Ngộ Phật
-
139: Trước Lúc Lên Đường
ĐI TRẨY HỘI THÔI.
Về đến Dung Trần sơn phái sau chuyến chu du, hai mẹ con hít hà thật sâu.
Ở nhà vẫn cứ là thích nhất, đông vui rộn rã, cảnh đẹp, không khí lại trong lành, bình an êm ấm, y hệt vườn đào cõi tiên.
Ngoài kia ít ai yên ổn, khu vực gần các môn phái thì đỡ được phần nào, còn những nơi vốn đã nghèo khổ lại càng lầm than kiệt cùng.
Chứng kiến bao nhiêu cảnh đời đen tối thảm thương, nay về chốn tươi vui, lòng dạ không khỏi đủ đầy quá lắm.
Giang Trừng nhân đấy dạy con, “Hạch Đào Nhỏ hồi đó ở nhà suốt, giờ ra ngoài, biết người ta sống như nào rồi nhìn lại mình, con thấy sao?”
Giang Trừng vốn chỉ muốn dạy con trân trọng cuộc sống hiện tại, song bé lại đáp: “Con nghĩ, thế giới ngoài kia mà được như nhà mình thì tốt quá.”
Giang Trừng vuốt tóc con, không bắt bẻ mà chỉ bồng bé lên đi tiếp, cổ vũ, “Hạch Đào Nhỏ mong thế giới hoà bình cơ à, khó lắm đấy, nhưng nếu con cần cù siêng năng, lớn rồi sẽ giỏi hơn cả mẹ, có khi lại hoàn thành nguyện vọng không chừng.”
Hạch Đào Nhỏ có chí hướng hơn cả mẹ mình, Giang Trừng hồi còn bằng tuổi bé vẫn chỉ là đứa nít ranh chưa vào nhà trẻ, vậy mà bé đã manh nha suy nghĩ về nan đề mang tầm vĩ mô như hoà bình thế giới rồi, xem như cũng đã kế thừa đủ đầy đức tính tốt đẹp của cha.
Tuy Giang Trừng chưa từng gặp đại sư hồi bé cũng chẳng tài nào tưởng tượng ra cảnh đại sư thò lò mũi xanh, song cô vẫn rộng lòng gán phần nào sự thiện lương của con vào công của chàng.
Mồm bảo không hề gì chứ thực ra Giang Trừng thương cụ hoà thượng ấy vô cùng tận.
Suốt cả đoạn đường từ thành trấn ngoài rìa cho tới cổng chính Dung Trần, không rõ do mình nhìn nhầm hay quả thực có rất nhiều ánh mắt nóng bỏng đang nhằm thẳng vào cô.
Ngoái lại mà trông, các tu sĩ từ cánh mày râu đến đám má hồng ngược xuôi trên phố đều đang tất tả việc riêng, thong dong chuyên chú.
Giang Trừng khá tin tưởng vào trực giác của mình, cô bèn chú tâm theo dõi sau dăm ba lượt cảm nhận được mình bị cơ man nào là ánh mắt để ý đến, rốt cũng phát hiện ra vài điều.
Ngoài đệ tử Dung Trần sơn phái ra, xung quanh hãy còn khá nhiều tu sĩ lạ mặt tới từ nơi khác, đa số các ánh nhìn phức tạp xen lẫn xét nét đều đến từ họ.
Giang Trừng dựng thẳng tai lên, loáng thoáng nghe được nào là “nàng ta là Giang tu sĩ”, “Hạc Kinh Hàn”, “Thanh Đăng đại sư”.
Gộp mấy chữ này với nhau, chẳng tốn mấy sức đã hiểu mọi chuyện vẫn cứ là do tin đồn nọ, nhờ ơn hai vị kia mà cô cũng có tiếng có tăm luôn rồi, đi đường “được” chúng họ dòm ngó.
Suốt cuộc hành trình toàn vào chốn hoang vu hẻo lánh, ít ai biết Giang Trừng, nhưng khi về đến Dung Trần thì khá nhiều người quen mặt cô, không bưng bít nổi.
Vỡ lẽ rồi Giang Trừng không màng đến các kiểu đánh giá kia nữa, cô bồng Hạch Đào Nhỏ, cưỡi kiếm phi vào cổng chính sừng sững của sơn phái Dung Trần.
Về tới tông môn, không còn xét nét săm soi lạ lẫm song rắc rối mới lại xồ ra.
Trên đường về dãy Bạch Linh, số đệ tử chào hỏi cô đông hơn trước nhiều, người quen thì hồ hởi quá lắm, lạ mặt cũng làm như đang đón tiếp minh tinh, bỗng chốc bên tai Giang Trừng toàn là “Giang sư thúc về rồi!” “Kia là Giang tu sĩ đấy!” “Đúng là giỏi ghê, nàng ấy là một trong số các phong chủ của dãy Bạch Linh hả?” “Tiền bối này xuất chúng tuyệt trần thế mà mình chưa gặp bao giờ.” “Nàng ấy là người rùm beng mấy hôm trước đấy.”
Cứ thế, Giang Trừng lại muốn chạy trốn rồi.
Được cái đồng môn thì không có ác ý, cũng chẳng tăm tia cô như các tu sĩ ngoài kia, nhưng chính sự tò mò ngạc nhiên thuần tuý ấy lại khá bí bách, bởi đám vô công rỗi nghề này cứ hễ gặp chuyện thú vị là sẽ gọi bầy kéo đám tới chung vui, thoáng chốc Giang Trừng đã bị vây kín.
Giang Trừng vốn tốt tính, thường hay chăm lo cho các đệ tử cùng dãy, quản lý cũng thoải mái dễ dãi, hay tươi cười với đệ tử các dãy khác, hiếm khi nặng lời làm cao, không thì đã chẳng tới nước bị quây chặt thế này.
Nhìn toán đồng môn xí xô xì xào, mồm năm miệng mười chung quanh, Giang Trừng thấy đầu mình như sắp nổ.
Đáp bừa dăm câu ứng phó, ngoài kia bỗng dưng im bặt, nhóm đệ tử lũ lượt tản ra nhường chỗ cho hai người mới đến.
Là cặp sư tỷ đệ Hứa Thanh Sương và Hứa Tố Tề của Tạ nhị sư bá.
Không như Giang Trừng, Hứa Thanh Sương luôn cao ngạo lạnh lùng, rất nghiêm với đệ tử dưới trướng, khá nhiều người sợ nàng.
Bấy giờ Hứa Thanh Sương đứng đấy khoanh tay đánh mắt nhìn quanh, tiếng rì rầm ngớt hẳn.
Nàng bảo Giang Trừng: “Sư phụ hay tin muội về bèn bảo ta sang đón, dạo này người lo cho Hạch Đào Nhỏ lắm đấy, lúc ta tới thăm người cứ nhắc mãi.”
Giọng vẫn nhẹ nhàng, vài năm nay nàng và Giang Trừng cũng hay qua lại với nhau.
Nghe Hứa Thanh Sương lôi Tạ nhị sư bá ra, Giang Trừng lấy làm buồn cười, dám chắc nàng đúng lúc đi ngang, định giải vây đây mà.
Song cô không bóc mẽ, cười chào đám đồng môn đang trân mắt ra nhìn, “Nhị sư bá tìm ta có việc, không đùa với mọi người nữa, sau gặp hẵng bàn.”
Rồi cô chuồn theo sư tỷ đệ Hứa Thanh Sương, vừa dứt được khỏi cái đuôi kia thì cũng đã đến đỉnh Thanh Tĩnh của bác hai Tạ.
Giang Trừng thở phào, hơi hối hận vì đã để em trai làm gắt với đại sư ngay trước mắt mọi người, cô đúng là đã xem thường độ nổi tiếng của cả hai cũng như độ rảnh rỗi của đám tu sĩ cõi này, lại còn kết bầy tới kiếm cô cơ đấy.
Đang ảo não thì nghe tiếng đàn lạnh nhạt.
Dằng dặc mênh mông, thoảng như nhạc trời, khiến ai nấy quên hết sầu lo.
Đấy là tiếng đàn của Tạ nhị sư bá, tuy là tu sĩ nhưng ông sống như một ẩn sĩ cao quý dịu dàng, Giang Trừng chưa từng thấy ông ra tay đánh ai, mà ông cũng chỉ thích mấy món vẽ tranh chơi cờ tâm tình làm bánh.
Nếu ví sơn phái Dung Trần là một rừng đào, thì đỉnh Thanh Tĩnh của Tạ nhị sư bá chính là đất lành ẩn giấu giữa rừng, rối ren ngoài kia không sao chen chân vào được.
Giang Trừng vừa xuýt xoa xong, tiếng đàn cũng ngớt, Tạ nhị sư bá đã ra đến nơi.
Mái mơ đau xót cả lòng, kéo Hạch Đào Nhỏ sang chăm chút xét soi, càm ràm y hệt bà nội cưng cháu: “Hạch Đào Nhỏ mới đi mấy ngày mà mặt mũi gầy sọp cả rồi, trông không vui vẻ như trước nữa, sợ thế giới ngoài kia lắm hả con? Thời thế ngày càng lộn xộn, ta cứ canh cánh Hạch Đào Nhỏ mãi, ngoài đấy đâu có yên lành được bằng trong này, cũng chẳng có cái mà bỏ bụng, ta vừa làm xong món bánh mà Hạch Đào Nhỏ thích rồi đấy, vào đây mình vừa ăn vừa nói chuyện.”
Từ hồi có Hạch Đào Nhỏ, Giang Trừng không còn được nghe bác hai Tạ càu nhàu mình nữa, cô đành đứng bên nhìn ông yêu chiều nhét đủ thức ngon cho Hạch Đào Nhỏ, khi thì hỏi bé có gặp nguy hiểm gì ngoài kia không, lúc lại ôm bé bảo sao nhẹ quá, bận bịu luôn tay.
Hứa Thanh Sương, Hứa Tố Tề và Giang Trừng đều đã quen, cả ba ngồi đấy ăn chè mà ông vừa múc ra cho.
Với Tạ nhị sư bá thì đám đệ tử lứa dưới đều là trẻ con cả, càng khỏi nói tới Hạch Đào Nhỏ, khắp tông môn này chỉ mỗi ông xứng danh là yêu thương bé nhất, bà mẹ ruột như Giang Trừng cũng đành lùi lại xếp sau.
Bác hai Tạ hiền hậu quá lắm lại thêm vô cùng yêu chiều con trẻ, Giang Trừng mà bận thì thường đem gửi Hạch Đào Nhỏ cho ông.
Dẫu Hạch Đào Nhỏ có gây gổ đánh nhau với rồng trắng, làm vỡ đồ của ông thì ông cũng chỉ cười tít chứ chả phạt bao giờ, còn mà quậy quá thì Tạ nhị sư bá cũng chỉ thở dài trốn đi thăm bạn một thời gian, chưa từng rầy la bé.
Bởi thế Hạch Đào Nhỏ cũng thương ông cực, xem Tạ nhị sư bá dịu dàng nho nhã như trăng sáng gió lành này là bà nội mình thật.
Ra ngoài một chập, Hạch Đào Nhỏ cũng nhớ người thân, nằm bò ra chỗ Tạ nhị sư bá ngay, kể ông nghe hết mấy chuyện bé gặp.
Cũng đã ngầm xem nhau là người thân rồi, Giang Trừng không dặn con giấu giếm gì nhiều, chỉ bảo bé đừng kể chuyện nhị sư huynh và Ngu Kha, Hạch Đào Nhỏ bèn tóm tắt bằng câu “có gặp Yến nhị sư bá” rồi thôi.
Tạ nhị sư bá kiên nhẫn trò chuyện với Hạch Đào Nhỏ, nghe bé kể trải nghiệm trong suốt chuyến đi, ôm gọn bé vào lòng rồi đưa đồ ngon cho ăn, rốt cũng rảnh để mà hàn huyên cùng đồ đệ và sư điệt.
“Xem ra tình hình ngày một xấu hơn, chẳng bao lâu là đến Triều hội Vạn Tông, mấy đứa đừng đi đâu nữa.
Dạo trước chỉ toàn bình bầu đệ tử ưu tú các nhà, tổ chức tỷ thí so găng giữa các môn phái, song Triều hội lần này chừng như không chỉ có thế.
Năm nay hội được tổ chức ở Hoa Nguyên của Phủ Hoa tông, sẽ có rất nhiều người tham dự, nghe đâu Thế Ngoại Tiên Cung nay đang ngụ tại đấy, tuy chưa biết mục đích của họ nhưng các trò cứ cẩn thận với các tu sĩ áo trắng choàng sa trắng thì hơn.”
Tạ nhị sư bá dặn kỹ: “Kinh nghiệm trước kia chắc không áp dụng nổi rồi, mấy đứa cứ xem tình hình mà xoay sở, khi ấy lão tổ các tông môn cũng sẽ đến dự, họ đều đã lâu không lộ diện và là bậc tiền bối cả, các trò không được ngông nghênh động chạm, ngoài kia không như nhà mình, nhiều lúc ngay cả ta và các sư bá sư thúc cũng không chăm lo hết cho mấy đứa được.
Dĩ hoà vi quý, đừng gây sự, dù sao thói đời bây giờ cũng chẳng ai đi mà xích mích với tu sĩ đồng tộc đâu, nhưng nếu bị bắt nạt thì đừng nhịn, Dung Trần chúng ta là phái lớn, các trò là đệ tử thân truyền, ta mong các trò khiêm tốn song không muốn các trò yếu đuối nhu nhược, mấy đứa phải tự xem đấy mà làm.”
Sau một tràng dài, Tạ nhị sư bá đắn đo một chốc rồi bảo: “Chắc hẳn các trò cũng biết cõi tu chân nay đã nguy ngập, các lão tổ tiền bối đến dự Triều hội Vạn Tông cũng là vì phải bàn bạc và quyết định một vài sự vụ, mấy đứa nhớ bình tĩnh dẫu cho có xảy ra chuyện gì.”
Hứa Thanh Sương ngồi ngay ngắn, hơi chồm ra trước: “Sư phụ, khi ấy sẽ xảy ra chuyện ạ?”
Tạ nhị sư bá thở dài đầy bất đắc dĩ: “Tu hành càng lâu thì càng nhạy cảm với linh khí đất trời, ta chỉ cảm thấy đại nạn sắp đến, kiếp số lại hung tàn cùng cực.
Các lão tổ hẳn rõ hơn ta, và cũng đã nhận ra điềm báo từ lâu… Những lúc thế này lại càng thấy bản thân nhỏ nhoi, gặp kiếp nạn như thế, tu vi có cao đến đâu đi chăng nữa cũng khó lòng bảo vệ được tất cả bằng mỗi sức mình, ta chỉ mong các trò được bình an…”
Dung Trần sơn phái ấm êm là thế, song dưới lớp vỏ bọc yên lành lại sắp dấy mưa dông.
Không chỉ mỗi Dung Trần, toàn cõi tu chân đã rúng động sau một loạt các biến cố.
Tu sĩ hơn người thường ở chỗ tự bảo vệ được mình, song càng có năng lực thì trách nhiệm càng nặng nề.
Giữa bầu không khí sôi sục này, rốt cũng đã đến ngày khai mạc Triều hội Vạn Tông.
Đáp lại yêu cầu của Triều hội, nửa số đệ tử của sơn phái Dung Trần phải góp mặt, khá nhiều nơi trong tông môn trống huơ trống hoác, mọi người tụ tập cả ở quảng trường mênh mông ngay sau cánh cổng chính nguy nga, nơi vốn rộng lớn thế mà giờ đã kín đặc, rộn rã không thôi.
Đây là lần đầu tiên Giang Trừng chứng kiến cảnh họp hội tất cả đệ tử của các dãy, dõi mắt không thấy điểm tận cùng.
Chỗ mình thì đệ tử nội môn dàn thành vài hàng, dưới họ là đệ tử ngoại môn, mạch chủ như Bạch Nhiễm Đông đứng ngay trên cùng mà không giữ dáng, cứ xiêu vẹo tựa vào vai đại sư huynh Bạch Linh, dán mặt vào cổ hắn.
Đại sư huynh nào đâu dáng vẻ thanh niên như hồi Giang Trừng bắt gặp, hắn trong lốt thiếu niên lạnh lùng rũ mi đứng đấy, hai vai bên thì là bến đỗ của một con quạ đen, bên thì hoá chỗ gác đầu của sư phụ.
Đại sư bá cao to chắp tay sau lưng đứng cạnh Bạch Nhiễm Đông, như không vừa mắt cái điệu biếng nhác của sư muội nhà mình, ông dứt khoát xoay đi không màng, đại sư huynh Chu Uyển đang khẽ thưa bẩm gì đó với ông.
Tạ nhị sư bá đứng bên phía còn lại của Bạch Nhiễm Đông, xung quanh là ba cô thiếu nữ họ Chân trông giống hệt nhau, ông đang cười dặn họ đôi điều, Hứa Thanh Sương nghiêm túc nhất thì dắt Hứa Tố Tề đi điểm danh đệ tử.
Tam sư tỷ Trịnh Dao vắng mặt không rõ lý do, Giang Trừng thì đang bế Hạch Đào Nhỏ trêu ghẹo cô học trò út Giang Nguyệt, trò cả Phong Hữu Chỉ thì khép tay áo đứng bên mỉm cười.
Bình luận
Bình luận
Bình luận Facebook