Ngộ Phật
-
115: Cảnh Đại Sư Chăm Con
KHÁC XA NGƯỜI THƯỜNG.
Giang Trừng quyết định ở lại nửa tháng để Hạch Đào Nhỏ bét lắm cũng nhớ mặt cha, không thì sau này sẽ thành thảm cảnh Thanh Đăng đại sư quên mặt con gái, và con bé cũng chẳng biết lão trọc vừa lướt qua trên phố là cha mình mất.
Nán lại rồi thì đương nhiên không rảnh được như hồi còn ở Dung Trần.
Giang Trừng xa nhà đành phải thoát vai cá mặn chỉ biết ăn ngủ và trêu con, cô là đệ tử thân truyền của một sơn chủ thuộc phái Dung Trần, dưới gối có cả đàn đệ tử tôn mình lên hàng sư thúc sư thúc tổ, nên cô luôn phải đỡ đần giúp sức nhỡ khi gặp đồng môn ngoài đây, thậm chí đứng ra làm chủ toàn cuộc nếu không ai có tu vi cao hơn.
Ví như gần mảng tử giới này có mặt trận chống rối ma, một vài đệ tử Dung Trần khéo thay cũng góp mặt.
Ngày đầu tiên sau khi đến trấn Minh, Giang Trừng chuyện trò chưa nổi dăm câu với đại sư đã bắt gặp đệ tử bị thương lui từ chiến trường về.
Một trong số đấy trông thấy cô thì sáng bừng ánh mắt, gọi bạn cùng sang chào, Giang Trừng bấy mới biết là đồng môn.
Môn đệ của họ cách khá xa Bạch Linh, nhưng nghe đâu sơn chủ nhà đấy khá thân với sư phụ nhà mình.
Họ đã nán lại đây cả tháng, là đệ tử ngoại môn, tu vi chưa đạt Trúc Cơ, người có tu vi cao nhất cũng chỉ mới tới Khai Quang.
Đâu phải ai cũng may mắn trở thành đệ tử thân truyền của một sư phụ giỏi và lành, vừa gia nhập môn phái đã được ban cho một ngọn núi và của ăn của để, lại còn tiến bộ nhanh như chớp như Giang Trừng.
Muốn trui rèn và thăng tiến ư, nhóm đệ tử cấp thấp tư chất lẹt tẹt này phải rời tông môn, dùi mài ngoài đây.
Hiện nay, những ai tự động xa nhà thảo phạt rối ma thì đều ngập tràn chí khí.
Các đệ tử Dung Trần mong mỏi vươn lên này gặp Giang Trừng thì xúc động đến nỗi chẳng màng che đậy, bề trên đến sát cánh diệt rối ma cùng mình cơ mà!
Họ hăng hái thế cũng dễ hiểu thôi, bởi mặt trận chống rối ma đâu chỉ của riêng một môn phái nào.
Tuy tu sĩ khẳng khái tiến thủ, đỡ đần nhau cứu giúp dân chúng là vậy, nhưng còn đó những màn ngấm ngầm so kè tị nạnh, nào ai muốn mình bị nhà khác hơn mình, nhất là ở cõi tu chân đội mặt mũi tông môn lên đầu, tuỳ thời tách nhóm này.
Mọi người đều biết Vạn Thành sơn môn không đội trời chung với Dung Trần, hai môn phái lớn này kẻ nam người bắc, cát cứ một phương.
Từ lão tổ cho đến đệ tử cấp thấp của cả Dung Trần và Vạn Thành đều chẳng vừa mắt nhau, chê nhau ngu ngơ dại khờ, cứ hễ đụng độ là sẽ dốc sức thể hiện hòng đè bẹp đối phương.
Chả biết có phải trái dấu thì hút hay không mà chỗ nào thấy mặt đệ tử phái này thì môn đồ phái kia cũng sẽ đến chung vui, càng ghét ai càng dễ gặp người đó, y như trúng bùa, đối đáp vài câu đã thành xúc xiểm ngay, đúng là yêu nhau lắm cắn nhau đau.
Do đó, chiến trường rối ma chốn này cũng có phần của đệ tử Vạn Thành sơn môn.
Bên ấy đông người hơn Dung Trần, có cả nam tu đến tầng Dung Hợp, rõ đã chèn ép nhóm môn đồ Dung Trần đây.
Đệ tử nhà cô cũng khá gàn, chẳng ai chịu thua, luôn dồn hết sức chém giết trên chiến trường, lúc nào cũng bị thương nặng nhất.
Dẫu vậy vẫn chẳng bằng mười mấy đệ tử Vạn Thành, chúng cậy thế ngọt nhạt giễu nhại hằng ngày, thỉnh thoảng lại ngáng chân, phiền ơi là phiền.
Nay gặp Giang Trừng, nhóm đệ tử Dung Trần tức thời hớn hở, rõ vẻ đồng bọn kéo sang gánh hộ còn gì!
Nghe hết chuyện, Giang Trừng trấn an đồng môn đương xúc động, bảo họ chữa thương rồi xách kiếm, dắt vài người hùng hổ lao đi đánh nhau, giành lại địa bàn.
Mẹ bận xáp lá cà, Hạch Đào Nhỏ đành ở với cha.
Giang Trừng lên đường ban trưa, khéo thay Hạch Đào Nhỏ đang ngủ, bé dậy rồi mới biết mẹ đi vắng.
Ngồi trong chăn ngó trái ngóng phải, chẳng thấy mẹ đâu, chỉ còn mỗi mình.
Hạch Đào Nhỏ: “?” À quên, còn cả rồng trắng nữa.
Chả hiểu sao rồng ta xa nhà lại ngoan đến thế, bấy giờ cuộn tròn làm vòng cho Hạch Đào Nhỏ, vẫn đang ngủ vùi.
Bé kéo rồng trắng, bị nó vụt đuôi vào tay.
Hạch Đào Nhỏ cau mày, há mồm ngoạm đuôi rồng.
“Oái!” Rồng ta la toáng rồi choàng tỉnh, bị bé nhón lấy mà vung.
“Đừng có quật nữa, chủ nhơn bảo ra ngoài có việc, tối về, nhóc mà hư tối ta mách tất!” Rồng trắng gầm gừ đe nẹt, bị Hạch Đào Nhỏ kéo râu, tức thời quậy ầm trời.
Hồi lâu sau, hai đứa nhóc trật tự lại.
Hạch Đào Nhỏ sờ đầu, bé cởi bím trước khi ngủ, giờ đành xoã tóc bò dậy mặc đồ, cầm hai sợi chun chẳng rõ phải làm sao.
Bé chưa biết buộc tóc, mỗi ngày được mẹ khéo tay tết cho đủ kiểu.
Bé cũng chả hay giờ mình phải làm gì, ở Dung Trần thì đã chạy chơi khắp chốn rồi, có sư huynh sư tỷ sư thúc sư bá, được mấy anh chị bé chăm cho, chỉ mỗi đỉnh Bạch Tín thôi đã rộng quá lắm, la cà đó đây cũng hết buổi chiều, còn giờ lạ nước lạ cái, mẹ lại đâu mất tiêu, Hạch Đào Nhỏ không dám đi rông.
Mở cửa phòng, Hạch Đào Nhỏ thấy cha mình – hoà thượng bự ngồi dưới gốc cây giữa sân.
Chỉ thoáng tần ngần rồi cầm chun, lạch bạch chạy tới chỗ Thanh Đăng đại sư.
Thanh Đăng đương ngồi thiền mở choàng mắt, nhìn bé con đứng trước mặt.
“Buộc tóc!” Hạch Đào Nhỏ đưa hai chiếc chun xinh xẻo cho đại sư.
Rồi bé con điềm nhiên xoay người ngồi ạch xuống đôi chân xếp bằng của chàng, mũm mĩm thế mà thẳng thóm ghê.
Bé không quên móc cây lược bé xíu từ túi trữ vật mẹ cho ra, chìa sang Thanh Đăng.
Thanh Đăng đại sư nhìn bé con trầm ngâm ngồi trên đùi mình chờ buộc tóc, chợt cảm thấy bé giống Giang Trừng thật – hành động đến là tự nhiên.
Chàng không gạt con đi, bình thản đón lấy lược và chun, bắt đầu chải tóc cho Hạch Đào Nhỏ.
Thanh Đăng trông ung dung, Thanh Đăng chẳng có vẻ gì là chật vật, Thanh Đăng là một nhân vật vô cùng ghê gớm, Thanh Đăng là thánh thần trong lòng đông đảo tu sĩ, cơ mà Thanh Đăng có hào nhoáng tới đâu cũng chả bưng bít được sự thật rằng mình đã “đầu không mống tóc” từ rất rất lâu rồi.
Vụ thắt tóc này ấy à, Thanh Đăng trọc lốc gà mờ lại gặp thói đời ác ý, đương nhiên đã bị con gái Hạch Đào Nhỏ chê bôi một trận.
Hạch Đào Nhỏ vê mớ tóc dôi ra, ngẩng lên nhìn cằm đại sư, “Buộc chưa hết.”
Thanh Đăng nhón lọn tóc thừa, cởi bím trái ra buộc lại.
Xong xuôi Hạch Đào Nhỏ đưa tay lên sờ, bên phải cũng mứa vài chỗ, bé bèn cúi đầu ý bảo Thanh Đăng tự mà xem.
Chàng buộc bím phải lần nữa.
Rốt cũng lấy hết tóc, song bên nhiều bên ít, lại còn chỉa lung tung.
Hạch Đào Nhỏ chưa từng trưng ra mái đầu gớm vậy bao giờ.
Bé liếc Thanh Đăng rồi dẫu môi, thảy lời muốn nói gói trong sự im lìm này.
Đại sư thiện lành tháo ra buộc tiếp, lần này bên thấp bên cao, nghiêng nghiêng ngả ngả.
Hạch Đào Nhỏ cầm gương tý hon soi thử, thấy cha mình rõ là cùi bắp, mẹ vung đại tay lên đã xinh xẻo gọn gàng, còn ổng thì chả biết kiểu gì.
Cơ mà nể cái tình trông giống hạt hạch đào mình thích, bé tha cho cha đó.
Hạch Đào Nhỏ đạo mạo thở dài, sờ mái đầu hơi đau vì bị vần vò quá lâu.
Thành phẩm vẫn chẳng đẹp đẽ chi, nếu trước đó Hạch Đào Nhỏ trông giống công chúa nhỏ thì giờ, sau khi được Thanh Đăng buộc tóc, bé đã lột xác thành trái dưa hấu đội chổi trên đầu.
Tuyệt lắm, sực nức hương đồng cỏ nội.
Cụ bà họ Dương sát vách khéo thay đi ngang, bắt gặp Hạch Đào Nhỏ và Thanh Đăng đại sư đang ngồi trên bậc cửa.
Bé con bĩu môi, ánh mắt ngóng ra cuối phố chả vui vẻ mấy, tay thì vân vê bím tóc chẳng ra sao.
Cụ Dương cưng con nít lắm, mấy đứa cháu đã theo con trai tị nạn cả rồi, cụ và ông nhà già cả không muốn xa quê, thế là ở lại.
Chốn này toàn tóc bạc da mồi, hiếm khi lại gặp bé con xinh xẻo nhường này, cụ bèn cười tít đi sang hỏi chuyện.
Sau đó đương nhiên là màn cụ Dương thắt lại tóc cho Hạch Đào Nhỏ, hai bím đuôi sam đánh rối cực đáng yêu.
Hạch Đào Nhỏ thế là vui vẻ hẳn, bé nhìn sang, thấy cha không cười nữa, Hạch Đào Nhỏ chần chừ một chốc rồi chồm sang vỗ tay cha, nghiêm túc dỗ dành, “Cha buộc tóc xấu lắm, nhưng con không có ghét cha đâu.”
Thanh Đăng: “Ờ.”
Tối hôm đấy, Giang Trừng dắt đồng bọn đi đánh nhau về còn nơm nớp lo, chả biết đại sư có chăm con gái cưng nhà mình ra đầu ra đũa không, rốt cuộc vừa mở cửa, trông rõ dáng điệu của hai cha con rồi thì cô ngớ luôn, kiếm trên tay rơi keng xuống đất, đập cả vào chân.
Cơ mà chẳng hơi đâu màng tới nữa.
Trong phòng, hai cha con ngồi túm tụm, nghe tiếng thì cùng ngoảnh lại nhìn.
Mái đầu trơn láng của Thanh Đăng đại sư thời khắc này đen nhánh như bôi trét thứ gì, chẳng những thế mà còn băng đen quấn bừa từng dải, bím trái bím phải chia đôi, được tết bằng chun của Hạch Đào Nhỏ, bên thấp bên cao.
Hàng mày trên gương mặt lúc quay sang của đại sư cũng đen thui, như bị ai vẽ cho một vòng.
Đôi gò má sáng sủa đứng đắn thì ôi thôi đầy son, chính giữ tô đỏ tròn vành.
Hạch Đào Nhỏ đầu têu thủ ác đang nắm tay Thanh Đăng, đương sơn móng đỏ cho chàng.
Giang Trừng quỳ phịch xuống, vịn cửa điên dại mà cười, run tay chõ vẻ ngoài ‘đẹp đến quỷ khóc thần sầu’ của đại sư, hỉ hả tới mức thở không ra hơi.
“Ha ha ha ha, quái gì lắm nữa ha ha ha ha, Thanh Đặng đại sư, chàng ha ha ha ha á há há há há ~~~~”
Cô cười bò ra đất, cười chẳng ngừng được, đòn này khủng quá, mỗi cái mẽ này của đại sư thôi đã đủ để cô cười trăm năm! Hạch Đào Nhỏ được lắm! Mẹ tự hào vì con!
Hạch Đào Nhỏ không rõ mẹ đương hớn hở chuyện gì, thấy mẹ cười bé cũng cười.
Hai mẹ con cứ rũ xả mải mê, Thanh Đăng đại sư vẫn điềm nhiên nhìn họ, đoạn bình thản gọi tên cô.
“Giang Trừng.”
Giang Trừng: “Ừa thôi, em không cười nữa!”
Cô gắng sức nghiêm mặt nhìn Thanh Đăng, sau lại ngoảnh phắt đầu đi – “Phụt ha ha ha không được rồi vẫn buồn cười quá đi mất ha ha ha!”
Tận khi đút con ăn, Giang Trừng vẫn xong một thìa là cười một trận, run tới độ cầm muỗng không vững, hễ nhớ tới cái điệu ban nãy của đại sư là phải ôm đầu hỉ hả đã đời.
Hạch Đào Nhỏ thấy thức ăn sắp tới miệng lại bị mẹ run tay rơi mất, dứt khoát ôm bát đưa cho Thanh Đăng.
Chơi trang điểm cả chiều, Hạch Đào Nhỏ đã bắt đầu cảm thấy cha là một hạt hạch đào tốt rồi.
Bình luận
Bình luận
Bình luận Facebook