Ngộ Phật
-
116: Nước
LỜI ĐẠI SƯ NÓI.
Hạch Đào Nhỏ ngủ rồi, Giang Trừng và Thanh Đăng sóng vai ngồi giữa sân vắng.
Giang Trừng khẽ nhíu mày, nghiêm túc nhìn vạt tử giới khổng lồ xa xa trên đầu.
Bị trùm lấy như thế, chẳng thấy trời đêm, chỉ ngột ngạt lòng người.
“Đại sư, chàng tìm ra cách chặn tử giới nảy nở hơn thêm chưa, mách em nghe được không?”
“Không có đâu, Mai Tùng lão tổ giở quẻ phán rằng đây là đại kiếp đất trời, sức người không ngăn nổi, dẫu còn đường sống, song rất khó tìm.” Thanh Đăng đại sư điềm nhiên đáp, cứ như mình chưa từng buông lời đáng sợ kiểu ‘kiếp nạn đấy, sắp chết sạch rồi’ vậy.
“Thế chẳng có cách nào thật ư? Cõi tu chân còn biết bao đại năng và lão tổ lánh đời, đâu thể buông xuôi hết được?” Giang Trừng hỏi.
“Nếu họ Mục thấu tỏ điềm trời vẫn còn đây thì hoặc may có cách, song nay lão tổ dự tri đại kiếp đã mất, ngoài Mai Tùng lão tổ ra thì không ai dò hỏi được thiên cơ nữa cả.
Lão tổ đại năng của các tông môn dẫu mạnh cũng chẳng ngăn được đất trời sụp đổ, tử giới xâm thực chậm như hiện thời đã là thành quả mà các bậc hiền triết dốc sức hợp lực chống đỡ Thiên Cảnh mà nên.” Thanh Đăng đại sư bình thản tiết lộ tin mật đủ để khiến tu sĩ bình thường hoảng hồn thảng thốt.
Ngay cả đệ tử nòng cốt của môn phái lớn như Giang Trừng đây còn chả hay biết gì, điều này có nghĩa là ngay sau đại hội Thiên Cơ, đại năng các phái đã oằn mình ra gánh gồng bốn phương, song thế giới vẫn dần dà nát tan, thiên tai nối tiếp thành điềm.
Tin này một khi vỡ ra, chỉ e cõi tu chân lại thêm một phen bàng hoàng kinh sợ.
Thình lình được biết tình hình nghiêm trọng hơn những gì mình tưởng, Giang Trừng đương ngồi xếp bằng chợt thấy buồn thương khó nói.
Kinh qua N lời đồn tận thế của thời hiện đại, rốt lại xuyên không rồi tu luyện và sống thọ một cách khó tin, sau cùng vẫn bị ụp món “kiếp nạn đất trời” vào mặt, xử lý ẩu là tàn đời, số cô tuyệt vời quá thể.
Không nhìn đại sư, Giang Trừng hỏi tiếp, “Thế nhỡ không thoát nổi kiếp nạn, có phải nơi đây cũng sẽ thành cõi chết y như cái thứ trên đầu chúng ta?” Giang Trừng sớm đã cho rằng các mảng tử giới không dưng xuất hiện ấy thực chất từng là những vùng trời lành lặn.
“Nhỡ không thoát nổi kiếp nạn thì sẽ mất bao lâu để cõi tu chân hoá thành vạt tử giới hoàn toàn chẳng còn sự sống đây?”
Thanh Đăng đáp: “Có lẽ trăm năm, cũng có thể là mười năm.”
Giang Trừng thoáng lặng thinh, đoạn bảo: “May mà không phải gần ngay trước mắt.
Dẫu mười hay trăm thì hãy còn xa, hiện thời chưa cần âu sầu buồn thương vội…”
Cô bỗng xua đi vẻ lo lắng nơi đáy mắt, nở nụ cười nhẹ nhàng thoảng vẻ giễu cợt, trông sang đại sư, “Giờ em chỉ thắc mắc một điều.”
“À mà đại sư à, hay chàng đi rửa mặt đã hẵng? Cứ để thế này thì mất hình tượng quá lắm.
Chàng bàn chuyện sống chết nghiêm túc bằng cái mã ấy, em chả tài nào tập trung nổi.”
Thanh Đăng vẫn giữ lớp trang điểm quái vật yêu kiều (?) dầy những phấn son kia, nghe vậy cũng chỉ thản nhiên đáp rằng, “Tướng mạo chúng sanh, thảy đều không.”
“Dạ vâng, em biết ngài cao tăng đắc đạo đây chẳng màng chuyện này, cơ mà em thì chả lờ đi nổi, chàng cho phép em dỡ bộ tóc giả Hạch Đào Nhỏ tự chế xuống nhé?” Giang Trừng âu sầu kéo mớ ‘tóc giả’ bằng vải đen xấu đui xấu mù trên đầu mình.
Món này vốn yên vị chỗ đại sư, có điều sau khi Giang Trừng cười quê chàng thì nó đã an toạ bên cô.
Thanh Đăng đại sư làm thinh là thế, song cô có giật cách mấy nó cũng chả nhúc nhích mảy may.
Giang Trừng tức thời nhớ lại cảm giác kinh hồn táng đởm khi bị chàng treo trên cây bạch quả hằng bao năm trước.
Cuối cùng, sau nhiều lần van nài, Giang Trừng cũng gỡ được bộ tóc giả ẩu tả kia ra, cô lấy nước, vắt khăn mềm, cười với Thanh Đăng đại sư ngồi cạnh: “Để em lau mặt cho chàng nhé? Để vậy các cụ thấy lại xỉu mất thôi.”
Thanh Đăng đại sư nhìn cô bằng ánh mắt là lạ, Giang Trừng tưởng chàng lại sắp gạt đi, cười chột dạ.
Thế mà chàng gật đầu đồng ý.
Giang Trừng bèn chồm sang lau son trên mặt chàng.
Để tiện cho cô hơn, Thanh Đăng đại sư hơi khom người xuống, Giang Trừng chỉ cần đưa tay lên là chạm đến.
Thanh Đăng rũ mắt nhìn làn nước tinh khôi, chàng cảm nhận được Giang Trừng đương tỉ mỉ gột đi từng vệt đỏ trên mặt mình, bàn tay trắng nõn nhúng chiếc khăn lấm lem xuống nước, thoáng chốc, mảng son trên khăn hoà vào đáy chậu trong veo, lặng lẽ nhuộm màu, nước dần thắm sắc.
Giang Trừng nhẹ nhàng từ tốn lau sạch son đỏ, rồi sang hàng mày và mái đầu bôi đầy mực đen của chàng.
Chả biết Hạch Đào Nhỏ chế thứ mực này bằng chất gì mà Giang Trừng miết mãi không trôi, cô bèn tỳ tay vào má đại sư, nhích lại gần, cũng chà kỹ hơn.
Thanh Đăng đại sư bỗng ngước lên nhìn cô, Giang Trừng đâu ngờ được dịp nhìn thẳng vào mắt chàng, chợt thót tim, tay cũng chững lại.
Rồi cô mau mắn sực tỉnh, cười vui vẻ: “À đại sư ơi, em thuộc quyển kinh chàng bảo tụng cho Hạch Đào Nhỏ luôn rồi, có muốn kiểm tra không?”
Không chờ Thanh Đăng đáp lời, cô cứ thế rì rầm bài kinh mình tụng hằng ngày để ru, đồng thời áp chế ma chủng trong cơ thể Hạch Đào Nhỏ.
Đọc hoài đọc mãi, cô thấy mình bình tĩnh hơn thật, nhủ thầm ôi chao nguy quá.
Ban nãy đại sư nhìn cô, Giang Trừng suýt thì hôn chàng, đúng là đẹp trai mê mệt, A Di Đà Phật! Cơ mà lâu thế rồi, cô tưởng tình cảm mình dành phần chàng đã phai nhạt, nay mới biết nhầm to.
Thực ra cô và Thanh Đăng đại sư chả chung đụng được mấy chốc, càng hiếm khi thân mật, dẫu đã có con vẫn chỉ quen hơn người lạ xíu xiu, Giang Trừng tự xếp mình vào hàng bạn bè vậy.
Nhưng cô hoàn toàn không rõ ý của đại sư, có lẽ chàng không ghét cô, cũng do một số lý do nào đấy mà quan tâm săn sóc cô lắm, còn lại thì Giang Trừng không biết.
Đến thế giới này đã lâu, Giang Trừng đặt chân tới kha khá vùng miền, quen với không ít đàn ông ưu tú, có người đẹp tuyệt, có kẻ dịu dàng dễ chịu hơn đại sư, song dẫu họ tốt lành cách mấy cũng chẳng sánh nổi cụ hoà thượng hiếm khi gặp mặt, kiệm lời lại hay chấp vặt này.
Mười năm, trăm năm… Trong khoảng thời gian ấy, cô còn được bên chàng mấy buổi đây? Nay đi rồi thì biết chừng nào gặp lại? Giang Trừng không rõ, mà cô cũng chẳng buồn đau mỗi khi đăm chiêu chuyện này, chỉ vấn vương phiền muộn, khó tỏ thành lời.
“Chữ này đọc sao đây?” Thanh Đăng đại sư đương nghe Giang Trừng tụng niệm, chợt huơ tay viết.
Giang Trừng sực tỉnh sau phút giây bồi hồi, thoáng nhìn con chữ xuất hiện trong quyển kinh, đáp, “Đọc là ‘jie’.”
Thanh Đăng đại sư điềm nhiên viết thêm chữ nữa, “Còn đây?”
“Là ‘a’?” Giang Trừng lờ mờ hiểu ý chàng, ngờ ngợ trả lời.
Thanh Đăng đại sư viết liền bốn chữ, Giang Trừng lần lượt đáp xong, chàng gật gù cười mỉm, “Sai bốn chữ.”
Giang Trừng: Chàng cũng chỉ hỏi bấy nhiêu, vậy nghĩa là sai hết cả thảy đấy ư?! Dưng mà em tụng thế những vài năm rồi cơ!
Rồi đại sư cầm tay cô, chẳng biết chàng lấy đâu ra thanh tre, bốp bốp bốp, khẽ liên tục bốn cái, chằn chặn giữa lòng bàn tay.
Giang Trừng ngó tay mình, mãi vẫn lơ mơ, chỉ nhà trẻ mới có giáo viên khẽ tay phạt mỗi khi đáp sai thôi, ngờ đâu mấy chục năm sau, cô lên chức mẹ rồi mà còn bị đòn.
Giang Trừng chợt chụp khăn lên đầu đại sư, vò mạnh bằng cả hai tay.
“Úi dồi con bé Hạch Đào Nhỏ này dốc sức mà trây thế đấy, chà mãi không ra.” Giang Trừng xem mái đầu trọc như tấm phản giặt đồ, vần lấy vần để mới hết dỗi, nhấc khăn lên tức thời loá mắt bởi độ bóng loáng kia.
Giang Trừng: “… Sạch sẽ ghê nơi, sáng rỡ chưa kìa, tưng bừng cả sân luôn, chẳng hổ danh Thanh Đăng đại sư mà.”
Thanh Đăng bị cô dằn mặt một trận vẫn không giận, bỗng bảo: “Giang Trừng, hai ‘ta’ khác mà em từng gặp kia, có phải là ta chăng?”
“Ơ?” Giang Trừng không rõ tại sao chủ đề câu chuyện lại nhảy xoành xoạch như thế, cô sờ mũi, “Là chàng mà, tuy tính tình khác xa, nhưng chung đụng rồi thì em thấy vẫn cứ là đại sư thôi.”
Thanh Đăng: “Với ta thì họ đều là mình, là một phần thuộc bản ngã.
Song họ lại nghĩ mình không chỉ là ‘ta’, họ là họ.
Sông cả nhiều dòng, sau cũng hoà cùng một mối, quay về bản nguyên… Trong ta, họ và thiện ác, cảm tình đều không hề chia tách.”
“Ờ – rồi thì?” Giang Trừng vẫn không rõ ý của Thanh Đăng đại sư.
Sao không đơn giản chút đi, diễn giải sao cho dễ hiểu ấy!
Thanh Đăng đại sư không tiếp tục nữa, chợt đưa tay xoa đầu cô như đang yêu chiều con trẻ, hiếm khi lại vấn vương lo lắng.
“Bị thương rồi thì đi nghỉ thôi.”
Giang Trừng chững lại, cô đinh ninh mình đã giấu kỹ lắm, sao đại sư biết được?
“Không sao, chỉ là vết thương vặt thôi.” Giang Trừng thoắt cái đã cười, được chàng quan tâm thì lại khua môi múa mép, “Đêm dài đằng đẵng, gối chiếc khó yên, chi bằng đại sư đi nghỉ cùng em ~”
Thanh Đăng đại sư lại thở dài.
Chẳng mấy chốc, trong vườn văng vẳng tiếng thét thảm thương của Giang Trừng.
“Oái! Em sai rồi, em sai, em không nên dại mồm á á á á! Đau!” Giang Trừng vừa giãy đành đạch dưới đất vừa hét, chiếc áo thắt chặt bị vén lên, để lộ vết thương chiến trường hãy còn chưa khép miệng.
Thanh Đăng đại sư sóng vai mà ngồi, bình thản đưa tay ấn vết thương, lòng bàn tay đong đầy ánh vàng nhạt.
Giang Trừng như thấy eo mình sắp gãy, vết thương chừng bị vô số mũi kim thép châm vào, đau hơn cả lúc bị chém ôi đệt! Đại sư ngày càng ác độc rồi!
Chẳng bao lâu sau, Thanh Đăng thu tay, Giang Trừng im lìm nằm bẹp dưới đất.
Chàng liếc cô, lại điềm nhiên như cũ, xách cô ném về phòng.
Giang Trừng vờ chết chờ đại sư đi rồi mới chồm dậy bịt vết thương xuýt xoa than thở, vén áo lên mới thấy vết thương gần như lành hẳn, chỉ còn sẹo mờ.
Giang Trừng: Lẹ thì lẹ thật, cơ mà đau cực.
Đại sư đích thân ra tay, vẫn cứ khiến người ta vừa yêu vừa hận.
Giang Trừng thề, cô không bao giờ ghẹo chàng nữa đâu!
Há há há đùa! Nay đã có vũ khí bí mật còn gì! Đại sư có ghê gớm thế nào thì vẫn phải quỳ trước mặt Hạch Đào Nhỏ thôi! Con gái, mặt mũi của mẹ trông cả vào con đấy!
Giang Trừng bèn thậm thụt bàn tính với Hạch Đào Nhỏ cả buổi sáng, cười tít giao một đống nhiệm vụ cho con, sau đó dồn cả ý chí có thù tất báo cùng đệ tử Dung Trần ra ngoài đánh nhau.
Về phần Hạch Đào Nhỏ, bé cầm đống đồ mẹ hăng hái đưa cho, hớn hở dắt rồng trắng tới chơi với cha hạch đào.
Hoà thượng nào đó của chùa Thượng Vân đến tử giới tìm lão tổ nhà mình, khéo thay lại chứng kiến một màn thấy rồi chỉ muốn tự chọc mù hai mắt.
Thanh Đăng lão tổ đức cao vọng trọng đương choàng tấm chăn đầy hoa lá cành, đội lụa đỏ mờ mờ tỏ tỏ, tai vắt hai đoá hoa thắm tươi tổ bố, ngồi dưới tàng cây to giữa trấn.
Trước mặt bày đầy bát sứt chứa toàn sỏi đá và cỏ nát.
Có cô bé đáng yêu ra chiều nghiêm túc ngồi đối diện, vờ xem đấy là món ăn mình mới nấu xong.
Trò sắm vai gia đình, đúng món mấy bé gái thích chơi rồi.
Bình luận
Bình luận
Bình luận Facebook