Tôi loay hoay đứng trước căn nhà hai tầng, ngó ngiêng nhìn qua cánh cổng sắt cao và rộng, nếu theo địa chỉ mẹ đưa thì đây đúng là nhà dì Tuyết, không ngờ nhà dì giàu thế, thảo nào mẹ kêu tôi vào đây cậy nhờ dì.

Tôi cứ đưa tay sờ cái chuông rồi lại rụt lại, dù gì tôi cũng lâu lắm rồi tôi chưa gặp lại dì, huống hồ dì cũng chỉ là bạn thời thanh xuân của mẹ, gặp dì tôi biết nói gì đây ? Cảm giác căng thẳng và sợ hãi làm tôi thấy run rẩy, đôi mắt ừng ực nước, tôi cố nuốt vào để ngăn dòng nước mắt chảy lem luốc trên mặt, trông tôi thảm hại như một đứa lang bạt.
-Cháu tìm ai?
Tôi quay lại, một người phụ nữ đạp xe dừng lại, đầu đội chiếc nón lá, trước giỏ xe để chiếc làn màu đỏ, tôi bần thần, suýt chút nữa tôi đã tưởng đó là mẹ mình…
-Cháu tìm ai?
Người phụ nữ đó cất tiếng hỏi lần nữa
-Dạ, cháu tìm dì Tuyết.
Người đó cởi chiếc nón đang đội trên đầu xuống, đôi lông mày nhíu nhíu lại vừa nhìn tôi vừa như suy nghĩ gì đó, chợt dì cười nói:
-Ôi, phải Nghi không con, Nghi con mẹ Bình đây hả ?
-Dạ dì là dì Tuyết ạ ?
-Ừ, dì đây, dì đợi con sáng giờ không thấy, mới chạy ra chợ mua bó rau, vào đây đi con, nhanh vào nhà cho mát.
Tôi ôm va ly theo dì vào nhà, dọc hai lối đi hoa sử quân tử đang vào mùa nở rộ cả một góc vườn, tôi cười buồn, dì giống mẹ tôi, đến loài hoa hai người thích cũng giống nhau.

Nhớ hồi trước sáng nào ngủ dậy tôi cũng phải quét sân một lượt, ấy vậy mà trưa đi học về hoa lại rụng tả tơi dưới sân, hoa này rụng thì nhiều vô kể, ngày đó tôi hay tự hỏi chẳng biết rốt cuộc loài hoa này có gì hay mà mẹ mê đến thế.
Rửa mặt mũi xong tôi định ra thưa chuyện với dì, nãy giờ thấy dì có vẻ hiền và dễ gần nên tôi bớt sợ đi phần nào, tôi định bụng sẽ kể cho dì nghe về hoàn cảnh của mình và xin dì cho ở lại một thời gian, sau đó nhờ dì kiếm việc làm thêm cái đã, việc học chắc đành gác lại sang năm tính tiếp.
-Ngồi đi, dì nghe mẹ con kể hết rồi, cái số con khổ, thôi con cũng đừng trách mẹ con.
-Mẹ con gọi vào cho dì ạ?
-Ừ, hôm qua bà ấy gọi nên dì mới biết hôm này con vào, chắc trưa chiều gì lại gọi vào nữa, con ráng đợi mẹ đi chứ giờ cũng không biết báo tin cho mẹ con bằng cách nào.
Cả làng tôi chỉ có mỗi cái điện thoại lắp ở hợp tác xã, chắc hôm qua tranh thủ ba không có nhà nên mẹ mới gọi được cho dì Tuyết.
Dì Tuyết có vẻ đoán chừng được ý của tôi nên dặn:
-Đợi mẹ gọi được thì mẹ gọi, chứ con gọi về lỡ cha con sinh nghi rồi khổ mẹ ra, thôi con nghỉ ngơi chút rồi tắm rửa đi, dì đi nấu cơm.
Nhà dì đầy đủ tiện nghi hiện đại, tôi ngồi im một chỗ không giám đi lại nhiều, sợ mình lóng ngóng vụng về hư đổ của nhà dì rồi khổ.

Nghe nói chồng dì đi tiếp khách, hai con cũng đi học cả ngày thành ra bữa trưa đó chỉ mình tôi với dì ăn, dì chỉ dặn dò qua loa, không hỏi thêm gì về mình nên tôi cũng thoải mái.

Tôi ướm hỏi dì xem chú đã biết tôi vào và sẽ xin ở nhờ hay chưa, dì xua tay nói :
-Ôi giào, ông ấy mới lên chức hiệu phó, đi suốt, có con vào ở với dì cho đỡ lủi thủi, ông ấy chả ý kiến gì đâu.

Tôi ở nhà dì thêm độ một tuần nữa thì dì xin cho tôi đi làm thêm ở quán phở gần đó, tôi chưa đủ tuổi nên cũng không xin được việc gì khác, có lần tôi tính đi làm phục vụ ở quán cà phê nhưng dì không cho, sau cùng dì nói chỗ quán phở này là của người quen, tôi chịu cực một chút nhưng dì yên tâm.

Tôi đi từ sáng sớm để kịp bán cữ sáng, trưa về nghỉ rồi chiều lại đi bán cữ khuya, thành ra cũng bất tiện, ngày nào dì cũng phải thức đợi mở cổng cho tôi, dì nói không sao, trước giờ dì thức đợi chồng soạn bài tới giờ đó, thành ra quen giấc rồi, tôi biết dì chỉ nói thế để tôi bớt áy náy.

Về khuya, cả nhà ngủ rồi nên tôi lúc nào cũng phải rón rén như một con mèo, đến thở cũng không giám thở mạnh, mà thật ra có là giờ nào đi nữa, chỉ cần có thầy ở nhà thì tôi cũng cứ như một con mèo, tôi ít khi thấy thầy nói chuyện, cặp mắt kính sẽ tự động rớt xuống mũi, cặp mắt rướn lên khi tôi và dì lỡ vui miệng cười nói kể cho nhau nghe một chuyện gì đó, với thầy, tất cả những câu chuyện đó đều là vô bổ, chuyện đáng nói phải là chuyện khoa học, chuyện chính trị….

mà khổ thay, những chuyện đó thì dì không biết.

Tôi đi cả ngày, trưa về tranh thủ phụ dì làm việc nhà, cũng may tôi tháo vát nên mấy bữa là quen hết việc trong nhà, dì hay tỉ tê kể cho tôi nghe chuyện ngày xưa của mẹ và dì, về thời đi dân quân tự vệ, dì kể say sưa, tự hào xen lẫn nuối tiếc , tôi chợt thấy hình như dì không sung sướng như cái vẻ ngoài hào nhoáng, các con của dì đi học suốt, học chính, học thêm, học đủ thứ.

Chúng giao tiếp với nhau chủ yếu bằng tiếng Anh, thầy bắt chúng phải rèn ngoại ngữ mỗi lúc mỗi nơi như thế, thầy hiểu, nhưng dì không hiểu, càng ngày tôi càng thấy hình như dì cũng lạc lõng trong chính căn nhà của mình, giống như tôi.
Một buổi nọ mới tan làm ca sáng đang trên đường về thì tôi gặp lại chú, chú chạy chiếc xe máy rà chầm chậm quanh khu nhà tôi ở, tôi nhìn chú rõ quen nhưng sợ nhìn nhầm không giám nhận, đang định bước vô nhà thì nghe chú cất tiếng gọi:
-Này, mày ơi!
-Chú.

Sao chú lại ở đây?- Tôi mừng quýnh.
-Tao đi tìm mày, nhớ mang máng trong đầu cái địa chỉ bữa mày đưa tao ở khúc này, sao rồi?- chú hất hàm hỏi.
-Cháu ở nhà dì, bạn của mẹ, cháu phụ người ta bán quán phở đầu chợ.
Tôi mừng vì gặp lại chú, trong đầu cũng chợt nãy ra ý định sẽ nhờ chú đưa lá thư về cho thằng Sang, tôi sẽ tìm cách nhắn nó xuống bến xe để lấy, tôi viết thư cho nó lâu rồi mà chưa giám gửi, có dấu bưu điện kiểu gì cha tôi chẳng lần ra.

Nhưng hôm nay là chủ nhật, giờ này vào sẽ gặp thầy, tôi biết thầy cực kỳ khó chịu với những người “ không có cái nghề nghiệp”, huống hồ chú lại còn xăm trổ, với thầy, đó là những người thuộc một tầng lớp khác, tôi đang định nói chú đi sang quán nước bên cạnh đợi mình thì dì đã thấy chú, sau khi hỏi thăm biết chú là người ơn của tôi dì niềm nở mời chú vào nhà, thầy đang đứng tưới nước cho mấy giỏ lan, chú cất tiếng chào, thầy không quay mặt lại, chỉ “ừ” một tiếng nhỏ trong miệng.

Chú vẫn vậy, vẫn cái giọng hào sảng chợ búa đó, nhưng đây là nhà của một gia đình trí thức, tôi cứ giật mình thon thót bấm bụng cầu mong chú đứng dậy ra về, có lẽ chú thấy vẻ mặt khổ sở nhăn nhó của tôi nên không ở lại lâu, tôi vào phòng lục lá thư rồi chạy theo ra cổng để đưa cho chú, ước gì hôm nay không phải là ngày chủ nhật, chú sẽ thấy tôi sống một cách thoải mái hơn, chắc chú sẽ mừng cho tôi.
Cả chiều hôm đó đi làm mà lòng tôi cứ nóng như lửa đốt, tôi biết mình lại làm khổ dì rồi, tôi xin về sớm hơn mọi ngày, cũng may vừa về tới cổng thì gặp thằng cu Phát đi học về, nó mở cổng cho tôi vào luôn.
– Đó, lại phường trộm cướp ở đâu mang về nhà đó.
-Không phải đâu anh, chú ấy làm lái xe Bắc Nam, tới hỏi thăm con Nghi thôi.
– Hứ, ba cái dòng thứ lái xe, cẩn thận đó, lại ển bụng lên như mẹ nó bây giờ.
-Anh đừng nói thế, anh không thích thì để em nói cháu nó lần sau đừng đưa khách về nhà là được chứ gì.
-Khách gì thứ đó, tôi nói bà đuổi tiệt ngay từ đầu bà cấm có nghe, để nó ở đây ảnh hường tới văn minh của các con tôi, đuổi, đuổi sớm.

Thầy mở cửa cái “rầm”, thấy tôi thầy đi thẳng, dì hoảng hốt:
-Sao con về giờ này?
-Dạ nay ít khách nên con được về sớm.
Tôi mỉm cười với dì, dù sao thì tôi cũng dự liệu được mọi chuyện sẽ xảy ra như thế, chỉ là không ngờ bao lâu nay thầy dù không nói gì nhưng luôn gai mắt với tôi như thế.

Tôi nói dì cứ yên tâm nghỉ đi, tôi không sao, sau đó lặng lẽ trở về phòng mình, lạ kỳ là tôi không hề khóc nữa, chỉ thấy xót xa cho dì, cha tôi dù cay nghiệt với tôi nhưng chưa từng đối với mẹ như thế.
Tôi mệt, đặt mình xuống là ngủ một giấc ngon lành, dù có chuyện gì thì cũng phải ngủ ngon rồi mới tính được.

Sáng sớm, tôi vẫn dậy lục chén cơm nguội ăn rồi đi làm bình thường, tôi định trưa nhà không có ai mới thưa chuyện với dì, tôi sẽ xin phép dì ra ở trọ, quán phở trả tiền theo tuần nên tôi cũng đã có tiền phòng thân, tìm nhà trọ nhỏ nhỏ ở gần quán cho dễ đi lại, với cả tôi cũng còn thời gian buổi trưa, có thể tìm thêm việc gì đó để làm.

Chỉ là khi tôi chưa kịp rời khỏi nhà thì một chuyện kinh tởm khác đã xảy ra, mãi tới sau này tôi cũng không biết đó là may hay rủi nữa, nó mở đường đưa tôi tới một mối duyên phận nghiệt ngã khác, một đoạn tình cảm dù đau đớn nhưng cả đời tôi khắc cốt ghi tâm.
Tôi ở nhà dì thêm mấy bữa, dì nói sẽ tìm phòng trọ cho tôi, nhưng vì dì có chuyến hành hương về chùa Tây Ninh nên muốn tôi ở lại thêm mấy ngày để cơm nước cho thầy và hai đứa nhỏ, tôi đồng ý, vì dù sao tôi cũng chỉ về nhà vào buổi trưa, không lo phải đối mặt với thầy.

Dì muốn đưa chìa khóa cổng để khuya về tôi tự mở nhưng thầy không đồng ý nên tôi đành nói khéo với chủ quán cho mình về nhà sớm hơn một chút, tất nhiên tiền công cũng sẽ bị giảm đi đáng kể.

Tối nọ, khi vừa lên giường chợp mắt thì tôi thấy cánh cửa khẽ động đậy, nơi tôi ngủ là cái phòng cũ phía cuối bếp, dì dùng để cất mấy đồ đạc linh tinh, sau khi tôi vào dì mới kêu người lắp thêm cái cửa nhựa để tôi mở ra mở vào, nhưng nó không có khóa.

Tôi giật mình ngồi nhỏm dậy, cố căng mắt nhìn trong bóng tối để xem đó là ai, bình thường cũng có mấy lần tụi thằng Phát cần tìm gì đó thì nó sẽ tự tiện mở cửa lục lọi, nhưng tụi nó sẽ vừa tìm vừa hét oang oang và vứt đồ đạc ngổn ngang khắp nơi chứ không rón rén như vậy.

Tim tôi đập loạn xạ trong lồng ngực, tôi đứng phắt lên tìm công tắc để bật đèn nhưng không kịp nữa, người đàn ông đó đã chui tọt vào màn thô bạo đè tôi xuống, tôi định hình lại, hoảng hốt:
-Thầy, thầy làm gì vậy? Bỏ con ra.
Ông ta không nói gì, tay lần mò quờ quạng sắp người tôi mặc cho tôi ra sức chống cự, cả mặt ông thô bạo rúc hẳn lên thềm ngực tôi – “ phực” – mấy nút áo của tôi đứt rơi tung tóe, tôi bất lực cắn chặt môi, máu chảy túa ra, mặn chát, trong giây phút đó người thầy giáo đạo mạo, nghiêm khắc với cặp mắt kính rớt xuống sống mũi như biến thành một con sói già hung hãn.

Tôi luồn tay xuống gối, chẳng hiểu ma xui quỷ khiến nào mà mấy hôm trước tôi tự nhiên nhặt được khúc gỗ ngoài đường, nghỉ bụng nếu có thằng Sang ở đây tôi nhất định nó sẽ đẽo cho nó một con quay thật đẹp, vì thế tôi mang nó về và cất dưới gối, chẳng ngờ có ngày nó lại thành vật cứu mạng mình.

Tôi giơ khúc gỗ lên đánh vào đầu ông ta một cái thật mạnh rồi nhanh tay đẩy ông ta ra khỏi cơ thể mình, cửa đã bị ông ta chốt lại, thành ra tôi chưa mở kịp đã bị ông ta lao tới túm tóc và cho tôi một cái tát đau điếng, tôi liểng xiểng, té nhào vào tường nhưng may vẫn cầm chặt khúc gỗ, ông ta thấy tôi hung hăng nên cũng không giám sấn sổ lắm, tôi với tay bật công tắc, lúc này mới thấy trên trán ông ta có máu, ông ta có lẽ lúc này cũng mới biết bị chảy máu, ông ta tru tréo qua kẽ răng:
-Quân khốn nạn, nuôi báo cô mày mà mày quay lại cắn tao?
-Ông mới là kẻ khốn nạn

Tôi nói, tay vẫn giơ khúc gỗ lên thủ thế.
-Hứ – Ông ta nhếch mép- tưởng mình trong sạch lắm à, quân lang chạ với lũ tài xế, mày còn gì nữa mà giả vờ thanh cao hả con?
-Ông im đi, ông đúng là thứ quỷ giả danh trí thức, thà như chú ấy, bề ngoài chợ búa nhưng nhân cách chú ấy tốt, ông không có cửa để xách dép cho chú ấy, ông sấn tới nữa đừng trách tôi.
-Mày đừng làm bộ làm tịch, tốt đẹp gì cái ngữ ấy, cũng như mày thôi.
-Im.

Ông nói nữa tôi phang cây sắt vào đầu bây giờ.
Tôi vừa nói vừa vung tay đập loạn xạ, ông ta có lẽ sợ đánh trúng nên vừa ôm đầu vừa lùi lại mấy bước để tránh, cũng không giám châm chọc tôi nữa.

Thừa lúc ông ta không chú ý tôi mở cửa vùng chạy ra ngoài, tới cầu thang thấy thằng Phát đang đứng đó, chắc nó nghe tiếng ầm ĩ nên tĩnh giấc, ông ta ôm mặt gào lên:
-Ba đã nói rồi mà mẹ con không nghe, cố chấp cưu mang nó, hôm nay nếu ba không phát hiện ra có lẽ nó lấy hết gia tài của mình rồi, còn đòi giết luôn ba, quân ăn cướp, quân ăn cháo đá bát, mày nhanh cút khỏi nhà tao…
Tôi chạy nhanh ra cổng, tôi không đủ dũng cảm để ở lại đây thêm phút giây nào nữa, thằng Phát mở to mắt nhìn tôi, mặt không cảm xúc, không biết lúc đó nó nghĩ gì trong đầu.

Tôi biết có nói gì thì nó cũng sẽ không tin nên đi thẳng, mãi sau này tôi mới biết thì ra lúc đó nó lựa chọn đứng về phía tôi, chỉ là nó còn nhỏ quá, nhỏ bé và lọt thỏm trong cái lớp định kiến mà ba nó khoác lên người, nó không giám phản kháng.

Ông ta mở cửa rồi tống nhanh tôi ra ngoài, tiếng cổng vừa đóng sầm lại tôi ngửa mặt lên trời, trách ông trời sao quá tàn nhẫn với mình, mắt tôi ráo hoảnh, cảm xúc như hóa đá.

Lát sau tôi mới sực nhớ số tiền lương ít ỏi và cả cái nhẫn của mẹ vẫn còn ở dưới gối, không có xu nào trong người tôi không biết phải đi đâu đêm nay nên đành nằm tạm ở ghế đá dưới gốc cây phía đối diện.

Khuya, người qua đường ngày một thưa, tôi bắt đầu thấy sợ hãi, những hình ảnh kinh tởm ban nãy hiển hiện trong đầu, đời tôi bi đát quá rồi, nếu đêm nay thêm chuyện gì xảy ra nữa chắc tôi tìm chỗ chết quách cho rồi, nghĩ thế, tôi không giám chợp mắt, chỉ mong trời nhanh sáng để vào nhà lấy đồ đạc và rời khỏi đây, tôi cũng đã hơi quen đường sá ở đây nên sẽ không đến nổi bơ vơ nữa….
Nhưng đến cuối cùng tôi vẫn không chết, cũng không bị dồn vào đường cùng, tôi gặp lại chú.

Người cứu tôi lại vẫn là chú, tôi không biết đây là nhân duyên gì, có lẽ chú nói đúng, chắc chú mắc nợ tôi, khi trời còn chưa sáng rõ thì chú lại xuất hiện, chú nói xe vừa về bến, đang đợi khách, không hiểu sao cứ thấy bồn chồn không yên, sẵn chỗ tôi cũng gần nên chú lấy xe bạn chạy tạt qua xem sao, tôi ôm lấy chú tủi hờn òa khóc, chút mạnh mẽ còn sót lại không đủ để tôi giả vờ với chú, rốt cuộc tôi cũng chỉ mới là một con nhóc nhỏ, chỉ vì phải đương đầu với bão giông mà cố ép mình phải lớn.
Chú hùng hổ tới đập cửa, vừa đập vừa gọi :
-Ông già, mau mở cửa.
Cánh cồng sắt trước mắt vẫn im lìm.
-Mở cửa.
-Có ngon thì mở cửa cho tao, đừng có núp, mẹ kiếp.
Chú chửi rủa um sùm và lấy mấy cục ghạch rõ to đập vào cái cổng sắt, vài người đi đường bắt đầu tò mò xúm lại chỉ trỏ.

Ông ta xuất hiện ở cửa, mắt vẫn còn ngái ngủ, làu bàu:
-Tao không việc gì phải mở cửa rước phường chợ búa vào nhà.
-Ông mở cửa cho nó vào lấy đồ, nều không đừng có trách tôi.

Có lẽ ông ta sợ dư luận bàn tán, cũng sợ ảnh hưởng tới cái thanh danh trí thức của mình nên vừa lầm bầm vừa ra mở cổng, chỉ đợi có thế, chú lao vào túm lấy cổ áo rồi đẩy một cái làm ông ta đứng không vững, tôi dù gì cũng lo cho dì Tuyết, sau lần này tôi rời khỏi đây có thể coi như xong, nhưng còn dì, tôi không muốn dì phải khổ thêm chỉ vì tôi, nghĩ thế tôi níu lấy tay chú:
-Thôi thôi chú ơi.

Cháu cũng chỉ cần lấy đồ đạc của mình thôi ạ.
-Mẹ kiếp, ông mang cái mác trí thức làm chó gì, ông chẳng qua chỉ là con quỷ đội lốt người, đợt trước tới thấy cặp mắt của ông hau háu nhìn nó là tôi đã biết rồi.

Chó!
Chú nói rồi nhổ toẹt xuống nền nhà.
-Mày đừng có ăn ngang nói ngược, nó ăn cắp của nhà tao nên tao tống cổ, tao còn chưa báo công an đã là phước cho nó lắm.
-Ngon thì ông báo đi, cho công an lột sạch cái mặt nạ của ông xuống dùm.
Chú trừng mắt nhìn ông ta, bàn tay gân guốc nắm chặt lại, tôi sợ lỡ chú đánh ông ta bị thương lại phiền phức ra, dù gì tôi cũng không có bằng chứng gì cả, ông ta nói tôi ăn cắp thì tôi là ăn cắp nên vội ngăn chú lại, nói mình chỉ cần lấy được đồ rồi sẽ rời khỏi đây.

Ông ta có lẽ cũng sợ chú, lại cũng muốn mọi chuyện êm đẹp ở đây nên làm lơ để tôi vào phòng thu dọn đồ đạc, tôi lấy giấy viết vội mấy dòng gửi lại cho dì Tuyết, có thể dì sẽ không đọc được nhưng tôi không còn cách nào khác, tôi biết mình không còn cơ hội quay lại gặp dì nữa.
-Giờ mày tính sao?
Chú hỏi sau khi tôi đã ăn xong dĩa cơm tấm.
Tôi cười méo mó:
-Cháu cũng không biết nữa, mấy bữa trước cháu đã tính ra thuê phòng trọ rồi, chỉ tại mấy hôm nay dì đi vắng – tôi ngập ngừng – chú, sao lần nào chú cũng tin cháu?
-Vì chỉ cần nhìn mặt là đã thấy mày ngu rồi, con ạ.
Tôi nghệt mặt ra nhìn chú, chú nói lần trước tới mấy lần thấy cặp mắt ông ta nhìn tôi háu háu, định dặn tôi chú ý nhưng chưa kịp.
Tôi bật cười, lần nào gặp chú tôi cũng bị chửi, nhưng lần nào tôi cũng thấy ấm áp hệt như khi gặp Nguyên.
-Thôi mày ở đây làm quái gì nữa, theo tao về Biên Hòa, tao có bà chị gái ở đó, tạm thời ở với bà cho đỡ sợ rồi tính tiếp.
-Thôi chú, cháu ngại lắm, để cháu ở một mình trên này được rồi.
-Ngại đếch gì, mày ở trên này lão ta tha cho mày chắc.
Im lặng một lát chú tiếp:
-Tao đưa thư cho em mày rồi, nghe nó kể về hoàn cảnh của mày, chậc, mày về dưới chắc bà chị tao bả quí lắm, nhanh cái chân lên muộn giờ tao mất.
Nghe tới thằng Sang, tôi chực khóc, tôi muốn hỏi thăm nhiều hơn về nó nên đứng dậy theo chú ra bến xe để về Biên Hòa, tiện tay ném luôn bộ đồ mới thay vào thùng rác, bộ đồ này tôi mới mua nên có chút tiếc rẻ, nhưng thôi, tôi không muốn dính dáng gì đến những ký ức kinh hoàng này nữa.
Lời tác giả: Nghi nói với tôi : “ngày mới vào em toàn gặp mấy chuyện thế này chị ạ”.

Tôi tin chứ, Nghi đẹp, bây giờ khi đã là mẹ của hai đứa con Nghi vẫn rất đẹp, không phải nét đẹp sắc sảo mà ở Nghi toát lên vẻ đằm thắm, dễ mến đến lạ, huống hồ ngày mới mười sáu mười bảy tuổi, cái tuổi xuân xanh dễ khiến cho nhiều người dao động nới đáy mắt.
“Quán phở chỗ em làm cũng gần nhà chị ạ, nhưng lại phải đi qua một đoạn đường rất tối, ngày đó khuya em đạp xe đi ngang đó sợ lắm, toàn bị mấy tên biến thái bị bệnh gì đó, nghe người ta nói là bệnh lậu hay sao đó chị, tụi nó không làm gì em đâu nhưng ngày nào cũng chạy xe chầm chậm theo em chỉ chỉ vào chỗ ấy kêu em nhìn.

Nhưng thôi chị đừng viết chỗ này chị nhé, tủi hờn lắm”.

Bình luận

  • Bình luận

  • Bình luận Facebook

Sắp xếp

Danh sách chương