Nào Hay Xuân Mênh Mông
-
30: Về Việc Răn Dạy Con Cái
Rốt cuộc tới ngày anh Quốc Uất đưa chị Thụy Hữu trở về lại mặt, quan gia thu xếp trở về kinh đô, thì đám khách ở lì trong vương phủ cũng không còn mặt dày mà tự giác nối tiếp nhau ai về nhà nấy.
Sau khi trở về có lần chị Trinh rơi vào một trận bệnh thập tử nhất sinh, cuối cùng nhờ thằng bé Thuyên kiên trì ở bên cạnh chăm sóc mà giữ lại được nửa cái mạng, nhưng sức khỏe từ đó tuột dốc không phanh.
Tôi ngồi bên cạnh nghe chị dạy việc, giống như cuối cùng chị cũng giao lại được gánh nặng của cuộc đời mình.
Chị Trinh năm nay chỉ sắp ba mươi, vẫn còn chưa đi được tới nửa chặng đường của đời người.
Tôi không muốn chị phải lo nghĩ nữa, cái gì hiểu được thì hiểu, không hiểu được thì hỏi Trần Khâm.
Cùng một tâm trạng với tôi, thằng nhóc Thuyên cũng thế, gần như là liều mạng học hành.
Cuộc sống của nó hiện tại chỉ để tâm tới hai việc, một là chăm sóc mẹ nó, hai là học, đôi lúc tôi tự nhủ, đây là dáng vẻ của một đứa trẻ mười tuổi nên có sao?
Chắc là vì hôm nọ chị Trinh vừa tỉnh lại sau hai ngày mê man, vừa bắt gặp bộ dáng khóc lóc của nó, bèn cất giọng mệt mỏi, chất giọng vì bệnh nên yếu ớt giống như không thể nói ra hơi:
- Trước giờ mẹ chưa từng khắt khe với con điều gì, hết thảy đều để con tự ý làm theo ý mình muốn, nhưng gần đây nghe phong thanh việc con ham chơi không thiết tới học hành, làm mẹ cũng phải nặng lòng suy nghĩ.
Ngày xưa đức tiên đế đã phong con làm hoàng thái tôn kể từ khi con mới sinh ra đời, cho dù muốn hay không muốn, thì số phận của con cũng được định là như thế, cũng như mẹ dù muốn hay không thì khi đã ngồi vào ngôi vị này, phải làm tròn trách nhiệm với xã tắc giang sơn.
Nay con học hành chểnh mảng, làm mẹ cảm thấy cố gắng của mình trước giờ bỗng thành xôi hỏng bỏng không.
Nói xong thì ôm ngực ho một trận.
Tôi đau xót vuốt ngực cho chị, thầm nghĩ chắc là có kẻ đàn hặc với chị về việc của thằng bé Thuyên mới khiến chị phải rầu lo như thế.
Thằng nhóc Thuyên ở bên cạnh nước mắt cũ nước mắt mới chồng chéo lên nhau, khóc lóc đến khản giọng trông cực kỳ đáng thương.
Tôi thấy nó có vẻ mệt mỏi, bèn sai nội hầu đưa nó trở về, tránh để hai mẹ con phải nói mấy lời tổn thương nhau nữa.
Tôi lắc đầu, ân cần nói với chị:
- Vậy nên chị phải cố gắng khỏe lại để nhìn con trưởng thành, chị phải sống đến ngày con được kế thừa thánh ý của tổ tiên, trở thành một minh quân hết lòng lo cho đất nước.
Lại có một hôm chị Anh Nguyên ghé sang thăm, tôi lại bỗng nhớ tới mấy lời hôm trước chị nói, liếc mắt nhìn thấy chị đang ngủ, liền nhỏ giọng hỏi chị Anh Nguyên:
- Ngày trước lúc em không có trong vương phủ, chị Trinh đã từng bệnh như thế này rồi đúng không?
Chị Anh Nguyên ngẫm nghĩ một lát, giống như sực nhớ ra liền nói:
- Đúng là có, là một ngày đông chị ấy bị rơi xuống hồ, trước đó sức khỏe của chị cũng không đến nỗi như vậy.
Tôi lại nghĩ quả nhiên, bệnh tới bất ngờ chỉ có khả năng là do đã có từ trước.
Chị Anh Nguyên lại bổ sung:
- Là sau khi được định hôn sự với quan gia.
Dạo đó còn bệnh rất lâu nữa.
Tôi lại miên man suy nghĩ, bỗng nhiên nghe chị Trinh ho một tiếng bên tai, yếu ớt nói:
- Vốn dĩ là vô tình rơi xuống, nhưng lại không muốn tỉnh dậy.
Cũng may khi ấy chị dâu nói với chị rằng bản thân chị vẫn còn trách nhiệm chưa hoàn thành, nếu không sợ là chẳng có chị ngày hôm này.
Lại bất giác thở dài, chị dâu âu cũng là một kẻ gả đi vì trách nhiệm.
Mọi thứ rơi vào tĩnh lặng, ngọn đèn dầu lay lắt trong không trung như chực tắt, mùi thuốc nồng nặc lan đến từng ngõ ngách, đáy lòng tôi cũng nặng nề.
Chị Trinh lại nhìn chăm chú vào tấm mành lụa đang lay động, gương mặt chị giống như đang suy nghĩ lung lắm.
- Quan gia về vai vế hay tuổi tác đều là em của chị.
Nếu không vì ngày đó trách nhiệm quá nặng nề, làm sao chị lại cùng một người mà chị luôn xem là em trai mình sinh con dưỡng cái chứ.
Tôi và chị Anh Nguyên nhìn nhau, không biết nói gì cho phải, bèn thống nhất với nhau là yên lặng để chị Trinh trút bỏ nỗi lòng.
Bao năm qua cùng với nhau, chưa lần nào chị đề cập với tôi những gì mà mình suy nghĩ, hết thảy đều lo nghĩ cho tôi và những người bên cạnh mình.
Nay bệnh tình trở nặng, giống như chị muốn trăn trối với bọn tôi trước khi rời đi vậy.
Tôi vẫn còn bình tĩnh, bên kia chị Anh Nguyên đã khóc thút thít rồi.
Chị Trinh lại tiếp tục trút nỗi lòng:
- Tĩnh à, bao năm qua chị luôn thấy có lỗi với em, nhiều lúc muốn nói nhưng vẫn không thể mở miệng.
Là bởi vì năm đó em đã cứu chị, nếu như người bị bắt đi là chị thì bây giờ đã tốt rồi.
Mười năm rồi lại hai năm, không biết bao nhiêu lần chị tự trách mình.
Tôi nắm lấy tay chị không kìm được rơi nước mắt, tại sao trên đời này có những người luôn ôm mọi tội lỗi trên đời vào người mình như thế.
Tại sao chị không trách tôi đã làm hỏng cả cuộc đời của chị, lại còn trở về tranh giành, cho tới cuối cùng lại còn ôm dằn vặt vì cảm thấy có lỗi với tôi.
- Giá như lúc đó em chết đi, chị đã có thể làm lại cuộc đời mới.
Chị Trinh cau mày, vờ như giận dỗi:
- Cho dù em chết, chị cũng mang niềm ân hận cả đời.
Tôi lại tiếp tục thở dài một tiếng.
Chị Trinh không nhịn được, lại nói:
- Hiện giờ cho dù chị không gượng dậy nỗi, thì cũng chẳng hối tiếc gì, chỉ lo một mình thằng bé Thuyên còn quá nhỏ, nếu không có mẹ chỉ sợ nó buồn bã rồi không chịu cố gắng học hành.
Quan gia thì bận rộn, không thể nào để mắt tới nó cả ngày, vậy nếu một ngày không còn chị nữa thì chị chỉ biết trông cậy vào em thôi.
Tôi yên lặng gật đầu, nước mắt rơi xuống ướt cả gối thêu uyên ương của chị.
Tôi những tưởng chị Trinh sẽ không qua khỏi mấy ngày này, nhưng cái lạnh của mùa đông qua đi và những ngày nắng ấm trở lại, thì sức khỏe của chị lại dần dần tốt lên.
Có lẽ là do những chất chứa trong lòng bấy lâu nay được giãi bày, nên chị cũng không quá khổ tâm như trước nữa.
Lại không uổng công thằng bé Thuyên hết mực kề cận chăm nom.
Tôi viết thư về cho cha mẹ, lại được tin chị An Hoa đã có tin vui, thầm nghĩ anh Quốc Tảng quả là có năng lực.
Sau lần đó có lúc tôi nhìn thấy Quốc Chẩn, dù biết nó chỉ mới tròn năm tuổi, nhưng vẫn buộc miệng nói:
- Bây giờ con còn nhỏ, những gì mẹ nói con đều nghe, nhưng sau này lớn lên không tránh khỏi tự bản thân sẽ thấy suy nghĩ của mình là đúng, cũng không thể nào ngăn cản được những người khác tác động vào suy nghĩ của con.
Bản thân con là đứa hiền lành, phải trợ giúp cho anh con làm nên nghiệp lớn, tuy con là con vua, vẫn có khả năng kế vị như anh của con, nhưng hãy nên học cách làm bề tôi sao cho xứng, tuyệt đối không được phép có ý định tranh giành bất cứ thứ gì.
Chỉ như vậy thôi là mẹ đã an tâm.
Quốc Chẩn không biết có nghe hiểu không, nhưng lại ngoan ngoãn gật đầu.
Tôi xoa đầu nó, thở dài, bỗng thấy tâm trạng của mình nhẹ đi chút ít.
Giữa tôi và chị Trinh tồn tại loại quan hệ khó mà nói rõ được, là chị em thì không hẳn, là tình địch cũng không xong.
Là chị em tại sao giữa chị ta và người tôi xem là chồng lại có con cái với nhau.
Là tình địch ư, cũng không phải, bởi chị Trinh chưa bao giờ có ý nghĩ cùng tôi tranh giành, và giữa chị với Trần Khâm tựa hồ cũng không có loại tình cảm để hình thành nên cái thứ quan hệ đó.
Bệnh đến như núi đổ, bệnh đi như kéo tơ, sức khỏe của chị Trinh từ sau trận bệnh thập tử nhất sinh ấy cũng xuống dốc, thường xuyên làm bạn với thuốc than.
Tôi biết trong lòng chị khổ không kể xiết, đau lòng và dằn vặt, nhưng ngoài cách ở cùng chị ra tôi cũng chẳng làm được gì.
Bệnh của chị Trinh vừa lui chưa lâu, thì tháng hai sứ Nguyên lại tới, thể hiện thái độ như gấp rút muốn phục thù.
Trần Khâm dùng lời lẽ cương quyết trên điện Thiên An, khiến sứ thần giận xanh mặt.
Trong lòng tôi cả cười, ngày trước nhân nhượng chẳng phải bọn chúng cũng kéo quân sang thôn tính nước ta đó sao, hy vọng gì ở một con thú dữ luôn hăm he chực chờ cắn nuốt.
Đám người hung hãn này, cũng chẳng phải là chưa từng đánh qua.
Ngày xuân tháng ba, mây trên trời càng nhiều, vạn vật đâm chồi, trăm hoa đua nở, cây lê phía sau cung Quân Hoa cũng lấm tấm một vài đóa hoa đầu tiên.
Những ngày gần đây Quốc Chẩn đã bắt đầu theo nhóc Thuyên đi học, tôi khó mà có được một lúc yên tĩnh, bèn kê cái sạp trúc đã cũ kỹ ra phía sau ngắm hoa lê, thầm nghĩ tầm ba bốn tháng nữa là cũng là lúc đến mùa.
Hôm nọ nghe Mạc Đĩnh Chi báo tin, cô Ngọc Châu kia hiện tại cũng vào phủ Chiêu Văn hầu đèn sách rồi.
Tôi có phần kinh ngạc, thể loại hầu đèn sách sớm chiều kề cận bên nhau này chẳng phải hay xuất hiện trong ca kịch hay sao, Trần Nhật Duật này không ngờ cũng là kiểu người có loại thú vui như thế, đúng là con người ta càng lớn tuổi lại càng có những sở thích lạ lùng.
Nhưng có điều tôi thắc mắc, Chiêu Văn vương này lại còn cần có người hầu đèn sách ư, trong phủ của anh ta không phải lúc nào cũng hát hò náo nhiệt, về việc hầu sách này...!không phải là có chút thừa thãi?
Trong lúc mơ mơ màng màng nhớ lại mấy chuyện phong tình của Trần Nhật Duật, đột nhiên có ai ngồi xuống chiếc sập trúc phát ra âm thanh kẽo kẹt.
Không cần nhìn cũng biết là ai, tôi lười nhác lên tiếng:
- Không mấy khi quan gia đến sớm như vậy, trong lòng bực tức nên tìm chỗ khuây khỏa hay sao?
Trần Khâm cười cười, trong giọng nói lại có chút kiềm chế:
- Sao lại như thế được, chỗ này đâu phải chỗ cho ta xả giận.
Ta thấy em đang rảnh rỗi nên đến làm phiền, không biết phu nhân có tiện tiếp chuyện hay không?
Lại cảm giác như chiếc sập lung lay không vững, tôi buộc miệng nói:
- Làm gãy sập trúc của em thì chàng phải đền bằng sập vàng sập bạc.
Trần Khâm phì cười, chỉ tay vào trán tôi:
- Sập vàng sập bạc thì không có, chỉ có tấm lưng già này thôi.
Tôi mở mắt nhìn Trần Khâm đang vận bạch bào ngồi trước mặt, tuy nét cười trên miệng nhưng đôi mày lại giống như vẫn còn chưa giãn ra, trên vai áo điểm mấy cánh hoa lê trắng muốt như tan vào sắc trắng trên màu áo của Trần Khâm, phía sau ánh mặt trời chói mắt hé ra trên những tán lá bị gió thổi rì rào cũng bị bóng lưng của anh ta che lại.
Trong lòng tôi thầm nghĩ, đúng là cảnh đẹp ý vui.
Có một người chồng làm nông, vợ chồng sẽ gần như gặp nhau suốt cả ngày, có thể là chồng đi cày, vợ đi cấy.
Có một người chồng làm quan nhỏ, thì trừ những khi anh ta ra ngoài làm công vụ, trở về thì chỉ quanh quẩn với vợ mình, thỉnh thoảng lại ra ngoài gặp bạn đồng liêu.
Lại có một người chồng làm quan to, ban ngày vào triều, hết giờ thì trở về phủ đệ, có thể ba vợ bốn nàng hầu, nhưng có thể biết rõ lúc nào là gặp được anh ta.
Nhưng có một người chồng làm vua, anh ta cứ thoắt ẩn thoắt hiện, anh ta có nhà riêng và chỉ khi có việc cần anh ta mới sang thăm.
Rõ ràng là vợ chồng, nhưng lại chẳng giống vợ chồng, rõ ràng là nhà của ta, nhưng cũng chẳng phải nhà của ta, có một đứa con nhưng lại không thể bắt nó hiếu kính với riêng ta mà là cả thiên hạ.
Tôi đang "đau xót" cho số phận của mình, thì người chồng bất đắc dĩ kia lại thở dài, chậm rãi lên tiếng:
- Chú năm báo về, bọn chúng đang sai đóng gần ba trăm thuyền chiến, chiêu mộ hơn năm mươi vạn binh mã, có ý định mượn cớ đưa chú ấy về nước để sang cướp nước ta lần nữa.
Tôi hừ một tiếng, khinh thường nói:
- Ba trăm tàu chiến và năm mươi vạn binh mã, bọn chúng đang mơ hay sao? Ba trăm tàu chiến không nhanh thì chậm có thể xong, còn năm mươi vạn quân kia chiêu mộ ở đâu chứ, vừa tổn hại gần bốn mươi vạn, lại có thể ngay lập tức định chiêu mộ thêm năm mươi vạn, bọn chúng định đào người dưới đất lên ư?
- Cũng không phải là không thể...!- Trần Khâm trầm ngâm – Không nhất định chỉ là người Mông Cổ, em đừng quên bọn chúng đã thôn tính được nước Tống, và đương nhiên cũng không chỉ là nước Tống!
Nghĩ đoạn, lại nói tiếp:
- Nhưng dù sao binh lính mỏi mệt, thương thế còn chưa khỏi, chúng cũng không thể nhịn đói đi đánh nhau.
- Vậy nên không nhất định là bây giờ, ít nhất cũng phải hơn một năm chúng mới có khả năng tạo ra uy hiếp!
Tôi cầm quạt quạt cho mình vài cái, lại quạt cho Trần Khâm vài cái, rồi đánh giá anh ta từ trên xuống một lượt.
Đây rốt cuộc cũng không còn là chàng trai năm đó, vừa nghe phong thanh tin giặc Nguyên sẽ đánh đến đây thì cố giấu hoảng hốt trong lòng, lo lắng đến mất ăn mất ngủ.
Trên mặt Trần Khâm hiện tại tỏa ra loại khí chất sắc bén như một thanh kiếm, một loại trấn tĩnh tự nhiên từ bên trong.
Trần Khâm gật đầu, có vẻ rất hưởng thụ việc tôi quạt mát cho anh ta.
Chốc lát lại nới lỏng cổ áo cho thông thoáng hơn, hơi ngả người ra sau, chớp mắt suy nghĩ, lại nói:
- Có điều cũng không đáng lo, trước ta đã hỏi Quốc công, ông ấy nói vì ngày trước thái bình lâu ngày dân không biết việc binh, nên khi bọn Thát sang thì có lắm kẻ đầu hàng trốn chạy.
Nay nếu nó lại sang thì quân ta đã quen việc chiến trận, mà quân nó thì sợ phải đi xa.
Vả lại, chúng còn nơm lớp cái thất bại của Hằng, Quán, không còn chí chiến đấu.
Lại kết luận một câu: phá được chúng là điều chắc chắn.
Cha tôi không phải kẻ ăn không nói có, ông ấy đã khẳng định như thế, thì tức là trận này vốn không có gì để lo, huống hồ lần trước đánh cho giặc chạy nháo nhào, khiến bọn chúng vừa nghe tới tên ông là lập tức kinh sợ.
Nghe Trần Khâm nhắc tới những kẻ đầu hàng, bỗng dưng tôi lại nhớ đến đám Trần Kiện Trần Lộng, lần đó Trần Kiện bị bắn chết đúng là quá lời cho hắn ta.
Tôi bất chợt ngồi dậy, căm phẫn nói:
- Trần Kiện, đáng ra nên bắt sống, sau đó để cho voi giày ngựa xéo mới hả giận, ấy mới là kết cục xứng đáng cho kẻ giẫm lên xương máu của đồng bào ta.
Trần Khâm nhìn tôi chớp chớp mắt, có lẽ nhìn bộ dạng và lời nói của tôi khiến anh ta lạnh sống lưng.
Trần Khâm ngẩn người nhìn tôi một hồi, giống như muốn nói gì đó.
Tôi ngưng quạt cau mày nhìn anh ta, giục:
- Còn gì nữa chàng cứ nói đi, bộ dạng sợ sệt đó là gì?
Trần Khâm hít một hơi, khó khăn lắm mới cất giọng, có vẻ phẫn hận tột cùng:
- Trong thư chú năm cũng có báo một tin..
cô út..
hiện đã có thai với Thoát Hoan.
Trong lòng tôi như có một cơn chấn động, tôi giật mình hỏi lại Trần Khâm, thấy anh ta gật đầu mới tin tưởng là mình không nghe nhầm.
Tôi ngẩn ra một hồi thì ngã ngồi xuống sập, lúc ngẩng lên cảm thấy trên mặt lành lạnh, hoá ra lại giàn giụa nước mắt nữa rồi.
Tôi bật cười khan, hỏi:
- Đó không phải là điều có thể dễ dàng đoán được hay sao? Vậy..vậy chú năm có nói cô ấy hiện sống thế nào không? Thoát Hoan có đối xử tệ bạc với cô ấy không?
Trần Khâm lắc đầu:
- Cơ bản là vẫn bình an.
Đúng là ban đầu trở về Nguyên cô út có đòi sống đòi chết mấy lần, nhưng Thoát Hoan dường như rất kiên nhẫn, chẳng biết được anh ta thật tâm muốn cô ấy sống hay chỉ vì muốn cô ấy dằn vặt đau khổ để trả thù.
Có điều sau khi có thai, những việc nên làm anh ta cũng làm, những việc không nên làm cũng hạn chế thấp nhất, có vẻ xem trọng đứa con đầu tiên của mình.
Trong lòng tôi có chút an ủi, mếu máo gật đầu.
Trần Khâm kéo tôi vào ngực, an ủi:
- Xe đến chân núi ắt có đường, việc đau khổ nhất là dứt áo ra đi cô ấy cũng đã làm rồi, hiện tại không chỉ có một mình sinh mạng của cô ấy, chỉ hy vọng cô An Tư cố gắng sống vì bản thân và đứa trẻ.
Nhưng Thoát Hoan, tôi có thể hy vọng gì ở một kẻ như anh ta đây?
Tháng sáu, Trần Khâm đã ra lệnh cho các vương hầu, tôn thất mộ binh, thống lĩnh thuộc hạ của mình, lại sắm sửa vũ khí, chế tạo thuyền bè đề phòng khi có giặc.
Tuy bọn chúng chỉ vừa mới rục rịch ý định, nhưng việc chuẩn bị cũng không thể làm sơ sài.
Chủ quan chính là hướng dẫn đến thất bại nhanh nhất.
Tôi đứng bên cửa sổ, nhìn cơn mưa ngoài trời vẫn cứ rơi mãi không dứt trắng xóa trên mái hiên, lại đổ ào ào xuống thềm, giống như muốn cuốn trôi đi từng lớp ngói từng viên gạch.
Bên ngoài có tiếng bước chân, tiếng phẩy nước trong ô nghe phần phật.
Áng chừng một khắc sau, tiếng bước chân đã đến gần bên cạnh, biết là Thụy Hương đã trở về, tôi bèn che giấu đi tâm tình đang hỗn loạn, chầm chậm hỏi:
- Nó...!vẫn không chịu nhận lỗi sao?
- Dạ chưa ạ, cậu vẫn luôn miệng hỏi phu nhân là mình sai ở chỗ nào.
Thụy Hương lắc đầu, cất giọng run run, không biết là run vì lạnh hay vì đang e ngại tôi nữa.
Móng tay tôi chợt bấu mạnh vào lòng bàn tay một cái, rồi lại buông ra.
Tôi thở dài, vẫn đứng khoanh tay tựa vào cửa sổ nhìn ra bên ngoài, cao cao đằng kia là mái ngói lưu ly đỏ rực của cung Thúy Hoa, khuất sau mấy bụi tầm xuân leo kín cửa rào và mấy cây lê già đã bắt đầu đón những đợt trái chín.
Tôi không nhìn Thụy Hương, lại bâng quơ nói:
- Khi nào tạnh mưa thì sai nô nhi hái một ít đem qua cho chị Trinh, tốt cho sức khỏe của chị.
Thụy Hương chần chừ một lát thì cất giọng:
- Hoàng hậu đã khỏe hẳn rồi chị ạ, chỉ là thỉnh thoảng vẫn rơi nước mắt thôi.
Tôi không kìm được, bèn hỏi dò:
- Vậy thái tôn thế nào rồi, đã được tha chưa?
Thụy Hương dè dặt gật đầu, tôi mới thở phào một cái.
Chốc lát, mưa lại càng lớn hơn, trong lòng tôi bồn chồn không chịu nổi, lại nghe Thụy Hương giục, cuối cùng với tay lấy thêm chiếc áo choàng khoác lên người đi đến gian phòng bên cạnh, tự cảm thấy bước chân mình gấp rút, bèn cười một cái tự giễu.
Gian phòng tối mờ mờ do trời đang mưa to, thỉnh thoảng bên ngoài vang lên một đợt sấm chớp, tôi sai Thụy Hương thắp thêm đèn, căn phòng sáng lên, không khí cũng trở nên ấm áp.
Trước mắt là bóng dáng của đứa bé mới năm tuổi, nhưng trông cao hơn những đứa trẻ cùng trang lứa rất nhiều, tuy khuôn mặt chứa phần nhiều vẻ non nớt nhưng đã mơ hồ nhìn ra được những nét đẹp ẩn bên trong.
Tôi bước tới ngồi trên ghế dài, dặn Thụy Hương đóng kín cửa, lại nhìn nó một hồi rồi khoác tay gọi:
- Biết lỗi rồi thì đứng dậy lại đây đi.
Quốc Chẩn liền bật khóc cúi thấp đầu muốn chạm đất, vừa khóc vừa ấm ức nói:
- Con không biết đã sai chỗ nào?
- Vậy con đúng ở chỗ nào? – Tôi nhẹ giọng hỏi.
Quốc Chẩn lập tức ngẩng đầu nhìn tôi, đôi mắt trong veo như nước suối trong không lẫn một hạt bụi:
- Anh cả ham chơi lén trốn ra ngoài cung với đám bạn bè xấu, con chỉ muốn ngăn cản mà thôi.
Người sai là anh ấy tại sao con cũng phải chịu phạt cùng? Con là con của mẹ hay anh cả mới là con của mẹ?
Tôi thấy đầu mình ong ong lên một cái, chỉ hận bản thân rèn sắt không thành thép.
Máu nóng từ dưới chân xộc lên đỉnh đầu, tôi nhắm mắt xoa bên thái dương cho tỉnh táo, tiếp tục dịu giọng hỏi:
- Có ai xúi giục con không, hay chính con tự cảm thấy như vậy?
- Là tự con cảm thấy như vậy, không có ai xúi giục hết!
Lúc này Quốc Chẩn đã thôi khóc, cố bình tĩnh đáp, nhưng nước mắt hai bên vẫn chảy ròng ròng như thấy mình oan uổng lắm.
Thật ra tôi cũng biết người sai đầu tiên là thằng bé Thuyên, nó chỉ mới mười tuổi mà lại dám làm ra loại chuyện trốn khỏi cung cấm ra ngoài chơi bời uống rượu.
Lại không nén được thở dài, cỡ tuổi nó không phải là nên chăm chỉ học hành rồi ăn với ngủ thôi hay sao? Trong lòng tôi bỗng có chút nghi ngờ, là bây giờ người trẻ đều như vậy, hay thằng bé này đã bị bạn bè xấu làm hư rồi?
Nhưng Quốc Chẩn không bị xúi giục làm tôi cũng yên tâm, ít ra nó còn không đến nỗi bị người khác thao túng bán đứng anh em của mình, cơ bản chỉ là thấy việc chướng mắt thì nói.
Tôi lại nhỏ giọng hỏi tiếp:
- Con cảm thấy nếu như anh cả phạm sai lầm thì ngôi thái tử sẽ về tay con đúng không?
Lần này thằng bé lắc đầu nguầy nguậy, thái độ mười phần chân thật.
Tôi ừ một tiếng, lại hỏi:
- Hay là con cảm thấy mẹ mong muốn con làm như vậy, còn cha của con sẽ yêu thương con nhiều hơn?
Quốc Chẩn lại khóc nấc lên:
- Con chỉ muốn anh ấy đừng làm như vậy nữa thôi ạ!
Tôi đứng dậy bước tới bên cạnh nó, hai tay nâng nó dậy, thấy hai chân thằng bé muốn đứng không vững thì lòng đau như cắt, vội đỡ nó ngồi lên ghế dài, lại lót thêm một lớp vải bông dày cho khỏi lạnh.
Thụy Hương bên ngoài đã bưng lên một bát canh gà còn bốc khói nghi ngút, tôi lấy khăn ướt lau mặt Quốc Chẩn, sau đấy ra hiệu có thể ăn.
Quốc Chẩn ngoan ngoãn bắt đầu ăn canh gà, tôi chống cằm nhìn, lại nhớ tới năm đó giặc Nguyên đánh sang, thằng nhóc này ương bướng ngang ngược đến nỗi đập vỡ bát canh gà, chính tôi đánh nó một cái nhớ đời, sau đấy cũng không thấy thằng bé ương ngạnh nữa, cực kỳ hiểu chuyện.
Mãi cho đến hôm nay.
Kỳ thực việc làm của thằng bé cũng không có gì gọi là quá đáng, là nó thấy thằng nhóc Thuyên theo bè bạn trốn nhà đi chơi thì lập tức chạy đi báo với Trần Khâm, sau đấy Trần Khâm nổi điên lên, sai nội hầu đi tìm về vừa hay bắt gặp thằng con cầu con khẩn của mình đang đánh nhau với đám thiếu niên ngoài phố trong tình trạng say xỉn.
Thằng nhóc Thuyên lớ ngớ thế nào bị bắt về tẩn cho một trận nên thân, rồi bị phạt quỳ suốt hai ngày một đêm dưới sự canh gác cẩn mật của nội hầu, ông ấy dù xót xa lắm cũng chỉ dám cho nó hớp tí nước.
Rốt cuộc chị Trinh khóc lóc tới mức đổ bệnh trở lại Trần Khâm mới tha cho, lúc này thằng nhóc Thuyên cũng ngất xỉu chứ chưa kịp đi thăm mẹ của nó.
Nhắc tới đúng là làm người ta không nén nổi thở dài.
Nói đi cũng phải nói lại, lần này là do thằng nhóc Thuyên tự làm tự chịu vừa mới tí tuổi đã học theo thói xấu của bạn bè, không biết chọn bạn mà chơi, đó cũng là mầm mống của tai hoạ.
Chung quy thì động cơ của Quốc Chẩn không sai, mà là sai về cách thức, giá như nó có thể nói với tôi chứ không phải với Trần Khâm thì mọi việc đã khác rồi.
Tôi đợi Quốc Chẩn ăn xong mới nghiêm mặt:
- Mấy câu mẹ hỏi con không phải là vô nghĩa, con thấy đó, chỉ việc con đi mách cha con thôi mà đã phát sinh ra nhiều suy nghĩ như vậy, cho dù là mẹ tin tưởng con, thì con có chắc mẹ cả con hay là anh cả con sẽ tin hay không.
Ngay cả cha con nữa, con làm sao chắc được bọn họ sẽ không hề nghi kỵ?
Tôi nói tới đó, lại thấy có lẽ thằng bé sẽ khó lòng hiểu được, bèn chuyển sang cách khác:
- Ngày xưa lúc mẹ không có ở đây, con là do một tay mẹ cả nuôi nấng, lúc đó anh cả con bảo bọc thương yêu con thế nào con nhớ chứ? Lúc đó xung quanh anh ấy đâu thiếu người chơi cùng, nhưng thấy con không có mẹ ở cạnh thì thương xót con, ngày ngày chăm nom kề cận, Quốc Chẩn đã quên rồi hay sao?
Quốc Chẩn nghe tới đó thì mếu máo, lại bắt đầu giọt ngắn giọt dài:
- Con không có quên ạ!
Tôi gật đầu, suy nghĩ một chút rồi hỏi:
- Con đi học cũng đã vài tháng, ắt hẳn đã học tới đoạn Khổng Dung nhường lê, vậy con có nhớ không? Anh cả con bị phạt tới mức ngất xỉu, mẹ cả vì lo lắng mà cũng đổ bệnh, chẳng lẽ con muốn xảy ra chuyện này hay sao?
Quốc Chẩn lắc đầu, lúc này tôi mới cười nói:
- Thật ra mẹ không phải muốn con che giấu cho anh cả, lỗi lầm nếu bị che giấu sẽ ngày càng nghiêm trọng, tới lúc đó ngược lại càng hại cho anh con.
Nhưng cũng không thể làm tuyệt tình quá, nếu như lúc đó con khuyên can anh, rồi đem chuyện nói với mẹ, ắt hẳn tránh khỏi sự việc đi đến mức độ này, anh của con là nhất thời bị người ta ảnh hưởng, chứ không phải là không biết sợ.
Còn con, anh em như thể tay chân, việc nó gây ra thì đồng nghĩa là con cũng có lỗi, bởi thế hằng ngày phải càng khuyên can anh, anh em trong nhà là một thể, không thể tách rời.
Thuỵ Hương đưa cho tôi một tách trà táo đỏ kỷ tử, tôi hớp một hơi thấy ngòn ngọt trong cổ họng, cũng rót cho Quốc Chẩn một bát đầy.
Sau đó phát hiện ra trong trà hình như có thêm nước lê, bèn nhìn Thuỵ Hương tán thưởng.
Lại quay sang bồi cho Quốc Chẩn thêm một câu:
- Tuyệt đối không được tranh giành, không phải vì con không bằng anh cả, mà vì sứ mạng hai đứa khác nhau.
Nói xong tôi lau nước mắt cho thằng nhóc, ngồi với nó một lát vừa nghe nó kể mấy chuyện học hành vừa để cho xuống cơm, sau đó sai Thuỵ Hương đưa thằng nhóc đi tắm rửa.
Ngoài trời đã tạnh mưa từ lúc nào, trong cái ướt át của cây cỏ mới được gội rửa qua hiện ra vẻ tươi mới và mát mẻ, ngoài sân sau lại có vài tiếng ếch kêu lúc chạng vạng.
Trong phòng bỗng nhiên tĩnh lặng như tờ, tôi mệt mỏi đứng dậy trở về, thì thấy Trần Khâm đã ngồi đó từ lúc nào, ánh đèn lờ mờ nhấp nháy trước mặt anh.
Vệt nắng vẫn còn sót lại của ánh tịch dương bên ngoài len vào qua song cửa sổ cộng với ánh đèn dầu trong phòng tạo nên thứ ánh sáng tịch mịch.
Vừa thấy tôi, nét mặt anh có vẻ hơi mỉm cười, lại đứng dậy cởi đi lớp áo đối khâm, chỉ còn áo trong màu ánh trăng thắt một kiện đai lưng vàng nhạt.
- Theo như em nói, là ta khắt khe với thằng bé Thuyên quá hay sao? Cái gì mà Khổng Dung nhường lê, cái thằng nhóc cứng đầu đó mà chịu nghe khuyên bảo thì đã không có ngày hôm nay rồi, em còn định giấu cả ta nữa.
Tôi giật mình, không ngờ anh ta đã nghe hết mọi chuyện, trong lòng bỗng có chút chột dạ, vội ba chân bốn cẳng tiến tới giúp anh ta treo áo ngoài lên, lại với tay định trút đi thắt lưng cẩn ngọc.
Trần Khâm nheo mày nhìn tôi, nhàn nhạt phun ra mấy chữ:
- Trời vẫn chưa tối, ta còn chưa có ăn cơm.
Giọng điệu của anh ta mang sự trêu chọc không giấu được, trong bụng tôi than thầm, bao nhiêu năm rồi, cái kẻ này luôn có cách khiến cho người ta phải bí bách.
Tay tôi như phải bỏng, vội buông vạt áo của anh ta ra, ai ngờ anh ta lại từ phía sau kéo tôi ngồi lên đùi mình, trầm giọng nói:
- Ban nãy dạy con hăng hái lắm kia mà, sao bây giờ hỏi gì cũng không nói?
Tôi nghe thế rốt cuộc cũng thở dài, đầu ngả ra sau tựa vào vai anh ta, than thở:
- Vấn đề của con trẻ, thật khiến người ta đau đầu.
Trần Khâm phì cười:
- Chỉ mới có một đứa mà đã than ngắn thở dài, ta còn muốn cùng em sinh thêm vài đứa nữa.
Tôi thoáng đỏ mặt, liếc xéo anh ta.
Lát sau bèn nói:
- Chàng không cảm thấy em khắt khe với Quốc Chẩn sao?
Trần Khâm đỡ tôi ngồi dậy, lại đi vài bước tới bàn tròn, ngồi xuống lấy tay gõ gõ lên mặt bàn.
Tôi biết ý liền đi sai nội nhân chuẩn bị cơm canh, lúc quay lại thì nghe anh ta nói:
- Nó là con trai, khắt khe một chút cũng tốt, tránh cho sau này bị chiều quá sinh hư.
Việc này kỳ thực ta cũng không quá tán đồng với em, giống như việc che giấu nhiều khi cũng không khiến thằng bé kia cảm động mà từ bỏ thói xấu.
Ngược lại hôm nay bị phạt nặng, tin chắc nó có thể nhớ sâu sắc rằng nó đã phải chịu đựng cực khổ như thế nào, mà mẹ của nó vì nó mà đổ bệnh như thế nào.
Còn Quốc Chẩn, dạy nó chút đạo lý làm anh em cũng tốt, triều ta vững vàng cho tới ngày hôm nay, một phần cũng là nhờ tiên đế dẹp bỏ hiềm khích giữa hai nhà, anh em hoà thuận yêu thương nhau mới là điều đáng quý.
Tôi nghe Trần Khâm nói một thôi một hồi cũng thấy có lý, lúc ăn cơm đặc biệt gắp đồ ăn cho anh ta liên tục, làm anh ta thỉnh thoảng ngước lên nhìn tôi nghi hoặc, chắc đang nghĩ không biết tôi có bỏ thứ gì trong cơm canh hay không.
Về việc này hôm sau Quốc Chẩn cũng sang thăm thằng nhóc Thuyên, hai anh em ôm nhau khóc lóc một hồi, rồi lại nói mấy lời khiến người ta buồn nôn một lúc lâu thì cũng xem như là hoà thuận trở lại.
Tôi thì cảm thấy lý do thằng nhóc Thuyên có thể rộng lượng như thế một phần là vì mấy hôm nay Quốc Chẩn nhà tôi giúp nó chép bài, khiến cho kẻ làm anh nhìn bằng ánh mắt rưng rưng cảm động.
Thằng nhóc liên tục hứa hẹn với tôi sẽ không để cho em út bận lòng vì mình nữa, quyết từ nay rời xa bè lũ xấu xa, kết giao với hiền thần.
Nói chung nó hứa hẹn thì hứa hẹn, trong lòng tôi vốn là không tin tưởng lắm.
Nhưng sau này ngẫm lại, đúng là kể từ đó đến khi nó lên được ngôi cao, thằng nhóc này cũng chưa lần nào tái phạm.
Mùa hè oi bức rốt cuộc cũng qua đi, đến tháng mười, quân đội lại một lần nữa tiến hành kiểm duyệt, diễn tập quân lính điều động được.
Tôi đứng trên đài cao nheo mắt nhìn xuống, chỉ thấy bên dưới hồ Dâm Đàm bảng lảng sương mù đúng như cái tên của nó, mùa đông chớm đến, gió cũng thổi se se lạnh.
Năm đó cũng tại hồ Dâm Đàm cha tôi đã chỉ huy duyệt binh và đọc Hịch tướng sĩ trước hai mươi vạn đại quân trên hàng nghìn chiến thuyền, tạo nên một cơn địa chấn với quân Thát, năm nay bên cạnh ông có Phạm Ngũ Lão, cũng không kém phần oai phong.
Đứng từ trên cao, vạn vật dưới hồ như thu vào trong tầm mắt, thuyền chiến to lớn cũng hóa thành những con thuyền con con ẩn hiện dưới sương mù, mà Trần Khâm mặc triều phục đứng dưới kia quan sát giống như nổi bật lên tất thảy.
Tôi chẳng biết là do anh ta có phong thái đẹp đẽ thật, hay do tình nhân trong mắt hóa Tây Thi.
Tôi chậc lưỡi, bất giác thốt lên một câu cảm thán:
- Dâm Đàm, đúng là cảnh sắc y như tên.
Phía sau đột nhiên có tiếng cười khẽ, tôi xoay người thì thấy Trần Nhật Duật đã bước lên đài từ lúc nào, ống tay áo trắng phần phật bay trong gió.
Thân hình anh ta dong dỏng cao, lại mặc một chiếc áo đối khâm rộng thùng thình, khiến tôi có cảm giác anh ta có thể bị gió cuốn đi bất cứ lúc nào.
Gió ngược tạt mạnh, lớp áo cũng bị dính sát vào trên người, làm hiện ra những đường cong nam tính.
Trần Nhật Duật lúc mặc giáp minh quang thì có cảm giác không giận mà uy, lúc bình thường lại hay mặc mấy loại xiêm y rộng thùng thình, phảng phất vẻ biếng nhác.
Tôi niệm một câu sắc tức thị không sau đó quay đầu, bảo sao cái người này làm cho người gặp người yêu, ngay cả cô Ngọc Châu dũng mãnh kia cũng là không kìm lòng được.
Tôi ôm cánh tay đứng tựa vào lan can nghe anh ta nói:
- Nghe tên thì có vẻ hay, nhưng nguồn gốc của cái tên này, rõ ràng là một tấn bi kịch.
Tôi ồ một tiếng ra vẻ bất ngờ.
Trần Nhật Duật cũng không chờ tôi hỏi, đã bâng quơ giải thích:
- Ngày xưa Lý Nhân Tông ngồi thuyền của Mục Thận xem đánh cá, gặp sương mù thì có thuyền tới gần, bên trên lại xuất hiện hổ dữ, Mục Thận quăng lưới bắt hổ, hóa ra đó là Thái sư Lê Văn Thịnh.
Tôi lại càng kinh ngạc:
- Chuyện hoang đường như thế mà cũng có người tin ư? Nếu nói người có thể hóa hổ, thì chi bằng nói đức Thánh Gióng ba tuổi có thể nhổ tre đánh giặc và con ngựa sắt biết phun lửa còn có vẻ dễ tin hơn.
Trần Nhật Duật cũng cười phụ họa:
- Đương nhiên, ngày xưa các cụ có thể nghĩ ra mấy chuyện kỳ ảo như thế để giải thích cho một trận chiến, thì ngày nay đám quyền thần cũng có thể tùy tiện bịa ra một câu chuyện để lấy mạng của một trung thần.
Dù sao một kẻ dám đưa ra cải cách động chạm tới lợi ích của tập thể thì cũng dễ bị thủ tiêu lắm.
Trong lòng tôi lại nảy sinh một cảm giác khó chịu, lại thở dài:
- Lê Văn Thịnh, nếu tôi không lầm thì đây là vị Trạng nguyên đầu tiên đỗ khoa bảng ấy nhỉ?
- Đúng vậy, ông ta còn nhờ việc đòi đất ở châu Quảng Nguyên từ nhà Tống về mới được lên làm Thái sư, rốt cuộc một thân một mình cũng không thể chống lại thời cuộc.
Trên đời phàm là những người có tài năng thường bị người ta ganh ghét, triều đại suy vong cũng do tư tưởng bảo thủ mà ra.
Tôi nghe Trần Nhật Duật thao thao bất tuyệt, không kìm được nói mỉa:
- Thế nên hiện tại trong phủ của chú sáu đàn hát suốt ngày là vì nguyên do này sao?
Trần Nhật Duật chau mày nhìn tôi, có điểm không ngờ vì tôi buông ra một câu như thế.
Ngẩn ra một lát, trên mắt lại lấp lánh ý cười không giấu được, có phần giống với biểu hiện năm xưa lúc thấy tôi lấy lại công bằng cho Mạc Đĩnh Chi.
Trần Nhật Duật ngẫm nghĩ, lại cười nói:
- Ngươi cảm thấy từng tuổi này ta còn có uy hiếp gì hay sao? Đến cháu gọi bằng ông ta cũng có rồi!
Tôi cười ha ha, cảm thấy độ tuổi này của Trần Nhật Duật mới là thời điểm chín muồi của một người đàn ông, thầm nghĩ chú ta vẫn còn trẻ chán.
Nhưng trong lòng lại không nén được muốn châm chọc một phen, vội khoanh tay ngửa đầu ra sau, nhìn chú ta nói:
- Ây cha, vậy mà đến nay chú sáu còn chưa chịu lấy vợ ư? Chú nói kẻ khác người thường hay bị ganh ghét, trong khi người ta đều đã nếm trải nỗi khổ của việc lấy vợ, thì chú cứ vô lo vô nghĩ như vậy, chú không sợ bị người đời ganh tỵ hay sao? Tôi nom chú phải sống tới bảy mươi tuổi, nếu định cô độc như thế thì thật phí hoài.
Trên môi của Trần Nhật Duật không còn ý cười nữa, anh ta lại đăm chiêu.
Tiên đế đã băng cũng sắp được mười năm rồi, ngay cả Vũ thái phi là mẹ của anh ta cũng mất mấy năm sau đó, đến nay ngay cả Trần Ích Tắc cũng sang sống bên nước Nguyên, rốt cuộc chỉ còn Trần Nhật Duật thân cô thế cô sống trên đời.
Tôi âm thầm thở dài, anh ta vẻ bề ngoài tuy giống là một vương gia nhàn tản thích ca hát náo nhiệt, vương phủ luôn yến yến oanh oanh, nhưng sâu bên trong vẫn không nén được nỗi cô đơn toát ra từ trong ánh mắt.
Trong đầu tôi xẹt qua một tia suy nghĩ, bèn cười nói:
- Chị Ngọc Châu đó cũng rất tốt, làm người thoải mái không có tâm tư, kể ra lại hợp với người thâm sâu như chú, cùng lắm là hằng ngày cùng nhau chơi trò mèo vờn chuột.
Chú không biết ấy chứ, chuyện chú đưa cô Ngọc Châu kia về sớm đã làm Hoàng thành huyên náo rồi.
Lúc này ánh mắt của Trần Nhật Duật bỗng nhiên nổi lên hứng thú.
Anh ta nhếch môi:
- Ta cũng biết nhiều người thất vọng lắm, nhưng biết làm sao được, chỗ ta không nuôi mấy kẻ nhàn rỗi.
Tôi nghi hoặc nhìn anh ta, trong đầu không khỏi hiện lên mấy suy nghĩ không được lạc quan cho lắm.
Trần Nhật Duật này...không phải giữ người ta bên cạnh để làm một chân sai vặt đi.
Không lẽ trước đây tôi có điều gì hiểu lầm?
- Không phải chú giữ cô ấy lại vì...vì thích hay sao?
Nói xong, chính mình cũng phải thầm khen ngợi sự can đảm của mình.
Trần Nhật Duật liếc tôi, đôi mắt cong cong như vầng trăng:
- Dù sao để cô ta vô công rỗi nghề bên ngoài cũng không có tác dụng gì, chi bằng giữ lại bên cạnh.
Thằng nhóc Mạc Đĩnh Chi sau này cũng phải thi cử lập nghiệp, ta cùng lúc thiếu một hộ vệ ở bên.
Tôi lại à một tiếng, cảm giác cằm của mình cũng muốn rơi xuống đất rồi..
Bình luận
Bình luận
Bình luận Facebook