Ngày Nào Thánh Học Triệu Fan Cũng Ghẹo Tui
-
1: Về Nước
“Cuối tháng hai, gió vẫn còn thấm cái se se lạnh của mùa đông nhưng ánh mặt trời đã lấp ló sự ấm áp của mùa hạ.
Mùa đông lạnh lẽo và mùa hè nắng chói chang giao thoa tại thành phố này, một sự đối lập chưa từng có tại Luân Đôn.”
*
Tại nhà ga T2 của sân bay thành phố H.
“Sân bay chi mà vòng vèo túm lum rựa? Làm mình mọ mệt muốn chết!”
Một cậu trai mặc đồ thể thao rộng rãi trắng tinh khôi vừa dò điện thoại vừa bước đi thoăn thoắt, giọng anh mang nét khàn khàn nhưng không đục, vẫn còn chút gì đó trong trẻo của thiếu niên, khổ nỗi cứ liên tục thốt những từ địa phương ngọng nghịu khiến người đi đường liên tục ngoái nhìn.
Gương mặt phản chiếu trong màn hình hoạt bát mà sáng sủa, mái tóc đen phất phơ theo gió, cao ráo, vai rộng chân dài.
Con trai ở tuổi này càng gầy càng toát lên sự bồng bột luôn hướng về phía trước.
Các dòng bình luận trên màn hình lướt lên thật nhanh.
[Nói gì vậy cha nội =))))]
[Ủa sáng nay mình dậy lộn đầu hả ta?]
[Chiều rồi lầu trên ơi …]
[Con tờ rym nào đang hót thế kia, nghe mà đau đầu giùm.]
Cậu trai uể oải trả lời: “Tiếng San Tây đấy.”
[Nói cho tròn vành rõ chữ xem nào, bác là người Thiểm Tây hay Sơn Tây?]
[Thiểm Tây thì thôi xin kiếu.]
[Người Sơn Tây mà điên lên thì khiếp lắm!]
[Nghe như lai Thiểm Tây với Trùng Khánh ấy.]
[Người Trùng Khánh kiểu: Bớ làng nước ơi!!!]
Khịa thì khịa nhưng bầu không khí trên bão bình luận vẫn hết sức hòa thuận, giống như cả nhà ngồi xúm lại vừa cắn hạt dưa vừa tám nhảm với nhau vậy.
Thông tin về chủ phòng livestream hiện trên góc trái, ảnh đại diện là một hạt đậu tầm thường, ID là Đậu Bảnh Trai Nhất Trần Đời mà ai nhìn thấy cũng phải chửi cái đồ ảo tưởng, số lượng fan: 1 triệu.
[Tui mới onl, cu này đang làm gì thế?]
[Tự dưng livestream, giờ nó đang ở sân bay, chẳng biết để làm gì.]
[Thấy ghi ba tháng hoạt động trên Bilibili bằng tiếng địa phương nè.]
[Bảo sao…]
[Nhưng tiếng địa phương cũng là tiếng người mà nhở?]
[Người ta lấy khăn lau đầu rồi mới lau đít, chứ chả có ai lau đít xong lau đầu cả ]
Quai túi trên vai trái vừa tuột xuống là Đậu Thịnh giữ nó lại ngay, nói về giọng bình thường: “Khó hiểu vậy à? Tôi nghiêm túc học những mười phút luôn đó!”
[Là học dữ chưa?]
[Này chắc trâu mới nghe nổi.]
[Rốt cuộc bác tới sân bay làm gì thế?]
Đậu Thịnh thở dài thườn thượt.
“Mới nhận nhiệm vụ khẩn cấp từ mẹ tôi, có người sắp đến ở nhờ nhà tôi nên mẹ kêu tôi ra đón.
Hôm nay còn là sinh nhật của tổ tông này nữa, làm tôi hớt hải đi đặt bánh kem.
Ai ngờ chuyến bay bị hoãn, mất công tôi chạy đi chạy về.”
Anh sải đôi chân dài đi rất nhanh, giọng điệu lúc nói chuyện bình thường đều đều đúng nhịp, xen lẫn chút lười biếng.
Đa phần những người góp mặt vào bão bình luận đều là fan giọng anh, ai cũng thích cách ăn nói thờ ơ, hơi vô lại nhưng khiến tai người ta muốn mang thai này.
[Ở nhờ á? Ồ quao!]
[Trai hay gái? Mấy tuổi rồi?]
[Ngoại hình thế nào? Hấp dẫn không?]
[Sinh nhật ngày 29 tháng 2 à, bốn năm mới có một lần.]
[Có quan hệ gì với cậu vậy?]
“Tôi cũng hoang mang lắm, chỉ biết là tuổi xấp xỉ tôi thôi, hừm… Chắc cũng tính là em họ, con gái.”
[Nà ní!!!]
[Mẹ kiếp, tự dưng thấy tự tin ghê.
Hế lô vợ!]
[Nể mặt con dân với nào, giới thiệu ẻm đê.]
[Thần xin tán thành.]
[Thần cũng xin tán thành, thần thích nữ sinh cấp ba lắm.]
[Antifan à?]
[Report lầu trên thôi.]
Đậu Thịnh khẽ nhếch môi với màn hình: “Mấy thằng háo sắc này, tắt tiếng cho tôi.”
[Chưa gì đã che chở em gái rồi kìa.]
[Nghi có mùi cuồng em gái hen.]
Chuyện này xảy ra rất đột ngột, người mà nhà Đậu Thịnh sắp đón về là con của bạn thân thời trẻ của mẹ anh.
Đã hai năm rồi hai bà mẹ không liên lạc với nhau, lần này chồng bà ấy đột nhiên gọi điện từ nước ngoài về để nhờ vả, xu cái là lúc nhờ vả con của họ đã lên máy bay rồi.
Mẹ anh cũng vô cùng ngạc nhiên, vội đưa cho anh một bức ảnh còn giữ từ tận mấy năm trước.
Mặt mũi đứa con nom cũng thanh tú, chẳng qua mới còn tuổi loi choi mà ánh mắt đã ra vẻ ta đây bất cần đời rồi.
Sở dĩ anh gọi bé đó là em họ, cũng do đám spam bình luận lắm chuyện quá, anh mà nói thẳng ra là không có quan hệ huyết thống có khi mấy người này làm tài khoản của anh bay màu luôn.
“Ting!” Tiếng thông báo tại sân bay vang lên, bắt đầu phát thanh.
Đậu Thịnh ngáp: “Cuối cùng cũng hạ cánh.”
*
“Ladies and gentlemen, we will be soon landing at DDLLD International airport.”
(Kính chào quý khách, chúng ta sắp hạ cánh xuống sân bay quốc tế DDLLD.)
Thông báo vừa vang lên là hành khách trên chuyến bay hối hả giở nắp cửa sổ.
Ánh mặt trời chói chang chiếu vào, sự uể oải do bay tận mười mấy tiếng đồng hồ ập đến trong chốc lát nhưng ngay sau đó đã bị xua tan bởi bầu trời quang đãng của quê hương.
Cậu trai ngồi hàng cuối gần lối đi vẫn còn đang nằm chợp mắt trên cặp, đôi chân dài co lại trong không gian chật hẹp, bờ vai thẳng nhẹ nhàng lên xuống theo nhịp thở.
Sự yên lặng ở cậu có gì đó tách biệt với bầu không khí ồn ã của những người đang trò chuyện trên máy bay, toàn thân cậu toát lên sự cô độc khó thấy.
Vào giây phút máy bay hạ cánh, cậu chợt tỉnh giấc, kéo cổ áo len xuống bằng ngón tay với khớp xương rõ ràng, sau đó ngẩng đầu tựa lưng vào ghế cho tỉnh táo.
Ánh nắng ngoài ô cửa sổ chiếu một vệt sáng lên mặt cậu, ánh sáng và bóng tối giao nhau làm tôn lên đường nét và ngũ quan tuy dịu dàng nhưng cũng không kém phần sắc nét của thiếu niên.
Một lát sau, cậu mở mắt, đứng dậy lấy túi đàn từ khoang chứa hành lý xuống, treo túi máy ảnh màu đen trên quai cặp rồi xách hết lên vai phải, sau đó băng qua khoang máy bay nườm nượp người.
Chuyến bay bị hoãn những hai tiếng, đã vậy Tạ Lan còn như bị ma ám, điện thoại hơn ba năm tuổi cách đây không lâu đột nhiên đen màn hình, sau đó rơi vào vòng luẩn quẩn bật nguồn – tắt nguồn tự động không hồi kết, quằn nhau mấy tiếng xong đi đời nhà ma, sạc pin không lên nổi cục nào.
Vì cậu không cần ký gửi hành lý nên bỏ xa đoàn người rất nhanh.
Cậu là người đầu tiên qua hải quan và một mình xuất hiện trên lối đi ra sân bay.
Tạ Lan không biết ai là người đến đón mình, cũng chưa kịp nhớ số điện thoại của người đó nốt.
Dòng người trên đường đông như nêm, cậu lướt qua những gương mặt xa lạ đó thật nhanh, định bụng tìm xem có cái bảng nào viết “Tạ Lan” hay “Lan Xie” không.
Xui là không có.
Mãi đến tận cậu đến sân bay Heathrow, Tạ Cảnh Minh mới chịu chấp nhận sự thật thằng con muốn về nước thật.
Nhà họ Tạ đã cắm rễ tại nước Anh mười mấy năm nên từ lâu không còn họ hàng thân thích gì ở bên này nữa, ông phải lục cả danh bạ mới nhờ được người đến đón Tạ Lan là bạn từ nhỏ của mẹ cậu – Triệu Văn Anh, tất cả đều diễn ra trong mơ hồ như thế.
Sau nửa phút mắt to mắt nhỏ nhìn nhau với đám đông đón người nhà đông nghịt tại sân bay, Tạ Lan tự kỷ kéo cổ áo len lên lại, dán mắt xuống mặt đất mà bước thoăn thoắt rời đi để tìm chỗ mượn máy tính để cấp cứu điện thoại của mình.
Hình như Trung Quốc có một câu thơ cổ diễn tả được tâm trạng của cậu lúc này thì phải, gì nhỉ…
Mười năm hai ngã âm dương mênh mông mờ mịt [1].
Câu tiếp theo tự nhiên tịt ngang.
À há, kẻ tha hương về nhà mà lòng nguội lạnh.
Duyệt, mượt như sunsilk.
Cậu có thể cảm nhận được tiếng Trung trời cho của mình đang nhanh chóng thức tỉnh kể từ khi đặt chân lên mảnh đất này.
*
Dì chủ cửa hàng tiện lợi đứng sau quầy rướn cổ nhìn đăm đăm vào điện thoại của Tạ Lan.
Đầu kia của dây nối đang cắm vào máy tính của dì, cho dù dì vật vã với cái điện thoại cách mấy thì màn hình cũng không sáng, cũng không tài nào tải được dữ liệu từ điện thoại về máy tính.
“Đơ rồi, chịu thôi con ơi.” Dì chủ thở dài.
Tạ Lan giằng co với màn hình đen thui mấy giây, giật dây nối ra rồi lí nhí “Cảm ơn dì ạ!”
Cậu tự động lùi sang bên cạnh để nhường chỗ cho người đằng sau lên tính tiền.
“Trà sữa đi, tớ không biết chọn gì cả.”
“Chọn vị gì giờ?”
“Tớ cũng lần đầu thấy nên bó tay.”
Ngữ điệu của người kế bên đầy qua loa nhưng chất giọng lại có gì đó thanh thanh, nghe rất thoải mái.
Tạ Lan vô thức ngoái đầu nhìn, thấy một chiếc điện thoại trước rồi mới đến khuôn mặt phía sau màn hình.
Cậu con trai đó hờ hững ngước lên nhìn Tạ Lan, cổ tay cũng cử động theo.
Tạ Lan nhanh chóng nhích qua một bên.
Người đó tinh tế quay màn hình vào áo, trầm giọng xin lỗi rồi cầm trà sữa bước tới.
Tạ Lan đang nhíu mày định lấy điện thoại về thì bỗng bị kéo một phát y như bị mắc vào cái móc, làm cậu lảo đảo qua phải nửa bước.
Sau khi đứng vững, Tạ Lan ngơ ngác ngẩng đầu, thấy cái người hùng hổ kia nghênh ngang đi ra khỏi cửa hàng với chiếc cặp treo túi máy ảnh của cậu.
Tạ Lan: “Này!”
Cậu chợt câm nín.
Khoan khoan.
Phải xưng hô sao đây?
Bạn gì ơi? Anh gì ơi? Cu ơi? Gì cũng nghe sai sai.
Ở nước Anh thì cứ quất “mate” thôi, “mate” tiếng Trung nghĩa là gì nhỉ?
Ê thằng kia?
Dù đây chỉ là cách gọi đơn giản, nhưng có thể khiến một người rối loạn ngôn ngữ chết lên chết xuống.
Khi Tạ Lan chưa đầy ba tuổi đã bị đưa ra nước ngoài, dưới sự kiên trì của Tạ Cảnh Minh, cậu được dạy dỗ hoàn toàn bằng tiếng Anh, gần như mất sạch gốc tiếng Trung, chỉ có ông ngoại sống ở Luân Đôn mà cậu hay đến chơi hằng năm là nói tiếng Trung với cậu.
Ba năm trước ông cũng qua đời, thế là cậu không còn được tiếp xúc với tiếng mẹ đẻ nữa.
Nếu phải xác định cấp độ thì tiếng Trung của cậu miễn cưỡng đạt trình độ của một đứa trẻ lớp một, có khi còn thấp hơn.
Mặc dù cách phát âm bình thường không có vấn đề gì nhưng cách dùng từ lại cực kỳ làm người ta sang chấn, khả năng nghe không tốt, nhận biết Hán tự hay viết chữ lại càng mù tịt.
Người con trai nọ đã đi tới cửa, nói thật nhanh vào điện thoại: “Tớ tìm bảng tên để ra sân bay đón người đã, cúp đây.”
Sau đó anh tắt màn hình, cất điện thoại, chiếc cặp hất mạnh về phía trước theo quán tính.
Tiếng “Bốp!” vang lên, túi máy ảnh bị mắc vào đập xuống đất.
“…” Tạ Lan đang chạy tót theo sau.
“Thế mà cũng rớt được à?”
Cậu trai vừa lẩm bẩm vừa nhặt túi máy ảnh lên, kéo phéc-mơ-tuya, lấy chiếc máy ảnh Mirrorless nhỏ gọn đời mới nhất của hãng C rồi thành thạo mở màn hình gập ra, nhấn nút mở máy, loạt động tác diễn ra suôn sẻ liền mạch.
Ai mà nói đó là máy ảnh của anh thì Tạ Lan suýt tin.
Lúc anh chàng lạch cạch điều chỉnh độ phơi sáng, Tạ Lan ngập ngừng đi tới sau lưng anh, do dự đưa tay ra nhẹ nhàng vỗ lưng anh trước.
“!!!”
Thằng chả này tự dưng nhảy bật sang bên cạnh như thể lỡ bị bật trúng công tắc thần kinh nào đó, tuột tay làm máy ảnh lại rơi cái bốp xuống đất.
Lần này không có túi bảo vệ, nó đã trình diễn một màn đáp đất với âm thanh đầy “êm tai”, xác bay tứ tung.
“…”
Anh nhặt máy ảnh lên rồi ngước mắt, nói với vẻ không vui: “Tự nhiên đứng sau lưng vỗ vai người ta, bị điên à?”
Tạ Lan còn bực bội hơn: “Xem thử máy ảnh có bị hỏng không.”
Cậu trai dùng tay áo lau ống kính, muốn bật máy lên nhưng phát hiện nút khởi động đã lõm vào, xung quanh máy sứt mẻ, màn hình cũng vỡ mất một góc.
Anh hít sâu, giọng đột nhiên vút lên: “Ê, tôi mới tậu con này, đang có hứng tập tành chụp ảnh, ngày nào cũng gài năm mươi ngàn đồng thì vẫn không đủ tiền mua mà chưa gì đã bị cậu huých từ sau một phát bay màu là sao?”
Giờ mới ngộ ra tên này cũng giỏi ăn nói gớm.
Thất lễ thất lễ.
Khổ nỗi Tạ Lan không theo kịp tốc độ nói chuyện nhanh như thế, chỉ kịp hiểu được mấy chữ đầu “mới tậu” và một số từ then chốt ngắt quãng đằng sau, chẳng hạn như “gài năm mươi ngàn đồng”.
Cậu suy nghĩ một hồi, thằng cha này vơ máy ảnh của cậu có thể cố tình mà cũng có thể vô ý, nhưng nghe câu này thì nghi là ăn trộm lắm.
Mặt mũi nhìn cũng sáng láng mà, hóa ra chỉ là một tên ngoài bóng bẩy trong bại hoại.
Người nọ nhíu chặt mày hơn nữa: “Cái máy này đi đời nhà ma rồi, cậu nói gì đi chứ? Tôi đang vội, không muốn đôi co với cậu đâu, hàng mới mua lẻ 3999, Wechat hay Alipay? Cậu quét tôi hay tôi quét cậu?”
Tạ Lan chau mày tiêu hóa tràng pháo liên thanh này, mới load được đến câu “Tôi đang vội” đã quên sạch vế sau.
Không cần thiết, get được từ khóa thôi.
“Vội cái gì mà vội, tôi bắt được cậu rồi, tôi sẽ báo cảnh sát.”
“?”
Vẻ ngờ vực hiện ra trong đôi mắt đối diện.
“Cậu làm cái quái gì vậy?”
Tạ Lan không muốn nói nhiều, cúi đầu nhìn cái điện thoại đã hỏng của mình rồi bực bội chìa tay về phía anh.
“Cậu có điện thoại chứ?”
“Làm gì?”
“Báo cảnh sát.”
Người đối diện câm nín một hồi rồi nói chậm lại: “Tôi mới là người cần báo cảnh sát chứ? Khoan, suýt thì bị cậu lùa, báo gì mà báo hả?”
“Không thì cậu báo đi.” Một thành ngữ hiện lên trong đầu Tạ Lan: “Tự tin thì cứ làm mạnh dạn vào, đừng ngại.”
“…”
Người đi đường xung quanh lướt qua thật nhanh, chẳng ai để ý tới hai cậu trai đang giằng co nhau trước cửa hàng tiện lợi.
Sau một hồi im lặng, người nọ xuýt xoa: “Đừng bảo là óc vào…”
Đang nói thì nhìn thấy túi đàn Tạ Lan đang đeo trên lưng, anh sửa lời: “Cậu biết chơi đàn nữa à?”
Tạ Lan bực dọc cầm quai đeo balo trống không: “Điện thoại, nhanh.”
Có lẽ cuối cùng cũng biết sợ khi thấy cậu dọa gọi điện báo cảnh sát nhiều lần, nét mặt của người nọ thay đổi xoành xoạch hết sức diệu kỳ, cuối cùng thấp thoáng chút thông cảm mà nhìn cậu thở dài.
Sự thay đổi ấy làm người ta lạnh sống lưng đến lạ.
“Cậu có chắc là muốn báo cảnh sát không? Không suy nghĩ lại à?”
“Xin xỏ cũng vô ích thôi.” Tạ Lan đanh mặt.
Một giọng nữ chợt vọng lại từ đằng sau.
“Này nhóc, cái này của cháu đúng không?”
Dì chủ cửa hàng tiện lợi từ từ chạy tới, xách theo một túi máy ảnh màu đen trông cực kỳ quen mắt.
Nhìn thấy Tạ Lan, dì thở phào nhẹ nhõm: “May mà vẫn chưa đi xa, cái này rơi trên quầy của dì.”
Tạ Lan nhận túi máy ảnh, đần mặt hai giây mới vỡ lẽ ra sự thật.
Thời gian để cậu từ lạnh lùng vô tình đến mặt đỏ tới mang tai chỉ mất 0 giờ 1 giây.
Từ đỏ tới mang tai đến tai đỏ như gấc, chỉ bằng tiếng “Ồ” bừng nắng hạ rõ dài của ai đó.
Tên trộm bất đắc dĩ đặt máy ảnh lên cổ tay, khẽ nhướng mày: “Còn báo cảnh sát nữa không?”
“…”
Mới về nước mà đã báo rồi!
_______
[1] Bài thơ “Giang Thành Tử” của Tô Đông Pha.
Đây là một bài từ theo điệu Giang Thành Tử, tác giả viết ra trong thời gian làm quan xa nhà, sau một đêm nằm mộng mơ thấy người vợ đã chết 10 năm trước.
Tình ý miên man ngỡ như đã ở ngoài vòng thời gian và đôi bờ sinh tử không còn là một cách biệt, còn câu dưới thụ chế ra thôi..
Bình luận
Bình luận
Bình luận Facebook