Nếu Em Không Về
Chương 4


Tôi bị tát đến mức xây xẩm mặt mày nhưng vẫn kịp nhận ra người đánh mình là chị Hoa – chị chồng của tôi.

Cả công ty nhìn tôi đầy tò mò, hôm đầu tiên vào bị chồng đánh đến mức thâm tím mặt mày, làm một tuần thì chị chồng đến sỉ vả thậm tệ.

Trên đời này còn gì nhục nhã, đáng khinh hơn thế? Cả người tôi bàng hoàng, mặt nóng bừng vì xấu hổ chỉ muốn có hố nào mà chui vào nhưng vẫn phải cố gắng giữ bình tĩnh định kéo chị Hoa đi ra ngoài.

Dù sao đây cũng là công ty, tôi không muốn vì tôi mà ầm ỹ, càng không muốn ảnh hưởng đến công việc này.

Thế nhưng chị ta dường như không biết đến đúng sai, phải trái, hất tay tôi ra rồi tát thêm một phát sau đó lại gào to:
– Mày không phải kéo tao đi, để tao nói cho tất cả mọi người biết bộ mặt hồ ly của mày.

Có chồng có con rồi mà vẫn không chịu yên phận, vẫn tơ tưởng thằng khác rồi đòi ly hôn em trai tao.

Bao nhiêu năm nay nó cung phụng mày, tiền của mang về cho mày mày chỉ tớn lên làm đẹp rồi đi định cắm cho nó quả sừng à?
Chị ta mắng như vậy làm mọi người trong sảnh càng đổ dồn mắt về phía tôi.

Cái tát của chị ta như nảy lửa, miệng tôi cũng tanh tưởi mùi máu.

Tôi nhìn chị ta, nỗi uất ức và căm phẫn bị đè nén bao lâu nay như muốn trỗi dậy.

Lần trước chị ta đánh tôi tôi còn chưa nói công bằng, hôm lại lên cơn vô cớ mà tôi chẳng hiểu vì sao.

Thế nhưng ở tình cảnh này tôi cũng chỉ cắn răng chịu đựng nhỏ nhẹ nói:
– Chị Hoa, đừng nói lung tung nữa, đây là công ty, có gì rồi về nhà nói.
Vừa dứt lời chị ta lại lao vào túm lấy tôi vừa đánh vừa chửi:
– Mày chột dạ rồi à? Có tật giật mình à? Tao không đi đâu cả, tao đứng đây nói cho cả thiên hạ biết bộ mặt lăng loàn của mày.
Đến lúc này quả thực tôi không thể chịu đựng được nữa liền gắt lên:
– Chị Hoa! Nãy giờ không muốn làm ầm ỹ nên tôi cố nhịn nhưng chị vừa vừa phải phải thôi nhé, một hai câu chị nói tôi lăng loàn.

Chị đặt điều như vậy không sợ khẩu nghiệp à? Đi! Đi về nhà tôi với chị nói chuyện.
Vừa dứt lời chị ta mắt long sòng sọc định lao vào đánh tôi tiếp.

Tôi biết ngay tính khí chị ta nên nãy giờ mới cố nhẫn nhịn, chị ta chẳng khác gì con nhím xù lông, đụng vào cũng chết mà không đụng vào cũng chết.

Lúc này tôi cũng chẳng thiết tha gì nữa, xấu hổ cũng xấu hổ đủ rồi định một hai làm cho ra nhẽ với chị ta thì đột nhiên Dương cũng đi đến trước mặt tôi khiến chị Hoa không thể đánh được nữa.

Anh nhìn tôi vẻ mặt đầy khó chịu, lạnh nhạt hỏi:
– Người nhà cô à?
Tôi cúi đầu, cảm giác vô cùng bất lực lí nhí đáp:
– Vâng.

Chị chồng tôi.
Chị Hoa đứng bên cạnh, khoé môi nhếch lên định vung tay đánh tôi tiếp thì anh đã túm lấy tay chị Hoa lạnh lùng nói từng câu từng chữ:
– Đủ rồi đấy! Đây là công ty, không phải cái chợ cho mấy người làm loạn.

Muốn làm loạn thì ra chỗ khác.
Chị Hoa ngước lên nhìn Dương cười mỉa mai:
– Mày là ai mà bênh nó? Hay mày mèo mả gà đồng với nó?
Tôi nhịn không nổi nữa gằn lên:
– Chị im mồm đi! Đừng có ngậm máu phun người.
Chị ta nhìn tôi đang định chửi tiếp thì Dương đã gằn giọng:
– Cô biết tội vu khống bị xử thế nào không? Một là cút khỏi đây, hai là tôi sẽ gọi công an đến giải quyết!
Nghe đến hai chữ “công an” đột nhiên chị ta bỗng thu lại vẻ hùng hổ trên mặt.

Trong phút chốc làn da cũng tái đi nhưng vẫn cố chấp nhìn tôi lên tiếng:
– Mày cứ chờ đấy!
Nói xong chị ta cũng lủi ra ngoài.

Còn tôi mang theo sự hổ thẹn đến đáng khinh.

Với cách nói chuyện của Dương ban nãy đủ thấy anh vô cùng tức giận.

Có lẽ anh khinh bỉ tôi lên đến đỉnh điểm rồi.

Mặc dù mọi chuyện đã được giải quyết xong, tôi cũng chẳng làm sai điều gì nhưng cũng không còn mặt mũi nào mà nhìn mọi người chứ đừng nói đi ăn.

Thế nên tôi chỉ có thể tiếp tục cúi đầu lí nhí nói:
– Xin lỗi vì đã làm ảnh hưởng đến mọi người.

Tôi xin phép về trước ạ.
Thư ký Hà nghe vậy liền lên tiếng:
– Cô không làm gì sai không phải xin lỗi.

Là chị ta vô duyên vô cớ đến đánh cô.

Cũng không cần phải từ chối bữa liên hoan hôm nay.
Có điều dù thư ký Hà nói vậy tôi cũng không có chút tâm trạng nào mà đi nữa.

Mới đi làm được mấy ngày mà biết bao nhiêu chuyện xảy ra đã đủ nhục nhã lắm rồi nên khẽ đáp lại:
– Xin lỗi mọi người, mọi người cứ đi ăn đi ạ.

Tôi có chút chuyện cần giải quyết nên mong mọi người thông cảm.
Mọi người trong công ty không ai nói gì, tôi cũng không biết mọi người nhìn tôi với ánh mắt thế nào nhưng tôi không dám ngẩng lên chỉ cắm cúi đi ra ngoài.

Lúc lấy xe máy, tôi bỗng cảm giác như có ai đó đang nhìn mình.

Có điều tôi cũng không đủ can đảm mà nhìn lại.

Có lẽ tháng năm sống hèn mọn cũng tôi hèn mọn đi.
Gió lạnh thốc từng cơn vào mặt bỏng rát.

Lúc ấy khi đứng trước toàn bộ người trong công ty bị đánh tôi cố tỏ ra kiên cường, nhưng thực ra tôi đã cố ngăn để mình không khóc.

Trước kia khi chia tay Dương từng nói với tôi loại người như tôi không đáng để anh yêu, nếu gặp lại anh mong tôi sẽ sống không bằng chết! Đúng! Tôi đang sống một cuộc sống khổ sở đến cùng cực.

Mà sự bất lực và tuyệt vọng nhất chính là năm lần bảy lượt để cho người đó nhìn thấy tôi sống không bằng chết!
Tôi biết hôm nay Dương đứng ra đuổi chị Hoa đi không phải có bất cứ ý nghĩ gì là giúp tôi.

Đơn giản đây là công ty của anh, anh không muốn ảnh hưởng đến danh dự công ty mà thôi.

Tôi không dám manh nha một ý nghĩ nào khác, chỉ thấy vô cùng hổ thẹn trong lòng.
Tôi lái xe một mạch, không về nhà mà đến thẳng nhà chị Hoa.

Dù sao đi chăng nữa tôi nghĩ mình cũng phải lấy lại công bằng cho mình, không thể để chị ta mãi bắt nạt mình như vậy.

Nếu như hôm nay không nói biết đâu mai kia chị ta lại tiếp tục được nước lấn tới.


Chỉ có điều khi tôi đến nhà chỉ có cái Linh ở nhà với mẹ chồng tôi.

Thấy vậy tôi liền hỏi nó:
– Mẹ cháu đâu?
– Mẹ cháu với bố cháu đi Hà Nội rồi mợ ạ.

Vừa về lấy quần áo đi rồi, cách đây mới có mấy phút thôi, còn dặn cháu ở nhà với bà, phải mấy hôm bố mẹ cháu mới về.
Đi Hà Nội? Tôi cố kìm cơn giận lại, đến tận giây phút này vẫn không hiểu vì sao chị ta vô duyên vô cớ đến công ty tôi làm loạn.

Càng không hiểu chị ta lấy thông tin tôi đòi ly hôn Việt ở đâu ra? Tôi biết chị Hoa là người đàn bà chẳng tốt đẹp gì, ngoài việc hằng ngày tru tréo chửi bới tôi chị ta chưa giúp gì được cho tôi.

Thế nhưng lần này chị ta hơi quá đà, đến tận công ty oang oang chửi tôi rồi cuốn xéo nhanh vội khiến tôi có chút nghi hoặc trong lòng.

Một cảm giác mơ hồ lạ lẫm mà tôi cũng không giải thích được, rốt cuộc là Việt đã nói gì khiến chị ta lên cơn như vậy.

Mà giờ chị ta không ở đây tôi chẳng nào hỏi được nên đành thôi.
Từ nhà chị Hoa tôi lái xe về nhà, vừa hay gặp Việt.

Đúng lúc tôi cũng cần gặp anh ta nên đỗ xe rồi đi vào nhà.

Thấy tôi anh ta liền hỏi:
– Sam, So đâu?
Hiếm khi gặp nhau mà anh ta không mỉa mai tôi, thế nhưng giờ tôi chẳng còn tâm trạng mà để ý điều đó mà hỏi lại:
– Anh nói gì với chị Hoa? Anh đặt điều gì về tôi?
Việt nghe tôi hỏi như vậy bất chợt ngước mặt lên, hai hàng lông mày nhíu lại hỏi:
– Cô nói cái gì vậy?
– Tôi hỏi anh nói gì với chị Hoa để chị ấy hiểu nhầm tôi? Để chị ấy đến công ty làm loạn lên?
– Cô bị điên à? Tôi nói gì với chị ấy chứ?
– Anh không nói thì ai nói? Chị ta đến công ty trước mặt tất cả mọi người nói tôi lăng loàn, đĩ điếm, nói tôi ve vãn thằng đàn ông khác nên mới đòi ly hôn với anh.

Anh có biết tôi nhục nhã xấu hổ lắm không? Khó khăn lắm tôi mới kiếm được công việc tử tế, nhưng hết ngày nọ đến ngày kia các người khiến tôi không yên nổi ngày nào.

Tôi còn phải kiếm tiền lo cho con, giờ tôi mất việc thì sẽ thế nào chắc anh cũng biết rồi chứ?
Lần này ánh mắt anh ta lộ rõ sự sững sờ hỏi lại:
– Chị ấy đến công ty cô?
– Anh đừng giả vờ giả vịt nữa.

Việt! Tôi thật sự mệt mỏi rồi, đừng dồn tôi vào đường cùng nữa.

Tha cho tôi đi.

Không ly hôn cũng được, nhưng tôi xn anh, xin các người để cho tôi và các con một con đường sống, xin các người để tôi kiếm tiền nuôi con.
Việt thoáng ngẩn người nhưng không đáp.

Tôi cũng không có thêm chút sức lực nào để nói chuyện hay đôi co mà xách túi đi đón Sam So.

Lúc đến nơi cái Phương kinh ngạc hỏi tôi:
– Sao vậy? Tưởng mày đi liên hoan cơ mà.
– Có chút việc nên không đi nữa.

Sam, So đâu mày?
– Ăn cơm rồi, đang trong nhà chơi với mẹ tao.
Tôi ngó vào thấy mẹ cái Phương đang dạy Sam, So ghép hình thì lòng cũng ấm áp trở lại, tất cả mọi thứ đáng khinh miệt, đáng hổ thẹn cũng tan biến đi.

Hai đứa mải chơi nên không nhìn thấy mẹ, đến khi tôi vào cả hai mới chạy ù ra ôm chặt.
Ba mẹ con ngồi trên con xe máy cũ kĩ về nhà.

Nhưng có điều đi đến đầu ngõ thì xe cũng hỏng, tôi chỉ đành gửi xe ở tiệm sửa xe gần đó rồi cõng So trên lưng, một tay dắt theo Sam trở về nhà.

Trên đường đi hai anh em nói chuyện ríu rít.

So ở trên lưng tôi vừa chạm lên tóc rồi vừa kể:
– Mẹ ơi, hôm nay bà Tâm dạy con với anh Sam ghép hình gấu trúc, vui ơi là vui.
Sam ở dưới cũng vui vẻ đáp lại:
– Bà Tâm còn cho bọn con mấy bộ ghép hình nữa.

Bà Tâm nấu canh cá, rán trứng cho con với em So nữa.
– Mẹ ơi, bà nội với bà ngoại không thích Sam, So hả mẹ? Chỉ có bà Tâm là thích Sam, So thôi mẹ nhỉ?
Sam, So biết nói từ rất sớm, giờ ba tuổi dường như cái gì cũng nói được ra.

Đi đâu về, ai như thế nào đều kể lại cho mẹ nghe.

Chỉ là… những đứa trẻ như vậy, càng hiểu chuyện sớm lại càng khiến người ta đau lòng.

Đối diện với câu hỏi của So tôi thấy buồn vô hạn nhưng vẫn cố gượng cười nói với con:
– Sam, So đáng yêu như vậy ai cũng đều thích cả.

Mẹ này, cô Phương này, bà Tâm này, cậu Tú và dì Liên Anh nữa.
So nghe vậy thì gật đầu đáp:
– Vâng.

So hiểu rồi mẹ ạ.

Mẹ ơi, bố có ở nhà không mẹ?
– Chắc là có đấy.
– Mẹ ơi mẹ bảo bố mai ở nhà ăn cơm cùng Sam, So nhé.
– Ừm.

Để mẹ bảo bố, chỉ sợ bố phải đi làm thôi.
– Dạ!
Trời cũng dần tối, bóng ba mẹ con tôi đổ dài trên đường, tiếng cười nói của Sam, So cũng vang vọng một góc.

Mấy cây bàng đầu ngõ thi thoảng rụng từng lớp lá xuống đất.

Khi về gần đến nhà tôi mới để ý phía sau lưng có một chiếc xe Volvo đang đi rất chậm cũng không rõ đã đi phía sau lưng tôi từ bao giờ.

Khu nhà tôi là khu tập thể cũ, xung quanh đa phần toàn là những tầng lớp nghèo như vợ chồng tôi có xe sang đi vào đây là điều rất hiếm.

Nhưng tôi cũng không để tâm gì nhiều cùng Sam, So vào trong.
Vừa vào đến sân tôi và Sam, So bỗng giật mình bởi tiếng thằng Tú quát lớn:
– Nói cho anh, cho cả nhà anh biết lần sau còn đụng vào chị tôi lần nữa thì đừng trách tôi.

Đụng vào ai chứ đụng vào chị tôi tôi sẽ liều mạng với anh đấy.
Tôi nghe xong hoảng hốt bế hai đứa chạy vào cũng thấy thằng Tú hai mắt long sòng sọc, còn Việt thì một bên má cũng sưng đỏ lên.

Không cần đoán cũng thừa biết chuyện gì xảy ra nên vội vã túm lấy tay thằng Tú rồi nói:

– Tú, đi về đi.
Có điều hình như chuyện đã xong, thằng Tú nó không có ý định đánh Việt nữa mà chỉ lừ mắt nhìn rồi quay sang tôi, nhưng thấy Sam, So ở đó nó không nói gì mà kéo tôi ra sân rồi bảo:
– Mẹ kiếp! Chị em nhà anh ta điên hết cả rồi.

Còn lần nữa em đập chết luôn.

Mà còn lần nữa thì chị cũng ly hôn đi!
Tôi biết em trai thương mình, nhưng lại không muốn vì mình mà đánh nhau thế này, càng không muốn làm to chuyện ra nên gật đầu đáp lại nó:
– Chị biết rồi nhưng từ lần sau em đừng đánh nhau với anh ta nữa.

Nhỡ rồi dính dáng đến pháp luật lại khổ ra.
– Nhưng em tức! Thêm cả mụ chị anh ta nữa, hôm nay em mà ở công ty là chị ta chết chắc luôn! Đúng là con mụ thần kinh.
– Được rồi mà.

Em không đi liên hoan à?
– Liên hoan gì nữa? Công ty cũng huỷ buổi liên hoan hôm nay rồi.
Tôi nghe xong thì kinh ngạc hỏi lại:
– Huỷ buổi liên hoan?
– Vâng! Chắc do con mụ kia làm loạn lên nên mọi người cũng không còn hứng thú đi nữa.
Tự dưng tôi lại thấy áy náy vô cùng, vì chuyện liên quan đến tôi mà mọi người lại mất vui.

Nhưng ngoài áy náy sâu hơn trong lòng tôi là một nỗi sợ.

Tôi sợ… mình sẽ bị đuổi việc… Vỏn vẹn chưa đến nửa tháng mà tôi đã tự mình làm mình nổi tiếng theo một cách tiêu cực thế này.

Với một kẻ lúc nào cũng cần đến tiền như tôi, thứ sợ hãi nhất chính là không có tiền kiếm lo cho các con của mình.
Khi thằng Tú đi về vào nhà tôi thấy Việt đang chơi với Sam, So.

Anh ta dường như không để tâm đến chuyện thằng Tú đánh mình mà chơi với con rất vui vẻ.

Tuy tâm trạng tôi đang rối bời nhưng vẫn nhìn thấy hai bộ chong chóng điện tử trên tay hai đứa.

Hai bộ chong chóng này Sam, So rất thích nhưng vì khá đắt nên tôi chưa thể mua được cho hai đứa.

Sam, So thấy tôi vào thì giơ chong chóng của mình lên khoe với tôi:
– Mẹ ơi, bố mua cho Sam, So này.

Mẹ ơi, Sam, So thích lắm lắm luôn.
Tôi nhìn Việt, cũng không biết nên vui hay nên buồn, trong lòng đầy những mâu thuẫn đan xen nhau nhưng vẫn cố cười đáp lại con rồi cho hai đứa đi tắm sau đó mới ra chơi tiếp.

Đêm ấy Việt ngủ ở nhà, ba mẹ con tôi ngủ một phòng, Việt ngủ ở phòng đối diện.

Thế nhưng cả đêm tôi lại không sao ngủ được.

Kể từ lần anh ta đánh tôi tôi luôn thấy ám ảnh sợ hãi mặc cho anh ta chẳng làm gì nhưng đến gần sáng tôi cũng mới thiếp đi.

Đến khi tỉnh lại đã thấy Việt đi làm từ bao giờ, tôi cũng thở phào cho Sam, So ăn sáng xong đi học rồi tôi cũng đi làm.
Lúc đến công ty không ai bàn tán gì về chuyện hôm qua nhưng ai lại cũng nhìn tôi với ánh mắt khó ưa, như thể tôi là kẻ tội đồ, là kẻ chẳng ra gì.

Tôi không dám nói gì, cũng chỉ biết im lặng chịu đựng, trong lòng vừa tủi thân vừa ấm ức với chị Hoa nhưng cũng chẳng thể khóc lóc hay gục ngã mà vẫn phải cố gắng kiên cường đối mặt với tất cả.

Vào bàn làm việc được một lúc thì chị Thu cũng từ trên tầng hai xuống đi về phía tôi rồi nói:
– Chuyện hôm qua tôi không biết cô đúng sai thế nào, nhưng chuyện cá nhân thế này mà ầm ỹ làm ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến công ty.

Sếp Dương rất giận, cô lên trên gặp sếp để giải trình đi.

Lần này tôi không nói giúp nổi, sếp không muốn nghe, còn kỉ luật hay có hình thức phạt thế nào cũng phải chịu.
Thấy chị Thu nói vậy tôi bỗng thấy tay chân bủn rủn, biết rằng mình không làm sai điều gì nhưng có thế thì đã sao? Đứng ở vị trí là Dương hay mọi người thì đều thấy đây là lỗi của tôi.

Để cho chị chồng đến làm loạn như vậy thì là lỗi của tôi chứ biết đổ cho ai bây giờ? Tôi bỗng thấy thế giới này khắc nghiệt đến mức như muốn bóp chết tôi ngay lập tức.

Nếu như Dương đuổi việc tôi… tôi thật sự không biết phải đi đâu tìm được một công việc tử tế nữa.
Lên đến phòng của Dương nhưng tôi không dám vào, cứ đứng tần ngần mãi ở bên ngoài.

Mãi đến khi thư ký Hà từ dưới lên tôi mới hít một hơi, gõ cửa.

Bên trong tiếng Dương vọng ra:
– Vào đi!
Tôi bước vào, quả thực không có chút dũng khí nào đối diện với anh nhưng vận khí đen đủi nên vẫn đành phải đối diện.

Gương mặt Dương không chút cảm xúc nào, tôi không nhìn nổi ra anh đang nghĩ gì.

Hai tay tôi nắm chặt đến mức mồ hôi cũng túa ra, không nói được câu gì chỉ im lặng như vậy.

Có lẽ Dương cũng nhịn không nổi bởi sự hèn mạt của tôi mà lạnh lùng hỏi:
– Cô không có mồm à?
– Tôi… tôi xin lỗi.
– Ngoài xin lỗi ra cô không còn biết nói gì khác nữa hay sao?
Đối diện với sự chất vấn của anh tôi bỗng thấy tim mình nhói lên.

Cuối cùng tôi cũng hít một hơi rồi đáp lại:
– Xin lỗi anh, xin lỗi vì chuyện cá nhân của tôi làm ảnh hưởng đến công ty.

Nhưng thực sự là tôi không làm sai gì cả, chuyện người ta đến đặt điều cho tôi bản thân tôi không quản nổi cũng không có cách gì để quản.

Tuy nhiên nó vẫn là liên quan đến cá nhân tôi nên tôi xin nhận lỗi về mình.
– Vậy nên?
– Vậy nên mong công ty có thể giơ cao đánh khẽ..

tôi còn hai đứa con nhỏ, chồng tôi lại đang thất nghiệp, tôi rất cần công việc này.
Khi nói đến câu này tôi bỗng thấy mắt Dương bỗng tối sẫm lại, hai tay nắm chặt lại với nhau như đang nổi giận.

Nhưng rồi rất nhanh anh khẽ cười nhạt nói:
– Vì chồng con của cô nên cô mới phải cúi đầu trước tôi?
– Tôi… xin anh hãy cho tôi một cơ hội.
– Đi ra ngoài đi!
– Tôi xin anh cho tôi một cơ hội được không? Thật sự tôi rất cần công việc này.
– Tôi bảo cô đi ra ngoài! Điếc à?
– Dương!
– Đừng có gọi tên tôi! Cô không xứng! Cút ra ngoài cho tôi.
Tôi thấy Dương như vậy cũng không dám ở lại nài nỉ thêm.


Lòng tự trọng có bị chó tha thì cũng vẫn biết tôi không nên xin xỏ thêm nữa.

Lúc đi xuống dưới mọi người lại nhìn tôi đầy tò mò.

Tôi chỉ đành về chỗ ngồi lặng lẽ mở máy ra.

Lần này làm Dương tức giận như vậy tôi chỉ e rằng khó mà giữ được công việc này.

Tôi ngồi tần ngần mãi như vậy chợt nhìn lên tờ lịch bên cạnh mới biết hôm nay đã là 15/11.

Bỗng dưng trong lòng tôi nảy sinh một nỗi chua xót vô hạn.

15/11… vậy là đã gần tám năm trôi qua rồi.

Hoá ra cũng đã lâu đến vậy.
Cũng chẳng biết tôi ngồi dán mặt vào màn hình máy tính bao nhiêu lâu mãi đến khi thư ký Hà đi xuống gọi tôi hai ba câu tôi mới như bừng tỉnh.

Thư ký Hà thấy tôi như mất hồn thì cười:
– Sao vậy? Sếp Dương doạ nên sợ quá à?
– Tôi…
– Sếp công tư phân minh nên lần sau cô cũng chú ý hơn.

Mấy chuyện cá nhân ngoài lề nên giải quyết ổn thoả đừng để sự việc như hôm qua xảy ra nữa.

Sếp ra quyết định rồi, tháng này cô bị phạt trừ 20% lương.
Tôi nghe thư ký Hà nói thì hoàn toàn không tin được lắp bắp hỏi lại:
– Sao cơ ạ?
– Trừ 20% lương.
Lúc này tôi mới kịp load, không kìm được nữa mừng rỡ vô cùng liên tục nói cảm ơn.

Thư ký Hà nhìn tôi kinh ngạc hỏi:
– Bị trừ lương mà cô vui thế à?
– Vâng.

Miễn là không bị đuổi việc là tôi mừng lắm rồi.

20% lương là quá nhân nhượng với tôi.

Thư ký Hà, lần nữa cảm ơn cô.
– Cô muốn cảm ơn thì phải cảm ơn sếp Dương chứ.

Trân! Cô làm việc rất cẩn thận, tỉ mỉ, bản thân cô cũng có năng lực nên chỉ cần cố gắng không để chuyện riêng ảnh hưởng đến công việc là được.
– Vâng! Tôi hiểu rồi, tôi sẽ chú ý hơn.
– Được rồi, được rồi, chuyện qua rồi.

À, cô chuẩn bị chút đi, lát cùng sếp lên Hà Nội tiếp đối tác người Trung.
Thư ký Hà thông báo làm tôi có chút bất ngờ hỏi lại:
– Tôi đi cùng sếp Dương lên Hà Nội ấy ạ?
– Phải! Quen dần với việc đột xuất thế này đi là vừa.
– Nhưng…
– Tôi biết cô có hai con nhỏ nên xếp lịch trong ngày thôi.

Tối là về rồi, cô yên tâm đi.

Chị Thu con còn mới được một tuổi mà trước đã phải đi công tác nước ngoài một tuần kìa.

Phụ nữ chúng mình thiệt thòi, chăm con thì không có tiền mà muốn kiếm tiền thì cũng xác định con thiệt thòi một chút.

Nhưng không kiếm tiền thì lấy cơm đâu mà bỏ miệng đúng không?
Tôi nhìn thư ký Hà buột miệng hỏi:
– Cô cũng có con rồi sao? Nhìn cô trẻ trung, xinh đẹp thế này tôi cứ tưởng cô chưa chồng con gì cơ?
– Tôi có con rồi, nhưng chồng thì chưa.
Nói xong không đợi tôi đáp thư ký Hà đã cười rồi nói tiếp:
– Được rồi cô ở đây chờ tôi một lát, tôi qua phòng nhân sự báo đã.
Khi thư ký Hà quay trở lại tôi cũng chuẩn bị xong giấy tờ cho vào túi.

Cứ tưởng thế là xong ai ngờ lên phòng cô ấy mới biết còn phải thay quần áo.

Thư ký Hà đưa cho tôi bộ đầm áo công sở mới rồi bảo:
– Đây là quần áo công ty trích quỹ ra để mua cho nhân viên mới mà hôm qua mới về.

Làm việc ở một công ty chuyên nghiệp thì trước hết bản thân cũng phải chuyên nghiệp, mà cái chuyên nghiệp đầu tiên là ngoại hình phải chỉn chu đã.

Người ta chưa biết năng lực của mình ra sao, nhưng ngoại hình gọn gàng, bắt mắt thì đã ăn điểm rồi.

Cô cũng rất xinh đẹp, vóc dáng cao ráo thì đừng để phí hoài đi.
Tôi nhìn thư ký Hà, bỗng dưng cảm thấy cô gái này rất đáng khâm phục và ngưỡng mộ.

Đây mới là mẫu phụ nữ hiện đại, tự tin đáng để học hỏi.

Đúng là làm ở công ty thế này chỉ duy nhất mình tôi mặc những bộ đồ cũ kỹ, còn ai cũng chỉn chu cả.

Thay xong bộ đầm công sở, thư ký Hà nhìn tôi chẹp miệng:
– Đấy, đúng là công ty không nhìn nhầm người mà, mặc bộ đồ này khác hẳn luôn.

Còn bốn bộ nữa tôi để ở đây, có gì lúc nào đi công tác về cô lấy sau nhé.
– Vâng! Thư ký Hà, cảm ơn cô.
– Cảm ơn tôi gì chứ? Có cảm ơn thì cảm ơn công ty có nhiều chế độ đãi ngộ ý.

Thôi cô lấy đồ rồi đi đi, sếp chắc đang chờ ở dưới rồi.
Tôi cầm túi xách đi xuống sảnh đã thấy con xe Audi của công ty chờ sẵn.

Cứ tưởng sẽ có tài xế lái mà tôi lại chỉ thấy mỗi Dương nhưng vẫn mở cửa ghế sau để ngồi lên.

Dương không nói gì mà lặng lẽ lái xe đi, có lẽ cơn giận của anh cũng nguôi đi phần nào, vẻ mặt không chút cảm xúc nào.
Vì chỉ có hai chúng tôi nên bầu không khí hết sức nặng nề.

Có lẽ nếu không vì công việc thì anh cũng chẳng muốn nhìn thấy mặt tôi.

Tôi nhìn Dương, rất muốn nói cảm ơn anh, cảm ơn đã cho tôi một cơ hội được ở lại nhưng rồi lại không nói ra nổi.

Cảm giác tình cảnh của tôi và anh bây giờ đến mở miệng nói đôi ba câu xã giao cũng khó.

Đắn đo rất lâu, cuối cùng tôi cũng cố gắng mặt dày nói với Dương ba chữ:
– Cảm ơn anh!
Dương nghe tôi nói vậy vẫn không hề thay đổi nét mặt, chẳng chút cảm xúc nào đáp:
– Khỏi cần cảm ơn, tôi để cô ở lại làm việc không phải vì cô mà vì công ty không thể vừa tuyển cô đã đuổi nên khỏi cần cảm ơn tôi làm gì.

Cô cũng nên tự giải quyết chuyện cá nhân đi, đừng làm ảnh hưởng đến người khác, đến công ty!
– Vâng! Tôi hiểu rồi.
Nói xong bầu không khí lại rơi vào im lặng.

Có lẽ Dương cũng chẳng muốn mở miệng nói chuyện với tôi, mà thật ra giữa tôi và anh giờ đây cũng chẳng có gì để nói.

Xe từ Hạ Long lên đến Hà Nội theo đường cao tốc mất tận hai tiếng.

Suốt hai tiếng ấy tôi gần như không sao đối mặt nổi với Dương, lơ đãng nhìn qua lớp kính trên xe.

Đó thật sự là khoảng thời gian nặng nề nhất với tôi.

Cũng may cuối cùng cũng đến được đất thủ đô.
Lên đến nơi đối tác đã chờ sẵn ở nhà hàng.


Tôi không phải thư ký của Dương, chỉ đi theo để thông dịch ngôn ngữ cho cả hai bên nhưng dù là vậy cũng không thể tránh khỏi việc phải uống vài ly rượu.

Đã là làm ăn trên bàn rượu thì đây gần như là điều tất nhiên.

Tửu lượng của tôi khá tốt, chỉ là bao nhiêu năm nay rất ít khi đụng đến rượu nên giờ tôi cũng không muốn uống lắm.

Có điều đối tác mời rất nhiệt tình, trước mắt lại là hợp đồng của công ty, dù sao tôi cũng đang mang tội nên cuối cùng tôi vẫn phải cầm chén uống vài ly.

Đối tác người Trung thấy vậy thì cười vui vẻ xổ một tràng tiếng Trung:
– Nghe nói Hoàng Dương toàn nhân viên xinh đẹp, nay được diện kiến quả là mở mang tầm mắt.

Nghe cô Trân nói chuyện tôi còn tưởng cô là người Trung luôn.

Tiếng Trung của cô thật sự rất tốt.
Tôi nghe xong thì nở nụ cười xã giao nói hai từ cảm ơn nhưng câu khen của đối tác tôi không muốn dịch lại với Dương chỉ nói đại loại anh ta khen tập đoàn Hoàng Dương mà thôi.

Khi tôi uống đến ly thứ năm Dương liền nói với tôi:
– Không muốn uống thì không phải uống.
Tôi định nói không sao đâu nhưng Dương dường như không để ý.

Anh quay sang nói với đối tác một tràng tiếng Anh.

Tiếng Trung của tôi tốt nhưng tiếng Anh thì câu được câu mất, tôi cũng không rõ Dương nói gì chỉ thấy đối tác cười rồi gật đầu bắt tay anh.

Cuối cùng đến tận cuối buổi tiệc rượu không thấy anh ta mời tôi thêm ly rượu nào nữa, cả hai bên chỉ bàn tới chuyện làm ăn mà thôi.

Ăn xong, hợp đồng cũng được ký ngay trên bàn rượu, cuộc giao lưu làm ăn cũng thành công rực rỡ.
Tiễn đối tác xong tôi cứ tưởng sẽ về luôn không ngờ Dương cũng có điện thoại.

Tôi vốn không định nghe trộm nên xoay người đi vào nhà vệ sinh.

Có điều đi được hai bước cũng nghe tiếng Dương cất lên:
– Anh đây!
Hai chữ anh đây khiến bước chân tôi hơi khựng lại.

Trước kia mỗi lần nghe điện thoại của tôi Dương câu đầu tiên cũng là “anh đây” dịu dàng như thế.

Hoá ra là Dương vẫn dịu dàng, chỉ là sự dịu dàng ấy không còn dành cho tôi mà dành cho người khác, giờ đây với tôi nếu không phải là sự khinh bỉ cực độ thì cũng là sự lạnh lùng tựa như không quen.

Tôi ngẩng cao đầu, khẽ một hơi.

Tốt rồi! Anh hạnh phúc là tốt rồi sau đó đi thẳng vào nhà vệ sinh rửa mặt cho tỉnh táo.

Đến khi ra Dương cũng đã ngắt điện thoại, anh nhìn tôi rồi bảo:
– Tôi có chút việc phải đi, tôi đưa cô qua khách sạn nghỉ tạm, bao giờ xong việc tôi sẽ đón cô rồi về.

Còn ít tài liệu cô ở khách sạn dịch nốt cho tôi.
Tôi tất nhiên không thể từ chối công việc được giao nên chỉ đành nghe theo.

Chở tôi về khách sạn xong Dương cũng lái thẳng xe đi.

Tôi cũng lờ mờ đoán có lẽ vợ sắp cưới của anh gọi nên anh mới gấp gáp thế.

Lên đến phòng, tôi không dám ngủ mà mở máy tính xách tay của công ty để dịch tài liệu cho Dương.
Dịch từ lúc hai giờ chiều đến tận năm giờ mới xong mà Dương vẫn chưa về qua đón tôi.

Đến khi đang định tìm số để gọi cho anh thì thư ký Hà cũng nhắn tôi Dương vẫn chưa xong việc, anh nhắn thư ký Hà bảo tôi chờ thêm độ tiếng nữa.

Sáng nay đi tôi đã nhờ cái Phương đón Sam, So về nhà nhưng vẫn gọi lại cho nó sau đó ngồi lặng lẽ nhìn ra ngoài.
Bao nhiêu năm rồi tôi mới quay lại Hà Nội, qua lớp cửa kính vẫn thấy Hà Nội tấp nập và phồn hoa như vậy.

Thế nhưng giữa những phồn hoa ấy dường như lại đầy ắp những hoài niệm buồn vui lẫn lộn.

Hoá ra đã quá lâu rồi mà có những nỗi buồn vẫn không sao dứt được.
Trong giây lát tôi nhìn vào màn hình điện thoại suy nghĩ cuối cùng đi xuống dưới quầy lễ tân dặn lễ tân vài câu rồi ra ngoài bắt taxi.

Khi đến một cửa hàng hoa tôi nhờ người tài xế dừng lại mua một bó hoa hồng trắng.

Suốt đoạn đường trên xe tôi gần như yên lặng hồi tưởng lại tất cả mọi chuyện đã qua.

Không biết xe đã đi bao lâu, chỉ khi xe dừng ở cổng nghĩa trang liệt sĩ tôi mới bừng tỉnh trả tiền cho người lái xe rồi ôm bó hoa hồng trắng đi vào.
Năm nào cũng vậy, cứ đến những ngày này trời lại mưa.

Mưa phùn lất phất qua những tán lá, dường như ông trời cũng khóc thương cho một sinh mệnh cao cả.

Tôi men theo con đường đi thẳng đến một ngôi mộ đặt đoá hoa hồng trắng lên.

Trên bia mộ ghi rõ từng chữ
Tổ Quốc ghi công
Liệt sĩ: Lưu Vũ Duy

Hi sinh ngày: 16/11/20xx
Trong giây lát trái tim tôi quặn lên đau nhói, không khóc nhưng nghe được tiếng nức nở trong từng mạch máu.

Mai là ngày giỗ của anh.

Bao nhiêu năm rồi, cả gần một thập kỷ trôi qua mà có những nỗi thương đau vẫn không nguôi.

Mưa bay bay trên tấm bia mộ, rơi trên cả mái tóc tôi, rơi xuống bờ vai đang run lên.

Trên đời này, đau đớn nhất không phải là bị phản bội, không phải là yêu nhau mà không đến được với nhau, trên đời này… đau đớn nhất chính là â.m dương cách biệt, là chứng kiến những người mình yêu thương rời xa mình vĩnh viễn, từ biệt cõi trần thế về bên kia thế giới.
Tôi không biết mình đã đứng bao lâu, lặng lẽ ngắm nhìn bức ảnh trên bia mộ.

Anh mặc bộ cảnh phục xanh, trên vai là mấy ngôi sao lấp lánh, năm ấy… anh mới chỉ hai mươi lăm tuổi đời.

Vậy mà anh đã hi sinh tuổi đời đẹp đẽ ấy, đã sống cao đẹp như vậy cuối cùng dừng lại mãi mãi ở tuổi hai mươi lăm.

Mưa mỗi lúc một nặng hạt, hoá ra mưa đã ướt nhẹp cả mái tóc tôi.

Tôi không biết là nước mắt hay mưa, chỉ biết mắt tôi cũng nhoè đi.

Từng lớp mưa rơi xuống những cánh hoa hồng trắng khiến những bông hoa trở nên dập nát, tả tơi đến đáng thương.

Tôi cúi xuống đang định nâng những cánh hồng lên thì phía sau bất chợt có tiếng nói tựa như quen thuộc, cũng tựa như xa lạ:
– Cô không định về à?
Tôi xoay người lại, dưới lớp mưa bụi nhạt nhoà cũng thấy Dương.

Anh không cầm theo ô nên cả người cũng dính mưa, mưa rơi cả trên mái tóc, trên gương mặt và từng lớp áo.

Ánh mắt anh u ám xen lẫn cả một nỗi buồn đau vô hạn.

Tôi nhìn Dương, lòng như có ai cứa khẽ hỏi:
– Sao anh lại biết tôi ở đây?
Dương không đáp lại câu hỏi ấy mà chỉ nói vỏn vẹn hai chữ:
– Đi về!
Nói rồi anh cũng xoay người đi trước, từng lớp mưa bụi lại phủ đầy lên người anh.

Gió rít qua từng kẽ lá.

Dưới ánh đèn đường, bóng người anh cao lớn, bờ vai anh dài rộng nhưng lại đầy cô đơn.

Bước chân của anh qua từng lớp đất nặng nề dường như mang cả nỗi tuyệt vọng và bất lực khôn tả..

Bình luận

  • Bình luận

  • Bình luận Facebook

Sắp xếp

Danh sách chương