Minh Châu Ký
-
78: Nam Trì Thương Hội
Kế hoạch đã có, mọi người không hề do dự, lập tức triển khai, ai lo việc nấy.
Xuân Hạnh cầm lấy sổ con của Minh Châu, do dự nửa ngày, sắp xếp lại ý tưởng một chút, liền viết thư cho Chu Đại lão gia.
Chỉ hai ngày sau, Chu Đại lão gia hồi âm, không chỉ hỗ trợ cô, mà cũng sẽ gửi thư đến các nghĩa thúc khác của nàng ở ba Châu, hỗ trợ nàng thực hiện kế hoạch kinh thương mới.
Xuân Hạnh mang theo Cảnh Dĩ và Cảnh Ý lăn lộn khắp nơi để mua cửa hàng.
Nhữ Cơ không giống Nam Quốc, tuy vẫn có nữ tử đứng ra làm ăn, nhưng không nhiều.
Đại bộ phận dân chúng vẫn mang tư tưởng trọng nam khinh nữ.
Vì vậy, để thuận tiện, Cảnh Dĩ sẽ là người đứng ra với tư cách là đại lão bản của tất cả các hoạt động sắp tới.
Bên cạnh đó, Xuân Hạnh với danh nghĩa là Chu Ngưng Hương - nghĩa nữ của Chu gia, sẽ đại diện Chu gia hùng vốn trong cuộc làm ăn này.
Xuân Hạnh mang theo Cảnh Dĩ và Dương Nhạc, đến bái kiến Huyện chủ huyện Thanh Trì, một viên quan của Sĩ Đạt, tên là Cát Tứ, xin lệnh thông hành để được phép xuất - nhập hàng qua cửa khẩu Thanh Trì.
Xuân Hạnh đi theo Minh Châu đã lâu, bị ảnh hưởng bởi phong cách làm việc đầy táo bạo của nàng, nếu không xin được thì cứ dùng tiền mà đập.
Đại ý là, cái gì không mua được bằng tiền thì sẽ mua được bằng rất nhiều tiền.
Một rương bạc trắng của Minh Châu, một tượng hổ bằng vàng, một tuần rượu chè ca hát bất diệc nhạc hồ, hai mỹ nữ, cùng với cam kết cống nộp hằng năm, cuối cùng cũng đổi được một lệnh thông hành dành riêng cho Nam Trì thương hội.
Cảnh Dĩ và Dương Nhạc không quen với việc giao tiếp làm ăn này, suýt chút nữa không trụ nổi.
Lại nhìn thấy Xuân Hạnh ngàn chén không say, ngày nào cũng chạy tới chạy lui khắp nơi, mà trên mặt lúc nào cũng tươi cười như gió xuân, chỉ biết cảm khái trong lòng.
Nhờ có thao tác chấn động này cộng với danh tiếng của Chu gia ở Nhữ Cơ, cuối cùng cửa hàng chuyên bán sản vật Nam Quốc ở Thanh Trì đã được mở cửa thành công, lấy tên là Nam Trì Thương hội.
Xuân Hạnh lập tức gửi thư cho Minh Châu.
Chỉ mười ngày sau, một đoàn hai mươi xe hàng lớn do Nghĩa Nam thương đoàn áp tải đã đến cửa khẩu Thanh Trì.
Tại đây, người của Nam Trì thương hội sẽ dùng lệnh thông hành để tiếp nhận và mang về thương hội mở bán.
Hàng hóa của Nam Quốc gửi qua chủ yếu là vải vóc và son phấn.
Vải vóc được dệt tinh tế, nhẵn nhụi mịn màng, hoa văn đa dạng, sống động; cùng với phấn son thơm phức là những vật phẩm còn lạ lẫm với người dân Nhữ Cơ.
Ban đầu người dân chỉ đơn thuần là tò mò, sau khi trực tiếp đến Thương hội nhìn thấy sản phẩm xinh đẹp, mới lạ với giá cả cực kỳ vừa phải, một cơn địa chấn chính thức bùng nổ.
Một đợt hàng hai mươi xe hàng lớn nhanh chóng tẩu tán hết sạch chỉ trong một tuần.
Những người mua đến sau chỉ có thể đặt trước.
Không chỉ người dân Nhữ Cơ, các thương nhân cũng mon men tìm đến đế đặt hàng với số lượng lớn.
Với tiêu chí, một người không thể nuốt trọn một cái bánh lớn, Xuân Hạnh liền chọn ra mấy nhà uy tín, lập khế ước mua bán, cho phép đặt hàng.
Chỉ trong một tháng kể từ khi khai trương, Nam Trì thương hội nhanh chóng danh chấn Nhữ Cơ.
Tất nhiên cũng có không ít thế lực đến tìm cớ làm khó, nhưng Chu Đại tiểu thư biểu hiện, nhà ta có chính là có điều kiện, nhét tiền nhét tiền, cộng với Thanh Trì Huyện chủ đã bị mua chuộc triệt để đứng ra làm chỗ dựa, nên tạm thời không gây ra sóng gió gì.
Nam Trì thương hội vừa đi vào hoạt động suôn sẻ, Xuân Hạnh liền rèn sắt khi còn nóng, bàn giao công tác bán hàng nhập khẩu cho một thân tín của Thượng Quan Đình, rồi lập tức liên hệ với các Chu lão gia, thành lập các chi nhánh tại các Châu, tiến hành kế hoạch thu mua đặc sản để xuất khẩu.
Thanh Trì thuộc Ái Châu, là một trong bốn huyện trồng nhiều lệ chi nhất cả nước.
Theo đúng kế hoạch, Xuân Hạnh liên hệ với Chu Tam gia ở Ái Châu, mang theo con trai của Chu Tam gia là Chu Vinh đi khắp các huyện thăm vườn, chọn những nhà có sản phẩm chất lượng, giá tốt, lập khế ước mua bán và đặt cọc tiền hàng.
Huyện Phụng Tiên thuộc Thương Châu, có Đại lão gia và Chu Hoằng làm chủ, quản lý chi nhánh Nam Trì thương hội ở đây, mặt hàng thu mua chính là hạt vừng, hạt tiêu.
Chu Tứ lão gia ở huyện Vân Nga ra mặt, chịu trách nhiệm chi nhánh Nam Trì thương hội ở Hàn Châu, chuyên thu mua bông vải.
Hàng hóa được các chi nhánh thu mua sẽ được vận chuyển về hội sở chính ở Thanh Trì, sau đó xuất khẩu đi Nam Quốc qua cửa khẩu ở đây.
Nông dân Nhữ Cơ ban đầu không hiểu gì về kiểu mua bán này, chỉ biết có người đặt trước hết sản lượng cho một năm sau thì vui mừng khôn xiết.
Vậy là, sau này họ không cần phải quá lo lắng về việc không có nơi tiêu thụ hàng.
Vốn bản chất chân thật, họ cũng không hét giá quá mức, ngược lại ưu đãi hết sức có thể đối với Nam Trì thương hội bên kia.
Nam Trì thương hội bày tỏ, làm ăn lâu dài là phải công bằng, đôi bên cùng có lợi, thu mua với giá cả hợp lý, không hề chèn ép nông dân, triệt để chiếm được tình cảm của người ở đây.
Hàng hóa được đặt, dẫn đến cường độ sản xuất tăng lên, sẽ kéo theo việc người người nhà nhà tăng gia sản xuất, nhu cầu về lao động cũng theo đó mà tăng lên, liên đới giải quyết vấn đề việc làm cho một lượng lớn người dân.
Cả Nhữ Cơ quốc như được một làn gió mới thổi qua, khắp nơi bừng bừng sinh khí.
Thượng Quan Đình nhìn báo cáo trong tay, tuy không hiểu việc làm ăn, nhưng vẫn nhìn được, ở chiến trường kinh tế, Xuân Hạnh cô nương này tuyệt đối là chiến thần.
Thông minh mẫn tiệp, vô cùng khéo léo trong việc đối nhân xử thế, co được giãn được, thật sự là nhân tài kiệt xuất.
Người đã dạy ra nàng, Dư Quý Quận chúa của Nam Quốc, nàng ta rốt cuộc là người thế nào?
Xuân Hạnh nhận lệnh của Thượng Quan Đình, xem Cảnh Dĩ như một quan chức Hộ bộ tương lai, mà đích thân bồi dưỡng.
Cảnh Di học kiểm kê sổ sách, quản ngân quỹ, hằng ngày nhìn dòng tiền của thương hội, cảm giác chết lặng.
Sợ quá! Muốn về nhà đọc sách!!!
Ai đến cứu hắn với a!!!
Phía bên kia, Minh Châu liền đưa các sản phẩm nhập khẩu của Nhữ Cơ về tiêu thụ tại Nghĩa Nam thương đoàn, nhận được phản ứng vô cùng tốt.
Ròng rã hai tháng tiếp theo, những xe hàng Nhữ Cơ đầu tiên được xuất khẩu thành công.
Dân chúng Nhữ Cơ có tiền, cuộc sống mọi người dần khởi sắc rõ rệt.
Qua ba tháng, Nam Trì thương hội không chỉ hòa vốn mà còn bắt đầu sinh lợi.
Tiền thu về đủ sức nuôi binh của Thượng Quan Đình, thậm chí mở rộng doanh trại là chuyện hoàn toàn có thể.
Ở chiến trường khác, Dương Nhạc - kẻ yếu vạn năm trong đội hình, người luôn lởn vởn khắp nơi trong doanh trại bắt đầu phát huy tác dụng của mình.
Dương Nhạc đào ra không ít người lanh lợi nhạy bén trong doanh trại, trực tiếp tìm Tề Hoành và Cảnh Lan đòi người.
Một đội nhỏ gồm năm mươi người, lấy tên là Bạch Cáp đội, do Dương Nhạc và một mưu sĩ khác của Thượng Quan Đình là Trọng Âm chỉ huy.
Nhiệm vụ của đội này sẽ là cải trang trà trộn khắp nơi, thu thập tin tức, biên soạn và phát tán tin đồn.
Chi phí trong quá trình thực hiện nhiệm vụ là không giới hạn, cứ việc theo đó mà làm.
Làm tốt liền có thưởng.
Một tuần lễ sau khi đội được thành lập, những tin đồn vụn vặt về những câu chuyện ác bá như đánh đập dân chúng, cường đoạt dân nữ, hà hiếp người hiền,...!của giới quan chức Sĩ Đạt và triều đình Thượng Quan được truyền đi khắp nơi ở Nhữ Cơ.
Ban đầu nó chỉ là những mẩu chuyện nhỏ ngoài phố xá, trong tửu lâu, ngoài phiên chợ,...!Dần dần, một truyền mười, mười truyền trăm, không ai là không biết bọn cai trị này xấu xa và thối nát cỡ nào.
Theo thời gian, dân chúng Nhữ Cơ từ bất bình, chán ghét chuyển sang thái độ thù địch, căm phẫn đối với triều đình.
Dương Nhạc cùng Trọng Âm cũng đi khắp nơi thị sát, theo dõi đội Bạch Cáp làm việc.
Nhìn quân mình "ẩn thân", có người là thầy bói, có người là anh chủ tiệm bánh bao, có người là tên ăn mày,...!có cả tú nam ở kỹ viện!
Nhất thời, không nói nên lời.
Mấy cái tên này, đừng có vì tiền mà vứt bỏ bản thân như vậy chứ!!!
Tôn nghiêm ở đâu? Tự trọng ở đâu? Liêm sỉ ở đâu?
Bạch Cáp quân đáp, không đáng tiền.
Thượng Quan Đình đọc báo cáo, cười ngất..
Bình luận
Bình luận
Bình luận Facebook