Mật Mã Maya
Chương 22

Chúng tôi xuống xe trên con đường dẫn vào San Critóbal Verapaz, cách thành phố một dặm. Trời mới vừa sẩm tối. Đã có thể nghe thấy tiếng một dàn mộc cầm chơi nhạc corridos (Một thể loại nhạc có nguồn gốc từ Mexico), ganh đua với tiếng loa oang oang phát bản thu âm cũ bài Thời gian trong chiếc chai của Ricardo Arjona. Chiếc xe quay đầu và đi mất. Chúng tôi tách thành hai nhóm để tránh sự gây chú ý: tôi, Marena, Không Đời Nào, Lisuarte và Ana Vergana ở một nhóm, những người còn lại ở nhóm thứ hai. Chúng tôi khởi hành.

Tôi có nhiều kỷ niệm buồn ở nơi này. Bệnh viện kia là nơi tôi đã nằm khi được biết về vụ thảm sát ở làng T'ozal. Nhưng ở đây đang diễn ra một lễ hội nhỏ tôn vinh thánh San Anselmo, và chúng tôi định sẽ lợi dụng đám đông để cuốc bộ qua thành phố. Như tôi đã nói, bốn nhân viên ES sẽ đợi sẵn ở đó, và khi chúng tôi đi bộ qua, họ sẽ quan sát xem có ai bám theo, dõi theo, hay làm bất cứ điều gì khác với chúng tôi hay không.

Bộ dạng của chúng tôi khiến tôi hơi lo lắng. Lisuarte đội cái mũ to kềnh, nhếch nhác, nhìn cũng ổn. Marena ra dáng một sinh viên thế hệ mới, cô ta ăn mặc xuyềnh xoàng đi, với những chuỗi hạt màu ngọc lam rẻ tiền quấn quanh cổ, một chiếc ba lô hiệu North Face tã nát, dán khẩu hiệu TÂY TẠNG TỰ DO. Nhưng Grgur thì chẳng ăn nhập gì cả. Nhìn hắn như một tay buôn ma túy người Thổ vậy. Thôi, sao cũng được. Chúng tôi đi qua mấy con chó thả rông, rồi đến lợn, rồi đến những người da đỏ đi thành từng nhóm hai hoặc bốn người. Ai cũng nói xin chào. Quanh đây người ta luôn để ý đến những người lạ, nhưng cũng chào đón thân thiện. Thường là vậy. Tôi gặp vài gương mặt mà tôi cho là có quen biết, vì thế, tôi ngả mũ xuống. Nhưng ai mà nhận ra tôi được với cái đầu trọc này. Có lẽ mẹ ruột tôi thì may ra. Chết tiệt! Tôi thấy lo lo cho Không Đời Nào, nhưng chắc cậu ta có cách riêng để không bị phát hiện. Dù sao, cậu ta không về đây đã mười lăm năm nay rồi. Một lão già gầy nhẳng nhăn ra cười với chúng tôi, khoe cái miệng đầy răng bạc, một bộ mặt tiêu biểu cho ngành nha ở Trung Mỹ. Muỗi nhiều kinh khủng. Lũ trẻ xúm lại quanh chúng tôi mời mua pháo hoa.

- Chú ý, đội A, tiến lên thận trọng, - tiếng Ana vọng qua tai nghe. Tôi nhận thấy tất cả đều hơi căng thẳng, cố bước sao cho thật kín đáo. Ánh đèn pha ô tô chạy từ dưới thung lũng chiếu lên thẳng vào chúng tôi, chúng tôi đi dẹp vào vệ đường và gật đầu với bốn tên lính mặc đồng phục xanh lam ngồi trong chiếc xe jeep mui kín. Chúng vượt qua chúng tôi mà chẳng tỏ thái độ gì là nhìn thấy. May quá. Đúng như tôi đoán. Nhưng tôi vẫn khó lòng nhìn chúng mà không tưởng tượng ra cảnh những cái đầu ấy nổ tung qua ống ngắm trên đầu súng. Bình tĩnh nào. Chúng chỉ là lũ lính mới thôi, hồi ấy chúng có ở đây đâu. Hít thở sâu nào.

Tonto, - tôi lại nghĩ. Quái quỷ thật. Tôi viết thế nghĩa là sao nhỉ? Tonto làm cái gì? Điều gì đó rất tệ, chắc thế. Hay có khi tôi ốm yếu và mê sảng thôi. Có lẽ tôi chỉ muốn viết là "Rosabelle, tin tưởng"... nhưngcuối cùng vẫn có chữ "Tonto làm". Có phải Tonto chính là tôi? Nhưng từ năm lên mười tôi đã không bị gọi bằng cái tên ấy nữa, và mặc dù hồi ấy nó là cái tên ghẹo phổ biến, nó vẫn không có vẻ giống biệt hiệu dành cho tôi. Hay ý tôi muốn nói: "Đánh bại với Người Da Trắng, Tonto làm"? Trong tiếng Tây Ban Nha, tonto còn có nghĩa lóng là "đồ ngu". Đồ ngu làm gì? Làm gì? Làm gì? Làm gì?

Con đường rẽ vào một đường phố lớn chạy từ đông sang tây. Những chuỗi đèn màu đỏ và trắng dành cho dịp Giáng sinh nhỏ xíu, lờ mờ, dăng ngang khắp phố cùng với các dây hoa hoa cắt bằng giấy màu, nhưng chiếc đèn lớn treo ở ngã tư đường thì lại tắt ngấm. Và vì ở đây, người ta vốn tự hào về những thứ đèn đóm ấy, nên tôi nghĩ nguyên nhân do lệnh tắt đèn vẫn chính thức có hiệu lực. Cứ làm như nước Anh sắp sửa oanh tạc cái đất nước không đủ giàu để dùng khăn giấy này không bằng. Cứ quan trọng hóa lên. Hai bên đường là những căn nhà hoặc cửa hàng xây bằng gạch xỉ nằm sát vách nhau, mỗi nhà một màu: xanh ngọc, hồng đào, vàng chanh, xanh trứng sáo, với các dị bản logo của Orange Crush, Jupina Gaseosa de Pina và Cerveza Gallo (Các nhãn hiệu nước giải khát) được sơn bằng tay. Căn nhà cuối cùng trên phố là một cửa hàng kem, nhưng trước đây nó từng là oficina del comisariato của hãng United Fruit, tức là một loại cửa hàng bán lẻ sản phẩm của hãng ấy. Nhìn thấy nó, tôi bỗng nổi giận đùng đùng. Mate el Pulpo (Đập chết cái con bạch tuộc ấy đi – tiếng Tây Ban Nha).

Nhà cửa trong thành phố rất lạ đời. Nếu anh nghĩ chúng không thể chật chội và lộn xộn hơn được, thì mỗi lần quay lại, anh sẽ thấy chúng càng chật chội, càng lộn xộn hơn. Mà đây chưa phải là quê tôi đâu. Hồi tôi còn nhỏ, được đến đây chẳng khác gì từ Far Rockaway lên thăm Manhattan. Ôi chao. Bệnh viện Sacred Heart chỉ còn cách chỗ này có hai dãy phố về phía nam, nếu có thể gọi chúng là dãy phố. Đứng ngay đây tôi cũng nhìn thấy nó. Tôi chăm chăm nhìn một căn nhà hai tầng phía bên kia đường. Những vệt nước mọc rêu xanh trên bức tường sơn hồng dưới mái hiên nhô ra nhìn rất quen mắt. Tôi nhận ra đó là nơi những tên lính bắt tôi đứng khi chúng xếp chúng tôi thành hàng...

Ôi, những hồi tưởng.

Sáng hôm đó, G2 – tức là, hay đúng hơn là lực lượng "chống khủng bố" của quân đội Guatemala – đã ập đến để tổ chức cái mà họ gọi là "celebración" (Lễ kỷ niệm – tiếng Tây Ban Nha). Họ đến trên những chiếc xe tải lớn, cũ kỹ của quân đội Mỹ, đem theo những cái loa phóng thanh to tướng để tập hợp toàn bộ dân chúng, kể cả tôi, trong chiếc áo chùng trắng của bệnh viện, và tất cả những đứa trẻ đang nằm viện khác, miễn sao chúng còn đi lại được. Họ bắt tất cả xếp hàng theo độ cao thấp tương đối – đến bây giờ tôi vẫn chẳng hiểu vì sao – và đứng dưới trời nắng trong lúc ngài chỉ huy đọc một bài diễn văn dài lê thê hai tiếng đồng hồ về việc hội làng T'ozal và hai làng nữa đã lừa dối chúng tôi, và rằng tất cả bọn chúng đều là cộng sản bí mật ăn lương của Castro. Ngài ấy bảo cho chúng tôi hay chúng tôi may mắn đến mức nào vì được sống trong một nền kinh tế thương mại tự do, với mọi thứ chúng tôi hằng ao ước nếu chúng tôi không lười biếng, rằng đất nước này sẽ thay da đổi thịt, không như dưới thời García, rằng chính quyền đương nhiệm đã luôn giữ lời hứa đối xử công bằng với người da đỏ, rằng những tên tù mà họ vừa bắt giữ sẽ được xét xử một cách thỏa đáng trong một phiên tòa minh bạch. Bài hát "Guatemala hạnh phúc" (Quốc ca Guatemala) được phát đi phát lại trên loa phóng thanh. Chính xác là sáu mươi tám lần. Cứ sau vài lượt phát, họ lại bắt tất cả chúng tôi đọc lời tuyên thệ trung thành nhái theo lời tuyên thệ của Mỹ, sau đó lại phát bài hát, que tus aras no profane jamás el verdugo (Chúc cho bệ thánh của người đời đời không bị quân thù giày xéo – lời bài hát Guatemala hạnh phúc), vân vân và vân vân, rồi lại đến một bài diễn thuyết nữa. Cuối cùng, họ đọc cho chúng tôi nghe danh sách những người phải chuyển đến nơi tái định cư. Danh sách đó có tên tất cả dân làng tôi. T'ozal là một trong bốn ngôi làng bị thiêu trụi trong tuần đó vì tội chứa chấp "người Cuba", đó là từ mà họ gọi cho tất cả những kẻ nào dù chỉ bị nghi là đồng tình với quân nổi dậy. Họ phát bài quốc ca, các bài phát biểu được ghi âm sẵn, lại bài quốc ca, và cả đống ấy cứ được phát đi phát lại hết lần này đến lần khác, cho đến khi chính quân lính của ngài chỉ huy cũng phát chán đến mức quay ra gây gổ đánh nhau và đánh những người khác. Khoảng ba ngàn người da đỏ và lai da đỏ trên quảng trường cứ đứng yên, chẳng mấy ai tìm cách trốn chạy, không phải vì không còn sức kháng cự, mà vì có thể bị bắn bỏ nếu chạy. Xơ Elena – tôi tưởng như vẫn đang nhìn thấy khuôn mặt của xơ ấy, rõ từng đường nét, đến từng lỗ chân lông li ti và vệt lông tơ sẫm màu hơn lờ mờ phía trên môi – và một vài xơ khác đưa lũ trẻ con chúng tôi về bệnh viện. Tôi hiểu chuyện gì xảy ra hôm ấy, một chút thôi, và tôi hoảng loạn vì sợ hãi. Chuyện gì đã xảy ra với cha mẹ tôi?

Không như những đứa trẻ khác trong làng, tôi không phải chứng kiến cảnh ngôi nhà bốc cháy, tôi không thấy cảnh mẹ và các chị em gái bị cưỡng hiếp, cha tôi bị thẩm vấn và hành hình. Tôi không có ở nhà. Tôi thậm chí còn không hình dung được cảnh ấy rất lâu sau khi nó xảy ra. Hồi đó tôi không bao giờ tưởng tượng được mẹ tôi lại sợ hãi điều gì. Còn bây giờ, tôi có trong đầu hình ảnh bà với cặp mắt hoảng loạn, tóc bê bết máu và một can xăng màu đỏ trước mặt. Và tôi biết nó có thật. Todo por mi culpa.

- Más despacio, vos, (Ta đi nhanh quá, cậu ạ) – Không Đời Nào thì thầm vào tai tôi. - Đi chậm lại một chút đi. - Cậu ta không muốn bước chân của chúng tôi tỏ ra có mục đích quá.

Chúng tôi chậm rãi tiến vào quảng trường. Phải có đến năm trăm người tụ tập ngoài này để tham gia đám rước. Một bầy trẻ con nhộn nhạo mặc đồng phục lính thủy của trường dòng, tất cả đều Mỹ hóa với những cái tai nghe Bluetooth đồ chơi và cặp tóc Hello Kitty, chạy túa xung quanh một toán cầu thủ bóng đá khoác áo thi đấu màu xanh da trời đang nghêng ngang đi lại, thằng nào thằng nấy nhìn búng ra sữa và mất dạy. Chúng tôi đi ngang qua một dãy hàng rong bán roscosvàbunuelos (Bánh rán tròn và bánh rán vòng). Tôi mua ba gói bánh hạt điều, một cho Marena và hai cho tôi. Bốn tên lính đang chơi đô-mi-nô quanh một chiếc bàn xếp dưới mái che bằng vải nhựa. Chúng chỉ liếc mắt lên nhìn chúng tôi. Nom chúng non nớt và vụng về với mấy khẩu súng trường cũ mèm gác chụm vào nhau. Tiếng quân cờ kêu lách cách khiến tôi chợt nhớ lại cảnh hồi xưa, cha tôi và các chú các bác tôi ngối quanh một chiếc bàn nhỏ, xóc xóc những mẩu răng bí ẩn được tô vẽ lốm đốm trong lúc tôi đang dần ngủ gật. Chúng tôi đi qua mấy người nước ngoài đang đứng do dự bên ngoài, một nhóm thì tôi đoán là khách du lịch người Đức, còn một nhóm ba người khác thì tôi đoán chắc là các giáo sĩ truyền giảng kinh Phúc âm. Tôi không nhận ra nhân viên quan sát nào của ES, nhưng dĩ nhiên người ta không thể...

Oái. Xin lỗi. Hai tu sĩ truyền giáo Mormon bỗng từ đâu hiện ra, suýt nữa thì đâm sầm vào chúng tôi. Tôi e là họ nhận ra Lisuarte, nhưng hình như không phải. Dù sao, chắc gì họ đã đến từ Belize Stake. Có cả một đội quân huevo như thế này đạp xe khắp vùng Mỹ La tinh, lôi kéo những con chiên dễ dao động ra khỏi bầy đàn của họ để tiêm nhiễm đầu óc họ. Ai đó...

Ấy, xin lỗi, Huevo. Có lẽ tôi nên giải thích một chút về cách dùng từ này. Huevo là quả trứng, hay là hòn dái, theo lối ẩn dụ. Ở Petén, chúng tôi gọi họ là Mormonhuevo vì họ trắng bợt như những quả trứng, và luôn đi thành đôi, như một cặp hòn dái. Dĩ nhiên, các bạn sẽ thấy cách châm chọc này hài hước hơn sau khi uống cà phê liền tù tì mười bốn tiếng.

Ai đó tắt tiếng nhạc "Top 40" đi và ban nhạc nhỏ bắt đầu chơi bài "Ôi đấng cứu thế". Chúng tôitheo ánh mắt nhìn chăm chú của đám đông đi sang con phố chạy theo hướng bắc – nam dẫn lên đồi. Mười ba cofradore, tức là các bô lão, những ông già mặc áo sọc lòe loẹt, đội mũ to tướng, đang đi ra từ một trong các điện thờ nằm cao chót vót ở hướng bắc. Chín người rước những cây thánh giá lớn kết lá xanh, bốn người còn lại khiên một bức tượng thánh Anselmo cũ kỹ nắn bằng bột ngô ngự trên kiệu. Tượng thánh đội một chiếc mũ tế của giám mục, cặp mắt sầu thảm và bộ râu chẽ đôi màu xanh lá cây.

Tôi nhích từng bước một. Tôi nhìn Không Đời Nào đang đi phía trước. Cậu ta quay lại nhìn tôi. Chúng tôi xem đám rước thêm nửa phút nữa rồi Không Đời Nào lặng lẽ chuồn khỏi đám đông, đi về hướng tây. Tôi bám theo. Marena, Lisuarte và Ana cũng theo chân tôi. Ở dãy phố dân cư thứ ba mà chúng tôi đi qua, có một nhóm phụ nữ Quiché – Quiché là một tộc người thiểu số nói tiếng Mayan sinh sống ở vùng này – đi ngang qua trước mặt chúng tôi. Họ mang theo nến, hoa giấy và mấy bao Marlboro chưa xé, vì vậy tôi đoán ra ngay họ đang đến chỗ ai. Tôi chưa nhìn thấy ông ta trong thành phố này bao giờ, nhưng ông ta chỉ ở quanh đây thôi. Có nên không nhỉ? Tôi hỏi Marena xem cô ta còn điếu xì gà Cohiba Pyramide nào không. Cô ta đáp còn mười lăm điếu và moi cái hộp trong ba lô ra. Tôi lấy sáu điếu.

- Chờ tôi một giây thôi, tôi sẽ quay lại ngay. - Tôi quành lại để đuổi theo bốn người phụ nữ kia.

- Pen-pen, anh làm gì thế? - Ana gọi tôi qua tai nghe. - Quay lại đi.

- Tôi phải làm việc này đã, - tôi thì thào

- Không được, - cô ta đáp. - Anh phải quay lại.

- Chờ tôi một phút thôi, tôi đáp. Tôi nghĩ cô ta sắp chạy đến nơi và chặn trước mặt tôi, nhưng Không Đời Nào làm như tình cờ chắn ngang giữa cô ta và tôi, đến khi cô ta vòng qua được thì chúng tôi đã đứng trước lối vào không có cửa của một ngôi nhà xây bằng gạch xỉ. Bốn người phụ nữ đang quỳ bên trong, thêm những cây nến của họ vào số hàng trăm cây nến đã thắp sẵn trên nền nhà. Vị pháp sư đang ngồi trước cửa, bên một chiếc bàn gấp. Nhìn ông ta rất quen, nhưng tôi không biết tên ông ta và ông ta cũng hoàn toàn không nhận ra tôi. Tôi cúi cái đầu trọc xuống chào ông ta. Ông ta nhìn nó hơi ngờ vực, nhưng cũng gật đầu ý nói "vào đi".

Tôi quay lại nhìn Marena:

- Chắc cô thấy cảnh này ngớ ngẩn.

- Ồ, không đâu, - cô ta đáp ngay, không ngần ngừ.

Những người phụ nữ đã lễ xong và rời đi. Tôi nhón chân len qua những chùm hoa, những chiếc bình và nến thắp dưới sàn nhà bê tông. Marena đi sau. Có một chiếc chậu nhỏ bằng nhựa đựng nước thánh, tôi bất giác nhúng tay vào, làm dấu thánh và tự dưng thấy ngượng vì sau từng ấy năm vẫn không bỏ được thói quen máy móc ấy. Marena liếc xuống chậu nước, và trong một giây đáng sợ, tôi cứ ngỡ cô ta sắp sửa nhổ bã kẹo cao su vào đấy.

Maximón ngồi hút thuốc và nhìn đời (ông thánh này vẫn được tạc với tư thế như vậy) trong một căn điện phía cuối phòng, cạnh cái quan tài tượng trưng trống không. Ông ta đeo kính râm, đội mũ nỉ rộng vành màu đen, áo khoác đen, sơ mi đỏ, quanh cổ và vai quấn hàng tá khăn quàng và cà vạt được tín đồ dâng cúng. Ông ta to lớn hơn bình thường. Đa phần tượng thánh Maximón được đắp bằng đất, nhưng vị pháp sư ở đền này đã dùng một con ma-nơ-canh cũ để làm thần tượng, bàn tay nắm đầu cây gậy bạc vẫn còn là tay đàn bà, với những cái móng sơn đỏ tươi dị hợm, hay màu da cam thì đúng hơn. Khuôn mặt ông ta nom như một cái mâm đặt trên lòng, trên có một chiếc bát đựng những đồng quetzale sứt sẹo, mấy chai nước cam và aguadiente (Rượu mùi – tiếng Tây Ban Nha).

Tôi quỳ xuống và chạm tay xuống đất.

- Lạy thánh Maximón cao quý.

Tôi đứng đậy và nói tiếp bằng tiếng Tây Ban Nha, đại ý là:

- Con biết ơn ngài từng giờ từng phút. Con cảm tạ thánh Anselmo, vị thánh của ngày hôm nay và pháp sư của San Cristóbal vì đã đưa ngài đến đây ngày hôm nay. Con xin dâng cúng lễ vật này để chiều lòng ngài.

Tôi lại quỳ xuống và đặt mấy điếu xì gà xuống một tấm khăn đựng đồ cúng. Chúng được bảo quản khá tốt trong điều kiện độ ẩm cao như thế này, mặc dù ở đây đầy hương khói nhưng tôi vẫn ngửi thấy mùi thơm dễ chịu tỏa khắp phòng. Maximón vẫn mỉm cười đờ đẫn như thường lệ và hình như gật đầu.

Tôi đứng dậy.

- Con xin đa tạ ngài. Hỡi chư vị thánh thần. Những vị thánh lớn và những vị thánh nhỏ, vị cai quản trái đất và coi sóc bàn chân, bàn tay chúng con. Xin hãy phù hộ cho grandessa của con. Ngài đếm cùng con và những hạt đỏ và hạt đen, Ngài đếm cùng con những viên đá và sọ. Đông, tây, nam và bắc, ngài coi giữ ở các ngã tư đường. Ngài cho chúng con bóng đêm và ngài cho chúng con sức mạnh. Những linh hồn chết đã dạy chúng con cách thờ phụng ngài, đến lượt chúng con sẽ dạy cho những đứa trẻ mới ra đời và chưa ra đời. Chúng con xin đa tạ ngài. Xin cho con quay lưng lại. Xin từ biệt ngài. Don Maximón.

Tôi quay lưng lại và đi ra ngoài, gật đầu chào vị pháp sư và bỏ năm trăm quetzale – bằng khoảng sáu mươi nhăm đô la Mỹ – vào cái hộp đặt cạnh bàn ông ta "để huơng khói", rồi đi. Chúng tôi quay ra phố lớn. Ana lườm tôi một cái bực dọc. Ừm, thà thế còn hơn phải nuối tiếc, - tôi nghĩ.

- Ông ta... à... có phải một vị thánh Thiên chúa giáo không? - Marena hỏi.

- À, ông ta là vị thánh không được nhắc đến trong kinh thánh, - tôi đáp. - Ông ta không hẳn là thánh của người Thiên chúa giáo ngoan đạo, mà là thánh của người Thiên chúa giáo hơi kém ngoan đạo một chút.

- Ra thế.

- Nhưng ông ta là vị thánh khá cổ xưa. Tôi đoán thế.

Chúng tôi đi bộ theo hướng tây ra khỏi thành phố, với ánh trăng tối mờ dẫn đường phía trước, rồi xuống thung lũng, nơi có nhiều con đường mòn đan nhau chằng chịt dưới chân núi Cuchumatanes. Tại nơi cách thành phố đúng một dặm, con đường rẽ xuống phía nam, dọc theo bờ sông. Tôi nghe thấy tiếng ồn của nó vọng đến từ khoảng cách ngoài tầm mắt, ngửi thấy mùi bùn và lau sậy mới cắt, rồi đến mùi mốc và mùi gừng tươi, cuối cùng là một mùi gì đó chìm dưới tất cả các mùi kia, nhẹ như một thoáng long diên hương tỏa lên từ chỗ cặn trong lọ nước hoa Guerlain Samsara cũ mà có kẻ đã nhặt từ một thùng rác ngoài chợ trời trong một buổi chiều nóng nực, chỉ bởi vì nó giống với lọ nước hoa mẹ anh ta từng để trên bàn trang điểm ở đầu giường ngày bà còn trẻ: mùi của quê nhà.

Bình luận

  • Bình luận

  • Bình luận Facebook

Sắp xếp

Danh sách chương