Nào Hay Xuân Mênh Mông
-
75: Vỡ Chậu Tan Gương
Tôi nhẹ bước tới gần doanh trướng quan sát kỹ một vòng, thấy không có người Thát mới lách mình bước vào.
Gió đêm theo kẽ hở tôi mở ra khẽ lùa tới.
An Tư đang ngồi xoay lưng về phía tôi, chiếc lược ngà vẫn còn giữ trên mái tóc dài như thác đổ.
An Tư chỉ mới là cô gái mười tám tuổi, cuộc đời tươi đẹp chỉ mới mở ra vậy mà chỉ trong đêm nay mọi thứ đã đổ sụp.
Tôi bỗng nhớ tới lần đầu tiên tôi gặp An Tư, cô gái nhỏ bé như một búp sen xinh còn chưa hé nụ ngồi trên con thuyền tròng trành giữa hồ sen xanh.
Như nghe được tiếng bước chân, An Tư từ phía trước nói vọng tới:
"Chàng đã đi rồi sao?"
Hoá ra đã có người đến đây trước tôi.
Có lẽ đó chính là Chiêu Thành vương tôi vừa nghĩ tới.
Thấy không có tiếng trả lời, An Tư quay đầu lại.
Vừa nhìn thấy tôi, ánh mắt An Tư bỗng bàng hoàng, sau đấy lại cười tự giễu:
"Hôm nay náo nhiệt ghê!"
Tôi không đáp mà trực tiếp bước tới bên cạnh hỏi:
"Rốt cuộc mọi chuyện là như thế nào?"
An Tư quay mặt đi, lạnh nhạt đáp:
"Đã thấy rồi còn hỏi!"
"Tôi muốn biết nguyên nhân! – Tôi quát."
Tôi nhìn cô ấy vừa trầm tĩnh vừa lạnh nhạt thì trong lòng bỗng thấy mất mát.
Tôi nắm chặt hai vai cô ấy, không kiềm chế được giọng điệu tức giận:
"Là ai ép cô phải đi? Thượng hoàng, Trần Khâm, các bô lão? Hay là...!Chiêu Thành Vương?"
Ba chữ cuối nói xong giống như trút cạn đi sức lực.
An Tư trừng mắt nhìn tôi:
"Không ai cả, là tôi tự nguyện."
Tôi không thể tin nhìn An Tư, cái tôi muốn không phải là câu trả lời này.
Nhưng cái tôi muốn nghe là gì chứ, là một lời phủ nhận rồi sau đó tôi sẽ mắc tội khi cứu cô ấy trở về hay sao?
An Tư giống như sợ tôi sẽ thật sự làm những việc trái đạo đó, bèn chậm rãi nói:
"Ngoài là bạn của cô, là người trong lòng của Trần Thông, tôi còn là công chúa của triều đại này.
Nhìn thấy quân binh đầu rơi máu đổ lòng tôi cũng đau đớn khôn cùng, tôi không thể ích kỷ chỉ nghĩ đến hạnh phúc của riêng mình được.
Cô có thể cầm quân ra trận giết giặc, tôi cũng phải làm gì có ích cho non sông đúng không?"
Tôi thấy cổ họng mình nghèn nghẹn, khó khăn lắm mới cất được giọng đáp lời An Tư:
"Nhưng cũng không cần phải hy sinh thân mình như thế.
Chưa chắc Thoát Hoan anh ta sẽ..."
"Tôi biết Thoát Hoan luôn mang cố chấp với cô, nhưng cũng vì lẽ đó mà tôi mới phải đưa ra quyết định này.
Nếu tôi không đi thì một ngày nào đó sẽ là cô.
Tôi không muốn tên Thoát Hoan đó đạt thành tâm nguyện, cũng không muốn cháu mình kẻ thì mất vợ, kẻ thì mất mẹ đâu."
Lại thở dài:
"Hơn nữa, nhìn thấy toàn quân bị bao giữa vòng vây của địch, tôi bỗng nhận ra sứ mệnh với đất nước này."
Tiếng nấc nghẹn còn chưa cất lên thì phía bên ngoài đã vang lên tiếng đao kiếm cứa lên da thịt lạnh toát, có người rên lên một tiếng rồi im bặt, chỉ còn đọng lại trong không khí lơ đãng thứ âm thanh quái dị.
Có tiếng nội hầu hét lên:
"Không được vô lễ, đây là xa giá của công chúa!"
Một giọng nói ngang tàng rít lên trong đêm:
"Vương đến xem mặt vợ sắp cưới, kẻ nào dám cản?"
Tôi và An Tư nhìn nhau, cô ấy còn phản ứng nhanh hơn cả tôi lập tức đẩy tôi ra khỏi doanh trướng.
Tôi lách người theo hướng ban nãy mình lén lút đi vào, vừa kịp thời tránh được ánh mắt của Thoát Hoan.
Tôi bỗng thấy mỉa mai, tại sao tôi lại phải hèn kém sợ hãi một người đàn ông như thế chứ? Một ngày nào đó đứng trước Thoát Hoan, tôi sẽ thẳng thừng đối diện như hai kẻ tử thù, chỉa mũi kiếm vào trước ngực anh ta mà không chút nào nao núng.
"Ngẩng mặt lên!"
Thanh âm quen thuộc của Thoát Hoan vang lên trong trướng làm tôi giật thót, trống ngực tôi đập liên hồi, tưởng chừng có thể trong tích tắc mà lao ra.
"Chúng ta chưa thành hôn, ngài làm vậy e..." – Tôi nghe giọng An Tư đè nén.
Thoát Hoan không đáp lời An Tư mà tỏ ra thất vọng nói:
"Quả nhiên là không phải."
"Mong ngài tự trọng, ngày mai sứ thần sẽ đưa tôi sang!"
Thoát Hoan hừ giọng:
"Câm ngay đi, không cần giở thói dạy đời!"
Ngày hôm nay khi gặp lại, tôi đã không còn nhận ra Sở Quân của ngày xưa nữa.
Tôi đứng như chôn chân bên ngoài doanh trướng, bịt chặt lấy hai tai, đôi mắt nhắm nghiền.
Lúc này đây tôi ước mình có thể mắt mù tai điếc, để những chuyện trái tai gai mắt đang xảy ra ngoài kia đừng làm cho ruột gan tôi phải thắt lại như thế nữa.
Không biết gió thét mưa gào đã qua bao lâu.
Tôi nghe "xoạch" một tiếng An Tư đã đứng trước tôi, vai áo bị kéo lệch về một bên đầy những vết bầm tím, khoé môi vẫn còn vệt máu đọng.
Tôi ôm chặt lấy cô ấy nấc nghẹn, An Tư vỗ vai an ủi tôi.
An Tư lau nước mắt trên mặt tôi, thoắt cái đã như già đi chục tuổi.
Tôi biết hôm nay cô ấy không khóc, có lẽ là vì kể từ đây về sau ngày nào cũng sẽ tăm tối và đau khổ như đêm nay vậy.
"Mau đi đi, còn chần chừ nữa sẽ không kịp!" – An Tư nói xong thì dúi vào tay tôi mấy cái bánh gai.
– "Có đói thì ăn lót dạ, đây là thứ đặc sản quê mẹ tôi, nhưng có lẽ ngày mai phải theo phong tục của người Thát rồi."
An Tư dìu tôi lên ngựa, lại dặn dò:
"Đừng trách Trần Thông, là tôi ép chàng phải làm như thế!"
Tôi gật đầu, sửa lại bả vai áo bị lệch của An Tư, nói lời tạm biệt rồi dong ngựa rời khỏi.
Kể từ đây kẻ nam người bắc, ở phương trời xa lạ chỉ mong cô ấy bình yên một đời.
Tôi mang nỗi niềm ấy lên đường, không biết bao lần vì mệt mỏi mà muốn ngã xuống từ trên lưng ngựa, nhưng chính ánh mắt của An Tư khiến tôi lấy lại được quyết tâm.
Trăng đêm nay sáng quá, soi rõ con đường trước mặt, và cả con đường mù mịt trong tim tôi.
Tôi cũng không nhớ làm cách nào mình có thể đến được cửa Giao Hải, nhưng hiện tại trước mắt tôi là một đoàn thuyền chiến kiêu dũng như những con thủy quái khổng lồ nằm đợi lệnh.
Tôi run rẩy bước xuống ngựa, Trần Khâm đã đỡ lấy tay tôi, ánh mắt anh vẫn như ngày đầu nhìn tôi đầy ánh rạng rỡ của niềm tự hào.
Tôi phải bám chặt vào cánh tay Trần Khâm mới có thể đứng vững, cổ họng khô khốc.
Tôi ôm lấy anh ta khóc nghẹn, giống như tiếng khóc ngày bé vừa lọt lòng, khóc gục trong lòng Trần Khâm làm anh ướt cả một mảng áo.
Tôi biết trong lòng anh có rất nhiều thứ muốn nói với tôi, sẽ trách tôi tại sao bỏ đi mà không nói một lời nào, lại trách tôi luôn xem thường sống chết, xem những lời anh như gió thoảng mây trôi.
Cuối cùng là trách tôi tại sao để bản thân ra nông nỗi này.
Nhưng cuối cùng chỉ thở dài thốt ra được một câu:
"Bình an trở lại là tốt rồi."
Tôi nghe chất giọng trầm ấm của anh, lại càng thêm nức nở.
Gặp lại anh, giống như con thuyền lênh đênh trên biển bao phen chịu gió mưa bão táp gặp lại bến bờ.
Dù có đi xa cách mấy thì trong lòng tôi luôn đinh ninh rằng Trần Khâm vẫn luôn ở đó chờ tôi.
Tôi vẫn còn canh cánh tại sao Trần Khâm lại chấp nhận cho hoàng quý cô đi cống, anh ta đáp:
"Đều là kế sách cả! Cô ấy chỉ là đi trước một bước thôi!"
Tôi vẫn còn mù mờ cho tới khi lên thuyền rút về Tam Trĩ Nguyên mới phần nào hiểu được thứ kế sách mà Trần Khâm đã nói.
Rất nhiều quý tộc đã nối gót Trần Kiện Trần Lộng theo hàng quân Thát lúc Trần Khâm bị yếu thế và rút quân về Thiên Trường trong cuộc đụng độ ở Thiên Mạc, trong đó có cả Trần Ích Tắc.
Lúc nghe tin thậm chí tôi phải hỏi lại vài ba lần vì sợ mình nghe lầm, sau đấy tôi lại nhớ tới lời của Trần Khâm, cảm thấy hình như mình đã thông tỏ hơn rất nhiều.
Mạc Đĩnh Chi liên tục lắc đầu với tôi:
"Chị phải tin thầy Năm, thầy ấy là một người luôn đau đáu nỗi niềm yêu nước."
Trần Thì Kiến chống cằm, cảm thán:
"Có hai lý do, thứ nhất là chú ta chỉ giả vờ trung quân ái quốc, thực tế là kẻ vì lòng tham mà bất chấp tất cả.
Thứ hai là lòng yêu nước của chú ta không đủ vượt qua nỗi sợ hãi nên kết cục phải hàng giặc trước để giảm nhẹ nỗi đau xác thịt khi quân ta thất bại."
Tôi nhìn ánh mắt Mạc Đĩnh Chi long lên, Trần Thì Kiến này có thể bớt độc mồm độc miệng được hay không?
Trần Nhật Duật lên tiếng:
"Không vào hang cọp sao bắt được cọp?"
Trần Thì Kiến liếc mắt nhìn anh ta, đáy mắt bắn ra tia lửa.
Tôi thấy Mạc Đĩnh Chi lại dùng ánh mắt kích động nhìn Trần Nhật Duật, lơ đễnh nói:
"Cái này phải đợi xem thế nào rồi!".
Bình luận
Bình luận
Bình luận Facebook