Hải Đăng không thèm nghe tôi nói, hai mắt sắc lẹm liền chiếu thẳng đến mấy tờ giấy tôi viết nháp trên bàn đèn đặt cạnh laptop còn mở. Đôi mày chau lại, anh lập tức bấm mở màn hình, đôi mắt tức giận long lên nhìn tôi quát:

– Cô làm cái gì thế hả? Cái thứ này mà là nghỉ ngơi à?

Biết là mình không đúng nhưng tôi vẫn cãi:

– Không làm gì… tôi không chịu được!

– Cô có muốn chữa bệnh không?

– Tất nhiên là muốn nhưng…

– Dẹp hết đi! Đừng để tôi thấy lần nữa!

Tôi bực bội trước cách đối xử chuyên quyền của anh, lúc nào cũng thích ép buộc người khác! Anh không nói gì nữa, hừ một tiếng, mặc kệ tôi bước ra ngoài. Còn mình tôi trong căn phòng trống, bất giác tôi lại thấy mình sai. Anh lo lắng cho tôi nên mới vậy, còn tôi… chỉ nghiêm túc tuân thủ phác đồ điều trị mà cũng không làm được. Tự nhiên lại muốn nói lời xin lỗi anh, tôi bước xuống giường đi về phía cửa.

Tôi vừa đặt chân đến cửa, bất ngờ “binh” một tiếng, cánh cửa đập mạnh một lực vào trán tôi. Lâm Hải Đăng… anh có thể không bất ngờ mở cửa phòng tôi thế không hả?

– Có sao không?

Anh lập tức kéo tôi sát lại, đưa tay xoa xoa vầng trán dô bướng bỉnh của tôi. Tôi giống bố gì không giống lại giống cái trán dô, toàn phải lấy tóc mái che lại. Tôi nheo nheo mắt nhìn anh, lắc đầu:


– Không sao đâu, từ sau anh mở nhẹ thôi.

– Ai biết cô ra đúng lúc?

– Tưởng anh đi đâu rồi… đang định đi tìm.

– Tìm làm gì?

Anh hơi cúi đầu, chiếu ánh mắt tò mò về tôi hỏi. Tôi lại chẳng thể nói thật, cuối cùng chỉ đáp:

– Thì… gọi anh vào ăn cơm, nguội hết rồi!

– Ừm…

Anh bước đi trước. Đứng lại nhìn anh, tôi nhẹ giọng:

– Ban nãy… là tôi sai. Từ nay tôi sẽ nghiêm túc tuân thủ lời dặn. Sẽ chỉ nghe nhạc ngắm hoa thôi được chứ?

– Cô muốn làm việc thì tôi sẽ tìm việc phù hợp cho cô. Sợ cô không làm gì nghĩ linh tinh lại thành con điên trong nhà tôi.

Tôi phì cười, gật đầu đánh rụp bước đến, mở nắp hai hộp cơm anh để ở trên bàn kính. Anh ngồi xuống một chiếc ghế mây, nhìn tôi ngồi xuống chiếc còn lại.

– Đồ ăn thế này… có hợp ý anh không?

– Được.

– Từ mai cứ thế nhé, tôi đã gửi anh danh sách rồi đấy!

– Ừ. Thôi ăn đi.

Tôi còn muốn hỏi anh. Tôi và anh thân thiết thế này… liệu người trong biệt phủ sẽ nghĩ sao, nếu ông nội anh biết sẽ nghĩ sao… nhưng cuối cùng tôi chẳng thể mở miệng, chỉ cùng anh ăn những đồ ăn tốt lành cho sức khỏe.

– Từ mai tôi chăm sóc vườn cùng chú thợ vườn nhé! Sẽ vận động cực kỳ nhẹ nhàng thôi!

Tôi đưa đôi mắt long lanh xin xỏ, anh có vẻ mát tính hơn nên “ừm” một tiếng làm tôi không giấu được khóe môi cong lên. Đôi mắt ai kia nhìn tôi tự nhiên ấm áp lạ lùng, tôi vô thức nuốt ực một ngụm, lập tức cúi xuống, không muốn anh nghe thấy tiếng tim đập rộn trong lồng ngực mình. Anh cứ thế này… tôi sợ một ngày rời khỏi nơi đây… nỗi đau tôi phải chịu còn lớn gấp trăm gấp nghìn lần ngày trẻ dại…

Sau bữa tối tôi lại theo quy trình uống thuốc rồi nằm nghỉ. Đến khi tôi tắm xong bước ra, bên ngoài bất ngờ nghe mẹ tôi mừng rỡ nói:


– Cậu Đăng chu đáo quá, cảm ơn cậu nhé, trà này tốt lắm à cậu?

Âm giọng ôn tồn của Hải Đăng vang lên:

– Vâng cô pha thử xem, trà dễ uống mà lại tốt cho phụ nữ đấy ạ.

– Quý hóa quá, tôi pha luôn đây, cậu ngồi chơi xem tivi chờ tôi một lát!

– Thôi cháu phải về phòng, buổi tối cô xem lại cửa nẻo một lần trước khi đi ngủ giúp cháu nhé!

– Cậu yên tâm, tôi nhớ mà!

Cảm giác trong người hơi nong nóng dù điều hòa vẫn liên tục làm dịu không gian, tôi hiểu anh đem cho mẹ tôi loại trà ngon hôm trước mà tôi rất thích, một lúc làm ba chén ở phòng anh. Một hồi mẹ tôi gõ cửa:

– Khanh à, cậu Đăng đem cho một hộp trà quý, bảo tốt cho phụ nữ, mẹ uống thấy ngọt ngon lắm, con cũng uống đi cho dễ ngủ!

– Vâng… mẹ vào phòng đi ạ.

Tôi sắp xếp lại đồ trong phòng mang từ nhà trọ kia sang, cũng chẳng có gì nhiều ngoài ít quần áo cùng sách vở và một số kỷ vật tôi còn giữ lại. Mẹ tôi đặt ấm trà lên bàn kính, ngồi xuống ghế mây nhẹ giọng:

– Ban chiều cậu Đăng bế con về phòng à, lại còn mang cơm vào cho con, mấy người làm bàn tán lắm đấy!

– À… anh ấy cẩn thận sợ con vận động mạnh thôi mẹ.

– Ừ… không có gì thật hả con?


Mẹ tôi cứ mong ngóng trông đợi, tôi hiểu nhưng chẳng muốn gieo hi vọng gì cho bà, chỉ “Vâng” một tiếng, lo lắng hỏi lại:

– Mẹ gặp ông Quốc chưa ạ?

– Mẹ đến chào ông ấy tối qua rồi, sáu năm không gặp ông ấy vẫn khỏe mạnh hồng hào lắm. Mà ông ấy có hỏi con đấy, hay tối nay con sang chào ông ấy một câu.

Tôi thực lòng hơi sợ ông ấy, có điều đã ở đây rồi tôi cũng nên làm vậy. Nhìn đồng hồ lúc này là gần tám giờ, cũng chưa muộn, đi một mình tôi ngại nên bảo mẹ:

– Vậy mẹ đi cùng con nhé?

– Hay con bảo cậu Đăng đi cùng, cậu ấy chủ ý đưa nhà mình về đây, ngại thì để cậu ấy lo.

Mẹ tôi cũng nhanh trí ghê gớm, tôi chỉ sợ giờ này anh và cô ta đang thân mật trong phòng ngủ của anh như tối qua nên ậm ừ vâng dạ với mẹ rồi nhắn cho anh một tin:

“Tôi muốn qua chào ông nội anh một câu, anh đi cùng tôi được chứ?”

Vài phút sau tôi nghe có tin nhắn lại:

“OK. Cô sang phòng chờ tôi.”

Cảm thấy thoải mái hơn một chút, tôi thay một bộ mặc nhà dài hơn rồi bước sang gian nhà của anh. Cách xây dựng từng gian nhà kiểu biệt phủ này tạo cảm giác gần gũi mà vẫn biệt lập nên ngày xưa gia đình cô út của anh sống ở đây mãi, nhất là khi ông Văn chồng cô ấy mất, cô ấy và hai đứa con ngỗ nghịch tai quái càng cần vòng tay của gia đình. Nói về cô Uyên của anh, thực sự tôi không thích bà ta, bà ta điệu đà trang điểm, nước hoa lúc nào cũng thơm nức, chẳng quan tâm đến ai, con cái không chăm lo nên bọn nó hay làm trò phiền nhiễu người làm, mấy lần tôi bị bà Dung mắng oan vì cái tội phá phách của chúng nó nhưng trẻ con tôi cũng chẳng chấp.

Bình luận

  • Bình luận

  • Bình luận Facebook

Sắp xếp

Danh sách chương