Mạn Thiên Hoa Vũ
Quyển 2 - Chương 5: Nhân sinh triêu lộ

Một bên công chúa Huyền Trân chống tay vào hông, hai mày nhíu chặt. Phía còn lại, tứ hoàng tử Trần Mạnh bám lấy vạt váy tôi không chịu buông.

Khác xa lúc vừa rồi cùng tôi trò chuyện được vài ba câu, hiện tại Trần Mạnh tuyệt nhiên không chịu mở miệng, chỉ nép người đằng sau tôi như muốn trốn tránh Huyền Trân cho bằng được.

Đấu mắt được một lát thì mấy người phụ nữ khi nãy xuất hiện, có lẽ chính là vú nuôi của Trần Mạnh, nhanh chóng hành lễ với Huyền Trân rồi xông vào kéo thằng nhóc ra.

Trần Mạnh gào khóc, hai tay bấu chặt váy tôi.

Tình cảnh đúng là có chút dở khóc dở cười.

Dù thế nào thì Trần Mạnh vẫn chỉ là một cậu bé, giây lát đã nằm gọn trong lòng của bà hầu gái thân cận bên cạnh Trinh Túc phu nhân, tuy có quẫy đạp nhưng cũng không gây hề hấn gì cho bà ta.

Huyền Trân chưa hết tức giận, quay lại nói với tôi: "Đã khiến tiểu thư phải cười chê rồi. Bây giờ ta phải đưa tứ hoàng tử tới chào hỏi vương phi, hẹn ngày khác chúng ta gặp mặt hàn huyên."

Tôi cười gật đầu, nhìn theo mấy người họ rời đi, khẽ thở dài một cái không lý do.

Đông Ly từ sau tiến lên, nhẹ nhàng nắm lấy tay tôi: "Cô cả..."

Chỉ thấy gương mặt con bé tràn ngập sự thương cảm. Tôi chẳng hiểu ra làm sao, ngây ngô nhìn nó.

Trở lại ngồi bên chõng, tôi nghe Đông Ly từ từ giải thích.

Trần Mạnh đích thực là con trai của Trần Thuyên và Huy Tư Hoàng phi, cũng là vị hoàng tử duy nhất của hoàng đế.

Về việc này, Toàn thư có chép:

Bấy giờ, các hoàng tử đều không nuôi được, đến khi Mạnh sinh, vua nhờ công chúa Thụy Bảo [tức là cô của Nhân Tông] nuôi hộ. Nhưng công chúa cho là bấy giờ bà đương có vận hạn, lại nhờ Nhật Duật nuôi. (Nhật Duật là anh công chúa Thụy Bảo). Nhật Duật coi là trách nhiệm của mình, chăm sóc, nuôi nấng, không khác gì con mình.

Chiêu Văn vương cùng Trinh Túc phu nhân ở lại kinh đô suốt mấy năm qua là để có thể toàn tâm toàn ý nuôi dưỡng Trần Mạnh, ngoài ra còn đặt cho Mạnh cái tên Thánh Sinh, có phần giống với con trai là Thánh Nô và con gái là Thánh An vậy.

Nếu tôi đoán không nhầm thì hôm nay công chúa Thuỵ Bảo - hay hiện tại còn được gọi là Bảo Nghĩa vương phi - cùng với công chúa Huyền Trân tới Chương Đức viên này để thăm Trần Mạnh. Chỉ không rõ vì lý do gì mà cậu nhóc lại ra sức chạy trốn như thế.

Gần nửa canh giờ sau, một tên gia nhân kính cẩn mời tôi theo hắn đi ra ngoài phòng khách. Lúc này hẳn hai người kia đã rời khỏi Chương Đức viên, cũng không còn nghe thấy tiếng Trần Mạnh hò hét nữa.

Chiêu Văn vương và Trinh Túc phu nhân ngồi trên sập cao, tươi cười nhìn tôi, riêng Trần Mạnh vắt vẻo bên cạnh, vành mắt và chóp mũi vẫn còn hơi đỏ.

Tôi ra hiệu cho Đông Ly cùng mình quỳ xuống hành lễ, sau được Chiêu Văn vương đích thân đỡ dậy.

Trần Mạnh vốn đang dồn hết sự chú ý vào món đồ chơi sặc sỡ trong tay, khi thấy tôi xuất hiện liền nhoẻn miệng cười rất tươi.

Tuy trong lòng tôi vẫn có gì đó lấn cấn nhưng đối diện với một đôi mắt to tròn, lông mi dài cong vút, nhìn qua chẳng khác nào phiên bản mini của Trần Thuyên, tôi kìm lòng không đặng mà nháy mắt với cậu bé một cái, giống như đang trêu đùa cháu trai hàng xóm vậy.

Trần Mạnh thế mà bật cười khanh khách, khiến vợ chồng Chiêu Văn vương phải ngạc nhiên mãi không thôi.

Tôi được ban ngồi còn Đông Ly lùi ra phía sau đứng, sống lưng thẳng tắp. Nhờ con bé mà Trinh Túc phu nhân đã từng khen ngợi phủ họ Đoàn dạy dỗ gia nhân rất tốt, đi đứng đều nhẹ nhàng như không.

Chiêu Văn vương và vợ thay nhau hỏi thăm sức khoẻ của tôi, câu nào cũng rất ý tứ, không hề đụng chạm tới "căn bệnh lạ" khiến tôi phải rời khỏi kinh đô chạy chữa.

Đang trò chuyện thì món đồ chơi trượt khỏi tay Trần Mạnh, rơi xuống đất rồi lăn về phía tôi đang ngồi. Thằng bé vội nhảy theo, hai tay nhanh chóng chộp được quả cầu nhưng mất đà, một lần nữa ngã dúi dụi vào lòng tôi.

Vợ chồng Trần Nhật Duật như thể đã quen với tình huống này nên chỉ cười xoà, mặc kệ tôi đối phó với hoàng tử bé con.

Sau khi nắm được đồ chơi trong tay, Trần Mạnh không hề quay đầu trở lại sập lớn với Trinh Túc phu nhân mà rất tự nhiên, kiễng chân một cái rồi trèo lên ngồi trên đùi tôi, tiếp tục đùa nghịch với quả cầu nhiều màu sắc của mình.

Trinh Túc phu nhân cười rộ lên, bảo: "Niệm Tâm hợp vía Thánh Sinh nhà ta quá, ông nhỉ?"

Chiêu Văn vương vuốt râu, mắt hấp háy: "Bà nói phải, hiếm khi cậu tư chịu để người khác bế trong lòng."

Tôi chỉ cười không đáp, hai tay vận lực giữ chặt lấy Trần Mạnh. Chỉ lo vô ý vô tứ lại để vị hoàng tử bé con này ngã xuống đất, có chém đầu cả nhà họ Đoàn tôi cũng không hết tội.

Chừng một khắc sau, Trần Mạnh bắt đầu vươn vai ngáp dài, xem chừng đã buồn ngủ lắm rồi. Trinh Túc phu nhân sợ cậu nhóc ngồi ngoài này với tôi thì còn hóng chuyện, liền nói mấy câu với Chiêu Văn vương rồi đỡ lấy Trần Mạnh từ tay tôi, đích thân vỗ về.

Cảnh tượng này chỉ thể hiện một điều: Vợ chồng Trần Nhật Duật đích thực thương yêu Trần Mạnh như con của mình, tuy có tới bốn, năm bà vú nhưng vẫn luôn cố gắng tự tay chăm sóc cho cậu bé.

Trinh Túc phu nhân dặn tôi ở lại dùng bữa tối cùng phu thê bà rồi dịu dàng ôm Trần Mạnh đi vào gian trong.

Tôi đứng lên hành lễ với bà, không cẩn thận làm rơi chiếc dao găm mà Trần Thuyên mới tặng ngày hôm trước xuống đất.

Tiếng kêu nặng nề vang lên khiến Chiêu Văn vương chú ý.

Thấy ông hướng mắt đến, tôi liền dâng lên bằng hai tay, trộm nghĩ cũng không có gì phải giấu diếm. Chỉ cần không nói là quà của Quan gia tặng là được rồi.

Trần Nhật Duật cười xoà: "Từ khi nào mà con phải mang khí giới theo người thế?"

Tôi gãi gãi đầu, khó xử đáp: "Dạ... thứ này là do một người bạn thân thiết tặng, con thấy nó cũng nhỏ nhắn nên tiện tay nhét trong người, phòng khi cần thiết ạ."

Ông cầm lấy chiếc dao găm, tháo ra khỏi vỏ rồi xem xét rất kỹ, trầm ngâm hồi lâu.

Thực ra mà nói, chiếc dao găm này gần như chẳng hề có điểm nào đặc biệt. Dao dài khoảng gần hai tấc, chuôi bằng gỗ, được đẽo gọt rất vừa tay tôi. Cả phần vỏ bên ngoài và chuôi cán đều được mài cho mịn, không có bất cứ một dấu hiệu đặc trưng nào.

Tôi còn cho là Trần Thuyên tình cờ nhặt được nó ở bụi nào rồi đem về cho tôi ấy chứ.

Chiêu Văn vương lắp dao vào vỏ, trao lại cho tôi rồi nói: "Đúng là một người bạn có tâm tư phức tạp."

Tôi há hốc mồm, nhất thời không hiểu được ông đang nói về cái gì, vội cúi đầu, lễ phép thưa: "Xin Vương giải thích cho con ạ. Chiếc dao này vô cùng bình thường... đâu có gì để gọi là tâm tư tư phức tạp ạ?"

"Ồ?" Chiêu Văn vương khẽ nói. "Thật sự là không có điểm gì đặc biệt sao?"

Đầu tôi ù ù cạc cạc, lời Chiêu Văn vương chẳng khác nào nước đổ lá khoai, nghĩ mãi cũng không ra được kết quả.

Ông quan sát tôi một lúc, thấy rõ tôi không giả vờ, cười bảo: "Con thử tháo vỏ ra xem."

Tôi nhanh chóng làm theo, vẫn chỉ thấy trước mắt toàn là sương mù.

"Quan sát cho kỹ." Chiêu Văn vương như thầy giáo ở lò luyện thi đại học, nhất quyết không chịu tiết lộ đáp án mà bắt học sinh phải giải đề từng bước từng bước một.

Nghe theo lời ông, tôi dí mắt vào lưỡi dao, cẩn thận nhìn từng chút một. Không mất quá nhiều thời gian, tôi đã phát hiện ra một ký hiệu nhỏ ở trên lưỡi dao, gần sát với phần chuôi.

Ký hiệu này tương đối nhỏ, từ đầu tôi đã không hề để tâm nên đương nhiên chưa bao giờ chú ý tới nó.

Động não một chút, ký hiệu này hoá ra lại là tên tôi được viết bằng chữ Hán: 心

Tôi ngẩn người, ngón tay khẽ chạm lên chữ Tâm bé xíu khắc trên lưỡi dao, trong lòng có chút rộn ràng.

Chỉ có điều, khắc tên thể hiện quyền sở hữu thôi mà, vì sao Chiêu Văn vương lại khen Trần Thuyên có tâm tư phức tạp cơ chứ?

Ông cười khà khà, một bên sai tên hầu đi lấy giấy bút, lại vẫy tôi đến gần bảo: "Không khó hiểu lắm đâu, để lão già này giúp con một tay."

Thêm một minh chứng cho thấy tôi không biết giả vờ, mọi sự ngu dốt đều thể hiện hết trên mặt.

Tên hầu nhanh chóng quay trở lại, giúp Chiêu Văn vương trải giấy lên chiếc bàn nhỏ kê cạnh sập. Ông khoan thai đứng dậy, chấm bút lông vào nghiên mực rồi chậm rãi đưa tay, trên giấy hiện ra một chữ Tâm lớn.

"Đây..."

"Là tên của con ạ." Tôi cúi đầu, kính cẩn tiếp lời Chiêu Văn vương.

Ông khẽ gật đầu, viết thêm vài nét ở ngay phía trên tên tôi, nói: "Còn đây là chữ Nhận."

(Nhận: 刃)

Ngưng một chút, Chiêu Văn vương chỉ vào con dao mà tôi đang cầm trong tay: "Nhận, là thứ này."

Tôi nghiêng đầu, đưa chiếc dao găm ra xa để có thể nhìn rõ hơn. Ý của ông... chữ Nhận này có nghĩa là lưỡi dao.

Chiêu Văn vương gật đầu xác nhận với tôi, gác bút lên nghiên mực rồi từ từ đưa tờ giấy cho tôi cầm.

Chữ Nhận (刃) ở trên chữ Tâm (心), kết thành chữ Nhẫn (忍).

Kiên nhẫn, chịu đựng, nhẫn nhịn.

"Người bạn này muốn con chờ đợi điều gì sao?" Chiêu Văn vương đã trở lại ngồi trên sập, khoanh chân rót trà.

Lời nhắn gửi ẩn giấu phía sau giờ đã được phơi bày, tôi lại càng thấy mù mờ hơn bao giờ hết.

Trần Thuyên muốn tôi kiên nhẫn chờ cái gì đây?

Nhớ lại khi trao tôi chiếc dao găm này, anh chỉ nói rằng muốn tặng tôi vật gì đó "làm tin", còn khiến tôi buồn bực một phen nữa chứ.

Hay là Chiêu Văn vương đã suy nghĩ quá nhiều rồi, sự thật là món quà này không hề phức tạp như lời ông nói?

Tôi mím môi, buột miệng đáp: "Để con đi hỏi xem sao."

Chiêu Văn vương nghe vậy liền bật cười: "Người ta đã giấu đi tâm tư để con phải dò đoán, há có thể trả lời dễ dàng?"

Cũng đúng nhỉ.

Bữa cơm tối cùng vợ chồng Chiêu Văn vương và Trinh Túc phu nhân còn có thêm một người - Quân Trì.

Anh ta luôn duy trì nét mặt không cảm xúc, chỉ trầm mặc lựa cơm gắp cá, không một lần lên tiếng.

Tới cuối giờ Dậu tôi xin phép trở về phủ, Chiêu Văn vương liền lệnh cho Quân Trì "hộ tống". Vài ba lời từ chối của tôi không lay chuyển được quyết định từ ông, đành phải đồng ý để Quân Trì đưa đi một quãng đường.

(Giờ Dậu: 17h - 19h)

Đi bộ từ Chương Đức viên về tới phủ họ Đoàn mất chừng hai khắc, tôi đã chuẩn bị một kịch bản về một căn bệnh khó chữa, sẵn sàng đáp lại Quân Trì nếu anh ta tò mò hỏi thăm.

Trái lại với những gì tôi lo sợ, Quân Trì chỉ yên lặng sóng bước cạnh tôi, ngoại trừ vài câu hỏi về sức khoẻ hiện tại thì hoàn toàn không mở miệng một lần nào.

Ánh trăng vằng vặc rọi xuống từ trên cao thăm thẳm, đường phố vắng tanh, chẳng còn mấy người qua lại.

Sống mũi Quân Trì rất cao, khi đi luôn ưỡn ngực, gương mặt hướng lên trên, thể hiện cái tôi rất lớn.

Nếu không phải là con cháu đế vương thì anh ta cũng là một kẻ có chí khí.

Mải quan sát Quân Trì, tôi không để ý phía trước có một người đang kéo xe chạy đến gần. Không nhờ Quân Trì phản ứng nhanh, mạnh mẽ lôi tôi sang một bên thì chắc lúc này tôi đã ngã lăn dưới đất rồi.

Tua ngược lại thành cảnh quay chậm, Quân Trì nắm lấy cổ tay tôi kéo về phía anh ta, tôi thì mất đà nên bổ ngược vào người Quân Trì.

Nếu là trong phim, nhất định còn có lá rơi xào xạc, gió thổi vi vu. Hai người nhìn nhau không chớp mắt, nhân vật nữ ngại ngùng quay mặt đi, nhân vật nam mỉm cười hài lòng.



Chỉ có điều...

Phản xạ của tôi khi bất ngờ gặp chuyện xui xẻo đều là... chửi bậy.

Vậy nên, khoảnh khắc tôi đập mặt vào lồng ngực rắn chắc của Quân Trì không hề có một tiếng kêu yêu kiều nào đó, chỉ có bốn chữ: "Con mẹ nhà nó!" mà thôi.

Sau đó... không còn sau đó nữa.

Đưa tôi về đến cổng là Quân Trì ngượng ngùng quay mông bỏ chạy ngay lập tức. Có lẽ anh ta không ngờ nổi một thiếu nữ vừa mới ngoan ngoãn đàm đạo chuyện nhân sinh với Chiêu Văn vương khi nãy quay ngoắt đi liền biến thành một đứa đầu đường xó chợ, miệng tuôn lời vàng ý ngọc không ai bằng.

Dù sao đây cũng là chuyện tốt, tôi không nên quá thân cận với người khác giới. Nhỡ đâu việc Trần Thuyên tặng dao là để dặn dò tôi biết thân biết phận hơn thì sao?

Thôi thì cứ cẩn thận cho chắc vậy.

...

Hạ qua thu đến, lá rụng rợp trời.

Đoàn Nhữ Hài chính thức nhậm chức Tham tri chính sự khi tuổi vừa mới qua hai mươi ba.

Lên chức là tăng thêm việc, cậu ta đi sớm về khuya, bắt đầu xuất hiện tình trạng bỏ bê vợ con.

Tôi nhận lời của Vân Phi, định bụng nói chuyện phải trái với cậu em hờ này mà mãi không tìm được cơ hội.

Bằng cách nào đó, Đoàn Nhữ Hài luôn lên triều trước khi tôi dậy, và khi về thì đã quá giờ cơm, lại chui tọt vào phòng không chịu gặp ai cả.

Mà không chỉ có Đoàn Nhữ Hài, dạo này tôi cũng ít gặp Trần Thuyên hơn khoảng thời gian khi mới về kinh thành.

Mười ngày nửa tháng không gặp nhau nhưng của ngon vật lạ vẫn cứ được đưa đến phủ đều đặn, lại còn là đích thân Tả Ngân bài Thị vệ thay mặt Trần Thuyên mang đến nữa chứ.

Cho đến một tối nọ, tôi theo thói quen ra vườn đi lại cho xuôi cơm, sau lại ngồi chõng, ngửa mặt ngắm sao buông đầy trời.

Lúc này cũng được coi là khá muộn, xung quanh vắng lặng, thi thoảng chỉ nghe thấy tiếng dế kêu, gió lùa lá cây khẽ khàng.

Tôi nằm vắt chân trên chõng, trên tay là mấy múi quýt ăn dở chưa hết.

Bỗng nghe soạt một tiếng, với kinh nghiệm của một người với vô số lần chào đón hoàng đế trèo tường nhảy vào nhà thì tôi có thể chắc chắn rằng tiếng động này là từ một đôi chân vững vàng vừa mới đáp đất.

Tôi lập tức tung người trở dậy, tay sờ vào thắt lưng, vẫn thấy con dao của Trần Thuyên tặng mới an lòng đôi chút.

Do tôi than phiền nên Trần Thuyên không còn giữ thói quen đến thăm vào ban đêm nữa, mà kể cả có thì anh cũng sẽ cho người tới báo tin trước để tôi biết mà chờ.

Bởi vậy, kẻ mới xuất hiện trong vườn chắc chắn không phải là Trần Thuyên.

Đông Ly đang ở gian khác tắm rửa giặt giũ, ở nơi này chỉ có một mình tôi mà thôi.

Tôi nắm chặt phần chuôi, cẩn thận rút dao ra khỏi vỏ, căng tai ra lắng nghe tiếng bước chân đang dần tiến lại gần phía mình hơn.

Nói thì chậm mà chuyện xảy ra rất nhanh, chỉ trong khoảnh khắc, chiếc dao găm đã bị đánh rơi xuống đất.

Tuy rằng không chiếm được thế thượng phong nhưng tôi vẫn kịp cứa cho kẻ lạ mặt một đường trên cánh tay, khiến hắn ta phải hít một hơi lạnh.

"Thành An?" Tôi thốt lên.

Người đàn ông trước mặt ôm lấy cánh tay rớm máu, ai oán nhìn tôi: "Tiểu thư ra tay quyết đoán quá!"

Tôi dở khóc dở cười: "Ai bảo anh lại đi học Quan gia trèo tường vào nhà dân như thế? Để tôi vào gọi Đông Ly, chắc phải sơ cứu vết thương nhỉ..."

"Khoan đã!" Thành An nhanh chóng vươn tay ra ngăn tôi lại. "Hôm nay ta đến chỉ để hỏi tiểu thư vài điều rồi sẽ đi ngay, không cần phải cho người khác biết."

Người khác?

Đông Ly là người khác?

Tôi nhướn mày nhìn y, đành gật đầu đồng ý.

Thành An không quá để tâm tới vết thương, ra hiệu mời tôi ngồi xuống chõng tre. Y và tôi mỗi người ngồi một góc, khoảng cách vừa đủ.

Không có trà nước để mời, tôi bèn đưa cho Thành An mấy múi quýt dở khi nãy. Y trợn mắt lên nhìn một lúc nhưng cũng không từ chối, cảm ơn một tiếng rồi ném cả vào miệng nhai.

Thấy Thành An có vẻ do dự, tôi quyết định mở lời trước: "Có chuyện gì thế?"

Như Trần Thuyên nói, vốn là Thành An đã từ bỏ chức danh Nhất đẳng Ngân bài Thị vệ, theo lệnh mà rời kinh thành điều tra từ mấy tháng nay.

Xem ra cái mà Thành An muốn hỏi tôi không hề đơn giản, đến mức y phải lén lút đến gặp tôi giữa đêm hôm và còn không muốn để Đông Ly biết nữa chứ.

Thành An khẽ cụp mắt, miệng đã hé ra mấy lần nhưng vẫn chưa thể cất lời.

Tôi kiên nhẫn nhìn y, không hề giục giã.

"Ta muốn hỏi tiểu thư về... một cô gái." Thành An hạ giọng, gần như đang thì thầm.

Nếu không phải đang ngồi trước mặt y thì nhất định tôi sẽ vỗ đùi đánh đét một cái. Biết ngay mà, chỉ có chuyện về phụ nữ mới khiến Thành An biến thành con gà mắc tóc như thế này.

Thuộc hạ của Trần Thuyên đúng là cùng một lò mà ra, đều nhát gái như nhau cả.

"Được." Tôi gật gù. "Anh cứ hỏi đi, tôi sẵn sàng trả lời tất cả."

Thành An muốn mua quà tỏ tình cho Đông Ly nên mới tới hỏi ý kiến của tôi chăng?

Cái này thì y có thể yên tâm, thời này cua gái không khó, chỉ cần có lòng mà thôi. Đặc biệt là khi người kia đã có sẵn cảm tình với mình nữa. Tuy rằng Đông Ly không phải thiếu nữ dịu dàng mềm yếu như cành liễu rủ, nhưng đã là con gái thì không ai là không thích mấy thứ vòng vèo lấp lánh, thêm một bó hoa nở rộ nữa thì chuẩn bài.

Nếu Thành An cần, đêm nay tôi sẽ tìm cách hỏi han Đông Ly. Con bé này cũng dễ tâm sự, sẽ biết ngay là thích cái gì thôi.

Thành An nói một lèo: "Có phải là Dương Gia đã từng cứu một cô gái và đưa nàng về chữa trị trong thời gian tiểu thư ở Quy Hoá không?"

Ơ... hả?

Tâm trí tôi chợt nhớ về bức tranh Liên hoa vọng nguyệt mà Đông Ly từng kể.

Mới dứt câu hỏi, gương mặt Thành An đã ngay lập tức ánh lên một nỗi mong chờ, hy vọng rằng tôi sẽ đáp lời là phải.

Dù sao đây cũng là sự thật.

"Đúng thế. Mấy tháng cuối cùng sống tại Quy Hoá, quả thật chúng tôi đã gặp một cô gái. Chỉ có điều, người này là do Đông Ly cứu chứ không phải..."

"Tiểu thư có thể nói cho ta nghe một chút về nàng ấy được không?" Thành An nhận được câu trả lời liền vội vã ngắt lời, dường như không quá để tâm tới Đông Ly.

Tôi nhíu mày: "Anh muốn nghe cái gì?"

Y nói: "Nàng trông như thế nào?"

Tôi coi Đông Ly như chị em trong nhà, mắt thấy người mà con bé thương lại đi hỏi về một cô gái khác với dáng vẻ của kẻ si tình như vậy nên không tránh được có chút bất mãn với Thành An.

Tuy nhiên, do trước giờ y chưa làm gì có lỗi với tôi nên chưa cần thiết phải hành hạ y cho lắm.

Tôi thành thật kể những gì mình biết: "Ừ... cô gái ấy khoảng chừng hai mươi lăm tuổi, vốn theo chồng đi buôn bán nhưng xui xẻo gặp phải bọn thổ phỉ, khi Đông Ly tình cờ đi qua và cứu được cô ấy thì người chồng đã qua đời rồi."

"Chồng sao..." Thành An hơi ngẩn người.

"Phải rồi, tên của cô ấy là Triêu Lộ. Anh quen Triêu Lộ à?" Tôi nghiêng đầu, híp mắt nhìn y.

Thành An không đáp lời, chỉ lẩm bẩm: "Nhân sinh triêu lộ..."

Trong lòng tôi khẽ động, không thể trùng hợp đến như vậy chứ? Triêu Lộ nói với tôi rằng cái tên này chỉ là tên giả, nhưng mà...

Nhân sinh thí triêu lộ, đời người như giọt sương sớm.

Lại nhớ:

Người đời cười nói vô tri,

Nào ai hiểu thấu nỗi lòng hồng nhan.

Mấy câu thơ đề trên bức tranh Liên hoa vọng nguyệt của Thành An, lẽ nào là để thở than thay cho Triêu Lộ? Một thiếu nữ vốn như cành vàng lá ngọc đã quen sống trong nhung lụa, đột nhiên biến cố ập đến, bị ép cưới, bị lợi dụng...

Tôi chợt thấy phân vân, liệu có nên kể cho Thành An nghe những gì mà Triêu Lộ từng tâm sự với tôi không?

Mà theo đó, đường đi chỉ còn lại hai hướng:

Một, Thành An xác nhận được Triêu Lộ chính là người tình trong mộng của mình, quyết tâm bỏ lại tất cả mọi thứ để đi tìm nàng.

Kết quả: Đông Ly đánh mất người thương.

Hai, Triêu Lộ không phải là vị cố nhân năm xưa, Thành An tiếp tục tương tư, vẫn giữ khoảng cách với Đông Ly.

Kết quả: Con bé nhà tôi duy trì tình trạng đơn phương như hiện tại, khả năng khiến Thành An có thể quay đầu lại nhìn nó là rất thấp.

Đại khái, mối tình này của Đông Ly có tới chín mươi chín phần trăm là vô vọng.

Nhưng cứ nhìn Đông Ly là biết, dù chỉ có một phần trăm nhỏ nhoi thì con bé cũng sẽ kiên trì tới cùng, khó có thể từ bỏ.

Trong lúc tôi bận rộn suy nghĩ thì có vẻ Thành An đã hạ quyết tâm, đứng bật dậy như lò xo.

Y quay người, hơi cúi đầu rồi chắp tay ôm quyền với tôi: "Cảm tạ tiểu thư đã giải đáp thắc mắc. Ta vẫn còn một điều nữa muốn nhờ, về buổi gặp mặt hôm nay, xin tiểu thư hãy giữ kín và không tiết lộ với..."

Tôi hơi mím môi: "Đông Ly? Được."

Thành An có chút ngạc nhiên khi tôi đồng ý nhanh tới vậy, ngập ngừng bổ sung: "... Và cả Quan gia nữa."

"Quan gia không biết anh trở lại Thăng Long sao?"

Quả đúng là thế, Thành An bí mật quay về kinh đô, cốt chỉ để gặp tôi, hỏi vài câu về Triêu Lộ - hay nói cách khác, chính là cô gái mà y đã tương tư bấy lâu nay.

Y cũng không cần thêm bất cứ thông tin gì để xác nhận, dường như... chỉ một cái tên "Triêu Lộ" đã là quá đủ.

Nhìn Thành An bật nhảy qua bờ tường, lại nghe tiếng Đông Ly ý ới gọi vọng ra từ trong phòng, tôi bất giác thở dài một hơi.

Thương thay Đông Ly, phải làm sao để con bé buông bỏ mối tình này đây...

...



Tiết trời đầu thu dịu mát, khiến lòng người cũng trong trẻo như sương sớm đậu trên lá xanh.

Trần Thuyên sắp xếp công việc xong xuôi, đến đón tôi ra phố cũng đã là cuối giờ Tỵ.

(Giờ Tỵ: 09h-11h sáng)

Anh chọn một nhà hàng lớn nhất nhì tại Thăng Long rồi kéo tôi vào, trong khi đó thì Đông Ly và Đỗ Quân thì sống chết mặc bay, ăn uống ở đâu không cần biết.

Dường như đã quá quen thuộc với nơi này, Trần Thuyên liền gọi tên giúp việc đến rồi bắn như súng liên thanh: "Cho hai phần cơm, một suất vịt hầm, hai bát canh thịt, hai phần nộm giá, một phần thịt quay, một đĩa tôm rang..."

Tôi nghe mà đổ mồ hôi hột, đợi tên giúp việc đi khuất mới thì thầm hỏi Trần Thuyên: "Nếu không ăn hết thì có được gói mang về không nhỉ?"

"... Được." Anh há miệng, vốn định nói gì đó nhưng cuối cùng lại biến thành một chữ được rất bất lực.

Có sự đảm bảo của Trần Thuyên, tôi liền thở phào một cái, thấy an tâm hơn hẳn.

Đắt xắt ra miếng, ngồi nơi lầu cao ăn miếng thịt quay rỏ đầy mỡ mà vẫn thấy ngon miệng vô cùng.

Rời khỏi nhà hàng với túi lớn túi nhỏ, bên trong chính là đống thức ăn thừa khi nãy, tôi mặc kệ khuôn mặt méo mó của Trần Thuyên.

Tôi cao giọng nhắc nhở: "Một ngày có hàng ngàn người chết vì không có thức ăn..."

Anh vội gật gật đầu: "Đúng, đúng."

Thừa lúc không để ý, tôi nhét đống túi đựng ấy vào tay Trần Thuyên, cười bảo: "Vậy chàng cầm hộ em nhé!"

Đương nhiên Trần Thuyên không mấy tình nguyện nhưng cũng chẳng dám vứt đi, đành cố gắng chịu đựng mà xách theo tôi, đi tìm gánh chè khoai sọ nức tiếng kinh thành.

Mới đầu giờ chiều nên vẫn chưa có khách, tôi kéo Trần Thuyên ngồi xuống một góc rồi gọi hai bát chè, bụng bảo dạ hôm nay có quá nhiều điều cần hỏi Trần Thuyên đây.

Nào là chuyện về cô gái bí ẩn trong lòng Thành An, liệu anh có biết gì về nàng ta không? Rồi ý nghĩa của con dao găm anh tặng tôi là gì? Và thêm một chuyện nữa, vì sao dạo này Đoàn Nhữ Hài lại bận như thế?

Trời đánh còn tránh miếng ăn, tôi quyết định để Trần Thuyên yên ổn ăn cho đã đời bát chè dẻo thơm này rồi mới "tổng tấn công".

Dù vừa mới xơi cả mâm cao cỗ đầy nhưng Trần Thuyên vẫn nhanh chóng xử bát chè nóng hổi này trong vòng một nốt nhạc, còn thốt lên mấy câu khen ngợi.

Chủ gánh hàng là một chị gái chừng hơn ba mươi tuổi, nghe Trần Thuyên xuýt xoa mãi liền cười rộ: "Nhìn cậu trai này chắc cũng là con nhà giàu, muốn ăn chè ngon bánh ngọt thì phải tìm những gánh hàng rong như chúng tôi, chứ ở nơi tầng cao cửa rộng thì không có đâu!"

Điều này còn áp dụng cả với thời hiện đại, tôi gật gù đồng ý.

Trần Thuyên đã có kinh nghiệm đi vi hành khắp đầu đường xó chợ, sao có thể để chị hàng chè khoai dạy dỗ.

Anh ra hiệu cho chị gái kia lấy thêm một bát chè, lại nói: "Khi xưa ta từng ăn chè khoai sọ ở góc kia. Cũng là một gánh gàng rong như chị đây."

Đoạn, tay anh chỉ ra góc phố, cách chỗ chúng tôi ngồi chừng vài trăm mét.

Chị hàng chè khoai đưa bát mới cho Trần Thuyên, môi hơi dẩu ra: "Gánh chè này đã được truyền qua ba bốn đời, đảm bảo cả cái đất Thăng Long này không ai nấu ngon bằng nhà tôi. Những hàng khác ấy à, đều là bắt chước mà thôi."

Tôi nín cười nhìn Trần Thuyên yên lặng ăn chè, có lẽ đang cảm thấy thất vọng vì mấy năm vi hành của mình chẳng là cái gì cả.

Lần này anh ăn tương đối chậm, còn tôi vì quá tò mò nên không nhịn được nữa, vội đi thẳng vào vấn đề mà hỏi: "Chàng có biết người trong lòng của Thành An là ai không?"

Trần Thuyên ngưng động tác, quay sang nhìn tôi, trên mặt không chút cảm xúc: "Sao tự dưng lại hỏi về Thành An?"

Tôi liền trả lời mập mờ: "Thì... Đông Ly có tình cảm với y, nhưng lại bảo rằng trong lòng y có người khác rồi... Em chỉ lo lắng cho con bé một chút thôi..."

Điều này là thật.

"Ta cũng không biết đó là ai." Trần Thuyên chậm rãi xúc một thìa chè, dịu dàng đưa gần tới miệng tôi. "Nhưng nếu ta không lầm thì Thành An giữ mối tương tư này đã gần mười năm rồi."

Tôi ngoan ngoãn ăn miếng chè của Trần Thuyên, tay day day thái dương. Mười năm của Thành An thì ăn đứt vài năm ngắn ngủi của Đông Ly rồi còn đâu?

Trông biểu hiện của Trần Thuyên thì có vẻ như anh không nói dối, và thực tế là anh cũng chẳng hề quan tâm tới chuyện tình cảm của Thành An là mấy.

Nhưng mà... Thành An đã theo Trần Thuyên từ thuở niên thiếu, lẽ nào anh lại không biết bất cứ điều gì về Thành An?

"À phải rồi, em có nghe Đông Ly nhắc tới một thứ, nghe đâu Thành An luôn giữ bên mình... Rất có thể nó là của cô gái nọ." Tôi nhẹ nhàng dẫn dắt.

Trần Thuyên nhìn tôi: "Ừ, là thứ gì?"

Hoá ra anh không biết thật.

Tôi chăm chú quan sát nét mặt anh, đáp: "Là một bức tranh vẽ hoa sen dưới ánh trăng. Liên hoa vọng nguyệt."

Vốn là tôi đã sẵn sàng đón nhận một cái lắc đầu của Trần Thuyên, nhưng ngờ đâu, toàn thân anh như đóng băng, tay đang chuẩn bị đặt bát chè vào khay cũng dừng lại. Lông mày Trần Thuyên nhướn lên, mắt mở to hơn, hàm dưới hơi hạ xuống, đồng thời hít ngược một hơi vào lồng ngực.

Biểu cảm này chỉ thoáng qua trong khoảnh khắc, chỉ giây lát thôi Trần Thuyên đã đeo lên nét mặt dửng dưng như thường.

Được rồi, vậy là anh cũng biết người con gái bí ẩn nọ.

Tôi thấp giọng hỏi: "Cô gái ấy là ai?"

Trần Thuyên chưa kịp đáp lời, tôi đã nghiêm mặt: "Chàng không được nói dối em là không biết nữa."

Anh cân nhắc hồi lâu rồi đáp: "Được rồi, nàng ta là một người bạn cũ của Thành An, vài năm trước đã theo chồng rời khỏi Thăng Long rồi."

Thấy tôi vẫn chưa chịu chấp nhận, Trần Thuyên thở dài: "Chỉ không ngờ được là y vẫn không thể buông bỏ mối tình này..."

Hừm, có gì đó không hợp lý lắm.

"Ái chà, ái chà!"

Tôi và Trần Thuyên cùng ngước lên, bắt gặp Trần Quốc Chẩn từ đâu đi tới, một thân viên lĩnh là lượt, trên miệng phảng phất nụ cười như có như không.

Hai má tôi chợt nóng bừng lên, theo phản xạ cúi gằm mặt xuống, chỉ muốn trốn sau lưng Trần Thuyên mà không được.

Trần Quốc Chẩn đi một mình, ngoắc tay nói với chị bán hàng: "Chị gái cho một bát chè nhé!"

Level lả lướt của Trần Quốc Chẩn cao gấp đôi anh trai mình, chẳng thế mà chị hàng chè khoai cũng đỏ hây hây hai má, cười tủm tỉm mãi không dứt. (1)

Tôi lí nhí nói: "Nơi này không tiện hành lễ, mong Vương thứ tội."

Cậu ta bật cười, hai mắt sáng như đèn pha: "Anh trai ta còn ngồi đây, không dám để tiểu thư phải bận tâm."

Xuất hiện hai người họ Trần một chỗ thế này, tôi cảm thấy sức chiến đấu của mình như giảm đi một nửa.

Trần Thuyên vỗ vỗ tay tôi, quay sang bảo Quốc Chẩn: "Nay chú cũng rảnh rỗi quá nhỉ?"

"Anh thì khác gì?" Cậu ta nhe răng cười. "Chỉ tội em cô đơn sớm tối, anh lại có giai nhân kề bên."

Không đợi Trần Thuyên đáp lại, tôi nhíu mày, sẵng giọng nói với Quốc Chẩn: "Vương tập trung ăn chè đi, nói ít thôi."

Chàng trai của tôi phì cười, càng nắm chặt tay tôi hơn: "Anh phải đem câu này của chú kể lại với vương phi cùng thiếp thất trong phủ, để xem chú chịu tội thế nào."

Trần Quốc Chẩn xua xua tay, tỏ ý không dám gây sự thêm nữa.

Hai người đàn ông ngồi giữa đường giữa chợ mà thì thầm chuyện chính sự, do diện mạo anh tuấn hơn người nên thu hút không ít sự chú ý.

Tôi biết ý nên không tò mò nghe trộm, quay sang tán chuyện với chị gái bán chè. Câu chuyện chủ yếu về lý do tại sao tôi lại có thể quen được hai chàng trai xuất chúng đến thế.

Được khoảng nửa khắc, chỉ thấy Trần Quốc Chẩn đứng bật dậy, tức giận ném bát chè xuống đất.

Sao đã cãi nhau rồi?

Cậu ta hừ một tiếng, gằn giọng: "Anh đừng có xen vào chuyện của em."

Trần Thuyên cũng đứng dậy theo: "Anh chỉ muốn tốt cho chú mà thôi, chú thân là quan lớn..."

Đang nói nửa chừng thì anh dừng lại, không lên tiếng nữa.

Trần Quốc Chẩn bừng bừng lửa giận, phất áo bỏ đi.

Tôi đành cười trừ với chị bán chè: "Chị tính cả tiền bát vỡ cho bọn em nhé."

Chị ta ớ người, mãi sau mới đáp: "Trông xinh trai mà nóng tính gớm nhỉ?"

Trả tiền xong, tôi kéo Trần Thuyên nhanh chóng rời khỏi góc phố ấy, tránh đi ánh nhìn tò mò của người đi đường.

Tôi thì thầm hỏi: "Huệ Vũ vương làm sao đấy ạ?"

Trần Thuyên bóp trán: "Nửa năm nay Huệ Vũ ham chơi quá, không chịu để tâm tới chính sự."

Thấy anh có vẻ bực dọc, tôi buột miệng trêu: "Hay là chàng cứ dọa sẽ giáng Huệ Vũ vương làm dân thường cho cậu ta sợ?" Rồi nhại giọng Trần Thuyên: "Trẫm còn tại vị mà ngươi còn dám như thế, huống chi sau này?" (2)

Rõ ràng là đối với anh, trò đùa này không vui chút nào.

Trần Thuyên híp mắt nhìn tôi: "Kẻ nào dám kể với nàng? Là Nhữ Hài?"

Tôi vội chối: "Không, không phải cậu ta. Chuyện này..."

... hậu thế bảy trăm năm sau đều biết, Quan gia của tôi ạ!

Câu trên tôi đương nhiên không dám nói ra miệng, chỉ tìm cách lảng tránh cho bằng được.

"Dân nữ không biết tốt xấu, xin Quan gia tha mạng!" Tôi hô lên thảm thiết.

Cũng may Trần Thuyên chỉ hừ một tiếng rồi thôi, không chấp nhặt với tôi, đúng là một người có lòng bao dung độ lượng.

Hai chúng tôi cùng nhau tản bộ, trong chốc lát đã ra đến một địa điểm quen thuộc - hồ Nhật Thịnh.

—-

(1) Level: Có nghĩa là Cấp độ

(2) Theo Đại Việt Sử ký Toàn thư:

Quan gia (tức Trần Anh Tông) say rượu, bị Thượng hoàng (Trần Nhân Tông) trách phạt, mắng là: "Trẫm còn có con khác, cũng có thể nối ngôi được. Trẫm đang sống mà ngươi còn như thế, huống chi sau này?"

Lời của Niệm Tâm chính là nhại lại câu trên.

Bình luận

  • Bình luận

  • Bình luận Facebook

Sắp xếp

Danh sách chương