Minh Nguyệt Đang - Tứ Quý Cẩm Tập 1
-
Chương 15: Tỷ Muội Đồng Bệnh Tương Lân (8)
Tối hôm sau, A Vụ ngồi trên giường của Thôi Thị ăn bánh hoa lê, Vinh tam gia và Thôi Thị ngồi hai bên rất vui mừng. Nàng ăn xong, nho nhã dùng khăn tay lau miệng, rồi sau đó nũng nịu đòi cha đến chái nhà phía đông nơi ông ôn luyện.
A Vụ đưa bài văn quý như ngọc của mình ra. "Cha xem giúp con bài văn này thế nào?"
Vinh tam gia cầm lên đọc, đây là một bài văn bát cổ, đề bài lấy từ trong cuốn Luận Ngữ - Thuật Nhi của Tứ thư. Khổng Tử nói với Nhan Uyên là: "Dụng chi tắc hành, xá chi tắc tàng, duy ngã dữ nhĩ hữu thị phu." (1)
(1) Câu này có nghĩa là: Dùng ta thì ta giúp cho sự nghiệp, không dùng ta thì ta giấu tài đi, chỉ có ta với ngươi làm được thế thôi."
Bài văn này của A Vụ lấy " Thánh nhân hành tàng chi nghi, sĩ năng giả nhi thủy vi thị chi dã"(2) làm câu phá đề.
(2) Câu này có nghĩa là: Hành động giấu tài của thánh nhân chính là gợi ý nho nhỏ cho những người có tài.
Phá đề là phần rất quan trọng trong toàn bộ bài bát cổ văn, trong câu phá đề của A Vụ có "thánh nhân" chỉ Khổng Tử, "người tài" chỉ Nhan Uyên, đã là phá đề thì cho dù dùng tên của thánh hiền hay tên của bất cứ người nào cũng phải dùng đại từ, thế nên mới dùng chữ "năng giả" thay cho Nhan Uyên. Trong hai câu phá đề này, ý chỉ rõ là "giấu tài", ngầm hiểu là "chỉ có ta với ngươi".
Vinh Cát Xương vốn coi hành động của A Vụ như trò trẻ con, không ngờ mới đọc ông đã phải thốt lên: "Hay, phá đề rất khá"
Ông lại đọc tiếp, càng đọc càng kinh ngạc, nếu không phải là người có kinh nghiệm phong phú thì không thể làm được bài văn như vậy. Văn phong mẫu mực, chân thật, lưu loát, thực sự là môt bài văn hay, làm sao một đứa trẻ có thể viết ra được?
Theo Vinh Cát Xương biết về A Vụ thì nàng tuyệt đối không thể làm được bài văn này.
A Vụ nhận ra sự kinh ngạc của Vinh Cát Xương, giả như không biết, chỉ mỉm cười nói: "Cha chỉ giúp con chỗ sai đi ạ."
"Bài văn này là con làm à?" Vinh Cát Xương không tin.
A Vụ láu lỉnh ôm cổ Vinh Cát Xương. "Cha thông minh thật đấy, bài văn này A Vật không làm, mà là bài văn hôm qua con nằm mơ, cảm thấy hay nên sáng sớm thức dậy vội vàng chép lại không sợ quên mất."
Vinh Cát Xương nửa tin nửa ngờ, nhưng chắc chắn bài văn này không phải do A Vụ làm, vì những bài văn hay như thế này ông chưa đọc bao giờ, nếu hay thì đã được lưu truyền từ lâu, thế nên ông mới tin phần nào chuyện A Vụ nằm mơ này.
Ông lại nhớ Vinh Giới có nhắc đến chuyện A Vụ xem văn bát cổ, có lẽ ban ngày đọc nhiều rồi nghĩ ngợi dẫn đến ban đêm nằm mơ cũng nên, chuyện này thỉnh thoảng cũng xảy ra. Có lúc trong giấc mơ ông cũng hay nghĩ ra những câu hay, tỉnh dậy phải vội ghi lại để cùng bạn hữu bình phẩm. Họ từng nhận xét những câu văn này viết hay hơn cả lúc thức, Vinh tam gia cũng cho là như vậy.
A Vụ đã giao được bài văn cho cha, cũng không muốn làm phiền ông nữa nên lui ra ngoài để ông một mình suy ngẫm.
Người học văn thấy bài văn hay như thợ săn gặp con mồi, như kẻ nghiện rượu ngửi thấy mùi rượu ngon... không thể không tỉ mỉ thưởng thức. Vinh Cát Xương cũng không ngoại lệ, cả buổi tối ông đều ngâm nga bài văn này.
Gần đến ngày thi A Vụ mới giao bài văn cho cha, mục đích thứ nhất là để Vinh Cát Xương nhớ lâu hơn, đi thi sẽ không bị mơ mơ hồ hồ, thứ hai là sợ ông khoe bài văn này với đám bạn hữu, làm hỏng kế hoạch của A Vụ.
Bài văn này chính là công sức những ngày trăn trở, khổ tâm của A Vụ, văn phong lại không thể giống Hứa Lập Trai, vì nàng sợ nếu giống quá, Vinh Cát Xương sẽ không thích, không viết vào bài thi.
Vinh Cát Xương có dùng hay không thì A Vụ cũng không nắm rõ, thế nên nàng mới mượn cớ nằm mơ rồi viết ra, ý muốn nói đó không phải là bài văn nàng viết. Nàng hi vọng Vinh Cát Xương có thể tùy ý sử dụng, nhưng vẫn e ngại khí phách thư sinh của ông.
Bình luận
Bình luận
Bình luận Facebook