Minh Nguyệt Đang - Tứ Quý Cẩm Tập 1
-
Chương 6: Tâm Tư Của Nữ Nhi Thường Khác Biệt (6)
Sáng sớm hôm sau, nàng bước đến gian chính, cả nhà năm người ăn bữa cơm ấm áp và thân mật, sau đó Vinh tam gia ra ngoài tiếp khách.
A Vụ cứ nghĩ Vinh tam gia sẽ uống say mới về, nào ngờ ông trở về khá sớm, lại rất tỉnh táo. Thay áo mặc ở nhà xong, ông gọi ba con đến thư phòng hỏi han bài vở.
A Vụ không ngờ ông cũng gọi cả mình, chứng tỏ người tri thức thường đặc biệt coi trọng việc học hành của con cái.
Đầu tiên, Vinh tam gia kiểm tra bài vở của Vinh Giới, Vinh Ngân. Hiện tại Vinh Giới đang học thầy viết văn bát cổ, phá đề[1], thừa đề[2] và làm rất khá khiến Vinh tam gia rất mừng. Cuốn Đại học[3] Vinh Ngân đã học xong, bây giờ thầy đang dạy đến Luận ngữ[4], Vinh tam gia đọc vài câu, cậu đáp lại rất hùng hồn. Thôi Thị ở gian phía tây cũng có thể nghe thấy tiếng cười sung sướng của Vinh tam gia.
[1] Phá đề: Đoạn đầu tiên của văn bát cổ, chỉ dùng một, hai câu đã nói ra ý nghĩa của cả đoạn văn.
[2] Thừa đề: Đoạn thứ hai trong văn bát cổ, phần tiếp theo của phá đề, chính là nói rõ hơn về đề mục.
[3] Đại học: là một trong bốn cuốn sách kinh điển của Nho gia. Xưa, người đến tuổi mười lăm thì vào học bậc đại học và được đọc sách này.
[4] Luận ngữ: là một trong bốn cuốn sách kinh điển của Nho gia. Luận ngữ là sách sưu tập ghi chép lại những lời dạy của Khổng Tử và những lời nói của người đương thời.
Lúc A Vụ bước vào thư phòng của Vinh tam gia ở gian phía đông thì thấy bút mực, giấy nghiên được xếp gọn gàng trên chiếc bàn gỗ dài hình cánh gà vểnh hai đầu, giá bút bằng sứ thanh hoa, có cả đồ rửa mực và cái chặn giấy, có cả khối gỗ kê tay khắc hình trạng nguyên bằng thẻ trúc, trên tường treo bức Quần phong tề tuyết đồ[5] cùng với hai bức họa bằng chữ, trông rất đơn sơ, tĩnh lặng.
[5] Quần phong tề tuyết đồ: bức tranh miêu tả tuyết phủ trắng xóa dãy núi trùng điệp.
Con dấu trên hai bức họa chữ đó đều là "Nam Sơn", A Vụ không biết là ai, nhưng nét chữ rất phóng khoáng, mạnh mẽ, thanh nhã, không tầm thường chút nào.
Kiểm tra hai người con trai xong, Vinh tam gia vuốt chòm râu trên cằm, vui mừng nói với A Vụ: "A Vật, dạo này con học được những gì rồi?"
A Vụ chưa kịp trả lời đã nghe thấy Vinh Ngân liến thoắng: "Muội muội dạo gần đây giỏi lắm cha ạ, bắt đầu bình luận về các thư pháp gia rồi đấy ạ."
"Ồ!" Vinh tam gia không lấy làm bất ngờ. A Vật thích bắt chước Vinh Ngũ, nhưng cô nhóc con Vinh Ngũ trong mắt Vinh tam gia chẳng khác gì kẻ học đòi, mới tí tuổi đã thích bình phẩm mọi người, mặc dù cháu của ông cũng có chút tiếng tăm trong kinh thành, nhưng Vinh tam gia chỉ nghĩ đó là tài mọn chốn khuê các, không đáng khen ngợi.
"A Vật viết vài chữ cho cha xem nào!"
A Vụ không khách sáo, Vinh tam gia muốn kiểm tra trình độ của con gái thì "cô con gái" này chẳng có lí do gì mà không thử trình độ của "cha".
A Vụ chấm mực nâng bút, viết câu: "Học nhi thời tập chi, bất diệt duyệt hồ" (Học mà kịp thời thực hành, như vậy không phải là rất có ích sao? - Khổng Tử), chỉ mấy chữ đó thôi cũng khiến Vinh tam gia tròn mắt kinh ngạc, chưa bàn đến chữ của A Vụ đẹp như thế nào, chỉ so sánh với trình độ trước kia của nàng thì quả thật có thể nói là "khác một trời một vực".
"Thực sự có tiến bộ, Vinh tam gia ngày càng cảm thấy tự hào về con gái. Ông hiểu rất rõ cô nhóc này, trước đây chỉ có dung mạo còn nội tâm trống rỗng, nhưng nay tiến bộ thế này, ông cảm thấy vô cùng bất ngờ. "Nhưng lực viết chữ của con vẫn chưa đủ, nét thu bút vẫn mờ, phần chuyển tiếp chữ vẫn chưa đúng trọng tâm."
Vinh tam gia nói rất đúng, đến giờ, lực cầm bút của A Vụ vẫn chưa đạt, mỗi lần hạ bút xuống lại có cảm giác lực bất tòng tâm, thấy Vinh tam gia chỉ nhìn vài chữ mà đã nhận ra nhược điểm, A Vụ không khỏi vô cùng khâm phục.
"Con cũng rất buồn vì chuyện này, cha chỉ bảo chỉ bảo cho con nhé?" Lần này A Vụ quyết bái thầy học chữ.
Vinh tam gia không giấu giếm tài năng. Năm ta luyện chữ, thầy giáo từng dạy ta cách "nhả chữ và nạp chữ", ta cũng chỉ bảo qua cho các huynh của con. Nếu con nắm được phương pháp này, không chỉ luyện được chữ, mà còn rèn luyện được sức khỏe nữa."
Vinh tam gia nói vậy làm A Vụ càng cảm thấy hứng thú, tất cả những phương pháp tốt cho sức khỏe, nàng đều thích, không biết có phải vì kiếp trước ốm yếu bệnh tật hay không mà kiếp này nàng muốn thay đổi thật nhiều.
Thì ra, cách dạy của Vinh tam gia hoàn toàn khác với phương pháp hít thở hẳng ngày của con người, khi hít vào từ từ căng bụng, khi thở ra dùng sức hóp bụng vào, vừa viết chữ vừa kết hợp hít thở, vừa dưỡng thân lại có thể vận động.
Phương pháp hít thở này không xa lạ đối với A Vụ. Từ khi nàng bị bệnh, Trưởng Công chúa mẹ nàng đi khắp nơi cầu Thần bái Phật, cầu cứu cả cao tăng ở Tây Trúc. Vị cao tăng đó đã dạy cho A Vụ một bộ công pháp, chú trọng vào việc co duỗi cơ thể và tưởng tượng, đồng thời giữ yên tĩnh giúp cơ thể khỏe mạnh, nhưng lại không làm mất đi dáng vẻ của khuê nữ. Trong bộ công pháp này cũng có phương pháp hít thở giống như vậy, không ngờ thầy giáo của Vinh tam gia lại vận dụng nó vào trong thư pháp.
Đến bây giờ, mỗi sáng thức dậy, A Vụ đều đã quen luyện tập nên nắm khá rõ cách hít thở, nhanh chóng điều tiết được nhịp thở cùng với việc luyện chữ, khiến Vinh tam gia luôn miệng khen nàng nhận thức tốt, tiến bộ nhanh.
Giảng giải một hồi, Vinh tam gia nhất thời thấy bứt rứt, muốn viết một bức họa chữ, đó là: "Tiên thiên hạ chi ưu nhi ưu, hậu thiên hạ chi lạc nhi lạc." (Lo trước cái lo của thiên hạ, vui sau cái vui của thiên hạ - Phạm Trọng Yêm) Người bình thường sẽ không bao giờ nghĩ đến hai câu này, chỉ có nhân tài luôn cố gắng phấn đấu vươn lên, nghĩ đến cái phúc của muôn dân trăm họ thì mới nhớ đến hai câu này, qua đây có thể thấy lí tưởng của Vinh tam gia vô cùng cao quý, chỉ là chưa có chỗ để phát huy mà thôi.
Bức họa chữ này được treo lên bức tường phía sau lưng Vinh tam gia cùng với hai bức họa khác. A Vụ lúc này mới biết Vinh tam gia tự hiệu là "Nam Sơn", có lẽ là lấy từ câu: "Thong thả ngắm núi Nam Sơn", không biết bút danh này là người khác tặng hay ông tự đặt lấy, có lẽ là lúc cảm thấy không được như ý, muốn dùng bút danh này để khích lệ bản thân, công danh không thành sẽ có chốn Nam Sơn để ẩn cư.
Vinh Giới, Vinh Ngân thấy Vinh tam gia viết chữ thì cũng thấy hào hứng, bước lại nhờ cha chỉ bảo. A Vụ cầm một xấp bản nháp trên bàn lên xem. Đó là bài văn bát cổ Vinh tam gia làm gần đây, A Vụ đọc cẩn thận một lượt và càng hiểu hơn về con người của ông.
Khi còn ở phủ Vệ Quốc Công, mặc dù A Vụ là người có tài, nhưng cũng rất tự cao, mấy bài thơ từ khuê các nàng không thích làm, lúc nào cũng chỉ muốn thi thố tài năng với nam tử hán, đi theo các ca ca đọc sách, bản thân cũng đã từng ứng thí văn bát cổ, có mộng tưởng làm thân nam nhi và bài văn hoa mĩ của nàng lọt vào mắt Hoàng thượng, được ca tụng là thiên hạ nam tử hán.
Thế nên A Vụ không xa lạ gì với văn bát cổ, phá đề, thừa đề, khởi giảng, nhập đề... nàng đều nắm rõ. Văn của Vinh tam gia hàm súc, cô đọng, ngôn ngữ phong phú, có chiều sâu, dẫn chứng rõ ràng, lại tràn đầy màu sắc, mượt mà tươi tắn.
A Vụ nhớ tới quan chủ khảo của Xuân Vi năm thứ hai mươi tư Long Khánh, đó là Nội các đại học sĩ Hứa Lập Trai. Người này văn hoa phong mĩ, câu chữ hào sảng, có vần có điệu, nhưng ngẫm nghĩ kĩ lại thấy rất sáo rỗng. Văn của Vinh tam gia không hợp với người này. A Vụ lại nhớ chưa từng nghe nói phủ An Quốc Công có người đỗ kì thi Trung Hội.
A Vụ đặt bài văn của Vinh tam gia xuống, khẽ thở dài.
Đợi ba con đi khỏi, Thôi Thị sắp xếp cho Vinh tam gia dùng bữa, sau khi họ ăn xong, Thôi Thị mới cởi giày, rửa chân, hầu hạ ông lên giường.
Sau đó, bà buông màn, ánh sáng bên ngoài lờ mờ chiếu sáng gương mặt kiều diễm của Thôi Thị khiến lòng Vinh tam gia không khỏi bồi hồi. Vừa sát lại gần, ông bỗng nhìn thấy nếp nhăn mới nơi khóe mắt của vợ mà không khỏi xót xa.
Thôi Thị cảm nhận ngón tay của Vinh tam gia đang khẽ sờ lên khóe mắt mình, lo lắng nói: "Sao thế, lại có thêm nếp nhăn ư?"
"Dù nàng có thế nào thì ta vẫn thích." Vinh tam gia vội nói lảng, sợ Thôi Thị buồn.
Nhưng bà vẫn nhận ra, ủ rũ nói: "Sao mới nửa năm đã có thêm nếp nhăn nữa nhỉ?"
Vinh tam gia biết nếp nhăn của Thôi Thị do đâu mà ra, vội vàng ôm vợ vào lòng, thơm vào má bà một cái. "Nếu lần này thi không đỗ, ta sẽ không thi nữa, ta sẽ nghe lời của phụ thân ở nhà giúp việc vặt cho gia đình."
Thôi Thị nghe thấy thế thì cuống lên, quay lại ngẩng đầu nhìn Vinh tam gia. "Sao có thể thế được, thiếp biết tam gia là người có tài, cho dù lần này không đỗ, không phải chúng ta còn có lần sau, lần sau nữa sao, tam gia không được nản lòng."
"Ta rất thương nàng vất vả, vì ta mà những năm qua đến đồ trang sức nàng cũng không mua thêm được món nào, ta thực sự có lỗi với nàng, Y Lan." Vinh tam gia hít hà mùi hương trên tóc mai của Thôi Thị.
"Vì chàng, vì mấy đứa trẻ, thiếp có vất vả nữa cũng cam lòng, chỉ mong sao tam gia không được nản lòng, nhà chúng ta chỉ mong chờ vào chàng thôi."
Vinh tam gia không nói gì mà âu yếm vuốt ve khuôn mặt của vợ.
Thôi Thị biết lần này Vinh tam gia đã hạ quyết tâm, nếu không đã chẳng nói ra những lời như vậy. Người đàn ông này vô cùng cố chấp, không thể thay đổi được, chỉ có thể tùy ông đấy quyết định mà thôi.
Bình luận
Bình luận
Bình luận Facebook