Nắng soi qua chiếc lá Khung Châu
Chương 7: Kì Thi Khai Niên

Tuệ Am Tràng Ốc có rất nhiều môn học. Trong đó có năm môn chính là Lịch Sử Viễn Cổ, Tâm Pháp Tam Giáo, Pháp Thuật, Thần Ngữ Cổ Văn, Nghiên cứu thần thú và linh chủng dị thú.

Kì thi khai niên sẽ thi năm môn này ở mức sơ cấp. Vượt qua được sẽ dựa vào thực lực mà phân lớp.

Minh Châu nghe các quy tắc, điều lệ của kì thi, trong lòng cũng khá tự tin. Những môn này nàng được thầy Tâm Nguyên dạy từ bé, hiểu biết cũng kha khá.

Nhưng đến hôm sau thì nàng không thể chủ quan được nữa.

Trên bảng thông báo, công bố các vị quan chủ khảo của năm môn.

Ông Hoàng Bơ chủ khảo môn Tâm Pháp Tam Giáo.

Ông Hoàng Mười chủ khảo môn Thần Ngữ Cổ Văn.

Bà Chúa Mây chủ khảo môn Pháp Thuật.

Phấn Nhĩ Quỷ Nương chủ khảo môn Nghiên cứu linh chủng dị thú.

Môn Lịch Sử Viễn Cổ vẫn để trống.

Quan chủ khảo năm nay không chỉ là người ra đề, coi thi mà còn là người chấm thi. Chỉ còn có mười ngày, họ làm sao mà ôn kịp?

Minh Châu còn nghe nói, những khoá trước, ông Hoàng Bơ và ông Hoàng Mười đều ra đề muôn phần lắt léo, đã đánh trượt chín phần mười số thí sinh nhập học.

Nàng không còn thời gian chơi bời nữa, ở yên trong tịnh xá học. Đến nỗi Long Hà cũng chịu không nổi. Nàng ta xuất thân võ tướng, chỉ cần qua kì thi là được. Còn nàng vốn thể chất không theo được võ học, chỉ có thể dùng kiến thức để khẳng định mình, đi theo con đường nội tu mà tìm kiếm chỗ đứng.

Đến ngày thi, các môn sinh đều ngồi trên sân, chờ quan chủ khảo phát đề.

Môn Nghiên cứu Thần thú, linh thú dị chủng cũng không khó lắm, hầu hết đều có ở trong sách. Minh Châu dễ dàng trả lời được những câu như ông Hẩu(1), ông Lốt(2) có cốt tinh là con gì; quái nào có hai lưỡi một âm, một dương; linh thú nào có thể làm mọi vật bị ăn mòn,...

Sang đến môn Thần Ngữ Cổ Văn, mỗi môn sinh phải làm một bài luận về chủ đề "Thế nào là đạo trời?" và một bài thơ vịnh bất kì vật gì ở trước mắt, ứng khẩu tại chỗ. Tất cả đều viết bằng chữ Minh Văn, bài luận không được ít hơn năm trang.

Minh Châu nhìn ông Hoàng Mười ngồi trên đài cao, hai bên có mười hai cô tố nữ đứng hầu. Ông đang phe phẩy chiếc quạt hình lá bồ đề(3). Tứ thơ bỗng nảy, nàng liền hạ bút làm bài thơ vịnh cái quạt.

"Thân em yếm trắng điểm tơ hồng

Mỏng mảnh như tờ nhẹ tựa bông

Phẩy dọc làm cho người mát dạ

Đưa ngang đuổi hết đám oi nồng."

Ông Hoàng Mười gật gù, hí hoáy trên giấy một hồi rồi gọi người khác. Minh Châu cảm thấy thơ thẩn của mình chẳng ra sao, không ngờ cũng qua nổi. Thầm tự cho mình may mắn.

Môn Pháp Thuật, bà chúa Mây yêu cầu mỗi thí sinh thi triển các phép ngũ hành. Và kết hợp không nhiều hơn ba phép để tạo ra một cơn mưa nhỏ.

Để tạo mưa thì hầu như mọi người sẽ dùng Lôi Thuật, Thủy Thuật, Phong Thuật. Nhưng Chúa Mây chỉ yêu cầu một cơn mưa nhỏ như mưa phùn, và chỉ được dùng phép trong Ngũ Hành: Kim, Mộc, Thủy, Hoả, Thổ.

Nàng bèn dùng Thủy Thuật tạo ra nước, rồi Hoả Thuật để nước nóng lên ngưng tụ thành mây, sau đó dùng Thổ để cản mây lại. Mây gặp lạnh liền hoá thành mưa.

Bà Chúa Mây gật gù khen ngợi.

Đến môn Tâm Pháp Tam Giáo. Đề yêu cầu nàng kể tên được các vị thần trong đạo Mâũ, đọc lại bài kinh kệ của quyển Tam Vị Thánh Mẫu Cảnh Thế Chân Kinh(4), Kinh Địa Tạng của Phật giáo, đồng thời nêu lên ý nghĩa của chúng. Ông Hoàng Bơ còn hỏi thêm về thuyết âm dương ngũ hành của Đạo giáo và sự bổ trợ lẫn nhau của Tam Giáo. Tất cả đều được Minh Châu trả lời gọn ghẽ.

Môn cuối cùng là Lịch Sử Viễn Cổ, cả trường đều kinh ngạc khi chủ khảo môn đó và cũng là thầy dạy sau này của họ chính là thầy Tâm Nguyên!

Minh Châu lén nhìn, thấy thầy có vẻ gầy đi. Không biết mấy ngày nay thầy đi đâu, Minh Châu muốn nói chuyện với thầy mà cảm thấy sao quá khó.

Đề thi cũng không khó lắm, phần lớn là những câu hỏi về Kỷ Hồng Bàng Thị, với một vài câu về thời viễn cổ.

Kết thúc kì thi, nàng chạy như bay về tịnh xá ngâm nước nóng. Long Hà cũng ngâm chung với nàng, dáng vẻ như được xả hơi, thoải mái vô cùng.

"Minh Châu, em không biết đâu, đối với chị thà cho chị đi đánh trận với yêu quái còn dễ chịu hơn. Cái gì mà Kinh Bát Nhã, Kinh Đại Bát Nhã, làm chị đau hết cả đầu."

Minh Châu cười ha ha, đúng là kì thi có hơi hại não thật.

"À chị Long Hà, cho em hỏi chút, chị với Kình Ngư Tộc vừa rồi đánh yêu quái Ngư Tinh, là loại yêu quái như thế nào vậy?"

"Em đã đọc trong sách chuyện Lạc Long Quân thu phục Ngư tinh rồi đúng không? Con này hình dáng cũng dị thường như thế, còn rất gian xảo. Bọn chị phục kích tận một tháng ròng mới bắt được nó. Sau đó phải chặt thân nó thành nhiều phần, dùng Tiên Thiên Chân Hoả đốt trụi. Nếu còn sót một chút gì, cũng có thể để lại nguy cơ nó sẽ sống lại."

"Sẽ sống lại cơ à?"

"Đúng vậy, yêu quái đều không dễ chết. Nếu oán khí của chúng quá nặng, dù chỉ còn một hồn hay một phách, cũng có thể trở thành ma quỷ, đáng sợ hơn rất nhiều."

Minh Châu ồ một tiếng, xem ra nàng còn rất nhiều thứ cần học. Mấy cái tiêu diệt yêu quái, lý thuyết đến mấy cũng không bằng kinh nghiệm thực tế.

"Nhưng chị có cái này, là một đoạn xương của Ngư Tinh đã được yểm phép, rất an toàn mà lại có ích nữa. Dùng đoạn xương này chế tác thì không thứ gì phá hủy được."

Long Hà lôi ra một lóng xương dài bằng cánh tay, vì được yểm phép nên lấp lánh như bạch ngọc. Minh Châu vừa nhìn đã thấy thích, nàng cầm thử trên tay, thấy rất nhẹ chứ không nặng như nàng tưởng.

"Long Hà, chị bán cho em cái này được không?" Minh Châu cười ngọt.

"Nếu em thích thì cứ lấy. Chỗ chị em với nhau, buôn bán cái gì?"

Minh Châu mừng như điên. Nàng muốn tặng cho Tâm Nguyên một thứ gì đó, vừa hay nhìn lóng xương này cảm thấy rất thích hợp làm bút. Nàng sẽ luyện ra một cái bút thật đẹp để tặng Tâm Nguyên. Thầy ở trên Thiên Phủ làm quan cũng phải dùng bút, ở đây dạy học cũng phải dùng bút, đương nhiên sẽ cần một cây bút thật vừa tay.

Nghĩ thế nên đêm đó nàng bắt tay vào luyện luôn.

Chế tác ở giai đoạn sơ cấp trước tiên là cần phải tẩy trần cho nguyên liệu. Sau đó là xử lý từng chất liệu với những loại nước khác nhau. Việc này thì nàng đã từng làm qua nên không mấy khó khăn.

Đến giai đoạn thứ thứ cấp nàng mới thấy gian nan, phải trì chú, luyện hoá, đẽo gọt cho thành hình. Nàng dùng biết bao nhiêu là phép, mà không hiểu sao mãi vẫn thấy không ưng ý. Thế là nàng đành đi ngủ, định bụng sau này sẽ đi hỏi thêm.

Các môn sinh sau khi thi xong được nghỉ ngơi thêm mười ngày rồi nhà trường mới công bố kết quả. Minh Châu liền rủ Phiêu Tri qua chỗ nàng chơi. Ba chị em nhanh chóng thân nhau. Phiêu Tri cũng rủ nàng qua chỗ của nàng ấy, là một nơi có tên là Thiên Sơn Ngũ Nhạc. Nơi đó có năm ngọn núi, mỗi ngọn do một Điểu Tộc chọn, dựa vào thức ăn và điều kiện sống phù hợp.

Chỗ Phiêu Tri ở là một cái nhà nằm trên cây. Minh Châu và Long Hà không biết bay, phải để Phiêu Tri bế lên. Khoảnh khắc Phiêu Tri tung đôi cánh của nàng ấy, Minh Châu chỉ biết há hốc mồm ra nhìn.

Đôi cánh rất lớn và đẹp, làm Minh Châu cũng ao ước mình có một đôi cánh.

"Coi cô kìa, nếu gặp anh trai tôi, chắc sẽ chết mê chết mệt mất." Phiêu Tri cười trêu.

"Cô còn có anh trai sao?"

"Đương nhiên rồi, ở tộc Khổng Tước, con trai thường đẹp hơn con gái. Tôi là con chim công cái duy nhất có bộ lông ngũ sắc và biết múa đó."

Long Hà a lên một tiếng:

"Chị có nghe, tộc Khổng Tước có một nam tử cực kì tuấn tú, được mệnh danh là nam tử đẹp nhất trong Tứ Phủ. Tên là Phiêu Tích."

"Đẹp nhất trong Tứ Phủ cơ á? Tôi thấy các anh trai trong Long Tộc của ta cũng rất đẹp, các Tiên Quân khác cũng rất đẹp, đẹp hơn cả họ, là đến mức độ như thế nào chứ?" Minh Châu thắc mắc

Phiêu Tri cười:

"Chính là đẹp đến mất cả hồn vía. Ha ha, Minh Châu, cô đừng nói chưa từng tương tư anh chàng nào nha."

Tương tư? Tương tư là cái gì? Minh Châu cảm giác mình như bị ra rìa khỏi cuộc nói chuyện của các chị em vậy.

"Chị nhớ lần đầu tiên chị biết ngưỡng mộ một người chính là lúc nhìn thấy Ông Hoàng Bơ. Ôi, sao lại có một vị tướng quân oai phong, lẫm liệt đến vậy. Không những thế còn rất nhã nhặn, nho nhã, thi phú văn chương không gì không biết. Tuy nhiên, sau đó chị liền tự biết thân phận, không dám mơ tưởng gì thêm nữa." Long Hà hồi tưởng.

"Còn tôi chưa gặp ai khiến tôi thích cả. Nhưng mà tôi có hình mẫu lý tưởng, chính là vừa mạnh mẽ quyết đoán như ông Hoàng Cả, vừa tuấn tú, trẻ trung như Kình Sang, lại vừa dịu dàng như thầy Tâm Nguyên."

Minh Châu trợn tròn mắt, Phiêu Tri thích cả Tâm Nguyên ư?

"Ấy, Phiêu Tri, em cũng thấy Kình Sang đẹp trai sao?" Long Hà bắt đúng trọng điểm, liền trêu Phiêu Tri.

"Không có, chị đừng nói bậy. Ý em không phải thế." Phiêu Tri chối đây đẩy.

"Còn không có cái gì, vừa rồi mới nói bây giờ đã chối. Rõ ràng là có tật giật mình. Minh Châu, lại đây mà xem nè, mặt Phiêu Tri đỏ ửng lên rồi."

Minh Châu nhìn hai người con gái trêu chọc nhau, tự nhiên lại không có tâm trạng. Những gì họ nói, nàng chẳng hiểu gì cả.

Thầy Tâm Nguyên chắc cũng có nhiều cô gái si mê giống vậy lắm nhỉ. Tự dưng nàng nghĩ đến việc thầy bỗng nhiên đứng cạnh một vị tiên cô nào đó, rồi hai người đó hạnh phúc bên cạnh nhau. Mới nghĩ đến thôi nàng đã rùng cả mình.

"Minh Châu! Minh Châu!"

Minh Châu lắc lắc đầu, cố xua đi ý nghĩ hoang đường kia. Nàng nhìn hai cô bạn đang tròn mắt nhìn mình, cười cười cho qua chuyện.

"Nếu phải so sánh, mọi người thấy trong trường ta, ai là người được nhiều cô gái mến mộ nhất?"

"Để xem nào, Kình Sang cũng rất nổi tiếng, thầy Tâm Nguyên cũng rất nhiều người thích. Nhưng không thể không kể đến Phù Lan của Kì Mang tộc, chân thân chàng ta là môt con hươu nhung toàn thân màu trắng, cả gạc cũng trắng, đẹp cực kì."

"Đừng nhắc đến mấy con hươu đó, đôi gạc đó có gì đẹp chứ, nhìn đã thấy ngứa cả mắt."

Long Hà và Minh Châu nhìn nhau, có vẻ Phiêu Tri có ấn tượng xấu về tộc này, nên thành kiến càng lúc càng nặng nề.

"Nếu mà nói đẹp, em thấy Hạ Suất của tộc Hồ Ly rất đẹp, tộc đó nữ nhiều hơn nam. Nên hắn ta trông có vẻ trưởng thành, yêu mị hơn những chàng trai khác." Phiêu Tri nói, đến cuối lại tự nhiên hai má lại ửng hồng.

"Nói về yêu mị, Uy Uyễn của Xà Tộc cũng rất yêu mị. Nó là cái cảm giác... giống như người này đã từng trải qua nhiều chuyện nam nữ rồi ấy, khí chất khác hẳn những người khác."

Long Hà nói đến đấy, tự dưng mặt đỏ thẹn thùng, cúi đầu nín bặt. Minh Châu phải hối họ nói tiếp.

"Minh Châu, em thật sự không biết một chút gì về chuyện giữa nam và nữ sao?" Long Hà ngờ ngợ hỏi.

Minh Châu càng ngơ ngác, hai người đó càng cười nhiều hơn. Minh Châu phát cáu, không thèm nói chuyện nữa.

"Minh Châu, em đừng giận. Chắc do em còn nhỏ, từ từ rồi sẽ biết. Sau này có gì không hiểu, có thể hỏi chị." Long Hà dỗ dành.

Hai người phải dỗ mãi, Minh Châu mới nguôi giận. Rồi cả ba lại đi ăn, đi tham quan chán chê mới về.

.....

Khoảng thời gian mười ngày này nếu chỉ loanh quanh trong tịnh xá thì rất chán. Nên Minh Châu giành hết thời gian rảnh đi tham quan khắp nơi trong Tuệ Am Tràng Ốc. Mỗi môn sinh khi đến trường đều được nhận một cái bản đồ in trên giấy điệp(4), đường nét rõ ràng sinh động.

Tuệ Am Tràng Ốc nằm trên đỉnh núi Thạch Môn, hay còn gọi là vùng trung tâm. Xung quanh là các huyễn cảnh nổi lơ lửng giữa trời, được gọi là tứ trấn. Trấn bắc là Thiên Thủy Tịnh Xá, trấn nam là Thảo Nguyên Huyền Thiên, trấn đông là Thiên Sơn Ngũ Nhạc. Trấn tây là Đằng Vân Sơn Khê.

Những nơi này nối liền với nhau bằng những cây cầu đá. Ai biết thuật cưỡi mây thì có thể bay qua. Nhưng vì hạn chế của kết giới dùng phép thuật sẽ rất nhanh mệt, hầu hết mọi người chọn đi bộ.

Minh Châu lang thang ở một dãy nhà phía đông trong trung tâm, cũng là nơi có tiệm Vạn Bảo.

Tiệm Vạn Bảo có thể coi là một dạng tạp hoá ở đây. Chủ tiệm là một vị tiên cô tên là Thúy Ngà. Nàng ta có lối ăn mặc dân dã hơn nhiều so với các vị tiên khác, thường chỉ mặc the, lĩnh màu nâu sồng. Nom nàng ngồi trên sập gụ, mồm bỏm bẻm nhai trầu, tay phe phẩy chiếc quạt đồi mồi, thật giống một mệnh phụ dưới trần gian.

Thúy Ngà nhìn Minh Châu, đon đả cười:

"Con gái nhà ai mà xinh thế này! Nào con, muốn mua gì bảo cho cô biết nào?"

Minh Châu thích thú ngó nghiêng khắp nơi trong tiệm Vạn Bảo. Ngoài những vật dụng cần thiết hàng ngày, tiệm còn bày bán nhiều pháp bảo, pháp khí, đồ vật quý hiếm khác..

Tiền tệ ở thế giới của thần tiên có tận ba loại. Tùy vào vật phẩm mà dùng các loại tiền khác nhau.

Thứ nhất là lá quỳ vàng tức vàng lá. So với vàng thỏi vàng lá còn giá trị và được yêu thích hơn rất nhiều. Đó là vì lá quỳ vàng phải chế tác rất công phu mới cán mỏng ra được, chất lượng lá vàng mịn đều đòi hỏi tay nghề cao. Thêm nữa lá quỳ rất tiện cho việc buôn bán, lại không sợ bị rút ruột, làm giả như vàng nén, thử cũng dễ.

Thứ hai là đá quý. Trong bảy bảo bối của nhà Phật, ngoài vàng bạc thì có năm loại đá được coi là tinh khiết, chứa nhiều năng lượng nhất là hổ phách, đá xà cừ, mã não, lưu ly và san hô. Quy chuẩn cho giao dịch là những viên đá tròn đều, kích thước vừa đúng ba phân. Thường thì đá càng lớn càng giá trị, chỉ có dùng vàng mới trao đổi được.

Đá quý làm tiền tệ thì lẫn lộn nhiều loại ngọc.

Trong lúc nàng đang nhìn thật kỹ một cái sừng được đề là sừng Chằn tinh, bán với giá một ngàn viên đá quý thì Thúy Ngà nói:

"Bên đấy chỉ là đồ thông thường thôi, sang đây mới có báu vật này."

Minh Châu lấy trong hà bao ra một túi lớn đựng ngọc các loại, đếm vừa đủ một ngàn viên, giao cho Thúy Ngà, rồi theo nàng ta bước vào gian nhà sau.

Ở đó quả thật là một thế giới khác, có kỳ nam trầm hương, nhiều pháp bảo và đồ vật độc lạ nàng chưa thấy bao giờ.

Giá ở đây cũng khiến người ta giật mình. Từ một vạn đến mười vạn viên đá quý, có cái phải đổi bằng giấy nhũ tương.

Giấy nhũ tương cũng được coi là một loại tiền tệ, chỉ sử dụng được ở Tuệ Am Tràng Ốc. Tuy nhiên lại là loại hiếm có vì chỉ có thể dựa vào học hành mà có nó.

Thúy Ngà là một tiên cô tính tình quái dị. Nàng ta ưa thích văn thơ, hay cùng các Tiên Quân khác đối đáp thơ phú, coi như một thú vui khác ngoài việc sưu tầm bảo vật. Chính vì vậy mà mỗi năm, nàng lại trích từ bộ sưu tập của mình ra chục món, đòi đổi bằng giấy Nhũ Tương có dấu triện của môn sinh. Dần dần việc này thành thông lệ, giúp các môn sinh có động lực hơn.

Với những món quá quý giá, nàng sẽ cho đấu giá, ai nhiều giấy Nhũ tương nhất sẽ thắng.

Minh Châu nhìn trong dàn bảo vật đắt giá nhất thấy một bức tranh cổ, đề giá năm mươi tấm Nhũ tương. Bức tranh dài một trượng, làm từ giấy mật hương, vẽ một con thuyền đang nằm trên mặt sông. Xa xa là cảnh núi cao mây mờ, bút pháp ảo diệu mê hoặc. Lạ cái là nàng cảm thấy con thuyền này như đang chuyển động. Minh Châu liền hỏi Thúy Ngà.

"Cô cho con hỏi, bức tranh này có lai lịch ra sao?"

"Lai lịch của nó đến nay vẫn còn là bí ẩn. Chỉ biết rằng vị tiên ấy khi vẽ xong bức này liền bảo mọi người không được chạm vào. Kì lạ nhất là giai thoại mà cô nghe được..."

"Giai thoại gì vậy?"

Thúy Ngà đưa quạt lên miệng, ghé sát tai Minh Châu thì thầm.

"Mọi người bảo rằng cây bút của vị tiên đó không cần chấm mực mà vẫn vẽ ra được. Các bức vẽ thì không có bức nào hoàn thiện cả, luôn thiếu một thứ gì đấy."

Minh Châu nghĩ ngợi một hồi lâu rồi đoán:

"Liệu có phải là Mã Lương không nhỉ?"

"Cái này thì cô không biết. Nhưng người bán cho ta bức tranh này còn đưa cho cô một cuốn sách. Khổ nỗi cô có biết nó viết gì đâu, nên là để nó ở kia kìa."

Minh Châu tò mò đi lại chỗ cuốn sách, được để trong một cái hộc nhỏ, đề giá bán là năm ngàn viên đá quý. Nàng lấy nó ra, phủi cho bớt bụi, lộ ra bìa sách tuyệt đẹp được bọc lụa, bên trong lại trống trơn không có chữ gì cả.

Thúy Ngà thở dài:

"Ông ta nói phải ai có duyên mới đọc được chữ trong sách. Cô lại thấy mình như bị lừa. Sách không có chữ, thì giống như tập viết mà thôi. Con nói cô nghe, có ai bỏ năm ngàn viên đá quý để mua một cuốn vở viết hay không?"

Minh Châu lật qua lật lại cuốn sách mà không phát hiện được gì thêm. Nàng không hiểu tại sao lại thấy nó rất quen thuộc.

"Con mua quyển sách này."

Thúy Ngà nghe lời nói của Minh Châu, vô cùng vui mừng, đón lấy nhưng viên đá của nàng rồi đi tới chỗ một tảng ngọc lớn được tạc thành đầu rồng đang há miệng. Thúy Ngà đổ chỗ đá quý vào miệng rồng, tức thì mắt con rồng sáng lên, nhả lại chỗ ngọc vào túi của vị tiên cô này.

Minh Châu lần đầu thấy tận mắt pháp bảo như vậy, mắt cũng trố ra. Nàng chỉ mới đọc trong sách về tượng đá Long Đầu vốn được dùng để canh kho bạc, còn dùng để kiểm tra ngọc thì chưa nghe bao giờ.

"Con thấy đẹp không?" Thúy Ngà nhìn vẻ mặt ngẩn tò te của Minh Châu mà phì cười. "Cái này là quà tặng của một người quen. Nó chính xác lắm, có thể tính toán và kiểm tra chất lượng ngọc, vàng, bạc. Lại tiết kiệm thời gian và pháp lực cho cô. Một ngày cô bán hàng cho biết bao người, nếu cứ phải dùng phép để kiểm tra, chắc là mệt chết mất."

Sau khi chào tạm biệt cô Thúy Ngà, Minh Châu bước ra khỏi tiệm Vạn Bảo, ngắm nghĩa cuốn sách cổ trên tay. Loại giấy của sách này đã không còn ai làm nữa bởi chất giấy xấu và màu tối. Nhưng phần bìa lại bọc lụa rất đẹp, đường chỉ tỉ mỉ.

Sau khi về đến tịnh xá, nàng dành cả tối nghiên cứu cuốn sách mà vẫn không đọc được chữ nào. Cuối cùng nàng đành chịu thua mà quẳng nó vào trong hà bao rồi đi ngủ.

Chú thích:

1. Ông Hẩu là một linh vật của người Phước Kiến ở Bình Dương. Có cốt tinh là con hổ, rất hung dữ.

2. Ông Lốt là thú cưỡi của các vị Quan Hoàng trong Tứ Phủ như Quan Lớn Đệ Tam, Ông Hoàng Cả,... Ông Lốt còn có tên khác là Tam đầu cửu vỹ (rắn ba đầu chín đuôi).

3. Quạt lá đề: là một loại quạt cổ độc đáo của người Việt Nam. Thường thấy nhất là đan bằng tre, nứa. Sang trọng hơn thì làm bằng lông chim, lông ngỗng hoặc đồi mồi.

4. Giấy mật hương, giấy điệp, giấy nhũ tương, giấy trắc chỉ lý đều là những loại giấy cổ truyền của người Việt Nam. Ngoài ra còn những loại giấy khác như giấy bản chuyên để viết hoặc giấy dó, giấy moi, giấy phèn, giấy thô chất lượng thấp hơn, màu xỉn hơn.

Bình luận

  • Bình luận

  • Bình luận Facebook

Sắp xếp

Danh sách chương