Nàng Giúp Việc Vụng Về
-
Chương 9
Tôi khép cửa phòng lại, bước xuống phòng ăn.
Ông bà chủ đã ăn xong từ bao giờ, chỉ đang nhấm nháp trái cây tráng miệng.
Thấy tôi bà Tuyết nhẹ nhàng hỏi:
— Con ngồi xuống ăn cơm đi con.
— Dạ con chào ông bà ạ!
Ông bà gật đầu ra hiệu kêu tôi ngồi xuống ăn cơm.
Tôi ngồi xuống ghế, cất lời mời họ xong cũng cầm chén cơm ăn.
Hôm nay đồ ăn có nhiều món ngon nhưng tôi không thể nào nuốt trôi nổi.
Có lẽ lòng vẫn đang buồn vợi vì chuyện lúc nãy, tay tôi gảy gảy chén cơm trong vô thức.
Thấy vậy, bà Tuyết tinh tế hỏi:
— Nay con sao vậy? Con mệt à?
Tôi vội trở lại dáng vẻ thường ngày lúng túng đáp:
— Không ạ! Con chỉ đang nghĩ về mẹ thôi.
Bà dịu dàng hỏi:
— Hoàng Khôi nó có làm khó gì con không?
Tôi đáp:
— Dạ không ạ!
Hoàng Đăng chèn một câu không mặn không nhạt:
— Nhìn điệu bộ cô ta xem, ai mà dám chọc giận chứ.
Bà Tuyết quay sang tia đôi mắt sang quét cậu út một cái nhằm răn đe xong nhẹ nhàng dặn tôi:
— Có khó khăn gì cứ nói bác để bác chấn chỉnh nó.
Thằng nhỏ đôi lúc khó chiều, nhưng không hề ác ý đâu con.
Trước nó là đứa hiền hoà, hoạt bát, tự nhiên xui xẻo đến làm thằng bé suy sụp mà trở nên như vậy.
Haizzz.
Bà nói xong thở dài thườn thượt.
Ông Sang đưa tay vỗ nhẹ vào bàn tay trắng trẻo của bà nhằm động viên vợ.
Ông cũng lên tiếng:
— Con giúp hai bác với nhé! Thân làm cha mẹ thấy con mình trở nên như vậy thì lòng đau lắm! Mong con bầu bạn với nó, giúp nó thay đổi tâm tính mà sống tích cực, chịu khó thuốc thang kèm tập luyện nhiều thì chân sẽ hồi phục.
Bác nghĩ con sẽ làm được.
Ông nói xong hướng ánh mắt lên nhìn tôi với sự tin tưởng và hi vọng gần như tuyệt đối.
Tôi trở nên khó xử kinh khủng.
Ban nãy đây tôi còn dự định quay về quê nhưng cử chỉ ân cần, chăm lo cho tôi lẫn một hai tin cậy giao phó con trai họ cho tôi thế này, mà giờ tôi bỏ ngang thì sẽ thế nào.
Rồi cô Thảo cất công đưa tôi lên đây giờ tôi lại làm cô bẽ mặt thì sau này nhìn nhau thế nào? Tôi cắn môi suy nghĩ rồi do dự đủ đường.
Đi cũng không nỡ mà ở cũng không xong.
Tôi mỉm cười thưa:
— Dạ con không chắc nhưng con hứa sẽ làm hết sức mình có thể.
Giờ con xin phép lên xem cậu hai thế nào ạ!
Bà Tuyết dịu dàng gật đầu:
— Ừ con lên đi.
Cả bữa ăn tôi vẫn phải đeo mặt nạ, cố cười cười nói nói.
Ông bà chủ quá thân thiện lại tốt bụng nữa.
Nếu tôi rời bỏ lúc này chính là nhẫn tâm với họ.
Vừa bước đi tôi vừa nghĩ ngợi nhiều thứ.
Mông lung quá.
Ước gì có mẹ ở đây.
Thở hắt ra tôi gõ cửa xong bước vô, cố cất giọng ôn nhu nhất:
— Tôi dọn khay cơm xuống.
Cậu cần gì nữa không?
Cậu chủ ta chẳng thèm trả lời, khinh khỉnh cúi xuống đọc sách.
Gian phòng dường như nặng nề và ngột ngạt hơn bao giờ hết.
Riết cứ thế này không khéo tôi trở thành bệnh nhân không chừng, vừa khủng hoảng tâm lý, vừa đau tim.
Lặng lẽ thu dọn khay cơm xong tôi quay nhìn quanh quất căn phòng xem còn sót gì không.
Hoàng Khôi nhìn theo cử chỉ cô gái, ánh mắt lộ rõ sự chán ghét cực kỳ.
Không hiểu cô ta có điểm gì mà ba mẹ anh lại nhận vào.
Người thì béo mũm mĩm, ăn mặc thì như con trai, nói năng thì cộc lốc, không có chút thùy mị nữ tính gì cả, tóc tai thì lôm côm, không ngắn không dài, như bó rơm cột tạm.
Thật không dám nghĩ đây là con gái.
Tôi chào cậu ta để lui xuống.
Hoàng Khôi nở nụ cười khinh miệt không thèm liếc lấy một cái, hờ hững xem sách tiếp.
Lúc này dì Tư cũng đã rửa dọn xong, mọi người cũng đi ngủ trưa hết rồi.
Tôi lững thững về phòng nhìn xung quanh một lượt.
Rời đi thì dễ dàng thôi nhưng tôi muốn hỏi qua ý mẹ xem bà thế nào.
Nhìn đồng hồ cũng tầm gần một giờ chiều.
Ráng đợi một chút nữa tôi sẽ gọi điện về nhà cô Thảo, nhờ cô gọi mẹ qua nghe nhờ điện thoại.
Nằm suy nghĩ vẩn vơ một lúc tôi lấy cái điện thoại cùi bắp ra gọi cho cô Thảo.
Vài giây sau đầu máy có tiếng alo của cô ấy.
Tôi mừng rỡ nói:
— Cô Thảo hả?
— Cô đây con.
Bữa giờ con thế nào rồi? Làm ổn không con?
Tôi bối rối trong giây lát rồi đáp:
— Dạ cũng tàm tạm.
Mà cô ơi cô gọi mẹ giúp con được không? Con muốn gặp mẹ một xíu.
Cô Thảo nhiệt tình nói:
— Vậy cúp máy hen! Đợi cô năm phút nhé!
— Dạ.
Tôi đi đi lại lại trong căn phòng chờ đợi.
Thời gian trôi thật chậm.
Lát sau chuông điện thoại reo lên, vội từ chối cuộc gọi để gọi lại cho cô Thảo.
Tiếng ú ớ thân thương vang lên:
— Minh hả con?
Tôi mừng quá, giọng nói vang lên như hụt hơi:
— Mẹ khoẻ không? Bữa giờ có chịu ăn uống cho đàng hoàng không hay lại là tiết kiệm vậy mẹ?
— Cha mày, mẹ khoẻ.
Mẹ già rồi đâu phải con nít đâu mà lo chuyện ăn uống của mẹ.
Tôi cười hì hì:
— Đương nhiên là mẹ không phải con nít nhưng là mẹ của con nên con phải lo.
— Mẹ ăn ngon ngủ được.
Con làm trong đó sao rồi? Ráng lên nha! Ông bà ấy tốt lắm! Bữa ông bà còn ứng trước ba tháng lương đưa cô Thảo cầm về cho mẹ để trang trải.
Mẹ không dám xài, cất để dành.
Đây là đồng tiền con đổ mồ hôi mới kiếm ra được, nên để đó sau này con cần gì thì lấy nhé! Mà mẹ dặn nè, ông bà ấy tốt như vậy con chớ làm điều gì sai mà phụ lòng họ nghe không con? Còn mẹ thấy con vào chỗ làm có chủ tốt như vậy thì mẹ đỡ lo cho con.
Bên này nghe mẹ thao thao bất tuyệt nào kể lể rồi lại dặn dò thế này làm tôi phút chốc chùn lòng, ý định bỏ về quê trước đó bỗng tan tành theo mây khói.
Nói thêm ít câu, dặn mẹ vài thứ xong tôi cúp máy.
Thả người ngồi phịch xuống giường, tâm trạng tôi trở nên nặng nề hơn bao giờ hết.
Bây giờ có ngồi đây ca thán hay là trốn chạy thì cũng không thể, vốn dĩ tôi đã không còn đường lui rồi.
Buồn trĩu nặng tâm can.
Trái hẳn với ngày đầu, tôi ăn ngon ngủ yên thậm chí thấy thích thú cuộc sống nơi này, thì giờ lại cảm thấy ngột ngạt, trống rỗng vô cùng.
Mọi thứ mịt mờ quá! Vì thế mà ăn uống kém đi, ngủ cũng ít hơn.
Thế mới thấm tháp câu ông cha ta hay nói Ăn được ngủ được là tiên.
Dù giờ ở đây cao lương mỹ vị thật nhưng khoảng trống tâm hồn vẫn còn đó, nỗi nhớ mẹ dâng cao, sự lo lắng kéo dài lẫn áp lực với cậu chủ cứ kéo dài thế này không biết tôi có trụ nổi không đây?
Nằm xuống chiếc nệm êm ái, tôi khẽ ru mình vào giấc ngủ.
Hai giờ chiều, tiếng đồng hồ báo thức quen thuộc vang lên.
Tôi cột tóc xong đi xuống bếp ép một ly nước dưa hấu định mang lên, thì ngoài phong khách truyền tới âm thanh chào hỏi của người đàn ông xa lạ.
Tôi đang có chút tò mò thì dì Tư nói nhỏ:
— Đó là bác sĩ chuyên xương khớp có tiếng đó con.
Hôm nay đến lịch tái khám nên cậu ấy đến.
Con đợi xíu nha! Dì pha thêm ly nước cam vắt cho cậu ấy xong con mang lên mời khách nha!
Tôi thắc mắc:
— Bác sĩ đến tận đây khám ạ?
— Ừ, ông bà chủ quen biết rộng.
Ba bác sĩ này lại thân với ông bà nên người ta cũng ưu ái, tới khám riêng hàng tuần đó con.
— Hèn chi.
Chứ con thường thấy các bác sĩ rất bận rộn và hơi kiêu nữa, cần thì đến phòng khám riêng của họ chứ không có chuyện đến khám tại nhà thế này.
Dì Tư đưa khay nước cho tôi’
— Con bưng lên cẩn thận nha!
— Dạ.
Lên tới nơi, tôi gõ nhẹ cửa vài cái rồi đi vào.
Một người đàn ông đang ngồi bên mép giường sờ nắn chân của Hoàng Khôi.
Giọng nói nhẹ ấm vang lên:
— Anh thấy chân có biểu hiện gì khác thường không?
— Em thấy vẫn vậy.
Tôi nhẹ nhàng đi vào, đặt khay nước lên bàn, cố nặn ra một nụ cười tươi nhất và chào vị bác sĩ kia:
— Dạ con chào chú.
Vị bác sĩ bật cười, quay mặt lại nhìn tôi nheo nheo mắt:
— Trông tôi già lắm sao cô bé?
Tôi đưa tay gãi gãi đầu:
— Dạ, con quen rồi.
Mời cậu chủ uống nước ép dưa hấu.
Mời chú bác sĩ uống nước cam ạ!
— Cám ơn cô bé.
Giọng nói của vị bác sĩ này nhẹ và dịu dàng làm sao.
Làn da trắng, sóng mũi thẳng, chiếc kính mắt lấp lánh đi kèm nụ cười ấm áp khiến tôi nhất thời ngơ ngẩn.
Người đâu mà tuyệt mỹ đến như vậy, lại trông rất thanh lịch không cục súc như ông cậu hai, ít ra trông đàng hoàng hơn ông cậu út.
Biết bác sĩ đang khám nên tôi ý tứ lui ra để hai người họ hỏi chuyện cho thoải mái nhất.
Mải nghĩ tôi đi ra va đầu vào kệ sách kế tường:
— Á.
Đau quá tôi lủi mất hình.
Trời ơi, mình sao hậu đậu vậy không biết.
Nghe tiếng la cả bác sĩ Đình và Hoàng Khôi đều ngưng bặt rồi quay sang nhìn tôi.
Đình bật cười thích thú vì sự trẻ con của cô bé.
Còn Hoàng Khôi thì bực dọc nghĩ thầm: Phải nhanh chóng tống khứ con bé này đi thôi.
Ức chế lắm rồi.
Đi ra bên ngoài tôi cứ đi qua đi lại để xem họ có cần gì không.
Đứng chán lại ngồi lên bậc thang, tôi ngâm nga nghĩ vớ vẩn, miệng ngáp ngắn ngáp dài.
Haizz..
Bình luận
Bình luận
Bình luận Facebook