nam Hạc tinh thông hết thảy, đầu óc tinh tế, vẽ quyển sách này là để người câm xem, vì vậy không chỗ nào không rõ ràng, nội công ngoại công đều đầy đủ tới nơi tới chốn. Được quyển sách này, nếu chịu bỏ công học tập, không lo không thể luyện theo.
Cao Lãng Thu vốn là người cực kỳ thông minh, lại vốn biết một ít kiếm pháp, vì vậy y được quyển sách này liền đi thẳng tới Hà Nam. Lúc bấy giờ Cao Mậu Xuân anh y đã thăng nhiệm Thông phán phủ Nhữ Nam, rất tương đắc với Tri phủ Hạ Tụng, bèn tiến cử Cao Lãng Thu làm thư biện trong nha môn. Cao Lãng Thu vốn mượn đó để ẩn thân trốn tránh Bích nhãn hồ ly tìm y đòi sách, kỳ thực y thường tìm kiếm chỗ tinh hoa trong hai quyển sách này, mỗi tối nhân lúc mọi người đã ngủ say luyện tập. Ngoài việc làm văn thư trong nha môn hàng ngày thì ngâm thơ uống rượu, người khác chỉ biết là y mê sách, nhưng không biết y đang ngấm ngầm nghiên cứu tập luyện bản lĩnh của phi hiệp.
Lúc ấy trong thành Nhữ Nam có một danh sĩ tên Dương Tiếu Trai, gia đạo giàu có, là người phong lưu phóng túng, khinh đời ngạo vật, gần bốn mươi tuổi vẫn thường lui tới đường hoa ngõ liễu. Y là bạn thân của Phủ đài Hạ đại nhân bản phủ, lại là anh em kết nghĩa với Cao Mậu Xuân, vì vậy quen Cao Lãng Thu.
Hai người thi tửu qua lại rất tương đắc, nhưng Cao Lãng Thu vẫn giấu y chuyện nghiên cứu tập luyện võ nghệ, y cũng không hề biết.
Hôm ấy là tiết Đoan ngọ tháng năm, trong nha môn nhưng việc công, Cao Lãng Thu theo ca ca y tới phủ riêng chúc tết Phủ đài đại nhân và Phủ đài phu nhân xong bèn đi ra khỏi nha môn. Lúc bấy giờ không còn sớm, trời nắng chang chang, y không kìm được ngáp một cái, vì suốt đêm qua không ngủ, đoạn "Câu hồn đoạt phách kiếm" trong sách của người câm khiến y rất mất thời gian, đến lúc ấy y vẫn chưa hiểu rõ. Y vừa đi vừa suy nghĩ, va vào người khác cũng không biết. Đang đi bỗng nghe có người gọi "Lãng Thu huynh!". Cao Lãng Thu đứng lại nhìn quanh một lúc không thấy ai quen, chợt nghe trên đầu có người nói "Mời lên lầu!". Cao Lãng Thu bây giờ mới ngẩng lên. Nguyên cạnh đó là một tửu lâu rất nhỏ, Dương Tiếu Trai đang cúi xuống lan can gọi y. Cao Lãng Thu vội vòng tay nói:
"Ồ, ta đang định đi chúc tết huynh !", rồi bước vào, nguyên dưới lầu là một con đường thông ra viện sau, ở đó dường như có rất nhiều người ở. Y vịn cái cầu thang chật hẹp đi lên, thấy trong đó mới là quầy rượu, chỉ có ba bốn chỗ ngồi, ngoài Dương Tiếu Trai không có tửu khách nào.
Cao Lãng Thu bèn vòng tay cười hỏi:
"Tiếu Trai huynh, hôm nay là tết Đoan ngọ, sao lão huynh không ở nhà uống rượu mà lại tới đây ngồi trơ trọi một mình?". Dương Tiếu Trai có vẻ ngượng ngùng không đáp, chỉ nói:
"Mời ngồi, mời ngồi, huynh ở đây cũng là một cô khách nơi chân trời, gặp ngày tết chắc có nhiều cảm khái. Nào, huynh và ta cạn một chén đã!". Cao Lãng Thu hiểu phu nhân trong nhà Dương Tiếu Trai là người rất khó ưa, vợ chồng đều gần tứ tuần mà không có con gái, phu nhân vẫn không cho phép y cưới thiếp. Hôm nay chắc lại cãi nhau nên y mới một mình tới đây uống rượu giải sầu.
Liền đó Dương Tiếu Trai lại quay lại sang chưởng quỹ nói "Hâm một hũ rượu đi !". Chưởng quỹ dạ một tiếng, quay sang một người sau rèm cửa trong quầy nói một câu. Đợi một lúc thì thấy một bàn tay ngọc nhỏ nhắn từ trong rèm cửa giơ ra, tay áo màu xanh, đưa một hũ rượu cho chưởng quỹ. Chưởng quỹ là một người thấp nhỏ khoảng năm mươi tuổi, y đem hũ rượu tới để trên bàn. Cao Lãng Thu bất giác ngẩn ra, khi chưởng quỹ đã quay đi mới hỏi nhỏ "Chủ quán rượu này có đem gia quyến theo sao?". Dương Tiếu Trai nói "Chỉ là hai vợ chồng dẫn theo một đứa con gái", đang nói chợt thấy một cô gái dưới thang đi lên, mặc quần áo mới ngày tết, vóc dáng cũng không đẹp, vội vã đi vào sau rèm cửa trong quầy dẫn ra một cô gái khác cao hơn một chút, vóc dáng cô gái này quả thật xinh đẹp, tuổi không quá mười lăm mười sáu, tóc đen mắt sáng, trên đầu cài một con hổ vàng kết bằng chỉ vàng, đây là kiểu trang điểm trong ngày Đoan ngọ, mặc quần áo màu xanh đọt chuối. Nàng nhìn Dương Tiếu Trai lúng liếng, như cười mà không phải cười, rồi theo cô gái tới tìm xuống lầu. Cao Lãng Thu mới hiểu ra, cười nói:
"Chẳng lạ gì lão huynh hôm nay vẫn tới đây, thì ra trong này không những có rượu, mà còn có mỹ nhân!". Dương Tiếu Trai nói:
"Huynh thấy trên đầu cô nương đó cài một con hổ bằng chỉ không? Lấy đó làm đề tài, chúng ta mỗi người phải làm một bài thơ, nếu không thì phạt rượu!", rồi lấy từ trong người hộp mực, giấy bút luôn mang theo ra. Uống một hớp rượu, lập tức làm ra một bài thơ, đưa cho Cao Lãng Thu xem, lại là:
Đoan ngọ nhà nhà treo lá ngải, Ta theo mái tóc ngắm giai nhân, Gió thông trăng núi không gầm thét Muốn cạnh thuyền quyên hóa cọp vằn.
Cao Lãng Thu gật gật đầu nói "Thơ hay lắm!", rồi cũng làm một bài. Hai người cao hứng uống rượu, bàn luận chuyện kim cổ. Buổi trưa Cao Lãng Thu và Dương Tiếu Trai thường gặp nhau ở tửu lâu này. Y dần dần biết cô nương của tửu lâu này tên Sảnh Cô, chưa gả chồng nhưng vì gia cảnh bần hàn nên mới giúp La Lão Thực cha nàng buôn bán ở đây. Cao Lãng Thu, Dương Tiếu Trai ngày ngày tới đây, đương nhiên dần dần đều quen biết cha con họ La. Nhưng đối với cô nương ấy Cao Lãng Thu không có ý gì, một là vì y thấy Dương Tiếu Trai đã sớm khuynh đảo vì tình, y chẳng qua chỉ là khách làm bạn, hai là vì y chỉ chuyên tâm vào hai quyển sách người câm để lại, sắc đẹp trong mắt y giống như phù vân, không thể lưu lại ấn tượng gì sâu đậm.
Nhưng hôm nay Cao Lãng Thu lại phải hẹn với Dương Tiếu Trai, xong việc nha môn lại tới tửu lâu, mới tới dưới lầu đã nghe ở trên có một tràng tiếng người huyên náo. Y vội chạy lên chỉ thấy hai đại hán đang túm La Lão Thực đánh, người vợ thì đang trong quầy kêu khóc xua tay nói:
"Đừng đánh! Đừng đánh!
Hai vị gia ...". Sảnh Cô thì nép vào người Dương Tiếu Trai, sợ hãi giống như con bướm nhỏ gặp mưa gió núp dưới lá cây, nước mắt lã chã. Dương Tiếu Trai vừa che chở người yêu vừa dẫm chân nói:
"Thật không có vương pháp gì cả !", vừa thấy Cao Lãng Thu lên lầu, y bèn nói "Lãng Thu huynh! Mau tới nha môn gọi người dẫn hai người này đi!". Cao Lãng Thu lại xua tay nói "Không cần!
Không cần!", rồi bước tới kéo hai người kia ra. Hai người quay lại định đánh y, Cao Lãng Thu bèn thi triển cách điểm huyệt học được trong sách, phóng chỉ điểm huyệt hai đại hán to khỏe như trâu ngã lăn ra sàn lầu.
Lúc bấy giờ trên phố có nhiều người nghe tiếng huyên náo chạy lên lầu xem, nhưng vừa thấy hai người kia nằm trên sàn lầu như đã chết, bèn sợ hãi ầm ầm chạy xuống. Chưởng quỹ La Lão Thực bị vỡ đầu chảy máu, ngồi ở chân tường bò dậy không nổi. Y bèn la lên:
"Trời ơi! Lát nữa người của tiêu điếm họ nhất định tới trả thù cho họ, quán rượu này của ta chắc bị phá tan mất!". Dương Tiếu Trai xua tay nói "Không hề gì! Ngươi đừng sợ, quan tư hai mặt đều có ta", rồi quay qua Cao Lãng Thu nói:
"Lãng Thu huynh ở đây bảo vệ vợ chồng y, ta đưa cô nương này tới nhà láng giềng tạm tránh cho nàng khỏi kinh sợ!". Cao Lãng Thu gật đầu nói:
"Được! Cho cô nương tạm xuống lầu tránh cũng được".
Lúc ấy Cao Lãng Thu hiên ngang đứng chặn ở thang lầu, Dương Tiếu Trai bảo vệ Sảnh Cô xuống lầu, mới xuống mấy bậc thì thấy bên ngoài có mấy đại hán xông vào. Người cầm đầu tuổi khoảng bốn mươi trở lại, tuy không cao lớn nhưng dáng vẻ rất hung dữ, ngực áo phanh ra, tay cầm cương đao, dẫn theo mấy người như định lên lầu trả thù cho hai bằng hữu của họ đã bị điểm huyệt. Y chưa thấy Dương Tiếu Trai nhưng Dương Tiếu Trai đã nhận ra y, bèn đứng lại hỏi:
"Dương lão sư! Sao mấy hôm nay không thấy?". Người họ Dương kia vừa ngẩng đầu lên, lập tức vẻ mặt giận dữ biến thành hòa hoãn, nói "Ấy, Tiếu Trai đại gia sao ở đây? Ta nghe nói có hai bằng hữu ở trên lầu bị ức hiếp!". Dương Tiếu Trai xua tay nói:
"Lão sư đừng vội, đều không phải người ngoài, vừa rồi tôi cũng không biết hai vị đó nguyên là bằng hữu của lão sư. Ta đang ở đây uống rượu, họ cũng tới đây uống rượu, nhưng vì chưởng quỹ La Lão Thực thân thiết với ta, chiêu đãi ta rất chu đáo, hơi lạnh nhạt với hai người đó một chút, họ liền nổi giận đánh La Lão Thực. Lúc ấy vừa may có người bạn ta hẹn tới, là một vị tiên sinh họ Cao trong phủ nha, y thấy hai người đánh một người liền bất bình, cho nên ...". Quay đầu thấy Cao Lãng Thu đang đứng giữa cửa cầu thang, y liền kéo xuống nói:
"Đây là Cao tiên sinh, vị này là bạn thân của ta, cũng là thầy của ta, là tiêu đầu nổi tiếng ở Hà Nam Nhữ Châu hiệp Dương Công Cửu".
Lúc ấy Cao Lãng Thu hướng xuống vòng tay, Dương Công Cửu cũng hướng lên vòng tay, y quay lại đưa cương đao cho người sau lưng, bảo họ không cần lên lầu, nói:
"Đã là người một nhà thì dễ nói chuyện rồi". Y lộc cộc lên lầu. Dương Tiếu Trai lúc này cũng hoàn toàn yên tâm, nhìn Sảnh Cô nói:
"Không phải sợ!
Vị tiểu thư này là bạn thân với ta hơn hai mươi năm", rồi lại dẫn Sảnh Cô lên lầu.
Dương Công Cửu trước tiên nhìn chưởng quỹ La Lão thực bị đánh ra sao, rồi cúi nhìn hai tiêu đầu kia đang nằm ngang nằm dọc dưới sàn. Hai người tuy không thể cử động, như bị bán thân bất toại nhưng vẫn không ngừng ngoác miệng chửi to, nhìn Dương Công Cửu nói:
"Tên chưởng quỹ đó, huynh phải báo thù cho chúng tôi, đánh chết gã mặc áo dài kia !". Dương Công Cửu lại tức giận mắng:
"Ta giúp các ngươi báo thù gì? Các ngươi lén ta tới đây gây sự, bắt nạt người làm ăn lương thiện, cũng nên để các ngươi gặp phải vị lão sư phó này giúp ta quản giáo các ngươi !". Rồi quay qua Cao Lãng Thu chắp tay nói:
"Thất kính! Thất kính! Không ngờ hôm nay lại được gặp vị lão hành gia phái Võ Đang ở đây, xin giúp huynh đệ giải khai huyệt đạo cho hai kẻ làm thuê này, huynh đệ sẽ bắt chúng tạ lỗi với huynh!". Cao Lãng Thu nghe câu này cũng rất khó xử, chỉ vì vừa rồi nhất thời tức giận chiếu theo cách trong sách điểm huyệt hai người, không ngờ điểm ngã được thật, nhưng nếu bảo giải huyệt thì y phải quay về nhà tra sách trước. Nhưng nếu trong tay đang có sách y cũng không thể nói rõ, đành trơ mặt ra chắp tay nói:
"Không hề gì, ta chẳng qua cũng chỉ chơi đùa với hai người bọn họ thôi. Nhưng họ đánh La Lão Thực quá nặng, huynh đệ giữa đường thấy chuyện bất bằng nên cho hai người bọn họ nằm nghỉ một lúc, ta ra ngoài dạo một vòng, lát nữa sẽ quay lại giải khai huyệt đạo cho họ".
Nói xong, Cao Lãng Thu quay người xuống lầu. Y vội vã về nhà, vào phòng lấy một cái rương gỗ nhỏ dưới gầm giường ra, mở khóa lấy ra hai quyển di thư của Á hiệp, lật suốt nửa ngày mới tìm được chỗ dạy cách điểm huyệt. Y miệng thì đọc, tay thì ra thế, hồi lâu mới thuộc đoạn ấy, sau đó cho sách vào rương khóa lại như cũ rồi trở lại quán rượu họ La. Chỉ thấy hai người tiêu đầu kia còn nằm trên sàn lầu, Dương Công Cửu thì đang ngồi đối diện với Dương Tiếu Trai uống rượu. Cao Lãng Thu ung dung không hấp tấp, lúc ấy thi triển cách thức vừa học thuộc giải khai huyệt đạo cho hai người kia. Lại đỡ từng người từng người dậy cười nói "Đắc tội quá !". Lúc ấy Dương Công Cửu trên mặt lộ vẻ tức giận, nhìn hai người xua tay một cái, hai người kia vừa xấu hổ vừa tức giận xuống lầu ra về.
Dương Tiếu Trai lại kéo Cao Lãng Thu ngồi vào bàn, cười nói "Lãng Thu huynh, ngươi thật là không thành thật với bạn bè, giấu giếm ta quá lâu ! Đến mãi hôm nay ta mới biết ngươi không những là một vị danh sĩ mà còn là một vị hiệp khách !". Cao Lãng Thu mỉm cườ, Dương Công Cửu khuôn mặt đỏ tía ngẩng lên nói:
"Tiêu điếm của huynh đệ ở Tín Dương, chẳng qua cũng gần đây.
Vì không có ai dẫn kiến, cũng không biết lão huynh là một vị lão hành gia phái Võ Đang, nên còn chưa bái phỏng. Hôm nay thủ hạ của ta đánh người ở đây, được huynh quản thúc cho, ta cũng không nói tới nữa. Nhưng mới rồi ta đã khẩn cầu huynh, Tiếu Trai đại gia lại nói huynh là bạn thân của y, bất kể thế nào cũng nên nể mặt nhau. Nhưng lão huynh ngươi lại không nghĩ tới chuyện giao tình, thật lòng bắt họ nằm ở đây suốt nửa ngày mới chịu giải huyệt cho họ. Ta nghĩ đây nhất định vì huynh đệ thất lễ nên bị lão huynh trách móc!". Cao Lãng Thu cũng đỏ mặt, xua tay lia lịa nói "Đừng nói thế!", Dương Tiếu Trai cũng xua xua hai tay nói:
"Xong rồi, xong rồi, uống rượu đi !". Dương Công Cửu lại lắc đầu nói:
"Nếu không phải vì huynh đệ thất lễ, vậy thì nhất định là vì ta tiếng tăm không lớn, võ nghệ kém cỏi chứ gì ? Được rồi. Ta phải lãnh giáo, sáng sớm ngày mai ngoài cửa Nam Môn, ta sẽ xin vị lão hành gia phái Võ Đang chỉ giáo.
Hẹn gặp lại !". Nói xong vòng tay đứng lên. Dương Tiếu Trai vội đuổi theo kéo y lại nói:
"Dương lão sư, cần gì phải thế !". Dương Công Cửu giật tay ra bỏ đi, gót chân nện xuống thang lầu ầm ầm.
Ở đó Cao Lãng Thu sắc mặt trắng bệch, ngồi ngẩn ra không nói gì. Dương Tiếu Trai lại xua tay nói:
"Không hề gì, y hẹn ngươi sáng sớm ngày mai tỷ võ, lúc ấy ngươi không cần tới, ta sẽ tìm y giảng hòa cho hai người là được. Mười năm trước y rất nghèo khổ, nhờ ta giúp đỡ rất nhiều, ta mời y tới nhà làm hộ viện, y mắc bệnh một năm cũng được ta sai người chăm sóc, mời thầy bốc thuốc, mới cứu được y. Về sau lúc y ra đi, ta còn tặng ba mươi lượng bạc, có giao tình như thế, ta nghĩ y không đến nỗi không nể mặt ta !". Cao Lãng Thu cười nhạt nói:
"Ta sợ gì y ? Sáng mai đánh nhau, còn chưa biết hươu chết về tay ai đâu !". Dương Tiếu Trai xua xua hai tay nói:
"Không cần, không cần, chúng ta toàn là người tư văn, không thể tranh hơn thua với người giang hồ bọn họ.
Mà nói lại thì Dương Công Cửu quả thật võ nghệ không kém, các hiệp khách nổi tiếng hiện nay như Giang Nam Hạc, Kỷ Quảng Kiệt cũng đều quen biết y!".
Cao Lãng Thu nghe câu ấy trong lòng càng sợ hãi. Lúc ấy La Lão Thực lại bảo Thiến Cô con gái y tới mời rượu hai vị lão gia. Thiến Cô đổi mặc một bộ quần áo hoa, bưng cho Tiếu Trai một chén rượu ngon. Đối diện với giai nhân, Cao Lãng Thu không kìm được hứng thơ, vuốt râu khẽ ngâm nga, nhưng trong lòng lại rối bời, y bèn ra về, trở lại nha môn ngồi ủ rủ trong phòng, vô cùng hối hận, cảm thấy hôm nay không nên sơ suất bộc lộ võ nghệ, vả lại chính mình cơ bản còn chưa đọc xong hai quyển di thư, ngày mai làm sao dám tỷ võ với một tiêu đầu nổi tiếng trên giang hồ? Cho dù ngày mai có Dương Tiếu Trai đứng giữa giảng hòa, có thể điều đình, nhưng phép điểm huyệt của mình từ đây đã nổi tiếng, trở đi biết đâu bọn Giang Nam Hạc, Kỷ Quảng Kiệt đều muốn tìm tới so tài với mình, thì làm thế nào?
Lo lắng suốt nửa đêm, bèn quyết định phải ly khai chỗ này. Lúc ấy đang đêm viết hai lá thư, một gửi cho Dương Công Cửu, hẹn y sau năm năm sẽ gặp y so tài, một gửi cho Dương Tiếu Trai, là mấy câu thơ từ biệt, ngoài việc khoe khoang so sánh mình với bậc hiệp khách, còn nói mình sẽ đi ngao du ở vùng Lỗ Đông. Còn có hai bài khác thì khuyên Dương Tiếu Trai nên sớm nạp thiếp, lại nói "Mong con cọp vằn bên mái tóc cô em kia sớm giáng lâm nhà huynh, là điềm sinh con trai". Hôm sau trời vừa sáng, y đã đưa hai lá thư cho người trong nha môn, sai đưa tới chỗ Dương lão gia, còn y thì gói ghém hành lý lên đường.
Y tới thành Kim Lăng, tìm được chỗ ngụ rồi, đổi tên thành "Vân Hạc sơn nhân", viết chữ bán tranh để sinh sống, ngấm ngầm nghiên cứu hai quyển kỳ thư. Thấm thoát qua năm năm, Cao Lãng Thu tự tin đã học được hết toàn bộ võ nghệ trong đó, bèn trở lại phủ Nhữ Nam. Trước tiên tới thăm anh ruột trong phủ nha, nguyên đến lúc ấy Phủ đài vẫn là Hạ Tụng, Cao Mậu Xuân anh y đã được thăng làm Đồng Tri phủ. Trong phủ nha lại có một vị Văn án tiên sinh vừa tới làm việc, cũng không phải ai khác, chính là Phí Bá Thân bạn thân của Cao Lãng Thu ở quê.
Nguyên vì Phí Bá Thân quen biết với Bích nhãn hồ ly ở huyện Tuy Giang, Bích nhãn hồ ly học được mấy chiêu võ nghệ của Á hiệp, trở thành nữ tặc hoành hành ở một dải sông Kim Sa, còn thỉnh thoảng bảo Phí Bá Thân tới tìm thị. Phí Bá Thân sợ gặp tai họa, lúc ấy bèn tới chỗ Cao Mậu Xuân, làm văn án trong phủ. Y là người khéo chiều chuộng biết lấy lòng, nên tới đó không đầy hai năm đã trở thành người tâm phúc của Hạ Tri phủ. Lúc ấy y vừa thấy Cao Lãng Thu tới bèn kéo Cao Lãng Thu ra một nơi vắng vẻ, thì thào nói:
"Ngươi phải cẩn thận đấy! Bích nhãn hồ ly đang tìm ngươi, nghe thị nói trước đây ngươi lừa thị lấy đi hai quyển sách, là của Á hiệp để lại. Gần đây thị mới biết hai quyển sách ấy rất đáng tiền, thị đang muốn tìm ngươi đòi lại đấy!". Cao Lãng Thu nghe xong bất giác ha hả cười nhạt. Lại tới thăm Dương Tiếu Trai, té ra Dương Tiếu Trai đã cưới Thiến Cô con gái họ La bán rượu làm thiếp, lại đã sinh được một trai một gái. Đứa con trai ba tuổi đã biết đi tên Dương Báo, đứa con gái mới một tuổi tên Lệ Anh.
Dương Tiếu Trai vừa thấy bạn tri giao lâu năm tìm tới, vô cùng vui mừng, gọi ái thiếp và con cái ra chào. Cao Lãng Thu thấy Thiên Cô phong thái vẫn như xưa, lại vì ăn mặc lộng lẫy nên mường tượng còn đẹp hơn ngày trước. Cao Lãng Thu bèn gọi là Thiến tẩu, chỉ là thấy đứa con trai tên Dương Báo đầu tròn như đầu cọp, y chợt nhớ tới chuyện cũ năm năm về trước. Bấm đốt tay tính thì còn một tháng ba ngày nữa là đến ngày Đoan ngọ tháng năm. Y nhân lúc Thiến Cô quay đi bèn hạ giọng cười cười hỏi Dương Tiếu Trai:
"Lệnh lang thiên tư rất tốt, tương lai chắc chắn không yếu ớt như các ngươi. Nhưng tại sao lại đặt tên là Báo mà không đặt là Hổ ? Chữ Hổ không phải có lai lịch hơn sao? Lão huynh còn nhớ chuyện Thiến tẩu phu nhân cài một con cọp trên tóc ngày Đoan ngọ cách đây năm năm và lá thư huynh đệ gửi lại lúc sắp lên đường không?". Dương Tiếu Trai cười nói "Chữ Hổ đã dùng rồi". Bèn hạ giọng kể với Cao Lãng Thu một hồi. Nguyên là Cao Lãng Thu đi được một năm thì Dương Tiếu Trai tuy vợ lớn ghen tuông nên không dám đón Thiến Cô về nhà nhưng đã cưới Thiến Cô làm vợ ở ngoài. Sau đó sinh được một đứa con trai, Dương Tiếu Trai bèn đặt tên là Hổ, gọi là Dương Tiểu Hổ.
Nhưng La Lão Thực tuy là một nhà bán rượu song đã sống ở Nhữ Nam lâu năm, bạn bè rất đông, con gái chưa lấy chồng đã có con nên y cũng cảm thấy mất mặt. Vả lại Dương Tiếu Trai cũng không dám thừa nhận đứa con riêng này, lại gửi Tiểu Hổ ở nhà một người chị dâu trong họ, ngấm ngầm chu cấp cho nó.
Năm nay đứa nhỏ ấy đã năm tuổi nhưng được gọi là La Tiểu Hổ chứ không phải là Dương Tiểu Hổ. Qua năm sau Dương Tiếu Trai lại đón Thiên Cô về nhà, năm ấy lại sinh một con trai, thật ra là đứa con trai thứ hai, án theo chữ Hổ mà đặt tên nên mới gọi là Dương Báo. Dương Tiếu Trai kể lại chuyện bí mật ấy cho Cao Lãng Thu nghe, rồi nói:
"Sắp tới nếu ta chết, nhờ huynh nói cho anh em chúng biết nhau, chúng quả thật là anh em ruột". Cao Lãng Thu gật đầu, lại chúc mừng Dương Tiếu Trai rồi nói:
"Lần này ta tới đây không vì chuyện gì khác, mà là để gặp lệnh đương gia tiêu đầu Dương Công Cửu, để tròn cái hẹn năm năm!". Dương Tiếu Trai xua tay nói:
"Dương Công Cửu không thể tỷ võ với ngươi nữa đâu, ba năm trước y đánh nhau với người ta trên giang hồ đã bị trọng thương, chân trái đã bị tàn phế. Năm rồi y lại tới đây đánh người bị thương, bị áp giải tới nha môn, may có ta gởi gắm Hạ phủ đài, y mới được tha".
Nói xong bèn sai đầy tớ bày tiệc, vẫn sai ái thiếp Thiến Cô của y hầu rượu.
Đang uống rượu trò chuyện vui vẻ, chợt lại có một người khách không mời tới, té ra là Phí Bá Thân.
Vì Phí Bá Thân cũng hay rượu giỏi thơ nên hơn năm nay đã trở thành bạn thân của Dương Công Cửu, ra vào trong nhà, thê thiếp của Dương Công Cửu cũng không tránh mặt. Lúc ấy Dương Tiếu Trai thấy y tới, bèn nói:
"Hay quá!
Bá Thân tới vừa đúng lúc, ngươi và Lãng Thu cũng là cố nhân". Phí Bá Thân ngoác miệng ra cười, đầu tiên y hỏi Thiến Cô:
"Sáng nay ta bảo người ta đưa điểm tâm tới, cô đã dùng chưa? Đó không phải mua ở ngoài, mà do Hạ phủ đài chính tay nấu nướng đấy!". Dương Tiếu Trai cười nói:
"Phủ đài đại nhân việc công nhàn rỗi lại biết nấu nướng, có thể nói là một viên Thái thú phong lưu vậy!
Vả lại còn đặc biệt phong lưu, cổ kim chưa từng có! Ha ha ha". Cao Lãng Thu thấy Phí Bá Thân lại nhìn Thiến Cô một cái, cũng cười cười không nói gì. Tiệc rượu vừa tan, Cao Lãng Thu cùng Dương Tiếu Trai cùng về phủ nha, ngủ chung một phòng. Đêm ấy hai người trò chuyện, Cao Lãng Thu lại biết giao tình giữa Dương Tiếu Trai và Hạ Tri phủ ngày càng thân thiết. Dương Tiếu Trai thường đưa ái thiếp tới phủ nha, vợ con đôi bên cũng thường qua lại với nhau. Đồng thời lại biết vợ lớn của họ Dương ghen tuông, con cái của Thiến Cô thường bị ngược đãi, Dương Tiếu Trai cũng không sao che chở. Cao Lãng Thu bèn hạ giọng dặn y "Dương huynh! Ngươi và ta chơi thân với nhau, ta hy vọng ngươi nhớ kỹ mấy câu này. Một là không nên đi lại quá nhiều với quan phủ, hai là không nên để Thiến Cô gặp người ngoài, ba là ngàn vạn lần không nên gần gũi Phí Bá Thân". Dương Tiếu Trai gật đầu nói:
"Đúng, đúng, ta với họ chẳng qua cũng chỉ là tùy tiện ứng thù, mà Thiến tẩu của ngươi cũng đã có mấy đứa con, ai còn muốn chiếm đoạt nữa". Cao Lãng Thu xua tay nói:
"Không phải thế, lòng người khó dò lắm!". Dương Tiếu Trai gật đầu nói:
"Đúng đúng, ta nghe lời ngươi, ta nhất định nghe lời ngươi!".
Sau đó Cao Lãng Thu lại ra đi. Y quay lại giang hồ, đi khắp nam bắc, tới đâu cũng lấy tên Vân Hạc sơn nhân vẽ tranh viết chữ để sinh nhai. Có lúc y cũng tìm ngôi chùa cổ nào đó chép kinh cho tăng nhân, ăn nhờ vài hôm, lúc rãnh rỗi lại nghiên cứu chỗ áo bí của hai quyển sách. Y cũng từng bộc lộ qua thân thủ, chế phục khá nhiều bọn hào cường trên giang hồ, giúp đỡ rất nhiều cô nhi quả phụ. Nhưng các kỳ nhân hiệp khách nổi tiếng như Giang Nam Hạc, Kỷ Quảng Kiệt, Lý Phượng Kiệt và các đạo sĩ trên núi Võ Đang thì không gặp được y, y cũng không dám công nhiên so tài với họ.
Vì lúc rảnh rỗi y nhớ tới bạn thân là Dương Tiếu Trai, lại rất không yên tâm, nên ba năm sau y lại tới Nhữ Nam. Tới đó nhìn qua, lại cảm thấy người vật đều thay đổi. Người trong phủ nha tuy không có thay đổi gì lớn, nhưng cổng ngõ nhà Dương Tiếu Trai đã tiêu điều vắng vẻ, trên cổng còn tờ thiếp tang dãi dầu mưa nắng ngã thành màu vàng! Cao Lãng Thu cả kinh, trước tiên tới hỏi anh ruột y, anh y bèn bí mật nói cho y biết:
"Ngươi không biết, bảy tám năm nay việc người thay đổi, Dương Tiếu Trai và Thiến Cô vợ y đều đã chết, một trai hai gái cũng thất tung, không biết hạ lạc ở đâu!". Cao Lãng Thu cả kinh, lại nghe anh y nói tiếp:
"Lòng ngươi đáng sợ thật, nữ sắc đúng là rước lấy tai họa! Vốn là bảy năm trước Dương Tiếu Trai yêu mến Thiến Cô con gái họ La bán rượu, đồng thời Tri phủ đại nhân bản phủ là Hạ Tụng cũng nhìn thấy Thiến Cô trong kiệu, cho là tuyệt sắc, đã muốn chiếm đoạt. Nhưng vì y là một vị Tri phủ, không thể công nhiên cưới con gái nhà dân làm thiếp, lại vì không có người tâm phúc nào lo việc cho, nên Thiến Cô kia bị Dương Công Cửu cưới mất. Nhưng Hạ Tri phủ vẫn không quên tình, đến nỗi tương tư thành bệnh, về sau Phí Bá Thân tới, y bèn mua chuộc làm tâm phúc, bảo Phí Bá Thân tìm cách cướp Thiến Cô về cho y. Thiến Cô tuy sinh ba con với họ Dương nhưng phong vận vẫn như cũ, tuy xuất thân con nhà thường dân nhưng tính tình cứng rắn. Phí Bá Thân dùng hết trăm phương ngàn kế, đầu tiên lấy lợi dụ dỗ, sau đó dùng quyền dọa dẫm, rốt lại cũng không thành công. Về sau Dương Tiếu Trai cũng biết, y bèn tuyệt giao với hai người Hạ Tụng, Phí Bá Thân. Hai người trong lòng căm hận, năm rồi bèn mượn một vụ xâm chiếm đất đai, bắt Dương Tiếu Trai hạ ngục. Rốt lại Dương Tiếu Trai là một vị danh sĩ, lại có bạn bè ở chỗ Phủ đài đại nhân trên tỉnh, nên chỉ bị giam hơn một tháng thì được tha. Dương Tiếu Trai về tới nhà lại uất ức thành bệnh, Phí Bá Thân còn mặt dày tới thăm hỏi. Y tới thăm cũng không sao, nhưng Dương Tiếu Trai lại không biết uống lầm phải thuốc gì mà bệnh luôn không dậy nổi!".
Nghe tới đó, Cao Lãng Thu tức giận dẫm chân một cái, anh y lại nói:
"Ngay đêm Dương Tiếu Trai chết, ái thiếp Thiến Cô của y cũng uống thuốc độc tự tử, nghe nói là chết theo chồng, còn để lại một trai tên Dương Báo, hai gái một tên Lệ Anh, một tên Lệ Phương, Lệ Phương mới sinh được tám tháng. Đứa con trai đã nhiều lần bị vợ lớn của Dương Tiếu Trai ngược đãi. Nhưng mùa đông năm ngoái, nhà họ Dương đột nhiên bị cướp, có năm sáu tên cường đạo trên tường nhảy xuống, cướp vàng bạc thì không nói, kỳ quái nhất là ba đứa nhỏ cũng bị bắt đi. Quan trọng hơn là mấy đêm liền trong phủ nha cũng bị trộm cướp quấy rối, may là đề phòng chặt chẽ mới không xảy ra chuyện gì".
Cao Lãng Thu hiểu rõ chuyện này nhất định là do Nhữ Nam hiệp Dương Công Cửu làm, trong lòng vô cùng khâm phục. Lại nghe anh y nói:
"Nhưng từ đó bọn gian tặc không tới nữa, ba đứa nhỏ đến nay cũng không biết ở đâu!".
Anh y nói xong, lại dặn Cao Lãng Thu không nên nói với người ngoài, lại nói:
"Tốt nhất là ngươi mau rời khỏi chỗ này, vì Phí Bá Thân hiện đang một mình nắm giữ đại quyền trong nha môn, y tuy chẳng qua chỉ là một vị Văn án tiên sinh nhưng quyền thế còn lớn hơn cả Phủ thừa là ta nữa đấy!". Cao Lãng Thu lắc đầu cười khẽ nói:
"Không hề gì, bọn tôi là bạn đồng song, tuy y biết tôi với Dương Tiếu Trai ngày trước có giao tình sâu nặng nhưng quyết y không làm gì tôi đâu!". Kế lại nói:
"Tôi tới thăm hai người quen, ngày mai sẽ đi!".
Y ra khỏi nha môn, bất giác rơi nước mắt. Tìm tới quán rượu họ La, thấy La Lão Thực và vợ còn bán rượu ở đó. Cao Lãng Thu hạ giọng hỏi chuyện vợ chồng Dương Tiếu Trai thảm tử. Vợ chồng La Lão Thực chỉ rơi nước mắt, biết chắc là con rể chết không minh bạch, con gái đại khái cũng là bị người ta bức tử. Hỏi tới nơi hạ lạc của ba đứa nhỏ, vợ chồng họ chỉ biết là bị cường đạo bắt đi, chứ không biết tên họ của bọn cường đạo và nơi hạ lạc của ba đứa nhỏ. Lại nói:
"Lúc con gái chúng tôi chưa lấy Dương lão gia, Phủ đài quả thật có sai người tới dỗ dành mấy lần, muốn mua Thiến Cô của chúng tôi vào phủ đệ làm a hoàn, lại nói sắp tới sẽ cưới làm dì thái thái. Thiến Cô lại không muốn, chúng tôi thì nghĩ gả cho Dương lão gia dù sao cũng hay hơn bán cho Hạ Phủ đài rất nhiều, nên mới ...". Nói tới đó hai vợ chồng già khóc không thành tiếng. Cao Lãng Thu lại hỏi "Vậy Tiểu Hổ đâu?". La Lão Thực nói:
"Tiểu Hổ đang chơi đùa ở hiệu quan tài ngoài phố".
Cao Lãng Thu xuống lầu, theo phố lớn đi về phía nam thì thấy một cửa hiệu bán quan tài, trước cổng có một đám trẻ con. Đám trẻ này lúc người ta có tang, cửa hiệu mua bán thì làm đội nghi trượng, lúc rảnh rỗi thì tụ tập ở đó, ngoài việc đánh bạc ăn tiền thì đánh nhau, đứa nào cũng toàn thân dơ bẩn, quần áo rách rưới như một bầy quỷ đói nhỏ. Cao Lãng Thu gọi "Đứa nào là Tiểu Hổ nhà họ La?". Có một đứa bảy tám tuổi đang gieo xúc xắc ngẩng đầu lên nói:
"Là tôi! Ông tìm tôi có chuyện gì ?". Cao Lãng Thu nhìn thấy đứa nhỏ này rất giống Dương Tiếu Trai, lại càng giống em ruột nó là Dương Báo. Cao Lãng Thu gật đầu nói:
"Ngươi lại đây! Ta muốn nói với ngươi vài câu!". La Tiểu Hổ lắc đầu nói "Không! Tôi đang đánh bạc mà!". Cao Lãng Thu móc trong người ra một nén bạc, nói:
"Ngươi qua đây, ta cho ngươi nén bạc này". La Tiểu Hổ thấy nén bạc lập tức đưa ống xúc xắc cho đứa khác, nhảy ngay qua. Bọn trẻ con ở cửa hiệu cũng xúm lại vây quanh Cao Lãng Thu. Cao Lãng Thu bèn nói:
"Các ngươi đi hết đi, ta chỉ tìm nó thôi". Lúc ấy y dắt La Tiểu Hổ về quán rượu, hỏi:
"Ngươi có biết Dương Tiếu Trai Dương đại gia không?". Tiểu Hổ nói:
"Tôi biết! Lúc Dương đại gia và vợ y chết có hai cỗ quan tài cùng khiêng ra. Chúng tôi là họ hàng, vợ y là cô tôi". Cao Lãng Thu trong lòng rất xốn xang, vợ chồng La Lão Thực bên cạnh cũng ôm mặt khóc, nhưng nhìn thái độ của họ thì dường như không muốn thừa nhận La Tiểu Hổ là con riêng của con gái với Dương Tiếu Trai. Cao Lãng Thu phẫn khái một hồi, bèn bảo đem giấy bút viết ngay một bài thơ như sau:
Trời đất tối tăm sinh tai ương, Nhà ta huynh muội quá đau thương.
Cha gặp bất hạnh mẹ tự tử, Con côi may được họ hàng thương.
Nhà ta gia thế người đều biết, Duy có anh em chẳng tỏ tường.
Tên ta là Hổ em tên Báo, Còn có em gái tên Anh Phương.
Cả nhà ly tán làm sao biết, Chỉ mượn lời ca trút oán hờn.
Hai mươi năm nữa như may gặp, Báo oán đền ơn hết vấn vương.
Viết xong, y lấy một chiếc phong bì cho vào dán kín lại đưa cho La Lão Thực, lại nói với Tiểu Hổ:
"Trong phong thư này có một bài thơ, sau mười năm nữa ngươi cứ mở ra, lúc ấy ngươi sẽ hiểu! Ngươi cứ đi khắp nơi ngâm nga, ắt có thể gặp mặt em trai em gái ngươi!". Tiểu Hổ nói:
"Tôi lấy đâu ra em trai em gái? Tôi chỉ có một mình, cha tôi làm phu khiêng quan tài!". Cao Lãng Thu cũng không nói rõ với nó, lấy ra ba mươi lượng bạc đưa La Lão Thực dặn cho La Tiểu Hổ đi học, không nên cho nó lêu lổng với đám trẻ con ngoài đường. La Lão Thực gạt lệ gật đầu, nhận lấy số bạc và phong thư, Tiểu Hổ lại lắc đầu nói:
"Tôi không đi học, tôi muốn xuống nam lên bắc, tôi muốn làm lão đạo sĩ, làm lão đạo sĩ hóa duyên khắp nơi, vào ở trong núi, thích đi đâu thì đi, tôi muốn làm anh hùng lục lâm, anh hùng lục lâm không ai dám coi thường, có rượu, có vợ, trong rương đầy vàng bạc!". Cao Lãng Thu nói:
"Sắp tới nếu ngươi muốn giao du giang hồ thì rất dễ thôi. Mười năm nữa ngươi lớn rồi, có thể tới một nơi tìm ta". Tiểu Hổ hỏi:
"Nơi nào? Xa không? Nếu gần thì tôi không đi đâu!". Cao Lãng Thu nói:
"Rất xa, đó là nơi xa nhất, gọi là Tân Cương". Tiểu Hổ cười, Cao Lãng Thu cho nó nén bạc, lại dặn dò vợ chồng La Lão Thực suốt nửa ngày rồi xuống lầu ra đi. Tiểu Hổ thì đã sớm cầm nén bạc chạy ra cửa hiệu quan tài đánh bạc rồi. Cao Lãng Thu nhìn theo bóng đứa nhỏ bất giác căm tức rơi nước mắt, vốn định tìm Phí Bá Thân đưa y vào đất chết, báo thù cho bạn cũ, trừ hại cho bản địa. Nhưng nghĩ bất kể Phí Bá Thân xấu xa thế nào cũng là bạn đồng song của mình, vả lại chẳng qua y cũng chỉ theo cọp làm ma trành, kẻ thủ ác chính là Tri phủ Hạ Tụng. Nhưng tuy mình mang một thân võ nghệ song làm gì được một vị Tri phủ đại nhân? Y lại uất ức trở về nha môn, không tới gặp Phí Bá Thân, thu dọn hành lý đi ngay trong hôm ấy.
Từ đó Cao Lãng Thu lại lưu lạc giang hồ, đi khắp nơi tìm Nhữ Châu hiệp Dương Công Cửu và anh em Dương Báo, Dương Lệ Anh, Dương Lệ Phương, định nói cho chúng biết chúng còn có một người anh ruột. Lại muốn đọc bài thơ kia cho chúng nghe để sau này anh em chúng có thể nhận ra nhau. Nhưng y đi hết bắc nam, hỏi khắp giang hồ cũng không sao tìm được Dương Công Cửu và ba anh em Dương Báo.
Bất giác đã qua mười mấy năm, lúc ấy ngoài biên nhiều việc, rất nhiều nhân tài đều nhân cơ hội xuất đầu lộ diện, ai cũng thi thố tài năng, kiến lập kỳ công.
Nhưng Cao Lãng Thu vẫn phiêu bạt giang hồ, y đi khắp nơi dâng thư tự tiến cử, nhưng rốt lại cũng không ai dùng y. Về sau y bèn tới Cửu Tư du ngoạn ở Tân Cương, lấy tên là Cao Vân Hạc, đầu thân vào mạc trướng của Lãnh đội đại thần Tân Cương Ngọc đại nhân. Tân Cương vốn là một tỉnh rộng nhất Trung Quốc, rộng bằng mấy tỉnh Trực Lệ, Sơn Đông, Hà Nam, Sơn Tây, Thiểm Tây, Giang Tô gộp lại. Dân tộc trong thành có người Hán, Mãn, Hồi, Mông Cổ, Sách Luân, Cáp Long Khắc, Đột Quyết, nhưng chính quyền đều do triều đình Đại Thanh thống quản, đặt ra chức Tướng quân và Tuần phủ, lại do Lãnh đội đại thần các doanh chia đóng ở các nơi. Chức Lãnh đội đại thần không khác Tổng trấn bao nhiêu nhưng vì là Khâm sai nên vô cùng quý hiển.
Nơi Ngọc đại nhân đóng quân gọi là huyện Thả Mạt, ngay giữa vùng Tân Cương, phía bắc giáp với sông Tháp Lý Mộc, biển Khổng Tước, phía nam là một thảo nguyên rộng vài trăm dặm, là bãi chăn súc vật của người Mông Cổ, Người Cáp Long Khắc. Phía đông có đường dịch trạm tới thẳng Dương Quan vào tỉnh Cam Túc. Phía tây là Đại Qua Bích, Qua Bích tức sa mạc, là một dải đất muôn dặm cát vàng, không có cả một cọng cỏ. Nhưng phong cảnh gần huyện Thả Mạt lại rất tươi đẹp, vùng Giang Nam nổi tiếng sơn thanh thủy tú cũng không thể sánh bằng. Ở đó có biển biếc mênh mông, có núi cao xanh thẳm, có mấy trăm khoảnh nho như tuyết đỏ rải khắp mặt đất, có cây đào cây hạnh mọc khắp đồng khắp núi cho người ta tùy thích hái quả. Còn có đàn ngựa Cáp Long Khắc, từ trên núi nhìn xuống đông như đàn ong không sao đếm được.
Cho dù người nghèo khổ nhất cũng có một hai trăm con ngựa, đó là sản nghiệp của họ. Thịt ngựa là thức ăn của họ, sữa ngựa là thức uống của họ, lông ngựa lại có thể làm được đủ thứ đồ dùng.
Cao Lãng Thu vừa tới đó đã muốn ở lại, Ngọc đại nhân lại rất thưởng thức y.
Đầu tiên sai y coi việc văn thư trong doanh, sau mời vào phủ dạy học, người y dạy là tiểu thư Kiều Long. Lúc ấy tiểu thư Kiều Long mới bảy tám tuổi, còn là một cô gái nhỏ tự nhiên, hoạt bát, xinh đẹp. Cao Lãng Thu vì là thầy dạy học nên càng tiếp xúc nhiều với Ngọc đại nhân. Ngọc đại nhân cũng thường mời y bàn bạc việc quân vụ, y lại thi triển tài năng, giúp Ngọc đại nhân lập được rất nhiều công lớn, nhưng võ nghệ của y vẫn chưa có cơ hội để bộc lộ.
Lúc ấy y đã chú ý tới cô học trò Ngọc Kiều Long, vì Ngọc Kiều Long bàn chân to, vả lại eo lưng thon, thân thể nhẹ nhàng, tay chân nhanh nhẹn, lúc bảy tám tuổi đã thích cưỡi ngựa, cứ cha mẹ thỉnh thoảng không để mắt tới thì chạy ra khỏi nhà. Thấy ngựa trong nha môn cô ta cũng bất kể là của ai, cởi dây xong là có thể nhảy phóc một cái lên ngựa, phóng ra ngoài thành chơi suốt nửa ngày, chưa thật mỏi mệt thì không về. Đầu tiên cô cũng ngã ngựa mấy lần, nhưng về sau kỵ thuật ngày càng giỏi, ngựa Y Lê nổi tiếng hung dữ cũng dám cưỡi, mà còn phóng như bay, điều khiển tùy ý, người trong nha môn và quân doanh không ai không khâm phục. Vì thế, Cao Lãng Thu đột nhiên nảy ra một ý nghĩ lạ lùng.
Hôm ấy y dạy học xong, bèn khẽ nói với Ngọc Kiều Long:
"Ngươi rất thông minh, vả lại còn hoạt bát hiếu động. Tuy là một cô gái, nhưng tương lai nếu làu thông kinh sử, hiểu biết thư họa, lại tinh thông binh pháp và quyền kiếm võ nghệ cũng có thể làm vinh dự cho gia đình, lưu lại kỳ tích ở nhân gian. Xưa nay tài nữ thì có Ban Chiêu, nữ tướng thì có Tần Lương Ngọc, nữ hiệp thì vẫn chưa có. Thật ra Hồng Tuyến, Nhiếp Ẩn Nương tuy là nữ hiệp trong tiểu thuyết hoang đường, nhưng nói cho đúng một cô gái nếu gặp được thầy giỏi dạy dỗ, chịu khổ cực học tập rèn luyện kiếm pháp và quyền thuật cũng chưa chắc không thể trở thành một vị nữ hiệp. Ta hiện muốn bỏ ra mười năm dạy văn chương, binh pháp và kiếm thuật cho ngươi, muốn gộp cả ba người Ban Chiêu, Tần Lương Ngọc, Hồng Tuyến vào một mình ngươi, cho ngươi làm một kỳ nữ tiền vô cổ nhân hậu vô lai giả, ngươi có muốn không?". Y lại nói:
"Văn chương, binh pháp ta đều có thể dạy công khai, nhưng kiếm thuật thì ngươi chỉ có thể học lén, không được cho cha mẹ ngươi biết, nếu chuyện lộ ra thì có thể ta không còn được ở đây nữa đâu". Ngọc Kiều Long là một cô gái nhỏ, nghe thầy nói thế tự nhiên mười phần mừng rỡ. Lúc ấy hàng ngày theo thầy học chữ, chỉ cần có lúc rãnh rỗi Cao Lãng Thu lại sai bọn hầu gái của tiểu thư đi chỗ khác, dạy cô học trò của mình uốn lưng, xuống tấn, phóng cước, đi quyền trong phòng. Buổi tối còn bí mật hẹn với Ngọc Kiều Long, nhân lúc bà vú của nàng đã ngủ say, gọi nàng rón rén tới hoa sảnh phía tây, hai thầy trò dùng một cành tre thay kiếm, tập luyện kiếm pháp. Không đầy hai năm, Ngọc Kiều Long đã có thể nhảy lên nóc nhà. Đến năm thứ ba, Cao Lãng Thu muốn ra ngoài, lúc lên đường y cất một cái rương gỗ vào dưới giường rồi mới đi.
Chiếc rương gỗ ấy của y khóa rất chặt, trong đó có hai quyển di thư của Á hiệp. Lần ấy Cao Lãng Thu đi Hà Nam định đưa La Tiểu Hổ lên Tân Cương, vì bấm đốt tay tính toán thì hiện La Tiểu Hổ đã hai mươi tuổi, đã trưởng thành rồi.
Tới Nhữ Nam, y gặp anh ruột là Cao Mậu Xuân rồi tới thăm vợ chồng La Lão Thực, không ngờ vợ chồng La Lão Thực đều đã mất. Y hỏi người trong họ La, thì La Tiểu Hổ cũng đã thất tung, mười năm trước bị một gã ăn mày lừa dắt đi, hiện cũng không biết lưu lạc nơi đâu. Cao Lãng Thu bất giác vô cùng hối hận, cảm thấy mười năm trước lẽ ra mình nên tới nơi này nhiều hơn, phải chiếu cố cho đứa con côi của bạn cũ nhiều hơn. Lúc ấy anh ruột của y đã lớn tuổi, vẫn còn làm Phủ thừa, có con có cháu, đã cắm rễ ở đất ấy. Tri phủ Hạ Tụng được điều tới nơi khác, Phí Bá Thân cũng đi theo y làm quan. Lúc ấy Cao Lãng Thu lại đi khắp nơi tìm kiếm La Tiểu Hổ và anh em Dương Báo, không ngờ vẫn mờ mịt không có chút tin tức.
Tốn mất nửa năm, y mới trở về Tân Cương, xem lại cái rương gỗ thấy không hề bị đụng tới, mở khóa ra thì hai quyển di thư vẫn còn trong đó. Thư pháp và quyền pháp kiếm pháp bí mật học được của cô học trò đều rất tiến bộ. Lúc ấy Cao Lãng Thu lại thay đổi chương trình cho cô học trò, hàng ngày sáng sớm học kinh sử, thi từ, binh thư, vẽ tranh, viết chữ, ban đêm từ canh ba đến canh tư thì luyện võ ở hoa sảnh phía tây, vô cùng chặt chẽ.
Mấy năm trước Ngọc Kiều Long đã qua mặt được bà vú to béo thích ngủ nướng, ngủ một giấc thì rất khó gọi dậy của nàng, lúc mười bốn tuổi bèn xin với mẹ, nói "Con rất sợ nghe người ta kêu réo, có người trong phòng thì con ngủ không được. Mẹ bảo bà vú dời phòng đi! Cho con một gian phòng, để con ngủ một mình thôi!". Ngọc phu nhân cũng thường thấy con gái ban ngày mỏi mệt ngáp dài, giống như ngủ không đầy giấc bèn ưng thuận, bảo bà vú dọn ra, sai một a hoàn tên Cán Xuân làm bạn với con gái.
Họ ở trong sương phòng trong hậu viện, chia làm hai gian, giường tiểu thư ở gian trong, giường a hoàn ở gian ngoài thì hàng đêm kéo ra. Nhưng Ngọc Kiều Long cứ bảo a hoàn kéo giường ra ngoài phòng ngủ sát vách, sau chín giờ tối thì nàng không cho a hoàn vào phòng, lại nói "Ngươi không được nói với phu nhân đấy". A hoàn dĩ không không dám không nghe, nhưng có lúc cũng lắng tai nghe trộm động tĩnh bên trong nhưng cũng không có chuyện gì. Có điều thường có tiếng mài mực, tiếng giở sách và tiếng bước chân đi lại. Cô ta nghĩ nhất định là tiểu thư muốn đọc sách viết chữ ban đêm nên mới sợ có người quấy rầy, nên cũng không nghi ngờ gì. Có điều có lúc trong phòng không có ánh đèn, nhưng lại nghe ở cửa sổ có tiếng động nhỏ rất là kỳ quái, nhưng a hoàn cũng không nghĩ tới việc trở dậy bước vào nhìn thử là chuyện gì.
Lại qua ba năm, Cao Lãng Thu lại xuất du, lúc ấy Ngọc Kiều Long đã mười bốn tuổi. Một đêm sau khi tập luyện một bộ kiếm pháp tân kỳ ở hoa sảnh phía tây, Cao Lãng Thu gọi cho Ngọc Kiều Long vào thư phòng, lấy sách che ánh đèn lại. Y ngồi trên ghế, Ngọc Kiều Long đứng trước mặt, y bèn nói:
"Từ lúc ngươi chín tuổi thì ta bắt đầu dạy võ công cho ngươi, đến nay đã năm năm, võ nghệ của ngươi có thể nói đã học xong toàn bộ, cứ luyện tập cho thuần phục kiếm pháp ta dạy ngươi hôm nay, thì ngươi có thể trở thành một nữ hiệp. Bộ kiếm pháp ta vừa dạy ngươi có tên là Cát vân toái nguyệt đoạn Côn Luân, kiếm pháp phái Võ Đang tới đó là cùng cực, trên đời này ngoài ta ra e chỉ có một mình Giang Nam Hạc là biết thôi. Có điều ngươi học được rồi thì nhất thiết không nên kiêu ngạo, biết võ nghệ chẳng qua là để đề phòng thân chứ không phải để so tài với người khác. Huống hồ trên giang hồ lại không ít kẻ gian tà, có kẻ sức khỏe hơn người, có kẻ sử dụng ám khí khiến người ta khó đề phòng.
Ngươi là một tiểu thư con nhà quan, tuổi lại quá nhỏ, đã chưa gặp đại địch, lại không biết việc đời, ngàn vạn lần không nên tự cao, tùy tiện làm điều bậy bạ, nếu không thì nếu có lỗi lầm lớn, ta cũng không thể cứu ngươi. Ngày mai ta phải đi, ở đây ta có một cái hộp gỗ trong có quyển gia phả của ta, gia thế của ta thì không muốn người ta biết nên ngươi cũng không nên xem trộm, chỉ cần giữ gìn cẩn thận giúp ta là được".
Nói xong, y viết mấy tờ giấy đóng dấu của mình dán niêm phong cái hộp. Y lén nhìn cô học trò, chỉ thấy Kiều Long gật đầu vâng dạ, hoàn toàn không hỏi trong hộp có gì, trên mặt cũng không có vẻ buồn bã hay ngạc nhiên. Cao Lãng Thu nghĩ thầm rốt lại cô ta còn nhỏ, bộ kỳ thư trong cái hộp này, mình đại khái chỉ học được sáu bảy phần, dạy cho cô ta bất quá chỉ bốn năm phần, vẫn còn giữ lại vài chiêu! Vạn nhất trong tương lai cô ta gây ra chuyện gì không thể dung tha, pháp luật không trị được thì mình vẫn có thể chế phục.
Lúc ấy Ngọc Kiều Long cầm hộp bước ra, Cao Lãng Thu cũng không yên tâm, ngấm ngầm theo sau, thấy cô học trò trở về phòng ngủ. Cao Lãng Thu bèn nhìn trộm qua song cửa sổ, chỉ thấy trong phòng ánh đèn thấp thoáng, Ngọc Kiều Long mở cửa tủ ra cho cái hộp gỗ vào, sau đó khóa tủ lại, tắt đèn đi ngủ, phảng phất như trong hộp có vật gì thì căn bản nàng cũng không để ý, chỉ là sư phụ bảo giữ thì giữ mà thôi.
Hôm sau Cao Lãng Thu rời khỏi huyện Thả Mạt, vượt qua sa mạc Bạch Long Đôi, qua Dương Quan vào tỉnh Cam Túc. Mục đích của y lần này hoàn toàn không phải là tới Hà Nam thăm anh và tìm anh em nhà họ Dương mà vì nghe người ở kinh tới nói gần đây trong kinh xuất hiện một vị thiếu niên hiệp khách tên Lý Mộ Bạch, là vai cháu của Giang Nam Hạc, đồ đệ của Kỷ Quảng Kiệt, con Lý Phượng Kiệt. Y ở kinh thành đánh bại hào kiệt bốn phương, không có ai là đối thủ, danh tiếng lẫy lừng, không ai không khâm phục.
Cao Lãng Thu nghe thế cảm thấy ngứa ngáy, nghĩ thầm "Mình có được hai quyển kỳ thư, tốn mất mười năm mà đến nay chưa từng thử qua lần nào, chẳng lẽ sắp tới mang một thân võ nghệ trong hai quyển sách ấy vào quan tài sao?
Mình cũng nên tìm nơi nào bộc lộ thân thủ, chế phục vài hảo hán có tên tuổi, có thể nhất cử thành danh cho thiên hạ biết Cao Lãng Thu, Cao Vân Hạc ta". Cho nên lần này y muốn tới thẳng Bắc Kinh gặp Lý Mộ Bạch để so tài một phen.
Không ngờ vừa tới phủ Lương Châu tỉnh Cam Túc, trời đã xế chiều, phóng ngựa tới cửa tây, đang định tìm nhà trọ, chợt nghe có người gọi "Cao Lãng Thu!", đồng thời có người níu vạt áo sau lưng. Y cả kinh quay lại nhìn, té ra là một bà già ăn mày khoảng năm mươi tuổi! Bà già ăn mày ấy nói:
"Ngươi nhận ra ta không?". Câu ấy nói bằng giọng vùng sông Kim Sa, Cao Lãng Thu lập tức phát hoảng! Bà già ăn mày lại nói:
"Hai mươi năm trước lúc gã câm chết, ngươi đã lấy hai quyển sách trong nhà ta, bây giờ nên trả lại cho ta!". Cao Lãng Thu vội nói "Đừng làm ầm lên, chúng ta tìm chỗ nói chuyện".
Lúc ấy Cao Lãng Thu lại lên ngựa ra khỏi vòm cổng phía tây, bà già ăn mày cũng theo y ra ngoài thành. Cao Lãng Thu xuống ngựa nói chuyện với bà ta dưới nắng chiều. Nguyên bà già ăn mày ấy là Bích nhãn hồ ly Cảnh Lục Nương.
Năm trước y thị vì muốn học võ nghệ mới lấy Á hiệp, về sau tự cảm thấy đã học được võ nghệ, lại ghét Á hiệp cản trở bèn cùng Phí Bá Thân bàn mưu hại chết Á hiệp. Nhưng thị cũng không lấy Phí Bá Thân, lại rời khỏi Vân Nam, đi lại ở một dải Giang Nam, vốn định thả sức hoành hành, chế phục anh hùng hào kiệt ở một dải Đại Giang, nhưng không ngờ liên tiếp đạp phải đinh. Vì lúc ấy Lý Phượng Kiệt vẫn chưa quy ẩn, Giang Nam Hạc thì lúc ra lúc vào không cho những người biết võ nghệ lộng hành ở Giang Nam. Thị lại tới Hà Bắc, nhưng hiệp khách Kỷ Quảng Kiệt ở Hà Bắc cũng không phải dễ đùa, thị cũng không thể đứng vững ở đó được. Thị chỉ còn cách lên vùng Thiểm Cam, làm áp trại phu nhân cho một tên cướp lớn có hơn hai trăm lâu la trên núi. Về sau hang ổ bị tiễu phạt, tên cướp kia bị giết, thì lại một mình hoành hành khắp nơi, cướp bóc tiền bạc, báo thù cho chồng, giết chết rất nhiều người, gây ra rất nhiều vụ án. Quan lại huyện Hội Ninh, huyện Trường Vũ, huyện Phượng Tường, Thái Châu đều sai người truy bắt, đông như sao sa, dày như lưới nhện để bắt Bích nhãn hồ ly.
Thị trốn lánh khắp nơi, bôn ba mấy năm mới tới Lương Châu, cải trang làm ăn mày, tính là tạm thời trốn tránh, không ngờ lại gặp Cao Lãng Thu ở đây.
Lúc ấy thị bám riết Cao Lãng Thu không buông ra, nói:
"Cao Tú tài giỏi thật, năm xưa ngươi lấy hai quyển sách của ta, lúc ấy ta còn chưa biết hai quyển sách ấy có tác dụng gì! Về sau ta mới nghe giang hồ đồn là Giang Nam Hạc đi khắp các tỉnh không những để tìm sư huynh y mà còn để thu hồi hai quyển sách ấy.
Hai quyển sách ấy là bảo bối của họ, bất kể người nào lấy được cũng có thể học được võ nghệ phái Võ Đang như Giang Nam Hạc! Ta không ngờ lại bị ngươi lừa, nhưng không tìm được ngươi. Trong hai mươi năm nay ta mà có được hai quyển sách ấy thì quá hay, cũng không đến nỗi bị người ta coi thường thế này".
Cao Lãng Thu cười nói:
"May là lúc đầu hai quyển sách ấy đã bị ta lấy đi, nếu không thì không rõ ngươi còn gây ra bao nhiêu chuyện xấu xa nữa!". Bích nhãn hồ ly nói:
"Ta biết trong hơn hai mươi năm nay nhất định ngươi đã học được một ít nhưng lại không đi lại trên giang hồ, thế thì cũng vô dụng. Ngươi mau trả lại cho ta là được, nếu không ta sẽ tìm Giang Nam Hạc nói với y rằng năm xưa gã câm bị ngươi hại chết, hai quyển sách đang trong tay ngươi". Cao Lãng Thu khẽ cười nhạt nói:
"Nếu Giang Nam Hạc tìm ta, thì ta lại sợ y à?". Lúc ấy Cao Lãng Thu đột nhiên ra độc thủ định giết chết Bích nhãn hồ ly trừ hại cho giang hồ, lại có thể không phải trả sách cho thị, cũng không bị cản trở. Nhưng không ngờ y vừa hạ độc thủ thì Bích nhãn hồ ly lập tức đón đỡ, lúc ấy trên bãi cát vàng ngoài đồng, dưới ánh chiều buông, hai người đánh nhau hơn mười hợp.
Quyền pháp của Bích nhãn hồ ly tuy không có chiêu số nào ghê gớm nhưng thân thủ mau lẹ, khí lực mạnh mẽ, Cao Lãng Thu tuy học được nhiều chiêu thức, nhưng tay chân chậm chạp, khí lực cũng không bằng, y bèn nói:
"Đừng đánh nữa, đừng đánh nữa! Ta trả sách lại cho ngươi là xong". Lại than thở:
"Đáng tiếc ta lấy được hai quyển sách ấy muộn mất mười năm, võ nghệ phải luyện tập căn bản ngay từ lúc nhỏ, ta lúc trung niên mới bắt đầu luyện tập, rốt lại cũng chỉ như đọc sách, không thể dùng được. Ta không đi Bắc Kinh nữa, ngươi theo ta tới Tân Cương lấy sách thôi!". Lúc ấy y và Bích nhãn hồ ly cùng về Tân Cương, bịa đặt là vợ chồng. Ngọc đại nhân và Ngọc phu nhân thấy Cao sư phụ đưa vợ tới, đương nhiên rất ưu đãi.
Bích nhãn hồ ly cũng quen cải trang, tới nha môn rồi thị ăn ở rất có quy củ, trò chuyện với Cao Lãng Thu rất ôn hòa, cử chỉ rất thân thiết, họ như một đôi vợ chồng già xa cách nhau lâu ngày. Ngọc phu nhân cắt một khu nhỏ trong viện lạc phía tây hoa sảnh, có vài gian phòng, sau phòng có hai gốc cây cao rất yên tĩnh cho họ ở. Hôm ấy tự nhiên Ngọc Kiều Long cũng tới chào sư phụ và sư nương.
Bích nhãn hồ ly lại rất để ý tới Ngọc Kiều Long, hạ giọng nói với Cao Lãng Thu:
"Nữ đệ tử của ngươi xinh đẹp thật! Ta mang nó đi nhé?". Cao Lãng Thu ngầm đánh Bích nhãn hồ ly một cái rồi bảo Ngọc Kiều Long trả lại cái hộp gỗ cho y. Y nhìn nhìn thấy tờ giấy niêm phong không hề bị bóc ra, trong lòng rất vui vẻ, biết rằng cô học trò nhỏ tuổi này quả thật trung thành có thể tin tưởng.
Tối hôm ấy Cao Lãng Thu và Bích nhãn hồ ly cùng ở trong phòng, lúc ấy đã khuya, lại đang mùa đông lạnh lẽo, bên ngoài gió thổi rất mạnh, trong phòng thắp một ngọn đuốc không sáng lắm. Hai người ngồi đối diện nhau, Cao Lãng Thu bèn gỡ tờ giấy niêm phong, mở ra cho Bích nhãn hồ ly xem, trong sách tuy có rất nhiều hình vẽ nhưng văn tự rất ít, có điều Bích nhãn hồ ly vẫn nhìn mà không hiểu, Cao Lãng Thu lại giảng giải cho thị. Sau đó y khóa chặt cái hộp, đưa Bích nhãn hồ ly ra khỏi phòng, cùng tới tiểu viện trong hoa sảnh phía tây.
Lúc ấy đã quá canh ba, trời tối om, rất ít sao, không có một ai. Trong viện lại khá rộng rãi, lúc ấy Cao Lãng Thu bèn hạ giọng nói với Bích nhãn hồ ly, cho thị biết chiêu thứ nhất là thế nào, chiêu thứ hai là thế nào. Mặt khác trong lòng y lại nghĩ thầm "Nếu đem hết võ nghệ mình học được trong sách ra dạy cho thị, tương lại mụ giặc cướp này lại càng khó chế phục!". Bích nhãn hồ ly cũng ra sức luyện tập, giả định như trước mặt có địch nhân thì dùng thủ đoạn thế nào để thủ thắng. Hai người đang nghiên cứu luyện tập ở đó, chợt gió thổi tới một làn khói dày, Cao Lãng Thu không kìm được hắt hơi mấy cái, y vội ngăn Bích nhãn hồ ly lại hạ giọng nói:
"Dừng tay lại! Có thấy khói không?". Làn khói càng lúc càng dày đặc, rõ ràng là một quầng lửa màu đỏ phát ra từ tiểu viện chỗ họ ở.
Cao Lãng Thu cả kinh vội chạy về tiểu viện, chỉ thấy trong phòng lửa cháy bừng bừng, không biết vì sao lại phát hỏa. Cao Lãng Thu xông vào màn khói dày đặc trong phòng, lấy nước trong chậu rửa mặt dập lửa, nhưng nước quá ít, lửa lại lớn, ngọn lửa lại càng bốc cao.
Lúc ấy Bích nhãn hồ ly ở ngoài kêu lớn "Cháy nhà!". Những người canh gác phát giác ra làn khói cũng khua thanh la ầm lên, người trong nha môn đều giật mình thức dậy, quân lính trong doanh cũng kéo tới, nhất tề xách nước dập lửa.
Sau nửa giờ thì dập tắt lửa, nhưng làn khói dày vẫn cuồn cuộn bốc lên, Cao Lãng Thu bị khói trong phòng hun ngất đi, nếu không có người kéo ra thì y đã chết cháy. Náo loạn ầm ĩ một lúc thì trời đã sáng. Lúc ấy kiểm điểm lại tổn thất thì gian phòng chưa bị cháy hết, nhưng toàn bộ cửa sổ đã cháy thành than, đồ dùng, chăn nệm trong phòng cũng đều thành tro. Cao Lãng Thu một tay cũng bị bỏng, nhưng y giật được một mảnh ván, trên mảnh ván còn dính tờ giấy niêm phong có con dấu của y. Cao Lãng Thu nhìn đống tro không ngừng giẫm chân than thở, cơ hồ phát khóc. Người bên cạnh đều cười nói:
"May mà không ai bị thương, tính ra cũng còn có Thần Phật phù hộ. Đây nhất định là vì Cao sư nương tới, hai vị nói chuyện quá vui vẻ mới không để ý, đại khái là ngọn đèn đổ xuống chăn nệm mới bốc cháy lên". Cao Lãng Thu nỗi khổ trong lòng không sao nói ra, Ngọc đại nhân cũng không để ý. Lại nghĩ tiền bạc của Cao Lãng Thu dành dụm được mấy năm nay đều bị cháy hết cũng rất thương y, tạm thời xây phòng khác cho vợ chồng y ở. Lại sai người tới dọn dẹp chỗ nhà bị cháy, cung cấp đồ dùng mới cho họ, vẫn cho họ ở đó, Cao Lãng Thu cứ suốt ngày than thở.
Bích nhãn hồ ly nói khẽ:
"Sách đã thành tro rồi, ngươi than thở thì được gì?
Hai mươi năm nay ngươi lại không đọc thuộc lòng hai quyển sách ấy rồi sao?
Ngươi cứ dạy ta bằng miệng bằng tay là được!". Cao Lãng Thu lại thở dài nói "Sách dày như thế, sâu sắc như thế, vả lại nhiều hình vẽ ít văn tự, ta làm sao có thể nhớ rõ tất cả? Chỉ còn cách nói cho ngươi biết những gì ta nhớ được mà thôi !", lại nói:
"Như thế cũng hay, trong sách đều là những chiêu số cao siêu của người học võ, nếu bị người tâm địa xấu xa học được thì sắp tới lại không gây ra nhiều tội ác trên đời sao? Cháy đi cũng nhẹ người. Chỉ là ta đã thu nhận đồ đệ, ta vẫn chưa dạy cô ta những chỗ thâm áo trong sách!". Bích nhãn hồ ly lại hỏi:
"Đồ đệ của ngươi ở đâu?". Cao Lãng Thu bèn bí mật cho thị biết, nói:
"Ngươi ngàn vạn lần không được nói cho người ngoài là tiểu thư Ngọc Kiều Long trong phủ này là đồ đệ của ta. Ta không những dạy kinh sử cho cô ta, mà còn ngấm ngầm dạy võ nghệ, cô ta đã học võ với ta năm năm, nhưng ta không muốn dạy thêm nữa?". Cao Lãng Thu đáp:
"Đầu tiên ta muốn dạy cô ta làm nữ hiệp, nhưng về sau ta thấy khí phái giàu sang của cô ta quá nặng. Ta lại nghĩ tương lai cô ta lớn lên nhất định phải lấy chồng nhà quan, nếu cô ta có một thân võ học, lại làm phu nhân của loại quan lại gian ác lại khiến những kẻ sĩ chân chính hành hiệp trượng nghĩa không thể thi triển tài năng, thì việc bất bình trên đời lại càng nhiều!". Bích nhãn hồ ly vì câu ấy của y lại định sắp tới nắm tiểu thư ở đây vào tay mình, dắt nàng rời nhà qua lại giang hồ, làm một cánh tay cho mình và trả thù những kẻ đối đầu dồn mình tới chỗ cùng đường.
Bích nhãn hồ ly có thâm ý như thế nên làm ra vẻ rất quy quy củ củ, đối xử với phu nhân và tiểu thư rất tốt, nhưng lại ngấm ngầm bức ép Cao Lãng Thu, bắt y nói ra chiêu số võ nghệ, thị lại muốn học những chiêu số tàn độc nhất. Cao Lãng Thu bị thị khống chế, cảm thấy không sao đối phó, đành bịa ra rất nhiều chuyện, nói những vụ án thị đã gây ra trước kia hiện vô cùng khẩn cấp, nha môn đã nhận được công văn của rất nhiều phủ huyện gửi tới, lại có rất nhiều Bổ đầu nổi tiếng đã tới Tân Cương.
Bích nhãn hồ ly nghe thế mới cảm thấy sợ hãi, Cao Lãng Thu lại thường xuyên khuyên thị nên bỏ ác làm lành, làm một người yên phận. Thị cũng cảm thấy ở đây thoải mái hơn nhiều so với việc bôn tẩu trên giang hồ nên cũng yên tâm, hàng ngày khâu vá giặt giũ, lại rất cần kiệm. Có lúc thị cũng theo Ngọc phu nhân và tiểu thư lên chùa thắp hương lạy Phật, nhiều người đều nói vị Cao sư nương này rất tốt, là một người vợ hiền. Chớp mắt đã qua hai năm, trong hai năm ấy tiểu thư Ngọc Kiều Long đã không học võ nữa, còn kinh sử thư họa nàng đã tự mình học được, không cần phải có thầy dạy.
Cao Lãng Thu ở đó chỉ hàng ngày đánh cờ vây với Ngọc đại nhân, cũng như một vị khách suông. Cao sư nương lại trở thành nửa bộc phụ, tất cả áo quần của tiểu thư đều do thị may, tuy không dám để lộ bản tướng trước mặt tiểu thư, nhưng có lúc ngấm ngầm hỏi dò "Võ nghệ của tiểu thư học được tới mức nào?".
Tiểu thư hạ giọng đáp:
"Quên hết cả rồi! Vốn là ta không muốn học những thứ ấy, nên trước kia sư phụ bảo ta học, về sau ta không thích học nửa, y cũng không muốn dạy nữa".
Năm ấy Ngọc Kiều Long đã mười sáu tuổi, dáng vẻ ung dung xinh đẹp, giống hệt thiên tiên. Mùa xuân cha nàng về kinh bệ kiến, lại vừa khéo cậu nàng là Đoan tướng quân ra làm Lãnh đội đại thần suất lãnh doanh Cáp Long Khắc tới Y Lê, sai người tới đón gia đình nàng tới Y Lê gặp nhau, lúc ấy hẹn ngày lên đường. Bích nhãn hồ ly Cao sư nương cũng tới Y Lê. Cao Lãng Thu không yên tâm, cũng định đi theo. Trước hôm lên đường một ngày, tất cả mười sáu chiếc xe, năm mươi bốn con ngựa, tám viên sai quan, bốn mươi doanh binh, trên ngựa trên xe không những chở hành lý mà còn mang theo rất nhiều lương khô và vò rượu, trong vò rượu đều là nước sạch. Vì từ đó đi về phía tây phải qua hơn hai trăm dặm sa mạc, suốt ba ngày không nhìn thấy một giọt nước, nếu không chuẩn bị trước thì toàn bộ người ngựa đều phải chết khát. Lần ấy đi từ Y Lê, ngoài Ngọc phu nhân và tiểu thư Ngọc Kiều Long còn mang theo bộc phụ a hoàn và Cao Lãng Thu, Bích nhãn hồ ly, lại có gia quyến của hai viên quan nhỏ trong nha môn, đều cùng tới Y Lê, sau đó qua đường Quy Ninh Lũng Tây.
Đại đội xe ngựa rời thành Thả Mạt đi thẳng về phía tây, tới khu phụ cận thành Thả Mạt còn có rất nhiều người Bát kỳ trong doanh Đa Sách Luân, cày cấy rất nhiều ruộng đất. Trên ruộng ngoài lúa mạch còn trồng nho, nho ở đó không dùng giá đỡ mà bò lan trên mặt đất, trải lá xanh khắp núi khắp đồng.
Cuối tháng ba gió ấm, sắc trời trong xanh, từng đám mây trắng trôi lững lờ. Xe ngựa đi về phía trước, được một ngày, trú lại một nơi giống như thị trấn. Hôm sau hai người lính mở đường ngẩng mặt nhìn trời, nhìn suốt nửa ngày rồi lắc đầu nói "Trời không tốt lắm! Tới Qua Bích nếu có bão thì không xong!". Lúc ấy có viên sai quan bẩm báo với Ngọc phu nhân. Ngọc phu nhân đã lên xe, cũng không có chủ ý, bèn nói:
"Các ngươi xem đi được thì đi, không đi được thì thôi!". Lúc ấy tiểu thư bên cạnh lại sai bộc phụ lên tiếng, nói:
"Tiểu thư nói trời tốt thế này, trên trời cả mây cũng không có, sao không đi nữa? Dừng lại ở đây để làm gì?". Lúc ấy viên sai quan bèn vội ra lệnh:
"Lên đường, đi thôi, chiều mai nhất định phải tới thành Khắc Lý Nhã bằng được".
Lúc ấy lệnh vừa truyền ra, xe lộc cộc, ngựa hí ran, bụi bặm bốc lên, đoàn xe ngựa như một con rắn dài thuận theo đường lớn đi về phía tây. Người trong quân doanh có kẻ thở dài nói:
"Tới Qua Bích gặp bão chưa quan trọng, nếu gặp phải Bán thiên vân mới là nguy hiểm!". Lúc ấy phu xe và kỵ mã đều nói về Bán thiên vân, đều có vẻ sợ sệt. Cao Lãng Thu trên xe cũng nói khẽ với Bích nhãn hồ ly:
"Bán thiên vân là tên cướp lớn vừa xuất hiện ở Tân Cương gần đây, thủ hạ có ba trăm lâu la, đều là kiện nhi trên ngựa, thường xuất hiện trên sa mạc, chúng ta phải cẩn thận!". Bích nhãn hồ ly nói:
"Ta không mang theo binh khí, làm thế nào được?". Cao Lãng Thu nói:
"Có mang theo cũng vô dụng, nếu ba trăm người của họ nhất tề xông lên thì cho dù chúng ta có võ nghệ như Giang Nam Hạc cũng vô dụng!". Bích nhãn hồ ly cấu mạnh Cao Lãng Thu một cái, nói:
"Từ nay trở đi chúng ta không được nói tới Giang Nam Hạc nữa!". Cao Lãng Thu biết Bích nhãn hồ ly rất sợ Giang Nam Hạc, vì sư huynh của Giang Nam Hạc từng chết dưới tay thị, nhưng Cao Lãng Thu lại từ Giang Nam Hạc liên tưởng tới hai quyển kỳ thư bị cháy, lại không kìm được than thở.
Lúc ấy trên xe tiểu thư Ngọc Kiều Long có bộc phụ, trước mặt có ba a hoàn, người ngồi trên càng xe tên Tú Hương. Cô ta quay lại nhìn, chỉ thấy chung quanh là một màu xanh kéo dài tới chân trời, ở đó có hàng ngàn hàng vạn bò dê, lại có nhiều phòng ốc hình tròn, bèn khẽ nói:
"Tiểu thư nhìn kìa, đó là lều của người Mông Cổ!". Bộc phụ Sử má má cũng kéo tiểu thư mặc y phục bằng đoạn màu phấn ngồi sau lưng bà ta, nói:
"Tiểu thư, mau mọp xuống cửa sổ mà xem!
Đúng là có ý tứ, giống hệt một bức tranh!". Ngọc Kiều Long lại lắc đầu nói:
"Có ý tứ gì đâu!". Nàng vươn vươn vai, cầm chiếc khăn tay trắng phủi phủi bụi đất trên tóc. Dưới đùi cảm thấy có vật gì, đó vốn là một thanh bảo kiếm của cha nàng, tên là Đoạn Nguyệt, tuy không thể chém vàng chặt sắt nhưng cũng sắc bén hơn đao kiếm bình thường rất nhiều, bấy giờ nàng lén mẹ mang lên xe.
Xe ngựa nối nhau đi, cỏ dưới đất dần dần ít đi, màu xanh bốn phía cũng dần mất đi, màu đất càng lúc càng đen, tiếng xe ngựa càng lúc càng to, vốn là đã tới sa mạc. Chỉ thấy càng đi càng hoang vu, cát dưới đất càng lúc càng to, lúc đầu còn thỉnh thoảng thấy vài đoàn người Mông Cổ cưỡi lạc đà, dần dần thì không thấy gì nữa, chỉ có cát vàng kéo dài ngàn dặm, một cọng cỏ cũng không có. Đến chỗ ấy, khiến người ta run sợ, khiến người ta tuyệt vọng, đồng thời ngựa dường như cũng đã mỏi, sai quan, quân sĩ, phu xe không ai dám cao giọng trò chuyện, chỉ im lặng đi tới. Cao Lãng Thu thò đầu ra ngoài nhìn nhìn, chỉ thấy mặt trời vàng vọt, sắc trời bốn bên đều mờ mịt, y xua xua tay nói:
"Chỉ sợ có bão. Người mở đường nhất định biết được thời tiết, mà bao nhiêu người thế này lên đường lại chỉ vì một câu nói của tiểu thư!". Y đang nói một mình như thế, chợt thấy đoàn xe đổi hướng, dường như rẽ lên phía bắc.
Hai doanh binh cưỡi ngựa dẫn đường, xe ngựa phía sau nối theo, bánh xe lăn mau, vó ngựa dồn dập như mưa rào đổ xuống, sông lớn chảy đi, một tràng âm thanh đáng sợ vang lên liên tục không tắt. Đi khoảng mười dặm thì tới một khu đất thấp. Ở đó bốn bề đều có gò cát có thể tránh gió. Lúc ấy, mười sáu chiếc xe đều quây lại như một ngôi thành nhỏ. Sai quan, doanh binh và phu xe đều nói:
"Không đi được nữa, sắp có bão rồi!". Lúc ấy tiểu thư Ngọc Kiều Long đột nhiên trên xe bước xuống, nàng nhìn nhìn sắc trời, thấy màu trời cũng tối sầm như dưới đất.
Đám xa phu đánh xe, doanh binh cho ngựa ăn, nấu nước, ăn lương khô, tuy chiếc đồng hồ vàng trong người Ngọc Kiều Long mới chỉ mười một giờ hai mươi, chưa đến giữa trưa, nhưng mọi người đều quyết định không đi nữa, có người nằm lăn ra trên mặt cát như chuẩn bị ngủ đêm ở đây. Tú Hương bưng xuống một chén trà, một tô miến gà, Ngọc Kiều Long vừa ngồi lên xe ăn được một chút chợt gió nổi lên, người phu xe vội mời tiểu thư vào trong, buông rèm kỹ rồi chui xuống núp dưới gầm xe. Lúc ấy tiếng gió vi vút vang lên, ào ào càng thổi càng mạnh, trên mui xe như có mưa rơi lộp bộp lộp bộp. Trận gió này cuốn tới vô số cát đá, thế rất mạnh mẽ, như trời long đất lở, biển lật núi dời, bốn phía tối đen, còn tối hơn cả lúc giữa khuya. Lúc ấy tất cả mọi người đều co rúm không dám động đậy, chỉ có tiếng ngựa hí khẽ vang lên trong tiếng gió cát ào ào.
Không biết qua bao lâu, gió dần dần yếu đi, mọi người cũng từ từ trở mình, trời đất dường như cũng dần dần hé mắt ra. Nhưng đột nhiên lại nghe tiếng nhiều người la lên kinh hoảng, nói:
"Bọn cường đạo tới rồi! Bán thiên vân!".
Lúc ấy một tràng tiếng vó ngựa từ xa phóng tới, như cuồng phong nổi lên lần nữa! Cao Lãng Thu vội nắm chặt thanh kiếm nhảy xuống xe, chỉ thấy cát bay mờ mắt. Y quay đầu dặn Bích nhãn hồ ly:
"Ngươi không nên xuống xe". Lúc ấy một tràng tiếng vó ngựa theo gió vang tới, chỉ nghe "A, a, giết, giết!", một tràng tiếng la thét ầm ĩ xen lẫn với tiếng rú. Cao Lãng Thu vung kiếm định xông qua đánh giết nhưng hai mắt y bị cát bay vào không mở ra được. Trước ngực lại bị vó ngựa đá một đá rất nặng, y ngã lăn ra đất. Một con ngựa vọt qua người y, y vội lăn vào gầm xe. Lúc ấy tiếng quát thét, tiếng kêu rú đã làm ù tai y, cát đá bị gió thổi đã đè lên hai chân y, trong lòng y hơi có chút cảm khái, tự nhủ "Mình cũng già rồi! Hai quyển kỳ thư ấy rơi vào tay mình thật uổng, mình bỏ phí mất hai mươi năm!". Lúc ấy tiếng vó ngựa xa dần, tiếng quát thét chém giết đã tắt, nhưng gió vẫn chưa ngừng, trong tiếng gió cát lại xen tiếng rên rỉ thê thảm.
Cao Lãng Thu bị cát vùi không đứng lên được, lại qua rất lâu gió tắt hẳn mới có người cứu Cao Lãng Thu đứng lên. Chiếc áo bào màu lam, bộ râu bạc của Cao Lãng Thu đều dính đầy cát. Y thở hổn hển, được đỡ lên xe, chỉ thấy Bích nhãn hồ ly ngồi cứng đờ trong xe như đã chết.
Lúc ấy chợt nghe đám sai quan, doanh binh hoảng sợ kêu lên:
"Tiểu thư thất tung rồi! Bị cường đạo bắt đi rồi ...". Cao Lãng Thu kinh ngạc, vội lấy lại tinh thần xuống xe bước qua xem, chỉ thấy mọi người đang bới cát, kéo lên rất nhiều xác chết mất tay cụt chân, lại có cả ngựa bị thương và người bị thương đang rên rỉ. Nhưng sai quan kiểm điểm lại nhân số thì chỉ có hai doanh binh bị chết, bốn người bị thương, cường đạo lại chết hơn ba mươi người, bị thương tám người.
Cao Lãng Thu bất giác càng kinh ngạc, lúc ấy chợt nghe tiếng khóc của lão má trên xe tiểu thư, nói:
"Ta cũng không biết tiểu thư đi ra ngoài thế nào! Tiểu thư còn có một thanh bảo kiếm trên xe, cũng không còn nữa! .... Mới rồi ta cũng sợ tới mức ngất đi, cũng không biết cường đạo nào bắt tiểu thư đi !". Ngọc phu nhân và đám a hoàn cũng khóc lóc trên xe, mấy người sai quan vội suất lãnh đám doanh binh cưỡi ngựa chia nhau đi tìm tung tích tiểu thư.
Lúc ấy Cao Lãng Thu ngẩn ra, nghĩ tới nghĩ lui, trong lòng y đã hoàn toàn hiểu rõ. Từ lần trong phòng phát hỏa cháy mất hai quyển sách tới việc thất tung của Ngọc Kiều Long hiện tại ... Y đầu tiên không kìm được đắc ý cười một tiếng, lại thở dài một tiếng, ngã vật xuống xe, hạ giọng nói với Bích nhãn hồ ly:
"Không cần tới Y Lê, ngươi phải chạy mau đi! Nếu không ắt ngươi gặp cái họa sát thân đấy. Vì lúc đầu ta đã làm sai, ta đã nuôi dưỡng một con độc long trên đời!".
Giữa trận bão cát, lúc giặc tới cướp, tiểu thư Ngọc Kiều Long đột nhiên thất tung. Thật ra lúc ấy bọn cướp đang nhao nháo tháo chạy, vị tiểu thư này đội khăn trắng, mặc áo màu ngân sắc, quần màu thủy lam, đoạt được một con ngựa cao lớn màu đỏ như lửa, cầm thanh kiếm Đoạn Nguyệt đang ráo riết truy sát bọn cướp trên sa mạc.
Bọn cướp kia đều là bộ hạ của tên đại đạo Bán thiên vân, người nào cũng kiêu hãnh tuyệt luân, họ ở giữa gió cát lại như nghê kình giữa biển, ruổi rong qua lại, ngựa khỏe đao dài, nhưng hơn năm mươi người mà không địch nổi một vị tiểu thư, bị Ngọc Kiều Long đánh giết tới mức người này vừa đứng lên người kia lại ngã ngựa. Có người cả người lẫn ngựa đều bị chém chết, có người rơi xuống còn ngựa phóng đi, núp dưới đống cát mới thoát chết.
Con người kỳ lạ này bên yên ngựa còn có một thanh kiếm, nước mưa theo chuôi kiếm nhỏ xuống, y đi thẳng vào thôn quay đầu nhìn hai bên. Người trong thôn có lẽ ăn cơm tối xong đã đi ngủ, vì vậy chỉ còn một ngôi nhà cửa làm bằng cành rào còn có ánh đèn như ráng chiều xuyên qua màn mưa mờ mịt.
Người ấy bèn xuống ngựa, y đi chân không chỉ buộc hài cỏ, đi dưới mưa rất tiện. Y một tay dắt ngựa, một tay đẩy cửa, cửa vừa mở ra, y không chút khách khí dắt ngựa vào trong. Viện lạc này không lớn, chỉ có hai gian nhà cỏ. Người kia dắt ngựa vào, trong phòng lại không có ai nghe thấy. Người kia bèn buông ngựa ra kéo cửa vào phòng, nguyên trong phòng ngoài nồi niêu đồ dùng linh tinh chỉ có mấy giá sách, một thư sinh đang đọc sách dưới ánh đèn, chỉ thấy miệng y mấp máy nhưng không hiểu y đọc gì. Lúc ấy thư sinh dĩ nhiên đã nhìn thấy vị khách không mời này, vội đứng dậy hỏi "Ngươi từ đâu tới ? Tại sao không gõ cửa, lại xộc vào phòng ta?". Vị khách lại giương mắt, chỉ chỉ vào miệng rồi xua xua tay biểu thi y không biết nói. Lúc ấy thư sinh rất ngạc nhiên, tự nhủ "Sao giữa lúc chiều tối trời mưa mà người câm này còn tới như vậy? ..., bèn cầm bút định viết chữ hỏi y tới làm gì. Người câm lấy trong người ra một cái bao vải nhỏ ướt sũng đặt lên bàn, mở ra, trong có mấy nén vàng, còn có một tờ giấy. Người câm chỉ vào tờ giấy, trên viết "Cảnh Lục Nương thôn Đồng Hoa huyện Tuy Giang". Thư sinh xem xong không kìm được kinh ngạc, dán mắt dò xét người câm này. Người câm lại dùng tay ra hiệu hỏi Cảnh Lục Nương đang ở đâu. Thư sinh lại viết mấy dòng hỏi người câm từ đâu tới, tìm Cảnh Lục Nương có chuyện gì ? Nhưng người câm này một chữ cũng không biết nên thư sinh đành theo y ra ngoài, thấy con ngựa, bao gói kiếm, bèn bất chấp mưa dẫn y ra cổng, chỉ gian nhà cách đó hai căn phía tây là nhà người y muốn tìm. Người câm cười chắp tay biểu thị ý cám ơn rồi dắt ngựa đi.
Thư sinh trong này rất ngạc nhiên, quay về phòng, không đọc sách nữa. Mưa đêm rất lớn, y rón rén tới trước cửa nhà Cảnh Lục Nương, đứng cách hàng rào nghe lén. Chỉ nghe bên trong rào có tiếng ngựa hí, cũng có tiếng ú ớ của người câm và tiếng cười hì hì của phụ nữ, vẫn không hiểu rõ là chuyện gì. Thư sinh vừa nghi ngờ vừa tức giận, bèn trở về nhà.
Nguyên thư sinh này tên Cao Lãng Thu, biệt hiệu Vân Nhạn, là Tú tài nhưng nhiều lần thi không đậu, hiện đã hai mươi sáu hai mươi bảy tuổi vẫn là một Sinh viên. Cha mẹ y đều đã mất, nhưng vì y thi mãi không đậu nên hủy hôn ước đã định từ nhỏ. Y có người anh ruột tên Mậu Xuân, làm chức Tri huyện nhỏ ở tỉnh Hà Nam, y chỉ một thân một mình ở đây, có hai gian nhà cỏ, không có nửa mẫu ruộng, cũng không cần làm ruộng. Y chỉ ngày ngày trong phòng viết chữ, vẽ tranh, gãy đàn, đọc sách. Sách y đọc rất phức tạp, không chỉ có cổ văn kinh sử, trên từ thiên văn địa lý, dưới tới y bốc tinh tướng y đều nghiên cứu tập luyện, lại thông hiểu binh thư, tinh thông kiếm pháp, là người nổi tiếng nhất trong thôn, ai cũng biết "Cao tú tài văn võ toàn tài". Tuy tuổi y không cao nhưng trong thôn có chuyện gì cũng đều muốn tới thỉnh giáo y, y là "Thánh nhân" trong thôn.
Đồng thời trong thôn còn có một phụ nữ ai cũng khinh rẻ nhưng ai cũng sợ hãi, thị chính là Cảnh Lục Nương, ngoại hiệu là Bích nhãn hồ ly. Cha Bích nhãn hồ ly là một tên đại đạo, ba năm trước đã bị quan bắt xử chém, chỉ còn lại một mình thị. Thị bèn đi khắp nơi, thường mấy tháng không quay về. Thị là khuê nữ, lúc ấy chưa quá hai mươi bốn hai mươi lăm tuổi, chưa lấy ai. Nhưng có Văn án tiên sinh trong huyện quen biết với thị, thường ở lại nhà thị, hai người giống như vợ chồng. Văn án tiên sinh là Phí Bá Thân, tuổi khoảng ba mươi, là bạn đồng song của Cao Lãng Thu, hơn nữa còn là bạn kết giao thi tửu.
Lúc ấy Cao Lãng Thu thấy bạn mình mấy hôm nay không tới, người đàn bà ấy lại rủ rê một người câm tới ở chung, y rất tức giận! Hôm sau trời vẫn còn mưa, Phí Bá Thân vẫn chưa từ thành về, Cao Lãng Thu cũng không dám đi tìm.
Y càng không có cớ gì đi tìm Bích nhãn hồ ly chất vấn thay bạn.
Không ngờ qua hai hôm, trời đã tạnh mưa, người câm đó công nhiên ở lại nhà Bích nhãn hồ ly. Bích nhãn hồ ly cũng công nhiên đổi đầu tóc, đổi cách ăn mặc như phụ nữ có chồng, nói với người trong thôn "Chồng ta tới rồi ! Tuy y câm nhưng y rất có tiền, năm ngoái bọn ta quen nhau ở ngoài, có bạn bè làm mai mối. Nhà y trồng rất nhiều trà, y đều bán hết tới đây sống với ta. Hiện bọn ta ít nhất cũng có mấy ngàn lượng bạc, bọn ta muốn mua đất, xây trang trại, còn muốn ẵm bồng con nhỏ!".
Người trong thôn đều cười thầm chửi thầm y thị, nhưng người câm đó lại rất tốt, ngày ngày mặc y phục giống như một thân sĩ. Tuy không biết nói nhưng gặp người già trong thôn y đều chắp tay cười chào, gặp trẻ con y rất thích xoa đầu, gặp người nghèo khổ y móc tiền ra bố thí. Hơn nữa y thường vào thành mua thuốc, chỉ thêu, vải, thức điểm tâm tặng biếu láng giềng. Mọi người đều được y chào hỏi nên không ai nói y là người xấu, đều gọi y là "Người câm tốt", khiến Bích nhãn hồ ly cũng rất an phận, vả lại thanh danh cũng dần dần phục hồi.
Sau mười ngày, chợt một hôm Phí Bá Thân tới nhà Cao Lãng Thu hỏi rõ sự tình, hậm hực nói:
"Bọn hồ ly nương đó thật không có lương tâm! Ta không bảo vệ thị ở nha môn thì thị còn có thể ở đây sao ? Thị có mấy vụ án lớn đều nằm trong tay ta, nếu ta nói toạc ra, thị sẽ bị bắt tới nha môn xử tội chết! Nay thị gọi gã câm thô lỗ từ đâu tới, lại công nhiên sống như vợ chồng với thị. Gã câm có nhiều tiền như vậy, chắc cũng là một cường đạo! Lãng Thu huynh, huynh cứ lo chuyện ra tay đánh người, đánh chết hay bị thương đều có ta!".
Cao Lãng Thu cũng tự khoe kiếm pháp cao siêu, liền xách kiếm cùng đi. Tới nhà gõ cửa vẫn không thấy mở, họ đứng ngoài hàng rào nghe ngóng thì thấy người câm đang dạy Bích nhãn hồ ly luyện võ. Người câm thân thủ mau lẹ, tay quyền như sao băng chớp xẹt. Cao Lãng Thu vừa nhìn thấy, sợ hãi vội giấu thanh kiếm sau một tảng đá, không dám theo Phí Bá Thân đi vào.
Giây lát cửa tre mở ra, Phí Bá Thân xồng xộc bước vào. Cao Lãng Thu đứng ngoài hàng rào nhìn vào, thấy người đàn bà kia như vẫn chưa quên tình cũ, nhìn Phí Bá Thân nói:
"Ngươi đừng ghen, ta lấy y chỉ vì y có tiền và ta học võ với y.
Xưa nay hai ta vui vẻ như vậy, bây giờ vẫn vui vẻ như vậy, chỉ cẩn đừng để y biết là được!". Người câm đứng bên cạnh ngẩn ra, cũng không rõ vợ y nói gì với người này. Phí Bá Thân trừng mắt hỏi:
"Gã câm này làm ghề gì? Y tên gì?
Là cô muốn lấy y hay y cậy có võ nghệ cưỡng chiếm cô?". Bích nhãn hồ ly lắc lư tấm thân cao lớn, khuôn mặt dài mỉm cười, sờ đóa hoa cài bên đầu nói:
"Đều không phải! Người câm này tên gì họ gì, ngay ta cũng không rõ. Nhưng tiếng tăm của y rất lớn, trên giang hồ không ai không biết, có nói ngươi cũng không hiểu. Nhưng ngươi cứ yên tâm, ta với y vốn không có tình cảm gì, vì năm ngoái ta tới Giang Nam thăm sư ca, quen y trên đường. Ta biết y là người nổi tiếng nhất trên giang hồ bèn làm quen với y, không ngờ y gặp ta, hỏi ta trú ở đâu, ta bèn nhờ nhà trọ viết chỗ ở cho y. Ta vốn nghĩ đường xa như vậy y quyết không thể tới, không ngờ y tới thật!". Phí Bá Thân tức giận dẫm chân nói:
"Y tới thật thì cô lấy y thật à?". Bích nhãn hồ ly cũng sa sầm mặt nói:
"Ngươi đừng trút giận với ta, ta đâu phải vợ ngươi hay người ngươi mua! Đừng nói ta lấy người câm, ta có lấy người mù ngươi cũng không quản được!". Phí Bá Thân giận run người nói bừa:
"Được, được! Đây là cô nói nhé, ta nhớ rồi, về sau đừng hối hận!". Hai người cãi nhau, người câm thấy ngứa mắt trợn mắt đá Phí Bá Thân một cước ngã lăn ra đất. Phí Bá Thân gượng ngồi dậy chửi:
"Thằng giặc câm!
Ngươi dám đánh ta à! Ta là tiên sinh của nha môn!". Ngươi câm lại không biết y nói gì, nắm một chân y ném ra ngoài, thân hình Phí Bá Thân từ trong nhà bay qua hàng rào, huỵch huỵch! "Ối chao !", xương sườn của y như gãy vụn, không bò dậy nổi nữa. Người câm bên trong đóng cửa lại, Cao Lãng Thu tới dìu bạn về nhà. Phí Bá Thân đau quá nhe cả răng ra, không ngừng chửi mắng, định về nha môn gọi sai dịch tới lập tức bắt cả người câm và tình nhân của y đi. Cao Lãng Thu xua tay nói:
"Không được! Huynh không nghe người đàn bà đó vừa nói sao? Người câm đó quả không phải là nhân vật tầm thường đâu. Huynh không biết chứ võ nghệ của y ta thấy không vừa đâu, nên huynh gọi sai dịch tới không những uổng công đi lại mà còn khiến y trút giận lên huynh, bất cứ lúc nào y cũng có thể giết huynh!". Phí Bá Thân nghe tới đó càng run cầm cập, đành cắn răng nuốt giận, quay về thành dưỡng thương. Nhưng rốt cuộc y vẫn là Văn án tiên sinh trong nha môn, quyền thế vẫn đáng sợ, vì vậy đến hôm sau Bích nhãn hồ ly Cảnh Lục Nương lại vờ vào thành mua đồ, giấu người câm đến thăm y trước. Từ đó hai người bí mật nối lại tình cũ, nhưng Phí Bá Thân cũng không dám tới thôn Đồng Hoa nữa.
Trong thôn Đồng Hoa người câm vui vẻ hưởng thụ hạnh phúc gia đình mà suốt nửa đời y chưa được hưởng. Lúc rảnh rỗi thì y truyền thụ mấy chiêu võ nghệ cho tình nhân hay dùng tay ra hiệu nói chuyện phiếm với người cùng thôn.
Y đã sớm quên sư đệ Giang Nam Hạc trên núi Cửu Hoa. Nhưng mỗi khi dạy võ cho Cảnh Lục Nương y đều thấy có một người đứng ngoài cửa lén nhìn vào, đó chính là Tú tài bản thôn. Y cũng không thèm để ý, vì chút võ nghệ dạy cho Cảnh Lục Nương này chẳng qua chỉ là một phần trăm trong võ nghệ của y. Cho dù người khác học được hết thì so với y vẫn như ếch ngồi đáy giếng, phù du lay cây, còn kém rất xa!
Cảnh Lục Nương thấy Cao Lãng Thu thường chú ý họ luyện võ, trong lòng rất bực bội nhưng cũng không tiện cản trở, vì y là "Thánh nhân" trong bản thôn và là bạn thân của Phí Bá Thân, hơn nữa biết rõ y là con mọt sách. Tuy y biết sử dụng kiếm, nhưng nếu muốn học lén võ nghệ cao thâm này cũng không dễ.
Cứ thế qua hơn một năm, người câm dần dần nghèo đi, Bích nhãn hồ ly đối xử với y cũng lạnh nhạt dần, lại vì người câm vốn rảnh rỗi thì luyện võ, nhưng chịu không nổi hơn năm mươi tuổi lại lấy vợ, vì vậy y ngày càng suy yếu, dần dần đổ bệnh. Phí Bá Thân lại thường tới trong thôn, bí mật gặp Cảnh Lục Nương bàn tính.
Một hôm, là ngày đầu xuân tháng ba, lại là một buổi chiều mưa lắc rắc, chợt trong nhà người câm vang lên tiếng khóc lóc đau thương. Cao Lãng Thu đang trong phòng một mình nghiên cứu tập luyện võ nghệ mà y học lén lâu nay, chợt nghe âm thanh kỳ dị ấy liền dừng tay bước ra đứng dưới mưa nghiêng tai lắng nghe. Chỉ nghe hai ba tiếng khóc của Cảnh Lục Nương, nhưng lập tức dừng hẳn. Cao Lãng Thu vội đi ra cổng, đi vài bước thì tới nhà Cảnh Lục Nương, đẩy cửa một cái, thấy cửa không động, y bèn thi triển võ nghệ học lén rồi luyện tập mấy ngày vừa qua, vọt qua hàng rào lướt vào phòng. Chỉ thấy người câm đã chết trên giường, thi thể trùm chăn bông lên để lộ mặt ra, nhìn vẻ mặt thê thảm có thể biết người câm chết tuy vì bệnh nhưng cũng còn có nguyên nhân khác.
Bích nhãn hồ ly tự cảm thấy học đủ võ nghệ rồi, tiền dành dụm của người câm lại đã hết sạch, y còn sống là cái đinh trong mắt, vì vậy ... trong lòng Cao Lãng Thu hiểu rõ. Bích nhãn hồ ly giả vờ khóc hai tiếng, biểu thị cho hàng xóm biết người câm người câm đã chết, thị lại đang kiểm tra cái bao mà người câm trước nay tuyệt không cho ai đụng đến. Mở bao ra xem, thị vô cùng thất vọng, thì ra hoàn toàn không có vàng bạc mà chỉ có hai quyển sách cũ nát ! Bích nhãn hồ ly không biết chữ, thị đang tức giận, bỗng Cao Lãng Thu lướt vào khiến chị giật nảy mình.
Đôi mắt của Cao Lãng Thu nhìn lên trên bìa sách, y lập tức như nhìn thấy kỳ trân dị bảo, trong lòng mừng rỡ nhưng không lộ ra mặt, chỉ cười nhạt nói:
"Không cần sợ! Ta sớm nghĩ ra Phí Bá Thân và ngươi muốn làm việc này, nhưng các ngươi đâu cần làm thế, y biết tự chết được mà. Yên tâm đi! Ta không tố cáo các ngươi, nhưng ta muốn mượn xem hai quyển sách cũ này!". Bích nhãn hồ ly cả sách cũng không biết giở ra, chỉ nói:
"Ngươi cầm đi! Thật ta cũng rất hối hận". Cao Lãng Thu cười nhạt nói:
"Ngươi hối hận cũng đã muộn, về sau hãy đề phòng bạn bè của người chết này tìm ngươi báo thù!", nói xong cầm sách đi.
Hôm sau, Bích nhãn hồ ly lo việc mai táng người câm, Phí Bá Thân cũng tới giúp đỡ. Cao Lãng Thu từ đó không ra khỏi nhà, qua hơn một tháng, trong thôn không có chuyện gì xảy ra. Cao Lãng Thu lại bán hết nhà cửa và sách vở, rời huyện Tuy Giang đi biệt tích.
Nguyên người câm để lại hai quyển sách, mỗi quyển đều tới bốn năm trăm trang, bìa sách viết "Cửu Hoa quyền kiếm toàn thư, Giang Nam Hạc viết và vẽ", bên trong tranh nhiều chữ ít. Tuy tranh vẽ đều rất đơn sơ, chữ cũng viết rất xấu, nhưng quyền, kiếm, điểm huyệt mà người già núi Hoa Sơn truyền thụ và đủ thứ loại võ nghệ xuất quỷ nhập thần đều ở trong đó. Hơn nữa vì người vẽ là Giang Nam Hạc tinh thông hết thảy, đầu óc tinh tế, vẽ quyển sách này là để người câm xem, vì vậy không chỗ nào không rõ ràng, nội công ngoại công đều đầy đủ tới nơi tới chốn. Được quyển sách này, nếu chịu bỏ công học tập, không lo không thể luyện theo.
Cao Lãng Thu vốn là người cực kỳ thông minh, lại vốn biết một ít kiếm pháp, vì vậy y được quyển sách này liền đi thẳng tới Hà Nam. Lúc bấy giờ Cao Mậu Xuân anh y đã thăng nhiệm Thông phán phủ Nhữ Nam, rất tương đắc với Tri phủ Hạ Tụng, bèn tiến cử Cao Lãng Thu làm thư biện trong nha môn. Cao Lãng Thu vốn mượn đó để ẩn thân trốn tránh Bích nhãn hồ ly tìm y đòi sách, kỳ thực y thường tìm kiếm chỗ tinh hoa trong hai quyển sách này, mỗi tối nhân lúc mọi người đã ngủ say luyện tập. Ngoài việc làm văn thư trong nha môn hàng ngày thì ngâm thơ uống rượu, người khác chỉ biết là y mê sách, nhưng không biết y đang ngấm ngầm nghiên cứu tập luyện bản lĩnh của phi hiệp.
Lúc ấy trong thành Nhữ Nam có một danh sĩ tên Dương Tiếu Trai, gia đạo giàu có, là người phong lưu phóng túng, khinh đời ngạo vật, gần bốn mươi tuổi vẫn thường lui tới đường hoa ngõ liễu. Y là bạn thân của Phủ đài Hạ đại nhân bản phủ, lại là anh em kết nghĩa với Cao Mậu Xuân, vì vậy quen Cao Lãng Thu.
Hai người thi tửu qua lại rất tương đắc, nhưng Cao Lãng Thu vẫn giấu y chuyện nghiên cứu tập luyện võ nghệ, y cũng không hề biết.
Hôm ấy là tiết Đoan ngọ tháng năm, trong nha môn nhưng việc công, Cao Lãng Thu theo ca ca y tới phủ riêng chúc tết Phủ đài đại nhân và Phủ đài phu nhân xong bèn đi ra khỏi nha môn. Lúc bấy giờ không còn sớm, trời nắng chang chang, y không kìm được ngáp một cái, vì suốt đêm qua không ngủ, đoạn "Câu hồn đoạt phách kiếm" trong sách của người câm khiến y rất mất thời gian, đến lúc ấy y vẫn chưa hiểu rõ. Y vừa đi vừa suy nghĩ, va vào người khác cũng không biết. Đang đi bỗng nghe có người gọi "Lãng Thu huynh!". Cao Lãng Thu đứng lại nhìn quanh một lúc không thấy ai quen, chợt nghe trên đầu có người nói "Mời lên lầu!". Cao Lãng Thu bây giờ mới ngẩng lên. Nguyên cạnh đó là một tửu lâu rất nhỏ, Dương Tiếu Trai đang cúi xuống lan can gọi y. Cao Lãng Thu vội vòng tay nói:
"Ồ, ta đang định đi chúc tết huynh !", rồi bước vào, nguyên dưới lầu là một con đường thông ra viện sau, ở đó dường như có rất nhiều người ở. Y vịn cái cầu thang chật hẹp đi lên, thấy trong đó mới là quầy rượu, chỉ có ba bốn chỗ ngồi, ngoài Dương Tiếu Trai không có tửu khách nào.
Cao Lãng Thu bèn vòng tay cười hỏi:
"Tiếu Trai huynh, hôm nay là tết Đoan ngọ, sao lão huynh không ở nhà uống rượu mà lại tới đây ngồi trơ trọi một mình?". Dương Tiếu Trai có vẻ ngượng ngùng không đáp, chỉ nói:
"Mời ngồi, mời ngồi, huynh ở đây cũng là một cô khách nơi chân trời, gặp ngày tết chắc có nhiều cảm khái. Nào, huynh và ta cạn một chén đã!". Cao Lãng Thu hiểu phu nhân trong nhà Dương Tiếu Trai là người rất khó ưa, vợ chồng đều gần tứ tuần mà không có con gái, phu nhân vẫn không cho phép y cưới thiếp. Hôm nay chắc lại cãi nhau nên y mới một mình tới đây uống rượu giải sầu.
Liền đó Dương Tiếu Trai lại quay lại sang chưởng quỹ nói "Hâm một hũ rượu đi !". Chưởng quỹ dạ một tiếng, quay sang một người sau rèm cửa trong quầy nói một câu. Đợi một lúc thì thấy một bàn tay ngọc nhỏ nhắn từ trong rèm cửa giơ ra, tay áo màu xanh, đưa một hũ rượu cho chưởng quỹ. Chưởng quỹ là một người thấp nhỏ khoảng năm mươi tuổi, y đem hũ rượu tới để trên bàn. Cao Lãng Thu bất giác ngẩn ra, khi chưởng quỹ đã quay đi mới hỏi nhỏ "Chủ quán rượu này có đem gia quyến theo sao?". Dương Tiếu Trai nói "Chỉ là hai vợ chồng dẫn theo một đứa con gái", đang nói chợt thấy một cô gái dưới thang đi lên, mặc quần áo mới ngày tết, vóc dáng cũng không đẹp, vội vã đi vào sau rèm cửa trong quầy dẫn ra một cô gái khác cao hơn một chút, vóc dáng cô gái này quả thật xinh đẹp, tuổi không quá mười lăm mười sáu, tóc đen mắt sáng, trên đầu cài một con hổ vàng kết bằng chỉ vàng, đây là kiểu trang điểm trong ngày Đoan ngọ, mặc quần áo màu xanh đọt chuối. Nàng nhìn Dương Tiếu Trai lúng liếng, như cười mà không phải cười, rồi theo cô gái tới tìm xuống lầu. Cao Lãng Thu mới hiểu ra, cười nói:
"Chẳng lạ gì lão huynh hôm nay vẫn tới đây, thì ra trong này không những có rượu, mà còn có mỹ nhân!". Dương Tiếu Trai nói:
"Huynh thấy trên đầu cô nương đó cài một con hổ bằng chỉ không? Lấy đó làm đề tài, chúng ta mỗi người phải làm một bài thơ, nếu không thì phạt rượu!", rồi lấy từ trong người hộp mực, giấy bút luôn mang theo ra. Uống một hớp rượu, lập tức làm ra một bài thơ, đưa cho Cao Lãng Thu xem, lại là:
Đoan ngọ nhà nhà treo lá ngải, Ta theo mái tóc ngắm giai nhân, Gió thông trăng núi không gầm thét Muốn cạnh thuyền quyên hóa cọp vằn.
Cao Lãng Thu gật gật đầu nói "Thơ hay lắm!", rồi cũng làm một bài. Hai người cao hứng uống rượu, bàn luận chuyện kim cổ. Buổi trưa Cao Lãng Thu và Dương Tiếu Trai thường gặp nhau ở tửu lâu này. Y dần dần biết cô nương của tửu lâu này tên Sảnh Cô, chưa gả chồng nhưng vì gia cảnh bần hàn nên mới giúp La Lão Thực cha nàng buôn bán ở đây. Cao Lãng Thu, Dương Tiếu Trai ngày ngày tới đây, đương nhiên dần dần đều quen biết cha con họ La. Nhưng đối với cô nương ấy Cao Lãng Thu không có ý gì, một là vì y thấy Dương Tiếu Trai đã sớm khuynh đảo vì tình, y chẳng qua chỉ là khách làm bạn, hai là vì y chỉ chuyên tâm vào hai quyển sách người câm để lại, sắc đẹp trong mắt y giống như phù vân, không thể lưu lại ấn tượng gì sâu đậm.
Nhưng hôm nay Cao Lãng Thu lại phải hẹn với Dương Tiếu Trai, xong việc nha môn lại tới tửu lâu, mới tới dưới lầu đã nghe ở trên có một tràng tiếng người huyên náo. Y vội chạy lên chỉ thấy hai đại hán đang túm La Lão Thực đánh, người vợ thì đang trong quầy kêu khóc xua tay nói:
"Đừng đánh! Đừng đánh!
Hai vị gia ...". Sảnh Cô thì nép vào người Dương Tiếu Trai, sợ hãi giống như con bướm nhỏ gặp mưa gió núp dưới lá cây, nước mắt lã chã. Dương Tiếu Trai vừa che chở người yêu vừa dẫm chân nói:
"Thật không có vương pháp gì cả !", vừa thấy Cao Lãng Thu lên lầu, y bèn nói "Lãng Thu huynh! Mau tới nha môn gọi người dẫn hai người này đi!". Cao Lãng Thu lại xua tay nói "Không cần!
Không cần!", rồi bước tới kéo hai người kia ra. Hai người quay lại định đánh y, Cao Lãng Thu bèn thi triển cách điểm huyệt học được trong sách, phóng chỉ điểm huyệt hai đại hán to khỏe như trâu ngã lăn ra sàn lầu.
Lúc bấy giờ trên phố có nhiều người nghe tiếng huyên náo chạy lên lầu xem, nhưng vừa thấy hai người kia nằm trên sàn lầu như đã chết, bèn sợ hãi ầm ầm chạy xuống. Chưởng quỹ La Lão Thực bị vỡ đầu chảy máu, ngồi ở chân tường bò dậy không nổi. Y bèn la lên:
"Trời ơi! Lát nữa người của tiêu điếm họ nhất định tới trả thù cho họ, quán rượu này của ta chắc bị phá tan mất!". Dương Tiếu Trai xua tay nói "Không hề gì! Ngươi đừng sợ, quan tư hai mặt đều có ta", rồi quay qua Cao Lãng Thu nói:
"Lãng Thu huynh ở đây bảo vệ vợ chồng y, ta đưa cô nương này tới nhà láng giềng tạm tránh cho nàng khỏi kinh sợ!". Cao Lãng Thu gật đầu nói:
"Được! Cho cô nương tạm xuống lầu tránh cũng được".
Lúc ấy Cao Lãng Thu hiên ngang đứng chặn ở thang lầu, Dương Tiếu Trai bảo vệ Sảnh Cô xuống lầu, mới xuống mấy bậc thì thấy bên ngoài có mấy đại hán xông vào. Người cầm đầu tuổi khoảng bốn mươi trở lại, tuy không cao lớn nhưng dáng vẻ rất hung dữ, ngực áo phanh ra, tay cầm cương đao, dẫn theo mấy người như định lên lầu trả thù cho hai bằng hữu của họ đã bị điểm huyệt. Y chưa thấy Dương Tiếu Trai nhưng Dương Tiếu Trai đã nhận ra y, bèn đứng lại hỏi:
"Dương lão sư! Sao mấy hôm nay không thấy?". Người họ Dương kia vừa ngẩng đầu lên, lập tức vẻ mặt giận dữ biến thành hòa hoãn, nói "Ấy, Tiếu Trai đại gia sao ở đây? Ta nghe nói có hai bằng hữu ở trên lầu bị ức hiếp!". Dương Tiếu Trai xua tay nói:
"Lão sư đừng vội, đều không phải người ngoài, vừa rồi tôi cũng không biết hai vị đó nguyên là bằng hữu của lão sư. Ta đang ở đây uống rượu, họ cũng tới đây uống rượu, nhưng vì chưởng quỹ La Lão Thực thân thiết với ta, chiêu đãi ta rất chu đáo, hơi lạnh nhạt với hai người đó một chút, họ liền nổi giận đánh La Lão Thực. Lúc ấy vừa may có người bạn ta hẹn tới, là một vị tiên sinh họ Cao trong phủ nha, y thấy hai người đánh một người liền bất bình, cho nên ...". Quay đầu thấy Cao Lãng Thu đang đứng giữa cửa cầu thang, y liền kéo xuống nói:
"Đây là Cao tiên sinh, vị này là bạn thân của ta, cũng là thầy của ta, là tiêu đầu nổi tiếng ở Hà Nam Nhữ Châu hiệp Dương Công Cửu".
Lúc ấy Cao Lãng Thu hướng xuống vòng tay, Dương Công Cửu cũng hướng lên vòng tay, y quay lại đưa cương đao cho người sau lưng, bảo họ không cần lên lầu, nói:
"Đã là người một nhà thì dễ nói chuyện rồi". Y lộc cộc lên lầu. Dương Tiếu Trai lúc này cũng hoàn toàn yên tâm, nhìn Sảnh Cô nói:
"Không phải sợ!
Vị tiểu thư này là bạn thân với ta hơn hai mươi năm", rồi lại dẫn Sảnh Cô lên lầu.
Dương Công Cửu trước tiên nhìn chưởng quỹ La Lão thực bị đánh ra sao, rồi cúi nhìn hai tiêu đầu kia đang nằm ngang nằm dọc dưới sàn. Hai người tuy không thể cử động, như bị bán thân bất toại nhưng vẫn không ngừng ngoác miệng chửi to, nhìn Dương Công Cửu nói:
"Tên chưởng quỹ đó, huynh phải báo thù cho chúng tôi, đánh chết gã mặc áo dài kia !". Dương Công Cửu lại tức giận mắng:
"Ta giúp các ngươi báo thù gì? Các ngươi lén ta tới đây gây sự, bắt nạt người làm ăn lương thiện, cũng nên để các ngươi gặp phải vị lão sư phó này giúp ta quản giáo các ngươi !". Rồi quay qua Cao Lãng Thu chắp tay nói:
"Thất kính! Thất kính! Không ngờ hôm nay lại được gặp vị lão hành gia phái Võ Đang ở đây, xin giúp huynh đệ giải khai huyệt đạo cho hai kẻ làm thuê này, huynh đệ sẽ bắt chúng tạ lỗi với huynh!". Cao Lãng Thu nghe câu này cũng rất khó xử, chỉ vì vừa rồi nhất thời tức giận chiếu theo cách trong sách điểm huyệt hai người, không ngờ điểm ngã được thật, nhưng nếu bảo giải huyệt thì y phải quay về nhà tra sách trước. Nhưng nếu trong tay đang có sách y cũng không thể nói rõ, đành trơ mặt ra chắp tay nói:
"Không hề gì, ta chẳng qua cũng chỉ chơi đùa với hai người bọn họ thôi. Nhưng họ đánh La Lão Thực quá nặng, huynh đệ giữa đường thấy chuyện bất bằng nên cho hai người bọn họ nằm nghỉ một lúc, ta ra ngoài dạo một vòng, lát nữa sẽ quay lại giải khai huyệt đạo cho họ".
Nói xong, Cao Lãng Thu quay người xuống lầu. Y vội vã về nhà, vào phòng lấy một cái rương gỗ nhỏ dưới gầm giường ra, mở khóa lấy ra hai quyển di thư của Á hiệp, lật suốt nửa ngày mới tìm được chỗ dạy cách điểm huyệt. Y miệng thì đọc, tay thì ra thế, hồi lâu mới thuộc đoạn ấy, sau đó cho sách vào rương khóa lại như cũ rồi trở lại quán rượu họ La. Chỉ thấy hai người tiêu đầu kia còn nằm trên sàn lầu, Dương Công Cửu thì đang ngồi đối diện với Dương Tiếu Trai uống rượu. Cao Lãng Thu ung dung không hấp tấp, lúc ấy thi triển cách thức vừa học thuộc giải khai huyệt đạo cho hai người kia. Lại đỡ từng người từng người dậy cười nói "Đắc tội quá !". Lúc ấy Dương Công Cửu trên mặt lộ vẻ tức giận, nhìn hai người xua tay một cái, hai người kia vừa xấu hổ vừa tức giận xuống lầu ra về.
Dương Tiếu Trai lại kéo Cao Lãng Thu ngồi vào bàn, cười nói "Lãng Thu huynh, ngươi thật là không thành thật với bạn bè, giấu giếm ta quá lâu ! Đến mãi hôm nay ta mới biết ngươi không những là một vị danh sĩ mà còn là một vị hiệp khách !". Cao Lãng Thu mỉm cườ, Dương Công Cửu khuôn mặt đỏ tía ngẩng lên nói:
"Tiêu điếm của huynh đệ ở Tín Dương, chẳng qua cũng gần đây.
Vì không có ai dẫn kiến, cũng không biết lão huynh là một vị lão hành gia phái Võ Đang, nên còn chưa bái phỏng. Hôm nay thủ hạ của ta đánh người ở đây, được huynh quản thúc cho, ta cũng không nói tới nữa. Nhưng mới rồi ta đã khẩn cầu huynh, Tiếu Trai đại gia lại nói huynh là bạn thân của y, bất kể thế nào cũng nên nể mặt nhau. Nhưng lão huynh ngươi lại không nghĩ tới chuyện giao tình, thật lòng bắt họ nằm ở đây suốt nửa ngày mới chịu giải huyệt cho họ. Ta nghĩ đây nhất định vì huynh đệ thất lễ nên bị lão huynh trách móc!". Cao Lãng Thu cũng đỏ mặt, xua tay lia lịa nói "Đừng nói thế!", Dương Tiếu Trai cũng xua xua hai tay nói:
"Xong rồi, xong rồi, uống rượu đi !". Dương Công Cửu lại lắc đầu nói:
"Nếu không phải vì huynh đệ thất lễ, vậy thì nhất định là vì ta tiếng tăm không lớn, võ nghệ kém cỏi chứ gì ? Được rồi. Ta phải lãnh giáo, sáng sớm ngày mai ngoài cửa Nam Môn, ta sẽ xin vị lão hành gia phái Võ Đang chỉ giáo.
Hẹn gặp lại !". Nói xong vòng tay đứng lên. Dương Tiếu Trai vội đuổi theo kéo y lại nói:
"Dương lão sư, cần gì phải thế !". Dương Công Cửu giật tay ra bỏ đi, gót chân nện xuống thang lầu ầm ầm.
Ở đó Cao Lãng Thu sắc mặt trắng bệch, ngồi ngẩn ra không nói gì. Dương Tiếu Trai lại xua tay nói:
"Không hề gì, y hẹn ngươi sáng sớm ngày mai tỷ võ, lúc ấy ngươi không cần tới, ta sẽ tìm y giảng hòa cho hai người là được. Mười năm trước y rất nghèo khổ, nhờ ta giúp đỡ rất nhiều, ta mời y tới nhà làm hộ viện, y mắc bệnh một năm cũng được ta sai người chăm sóc, mời thầy bốc thuốc, mới cứu được y. Về sau lúc y ra đi, ta còn tặng ba mươi lượng bạc, có giao tình như thế, ta nghĩ y không đến nỗi không nể mặt ta !". Cao Lãng Thu cười nhạt nói:
"Ta sợ gì y ? Sáng mai đánh nhau, còn chưa biết hươu chết về tay ai đâu !". Dương Tiếu Trai xua xua hai tay nói:
"Không cần, không cần, chúng ta toàn là người tư văn, không thể tranh hơn thua với người giang hồ bọn họ.
Mà nói lại thì Dương Công Cửu quả thật võ nghệ không kém, các hiệp khách nổi tiếng hiện nay như Giang Nam Hạc, Kỷ Quảng Kiệt cũng đều quen biết y!".
Cao Lãng Thu nghe câu ấy trong lòng càng sợ hãi. Lúc ấy La Lão Thực lại bảo Thiến Cô con gái y tới mời rượu hai vị lão gia. Thiến Cô đổi mặc một bộ quần áo hoa, bưng cho Tiếu Trai một chén rượu ngon. Đối diện với giai nhân, Cao Lãng Thu không kìm được hứng thơ, vuốt râu khẽ ngâm nga, nhưng trong lòng lại rối bời, y bèn ra về, trở lại nha môn ngồi ủ rủ trong phòng, vô cùng hối hận, cảm thấy hôm nay không nên sơ suất bộc lộ võ nghệ, vả lại chính mình cơ bản còn chưa đọc xong hai quyển di thư, ngày mai làm sao dám tỷ võ với một tiêu đầu nổi tiếng trên giang hồ? Cho dù ngày mai có Dương Tiếu Trai đứng giữa giảng hòa, có thể điều đình, nhưng phép điểm huyệt của mình từ đây đã nổi tiếng, trở đi biết đâu bọn Giang Nam Hạc, Kỷ Quảng Kiệt đều muốn tìm tới so tài với mình, thì làm thế nào?
Lo lắng suốt nửa đêm, bèn quyết định phải ly khai chỗ này. Lúc ấy đang đêm viết hai lá thư, một gửi cho Dương Công Cửu, hẹn y sau năm năm sẽ gặp y so tài, một gửi cho Dương Tiếu Trai, là mấy câu thơ từ biệt, ngoài việc khoe khoang so sánh mình với bậc hiệp khách, còn nói mình sẽ đi ngao du ở vùng Lỗ Đông. Còn có hai bài khác thì khuyên Dương Tiếu Trai nên sớm nạp thiếp, lại nói "Mong con cọp vằn bên mái tóc cô em kia sớm giáng lâm nhà huynh, là điềm sinh con trai". Hôm sau trời vừa sáng, y đã đưa hai lá thư cho người trong nha môn, sai đưa tới chỗ Dương lão gia, còn y thì gói ghém hành lý lên đường.
Y tới thành Kim Lăng, tìm được chỗ ngụ rồi, đổi tên thành "Vân Hạc sơn nhân", viết chữ bán tranh để sinh sống, ngấm ngầm nghiên cứu hai quyển kỳ thư. Thấm thoát qua năm năm, Cao Lãng Thu tự tin đã học được hết toàn bộ võ nghệ trong đó, bèn trở lại phủ Nhữ Nam. Trước tiên tới thăm anh ruột trong phủ nha, nguyên đến lúc ấy Phủ đài vẫn là Hạ Tụng, Cao Mậu Xuân anh y đã được thăng làm Đồng Tri phủ. Trong phủ nha lại có một vị Văn án tiên sinh vừa tới làm việc, cũng không phải ai khác, chính là Phí Bá Thân bạn thân của Cao Lãng Thu ở quê.
Nguyên vì Phí Bá Thân quen biết với Bích nhãn hồ ly ở huyện Tuy Giang, Bích nhãn hồ ly học được mấy chiêu võ nghệ của Á hiệp, trở thành nữ tặc hoành hành ở một dải sông Kim Sa, còn thỉnh thoảng bảo Phí Bá Thân tới tìm thị. Phí Bá Thân sợ gặp tai họa, lúc ấy bèn tới chỗ Cao Mậu Xuân, làm văn án trong phủ. Y là người khéo chiều chuộng biết lấy lòng, nên tới đó không đầy hai năm đã trở thành người tâm phúc của Hạ Tri phủ. Lúc ấy y vừa thấy Cao Lãng Thu tới bèn kéo Cao Lãng Thu ra một nơi vắng vẻ, thì thào nói:
"Ngươi phải cẩn thận đấy! Bích nhãn hồ ly đang tìm ngươi, nghe thị nói trước đây ngươi lừa thị lấy đi hai quyển sách, là của Á hiệp để lại. Gần đây thị mới biết hai quyển sách ấy rất đáng tiền, thị đang muốn tìm ngươi đòi lại đấy!". Cao Lãng Thu nghe xong bất giác ha hả cười nhạt. Lại tới thăm Dương Tiếu Trai, té ra Dương Tiếu Trai đã cưới Thiến Cô con gái họ La bán rượu làm thiếp, lại đã sinh được một trai một gái. Đứa con trai ba tuổi đã biết đi tên Dương Báo, đứa con gái mới một tuổi tên Lệ Anh.
Dương Tiếu Trai vừa thấy bạn tri giao lâu năm tìm tới, vô cùng vui mừng, gọi ái thiếp và con cái ra chào. Cao Lãng Thu thấy Thiên Cô phong thái vẫn như xưa, lại vì ăn mặc lộng lẫy nên mường tượng còn đẹp hơn ngày trước. Cao Lãng Thu bèn gọi là Thiến tẩu, chỉ là thấy đứa con trai tên Dương Báo đầu tròn như đầu cọp, y chợt nhớ tới chuyện cũ năm năm về trước. Bấm đốt tay tính thì còn một tháng ba ngày nữa là đến ngày Đoan ngọ tháng năm. Y nhân lúc Thiến Cô quay đi bèn hạ giọng cười cười hỏi Dương Tiếu Trai:
"Lệnh lang thiên tư rất tốt, tương lai chắc chắn không yếu ớt như các ngươi. Nhưng tại sao lại đặt tên là Báo mà không đặt là Hổ ? Chữ Hổ không phải có lai lịch hơn sao? Lão huynh còn nhớ chuyện Thiến tẩu phu nhân cài một con cọp trên tóc ngày Đoan ngọ cách đây năm năm và lá thư huynh đệ gửi lại lúc sắp lên đường không?". Dương Tiếu Trai cười nói "Chữ Hổ đã dùng rồi". Bèn hạ giọng kể với Cao Lãng Thu một hồi. Nguyên là Cao Lãng Thu đi được một năm thì Dương Tiếu Trai tuy vợ lớn ghen tuông nên không dám đón Thiến Cô về nhà nhưng đã cưới Thiến Cô làm vợ ở ngoài. Sau đó sinh được một đứa con trai, Dương Tiếu Trai bèn đặt tên là Hổ, gọi là Dương Tiểu Hổ.
Nhưng La Lão Thực tuy là một nhà bán rượu song đã sống ở Nhữ Nam lâu năm, bạn bè rất đông, con gái chưa lấy chồng đã có con nên y cũng cảm thấy mất mặt. Vả lại Dương Tiếu Trai cũng không dám thừa nhận đứa con riêng này, lại gửi Tiểu Hổ ở nhà một người chị dâu trong họ, ngấm ngầm chu cấp cho nó.
Năm nay đứa nhỏ ấy đã năm tuổi nhưng được gọi là La Tiểu Hổ chứ không phải là Dương Tiểu Hổ. Qua năm sau Dương Tiếu Trai lại đón Thiên Cô về nhà, năm ấy lại sinh một con trai, thật ra là đứa con trai thứ hai, án theo chữ Hổ mà đặt tên nên mới gọi là Dương Báo. Dương Tiếu Trai kể lại chuyện bí mật ấy cho Cao Lãng Thu nghe, rồi nói:
"Sắp tới nếu ta chết, nhờ huynh nói cho anh em chúng biết nhau, chúng quả thật là anh em ruột". Cao Lãng Thu gật đầu, lại chúc mừng Dương Tiếu Trai rồi nói:
"Lần này ta tới đây không vì chuyện gì khác, mà là để gặp lệnh đương gia tiêu đầu Dương Công Cửu, để tròn cái hẹn năm năm!". Dương Tiếu Trai xua tay nói:
"Dương Công Cửu không thể tỷ võ với ngươi nữa đâu, ba năm trước y đánh nhau với người ta trên giang hồ đã bị trọng thương, chân trái đã bị tàn phế. Năm rồi y lại tới đây đánh người bị thương, bị áp giải tới nha môn, may có ta gởi gắm Hạ phủ đài, y mới được tha".
Nói xong bèn sai đầy tớ bày tiệc, vẫn sai ái thiếp Thiến Cô của y hầu rượu.
Đang uống rượu trò chuyện vui vẻ, chợt lại có một người khách không mời tới, té ra là Phí Bá Thân.
Vì Phí Bá Thân cũng hay rượu giỏi thơ nên hơn năm nay đã trở thành bạn thân của Dương Công Cửu, ra vào trong nhà, thê thiếp của Dương Công Cửu cũng không tránh mặt. Lúc ấy Dương Tiếu Trai thấy y tới, bèn nói:
"Hay quá!
Bá Thân tới vừa đúng lúc, ngươi và Lãng Thu cũng là cố nhân". Phí Bá Thân ngoác miệng ra cười, đầu tiên y hỏi Thiến Cô:
"Sáng nay ta bảo người ta đưa điểm tâm tới, cô đã dùng chưa? Đó không phải mua ở ngoài, mà do Hạ phủ đài chính tay nấu nướng đấy!". Dương Tiếu Trai cười nói:
"Phủ đài đại nhân việc công nhàn rỗi lại biết nấu nướng, có thể nói là một viên Thái thú phong lưu vậy!
Vả lại còn đặc biệt phong lưu, cổ kim chưa từng có! Ha ha ha". Cao Lãng Thu thấy Phí Bá Thân lại nhìn Thiến Cô một cái, cũng cười cười không nói gì. Tiệc rượu vừa tan, Cao Lãng Thu cùng Dương Tiếu Trai cùng về phủ nha, ngủ chung một phòng. Đêm ấy hai người trò chuyện, Cao Lãng Thu lại biết giao tình giữa Dương Tiếu Trai và Hạ Tri phủ ngày càng thân thiết. Dương Tiếu Trai thường đưa ái thiếp tới phủ nha, vợ con đôi bên cũng thường qua lại với nhau. Đồng thời lại biết vợ lớn của họ Dương ghen tuông, con cái của Thiến Cô thường bị ngược đãi, Dương Tiếu Trai cũng không sao che chở. Cao Lãng Thu bèn hạ giọng dặn y "Dương huynh! Ngươi và ta chơi thân với nhau, ta hy vọng ngươi nhớ kỹ mấy câu này. Một là không nên đi lại quá nhiều với quan phủ, hai là không nên để Thiến Cô gặp người ngoài, ba là ngàn vạn lần không nên gần gũi Phí Bá Thân". Dương Tiếu Trai gật đầu nói:
"Đúng, đúng, ta với họ chẳng qua cũng chỉ là tùy tiện ứng thù, mà Thiến tẩu của ngươi cũng đã có mấy đứa con, ai còn muốn chiếm đoạt nữa". Cao Lãng Thu xua tay nói:
"Không phải thế, lòng người khó dò lắm!". Dương Tiếu Trai gật đầu nói:
"Đúng đúng, ta nghe lời ngươi, ta nhất định nghe lời ngươi!".
Sau đó Cao Lãng Thu lại ra đi. Y quay lại giang hồ, đi khắp nam bắc, tới đâu cũng lấy tên Vân Hạc sơn nhân vẽ tranh viết chữ để sinh nhai. Có lúc y cũng tìm ngôi chùa cổ nào đó chép kinh cho tăng nhân, ăn nhờ vài hôm, lúc rãnh rỗi lại nghiên cứu chỗ áo bí của hai quyển sách. Y cũng từng bộc lộ qua thân thủ, chế phục khá nhiều bọn hào cường trên giang hồ, giúp đỡ rất nhiều cô nhi quả phụ. Nhưng các kỳ nhân hiệp khách nổi tiếng như Giang Nam Hạc, Kỷ Quảng Kiệt, Lý Phượng Kiệt và các đạo sĩ trên núi Võ Đang thì không gặp được y, y cũng không dám công nhiên so tài với họ.
Vì lúc rảnh rỗi y nhớ tới bạn thân là Dương Tiếu Trai, lại rất không yên tâm, nên ba năm sau y lại tới Nhữ Nam. Tới đó nhìn qua, lại cảm thấy người vật đều thay đổi. Người trong phủ nha tuy không có thay đổi gì lớn, nhưng cổng ngõ nhà Dương Tiếu Trai đã tiêu điều vắng vẻ, trên cổng còn tờ thiếp tang dãi dầu mưa nắng ngã thành màu vàng! Cao Lãng Thu cả kinh, trước tiên tới hỏi anh ruột y, anh y bèn bí mật nói cho y biết:
"Ngươi không biết, bảy tám năm nay việc người thay đổi, Dương Tiếu Trai và Thiến Cô vợ y đều đã chết, một trai hai gái cũng thất tung, không biết hạ lạc ở đâu!". Cao Lãng Thu cả kinh, lại nghe anh y nói tiếp:
"Lòng ngươi đáng sợ thật, nữ sắc đúng là rước lấy tai họa! Vốn là bảy năm trước Dương Tiếu Trai yêu mến Thiến Cô con gái họ La bán rượu, đồng thời Tri phủ đại nhân bản phủ là Hạ Tụng cũng nhìn thấy Thiến Cô trong kiệu, cho là tuyệt sắc, đã muốn chiếm đoạt. Nhưng vì y là một vị Tri phủ, không thể công nhiên cưới con gái nhà dân làm thiếp, lại vì không có người tâm phúc nào lo việc cho, nên Thiến Cô kia bị Dương Công Cửu cưới mất. Nhưng Hạ Tri phủ vẫn không quên tình, đến nỗi tương tư thành bệnh, về sau Phí Bá Thân tới, y bèn mua chuộc làm tâm phúc, bảo Phí Bá Thân tìm cách cướp Thiến Cô về cho y. Thiến Cô tuy sinh ba con với họ Dương nhưng phong vận vẫn như cũ, tuy xuất thân con nhà thường dân nhưng tính tình cứng rắn. Phí Bá Thân dùng hết trăm phương ngàn kế, đầu tiên lấy lợi dụ dỗ, sau đó dùng quyền dọa dẫm, rốt lại cũng không thành công. Về sau Dương Tiếu Trai cũng biết, y bèn tuyệt giao với hai người Hạ Tụng, Phí Bá Thân. Hai người trong lòng căm hận, năm rồi bèn mượn một vụ xâm chiếm đất đai, bắt Dương Tiếu Trai hạ ngục. Rốt lại Dương Tiếu Trai là một vị danh sĩ, lại có bạn bè ở chỗ Phủ đài đại nhân trên tỉnh, nên chỉ bị giam hơn một tháng thì được tha. Dương Tiếu Trai về tới nhà lại uất ức thành bệnh, Phí Bá Thân còn mặt dày tới thăm hỏi. Y tới thăm cũng không sao, nhưng Dương Tiếu Trai lại không biết uống lầm phải thuốc gì mà bệnh luôn không dậy nổi!".
Nghe tới đó, Cao Lãng Thu tức giận dẫm chân một cái, anh y lại nói:
"Ngay đêm Dương Tiếu Trai chết, ái thiếp Thiến Cô của y cũng uống thuốc độc tự tử, nghe nói là chết theo chồng, còn để lại một trai tên Dương Báo, hai gái một tên Lệ Anh, một tên Lệ Phương, Lệ Phương mới sinh được tám tháng. Đứa con trai đã nhiều lần bị vợ lớn của Dương Tiếu Trai ngược đãi. Nhưng mùa đông năm ngoái, nhà họ Dương đột nhiên bị cướp, có năm sáu tên cường đạo trên tường nhảy xuống, cướp vàng bạc thì không nói, kỳ quái nhất là ba đứa nhỏ cũng bị bắt đi. Quan trọng hơn là mấy đêm liền trong phủ nha cũng bị trộm cướp quấy rối, may là đề phòng chặt chẽ mới không xảy ra chuyện gì".
Cao Lãng Thu hiểu rõ chuyện này nhất định là do Nhữ Nam hiệp Dương Công Cửu làm, trong lòng vô cùng khâm phục. Lại nghe anh y nói:
"Nhưng từ đó bọn gian tặc không tới nữa, ba đứa nhỏ đến nay cũng không biết ở đâu!".
Anh y nói xong, lại dặn Cao Lãng Thu không nên nói với người ngoài, lại nói:
"Tốt nhất là ngươi mau rời khỏi chỗ này, vì Phí Bá Thân hiện đang một mình nắm giữ đại quyền trong nha môn, y tuy chẳng qua chỉ là một vị Văn án tiên sinh nhưng quyền thế còn lớn hơn cả Phủ thừa là ta nữa đấy!". Cao Lãng Thu lắc đầu cười khẽ nói:
"Không hề gì, bọn tôi là bạn đồng song, tuy y biết tôi với Dương Tiếu Trai ngày trước có giao tình sâu nặng nhưng quyết y không làm gì tôi đâu!". Kế lại nói:
"Tôi tới thăm hai người quen, ngày mai sẽ đi!".
Y ra khỏi nha môn, bất giác rơi nước mắt. Tìm tới quán rượu họ La, thấy La Lão Thực và vợ còn bán rượu ở đó. Cao Lãng Thu hạ giọng hỏi chuyện vợ chồng Dương Tiếu Trai thảm tử. Vợ chồng La Lão Thực chỉ rơi nước mắt, biết chắc là con rể chết không minh bạch, con gái đại khái cũng là bị người ta bức tử. Hỏi tới nơi hạ lạc của ba đứa nhỏ, vợ chồng họ chỉ biết là bị cường đạo bắt đi, chứ không biết tên họ của bọn cường đạo và nơi hạ lạc của ba đứa nhỏ. Lại nói:
"Lúc con gái chúng tôi chưa lấy Dương lão gia, Phủ đài quả thật có sai người tới dỗ dành mấy lần, muốn mua Thiến Cô của chúng tôi vào phủ đệ làm a hoàn, lại nói sắp tới sẽ cưới làm dì thái thái. Thiến Cô lại không muốn, chúng tôi thì nghĩ gả cho Dương lão gia dù sao cũng hay hơn bán cho Hạ Phủ đài rất nhiều, nên mới ...". Nói tới đó hai vợ chồng già khóc không thành tiếng. Cao Lãng Thu lại hỏi "Vậy Tiểu Hổ đâu?". La Lão Thực nói:
"Tiểu Hổ đang chơi đùa ở hiệu quan tài ngoài phố".
Cao Lãng Thu xuống lầu, theo phố lớn đi về phía nam thì thấy một cửa hiệu bán quan tài, trước cổng có một đám trẻ con. Đám trẻ này lúc người ta có tang, cửa hiệu mua bán thì làm đội nghi trượng, lúc rảnh rỗi thì tụ tập ở đó, ngoài việc đánh bạc ăn tiền thì đánh nhau, đứa nào cũng toàn thân dơ bẩn, quần áo rách rưới như một bầy quỷ đói nhỏ. Cao Lãng Thu gọi "Đứa nào là Tiểu Hổ nhà họ La?". Có một đứa bảy tám tuổi đang gieo xúc xắc ngẩng đầu lên nói:
"Là tôi! Ông tìm tôi có chuyện gì ?". Cao Lãng Thu nhìn thấy đứa nhỏ này rất giống Dương Tiếu Trai, lại càng giống em ruột nó là Dương Báo. Cao Lãng Thu gật đầu nói:
"Ngươi lại đây! Ta muốn nói với ngươi vài câu!". La Tiểu Hổ lắc đầu nói "Không! Tôi đang đánh bạc mà!". Cao Lãng Thu móc trong người ra một nén bạc, nói:
"Ngươi qua đây, ta cho ngươi nén bạc này". La Tiểu Hổ thấy nén bạc lập tức đưa ống xúc xắc cho đứa khác, nhảy ngay qua. Bọn trẻ con ở cửa hiệu cũng xúm lại vây quanh Cao Lãng Thu. Cao Lãng Thu bèn nói:
"Các ngươi đi hết đi, ta chỉ tìm nó thôi". Lúc ấy y dắt La Tiểu Hổ về quán rượu, hỏi:
"Ngươi có biết Dương Tiếu Trai Dương đại gia không?". Tiểu Hổ nói:
"Tôi biết! Lúc Dương đại gia và vợ y chết có hai cỗ quan tài cùng khiêng ra. Chúng tôi là họ hàng, vợ y là cô tôi". Cao Lãng Thu trong lòng rất xốn xang, vợ chồng La Lão Thực bên cạnh cũng ôm mặt khóc, nhưng nhìn thái độ của họ thì dường như không muốn thừa nhận La Tiểu Hổ là con riêng của con gái với Dương Tiếu Trai. Cao Lãng Thu phẫn khái một hồi, bèn bảo đem giấy bút viết ngay một bài thơ như sau:
Trời đất tối tăm sinh tai ương, Nhà ta huynh muội quá đau thương.
Cha gặp bất hạnh mẹ tự tử, Con côi may được họ hàng thương.
Nhà ta gia thế người đều biết, Duy có anh em chẳng tỏ tường.
Tên ta là Hổ em tên Báo, Còn có em gái tên Anh Phương.
Cả nhà ly tán làm sao biết, Chỉ mượn lời ca trút oán hờn.
Hai mươi năm nữa như may gặp, Báo oán đền ơn hết vấn vương.
Viết xong, y lấy một chiếc phong bì cho vào dán kín lại đưa cho La Lão Thực, lại nói với Tiểu Hổ:
"Trong phong thư này có một bài thơ, sau mười năm nữa ngươi cứ mở ra, lúc ấy ngươi sẽ hiểu! Ngươi cứ đi khắp nơi ngâm nga, ắt có thể gặp mặt em trai em gái ngươi!". Tiểu Hổ nói:
"Tôi lấy đâu ra em trai em gái? Tôi chỉ có một mình, cha tôi làm phu khiêng quan tài!". Cao Lãng Thu cũng không nói rõ với nó, lấy ra ba mươi lượng bạc đưa La Lão Thực dặn cho La Tiểu Hổ đi học, không nên cho nó lêu lổng với đám trẻ con ngoài đường. La Lão Thực gạt lệ gật đầu, nhận lấy số bạc và phong thư, Tiểu Hổ lại lắc đầu nói:
"Tôi không đi học, tôi muốn xuống nam lên bắc, tôi muốn làm lão đạo sĩ, làm lão đạo sĩ hóa duyên khắp nơi, vào ở trong núi, thích đi đâu thì đi, tôi muốn làm anh hùng lục lâm, anh hùng lục lâm không ai dám coi thường, có rượu, có vợ, trong rương đầy vàng bạc!". Cao Lãng Thu nói:
"Sắp tới nếu ngươi muốn giao du giang hồ thì rất dễ thôi. Mười năm nữa ngươi lớn rồi, có thể tới một nơi tìm ta". Tiểu Hổ hỏi:
"Nơi nào? Xa không? Nếu gần thì tôi không đi đâu!". Cao Lãng Thu nói:
"Rất xa, đó là nơi xa nhất, gọi là Tân Cương". Tiểu Hổ cười, Cao Lãng Thu cho nó nén bạc, lại dặn dò vợ chồng La Lão Thực suốt nửa ngày rồi xuống lầu ra đi. Tiểu Hổ thì đã sớm cầm nén bạc chạy ra cửa hiệu quan tài đánh bạc rồi. Cao Lãng Thu nhìn theo bóng đứa nhỏ bất giác căm tức rơi nước mắt, vốn định tìm Phí Bá Thân đưa y vào đất chết, báo thù cho bạn cũ, trừ hại cho bản địa. Nhưng nghĩ bất kể Phí Bá Thân xấu xa thế nào cũng là bạn đồng song của mình, vả lại chẳng qua y cũng chỉ theo cọp làm ma trành, kẻ thủ ác chính là Tri phủ Hạ Tụng. Nhưng tuy mình mang một thân võ nghệ song làm gì được một vị Tri phủ đại nhân? Y lại uất ức trở về nha môn, không tới gặp Phí Bá Thân, thu dọn hành lý đi ngay trong hôm ấy.
Từ đó Cao Lãng Thu lại lưu lạc giang hồ, đi khắp nơi tìm Nhữ Châu hiệp Dương Công Cửu và anh em Dương Báo, Dương Lệ Anh, Dương Lệ Phương, định nói cho chúng biết chúng còn có một người anh ruột. Lại muốn đọc bài thơ kia cho chúng nghe để sau này anh em chúng có thể nhận ra nhau. Nhưng y đi hết bắc nam, hỏi khắp giang hồ cũng không sao tìm được Dương Công Cửu và ba anh em Dương Báo.
Bất giác đã qua mười mấy năm, lúc ấy ngoài biên nhiều việc, rất nhiều nhân tài đều nhân cơ hội xuất đầu lộ diện, ai cũng thi thố tài năng, kiến lập kỳ công.
Nhưng Cao Lãng Thu vẫn phiêu bạt giang hồ, y đi khắp nơi dâng thư tự tiến cử, nhưng rốt lại cũng không ai dùng y. Về sau y bèn tới Cửu Tư du ngoạn ở Tân Cương, lấy tên là Cao Vân Hạc, đầu thân vào mạc trướng của Lãnh đội đại thần Tân Cương Ngọc đại nhân. Tân Cương vốn là một tỉnh rộng nhất Trung Quốc, rộng bằng mấy tỉnh Trực Lệ, Sơn Đông, Hà Nam, Sơn Tây, Thiểm Tây, Giang Tô gộp lại. Dân tộc trong thành có người Hán, Mãn, Hồi, Mông Cổ, Sách Luân, Cáp Long Khắc, Đột Quyết, nhưng chính quyền đều do triều đình Đại Thanh thống quản, đặt ra chức Tướng quân và Tuần phủ, lại do Lãnh đội đại thần các doanh chia đóng ở các nơi. Chức Lãnh đội đại thần không khác Tổng trấn bao nhiêu nhưng vì là Khâm sai nên vô cùng quý hiển.
Nơi Ngọc đại nhân đóng quân gọi là huyện Thả Mạt, ngay giữa vùng Tân Cương, phía bắc giáp với sông Tháp Lý Mộc, biển Khổng Tước, phía nam là một thảo nguyên rộng vài trăm dặm, là bãi chăn súc vật của người Mông Cổ, Người Cáp Long Khắc. Phía đông có đường dịch trạm tới thẳng Dương Quan vào tỉnh Cam Túc. Phía tây là Đại Qua Bích, Qua Bích tức sa mạc, là một dải đất muôn dặm cát vàng, không có cả một cọng cỏ. Nhưng phong cảnh gần huyện Thả Mạt lại rất tươi đẹp, vùng Giang Nam nổi tiếng sơn thanh thủy tú cũng không thể sánh bằng. Ở đó có biển biếc mênh mông, có núi cao xanh thẳm, có mấy trăm khoảnh nho như tuyết đỏ rải khắp mặt đất, có cây đào cây hạnh mọc khắp đồng khắp núi cho người ta tùy thích hái quả. Còn có đàn ngựa Cáp Long Khắc, từ trên núi nhìn xuống đông như đàn ong không sao đếm được.
Cho dù người nghèo khổ nhất cũng có một hai trăm con ngựa, đó là sản nghiệp của họ. Thịt ngựa là thức ăn của họ, sữa ngựa là thức uống của họ, lông ngựa lại có thể làm được đủ thứ đồ dùng.
Cao Lãng Thu vừa tới đó đã muốn ở lại, Ngọc đại nhân lại rất thưởng thức y.
Đầu tiên sai y coi việc văn thư trong doanh, sau mời vào phủ dạy học, người y dạy là tiểu thư Kiều Long. Lúc ấy tiểu thư Kiều Long mới bảy tám tuổi, còn là một cô gái nhỏ tự nhiên, hoạt bát, xinh đẹp. Cao Lãng Thu vì là thầy dạy học nên càng tiếp xúc nhiều với Ngọc đại nhân. Ngọc đại nhân cũng thường mời y bàn bạc việc quân vụ, y lại thi triển tài năng, giúp Ngọc đại nhân lập được rất nhiều công lớn, nhưng võ nghệ của y vẫn chưa có cơ hội để bộc lộ.
Lúc ấy y đã chú ý tới cô học trò Ngọc Kiều Long, vì Ngọc Kiều Long bàn chân to, vả lại eo lưng thon, thân thể nhẹ nhàng, tay chân nhanh nhẹn, lúc bảy tám tuổi đã thích cưỡi ngựa, cứ cha mẹ thỉnh thoảng không để mắt tới thì chạy ra khỏi nhà. Thấy ngựa trong nha môn cô ta cũng bất kể là của ai, cởi dây xong là có thể nhảy phóc một cái lên ngựa, phóng ra ngoài thành chơi suốt nửa ngày, chưa thật mỏi mệt thì không về. Đầu tiên cô cũng ngã ngựa mấy lần, nhưng về sau kỵ thuật ngày càng giỏi, ngựa Y Lê nổi tiếng hung dữ cũng dám cưỡi, mà còn phóng như bay, điều khiển tùy ý, người trong nha môn và quân doanh không ai không khâm phục. Vì thế, Cao Lãng Thu đột nhiên nảy ra một ý nghĩ lạ lùng.
Hôm ấy y dạy học xong, bèn khẽ nói với Ngọc Kiều Long:
"Ngươi rất thông minh, vả lại còn hoạt bát hiếu động. Tuy là một cô gái, nhưng tương lai nếu làu thông kinh sử, hiểu biết thư họa, lại tinh thông binh pháp và quyền kiếm võ nghệ cũng có thể làm vinh dự cho gia đình, lưu lại kỳ tích ở nhân gian. Xưa nay tài nữ thì có Ban Chiêu, nữ tướng thì có Tần Lương Ngọc, nữ hiệp thì vẫn chưa có. Thật ra Hồng Tuyến, Nhiếp Ẩn Nương tuy là nữ hiệp trong tiểu thuyết hoang đường, nhưng nói cho đúng một cô gái nếu gặp được thầy giỏi dạy dỗ, chịu khổ cực học tập rèn luyện kiếm pháp và quyền thuật cũng chưa chắc không thể trở thành một vị nữ hiệp. Ta hiện muốn bỏ ra mười năm dạy văn chương, binh pháp và kiếm thuật cho ngươi, muốn gộp cả ba người Ban Chiêu, Tần Lương Ngọc, Hồng Tuyến vào một mình ngươi, cho ngươi làm một kỳ nữ tiền vô cổ nhân hậu vô lai giả, ngươi có muốn không?". Y lại nói:
"Văn chương, binh pháp ta đều có thể dạy công khai, nhưng kiếm thuật thì ngươi chỉ có thể học lén, không được cho cha mẹ ngươi biết, nếu chuyện lộ ra thì có thể ta không còn được ở đây nữa đâu". Ngọc Kiều Long là một cô gái nhỏ, nghe thầy nói thế tự nhiên mười phần mừng rỡ. Lúc ấy hàng ngày theo thầy học chữ, chỉ cần có lúc rãnh rỗi Cao Lãng Thu lại sai bọn hầu gái của tiểu thư đi chỗ khác, dạy cô học trò của mình uốn lưng, xuống tấn, phóng cước, đi quyền trong phòng. Buổi tối còn bí mật hẹn với Ngọc Kiều Long, nhân lúc bà vú của nàng đã ngủ say, gọi nàng rón rén tới hoa sảnh phía tây, hai thầy trò dùng một cành tre thay kiếm, tập luyện kiếm pháp. Không đầy hai năm, Ngọc Kiều Long đã có thể nhảy lên nóc nhà. Đến năm thứ ba, Cao Lãng Thu muốn ra ngoài, lúc lên đường y cất một cái rương gỗ vào dưới giường rồi mới đi.
Chiếc rương gỗ ấy của y khóa rất chặt, trong đó có hai quyển di thư của Á hiệp. Lần ấy Cao Lãng Thu đi Hà Nam định đưa La Tiểu Hổ lên Tân Cương, vì bấm đốt tay tính toán thì hiện La Tiểu Hổ đã hai mươi tuổi, đã trưởng thành rồi.
Tới Nhữ Nam, y gặp anh ruột là Cao Mậu Xuân rồi tới thăm vợ chồng La Lão Thực, không ngờ vợ chồng La Lão Thực đều đã mất. Y hỏi người trong họ La, thì La Tiểu Hổ cũng đã thất tung, mười năm trước bị một gã ăn mày lừa dắt đi, hiện cũng không biết lưu lạc nơi đâu. Cao Lãng Thu bất giác vô cùng hối hận, cảm thấy mười năm trước lẽ ra mình nên tới nơi này nhiều hơn, phải chiếu cố cho đứa con côi của bạn cũ nhiều hơn. Lúc ấy anh ruột của y đã lớn tuổi, vẫn còn làm Phủ thừa, có con có cháu, đã cắm rễ ở đất ấy. Tri phủ Hạ Tụng được điều tới nơi khác, Phí Bá Thân cũng đi theo y làm quan. Lúc ấy Cao Lãng Thu lại đi khắp nơi tìm kiếm La Tiểu Hổ và anh em Dương Báo, không ngờ vẫn mờ mịt không có chút tin tức.
Tốn mất nửa năm, y mới trở về Tân Cương, xem lại cái rương gỗ thấy không hề bị đụng tới, mở khóa ra thì hai quyển di thư vẫn còn trong đó. Thư pháp và quyền pháp kiếm pháp bí mật học được của cô học trò đều rất tiến bộ. Lúc ấy Cao Lãng Thu lại thay đổi chương trình cho cô học trò, hàng ngày sáng sớm học kinh sử, thi từ, binh thư, vẽ tranh, viết chữ, ban đêm từ canh ba đến canh tư thì luyện võ ở hoa sảnh phía tây, vô cùng chặt chẽ.
Mấy năm trước Ngọc Kiều Long đã qua mặt được bà vú to béo thích ngủ nướng, ngủ một giấc thì rất khó gọi dậy của nàng, lúc mười bốn tuổi bèn xin với mẹ, nói "Con rất sợ nghe người ta kêu réo, có người trong phòng thì con ngủ không được. Mẹ bảo bà vú dời phòng đi! Cho con một gian phòng, để con ngủ một mình thôi!". Ngọc phu nhân cũng thường thấy con gái ban ngày mỏi mệt ngáp dài, giống như ngủ không đầy giấc bèn ưng thuận, bảo bà vú dọn ra, sai một a hoàn tên Cán Xuân làm bạn với con gái.
Họ ở trong sương phòng trong hậu viện, chia làm hai gian, giường tiểu thư ở gian trong, giường a hoàn ở gian ngoài thì hàng đêm kéo ra. Nhưng Ngọc Kiều Long cứ bảo a hoàn kéo giường ra ngoài phòng ngủ sát vách, sau chín giờ tối thì nàng không cho a hoàn vào phòng, lại nói "Ngươi không được nói với phu nhân đấy". A hoàn dĩ không không dám không nghe, nhưng có lúc cũng lắng tai nghe trộm động tĩnh bên trong nhưng cũng không có chuyện gì. Có điều thường có tiếng mài mực, tiếng giở sách và tiếng bước chân đi lại. Cô ta nghĩ nhất định là tiểu thư muốn đọc sách viết chữ ban đêm nên mới sợ có người quấy rầy, nên cũng không nghi ngờ gì. Có điều có lúc trong phòng không có ánh đèn, nhưng lại nghe ở cửa sổ có tiếng động nhỏ rất là kỳ quái, nhưng a hoàn cũng không nghĩ tới việc trở dậy bước vào nhìn thử là chuyện gì.
Lại qua ba năm, Cao Lãng Thu lại xuất du, lúc ấy Ngọc Kiều Long đã mười bốn tuổi. Một đêm sau khi tập luyện một bộ kiếm pháp tân kỳ ở hoa sảnh phía tây, Cao Lãng Thu gọi cho Ngọc Kiều Long vào thư phòng, lấy sách che ánh đèn lại. Y ngồi trên ghế, Ngọc Kiều Long đứng trước mặt, y bèn nói:
"Từ lúc ngươi chín tuổi thì ta bắt đầu dạy võ công cho ngươi, đến nay đã năm năm, võ nghệ của ngươi có thể nói đã học xong toàn bộ, cứ luyện tập cho thuần phục kiếm pháp ta dạy ngươi hôm nay, thì ngươi có thể trở thành một nữ hiệp. Bộ kiếm pháp ta vừa dạy ngươi có tên là Cát vân toái nguyệt đoạn Côn Luân, kiếm pháp phái Võ Đang tới đó là cùng cực, trên đời này ngoài ta ra e chỉ có một mình Giang Nam Hạc là biết thôi. Có điều ngươi học được rồi thì nhất thiết không nên kiêu ngạo, biết võ nghệ chẳng qua là để đề phòng thân chứ không phải để so tài với người khác. Huống hồ trên giang hồ lại không ít kẻ gian tà, có kẻ sức khỏe hơn người, có kẻ sử dụng ám khí khiến người ta khó đề phòng.
Ngươi là một tiểu thư con nhà quan, tuổi lại quá nhỏ, đã chưa gặp đại địch, lại không biết việc đời, ngàn vạn lần không nên tự cao, tùy tiện làm điều bậy bạ, nếu không thì nếu có lỗi lầm lớn, ta cũng không thể cứu ngươi. Ngày mai ta phải đi, ở đây ta có một cái hộp gỗ trong có quyển gia phả của ta, gia thế của ta thì không muốn người ta biết nên ngươi cũng không nên xem trộm, chỉ cần giữ gìn cẩn thận giúp ta là được".
Nói xong, y viết mấy tờ giấy đóng dấu của mình dán niêm phong cái hộp. Y lén nhìn cô học trò, chỉ thấy Kiều Long gật đầu vâng dạ, hoàn toàn không hỏi trong hộp có gì, trên mặt cũng không có vẻ buồn bã hay ngạc nhiên. Cao Lãng Thu nghĩ thầm rốt lại cô ta còn nhỏ, bộ kỳ thư trong cái hộp này, mình đại khái chỉ học được sáu bảy phần, dạy cho cô ta bất quá chỉ bốn năm phần, vẫn còn giữ lại vài chiêu! Vạn nhất trong tương lai cô ta gây ra chuyện gì không thể dung tha, pháp luật không trị được thì mình vẫn có thể chế phục.
Lúc ấy Ngọc Kiều Long cầm hộp bước ra, Cao Lãng Thu cũng không yên tâm, ngấm ngầm theo sau, thấy cô học trò trở về phòng ngủ. Cao Lãng Thu bèn nhìn trộm qua song cửa sổ, chỉ thấy trong phòng ánh đèn thấp thoáng, Ngọc Kiều Long mở cửa tủ ra cho cái hộp gỗ vào, sau đó khóa tủ lại, tắt đèn đi ngủ, phảng phất như trong hộp có vật gì thì căn bản nàng cũng không để ý, chỉ là sư phụ bảo giữ thì giữ mà thôi.
Hôm sau Cao Lãng Thu rời khỏi huyện Thả Mạt, vượt qua sa mạc Bạch Long Đôi, qua Dương Quan vào tỉnh Cam Túc. Mục đích của y lần này hoàn toàn không phải là tới Hà Nam thăm anh và tìm anh em nhà họ Dương mà vì nghe người ở kinh tới nói gần đây trong kinh xuất hiện một vị thiếu niên hiệp khách tên Lý Mộ Bạch, là vai cháu của Giang Nam Hạc, đồ đệ của Kỷ Quảng Kiệt, con Lý Phượng Kiệt. Y ở kinh thành đánh bại hào kiệt bốn phương, không có ai là đối thủ, danh tiếng lẫy lừng, không ai không khâm phục.
Cao Lãng Thu nghe thế cảm thấy ngứa ngáy, nghĩ thầm "Mình có được hai quyển kỳ thư, tốn mất mười năm mà đến nay chưa từng thử qua lần nào, chẳng lẽ sắp tới mang một thân võ nghệ trong hai quyển sách ấy vào quan tài sao?
Mình cũng nên tìm nơi nào bộc lộ thân thủ, chế phục vài hảo hán có tên tuổi, có thể nhất cử thành danh cho thiên hạ biết Cao Lãng Thu, Cao Vân Hạc ta". Cho nên lần này y muốn tới thẳng Bắc Kinh gặp Lý Mộ Bạch để so tài một phen.
Không ngờ vừa tới phủ Lương Châu tỉnh Cam Túc, trời đã xế chiều, phóng ngựa tới cửa tây, đang định tìm nhà trọ, chợt nghe có người gọi "Cao Lãng Thu!", đồng thời có người níu vạt áo sau lưng. Y cả kinh quay lại nhìn, té ra là một bà già ăn mày khoảng năm mươi tuổi! Bà già ăn mày ấy nói:
"Ngươi nhận ra ta không?". Câu ấy nói bằng giọng vùng sông Kim Sa, Cao Lãng Thu lập tức phát hoảng! Bà già ăn mày lại nói:
"Hai mươi năm trước lúc gã câm chết, ngươi đã lấy hai quyển sách trong nhà ta, bây giờ nên trả lại cho ta!". Cao Lãng Thu vội nói "Đừng làm ầm lên, chúng ta tìm chỗ nói chuyện".
Lúc ấy Cao Lãng Thu lại lên ngựa ra khỏi vòm cổng phía tây, bà già ăn mày cũng theo y ra ngoài thành. Cao Lãng Thu xuống ngựa nói chuyện với bà ta dưới nắng chiều. Nguyên bà già ăn mày ấy là Bích nhãn hồ ly Cảnh Lục Nương.
Năm trước y thị vì muốn học võ nghệ mới lấy Á hiệp, về sau tự cảm thấy đã học được võ nghệ, lại ghét Á hiệp cản trở bèn cùng Phí Bá Thân bàn mưu hại chết Á hiệp. Nhưng thị cũng không lấy Phí Bá Thân, lại rời khỏi Vân Nam, đi lại ở một dải Giang Nam, vốn định thả sức hoành hành, chế phục anh hùng hào kiệt ở một dải Đại Giang, nhưng không ngờ liên tiếp đạp phải đinh. Vì lúc ấy Lý Phượng Kiệt vẫn chưa quy ẩn, Giang Nam Hạc thì lúc ra lúc vào không cho những người biết võ nghệ lộng hành ở Giang Nam. Thị lại tới Hà Bắc, nhưng hiệp khách Kỷ Quảng Kiệt ở Hà Bắc cũng không phải dễ đùa, thị cũng không thể đứng vững ở đó được. Thị chỉ còn cách lên vùng Thiểm Cam, làm áp trại phu nhân cho một tên cướp lớn có hơn hai trăm lâu la trên núi. Về sau hang ổ bị tiễu phạt, tên cướp kia bị giết, thì lại một mình hoành hành khắp nơi, cướp bóc tiền bạc, báo thù cho chồng, giết chết rất nhiều người, gây ra rất nhiều vụ án. Quan lại huyện Hội Ninh, huyện Trường Vũ, huyện Phượng Tường, Thái Châu đều sai người truy bắt, đông như sao sa, dày như lưới nhện để bắt Bích nhãn hồ ly.
Thị trốn lánh khắp nơi, bôn ba mấy năm mới tới Lương Châu, cải trang làm ăn mày, tính là tạm thời trốn tránh, không ngờ lại gặp Cao Lãng Thu ở đây.
Lúc ấy thị bám riết Cao Lãng Thu không buông ra, nói:
"Cao Tú tài giỏi thật, năm xưa ngươi lấy hai quyển sách của ta, lúc ấy ta còn chưa biết hai quyển sách ấy có tác dụng gì! Về sau ta mới nghe giang hồ đồn là Giang Nam Hạc đi khắp các tỉnh không những để tìm sư huynh y mà còn để thu hồi hai quyển sách ấy.
Hai quyển sách ấy là bảo bối của họ, bất kể người nào lấy được cũng có thể học được võ nghệ phái Võ Đang như Giang Nam Hạc! Ta không ngờ lại bị ngươi lừa, nhưng không tìm được ngươi. Trong hai mươi năm nay ta mà có được hai quyển sách ấy thì quá hay, cũng không đến nỗi bị người ta coi thường thế này".
Cao Lãng Thu cười nói:
"May là lúc đầu hai quyển sách ấy đã bị ta lấy đi, nếu không thì không rõ ngươi còn gây ra bao nhiêu chuyện xấu xa nữa!". Bích nhãn hồ ly nói:
"Ta biết trong hơn hai mươi năm nay nhất định ngươi đã học được một ít nhưng lại không đi lại trên giang hồ, thế thì cũng vô dụng. Ngươi mau trả lại cho ta là được, nếu không ta sẽ tìm Giang Nam Hạc nói với y rằng năm xưa gã câm bị ngươi hại chết, hai quyển sách đang trong tay ngươi". Cao Lãng Thu khẽ cười nhạt nói:
"Nếu Giang Nam Hạc tìm ta, thì ta lại sợ y à?". Lúc ấy Cao Lãng Thu đột nhiên ra độc thủ định giết chết Bích nhãn hồ ly trừ hại cho giang hồ, lại có thể không phải trả sách cho thị, cũng không bị cản trở. Nhưng không ngờ y vừa hạ độc thủ thì Bích nhãn hồ ly lập tức đón đỡ, lúc ấy trên bãi cát vàng ngoài đồng, dưới ánh chiều buông, hai người đánh nhau hơn mười hợp.
Quyền pháp của Bích nhãn hồ ly tuy không có chiêu số nào ghê gớm nhưng thân thủ mau lẹ, khí lực mạnh mẽ, Cao Lãng Thu tuy học được nhiều chiêu thức, nhưng tay chân chậm chạp, khí lực cũng không bằng, y bèn nói:
"Đừng đánh nữa, đừng đánh nữa! Ta trả sách lại cho ngươi là xong". Lại than thở:
"Đáng tiếc ta lấy được hai quyển sách ấy muộn mất mười năm, võ nghệ phải luyện tập căn bản ngay từ lúc nhỏ, ta lúc trung niên mới bắt đầu luyện tập, rốt lại cũng chỉ như đọc sách, không thể dùng được. Ta không đi Bắc Kinh nữa, ngươi theo ta tới Tân Cương lấy sách thôi!". Lúc ấy y và Bích nhãn hồ ly cùng về Tân Cương, bịa đặt là vợ chồng. Ngọc đại nhân và Ngọc phu nhân thấy Cao sư phụ đưa vợ tới, đương nhiên rất ưu đãi.
Bích nhãn hồ ly cũng quen cải trang, tới nha môn rồi thị ăn ở rất có quy củ, trò chuyện với Cao Lãng Thu rất ôn hòa, cử chỉ rất thân thiết, họ như một đôi vợ chồng già xa cách nhau lâu ngày. Ngọc phu nhân cắt một khu nhỏ trong viện lạc phía tây hoa sảnh, có vài gian phòng, sau phòng có hai gốc cây cao rất yên tĩnh cho họ ở. Hôm ấy tự nhiên Ngọc Kiều Long cũng tới chào sư phụ và sư nương.
Bích nhãn hồ ly lại rất để ý tới Ngọc Kiều Long, hạ giọng nói với Cao Lãng Thu:
"Nữ đệ tử của ngươi xinh đẹp thật! Ta mang nó đi nhé?". Cao Lãng Thu ngầm đánh Bích nhãn hồ ly một cái rồi bảo Ngọc Kiều Long trả lại cái hộp gỗ cho y. Y nhìn nhìn thấy tờ giấy niêm phong không hề bị bóc ra, trong lòng rất vui vẻ, biết rằng cô học trò nhỏ tuổi này quả thật trung thành có thể tin tưởng.
Tối hôm ấy Cao Lãng Thu và Bích nhãn hồ ly cùng ở trong phòng, lúc ấy đã khuya, lại đang mùa đông lạnh lẽo, bên ngoài gió thổi rất mạnh, trong phòng thắp một ngọn đuốc không sáng lắm. Hai người ngồi đối diện nhau, Cao Lãng Thu bèn gỡ tờ giấy niêm phong, mở ra cho Bích nhãn hồ ly xem, trong sách tuy có rất nhiều hình vẽ nhưng văn tự rất ít, có điều Bích nhãn hồ ly vẫn nhìn mà không hiểu, Cao Lãng Thu lại giảng giải cho thị. Sau đó y khóa chặt cái hộp, đưa Bích nhãn hồ ly ra khỏi phòng, cùng tới tiểu viện trong hoa sảnh phía tây.
Lúc ấy đã quá canh ba, trời tối om, rất ít sao, không có một ai. Trong viện lại khá rộng rãi, lúc ấy Cao Lãng Thu bèn hạ giọng nói với Bích nhãn hồ ly, cho thị biết chiêu thứ nhất là thế nào, chiêu thứ hai là thế nào. Mặt khác trong lòng y lại nghĩ thầm "Nếu đem hết võ nghệ mình học được trong sách ra dạy cho thị, tương lại mụ giặc cướp này lại càng khó chế phục!". Bích nhãn hồ ly cũng ra sức luyện tập, giả định như trước mặt có địch nhân thì dùng thủ đoạn thế nào để thủ thắng. Hai người đang nghiên cứu luyện tập ở đó, chợt gió thổi tới một làn khói dày, Cao Lãng Thu không kìm được hắt hơi mấy cái, y vội ngăn Bích nhãn hồ ly lại hạ giọng nói:
"Dừng tay lại! Có thấy khói không?". Làn khói càng lúc càng dày đặc, rõ ràng là một quầng lửa màu đỏ phát ra từ tiểu viện chỗ họ ở.
Cao Lãng Thu cả kinh vội chạy về tiểu viện, chỉ thấy trong phòng lửa cháy bừng bừng, không biết vì sao lại phát hỏa. Cao Lãng Thu xông vào màn khói dày đặc trong phòng, lấy nước trong chậu rửa mặt dập lửa, nhưng nước quá ít, lửa lại lớn, ngọn lửa lại càng bốc cao.
Lúc ấy Bích nhãn hồ ly ở ngoài kêu lớn "Cháy nhà!". Những người canh gác phát giác ra làn khói cũng khua thanh la ầm lên, người trong nha môn đều giật mình thức dậy, quân lính trong doanh cũng kéo tới, nhất tề xách nước dập lửa.
Sau nửa giờ thì dập tắt lửa, nhưng làn khói dày vẫn cuồn cuộn bốc lên, Cao Lãng Thu bị khói trong phòng hun ngất đi, nếu không có người kéo ra thì y đã chết cháy. Náo loạn ầm ĩ một lúc thì trời đã sáng. Lúc ấy kiểm điểm lại tổn thất thì gian phòng chưa bị cháy hết, nhưng toàn bộ cửa sổ đã cháy thành than, đồ dùng, chăn nệm trong phòng cũng đều thành tro. Cao Lãng Thu một tay cũng bị bỏng, nhưng y giật được một mảnh ván, trên mảnh ván còn dính tờ giấy niêm phong có con dấu của y. Cao Lãng Thu nhìn đống tro không ngừng giẫm chân than thở, cơ hồ phát khóc. Người bên cạnh đều cười nói:
"May mà không ai bị thương, tính ra cũng còn có Thần Phật phù hộ. Đây nhất định là vì Cao sư nương tới, hai vị nói chuyện quá vui vẻ mới không để ý, đại khái là ngọn đèn đổ xuống chăn nệm mới bốc cháy lên". Cao Lãng Thu nỗi khổ trong lòng không sao nói ra, Ngọc đại nhân cũng không để ý. Lại nghĩ tiền bạc của Cao Lãng Thu dành dụm được mấy năm nay đều bị cháy hết cũng rất thương y, tạm thời xây phòng khác cho vợ chồng y ở. Lại sai người tới dọn dẹp chỗ nhà bị cháy, cung cấp đồ dùng mới cho họ, vẫn cho họ ở đó, Cao Lãng Thu cứ suốt ngày than thở.
Bích nhãn hồ ly nói khẽ:
"Sách đã thành tro rồi, ngươi than thở thì được gì?
Hai mươi năm nay ngươi lại không đọc thuộc lòng hai quyển sách ấy rồi sao?
Ngươi cứ dạy ta bằng miệng bằng tay là được!". Cao Lãng Thu lại thở dài nói "Sách dày như thế, sâu sắc như thế, vả lại nhiều hình vẽ ít văn tự, ta làm sao có thể nhớ rõ tất cả? Chỉ còn cách nói cho ngươi biết những gì ta nhớ được mà thôi !", lại nói:
"Như thế cũng hay, trong sách đều là những chiêu số cao siêu của người học võ, nếu bị người tâm địa xấu xa học được thì sắp tới lại không gây ra nhiều tội ác trên đời sao? Cháy đi cũng nhẹ người. Chỉ là ta đã thu nhận đồ đệ, ta vẫn chưa dạy cô ta những chỗ thâm áo trong sách!". Bích nhãn hồ ly lại hỏi:
"Đồ đệ của ngươi ở đâu?". Cao Lãng Thu bèn bí mật cho thị biết, nói:
"Ngươi ngàn vạn lần không được nói cho người ngoài là tiểu thư Ngọc Kiều Long trong phủ này là đồ đệ của ta. Ta không những dạy kinh sử cho cô ta, mà còn ngấm ngầm dạy võ nghệ, cô ta đã học võ với ta năm năm, nhưng ta không muốn dạy thêm nữa?". Cao Lãng Thu đáp:
"Đầu tiên ta muốn dạy cô ta làm nữ hiệp, nhưng về sau ta thấy khí phái giàu sang của cô ta quá nặng. Ta lại nghĩ tương lai cô ta lớn lên nhất định phải lấy chồng nhà quan, nếu cô ta có một thân võ học, lại làm phu nhân của loại quan lại gian ác lại khiến những kẻ sĩ chân chính hành hiệp trượng nghĩa không thể thi triển tài năng, thì việc bất bình trên đời lại càng nhiều!". Bích nhãn hồ ly vì câu ấy của y lại định sắp tới nắm tiểu thư ở đây vào tay mình, dắt nàng rời nhà qua lại giang hồ, làm một cánh tay cho mình và trả thù những kẻ đối đầu dồn mình tới chỗ cùng đường.
Bích nhãn hồ ly có thâm ý như thế nên làm ra vẻ rất quy quy củ củ, đối xử với phu nhân và tiểu thư rất tốt, nhưng lại ngấm ngầm bức ép Cao Lãng Thu, bắt y nói ra chiêu số võ nghệ, thị lại muốn học những chiêu số tàn độc nhất. Cao Lãng Thu bị thị khống chế, cảm thấy không sao đối phó, đành bịa ra rất nhiều chuyện, nói những vụ án thị đã gây ra trước kia hiện vô cùng khẩn cấp, nha môn đã nhận được công văn của rất nhiều phủ huyện gửi tới, lại có rất nhiều Bổ đầu nổi tiếng đã tới Tân Cương.
Bích nhãn hồ ly nghe thế mới cảm thấy sợ hãi, Cao Lãng Thu lại thường xuyên khuyên thị nên bỏ ác làm lành, làm một người yên phận. Thị cũng cảm thấy ở đây thoải mái hơn nhiều so với việc bôn tẩu trên giang hồ nên cũng yên tâm, hàng ngày khâu vá giặt giũ, lại rất cần kiệm. Có lúc thị cũng theo Ngọc phu nhân và tiểu thư lên chùa thắp hương lạy Phật, nhiều người đều nói vị Cao sư nương này rất tốt, là một người vợ hiền. Chớp mắt đã qua hai năm, trong hai năm ấy tiểu thư Ngọc Kiều Long đã không học võ nữa, còn kinh sử thư họa nàng đã tự mình học được, không cần phải có thầy dạy.
Cao Lãng Thu ở đó chỉ hàng ngày đánh cờ vây với Ngọc đại nhân, cũng như một vị khách suông. Cao sư nương lại trở thành nửa bộc phụ, tất cả áo quần của tiểu thư đều do thị may, tuy không dám để lộ bản tướng trước mặt tiểu thư, nhưng có lúc ngấm ngầm hỏi dò "Võ nghệ của tiểu thư học được tới mức nào?".
Tiểu thư hạ giọng đáp:
"Quên hết cả rồi! Vốn là ta không muốn học những thứ ấy, nên trước kia sư phụ bảo ta học, về sau ta không thích học nửa, y cũng không muốn dạy nữa".
Năm ấy Ngọc Kiều Long đã mười sáu tuổi, dáng vẻ ung dung xinh đẹp, giống hệt thiên tiên. Mùa xuân cha nàng về kinh bệ kiến, lại vừa khéo cậu nàng là Đoan tướng quân ra làm Lãnh đội đại thần suất lãnh doanh Cáp Long Khắc tới Y Lê, sai người tới đón gia đình nàng tới Y Lê gặp nhau, lúc ấy hẹn ngày lên đường. Bích nhãn hồ ly Cao sư nương cũng tới Y Lê. Cao Lãng Thu không yên tâm, cũng định đi theo. Trước hôm lên đường một ngày, tất cả mười sáu chiếc xe, năm mươi bốn con ngựa, tám viên sai quan, bốn mươi doanh binh, trên ngựa trên xe không những chở hành lý mà còn mang theo rất nhiều lương khô và vò rượu, trong vò rượu đều là nước sạch. Vì từ đó đi về phía tây phải qua hơn hai trăm dặm sa mạc, suốt ba ngày không nhìn thấy một giọt nước, nếu không chuẩn bị trước thì toàn bộ người ngựa đều phải chết khát. Lần ấy đi từ Y Lê, ngoài Ngọc phu nhân và tiểu thư Ngọc Kiều Long còn mang theo bộc phụ a hoàn và Cao Lãng Thu, Bích nhãn hồ ly, lại có gia quyến của hai viên quan nhỏ trong nha môn, đều cùng tới Y Lê, sau đó qua đường Quy Ninh Lũng Tây.
Đại đội xe ngựa rời thành Thả Mạt đi thẳng về phía tây, tới khu phụ cận thành Thả Mạt còn có rất nhiều người Bát kỳ trong doanh Đa Sách Luân, cày cấy rất nhiều ruộng đất. Trên ruộng ngoài lúa mạch còn trồng nho, nho ở đó không dùng giá đỡ mà bò lan trên mặt đất, trải lá xanh khắp núi khắp đồng.
Cuối tháng ba gió ấm, sắc trời trong xanh, từng đám mây trắng trôi lững lờ. Xe ngựa đi về phía trước, được một ngày, trú lại một nơi giống như thị trấn. Hôm sau hai người lính mở đường ngẩng mặt nhìn trời, nhìn suốt nửa ngày rồi lắc đầu nói "Trời không tốt lắm! Tới Qua Bích nếu có bão thì không xong!". Lúc ấy có viên sai quan bẩm báo với Ngọc phu nhân. Ngọc phu nhân đã lên xe, cũng không có chủ ý, bèn nói:
"Các ngươi xem đi được thì đi, không đi được thì thôi!". Lúc ấy tiểu thư bên cạnh lại sai bộc phụ lên tiếng, nói:
"Tiểu thư nói trời tốt thế này, trên trời cả mây cũng không có, sao không đi nữa? Dừng lại ở đây để làm gì?". Lúc ấy viên sai quan bèn vội ra lệnh:
"Lên đường, đi thôi, chiều mai nhất định phải tới thành Khắc Lý Nhã bằng được".
Lúc ấy lệnh vừa truyền ra, xe lộc cộc, ngựa hí ran, bụi bặm bốc lên, đoàn xe ngựa như một con rắn dài thuận theo đường lớn đi về phía tây. Người trong quân doanh có kẻ thở dài nói:
"Tới Qua Bích gặp bão chưa quan trọng, nếu gặp phải Bán thiên vân mới là nguy hiểm!". Lúc ấy phu xe và kỵ mã đều nói về Bán thiên vân, đều có vẻ sợ sệt. Cao Lãng Thu trên xe cũng nói khẽ với Bích nhãn hồ ly:
"Bán thiên vân là tên cướp lớn vừa xuất hiện ở Tân Cương gần đây, thủ hạ có ba trăm lâu la, đều là kiện nhi trên ngựa, thường xuất hiện trên sa mạc, chúng ta phải cẩn thận!". Bích nhãn hồ ly nói:
"Ta không mang theo binh khí, làm thế nào được?". Cao Lãng Thu nói:
"Có mang theo cũng vô dụng, nếu ba trăm người của họ nhất tề xông lên thì cho dù chúng ta có võ nghệ như Giang Nam Hạc cũng vô dụng!". Bích nhãn hồ ly cấu mạnh Cao Lãng Thu một cái, nói:
"Từ nay trở đi chúng ta không được nói tới Giang Nam Hạc nữa!". Cao Lãng Thu biết Bích nhãn hồ ly rất sợ Giang Nam Hạc, vì sư huynh của Giang Nam Hạc từng chết dưới tay thị, nhưng Cao Lãng Thu lại từ Giang Nam Hạc liên tưởng tới hai quyển kỳ thư bị cháy, lại không kìm được than thở.
Lúc ấy trên xe tiểu thư Ngọc Kiều Long có bộc phụ, trước mặt có ba a hoàn, người ngồi trên càng xe tên Tú Hương. Cô ta quay lại nhìn, chỉ thấy chung quanh là một màu xanh kéo dài tới chân trời, ở đó có hàng ngàn hàng vạn bò dê, lại có nhiều phòng ốc hình tròn, bèn khẽ nói:
"Tiểu thư nhìn kìa, đó là lều của người Mông Cổ!". Bộc phụ Sử má má cũng kéo tiểu thư mặc y phục bằng đoạn màu phấn ngồi sau lưng bà ta, nói:
"Tiểu thư, mau mọp xuống cửa sổ mà xem!
Đúng là có ý tứ, giống hệt một bức tranh!". Ngọc Kiều Long lại lắc đầu nói:
"Có ý tứ gì đâu!". Nàng vươn vươn vai, cầm chiếc khăn tay trắng phủi phủi bụi đất trên tóc. Dưới đùi cảm thấy có vật gì, đó vốn là một thanh bảo kiếm của cha nàng, tên là Đoạn Nguyệt, tuy không thể chém vàng chặt sắt nhưng cũng sắc bén hơn đao kiếm bình thường rất nhiều, bấy giờ nàng lén mẹ mang lên xe.
Xe ngựa nối nhau đi, cỏ dưới đất dần dần ít đi, màu xanh bốn phía cũng dần mất đi, màu đất càng lúc càng đen, tiếng xe ngựa càng lúc càng to, vốn là đã tới sa mạc. Chỉ thấy càng đi càng hoang vu, cát dưới đất càng lúc càng to, lúc đầu còn thỉnh thoảng thấy vài đoàn người Mông Cổ cưỡi lạc đà, dần dần thì không thấy gì nữa, chỉ có cát vàng kéo dài ngàn dặm, một cọng cỏ cũng không có. Đến chỗ ấy, khiến người ta run sợ, khiến người ta tuyệt vọng, đồng thời ngựa dường như cũng đã mỏi, sai quan, quân sĩ, phu xe không ai dám cao giọng trò chuyện, chỉ im lặng đi tới. Cao Lãng Thu thò đầu ra ngoài nhìn nhìn, chỉ thấy mặt trời vàng vọt, sắc trời bốn bên đều mờ mịt, y xua xua tay nói:
"Chỉ sợ có bão. Người mở đường nhất định biết được thời tiết, mà bao nhiêu người thế này lên đường lại chỉ vì một câu nói của tiểu thư!". Y đang nói một mình như thế, chợt thấy đoàn xe đổi hướng, dường như rẽ lên phía bắc.
Hai doanh binh cưỡi ngựa dẫn đường, xe ngựa phía sau nối theo, bánh xe lăn mau, vó ngựa dồn dập như mưa rào đổ xuống, sông lớn chảy đi, một tràng âm thanh đáng sợ vang lên liên tục không tắt. Đi khoảng mười dặm thì tới một khu đất thấp. Ở đó bốn bề đều có gò cát có thể tránh gió. Lúc ấy, mười sáu chiếc xe đều quây lại như một ngôi thành nhỏ. Sai quan, doanh binh và phu xe đều nói:
"Không đi được nữa, sắp có bão rồi!". Lúc ấy tiểu thư Ngọc Kiều Long đột nhiên trên xe bước xuống, nàng nhìn nhìn sắc trời, thấy màu trời cũng tối sầm như dưới đất.
Đám xa phu đánh xe, doanh binh cho ngựa ăn, nấu nước, ăn lương khô, tuy chiếc đồng hồ vàng trong người Ngọc Kiều Long mới chỉ mười một giờ hai mươi, chưa đến giữa trưa, nhưng mọi người đều quyết định không đi nữa, có người nằm lăn ra trên mặt cát như chuẩn bị ngủ đêm ở đây. Tú Hương bưng xuống một chén trà, một tô miến gà, Ngọc Kiều Long vừa ngồi lên xe ăn được một chút chợt gió nổi lên, người phu xe vội mời tiểu thư vào trong, buông rèm kỹ rồi chui xuống núp dưới gầm xe. Lúc ấy tiếng gió vi vút vang lên, ào ào càng thổi càng mạnh, trên mui xe như có mưa rơi lộp bộp lộp bộp. Trận gió này cuốn tới vô số cát đá, thế rất mạnh mẽ, như trời long đất lở, biển lật núi dời, bốn phía tối đen, còn tối hơn cả lúc giữa khuya. Lúc ấy tất cả mọi người đều co rúm không dám động đậy, chỉ có tiếng ngựa hí khẽ vang lên trong tiếng gió cát ào ào.
Không biết qua bao lâu, gió dần dần yếu đi, mọi người cũng từ từ trở mình, trời đất dường như cũng dần dần hé mắt ra. Nhưng đột nhiên lại nghe tiếng nhiều người la lên kinh hoảng, nói:
"Bọn cường đạo tới rồi! Bán thiên vân!".
Lúc ấy một tràng tiếng vó ngựa từ xa phóng tới, như cuồng phong nổi lên lần nữa! Cao Lãng Thu vội nắm chặt thanh kiếm nhảy xuống xe, chỉ thấy cát bay mờ mắt. Y quay đầu dặn Bích nhãn hồ ly:
"Ngươi không nên xuống xe". Lúc ấy một tràng tiếng vó ngựa theo gió vang tới, chỉ nghe "A, a, giết, giết!", một tràng tiếng la thét ầm ĩ xen lẫn với tiếng rú. Cao Lãng Thu vung kiếm định xông qua đánh giết nhưng hai mắt y bị cát bay vào không mở ra được. Trước ngực lại bị vó ngựa đá một đá rất nặng, y ngã lăn ra đất. Một con ngựa vọt qua người y, y vội lăn vào gầm xe. Lúc ấy tiếng quát thét, tiếng kêu rú đã làm ù tai y, cát đá bị gió thổi đã đè lên hai chân y, trong lòng y hơi có chút cảm khái, tự nhủ "Mình cũng già rồi! Hai quyển kỳ thư ấy rơi vào tay mình thật uổng, mình bỏ phí mất hai mươi năm!". Lúc ấy tiếng vó ngựa xa dần, tiếng quát thét chém giết đã tắt, nhưng gió vẫn chưa ngừng, trong tiếng gió cát lại xen tiếng rên rỉ thê thảm.
Cao Lãng Thu bị cát vùi không đứng lên được, lại qua rất lâu gió tắt hẳn mới có người cứu Cao Lãng Thu đứng lên. Chiếc áo bào màu lam, bộ râu bạc của Cao Lãng Thu đều dính đầy cát. Y thở hổn hển, được đỡ lên xe, chỉ thấy Bích nhãn hồ ly ngồi cứng đờ trong xe như đã chết.
Lúc ấy chợt nghe đám sai quan, doanh binh hoảng sợ kêu lên:
"Tiểu thư thất tung rồi! Bị cường đạo bắt đi rồi ...". Cao Lãng Thu kinh ngạc, vội lấy lại tinh thần xuống xe bước qua xem, chỉ thấy mọi người đang bới cát, kéo lên rất nhiều xác chết mất tay cụt chân, lại có cả ngựa bị thương và người bị thương đang rên rỉ. Nhưng sai quan kiểm điểm lại nhân số thì chỉ có hai doanh binh bị chết, bốn người bị thương, cường đạo lại chết hơn ba mươi người, bị thương tám người.
Cao Lãng Thu bất giác càng kinh ngạc, lúc ấy chợt nghe tiếng khóc của lão má trên xe tiểu thư, nói:
"Ta cũng không biết tiểu thư đi ra ngoài thế nào! Tiểu thư còn có một thanh bảo kiếm trên xe, cũng không còn nữa! .... Mới rồi ta cũng sợ tới mức ngất đi, cũng không biết cường đạo nào bắt tiểu thư đi !". Ngọc phu nhân và đám a hoàn cũng khóc lóc trên xe, mấy người sai quan vội suất lãnh đám doanh binh cưỡi ngựa chia nhau đi tìm tung tích tiểu thư.
Lúc ấy Cao Lãng Thu ngẩn ra, nghĩ tới nghĩ lui, trong lòng y đã hoàn toàn hiểu rõ. Từ lần trong phòng phát hỏa cháy mất hai quyển sách tới việc thất tung của Ngọc Kiều Long hiện tại ... Y đầu tiên không kìm được đắc ý cười một tiếng, lại thở dài một tiếng, ngã vật xuống xe, hạ giọng nói với Bích nhãn hồ ly:
"Không cần tới Y Lê, ngươi phải chạy mau đi! Nếu không ắt ngươi gặp cái họa sát thân đấy. Vì lúc đầu ta đã làm sai, ta đã nuôi dưỡng một con độc long trên đời!".
Giữa trận bão cát, lúc giặc tới cướp, tiểu thư Ngọc Kiều Long đột nhiên thất tung. Thật ra lúc ấy bọn cướp đang nhao nháo tháo chạy, vị tiểu thư này đội khăn trắng, mặc áo màu ngân sắc, quần màu thủy lam, đoạt được một con ngựa cao lớn màu đỏ như lửa, cầm thanh kiếm Đoạn Nguyệt đang ráo riết truy sát bọn cướp trên sa mạc.
Bọn cướp kia đều là bộ hạ của tên đại đạo Bán thiên vân, người nào cũng kiêu hãnh tuyệt luân, họ ở giữa gió cát lại như nghê kình giữa biển, ruổi rong qua lại, ngựa khỏe đao dài, nhưng hơn năm mươi người mà không địch nổi một vị tiểu thư, bị Ngọc Kiều Long đánh giết tới mức người này vừa đứng lên người kia lại ngã ngựa. Có người cả người lẫn ngựa đều bị chém chết, có người rơi xuống còn ngựa phóng đi, núp dưới đống cát mới thoát chết.
Bình luận
Bình luận
Bình luận Facebook