Nào Hay Xuân Mênh Mông
34: Sống Cùng Sống Chết Cùng Chết


Kể từ ngày để mất tin tức của Ô Mã Nhi, đến nay cũng đã ngót nghét gần một tháng.

Trong vòng chưa tới một tháng này, trông thì có vẻ vô sự, thật ra lại có rất nhiều chuyện để nói.
Đầu tiên thì phải kể đến việc nhóc con Huyền Trân đã có thể bò, có thể tự ngồi, cũng có thể vịn vào thành giường đứng dậy.

Việc này lại khác với Quốc Chẩn ngày xưa, thằng bé Quốc Chẩn lúc trước vô cùng thích khóc lóc ầm ĩ, kết quả biết nói sớm hơn biết đi, đến lúc bằng con bé bây giờ đã có thể phát ra mấy tiếng gọi đơn giản.
Nhóc con dường như là vô cùng kiệm lời, nó thường chỉ sống trong thế giới của nó, người khác gọi thì thỉnh thoảng phản ứng lại, giương cặp mắt xoe tròn nhìn người ta chằm chằm, lúc lười biếng thì chỉ ngáp ngắn ngáp dài không thèm quan tâm.

Tôi nhìn Trần Khâm cau mày, anh ta cũng lắc đầu, chẳng biết cái tính này là giống ai, dù sao trước đây mấy kẻ kỳ lạ tôi từng gặp qua cũng không tính là ít.
Chị An Hoa ôm cái bụng to tướng ngại ngùng bảo tôi:
- Cái biểu hiện này thật là giống bác ba của nó ngày trước! Cũng may con bé Duyệt hoạt bát giống chị.
Tôi ngớ ra, đây cũng không phải là không có khả năng.
Trẻ con phát triển kỳ thực rất nhanh, mới ngày nào còn là nhóc con đỏ hỏn nằm gọn trong vòng tay tôi, đến hôm nay đã lớn thành một cục bông tròn trịa trắng trẻo, miệng cũng mọc được hai cái răng nhỏ xíu, tiếc là ít khi cười, nếu không sẽ càng thêm đáng yêu.

Có điều chị Anh Nguyên vẫn không cưỡng lại được để ý lên người nó, tôi liếc chị ta, chị Anh Nguyên vô tư vô lo ngày nào cũng sắp biến thành một bà mẹ già lắm chuyện rồi.
- Muốn lấy con gái của em ư, thằng con nhà chị phải là kẻ có công danh sự nghiệp, có tài năng đức độ hơn người, lại phải mạnh mẽ quyết đoán, không được lấy vợ hai, không được có thiếp thất, bình thường phải dịu dàng cưng chiều vợ, lúc nóng giận cũng phải nhường nhịn không la mắng đánh đập vợ.

Cha mẹ chồng là chị càng phải hết mực thương yêu, không được làm khó làm dễ, không được xen vào việc riêng của vợ chồng nhà người ta, vậy...
Chị Anh Nguyên nghe tôi nói tới đó liền làm động tác phản đối, hoàn toàn không muốn nghe thêm một lời nào.
Trong lòng chị ta hẳn là đang nghĩ, lấy vợ thôi mà, có cần phô trương như vậy hay không, đến lúc đó trong nhà không biết ai mới là kẻ làm chủ.

Thôi được rồi, dù sao nhóc con này cũng đường đường là công chúa đầu lòng của quan gia, nếu mà không được như vậy, nó chỉ cần trở về mách lẻo một tiếng, e là phủ Phạm của mình cũng phải đón sóng gió một hồi.

Thôi thôi, Ngũ Lão và mình xuất thân cũng không cao, với không tới.
Chị dâu cả nhà tôi cũng bật cười, thằng con trai nhà chị tuổi tác còn lớn hơn đấy thay, mà chị ấy dù tốt xấu cũng là chị ruột nhà quan gia đấy, chị Anh Nguyên nôn nóng quá làm cái gì.
Gần một tháng qua mấy đứa nhóc đi theo Trương Hán Siêu học thêm không ít việc, giống như thằng nhóc Thuyên lúc năm tuổi có thể đọc ra bốn câu đầy thơ ca ý họa "Hợp thành thiên hạ tam kỳ nguyệt" thì năm nay đã có thể đứng lên bi thương thốt ra hai câu "Biên phong sắt sắt bức nhân hàn, chính trị đông phong tận túy gian." Chỉ có điều Trương Hán Siêu tuy là người am hiểu thơ ca, nhưng đối với việc nam nhi yêu thơ ca nhưng không chịu học hành thì lại rất kỵ, vì thế chẳng đứa nào dám chểnh mảng.

Đứa nào chẳng biết thầy Siêu bình thường đã vô cùng nghiêm nghị, lúc tức giận lên cũng thật sự dọa người.
Vua tôi ở Thanh Hóa ai làm việc nấy, kẻ nên lớn thì lớn, kẻ nên học thì học, kẻ nên họp mưu đánh giặc thì họp mưu đánh giặc, ngót nghét một tháng, mắt thấy tai nghe không ít chuyện hay ho.
Như việc Trần Nhật Duật ở vùng Đà Giang của họ Trịnh ngày trước không ngừng tìm kiếm, lôi kéo, khuếch trương lực lượng liên tục đánh phá và cô lập mấy đồn trại của giặc, khiến cho tin tức tình báo không tài nào truyền được sang nước Nguyên, anh ta ở vùng Đà Giang giống như là làm bá chủ một phương vậy, cuộc sống không tồi.
Có một bá chủ ở phía Bắc, ở phía Đông cũng không hề kém cạnh là có thêm đội hùng binh của cha tôi đang càng ngày càng nâng tầm kiểm soát ở khu vực rộng lớn, gần như là làm chủ mặt biển, đến mức ba ngày một trận nhỏ bảy ngày một trận to liên tục quấy rối con đường liên lạc từ kinh thành tới Vạn Kiếp của Thoát Hoan.

Có lẽ anh ta vì cảm thấy mình sống ở kinh thành cũng không yên ổn dễ dàng gì, muốn đi đánh nhau thì lại không có lương, ở lì trong thành thì bị quấy phá cô lập, tin tức không tới tai, họ Ô cũng đi biền biệt cả tháng không về, rốt cuộc Thoát Hoan đành phải thu dọn đồ đạc cuốn gói rời khỏi kinh đô càng sớm càng tốt, trên đường đi còn không quên thói cướp bóc.
Cha tôi lại vuốt râu nói:
- Như muối bỏ bể mà thôi!
Đến khi hay tin Ô Mã Nhi đã mòn mỏi quay trở về Vạn Kiếp, Trần Khâm mới cho rằng thời cơ đã chín muồi, lục tục tập hợp binh mã chỉnh tề, ngược biển quay trở lại đóng ở Trúc Động, gần sát với nơi đóng quân của cha tôi.
Lần này người già trẻ nhỏ đều ở lại Thanh Hóa, tôi cứ tưởng anh ta sẽ để tôi ở lại, không ngờ đêm đó lúc tôi chậm rãi đeo vào tay anh ta miếng bọc cổ tay, lại đeo lên thắt lưng anh ta một chiếc túi gấm đựng mấy thứ thảo dược cầm máu linh tinh, tuy Trần Khâm là vua, nhưng trên chiến trường đâu ngờ được lúc nào cần dùng tới.

Trần Khâm chống cằm nhìn tôi, bỗng dưng anh ta lại khẽ vuốt tóc tôi, đề nghị:
- Trận này chúng ta sống cùng sống, chết cùng chết nhé!
Ban đầu tôi khó hiểu nhìn anh ta, sau lại cảm thấy cầu còn không được liền chủ động hôn anh ta một cái.

Trần Khâm được thế nắm chặt cổ tay tôi mạnh mẽ áp sát vào tường, thổi khí nóng vào cổ tôi ngưa ngứa, lại định cắn vành tai tôi.

Tôi phát hoảng cắn môi trừng mắt nhìn anh ta, gằn giọng:
- Thật là thiếu kiềm chế, ngày mai còn việc quan trọng!
Trần Khâm cười ha ha buông tôi ra, vuốt vạt áo bào, lại thản nhiên đáp:
- Chỉ định hôn một cái thôi, em còn tưởng ta định làm gì?
Làm gì sao? Tôi đỏ mặt, thầm mắng anh là cái đồ lưu manh, dám trêu chọc con gái nhà lành.
Kể mới nói lần này Trần Khâm đột nhiên thâm tình như thế nói không chừng là khi đó trông thấy cha mẹ tôi từng tuổi này còn quấn quýt bên nhau không màng sống chết, nên chính mình cũng khó lòng rút ra được một bài học.

Anh ta thân là một quan gia, trước đây lại như một kẻ cường hào ác bá đoạt lấy tôi vào cung mà không giải thích một lời nào, làm tôi phải nhọc lòng suy nghĩ.

Trông qua càng có vẻ giống như yêu thích một đồ vật rồi cố tình đoạt lấy khỏi tay người khác, nghĩ ra đủ loại lý do để biện hộ cho mình, sau đó giăng một cái bẫy lừa người ta tự mình chui vào.

Đến khi đoạt được thì tốt rồi, cứ thế tỏ ra lạnh lùng xa cách, chính mình ở trên vị trí cao cao nhìn xuống xem tôi làm trò hề.

Ngày đó nếu như...! nếu như anh ta không đến Đà Giang, có lẽ hai người bọn tôi chẳng thể nào mà gặp nhau nữa, có thể là tôi sẽ một lần nữa trở về vòng tay của Thoát Hoan.
Tôi nhìn người đàn ông dịu dàng trước mặt, lại bỗng nhiên cảm thấy anh ta so với người trong ký ức của mình khác lắm, có khác biệt lớn, nhưng lại tốt đẹp hơn rất nhiều.

Có lẽ Trần Khâm từ trước đến nay không hề thay đổi, chỉ là bản thân mình vô thức yêu anh ta nhiều hơn mà thôi.


Tuổi cũng không còn nhỏ, trai gái có đủ rồi, thoắt chốc nhìn lại mọi thứ như nước chảy mây trôi, như qua cả một đời, rốt cuộc hai chúng tôi vẫn cùng nhau nắm tay đi qua sinh tử.
Ở Trúc Động ba ngày đã có kẻ quấy nhiễu, lần này nếu như e dè thì lại chẳng phải là Trần Khâm, anh ta chịu ấm ức bấy lâu nay đã quá đủ.

Trúc Động không có nhiều núi cao trập trùng như chỗ đóng quân ở Thanh Hóa, nhưng xung quanh bao bọc bởi một màu nước biếc xanh trong thấy đáy, giữa màu xanh bạt ngàn của cây lá và bầu trời tháng ba trong xanh cao vời vợi, chẳng khác gì một bức tranh thủy mặc khổng lồ.
Lúc đi qua núi Tràng Kênh, suýt chút nữa thì tôi không thở nổi trước cảnh trí nơi này, hết lôi đông lại kéo tây, xuýt xoa khen ngợi mấy bận.

Trần Khâm bật cười bảo chúng ta là đi đánh nhau, không phải đi du sơn ngoạn thủy, tôi lại nói sau này chúng ta về hưu sớm một chút, con cái lớn rồi, chúng ta cũng già rồi, không cần tranh với chúng làm gì.

Chỉ cần lo xong việc hôn nhân của chúng, gánh nặng cũng coi như trút xong rồi.

Trần Khâm lại cười bảo:
- Sợ là lúc đó em lại giành trông cháu.
Tôi bĩu môi, cũng không phải muốn giành là giành được.

Sau đó Trần Khâm nghĩ ngợi một hồi, có lẽ anh ta không yên tâm lắm về thằng nhóc Thuyên.
Ban đầu tôi có thắc mắc về địa thế nơi này, chỉ sơ sơ theo tính toán của tôi đã có sáu con sông lớn nhỏ bao bọc lấy, mà Trúc Động thì vừa hay nằm ở giữa dòng, giống như một vùng đất khổng lồ nổi lên giữa biển nước mênh mông, nếu như thật sự bị một đội quân đông đúc như giặc Nguyên bao vây, có mà bay lên trời.

Thật sự là khó công khó thủ.
Trần Khâm lại bật cười nói với tôi:
- Tuy là nơi này không phải thành cao hào sâu gì, nhưng không phải là chưa từng xảy ra chiến trận.
Tôi ngẫm nghĩ một lượt, lại nhẩm lại tên của từng nơi xem mình đã bỏ sót thứ gì, cuối cùng một tiếng sấm nổ lên bên tai.

Đúng là không uổng cơm ăn áo mặc của cha mẹ, trước đây tôi cũng nghe qua mấy cái tên này.
- Là..Ngô Vương và Đại Hành hoàng đế..?
Trần Khâm bất chấp trước mặt tướng sĩ và cái bóng đèn Phạm Ngũ Lão ở bên cạnh, lấy tay xoa đầu tôi:
- Giỏi lắm!
Tôi đỏ mặt kéo tay anh ta ra.

Trần Khâm càng cười lớn, giải thích:
- Từ trước đến nay Quốc công chưa từng làm gì mà không có lý do.

Cùng là hai trận cọc gỗ, một đã diệt được quân Nam Hán, bắt giết Hoằng Thao, Ngô Vương cũng nhờ đó mà đoạt lại được tự chủ cho dân tộc.

Sau đến lượt Đại Hành hoàng đế chống Tống, dùng y kế cũ, lại cũng bắt được Quách Quân Biện và Triệu Phụng Huân đưa về Hoa Lư.
Trần Khâm xem ra rất coi trọng người cha vợ của mình.

Thật ra mấy chuyện này không phải là tôi chưa từng nghe qua, nhưng rốt cuộc trong lòng vẫn mang nghi hoặc, bèn nói:
- Ngô Vương là người kiệt hiệt mà Hoằng Thao chỉ như một đứa trẻ khờ dại xa nhà, lại đừng nói tới binh lính mỏi mệt.

Còn riêng nhà Tống vốn chẳng phải là đối thủ xứng tầm, chúng chỉ lợi dụng tình thế rối ren trong nước ta khi ấy để bày trò ly gián, hiếp đáp phụ nữ trẻ em.

So ra bọn Thát lại khác biệt hoàn toàn với hai nhà Tống Hán.

Cho dù là bỏ qua hết mấy điểm đó, một kế sách dùng tới ba lần, liệu còn hiệu quả hay không?
Trần Khâm lại dường như rất thoải mái đáp lời:
- Cái đám Hung Nô này ấy mà, háo thắng thiện chiến, sức lực cũng hơn người, nhưng về đầu óc thì không dùng được, nếu so về tài cưỡi ngựa bắn cung thì ta phải đề phòng, nhưng đây là chỗ nào chứ, cái chốn rừng thiêng nước độc này, thả bọn chúng xuống chúng còn sợ không bơi vào được nữa cơ.

Huống hồ bây giờ quân Thát đã bị đẩy vào tình thế co cụm ở Vạn Kiếp, thật ra ngoài rút lui theo đường sông Bạch Đằng để nhanh chóng về Trung Nguyên thì không còn đường nào khác đâu.

Em cứ chờ xem, quân lương sắp cạn, Thoát Hoan dù muốn hay không muốn, y hẳn sẽ bị sức ép của kẻ dưới phải giơ tay chịu trói mà thôi.
Tôi nghe Trần Khâm nói hay như hát, lại thấy vẻ đồng tình trên mặt Phạm Ngũ Lão, cảm thấy có lẽ là mình suy nghĩ nhiều rồi, trận này muốn thua cũng không thua được.
Lúc đến nơi thì thủy quân của Trần Khánh Dư đã đóng quân đợi sẵn, Trần Quốc Toản thì khỏi phải nói, cậu ta gặp tôi như bắt được vàng, liên tục bám lấy tôi kể lể về chiến công dạo đó, thuận tiện ba hoa cho bản thân một thôi một hồi.

Trần Khâm khoanh tay đứng chắn vào giữa hai người bọn tôi, hất hàm nói:
- Công lao đương nhiên thuộc về Nhân Huệ Vương, chưa nghe anh ta nhắc tới, chú khoác lác cái gì?
Trần Quốc Toản cũng không chịu thua kém, tuy đứng thấp hơn Trần Khâm nửa cái đầu, nhưng vẫn dùng thái độ không kiêu căng không nịnh bợ, vô cùng khảng khái đáp:
- Thần không dám khoe khoang với quan gia!
Ý tứ trong câu là "tôi không nói chuyện với anh, là do anh tự chõ mõm vào, bây giờ lên giọng trách mắng ai chứ?"
Tôi ló đầu ra từ sau lưng Trần Khâm, giữa hai ánh mắt giao nhau mơ hồ nhìn thấy được mấy đường sấm chớp lập lòe trước mặt.

Anh em hai người này tính ra thì cũng không mấy hòa thuận, nhưng trực tiếp đối chọi nhau như thế,nói công bằng thì không phải là quá thường xuyên.
Trần Quốc Toản kể lại lúc quân Nguyên phải đổ phần lớn lương thực xuống biển để dễ bề trốn chạy, cảnh tượng vừa hoành tráng vừa xót xa đó cả đời này có lẽ cậu ta sẽ không bao giờ quên.


Không phải là xót xa cho bè lũ cướp nước, cái đáng thương là mỗi một hạt gạo như hạt ngọc của trời, đều là mồ hôi nước mắt của người dân vô tội, đương lúc màu gạo trắng ngà như một cơn sóng cao sà xuống biển, Trần Quốc Toản đã rơi nước mắt.

Trong thời buổi loạn lạc này, số lương thực ấy đủ nuôi rất nhiều người trong vài năm.
Nghẹn ngào một lúc lại có vẻ tự hào:
- Nhưng cho dù là chúng không bỏ của chạy lấy người mà ở lại tiếc của thì cũng không tránh khỏi số phận này.

Thủy quân của ta lúc ấy phần thì đã lặn ngay dưới thuyền địch, phần thì dùng thuyền lửa đốt phá, chần chừ một chút là ngay cả tên chủ tướng cũng chẳng tài nào thoát thân.

Lúc đó tên phía trên bắn xuống như mưa, tuy là trong số thủy quân ta không ít người phải bỏ mạng, nhưng làm đắm gần hai mươi chiếc thuyền, giặc chết mấy nghìn tên, chỉ còn duy nhất một chiếc thuyền của tên chủ tướng là nhanh chân thoát được.

Tôi chỉ huy hỏa thuyền vừa đốt vừa giết, lửa ngùn ngụt cháy đến tận trời.
Trong đầu tôi ngay tức khắc có thể tưởng tượng ra cảnh tượng bi tráng mà Trần Quốc Toản miêu tả, không thể nói là có bao nhiêu hả hê, chỉ cảm giác được trong lòng bỗng nhiên cảm thấy khó chịu.

Dùng dân để nuôi quân, thực hiện chính sách chinh phạt giết chóc rồi cướp bóc, rồi cũng có ngày kẻ đầu sỏ phải gánh chịu hậu quả vì những hệ lụy mà nó gây ra, thậm chí là đánh mất tất cả.
Quả nhiên đám người Nguyên đánh vào Trúc Động thì như đi lạc vào mê cung, đang tập trung đánh với Trần Khâm ở cánh này thì lại bị thuyền của Phạm Ngũ Lão từ ngả khác đánh tới, hoảng hốt ngược dòng trở ra thì lại bị lạc hướng, tự mình chui đầu vào bẫy rập mà Trần Khánh Dư giăng ra, cuối cùng hết sức vất vả thì lại bị tôi cùng Trần Quốc Toản đem Hoài Văn quân một mẻ diệt gọn.

Thật ra không cần mấy người chúng tôi múa may, chỉ cần ông già Nguyễn Khoái lấy thuyền bơi vài vòng quanh mấy ngã rẽ thôi là đủ khiến chúng xoay lòng vòng như chong chóng rồi.

Vài lần như thế, tự nhiên là chúng cũng nản lòng, kết cục thì ai cũng biết là toán quân đó người chết kẻ bị thương dắt díu nhau quay trở về Vạn Kiếp.
Một buổi đêm trời nóng như đổ lửa, cái loại không khí oi bức này làm người ta bứt rứt khó chịu trong người.

Tôi lăn qua lộn lại một hồi, lại nhớ mấy đứa trẻ ở nhà, sau đó bỗng vô thức nhớ tới người mẹ hiền từ biệt dạo ấy.

Trong lúc chập chờn không tránh khỏi vài suy nghĩ mông lung, tôi bèn ngồi bật dậy chong đèn tìm giấy bút.
Ngồi thẩn thờ một hồi cũng chẳng biết phải viết gì, đành phải qua loa mấy chữ hỏi thăm, lại nhấn mạnh thêm tình trạng hiện tại của mình, tất cả đều ổn.
Trần Khâm không biết tỉnh lại từ lúc nào, ở bên cạnh lại lôi ra một vò rượu ủ, tôi cầm lấy hít một hơi, hóa ra là thứ rượu hoa đào mình hay chôn trong sân nhà, bèn thắc mắc:
- Lúc đi hình như cũng không nhớ đào lên, thứ này ở đâu ra thế?
Trần Khâm hớp một ngụm rồi đưa tôi, bỗng bật cười:
- Là ta trộm được của thằng nhóc Thuyên.
Trong lòng tôi rơi lộp độp mấy tiếng, thầm nghĩ trước giờ mình cũng chưa từng keo kiệt với anh ta, mấy thứ trà rượu hoa quả gì đó thứ gì tặng được đều đem tặng, thứ gì lấy được anh ta cũng chủ động lấy, cớ sao hiện tại gã đàn ông này lại trở thành kẻ đầu trộm đuôi cướp thế này, còn là của thằng nhóc con trai mình nữa chứ.
Mùi rượu hoa đào vốn ngòn ngọt vào trong miệng tôi bỗng nhiên chan chát, lại cười hì hì nói với Trần Khâm:
- Trẻ con đúng là không nên uống rượu.
- Em đấy, chỉ khéo giả vờ giả vịt! - Trần Khâm giống như nhìn ra vẻ cười gượng gạo trên mặt tôi, bèn nhếch môi buông ra mấy tiếng.
Ngoài trời bỗng nhiên nổi lên sấm chớp ì đùng, gió mạnh nổi lên thổi ào ào, sau đó lại có tiếng binh lính nhốn nháo gia cố lại lều trại, cuối cùng là tiếng mưa rả rích rơi trên nóc lều nặng trịch, tiếng mưa lộp bộp như âm thanh đang dùng dùi đánh vào mặt trống.

Tôi ngăn lại Trần Khâm đang với tay mở cửa sổ, anh ta lại cất trọng châm chọc nhìn tôi:
- Sao thế, giết chóc còn không sợ mà lại đi sợ một trận mưa à?
Tôi ngẫm lại thấy cũng đúng, liền bỗng nhiên cảm giác một luồng khí lạnh lẽo đột ngột ập vào lều, vừa mới còn nóng bức ngay lập tức đã đón lấy không khí lạnh, làm tôi bất giác run lên, vùng da trên cánh tay cũng nổi lên từng mảng.

Gió tạt vào lều mang theo hơi nước làm ngọn nến đang cháy bỗng nhiên tắt phụt, bức thư tôi vừa viết xong cũng bay đi mất hút.

Lúc này muốn trừng anh ta một cái, nhưng trong lều lại tối mờ mờ, chỉ nhìn thấy thanh kiếm ở đầu giường theo từng đợt sấm chớp bên ngoài thỉnh thoảng sáng lóe lên.
Trần Khâm lại cười nhẹ bên tai tôi, mấy hôm gần đây tâm trạng của anh ta rất tốt, có lẽ là cuộc chiến tiến triển thuận lợi, tâm tình anh ta cũng thả lỏng hơn.

Trần Khâm biết tôi muốn nói gì, đã lên tiếng trước:
- Ngày mai Quốc công sẽ lên đường đến đây, chúng ta cùng nhau chờ giặc đến đánh một trận cuối.
Tôi không khỏi ngạc nhiên:
- Làm sao chàng biết chúng ta sẽ đánh trận cuối, Thoát Hoan là kẻ dễ dàng từ bỏ vậy ư?
Thật ra tôi có thể đoán biết được Thoát Hoan sẽ trở về, nhưng sớm như vậy thì quả thực vẫn chưa nghĩ tới, nói thẳng ra thì lời Trần Khâm có thể dùng để tham khảo, nhưng trong lòng tôi chưa hẳn là hoàn toàn tin.
Trần Khâm ôm lấy tôi đặt gọn trong lòng mình, cơ thể anh ta to lớn như một cái bệ đá vững chãi, lồng ngực lại ấm áp truyền đến mùi vị nam tính của đàn ông, phía sau đầu tôi là khuôn ngực rắn chắc rộng rãi.

Hai tay Trần Khâm luồn qua eo tôi, bên tai chậm rãi nghe anh ta thở từng đợt hơi thở nóng rực trầm thấp, khí lạnh bỗng chốc lùi dần.
Tôi ngồi trong lòng Trần Khâm như một đứa bé, dõi mắt nhìn khung cảnh xa xa qua khung cửa sổ, những lúc nổi lên sấm chớp, mặt nước sông Giá lại sáng lên như một miếng phỉ thúy khổng lồ.

Mưa ngày một lớn dần, làm cỏ cây xung quanh ngã rạp, Trần Khâm cũng ngày một siết chặt lấy tôi.

Tôi bỗng nhiên có một suy nghĩ hoang đường, một ngày nào đó vĩnh viễn là như thế này, không âu lo không nghĩ ngợi cùng nhau ngắm chân trời xanh ngắt, cùng ngắm cơn mưa đầu hạ.

Nghĩ thế bèn bất giác ngâm nga một câu "Cộng ỷ lan can khán thuý vi".
Trần Khâm, lúc anh ta viết ra câu thơ này, trong đầu liệu có hiện lên viễn cảnh này chăng?

Trần Khâm xoa đôi bàn tay lạnh ngắt của tôi, đầu ngón tay nhanh chóng được làm ấm trong bàn tay ấm nóng to lớn, hằn đầy những vết đao kiếm mà vốn dĩ là không nên có ở một vị vua.

Lúc này Trần Khâm mới đáp lời câu hỏi của tôi:
- Em xem, bên ngoài lại mưa rồi!
Chỉ đáp một câu không mặn không nhạt như thế nhưng tôi lại rất rõ ràng.

Năm đó cũng là một ngày mưa như thế này dấy lên hy vọng của toàn quân ta, chuyển bại thành thắng đến ngỡ ngàng.

Thật ra lúc trước phải cần đến ba bốn tháng sau mưa dầm thấm đất, lúc ấy bệnh dịch nổi lên mới khiến quân Thát trở thành đội quân đói kém bệnh tật, còn năm nay...theo lời Trần Khâm nói thì bọn chúng như con chim sợ cành cong, càng về sau sẽ càng thêm cuốn quýt, lý nào lại để cho bản thân rơi vào cảnh đó một lần nữa.
Cho nên cùng là một trận mưa, sợ rằng có nhiều người cũng đang thao thức không ngủ được.
Ngồi tựa vào nhau một hồi lâu, đến khi cơn mưa lớn chỉ còn lưa thưa vài hạt, Trần Khâm bỗng nhiên lên tiếng:
- Ta lại hỏi em, nếu như Thoát Hoan đứng trước mặt em, em sẽ đành lòng xuống tay chứ?
Tôi bật cười:
- Đành lòng hay không đành lòng có còn quan trọng nữa đâu, Thoát Hoan lần này dù sống hay chết trở về cũng không khác nhau là mấy, tất cả những lỗi lầm mà anh ta đã gây ra trước đây xem như đã trả đủ rồi.
Lúc nói ra câu này tôi hoàn toàn không biết được lúc ấy Thoát Hoan đã giống như là một người khác, lại chẳng phải là kẻ quyết tâm cuồn cuộn muốn giẫm lên tất cả vì tín ngưỡng của mình, ngược lại giống kẻ mất đi tất cả ước mơ.

Anh ta đem quân sang đây chẳng hề có một chút tình nguyện, ánh mắt mỏi mệt như một con thú hoang nằm thoi thóp bên bờ vực thẳm, tối tăm và lạnh lùng, chán nản đến cùng cực.
Sau cơn mưa đêm, mọi thứ trở nên ẩm ướt, bầu trời như được gột rửa qua một lượt, ánh mặt trời nóng bỏng soi bóng xuống mặt sông Giá lóa mắt, làm viên pha lê khổng lồ của đêm qua lại càng thêm tỏa sáng rực rỡ hơn.

Bầu trời tháng ba trong xanh cao vợi, mặc dù chỉ mới qua giờ mão nhưng cái oi bức đã tràn lên chiếm lĩnh thứ không khí lành lạnh của trận mưa đêm hôm qua.
Đêm qua chẳng biết mình đã thiếp đi trong lòng Trần Khâm từ lúc nào, mãi đến khi cái nắng chói chang như xé toạc khung cửa sổ chui vào lều mới làm tôi bừng tỉnh, lúc tỉnh lại đều như mọi bận là không thấy người đàn ông kia đâu.

Ấy vậy mà trong khi tôi có chút mệt mỏi vì không ngủ đủ thì tinh thần Trần Khâm lại dường như rất thoải mái có sức, có cảm giác giống như bởi vì mấy ngụm rượu hoa đào đêm qua mà càng thêm phơi phới, phảng phất toát ra thứ sức hút làm mê hoặc lòng người.
Nơi này sớm trở thành chỗ đóng quân, nhưng không phải là không có bóng dáng của đàn bà con gái, tuy tất cả đều không phải là binh lính chính quy nhưng trước nay không thiếu cảnh đàn bà ra trận, triều ta chuộng võ, giống như mấy chị gái trong làng này tùy tiện cầm lên vá múc canh cũng có thể đem ra làm vũ khí đánh giặc được.

Nhưng cũng may mắn là không đến nỗi tạo nên mấy phen nghiệt duyên.

Nếu không thì tôi lại phải trở thành người đàn bà thích chia loan rẻ thúy rồi.
Nói đi phải nói lại, hình như là từ trước đến nay mấy vấn đề vợ lẽ vợ cả hay thiếp thất gì đó còn chưa được đến tay tôi, so ra tuy là nhà vua nhưng lại phá lệ yên bình, nào như nhà của ông lão Nguyễn Khoái, mấy bà vợ ngày ngày tập trận khiến cho ông ta càng lúc càng trở nên lão luyện.

Dù sao bài tập về nhà lúc nào cũng mang tầm hiệu quả hơn.
Không biết ai từng nói đàn ông ở độ tuổi ba mươi là đẹp nhất, cho dù là không còn vẻ trẻ trung như gió xuân phơn phớt thổi qua gò má hây hây của cô gái mới lớn, nhưng lại nhiều hơn phần chín chắn mặn mà.

Tôi đứng khoanh tay nhìn vóc người cao gầy lại có phần rám nắng của anh ta, chẳng hiểu sao lại cảm thấy gò má nóng lên.
Quả đúng như lời Trần Khâm nói, sáng ngày ra thì cha tôi đã dẫn quân đến tụ họp, bên cạnh người còn có Chiêu Thành Vương đã để râu quai nón luôn đứng túc trực.

Kể từ trận chiến cuối cùng năm đó đây là lần đầu gặp lại Trần Thông, ánh mắt anh ta vừa lướt qua tôi đã lập tức dời đi chỗ khác, như có chút hổ thẹn.

Tôi lại không bắt được biểu cảm tiếp theo của Trần Thông bởi gương mặt được bao phủ bởi bộ râu dày, cả người một màu da ngăm, áo thô quần cộc, đôi mắt còn hằn lên những vết thâm, giống như là...!à, giống như là "đêm nằm gốc thị mơ màng, thị thơm mặc thị, nhớ nàng quên ăn".

Tôi thở dài, còn đâu là chàng trai hai mươi tuổi tươi mát tao nhã như lá sen mùa hạ năm đó nữa chứ.
Rốt cuộc thì dù cha tôi có đến tôi cũng chẳng thể gặp được mẹ, bởi bà đã được ông cho người hộ tống ngược về Thanh Hóa cùng với đám quý tộc lần trước bất đắc dĩ phải đi theo.

Tuy là cha tôi đã khẳng định là đoàn thuyền an toàn cập bến, nhưng không nói rõ rốt cuộc có bao nhiêu lo lắng trong lòng tôi, là con gái của bà, dù sao tôi vẫn có một sự liên kết gì đó nhất định.
Cha tôi vỗ vai tôi nói:
- Con ngoan, mẹ con rất khỏe, bà ấy rất mừng vì con có thể giúp sức cho ta.
Câu này có vẻ bình thường, nhưng lại có chút kỳ lạ, vấn đề là tôi lại chẳng biết nó kỳ lạ ở điểm nào.
Ngày thứ hai sau khi đại quân của cha tôi tới nơi đã bắt đầu xẻ gỗ làm cọc, lại cấm không cho bất cứ ai bén mảng vào địa phận này, nghiêm ngặt đến con ruồi cũng không bay lọt.

Ban đầu tôi còn không mường tượng ra được, cho đến khi mấy người cha tôi cùng với Trương Hán Siêu và Trần Thì Kiến cùng với mấy bô lão sống trong vùng này họp lại bàn đối sách thì lúc ấy có vẻ trong đầu tôi cũng nhen nhóm hiểu được ý định của họ rồi.
Ngày trước cho dù là nghe qua chuyện Ngô Vương và Đại Hành hoàng đế bày trận cọc nhọn trên sông Bạch Đằng, tin thì có tin, nhưng đối với cách thức tôi lại cảm thấy ngờ vực.

Sông sâu, sóng lớn, đáy sông nhiều bùn, còn có do thám của địch, liệu chúng sẽ dễ dàng để bản thân mắc phải sai lầm lớn như vậy hay chăng?
Ngược với nghi hoặc của tôi, cha tôi lại chắc nịch đưa ra kết luận:
- Cho đóng cọc ở lòng sông để ngăn bắt thuyền giặc công hiệu gấp mười lần xích sắt chặn sông!
Cho đến khi Trần Khâm đưa tôi theo cùng khi thăm dò đến sông Bạch Đằng thì tôi cũng phần nào lý giải được.

Giữa mênh mông đất trời, khúc sông này rộng chừng hai dặm, có núi Tràng Kênh cao ngất, lại có nhiều nhánh sông đổ lại, sóng lớn giáp tận chân trời, cây cối cũng um tùm che lấp bờ bến.

Ngược lại lúc buổi triều đã xuống, áng chừng mực nước lại thấp hơn đến gần cả trượng, nhưng lại chỉ vỏn vẹn trong vài giờ tức là lúc chiều và tối.
Tôi ngồi đến mòn đít cả ngày bên bờ sông, ngáp một cái lại chẳng biết từ lúc nào đã vẽ ra được một cái sơ đồ nguệch ngoạc, bên dưới vẽ một đường thẳng chỉ thời gian lúc triều dâng và rút, lại vẽ một đường thẳng hướng lên chỉ độ sâu của triều, mấy đường cong cong chỉ mực nước và chú thích vài chữ lúc nào nên đánh, lúc nào thì nên lui.
Trần Khâm ở phía sau đoạt lấy, cũng tấm tắc:
- Được đấy, rất nhanh đã hiểu hết đường đi nước bước rồi!
Tôi còn chưa kịp tự mãn thì Trần Thì Kiến đứng đó từ lúc nào đã xen vào:
- Có điều việc này bọn tôi đã thương lượng xong từ lâu!
Trần Khâm trừng mắt nhìn Trần Thì Kiến một cái, anh ta bèn như con rùa rụt cổ, gãi đầu cười trừ.

Tôi có chút mất mát, ây dà, mấy người đàn ông này, đúng là trí thông minh làm người ta chẳng thể nào mà theo kịp.
Trần Khâm thấy tôi có vẻ ủ ê thì cười bảo:
- Bản vẽ này lại rất đơn giản dễ hiểu, dùng để cho binh lính xem qua cũng tốt.
Việc này thì tôi hiểu, thật ra binh lính là những người thuộc đủ mọi tầng lớp của xã hội, không phải ai cũng từng đọc qua sử sách hay binh thư, chỉ sai đâu đánh đó, nếu như hiểu được chiến thuật lại càng dễ dàng phối hợp và điều khiển hơn.

Trong lòng tôi đã thoải mái trở lại, dù sao việc chuẩn bị nặng nhọc này chính mình cũng không thể tham gia giúp đỡ, vì vậy tốt nhất là nên làm những việc vừa sức thôi.


Thế nên cho đến lúc xẻ gỗ làm cọc xong, nhìn thấy dộ dài cọc gỗ, tôi có thể âm thầm đoán được thời điểm nào là tốt nhất để đánh và rút quân.
Những ngày này lại có vẻ rất thoải mái (vì tôi có phải là kẻ lên rừng đốn cây xẻ gỗ đâu), chỉ có một áp lực mơ hồ về thời gian, bởi chúng tôi cũng không lường trước được sức chịu đựng của bọn chúng tới đâu, và mất bao lâu để ra quyết định rút quân về nước.

Tuy nhiên việc rút quân thì lại là việc không sớm thì muộn.
Thật ra không phải chỉ riêng cha tôi và Trần Khâm mà bất cứ ai cũng có thể hiểu rõ được rằng bọn chúng chắc chắn sẽ rút quân, không cần tốn một binh một tướng tự nhiên cũng có thể xua đuổi được quân thù, vấn đề là có thể đổi lấy được nền hoà bình trong bao lâu, liệu tới năm năm hay mười năm? Không, e là chỉ trong vài tháng là chúng đã có thể khôi phục lại đội quân hiếu chiến, lại tiếp tục uy hiếp nước ta.
Cha tôi có lúc đã nói riêng với tôi, người bảo người không phải thọ ngang trời đất để đối đầu mãi với chúng, sợ sau này con cháu lại phải vất vả.

Hiện chỉ còn cách đánh một trận thật lớn, diệt gọn toàn bộ những mũi nhọn của chúng, mà trước mắt chính là thuỷ binh của Ô Mã Nhi.

Sau hai lần thất bại ở Đại Việt, có vẻ chúng đã nhìn ra được nơi đây vốn không phải nơi dùng bộ binh làm thế mạnh, lần này thuỷ binh hùng hậu như thế tiến công, nếu không tiêu diệt thì chỉ e để lại uy hiếp về lâu về dài.
Tôi lại nghe khoé mắt mình cay cay, năm nay người cũng đã sáu mươi, đã bước qua cái tuổi về bên kia cuộc đời rồi.
Tôi theo cha lên rừng, lại nhớ tới thuở bé dù cha có đi bất cứ đâu cũng đưa tôi theo bên cạnh, hễ làm gì cũng đều bắt tôi phải làm.

Thuở đó tôi lại nghĩ cha mình bất công, anh trai chị gái đều đủ cả vậy mà việc gì cũng đến tay mình, giờ ngẫm lại nếu không có cha tôi khi ấy, làm sau có được tôi ngày hôm nay? Tính tình tôi thuở nhỏ vốn cứng đầu lì lợm, thật ra nếu như lúc đó chị Trinh là người bị bắt, sợ chẳng biết có thể đoàn tụ với nhau như bây giờ hay không, bởi lẽ thế cho nên dù sống một cuộc đời lặng lẽ chị vẫn không thấy giận tôi là vậy.
Giữa cái nắng sớm làm đổ rạp bóng cha xuống che chắn trước mặt tôi, như đơn thuần chỉ là một người cha bình thường mà chẳng phải là Hưng Đạo vương lừng lẫy chiến công vang dội, người quay về phía tôi cười hiền từ, khoé mắt đã đầy nếp nhăn.

Bất cứ một người đàn ông nào ra ngoài dù làm bao nhiêu việc cao cả, điều quý giá nhất vẫn là một người cha, nhất là người cha đối với con gái của mình.
Trước mắt thì cha tôi cho chuẩn bị đâu đó tầm hai trăm cọc gỗ, lại đem đến cửa sông, cắm xuống nước xa gần so le, dài ngắn không đều, hình giống như răng chó cài nhau để ngầm dưới mặt nước không cho lộ thấy.

Tôi đánh giá, cái đà này cho dù thuyền địch có nhẹ, buồm có tốt đến đâu thì ra sức chèo cũng không tiến nỗi một bước.

Trong khi binh lính tất bật bên kia thì bên đây tôi lại rất rảnh rỗi, một ngày có vài canh giờ là theo Trương Hán Siêu và Trần Thì Kiến đi thuyền nhỏ ra xem thủy triều, cũng nắm được trong vòng trên dưới ba canh giờ lúc triều bắt đầu xuống chính là thời điểm vàng để dụ địch vào bãi cọc, cụ thể là từ nửa đêm tới sáng sớm nước triều sẽ cao, đến giữa trưa nước triều sẽ chạm mốc thấp nhất, tầm lúc nắng cao quá đầu có lẽ sẽ là lúc địch có thể sẽ phát hiện ra được bãi cọc ngầm.

Thế xem ra quỹ thời gian lại khá là hạn hẹp.
Hai cái người này trùng hợp lại giống như tôi, mấy việc nặng nhọc thì thôi bỏ đi.

Trương Hán Siêu thì mấy bận còn ở lại xem tiến độ như thế nào, đúng sai ra sao, còn Trần Thì Kiến thì dứt khoát đám cọc gỗ kia dài ngắn thế nào anh ta chưa chắc là biết được.

Dù sao làm quân sư nhàn tản cũng phải ra dáng một quân sư nhàn tản, bàn tay người ta là để cầm bút cầm ấn, cũng chẳng thể nào mà cầm búa rìu lên đẽo cây được.
Nghĩ ngợi một hồi tôi bỗng nghe một chất giọng quen thuộc nho nhỏ thoáng qua bên tai, hóa ra là Trương Hán Siêu tức cảnh sinh tình đọc mấy câu lầm rầm trong miệng:
"Bát ngát sóng kình muôn dặm, thước tha đuôi trĩ một màu
Nước trời một sắc, phong cảnh ba thu".
Trần Thì Kiến ngồi sau mui thuyền lại bật cười:
- Vài hôm nữa e là cậu ta phải thêm vài câu bi tráng phía sau!
Trương Hán Siêu vẫn giữ sắc mặc không nóng không lạnh, nghiêm túc ngồi ở đầu thuyền như một pho tượng ngàn năm không bao giờ thay đổi sắc mặt, so với anh Quốc Hiện của tôi dễ dàng sa vào bẫy bị Trần Thì Kiến không biết bao lần đem ra chọc tức thì Trương Hán Siêu này lại dửng dưng như không.

Có lẽ cảm giác được giống như là dùng mũi dao chọc vào một khối đá cuội nên Trần Thì Kiến cũng không còn hứng thú trêu chọc nữa.

Tôi cười thầm, thằng nhóc Trương Hán Siêu này cũng được đấy.
Dù sao tôi cũng hiểu ý Trần Thì Kiến, nhìn con sông loang loáng sắc xanh của bầu trời, nói không chừng vài ngày tới lại nhuộm một màu đỏ máu, dù thắng dù thua, tổn thất về mạng người là không thể tránh khỏi.

Lúc này tôi bỗng nhiên tưởng tượng ra cảnh dạo đó Trần Quốc Toản kể với tôi, thuyền lương của địch chiếc thì chìm chiếc thì bốc cháy, ánh lửa loang khắp mặt sông, khói bốc lên tới tận trời, lại thấy con sông bỗng nhiên nhuốm màu buồn bã.
Giữa cái nắng chang chang như đổ lửa, binh lính cởi trần đi thuyền nhỏ ra đóng cọc trên sông, ai nấy trên người đều xăm hình xăm thái long.

Tôi khoanh tay tựa vào gốc cây lim dim nhìn Trần Khâm đang đứng trên thuyền nghĩ ngợi, bất chợt nhớ tới hình xăm rồng trên đùi anh ta, nhất là cảnh anh ta ở trên người mình làm động tác khiến con rồng đó sống động như muốn bay ra ngoài thì chậc chậc mấy tiếng, cảnh tượng đó đúng là hết sức diễm lệ.
Trần Quốc Toản không biết tôi đang suy nghĩ xấu xa, cứ tưởng tôi đang lo lắng cho trận chiến, bèn nói vài câu an ủi:
- Đừng lo lắng quá, kế sách thì quốc công đã bàn qua hết rồi, đến lúc đó ta cứ việc nghe theo chỉ điểm.

Lần trước Hoài Văn quân trải qua thủy chiến dài ngày, phản xạ đã tốt hơn xưa rất nhiều.
- Hả? Cậu nói gì cơ?
Tôi bừng tỉnh quay mặt nhìn cậu ta hỏi lại, Trần Quốc Toản có vẻ hơi đỏ mặt, bèn lắc đầu bảo không có gì.

Tên nhóc này trước giờ tuy luôn tỏ ra tâm cao khí ngạo nhưng nội tâm lại hay ngại ngùng.
Cọc nhọn đa phần làm từ gỗ lim, đều là gỗ tươi trực tiếp đem từ trên rừng xuống, cũng phải nặng hơn nghìn cân.

Sau khi gọt đẽo trơn láng qua một lượt, gọt nhọn hai đầu, lại đem ra sông lựa lúc nước triều đang rút bắt đầu đóng cọc.

Phần thân trên buộc ván, sau đó để cho bốn binh lính to khoẻ đứng lên, lại lắc và nhấn cho cọc chìm sâu dần, sau đó thì tháo ván ra.

Một vài cọc được đóng nghiêng ngược hướng rút của thuỷ triều, tất cả đều bọc sắt nhọn vào đầu cọc.
Trước mắt là ba bãi cọc chắn ở ba cửa sông dẫn ra biển, tôi vốn căng thẳng khi triều lên cao, nhưng đến lúc triều xuống thấy bãi cọc vẫn sừng sững ở đó, bỗng thấy khóe mắt nóng ran.

Binh lính lẫn các bô lão bên dưới hô vang trời, rốt cục thì đã hoàn thành khâu chuẩn bị, cho dù từng xảy ra nhưng những trận đánh trước nhưng dù sao cũng cách đây hơn hai trăm năm, khả năng thành công không phải hoàn toàn có thể nắm chắc, đến hiện thời chỉ còn một việc duy nhất và cũng quan trọng nhất là nghĩ cách đưa chúng vào tròng thôi.
Làm xong bãi cọc, tôi và Trần Khâm để cha ở lại duyệt binh tập trận, chính mình thì đưa quân bộ lên đường mai phục hai bên bờ dọc hướng sông mà dự đoán là chúng có thể đi qua.

Thế giặc hung hãn, tuy là rút lui nhưng lại là chủ động rút lui nên đương nhiên thế lực không thể coi thường, tốt nhất vẫn nên bào mòn ý chí của chúng mới có thể làm chúng hoảng loạn sinh ra lơi lỏng mà đâm đầu vào bẫy.

Tôi nhìn làn sóng Bạch Đằng Giang cuồn cuộn, lại bất chợt nhớ đến câu của anh trai nào đó thời Tần, nói rằng: "Gió thổi sông Dịch lạnh lùng ghê, tráng sĩ một đi không trở về".

Haizz, nghĩ tới đó thì bỗng thấy rét lạnh..

Bình luận

  • Bình luận

  • Bình luận Facebook

Sắp xếp

Danh sách chương